Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu diễn ra cách đây ít tháng. Bên cạnh việc tập trung vào vấn đề nhân sự, sự kiện này cũng đã thể hiện một số chương trình nghị sự chiến lược của EU trong 5 năm tiếp theo, đáng chú ý có vấn đề về an ninh, quốc phòng, tính cạnh tranh, năng lượng, di cư và mở rộng liên minh [1].
Dưới đây là một số phân tích chi tiết về các nội dung chính của chương trình nghị sự chiến lược nhiệm kỳ 2024 – 2029 của Liên minh châu Âu, phản ứng từ các bên, dự báo tác động, và hàm ý đối với Việt Nam.
Các ưu tiên của Liên minh châu Âu (EU) 2024 – 2029
Sau cuộc bầu cử ở châu Âu vào tháng 6 năm 2024, EU đã đặt ra một số ưu tiên nhằm định hình chương trình nghị sự chính trị và chính sách cho đến năm 2029. Những ưu tiên này nhằm giải quyết những thách thức chính mà EU và các công dân của EU phải đối mặt [2].
Các nội dung nghị sự được xây dựng xuất phát từ cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo EU, các bộ trưởng quốc gia, các tổ chức EU và các nhóm chính trị được bầu vào Nghị viện châu Âu. Vào tháng 6 năm 2024, Hội đồng châu Âu đã đặt ra các ưu tiên của mình trong chương trình nghị sự chiến lược của EU giai đoạn 2024 – 2029. Điều này đóng vai trò là khởi đầu cho các ưu tiên chính trị của Ủy ban châu Âu (EC) mà Ủy ban này đưa ra trước khi nhậm chức với nhiệm kỳ 5 năm.
Trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029, các nhà lãnh đạo EU đã đặt ra 3 lĩnh vực ưu tiên để định hướng nhiệm vụ của các thể chế EU trong 5 năm tới, đó là: (1) Một châu Âu tự do và dân chủ; (2) Một châu Âu mạnh mẽ và an toàn; (3) Một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh.
Những năm qua, EU đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đến đại dịch COVID-19 và chiến dịch quân sự tại Ukraine. Vì vậy, yêu cầu về một kế hoạch chiến lược rõ ràng ngày càng trở nên cấp thiết. Bằng cách tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên mới, EU sẽ giúp châu Âu có chủ quyền hơn và được trang bị tốt hơn để đối phó với các thách thức trong tương lai [3].
Quy trình thiết lập những ưu tiên của EU
Trước khi bắt đầu một nhiệm kỳ lập pháp mới – khoảng thời gian 5 năm tại vị của Ủy viên Châu âu và thành viên Nghị viện châu Âu (MEP – Member of European Parliament) – những người đứng đầu nhà nước/chính phủ của tất cả các quốc gia EU sẽ gặp nhau, dưới hình thức Hội đồng Châu Âu, để thiết lập những ưu tiên chính trị chính thức của EU.
Những ưu tiên này hình thành chương trình nghị sự chiến lược (strategic agenda) – tài liệu này giúp định hướng các thể chế của EU và cách thức triển khai những ưu tiên này. Chương trình nghị sự chiến lược được xem là các hướng dẫn chính trị của Ủy ban Châu Âu. Các ưu tiên sẽ xác định những chính sách chính và các bước mà Ủy ban dự định tuân thủ nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu chính trị của mình. Hướng dẫn chính trị tạo thành cơ sở cho các chương trình nghị sự hàng năm của Ủy ban. Những điều này đặt ra các sáng kiến nhằm thực hiện các ưu tiên trong 12 tháng tiếp theo [4].
Chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 đã được đưa ra tại cuộc họp không chính thức của Hội đồng Châu Âu ở Granada, Tây Ban Nha, vào ngày 6 tháng 10 năm 2023. Trong những tháng tiếp theo, các nhà lãnh đạo EU thường xuyên thảo luận về phương hướng và mục tiêu của EU trong những năm tới. Chương trình nghị sự chiến lược sau đó đã được thông qua vào ngày 27 tháng 6 năm 2024, tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra tại Bỉ [5]. Những ưu tiên này sẽ đóng vai trò chỉ đạo công việc của các tổ chức EU trong 5 năm tới [6].
