Sự hợp tác ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực được ghi nhận vào tháng 7 năm 2024 thông qua một cuộc tập trận và diễn tập hải quân quy mô lớn bao gồm 9 tàu hải quân Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, hai máy bay ném bom của Nga và hai máy bay ném bom của Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Tiểu bang Alaska (Mỹ) và sau đó bị các máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada chặn lại. Một số học giả cho rằng sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc “vẫn còn hạn chế” ở Bắc Cực, chủ yếu do chủ nghĩa cơ hội và lợi ích kinh tế thúc đẩy. Tuy nhiên, những quan điểm về chủ nghĩa ngoại lệ ở Bắc Cực đã bỏ qua tình trạng cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, chủ yếu do sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực là áp đảo so với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việc Bắc Cực trở thành chiến trường chiến lược đã được thừa nhận rõ ràng vào tháng 6 năm 2024 thông qua Chiến lược Bắc Cực của Bộ Quốc phòng Mỹ, ghi nhận sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc. Bất chấp tổn thất lớn trên chiến trường ở Ukraine, Nga vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện và hoạt động quân sự ở Bắc Cực. Môi trường đặc thù của Bắc Cực đòi hỏi phải có hoạt động huấn luyện và hệ thống trang thiết bị chuyên dụng, việc này đặt ra những thách thức cho Mỹ trong việc triển khai và duy trì lực lượng quân sự trong khu vực. Việc này ngày càng phức tạp do trọng tâm chiến lược của Mỹ là hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vai trò của NATO với Mỹ như là một hình thức san sẻ gánh nặng lý tưởng ở Bắc Cực, cho phép Washington có thể tập chung chiến lược vào các khu vực khác trên thế giới.
Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quay trở lại châu Á, việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với NATO là điều hết sức quan trọng. Bất chấp những luận điệu đối lập, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Tương đã gắn chặt sự sống còn về mặt chiến lược của mình vào việc “xoay trục” sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kể từ năm 2019 và chính quyền Tổng thống Trump sẽ cần phải dựa nhiều hơn vào các đồng minh NATO có mối quan tâm chiến lược đối với Bắc Cực để ngăn chặn tham vọng của Nga và Trung Quốc. Quân đội Mỹ có một lực lượng tối thiểu đủ khả năng hoạt động ở Bắc Cực nhưng cũng cần phải bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian của mình xung quanh khu vực. Bằng cách tận dụng tốt các nguồn lực của NATO, đặc biệt là ở kinh nghiệm về Bắc Cực của các đồng minh Anh, Canada và các quốc gia Bắc Âu. Mỹ có thể đảm bảo sự hiện diện ổn định ở Bắc Cực, tạo điều kiện cho một thế trận quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tầm quan trọng chiến lược của Bắc cực
Bắc Cực đã trở thành một đấu trường cạnh tranh toàn cầu. Đây là khu vực duy nhất trên thế giới mà cả Nga và Trung Quốc đều hoạt động gần Bắc Mỹ trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Băng biển tan chảy và tiến bộ công nghệ đã tăng khả năng tiếp cận của các nước đối với khu vực này, biến Bắc Cực từ “vùng đệm chiến lược” thành điểm nóng về các nguồn tài nguyên quý giá như dầu, khí đốt, khoáng sản đất hiếm và thủy hải sản, cũng như mở ra các tuyến đường biển ngắn và tiện lợi hơn giữa châu Âu và châu Á. Khả năng tiếp cận ngày càng tăng này sẽ mở ra tiềm năng kinh tế to lớn, ước tính khoảng 90 tỷ thùng dầu, 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai thác của thế giới và 1 nghìn tỷ USD khoáng sản đất hiếm. Tuy nhiên, những cơ hội này mang đến sự cạnh tranh ngày càng cao, trong đó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga thách thức trực tiếp lợi ích của Mỹ và NATO.
