Ông Masoud Pezeshkian giữ cương vị Tổng thống Iran trong bối cảnh cấu trúc an ninh Trung Đông đã có nhiều thay đổi. Bản thân Iran cũng đang đứng trước những thách thức an ninh mới. Do vậy, bài toán chiến lược đặt ra đối với tân Tổng thống Iran không hề đơn giản. Để duy trì vị thế của mình ở khu vực, việc tăng cường quan hệ với các đối tác lớn và thân thiện là điều đặc biệt quan trọng. Xét trong cục diện hiện tại, Iran đang ở thế đối đầu với Israel và các đồng minh của họ. Nga có thể được xem là một trong những lựa chọn chiến lược của Iran nhằm tạo dựng thế cân bằng với các “kẻ thù”. Đây chắc chắn sẽ là một trong những ưu tiên ngoại giao của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian.
Quan hệ Nga – Iran trong thời gian gần đây
Quan hệ giữa Moskva và Tehran luôn là mối quan hệ có tầm quan trọng đối với cả hai bên, đồng thời tác động chung tới cả khu vực và thế giới, vì thế hai bên trong thời gian gần đây luôn đề cao và hướng tới phát triển hơn nữa quan hệ này. Đối thoại chính trị Nga – Iran dựa trên sự trùng hợp hoặc tương đồng về lập trường của hai nước trong hầu hết các vấn đề trong chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, cụ thể là xây dựng trật tự thế giới đa cực dựa trên luật pháp quốc tế, tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề quốc tế và chống lại những thách thức và mối đe dọa mới. Tương tác với Iran là một lĩnh vực quan trọng để đảm bảo lợi ích quốc gia của Nga và nhằm mục đích tăng cường sự ổn định và an ninh ở Transcaucasus và Trung Á, Cận và Trung Đông. Hai nước thường xuyên duy trì liên lạc ở mức cao nhất.
Sau khi vụ tai nạn trực thăng khiến cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời, ngày 20/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Lãnh tụ tối cao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Khamenei liên quan đến cái chết của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Cùng ngày, ông Putin đã có cuộc điện đàm với quyền người đứng đầu Cơ quan Hành pháp của Iran, Mohammad Mokhber. Những cuộc điện đàm được tiếp tục thực hiện sau đó vào các ngày 13/6 và 26/6. Vào ngày 23 tháng 5, Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin đã đến dự lễ tang Cố Tổng thống Ebrahim Raisi. Thay mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Volodin đại diện cho Liên bang Nga tại các sự kiện để tang ở Tehran. Trong chuyến thăm Tehran, ông Volodin đã gặp người đứng đầu Cơ quan Hành pháp của Iran, Mohammad Mokhber. Vào ngày 10 tháng 6 năm 2024, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Ali Bagheri-Kyani, bên lề cuộc gặp của các ngoại trưởng BRICS tại Nizhny Novgorod. Các cuộc tham vấn liên Bộ trưởng Nga – Iran được tổ chức thường xuyên ở cấp Thứ trưởng về các vấn đề quan hệ song phương, JCPOA, các vấn đề ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như giải quyết tình hình ở Syria và Afghanistan. Mối liên hệ cũng đã được thiết lập ở cấp bộ, ngành của hai nước[1].
Theo kết quả quý I/2024, kim ngạch thương mại song phương hai nước tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, xuất khẩu từ Nga sang Iran tăng 77%, nhập khẩu từ Iran tăng 13%. Nga cung cấp cho Iran ngũ cốc và hạt có dầu, gỗ xẻ, hóa học vô cơ, thiết bị cơ khí, giấy và bìa cứng; ngược lại rau và trái cây, các loại hạt, sản phẩm từ sữa, nhựa, sản phẩm kim loại màu, vật liệu xây dựng và đá, sản phẩm ống nước được nhập khẩu từ. Vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Thương mại Nga – Iran đã được tổ chức tại Tehran.
Ngày 6/7, Iran và Nga đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của đồng Rúp và đồng Rial trong các giao dịch thương mại. Thỏa thuận này nhằm tăng cường quan hệ tài chính và kinh tế cũng như chống lại tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế của hai quốc gia. Với việc Iran đã tham gia hệ thống thanh toán MIR của Nga, người Iran sẽ có thể rút tiền từ các máy ATM của Nga bằng thẻ ngân hàng Iran trong thời gian tới. Giai đoạn thứ hai của kế hoạch là kết nối mạng MIR của Nga với SHETAB của Iran[2].
