Người dùng TikTok tại Mỹ đã chi tiêu mạnh tay để mua hàng từ nhiều nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop trong mùa mua sắm nghỉ lễ năm 2024, theo ước tính của TikTok và phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu từ Facteus.
TikTok Shop ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2023 và có khả năng giành được thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử vào thời điểm quan trọng. TikTok Shop đóng vai trò như một kênh thương mại điện tử cho các thương hiệu lớn như e.l.f. Cosmetics và Ninja Kitchen, cùng với nhiều sản phẩm khác. Trong thông cáo báo chí vào cuối tháng 11/2024, TikTok Shop cho biết doanh số bán hàng của họ đã đạt 100 triệu USD vào ngày Black Friday, ngày sau Lễ Tạ ơn, khi người tiêu dùng Mỹ săn lùng các ưu đãi trực tuyến. Trước đó, TikTok cho biết số người mua sắm hàng hóa trên TikTok Shop mỗi tháng đã gần gấp ba lần.
Theo ông Erik Huberman, CEO của công ty tiếp thị Hawke Media, cho biết TikTok Shop là một kênh phân phối mới và các thương hiệu đang hoạt động rất tốt trên nền tảng này. Hiện tại, Mỹ không có một giải pháp thay thế nào tương tự và điều này sẽ là một mất mát doanh thu lớn. Giống như các đối thủ Shein và Temu, TikTok Shop giới thiệu hàng hóa từ các nhà cung cấp bên thứ ba, một số vận chuyển từ Trung Quốc, và cạnh tranh gay gắt về giá cả. Các nền tảng này đã cố gắng thu hút thêm các nhà bán hàng Mỹ bằng cách giảm phí để cải thiện tốc độ giao hàng. Tận dụng sự phổ biến của ứng dụng mạng xã hội TikTok, các nhà bán hàng trên TikTok Shop thường sử dụng quảng cáo và các influencer được tài trợ để tiếp thị sản phẩm tới 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
Nhiều khách hàng cho biết TikTok Shop đã trở thành một nơi mới để họ tìm quần áo, sản phẩm chăm sóc da, đồ gia dụng,…. TikTok đã “giải mã thành công” cách sắp xếp nội dung và sản phẩm phù hợp với sở thích của người dùng. Bên cạnh đó, các đơn hàng từ TikTok Shop thường được giao nhanh hơn so với Amazon. Đối với các nhà bán hàng và influencer, TikTok Shop cung cấp tính năng LIVE – đây là các video phát trực tiếp mà qua đó người mua có thể mua sản phẩm ngay lập tức.
Theo công ty dữ liệu bên thứ ba Facteus, chi tiêu của người Mỹ trên TikTok Shop đã vượt qua Shein và Temu trong bảy ngày trước Cyber Monday (2/12/2024), một ngày mua sắm trực tuyến lớn. Facteus cho biết dữ liệu của họ dựa trên 140 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng của người tiêu dùng, đại diện cho khoảng 7% đến 10% tổng chi tiêu tại Mỹ.
Tòa án phúc thẩm Mỹ ủng hộ luật yêu cầu ByteDance thoái vốn TikTok
Trước đó, vào tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật yêu cầu ByteDance bán TikTok cho một chủ sở hữu Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm. Đến tháng 5, ByteDance, TikTok và một nhóm influencer đã đệ đơn kiện luật này, cho rằng nó vi phạm quyền tự do ngôn luận. Và vào thứ Sáu ngày 6/12/2024, một tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ việc duy trì luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn nổi tiếng này tại Mỹ trước đầu năm sau hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Danh sách các cáo buộc của Mỹ đối với TikTok và ByteDance
Quản lý TikTok chịu sự chi phối của chính phủ Trung Quốc
Giám đốc FBI Chris Wray tuyên bố TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia, nói rằng các công ty Trung Quốc phải thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc, bao gồm chia sẻ thông tin hoặc phục vụ như một công cụ của chính phủ.
Quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại về “cổ phần vàng” của chính phủ Trung Quốc trong ByteDance, cho phép họ kiểm soát TikTok. TikTok phản bác rằng một thực thể liên kết với chính phủ Trung Quốc chỉ sở hữu 1% cổ phần trong một công ty con của ByteDance, Douyin Information Service, và điều này không ảnh hưởng đến hoạt động toàn cầu, bao gồm TikTok.
TikTok có thể được sử dụng để tác động đến người dùng Mỹ
FBI cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để kiểm soát dữ liệu, thuật toán đề xuất nội dung, hoặc thực hiện các chiến dịch tác động đến người dùng Mỹ.
Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Paul Nakasone, bày tỏ lo ngại về dữ liệu mà TikTok thu thập, các thuật toán phân phối thông tin, và khả năng kiểm soát của ai sở hữu thuật toán này. Ông cho rằng TikTok có thể thực hiện các chiến dịch ảnh hưởng sâu rộng hoặc “tắt tiếng” một thông điệp cụ thể. TikTok khẳng định không cho phép bất kỳ chính phủ nào thay đổi mô hình đề xuất nội dung của họ.