Bắc Cực từ lâu đã là trung tâm của bản sắc và an ninh của nước Nga, nước này kiểm soát 53% đường bờ biển Bắc Cực và chính sách Bắc Cực của nước này xác định những nhu cầu kinh tế và an ninh của họ. Khi băng tan, khu vực này trở thành mối lo ngại an ninh thực sự đối với cả Nga và Mỹ. Bắc Cực rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga, chiếm 10% GDP của Nga và 20% xuất khẩu. Nga đã mở rộng dấu ấn quân sự của mình, mở lại các căn cứ từ thời Liên Xô, triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến và đầu tư vào tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Bán đảo Kola, nơi có hầu hết các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Nga, nhấn mạnh vai trò của Bắc Cực trong chiến lược răn đe hạt nhân của Nga. Hơn nữa, Nga còn nỗ lực kiểm soát Tuyến đường biển phía Bắc, thách thức các chuẩn mực quốc tế về tự do hàng hải, gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Sườn phía Bắc của NATO và các lợi ích kinh tế của các quốc gia thành viên.
Các hoạt động ở Bắc Cực của Trung Quốc càng làm phức tạp thêm tình hình an ninh. Mặc dù không phải là một quốc gia ở Bắc Cực, Trung Quốc vẫn tuyên bố mình là “quốc gia cận Bắc Cực” và tìm kiếm ảnh hưởng thông qua sáng kiến Con đường tơ lụa vùng cực. Những nỗ lực này, thường có tác dụng kép và hỗ trợ các mục tiêu quân sự. Các cuộc tập trận chung Trung – Nga ở Bắc Cực, bao gồm tuần tra bờ biển và phối hợp hải quân cũng như tuần tra chung bằng máy bay ném bom, thể hiện sự liên kết quân sự ngày càng tăng nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Những hoạt động này đặt ra thách thức chiến lược đối với NATO và việc bảo vệ nước Mỹ, bằng cách kết hợp sự hiện diện quân sự của Nga với khả năng kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.
Kinh nghiệm ở Bắc Cực của NATO
Việc hội tụ lợi ích của Nga và Trung Quốc ở cả trong và ngoài Bắc Cực đòi hỏi Mỹ phải hợp tác cùng và thông qua các đồng minh để chống lại các mối đe dọa trong khu vực. Theo truyền thống, Mỹ có ưu thế quân sự vô song, nhưng ở Bắc Cực, nước này hiện phải đối mặt với một liên minh mới nổi giữa hai đối thủ đáng gờm. Tình hình này nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận hợp tác với các đồng minh NATO để đảm bảo sự chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng ở Bắc Cực. Sự thống trị của Mỹ không thể được coi là điều hiển nhiên . Ở Bắc Cực, khả năng của Mỹ không đủ để chống lại Nga chứ đừng nói đến liên minh Trung – Nga.
Theo nghiên cứu được công bố gần đây của nhóm tác giả, các hoạt động quân sự thành công ở Bắc Cực không chỉ đòi hỏi thiết bị chuyên dụng mà còn đòi hỏi hoạt động huấn luyện chuyên nghiệp và các học thuyết chuyên sâu về chiến tranh vùng cực. Các hoạt động ở Bắc Cực là thách thức đặc biệt với công tác hậu cần phức tạp, thời tiết khắc nghiệt và những thay đổi theo mùa như ngày và đêm ở vùng cực. Theo đó, việc xây dựng lực lượng sẵn sàng ở Bắc Cực đòi hỏi “sự giáo dục và phát triển có chủ ý của các nhà lãnh đạo có tư tưởng Bắc Cực cùng với sự hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy nâng cao khả năng chiến đấu trong thời tiết lạnh trên toàn diện”. Cuộc chiến ở Bắc Cực không chỉ đòi hỏi thiết bị chuyên dụng mà còn đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của những đội quân sẽ được giao nhiệm vụ tiến hành. Bài học rút ra từ các cuộc xung đột ở Bắc Cực trước đây bao gồm nhu cầu huấn luyện và thiết bị chiến tranh thời tiết lạnh, học thuyết chiến đấu chiến tranh vùng cực chuyên dụng, hoạt động chung, khả năng tương tác, cơ động trong điều kiện Bắc Cực, lập kế hoạch tăng cường tiếp tế và hậu cần đặc biệt, nhận thức và tình báo về miền Bắc Cực, thời tiết không gian làm gián đoạn chỉ huy và kiểm soát, các vấn đề thời tiết vùng cực không thể bắt chước được liên quan đến ngày và đêm ở vùng cực, kiểm soát các tuyến liên lạc trên biển Bắc Cực và đảm bảo sự thống nhất chỉ huy.