Bối cảnh ra đời những ưu tiên trong chương trình nghị sự 2024 – 2029
Khi bối cảnh chính trị toàn cầu đang được định hình lại bởi sự cạnh tranh chiến lược, bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng và những động thái làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,… khiến cho EU cần một kế hoạch chiến lược rõ ràng và một khuôn khổ hành động vững chắc.
Trước những thách thức chưa từng có, từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tình hình ở Trung Đông và tác động của đại dịch COVID-19, EU ngày một phát triển mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Để tiếp tục đi trên con đường này, EU sẽ thực hiện nguyện vọng của người dân và tăng cường khả năng cạnh tranh, trở thành lục địa trung lập về khí hậu đầu tiên, giải quyết vấn đề di cư và đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tại cuộc họp ở Brussels vào ngày 27 tháng 6 năm 2024, Hội đồng Châu Âu đã nhất trí về chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029. Nó đặt ra các ưu tiên và định hướng chiến lược của EU. Như vậy, nó sẽ hướng dẫn công việc của các tổ chức EU [7].
“Số phận của chúng ta nằm trong tay của chính chúng ta. Chúng tôi có tài năng, lòng can đảm và tầm nhìn để định hình thành công tương lai của mình. Chương trình nghị sự chiến lược này là cam kết chung của chúng ta nhằm phục vụ công dân một cách rõ ràng và hoàn thành mục tiêu nền tảng của chúng ta là hòa bình và thịnh vượng.” – Chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 [8].
Trước bối cảnh toàn cầu đang thay đổi và sự bất ổn ngày càng tăng, chương trình nghị sự chiến lược sẽ làm cho châu Âu có chủ quyền hơn và được trang bị tốt hơn để đối phó với những thách thức trước mắt và trong tương lai. Chương trình này được thiết lập xung quanh ba trụ cột: (1) Một châu Âu tự do và dân chủ; (2) Một châu Âu mạnh mẽ và an toàn; (3) Một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh.
Một châu Âu tự do và dân chủ
Các giá trị như tôn trọng nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, bao gồm quyền của các nhóm thiểu số, là sức mạnh chính của EU, cũng như trên toàn cầu.
Để duy trì các giá trị này trong và ngoài EU, các ưu tiên của Hội đồng Châu Âu trong lĩnh vực này bao gồm: (1) Duy trì các giá trị châu Âu trong EU; (2) Sống theo các giá trị của EU ở cấp độ toàn cầu [9].
Một châu Âu mạnh mẽ và an toàn
Trong một thế giới ngày càng đối đầu, nhiều giao dịch và sự bất ổn định, EU phải có khả năng thích ứng, đồng thời khẳng định tham vọng và vai trò của mình với tư cách là một bên tham gia chiến lược toàn cầu. Châu Âu phải là nơi mà mọi người đều cảm thấy tự do và an toàn.
Trong lĩnh vực này, các ưu tiên của Hội đồng Châu Âu bao gồm: (1) Đảm bảo hành động bên ngoài mạch lạc và có ảnh hưởng; (2) Tăng cường an ninh và quốc phòng của EU và bảo vệ công dân EU; (3) Chuẩn bị cho một Liên minh lớn hơn và mạnh mẽ hơn; (4) Theo đuổi cách tiếp cận toàn diện về di cư và quản lý biên giới [10].
Một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh
EU quyết tâm tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài, đồng thời cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội của người dân. Điều này bao gồm việc tăng sức mua của người dân, tạo việc làm và đảm bảo chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Để củng cố chủ quyền của châu Âu trong các lĩnh vực chiến lược và biến khối này thành một “cường quốc công nghệ và công nghiệp”, các ưu tiên của EU trong lĩnh vực này bao gồm: (1) Tăng cường khả năng cạnh tranh của EU; (2) Tạo nên thành công của quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số; (3) Thúc đẩy môi trường đổi mới và thân thiện với doanh nghiệp; (4) Cùng nhau tiến bộ [11].
Sự điều chỉnh của Chương trình nghị sự chiến lược mới (2024 – 2029) so với các chương trình trước đó (2019 – 2024)
Chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 là chương trình nghị sự thứ ba, sau các chương trình cho các năm 2014 – 2019 và 2019 – 2024. Việc xem xét sự điều chỉnh chiến lược so với những phiên bản trước đó, sẽ có thể đánh giá đầy đủ vai trò của phiên bản mới nhất như một công cụ thiết lập các ưu tiên chính trị của Liên minh cho nhiệm kỳ thể chế mới. Một báo cáo của Nghị viện châu Âu đã phân tích liệu chương trình nghị sự chiến lược mới đây có phải là bản kế thừa hay thay đổi so với tài liệu 2019 – 2024.