TikTok chuyển giao dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc
Các nhà lập pháp cáo buộc rằng theo luật tình báo quốc gia Trung Quốc năm 2017, ByteDance có thể bị buộc chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok. TikTok lập luận rằng vì công ty được thành lập tại California và Delaware, họ tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ. Tuy nhiên, CEO TikTok khẳng định công ty chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc.
TikTok gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em
Tháng 3/2022, tám bang tại Mỹ, bao gồm California và Massachusetts, đã mở cuộc điều tra xem TikTok có gây hại về thể chất hoặc tinh thần cho thanh thiếu niên và công ty có biết về tác động này không. Cuộc điều tra tập trung vào cách TikTok tăng cường tương tác của người dùng trẻ tuổi, bao gồm tăng thời gian sử dụng nền tảng. TikTok cho biết họ đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo trải nghiệm an toàn cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, áp dụng các hạn chế mà nhiều nền tảng khác không có.
TikTok theo dõi các nhà báo
Tháng 12/2022, ByteDance thừa nhận một số nhân viên đã truy cập trái phép dữ liệu người dùng TikTok của hai nhà báo trong nỗ lực điều tra các vụ rò rỉ thông tin nội bộ. Vụ việc liên quan đến hai nhà báo từ BuzzFeed và Financial Times. ByteDance đã sa thải bốn nhân viên liên quan, bao gồm hai người tại Trung Quốc và hai người tại Mỹ, và cho biết sẽ thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ dữ liệu người dùng.
Tác động lớn đối với TikTok và ByteDance
Phán quyết này là một chiến thắng lớn cho Bộ Tư pháp Mỹ và các đối thủ của ứng dụng TikTok thuộc sở hữu Trung Quốc, đồng thời là một đòn giáng mạnh đối với ByteDance. Quyết định này làm tăng đáng kể khả năng xảy ra lệnh cấm chưa từng có đối với một ứng dụng mạng xã hội được 170 triệu người Mỹ sử dụng, chỉ trong vòng sáu tuần tới. TikTok dự định kháng cáo lên Tòa án Tối cao Mỹ.
Hợp tác lưỡng đảng và nguy cơ an ninh quốc gia
Tòa án nhấn mạnh rằng luật này là kết quả của sự hợp tác giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, cùng hai đời tổng thống, như một phần của nỗ lực đối phó với mối đe dọa an ninh quốc gia đã được chứng minh rõ ràng từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Bộ Tư pháp lập luận rằng TikTok, dưới sự sở hữu của Trung Quốc, có thể là mối đe dọa vì khả năng truy cập lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ của người Mỹ, đồng thời khẳng định rằng Trung Quốc có thể bí mật thao túng thông tin mà người Mỹ tiếp nhận qua TikTok.
Phán quyết này củng cố quyền hạn của chính phủ Mỹ trong việc cấm các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài nếu có lo ngại về dữ liệu của người dùng Mỹ. Quyết định cũng mở đường cho việc trấn áp các ứng dụng nước ngoài khác trong tương lai. Đây cũng có thể coi là hành động nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế và công nghệ từ Trung Quốc. Và phía Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp thương mại hoặc ngoại giao đối với Mỹ.
Phán quyết có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok vào ngày 19/1/2025 nếu không có gia hạn từ Tổng thống Joe Biden. Sau đó, TikTok sẽ phải đối mặt với tương lai dưới sự quản lý của Tổng thống Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Tuy nhiên, không rõ ByteDance có thể đáp ứng các yêu cầu thoái vốn trong thời gian này hay không, hoặc liệu chính phủ Trung Quốc có chấp thuận việc bán TikTok hay không.
Tuy nhiên, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nhanh chóng chỉ trích phán quyết, cho rằng lệnh cấm TikTok vi phạm trắng trợn quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của hàng triệu người Mỹ. Tòa án đã nhanh chóng lập luận rằng mối quan hệ của ByteDance với chính phủ Trung Quốc có thể đe dọa làm méo mó diễn ngôn tại Mỹ thông qua TikTok, điều mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của tự do ngôn luận.
Phản ứng của các công ty công nghệ
Nếu TikTok bị cấm, các nhà quảng cáo sẽ chuyển sang các nền tảng mạng xã hội khác. Cổ phiếu của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook và Instagram) đã tăng 2,4% sau phán quyết, trong khi Alphabet (công ty mẹ của Google và YouTube) cũng tăng 1,25%. Apple và Google, hai nhà điều hành cửa hàng ứng dụng, không đưa ra bình luận về phán quyết này.
Phản ứng đối lập từ phía Trung Quốc
Đây được coi là phán quyết quan trọng trong việc ngăn chặn chính phủ Trung Quốc biến TikTok thành vũ khí. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã gọi luật này là một hành động cướp bóc thương mại trắng trợn và cảnh báo Mỹ phải xử lý vụ việc một cách thận trọng để tránh làm tổn hại lòng tin và quan hệ song phương.