Trong khi đó, điều kiện hiện tại có một số lợi thế dành cho phía NATO. Họ đã có được nhiều cơ sở hạ tầng cần thiết tại các nước Bắc Âu. Ví dụ: Lực lượng Viễn chinh Liên hợp do Anh đứng đầu đã được thành lập vào năm 2014 và nhấn mạnh vào năng lực tác chiến ở Bắc Cực với các lực lượng quân sự Bắc Âu ở vùng Bắc Cực. Những diễn biến gần đây hơn bao gồm việc thành lập Bộ Tư lệnh Thành phần Lục quân Đa quân đoàn của NATO tại Phần Lan, thành lập Không quân Bắc Âu và thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Chỉ huy NATO Baltic tại thành phố cảng Rostock của Đức. Tất cả đều phản ánh sự gia tăng về sự gắn kết, năng lực và truyền thông của NATO, giúp thiết lập khuôn khổ “Răn đe 3 C” xung quanh Vòng Bắc Cực.
Vai trò của NATO trong việc bảo vệ Bắc Cực ngày càng trở nên quan trọng và liên minh có thể tận dụng chuyên môn về vùng cực của các quốc gia Bắc Cực. Canada, Đan Mạch (Greenland), Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan được đào tạo bài bản về chiến tranh trong điều kiện thời tiết lạnh giá, họ có hiểu biết sâu sắc về các hoạt động ở Bắc Cực và có vị trí địa lý để phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa trong khu vực. Hiện tại, các quốc gia Bắc Âu đang cùng nhau đàm phán nhằm mua một loại xe chiến đấu bộ binh dành riêng cho khí hậu cận Bắc Cực.
Kinh nghiệm của Phần Lan trong chiến tranh Bắc Cực có thể bắt nguồn từ Chiến tranh Mùa đông (1939–1940), khi nước này đã ngăn chặn một lực lượng của Liên Xô vượt trội về mặt số lượng trong một khoảng thời gian dài và tốt hơn dự kiến do chiến thuật vượt trội và phù hợp với môi trường Bắc Cực trước khi thua về chung cuộc do bị áp đảo bởi tiềm lực khổng lồ của Liên Xô. Những đóng góp của Phần Lan cho NATO bao gồm lực lượng mặt đất đáng kể và hỏa lực tầm xa. Tương tự như vậy, Na Uy là nơi đặt Trung tâm Chuyên môn của NATO về Hoạt động Thời tiết Lạnh (NATO Centre of Excellence for Cold Weather Operations). Sự kiện gia nhập NATO gần đây của Thụy Điển củng cố năng lực không quân và các cơ sở công nghiệp của liên minh trong khi Bộ Tư lệnh Bắc Cực chung của Đan Mạch cung cấp sự nhân lực, kinh nghiệm và các năng lực quan trọng khác. Canada từ lâu đã là đối tác quan trọng của Mỹ tại Bắc Cực với tư cách là một phần của Bộ Tư lệnh song phương Phòng không Bắc Mỹ.
Lấp đầy khoảng trống trên mặt băng
Trong khi Canada và các nước Bắc Âu tập trung nhiều hơn vào việc hiện diện ở Bắc Cực, NATO vẫn phải đối mặt với những lỗ hổng đáng kể về năng lực quân sự ở Bắc Cực. Để đáp trả lại những hoạt động leo thang quân sự tiềm tàng từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, NATO cần tăng cường khả năng tiến hành một loạt hoạt động quân sự chuyên biệt ở Bắc Cực, bao gồm hỏa lực tầm xa, nhận thức trên nhiều lĩnh vực, phòng không không quân, đổ bộ và duy trì hậu cần cho các lực lượng kiên cường có khả năng chịu đựng các cuộc giao tranh kéo dài trong điều kiện khắc nghiệt ở vùng cực.