Ngày 8/7, Tổng thống đắc cử của Iran Masoud Pezeshkian và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm, trong đó trao đổi quan điểm việc thúc đẩy quan hệ song phương. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Iran và Nga đã bày tỏ sẵn sàng ký kết một thỏa thuận hợp tác toàn diện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển hàng đầu BRICS dự kiến diễn ra tại thành phố Kazan, Nga, vào tháng 10 tới. Ông Pezeshkian cho biết Iran coi trọng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng và thân thiện, đồng thời sẽ tăng cường các mối quan hệ như vậy. Theo ông, Tehran sẽ tập trung theo dõi và thực hiện các thỏa thuận song phương đã đạt được dưới thời cố Tổng thống Ebrahim Raisi. Sự hợp tác giữa Tehran và Moskva trong khuôn khổ các tổ chức, liên minh và hiệp ước ở cấp khu vực và quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS và Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng đã được đề cập đến[3].
Trong bài báo có tựa đề “Thông điệp tới thế giới mới” của Tân Tổng thống Iran, ông cho rằng Nga là một đồng minh chiến lược có giá trị và là láng giềng của Iran, và chính quyền Tehran sẽ tiếp tục mở rộng cũng như tăng cường hợp tác với Moskva.
Mới đây nhất, ngày 5/8, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Sergei Shoigu đã đến Iran trong nỗ lực thắt chặt hợp tác an ninh giữa Moskva và Tehran. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc gặp với các quan chức quân sự và an ninh cấp cao của Iran cũng như tân Tổng thống Masoud Pezeshkian để thảo luận về việc tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh và quân sự[4].
Khó khăn còn tồn đọng trong quan hệ giữa Nga và Iran
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nga và Iran đã trở nên gần gũi hơn, chủ yếu do sự đối địch chung với Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông và xung đột giữa Nga và Ucraina đang tạo ra những thách thức mới trong quan hệ giữa hai bên. Nga và Iran đã trở thành đối tác quan trọng trong nhiều vấn đề khu vực. Hai bên có thể lấp đầy khoảng trống trong năng lực tình báo và quân sự của nhau, Nga chế tạo máy bay và hệ thống phòng không tiên tiến, trong khi Iran phát triển thiết bị bay không người lái và tên lửa đầy uy lực. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ucraina kể từ năm 2022 đã thay đổi cán cân trong mối quan hệ này. Sức mạnh quân sự của Nga bị ảnh hưởng và nền kinh tế của nước này bị tác động nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong khi đó, Iran giờ đây cũng đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình với những sự leo thang trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Các vấn đề này có nghĩa là mỗi quốc gia đều có ít năng lực dự phòng để cung cấp vũ khí mà quốc gia kia cần nhất, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trước bối cảnh đó, Iran được cho là đã từ chối đề nghị của Nga về việc cung cấp tên lửa đạn đạo, mặc dù nước này sở hữu hàng nghìn tên lửa[5].
Trong lĩnh vực kinh tế, năm 2023 kim ngạch thương mại giữa hai bên giảm 20% so với năm trước đó. Những vấn đề cản trở hoạt động kinh doanh của Nga và Iran vẫn như trước: thiếu cơ chế thanh toán và hậu cần hiệu quả; hệ thống ngân hàng được tích hợp chính thức nhưng trên thực tế, dịch vụ chuyển tiền thông thường vẫn chưa xuất hiện – các tùy chọn hiện có tính phí hoa hồng quá cao; việc giải quyết các vấn đề hậu cần cũng đang diễn ra chậm chạp[6].
Trong quan hệ với một số quốc gia Trung Đông khác, Iran coi Israel là đối thủ hàng đầu còn Nga thì vẫn duy trì quan hệ đầy đủ với nước này, bao gồm cả việc miễn thị thực cho công dân của nhau và các chuyến bay thẳng hàng ngày vẫn tiếp tục ngay cả khi các hãng hàng không từ Mỹ ngừng liên kết với Tel Aviv. Nga cũng đang củng cố quan hệ với các đối thủ Ả Rập của Iran là Ả Rập Xê Út và UAE.