Phiên bản chương trình nghị sự chiến lược 2019 – 2024 được thiết kế với 4 ưu tiên chủ chốt: (1) Bảo vệ công dân và quyền tự do; (2) Phát triển nền tảng kinh tế vững mạnh và sôi động; (3) Xây dựng một châu Âu trung lập về khí hậu, xanh, công bằng và xã hội; (4) Thúc đẩy lợi ích và giá trị của châu Âu trên trường toàn cầu [12].
Như vậy, chương trình nghị sự chiến lược nhiệm kỳ 2019 – 2024 có số lượng ưu tiên chính trị nhiều hơn. Trong đó, xét về phiên bản mới nhất, thứ tự ưu tiên chính và sự thay đổi về nội dung có sự khác biệt. Lần đầu tiên, một ưu tiên cụ thể về dân chủ đã đứng đầu danh sách ưu tiên.
Tổng thể, những ưu tiên mới nhất không còn đề cập đến các vấn đề về khí hậu, hay xã hội trong các ưu tiên hàng đầu, những vấn đề chính sách này hiện nay chỉ là những ưu tiên phụ. Ưu tiên “Phát triển nền tảng kinh tế vững mạnh” trong Chương trình nghị sự chiến lược 2019 – 2024 tương tự như ưu tiên “Một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh” trong Chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029. Ưu tiên chính sách mới về “Một châu Âu mạnh mẽ và an toàn” tập hợp các ưu tiên chính sách vốn được coi là các lĩnh vực chính sách riêng biệt trước đó, cụ thể là “Bảo vệ công dân và quyền tự do” và “Thúc đẩy lợi ích và giá trị của Châu Âu trên thế giới”. Việc sáp nhập những ưu tiên này phản ánh tình hình địa chính trị đang thay đổi cũng như mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh trong và ngoài EU, đồng thời tác động đến Liên minh về tình hình trong khu vực lân cận EU. Ưu tiên chính sách này cũng bao gồm ưu tiên phụ “Chuẩn bị cho một Liên minh lớn hơn và mạnh mẽ hơn”, nhằm giải quyết khả năng mở rộng của EU, một chủ đề hoàn toàn không được đề cập trong Chương trình nghị sự chiến lược 2019 – 2024 [13].
Đối với những khía cạnh chính sách vẫn được tiếp tục, kế thừa từ chương trình nghị sự năm 2019 – 2024, bao gồm các hoạt động của khối Schengen[1], kiểm soát biên giới bên ngoài, hỗ trợ Liên hợp quốc và tính trung lập về khí hậu. Báo cáo của Nghị viện châu Âu cho thấy rằng 50% tất cả các khía cạnh này đã được tiếp thu từ chương trình nghị sự chiến lược trước đó. Bên cạnh đó, mặc dù đây không phải là chủ đề nổi bật, những nhóm chính sách được nhắc đến thường xuyên nhất là việc làm và các vấn đề xã hội, với 67% các khía cạnh vẫn được giữ nguyên. Năng lượng và khí hậu cũng ở mức cao, với 56%, tiếp theo là các chính sách đối ngoại với 54% [14].
Đối với những khía cạnh chính sách được tiếp tục và xây dựng kỹ càng hơn, những yêu cầu trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số đã được chú trọng. Trong cả hai tài liệu, các nhà lãnh đạo EU đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra các dịch vụ điện tử chất lượng cao. Tuy nhiên, trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029, các nhà lãnh đạo EU chỉ rõ rằng các dịch vụ này sẽ được thực hiện bằng cách xây dựng dựa trên danh tính kỹ thuật số của EU. Khi một khía cạnh được phát triển hơn trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 so với trước đây, điều đó có xu hướng chỉ ra rằng các cuộc thảo luận cấp cao đã diễn ra về những chủ đề đó trong 5 năm qua và đã đạt được một số thỏa thuận nhất định [15].