NATO phải đối mặt với những thách thức cụ thể về khả năng sẵn sàng chiến đấu của hải quân Bắc Cực, đặc biệt là các tàu có khả năng chống băng và tàu phá băng, vốn là “yếu tố cốt lõi của chủ quyền Bắc Cực”. Nga nắm giữ lợi thế vững chắc với 46 tàu phá băng, các tàu tuần tra đại dương thuộc Dự án 22100 và các tàu thuộc Dự án 23550 mới đây có khả năng hoạt động trên băng. Những tàu này mang lại cho Nga lợi thế to lớn ở Bắc Cực, cho phép có sự hiện diện và khả năng cơ động vượt trội. NATO nên tập trung vào việc đóng thêm các tàu như Tàu tuần tra ngoài khơi Bắc Cực Harry DeWolf của Canada và phiên bản cập nhật của tàu khu trục lớp Thetis của Đan Mạch. Hiệp ước Hiệp ước nỗ lực hợp tác tàu phá băng (ICE) được ký kết gần đây giữa Mỹ, Canada và Phần Lan là một bước đi đúng hướng trong việc củng cố các cơ sở công nghiệp tương ứng của họ để chế tạo thêm nhiều tàu phá băng. Ngoài ra, quan hệ đối tác với các đồng minh ngoài NATO có tàu phá băng, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, có thể hỗ trợ các hoạt động của NATO ở Bắc Cực nếu cần thiết phải điều động trong một cuộc khủng hoảng. Đối với những khoảng trống hiện tại trong phạm vi bao phủ Bắc Cực, NATO cần có thêm khả năng chống tiếp cận và phong tỏa khu vực để gây ra mối đe dọa đáng cân nhắc cho các hoạt động của Nga. NATO cần bắt tay vào một chiến dịch đầu tư bền vững để tăng cường khả năng răn đe ở Bắc Cực cả trên bộ và trên biển ở Bắc Cực.
Năng lực của Mỹ và các đồng minh tại Bắc Cực
Mỹ cần NATO để duy trì sự ổn định ở Bắc Cực, do những khó khăn trong việc cam kết các nguồn lực hữu hình cho Bắc Cực bên cạnh các chiến lược “rỗng tuếch”. Tăng cường đào tạo cụ thể về Bắc Cực, mở rộng năng lực phá băng và tăng cường khả năng tương tác với Canada, các nước Bắc Âu và các quốc gia có lợi ích ở Bắc Cực (như Vương quốc Anh) là những bước thiết yếu để triển khai lực lượng ở Bắc Cực. Các cuộc tập trận như Arctic Edge (Rìa Bắc Cực) và Trung tâm đa quốc gia Thái Bình Dương luân phiên 24-02 cho thấy sự tiến bộ nhưng cần được mở rộng quy mô để chống lại mối đe dọa từ liên minh Trung -Nga đang phát triển. Mỹ cũng duy trì các cơ sở quan trọng ở Bắc Cực, bao gồm Căn cứ không gian Pituffik ở Greenland, đóng vai trò là trung tâm quan trọng cho phòng thủ tên lửa và liên lạc vệ tinh nhưng họ cần có nhiều căn cứ hơn ở Bắc Cực để cạnh tranh hiệu quả trong khu vực. Tương tự như vậy, Quân đội Mỹ đã thành lập Sư đoàn Không quân số 11 “Arctic Angels” (Những thiên thần Bắc Cực) vào năm 2022 tại Anchorage, Alaska, với 11.000 binh sĩ tập trung vào các hoạt động trong thời tiết giá lạnh khắc nghiệt. Tuy nhiên, vấn đề là đơn vị này vẫn duy trì tình trạng “sẵn sàng triển khai toàn cầu… [và] cho các hoạt động chiến đấu quy mô lớn” khi đáng lẽ phải tập trung hoàn toàn vào chiến tranh vùng cực. Tệ hơn nữa, đơn vị này đang phải vật lộn với nhiều vấn đề về tinh thần nội bộ.