Dự báo quan hệ Nga – Iran trong thời gian tới
Theo bà Elena Suponina, chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga và phương Đông, mối quan hệ của Iran với Mỹ và Nga sau cái chết của Tổng thống nước này Ebrahim Raisi trong vụ tai nạn máy bay sẽ không thay đổi. Bà chia sẻ rằng: “Chính sách duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga và Trung Quốc của Iran sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Những người hiện đang lãnh đạo đất nước hoàn toàn tuân thủ đường lối giống như Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao đã qua đời. Căng thẳng với Washington sẽ tiếp tục duy trì” [7].
Chiến thắng bất ngờ của nhà cải cách Masoud Pezeshkian trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran đã cho thấy phe bảo thủ của nước này ngày càng không thể cưỡng lại mong muốn thay đổi ngày càng tăng của người dân. Sự thay đổi đang được tìm kiếm bao gồm một chính sách đối ngoại mới của Iran, trên hết có thể là bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Chiến thắng bất ngờ của ông Pezeshkian diễn ra sau ba năm phe bảo thủ của Iran kiểm soát mọi nhánh của chính phủ. Khi Cố Tổng thống Ebrahim Raisi nhậm chức vào năm 2021, có vẻ như phe bảo thủ đã thành công trong việc kiểm soát hệ thống chính trị và tất cả các ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách sẽ khó có cơ hội ứng cử. Cuộc bầu cử vào tháng 3/2021 của Hội đồng Cố vấn Hồi giáo Iran, trong đó phe bảo thủ giành được 233 trong số 290 ghế, dường như đã xác nhận quan điểm này. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Pezeshkian trong cuộc bầu cử năm nay cho thấy hệ thống bầu cử của Iran vẫn có thể tạo ra bất ngờ.
Khi nói đến chính sách đối ngoại, mong muốn thay đổi này thể hiện ở việc chấm dứt tình trạng cô lập toàn cầu của Iran. Ông Pezeshkian đã nói rất nhiều về điều này trong chiến dịch tranh cử và giống như những nhà cải cách trước đây, ông công khai kêu gọi cải thiện quan hệ với châu Âu và giảm căng thẳng với Washington. Tuy nhiên, “bình thường hóa quan hệ với phương Tây” giống một khẩu hiệu tranh cử tiện lợi hơn là một chương trình chính sách đối ngoại thực sự. Ngay cả khi Iran thực sự muốn thay đổi lộ trình, vẫn chưa rõ làm thế nào họ có thể thực sự đạt được sự thay đổi đột ngột như vậy trong tình hình hiện tại. Vấn đề lớn nhất của Tehran là các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn đã gia tăng về quy mô và phạm vi trong những năm gần đây. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi vào năm 2018 có khả năng sẽ thất bại. Cũng không rõ liệu Washington và châu Âu có sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay thậm chí là kiềm chế không áp đặt lệnh trừng phạt mới hay không. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Pezeshkian đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay sau khi giành chiến thắng, bất chấp mọi lời lẽ ủng hộ bình thường hóa với phương Tây của mình. Nhà cải cách Iran đã hứa với Putin rằng vào tháng 10, hai bên sẽ ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn đã được thảo luận trong nhiều năm. Bản thân Tổng thống Pezeshkian không có nhiều chỗ để xoay xở khi nói đến việc xem xét lại mối quan hệ của Iran với Nga. Bất kể nhu cầu bình thường hóa quan hệ với phương Tây mạnh mẽ đến đâu, Tehran không thể không làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Moskva và Bắc Kinh trong những năm tới[8].
Cho đến nay, chương trình nghị sự Nga – Iran khá rộng. Cả hai nước đang phối hợp lập trường và trao đổi thông tin về một số vấn đề quốc tế, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran, chiến tranh ở Syria, tình hình ở khu vực biển Caspi, các tiến trình chính trị và an ninh của Afghanistan, an ninh Vịnh Ba Tư và nhiều vấn đề khác. Theo truyền thống, Iran được Nga quan tâm vì là một bên tham gia quan trọng trên thị trường dầu khí và là quốc gia mà Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Trung Đông. Sau năm 2022, Iran trở thành một nhân tố quan trọng trong các kế hoạch xây dựng hành lang giao thông nhằm tránh các lệnh trừng phạt – một khía cạnh khác của việc phục hồi quan hệ kinh tế Nga – Iran. Iran không chỉ giúp Nga trong cách lách lệnh trừng phạt mà còn đóng vai trò là phương tiện để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, ngay cả Lãnh tụ Tối cao cũng có thể thay đổi hướng đi đối với Nga nếu lợi ích của chế độ đòi hỏi. Và có ít nhất hai yếu tố có thể thúc đẩy ông điều chỉnh quan hệ với Nga đó là lệnh trừng phạt và nền kinh tế đang suy thoái của đất nước.