Đối với những khía cạnh chính sách có sự thay đổi rõ ràng về trọng tâm, nghĩa là khía cạnh chính sách vẫn được duy trì nhưng với nội hàm khác hoặc được đặt trong bối cảnh khác, trong đó, đáng chú ý nhất là các chính sách đối ngoại. Trường hợp liên quan đến việc “chống lại các mối đe dọa mạng”, vốn trước đây chỉ là vấn đề an ninh nội bộ, nhưng giờ đây cũng được thừa nhận trong bối cảnh quốc phòng. Một sự thay đổi trọng tâm khác trong nhóm chính sách khí hậu và năng lượng liên quan đến cách tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu. Tài liệu trước coi đây là một “mối đe dọa hiện hữu”, trong khi tài liệu mới nêu rõ sự cần thiết phải “thực tế” trên con đường hướng tới sự trung lập về khí hậu [16].
Đối với những khía cạnh chính sách mới, có 15% các vấn đề chính sách là hoàn toàn mới, có nghĩa là không có nội dung nào đề cập đến những điểm này trong chương trình nghị sự chiến lược trước đó. Hai nhóm chính sách có tỷ lệ khía cạnh mới cao nhất là quan hệ đối ngoại (19%) và chính sách kinh tế (20%). Hầu hết những bổ sung trong cụm chính sách kinh tế đều xoay quanh vấn đề “khả năng cạnh tranh”, các ví dụ bao gồm “củng cố chủ quyền trong các lĩnh vực chiến lược”, “thu hẹp khoảng cách tăng trưởng, năng suất và đổi mới của EU với các đối tác quốc tế và đối thủ cạnh tranh chính” và “giảm sự phụ thuộc có hại cũng như đa dạng hóa và đảm bảo chuỗi cung ứng chiến lược” [17].
Những bổ sung chính cho nhóm chính sách đối ngoại liên quan đến hỗ trợ dành cho Ukraine, cũng như mở rộng về an ninh và quốc phòng. Điều này cho thấy rõ ràng sự định hướng lại giữa các chương trình nghị sự chiến lược trước và sau, có sự tính toán đến kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng gần đây. Đặc biệt, trong hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/6, các nhà lãnh đạo đặc biệt quan tâm và dành phần lớn thời gian để thảo luận về các vấn đề quốc phòng với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh với EU, động thái được coi là một bước tiến hướng tới “hòa bình và thịnh vượng” cho châu Âu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về những ưu tiên quốc phòng chung trong giai đoạn 2024 – 2029. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề nghị tăng cường đầu tư phát triển và mua sắm chung các thiết bị quân sự. Mặc dù hội nghị không đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào, nhưng đã đặt nền tảng cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU trong những năm tới. Đây là bước quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của châu Âu trước các mối đe dọa an ninh ngày càng nghiêm trọng [18].
Các nội dung bổ sung vào nhóm tư pháp và nội vụ bao gồm “con đường di cư hợp pháp”, “tăng cường khả năng phục hồi dân chủ” và “bảo vệ đối thoại dân chủ trực tuyến”. Các nội dung bổ sung chính trong lĩnh vực việc làm và xã hội là “tăng cường hợp tác y tế ở cấp độ châu Âu và quốc tế và cải thiện khả năng tiếp cận thuốc men” và “khuyến khích tính di động của nhân tài trong EU và ngoài EU”. Các yếu tố mới trong nhóm chính sách về năng lượng và khí hậu bao gồm “mở rộng năng lực sản xuất của châu Âu đối với các công nghệ và sản phẩm phát thải ròng bằng không” và “thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của các công nghệ sạch”.
Như vậy, ngay cả khi một số điểm mới trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029, điều đó không có nghĩa là Hội đồng châu Âu chưa bao giờ đề cập đến chúng trước đây. Giống như trường hợp các khía cạnh chính sách mà Hội đồng Châu Âu đã xây dựng, nhiều bổ sung mới dựa trên các kết luận trước đây của Hội đồng Châu Âu. Việc một số vấn đề xuất hiện đầu tiên trong các kết luận của Hội đồng Châu Âu và sau đó là trong chương trình nghị sự chiến lược cho thấy rằng chúng được coi là có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn [19].