Mỹ cần phải tiến xa hơn trong việc xây dựng năng lực ở Bắc Cực của mình, bằng cách tăng cường các chương trình huấn luyện dành riêng cho các đơn vị đồn trú ở Bắc Cực và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm nâng cao năng lực hoạt động trong thời tiết lạnh. Điều này bao gồm việc mở rộng đội tàu phá băng hiện không đủ để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết trong thời bình, chứ đừng nói đến việc hỗ trợ trong một cuộc xung đột tiềm tàng trong khu vực. Tuy nhiên, những sáng kiến này khó có thể xảy ra do Bắc Cực không được ưu tiên trong các thế trận quản lý lực lượng toàn cầu hiện nay. Việc ưu tiên phòng thủ một cách cực đoan có nghĩa là Bắc Cực có khả năng sẽ tiếp tục bị bỏ bê, mặc dù rủi ro ngày càng tăng. Do đó, Mỹ nên thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh NATO ở Bắc Cực, đặc biệt là Canada và các nước Bắc Âu, để đảm bảo có phản ứng phối hợp hiệu quả đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng tiềm tàng nào trong khu vực. Nền tảng cho điều đó là sự tham gia của xã hội dân sự với các nhóm dân bản địa xung quanh khu vực Vòng Bắc Cực theo cách có lợi cho cả hai bên để đảm bảo an ninh cho họ và hợp tác với họ để nâng cao nhận thức về phạm vi Bắc Cực.
Lực lượng viễn chinh chung hội quân tại Bắc Cực
Canada, các nước Bắc Âu và các đồng minh khác có lợi ích đặt tại Bắc Cực nên dẫn đầu NATO trong việc phòng thủ Bắc Cực khi Mỹ chuyển hướng sang hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối đe dọa kết hợp Trung -Nga là mối đe dọa toàn cầu và Mỹ cần các đồng minh san sẻ gánh nặng phòng thủ. Mỹ và NATO nên tận dụng chuyên môn của các đồng minh Bắc Cực để thành lập Lực lượng viễn chinh chung kết hợp tại Bắc Cực do các nước Bắc Âu lãnh đạo trong NATO, cho phép liên minh thành lập một lực lượng chuyên trách như một lực lượng răn đe đáng tin cậy ở Bắc Cực.
Việc thành lập Lực lượng viễn chinh chung kết hợp do các nước Bắc Âu lãnh đạo tại Bắc Cực sẽ giảm bớt căng thẳng cho các lực lượng Mỹ. NATO không có chiến lược Bắc Cực nào khác ngoài tuyên bố vào tháng 10 năm 2024 về việc bảo vệ “Lợi ích của Đồng minh tại Bắc Cực”. NATO cần một chiến lược toàn diện về Bắc Cực dẫn đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đào tạo và trang thiết bị để sánh ngang với sức mạnh của Nga ở Bắc Cực. Nếu không có nguồn lực phù hợp, Nga sẽ tiếp tục thống trị Bắc Cực, khiến nơi đây trở nên đẩy rủi ro cho thương mại quốc tế, tự do hàng hải và pháp quyền. Sự thống trị của liên minh Trung – Nga đối với Bắc Cực có tác động nghiêm trọng đến an ninh toàn cầu và sự ổn định kinh tế. Thông qua hành động tập thể và nâng cao khả năng sẵn sàng ở Bắc Cực, NATO có thể ngăn chặn các hành động quân sự có thể xảy ra của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực đồng thời hỗ trợ Mỹ chuyển hướng sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Biên dịch: Duy Hưng
Nhóm tác giả:
Ryan R. Duffy là một sĩ quan bộ binh đã nghỉ hưu của Quân đội Mỹ, chủ yếu phục vụ ở Châu Âu.
Tiến sĩ Jahara ‘FRANKY’ Matisek, là một phi công chỉ huy Không quân Mỹ đang tại ngũ, làm giáo sư quân sự tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ và là thành viên tại Viện Chính sách Công Payne và Trung tâm Sáng kiến Phục hồi Châu Âu. Ông có hơn 3.700 giờ bay và trước đây là phó giáo sư tại khoa Nghiên cứu Chiến lược và Quân sự tại Học viện Không quân Mỹ.
Jeremy M. McKenzie là một sĩ quan và phi công đã nghỉ hưu của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Nhiệm vụ quân sự cuối cùng của ông là làm nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Bắc Cực của Học viện Tuần duyên Mỹ.
Chad M. Pillai là một chiến lược gia cấp cao của Quân đội Mỹ, người đã phục vụ trong nhiều nhiệm vụ khác nhau tại Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Ông là biên tập viên của Tạp chí Emergent Defense và là thành viên của Military Writers Guild.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]