Bất kỳ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và khôi phục quan hệ với phương Tây nào cũng sẽ đòi hỏi Tehran phải xem xét lại quan hệ với Nga, mặc dù không nhất thiết phải ngay lập tức. Moskva rõ ràng nhận thức được điều này. Ngay sau cái chết của Cố Tổng thống Raisi, Điện Kremlin đã cố gắng tạm dừng thảo luận về thỏa thuận song phương dài hạn, mong muốn xem kết quả của cuộc đua Tổng thống ở Iran. Sự thận trọng của Điện Kremlin là dễ hiểu. Trước hết, không phải tất cả các ứng cử viên đều quan tâm đến việc hợp tác với Moskva. Ông Pezeshkiyan, trong quá trình tranh cử, đã phản đối sự phụ thuộc đơn phương của Tehran vào sự hợp tác với Nga và Trung Quốc. Ông đã khéo léo lưu ý rằng tiềm năng đầy đủ của những mối quan hệ này chỉ có thể được bộc lộ sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và chính sách đa phương được thiết lập – ngụ ý sự tiếp xúc với phương Tây[9].
Dẫu vậy, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong quan hệ Iran – Nga đều có thể sẽ diễn ra chậm, xét đến môi trường chính sách đối ngoại hiện không có lợi cho sự xích lại gần nhau của Tehran với các đối thủ của mình. Hơn nữa, như kinh nghiệm trước đây cho thấy, các chính phủ mới ở Tehran rất nhanh chóng trở nên “vỡ mộng” với triển vọng cải thiện quan hệ với phương Tây và chắc chắn sẽ tập trung vào quan hệ với Nga. Điểm mấu chốt là trong khi không có cơ hội để sửa đổi ngay lập tức và sâu sắc mối quan hệ Nga – Iran, sự xói mòn của quan hệ hiện tại hoàn toàn có thể xảy ra trong trung hạn, nếu tổng thống mới thành công trong việc khởi động quá trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1]. RIA NOVOSTI (2024), “Межгосударственные отношения России и Ирана”, https://ria.ru/20240704/diplomatiya-1957079228.html
[2]. TASS (2024), “В ЦБ Ирана заявили, что соглашение о свопе с РФ поможет укрепить нацвалюты”, https://tass.ru/ekonomika/21314401
[3]. VEDOMOSTI (2024), “Путин провел телефонный разговор с исполняющим обязанности президента Ирана”, https://www.vedomosti.ru/politics/news/2024/06/13/1043689-putin-provel-telefonnii
[4]. IZVECTIA (2024), “Секретарь Совбеза РФ Шойгу прибыл в Иран”, https://iz.ru/1738169/2024-08-05/sekretar-sovbeza-rf-shoigu-pribyl-v-iran
[5]. THE WALL STREET JOURNAL (2024), “Russia-Iran Ties Are Being Strained by Parallel Conflicts”, https://www.wsj.com/world/russia-iran-ties-being-strained-by-parallel-conflicts-15155173
[6]. CARNEGIE (2024), “Россия без Раиси. Почему сближение с Ираном трудно и замедлить, и ускорить”, https://carnegieendowment.org/russia-eurasia/politika/2024/05/russia-wihout-iran-raisi?lang=ru
[7]. LENTA (2024), “Предсказано будущее отношений Ирана с Россией и США после гибели Раиси”, https://lenta.ru/news/2024/05/20/changes/
[8]. CARNEGIE (2024), “Is Iran’s Pro-Reform President a Threat to Russia-Iran Ties?”, https://carnegieendowment.org/russia-eurasia/politika/2024/07/iran-new-president-pezeshkian?lang=en
[9]. CHATHAM HOUSE (2024), “Iran’s election may change the direction of its relations with Russia”, https://www.chathamhouse.org/2024/06/irans-election-may-change-direction-its-relations-russia