Báo cáo của Nghị viện châu Âu đã xem xét liệu chương trình nghị sự chiến lược mới có thể hiện sự kế thừa hay điều chỉnh trong các ưu tiên chính sách của EU hay không. Những phân tích trên đã cho thấy chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 tạo thành một sự thay đổi quan trọng trong các ưu tiên chính trị của EU so với chương trình nghị sự chiến lược trước đó, tuy nhiên các yếu tố kế thừa vẫn khá rõ ràng. Những thay đổi rõ ràng nhất là tầm quan trọng của an ninh và quốc phòng, tầm quan trọng của việc mở rộng, bổ sung các yếu tố mới về khả năng cạnh tranh của EU và sự nổi bật của nền dân chủ trong Liên minh và các nơi khác, đây là ưu tiên hàng đầu lần đầu tiên. Một vấn đề đáng chú ý khác là các vấn đề khí hậu và môi trường ít được chú ý hơn. Đồng thời, có mức độ liên tục đáng kể với các chủ đề trong chương trình nghị sự chiến lược 2019 – 2024 [20].
Chưa đến 20% các yếu tố chính sách là hoàn toàn mới, mặc dù độ dài của tài liệu chương trình nghị sự chiến lược đã tăng lên 25%. Quan sát này có xu hướng chỉ ra rằng các ưu tiên trước đây của EU vẫn phù hợp và việc định hình lại chương trình nghị sự chiến lược (thay vì bắt đầu lại từ đầu) được coi là đủ. Điều thú vị là nhiều yếu tố được thêm vào dường như là sự nhắc lại các vấn đề chính sách đã được Hội đồng Châu Âu đề cập và giải quyết trong 5 năm qua. Do đó, chương trình nghị sự mới này dường như là một tập hợp sửa đổi các quan điểm đã được thống nhất trước đó chứ không phải là một bộ hướng dẫn mới hoàn toàn [21].
Nhìn lại phản ứng của các bên
Phản ứng của Nga đối với chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 của EU có thể dự đoán được, xét đến mối quan hệ giữa hai thực thể được đánh giá là chưa có dấu hiệu được cải thiện của Tổng thống Putin, hơn nữa, chương trình nghị sự chiến lược của EU nhiệm kỳ 2024 – 2029 tập trung nhiều hơn vào an ninh và quốc phòng, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột Ukraine, đã làm gia tăng thêm căng thẳng quan hệ giữa các bên.
Những động thái trong chính sách đối ngoại của Nga kể từ khi Nga công bố văn kiện “Khái niệm chính sách đối ngoại” vào tháng 3 năm 2023 đã cho thấy Nga nhận định mối quan hệ giữa Nga với Mỹ cùng phương Tây là chưa có bất kỳ điều kiện cơ bản nào để xây dựng lại mối quan hệ. Trong thông điệp liên bang Nga 2023, Tổng thống Putin bày tỏ lập trường và quan điểm cứng rắn trước những đối tượng kể trên. “Chúng ta cởi mở, đầy chân thành sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây, chúng ta đã nói và nhấn mạnh rằng cả châu Âu và toàn thế giới cần một hệ thống an ninh không thể chia cắt, bình đẳng với tất cả các quốc gia, và trong nhiều năm, chúng ta đã đề nghị các đối tác cùng thảo luận và hợp tác về ý tưởng này. Tuy nhiên đáp lại, chúng ta nhận được những phản ứng không rõ ràng [22].
Có thể thấy, động thái quan tâm đặc biệt đến vấn đề chi tiêu quốc phòng và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine của EU dễ dàng nhận được phản ứng tiêu cực từ Nga, tuy nhiên, chính quyền Putin tuyên bố Nga hoàn toàn có đủ khả năng và đủ nguồn lực cho đến khi nào đạt được mục tiêu của mình tại Ukraine. Đồng thời, Nga cũng tích cực tìm kiếm thị trường và các đối tác mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt từ phía EU nói riêng, và phương Tây nói chung.
Điều quan trọng cần lưu ý là trong khi phản ứng của Nga phần lớn là đối kháng, có thể có những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, chẳng hạn như trong biến đổi khí hậu và năng lượng, nơi lợi ích chung có thể tạo ra cơ hội đối thoại. Tuy nhiên, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng này bị lu mờ bởi những căng thẳng địa chính trị nói chung.
Đối với Mỹ, nhìn chung Mỹ hoan nghênh việc EU tăng cường nhấn mạnh vào an ninh và quốc phòng trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 của mình. Điều này phù hợp với trọng tâm chiến lược của riêng Mỹ nhằm đối phó với cả Nga và Trung Quốc.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Mỹ luôn tìm cách làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với EU, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Điều này bao gồm tăng cường hợp tác về các cuộc tập trận quân sự, chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ quốc phòng. Điều này có thể giải thích với Mỹ và EU đã xác định các lợi ích chiến lược chung, ví dụ như đối phó với xung đột Nga – Ukraine, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, EU chủ trương theo đuổi chính sách tự chủ chiến lược, mặc dù điều này có thể tạo ra một số yếu tố cạnh tranh, nhưng cả Mỹ và EU đều nhận ra tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và đã tìm cách quản lý những căng thẳng tiềm ẩn.
Nhìn chung, Mỹ có thể xem chương trình nghị sự chiến lược của EU là cơ hội để củng cố quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, nhưng cũng nhận ra những thách thức và phức tạp tiềm ẩn liên quan.
Đối với nội bộ thành viên trong Liên minh châu Âu, chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 của EU thể hiện sự thay đổi đáng kể trong các ưu tiên của khối. Chương trình được thiết kế để giải quyết những thách thức cấp bách mà EU đang phải đối mặt.
Về nguyên tắc, các ưu tiên chính trị của EU phải phản ánh các chủ đề mà công dân EU quan tâm và có liên quan ở cấp toàn bộ khối. Ví dụ, vào năm 2019, các cuộc khảo sát của Eurobarometer cho thấy ba chủ đề chính mà công dân EU quan tâm là di cư, chống khủng bố và kinh tế. Do đó, ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự chiến lược 2019 – 2024 là “bảo vệ công dân”, bao gồm cả vấn đề di cư và chống khủng bố. Mối liên hệ tương tự giữa các ưu tiên chính trị và quan điểm của người dân, như được thể hiện trong các cuộc khảo sát của Eurobarometer, có thể được nhận thấy trong chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029. Các ưu tiên chính, đặc biệt là những ưu tiên được đề cập trong mục “một châu u mạnh mẽ và an toàn”, cũng phản ánh các vấn đề như chiến tranh ở Ukraine (35%), di cư (24%) và tình hình quốc tế (22%), vốn là mối quan tâm lớn đối với công dân EU trong những năm gần đây, được thể hiện trong các cuộc khảo sát của Eurobarometer được thực hiện vào năm 2023 và 2024. Ngược lại, mối quan tâm của người dân liên quan đến môi trường chỉ đứng thứ năm, với 16 %, và do đó không được phản ánh theo cách tương tự trong chương trình nghị sự chiến lược mới.
Như vậy, có thể thấy những ưu tiên chiến lược trong chu kỳ 2024 -2029 đã nhận được đông đảo sự quan tâm của các nhà lãnh đạo EU, và quan trọng hơn hết là công dân của EU. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức và sự phản kháng nội bộ.
Trọng tâm của chương trình nghị sự về an ninh và quốc phòng, mặc dù thống nhất ở một mức độ nào đó, các quốc gia thành viên cũng đã làm nổi bật những chia rẽ hiện có dựa trên định hướng địa chính trị và năng lực quốc phòng khác nhau dẫn đến mức độ cam kết khác nhau đối với các mục tiêu này. Một ví dụ điển hình cho sự không thống nhất trong nội bộ EU về vấn đề viện trợ cho Ukraine, vào tháng 5 năm 2024, Hungary đã phải chịu sự chỉ trích từ nhiều nước EU về việc Budapest trì hoãn 6,5 tỷ Euro (khoảng 7,1 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, Budapest cũng nhiều lần phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, điều này đã làm suy yếu các nỗ lực viện trợ của phương Tây cho Ukraine, thể hiện sự duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow trong suốt cuộc chiến toàn diện [23].
Bên cạnh đó, trọng tâm của chương trình nghị sự nhiệm kỳ 2024 – 2029 về khả năng cạnh tranh kinh tế và quá trình chuyển đổi xanh có thể làm trầm trọng thêm những chênh lệch kinh tế hiện có trong EU. Các quốc gia có nền kinh tế mạnh hơn có thể được hưởng lợi nhiều hơn, có khả năng dẫn đến sự bất bình đẳng và căng thẳng trong nội bộ Liên minh này.
Thuận lợi và khó khăn của EU
Về thuận lợi, thứ nhất chương trình nghị sự đã thúc đẩy sự đoàn kết trong Liên minh. Trước bối cảnh EU liên tục đối mặt với hàng loạt các cuộc khủng hoảng trong những năm qua, một chương trình nghị sự chiến lược chung có thể thúc đẩy sự hợp tác và đồng thuận lớn hơn giữa các quốc gia thành viên, nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của EU.
Thứ hai, chương trình nghị sự giúp EU nâng cao vị thế toàn cầu. Bằng cách tập trung vào các lĩnh vực chính như chuyển đổi xanh, số hóa và an ninh, EU có thể định vị mình là một chủ thể có trách nhiệm, đi đầu trong những lĩnh vực này.
Thứ ba, dựa trên ưu tiên về một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh, chương trình nghị sự có thể giúp EU tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Thông qua các dự án đầu tư vào đổi mới, cơ sở hạ tầng và giáo dục có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Đồng thời, việc nhấn mạnh vào công lý xã hội, dân chủ và bảo vệ môi trường có thể dẫn đến chất lượng cuộc sống cao hơn cho công dân EU.
Về khó khăn, đầu tiên, việc phối hợp chính sách giữa 27 quốc gia thành viên khó tránh khỏi những lợi ích khác nhau, dẫn đến bất đồng quan điểm và trì hoãn trong các hoạt động triển khai.
Thứ hai, đối với những ưu tiên về quốc phòng và phát triển kinh tế, sự hạn chế về nguồn lực cũng là một vấn đề lớn cần được giải quyết. Việc thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, hơn nữa, có thể khó đảm bảo trong thời kỳ kinh tế bất ổn như hiện nay.
Thứ ba, việc EU thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược có thể định hình lại mối quan hệ của khối này với Mỹ và các đối tác toàn cầu khác. Điều này có thể dẫn đến cả cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn sâu sắc, việc EU thực hiện một chính sách quyết đoán và cứng rắn sẽ có nhiều khả năng gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Nhìn chung, chương trình nghị sự chiến lược 2024 – 2029 của EU thể hiện sự thay đổi đáng kể trong các ưu tiên của khối. Thành công của chương trình sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa sự gắn kết nội bộ với sự quyết đoán bên ngoài của EU, đồng thời giải quyết những thách thức phức tạp của thế kỷ XXI.
Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Việc Liên minh châu Âu theo đuổi chương trình nghị sự chiến lược quyết đoán và đầy tham vọng, càng thể hiện mong muốn tự chủ chiến lược của khối này. Xu hướng chính sách có thể mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các nước nhỏ và các nước tầm trung [24].
Về cơ hội, có thể nói, chính sách của EU về tăng cường khả năng cạnh tranh, có thể được hiểu là tăng cường quan hệ đối tác với các nước bên ngoài khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và EU.
Hơn nữa, Việt Nam còn có thể tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa các đối tác, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, đồng thời tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế thông qua ngoại giao và ký kết các hiệp định thương mại quốc tế.
Bên cạnh việc hợp tác kinh tế và đầu tư, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này nhằm hợp tác với khối Liên minh trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, và các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Việt Nam có thể tham gia vào các sáng kiến hợp tác trong những lĩnh vực này, học hỏi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến.
Trong lĩnh vực trọng yếu về chính trị và ngoại giao, mục đích của tự chủ chiến lược trước hết là để giảm thiểu áp lực, thế bị động từ cạnh tranh nước lớn, ứng xử hiệu quả với các lực kéo, đẩy, sức ép chọn bên [25], điều này có thể được xem là lý tưởng chung giữa Việt Nam và EU trong việc hợp tác trong đa dạng lĩnh vực nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nước lớn.
Về thách thức, chương trình nghị sự chiến lược của EU có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách thương mại, bao gồm việc ưu tiên các lợi ích chiến lược và các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và xã hội. Dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm duyệt chất lượng sản phẩm và một số yếu tố nước ngoài khác nhằm đặt ra những yêu cầu mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến lược của EU có thể làm tăng cường cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thu hút đầu tư và thương mại. Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tận dụng tối đa các cơ hội mới.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến khó khăn trong đường lối ngoại giao của các nước vừa và nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần có một chính sách ngoại giao khôn khéo, tỉnh táo và linh hoạt, có thể cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích với các đối tác quốc tế. Đồng thời, giữ vững đường lối đối ngoại sáng suốt, kiên quyết, không chọn bên, và giữ vững trạng thái tự chủ chiến lược của quốc gia.
Kết luận
Chương trình nghị sự chiến lược của EU nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã vạch ra 3 ưu tiên chính: (1) Một châu Âu tự do và dân chủ; (2) Một châu Âu mạnh mẽ và an toàn; (3) Một châu Âu thịnh vượng và cạnh tranh. Chương trình nghị sự chiến lược của EU này đã vạch ra một con đường rõ ràng cho sự phát triển của khối liên minh này trong 5 năm tới. Với trọng tâm vào các lĩnh vực như dân chủ, an ninh, kinh tế, xã hội và hợp tác quốc tế, EU đang khẳng định vai trò là một chủ thể toàn cầu, đồng thời hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn.
Định hướng chiến lược này của EU cũng đem lại một số hàm ý chính sách về cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam cần duy trì một chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt, biết nắm bắt thời cơ, tận dụng những cơ hội hiện có và nghiên cứu giải pháp đối phó với thách thức nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồng Quang, Đoàn Hà. “EU Thông qua Danh Sách đề Cử Lãnh Đạo Chủ Chốt.” Báo điện tử VTV, June 28, 2024. https://vtv.vn/the-gioi/eu-thong-qua-danh-sach-de-cu-lanh-dao-chu-chot-20240628132000071.htm.
[2] [3] [9] [10] [11] European Union. “European Union Priorities 2024-2029 – European Union,” June 2024. https://european-union.europa.eu/priorities-and-actions/eu-priorities/european-union-priorities-2024-2029_en.
[4] European Union. “How EU Priorities Are Set,” June 2024. https://european-union.europa.eu/priorities-and-actions/eu-priorities/how-eu-priorities-are-set_en.
[5] European Council. “Timeline – Path to the Strategic Agenda 2024–2029,” April 13, 2024. https://www.consilium.europa.eu/en/policies/strategic-agenda-2024-2029/timeline-path-to-the-strategic-agenda-2024-2029/.
[6] [7] European Council. “Strategic Agenda 2024-2029,” July 7, 2024. https://www.consilium.europa.eu/en/european-council/strategic-agenda-2024-2029/.
[8] “Strategic Agenda 2024 – 2029.” European Council, 2024. https://www.consilium.europa.eu/media/4aldqfl2/2024_557_new-strategic-agenda.pdf.
[12] European Union. “Priorities of the European Union 2019-2024 | European Union,” May 2019. https://european-union.europa.eu/priorities-and-actions/eu-priorities/european-union-priorities-2024-2029/european-union-priorities-2019-2024_en.
[13] [14] [15] [16] [17] [19] [20] [21] European Parliamentary Research Service. “BRIEFING Post-European Council Briefing: Strategic Agenda 2024-2029: Continuity or Paradigm Shift?” European Parliament, May 2024. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2024/762849/EPRS_BRI(2024)762849_EN.pdf.
[18] TTXVN. “Hội Nghị Thượng Đỉnh EU Tập Trung Vào Các Ưu Tiên Quốc Phòng Mới.” Báo Nhân Dân điện tử, June 28, 2024. https://nhandan.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-eu-tap-trung-vao-cac-uu-tien-quoc-phong-moi-post816530.html.
[22] Nguyễn Đình Thiện, Nguyễn Thị Hoàng Yến. “Quan Hệ Nga – Mỹ và Phương Tây Trong Thông Điệp Liên Bang Nga 2023.” Bộ Công an, March 17, 2023. https://hvctcand.bocongan.gov.vn/nghien-cuu-quoc-te/quan-he-nga-my-va-phuong-tay-trong-thong-diep-lien-bang-nga-nam-2023-4988.
[23] Đàm Linh. “Viện Trợ Quân Sự Của EU Cho Ukraine Bị Trì Hoãn vì Hungary Cản Trở.” Báo điện tử VTV, May 29, 2024. https://vtv.vn/the-gioi/vien-tro-quan-su-cua-eu-cho-ukraine-bi-tri-hoan-vi-hungary-can-tro-20240529100359219.htm.
[24] [25] Vũ Lê Thái Hoàng, Trần Hà My. “Xu Hướng Tự Chủ Chiến Lược Trong Quan Hệ Quốc Tế Hiện Nay – Tạp Chí Cộng Sản.” Tạp chí Cộng sản, n.d. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/826033/view_content.
[1] Khối Schengen là khu vực gồm 27 quốc gia châu Âu, cho phép người dân của các nước thành viên, người bên ngoài khối có quyền cư trú hợp pháp tại các nước thành viên, và du khách được cấp visa Schengen di chuyển, đi lại tự do trong toàn bộ vùng lãnh thổ của các nước thành viên mà không phải chịu sự kiểm soát biên giới giữa các nước trong khối Schengen.