Trước đó, vào ngày 14/3/2024, khi Hạ viện Mỹ thông qua luật yêu cầu ByteDance thoái vốn TikTok, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích dự luật này, cho rằng nó đi ngược lại các nguyên tắc cạnh tranh công bằng và quy tắc thương mại quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Văn Bân, nói: “Nếu an ninh quốc gia bị lạm dụng để đánh sập các công ty cạnh tranh của các quốc gia khác, sẽ không có sự công bằng hay công lý nào cả. Đó là logic của kẻ cướp khi cố gắng chiếm đoạt mọi thứ tốt đẹp mà người khác có.”
Phản ứng của TikTok và công ty mẹ ByteDance
CEO TikTok Shou Zi Chew đã tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại lệnh cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại Mỹ bằng cách kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Chew chia sẻ với nhân viên TikTok vào thứ Sáu rằng công ty sẽ nỗ lực để ngăn chặn luật này có hiệu lực. “Bước tiếp theo của chúng ta là tìm kiếm một lệnh tạm hoãn lệnh cấm trong khi chờ xem xét từ Tòa án Tối cao”. Ông cũng cho biết trong một email gửi nhân viên rằng dù tin tức hôm nay đáng thất vọng, công ty này sẽ cam kết tiếp tục cuộc chiến bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên nền tảng của mình.
TikTok cho biết rằng thật không may, lệnh cấm TikTok được xây dựng và thúc đẩy dựa trên những thông tin không chính xác, sai lệch và giả thuyết, dẫn đến việc kiểm duyệt hoàn toàn người dân Mỹ. TikTok cũng cảnh báo rằng nếu lệnh cấm không bị ngăn chặn, tiếng nói của hơn 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ và trên toàn thế giới sẽ bị tắt lịm vào ngày 19/1/2025.
Phía TikTok và công ty mẹ ByteDance cũng đã thuê Noel Francisco, một luật sư kỳ cựu của Tòa án Tối cao Mỹ, để đại diện trong nỗ lực ngăn chặn một đạo luật có thể dẫn đến lệnh cấm ứng dụng video ngắn này tại Mỹ. Vị luật sư này cũng từng giữ vai trò Tổng Biện lý Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump từ 2017 đến 2020. Người này sẽ đại diện cho TikTok cùng với cộng sự Hashim Moopan tại công ty luật Jones Day. Jones Day, nơi Francisco làm việc, cũng là công ty cố vấn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump năm 2016. Nhiều luật sư của công ty này đã đảm nhận các vai trò quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump.
Trong vụ việc này, luật sư Francisco đóng vai trò quan trọng khi mà ngoài TikTok, Francisco hiện cũng đang đại diện cho các nhà sản xuất súng lớn tại Mỹ trong một vụ kiện của Mexico, cáo buộc họ hỗ trợ buôn bán súng bất hợp pháp. Với kinh nghiệm dày dặn trong các vụ án lớn và vai trò quan trọng dưới thời Trump, Francisco được kỳ vọng sẽ đưa ra lập luận mạnh mẽ để bảo vệ TikTok trước nguy cơ lệnh cấm toàn quốc
Tương lai dành cho TikTok
Tòa án nhận định rằng TikTok cần được thoái vốn khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Nếu lệnh cấm diễn ra, đây sẽ là tiền lệ lớn cho các chính sách tiếp theo đối với các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài. TikTok hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng tại Mỹ, với các cáo buộc về mối đe dọa an ninh quốc gia và quyền kiểm soát từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, công ty khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và sự tồn tại của ứng dụng trên thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump khẳng định ông sẽ không để TikTok, ứng dụng được 170 triệu người Mỹ sử dụng, bị cấm.
Nếu TikTok bị cấm, các nền tảng đối thủ như Meta và YouTube sẽ hưởng lợi lớn. TikTok Shop đang phát triển mạnh và sẽ để lại khoảng trống lớn trong thương mại điện tử tại Mỹ. Các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, có thể đối mặt với các quy định khắt khe hơn tại Mỹ, bao gồm yêu cầu dữ liệu được lưu trữ tại Mỹ hoặc sự giám sát từ chính phủ.
Tương lai của TikTok tại Mỹ sẽ phụ thuộc vào diễn biến pháp lý trong thời gian tới và khả năng ByteDance thích nghi với các yêu cầu mới. Về mặt chính trị, Mỹ đang thiết lập tiền lệ mạnh mẽ trong việc ưu tiên an ninh quốc gia trước các lợi ích kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Điều này báo hiệu một giai đoạn cạnh tranh gay gắt hơn giữa hai quốc gia khi mà các xung đột như vụ TikTok có thể trở thành tiền lệ cho các vấn đề kinh tế, thương mại, và công nghệ lớn hơn, làm suy giảm lòng tin giữa hai siêu cường quốc này.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. McLymore, A., & Dang, S. (2024, December 8). US spending on TikTok Shop gains as TikTok faces threat of ban. Reuters. Retrieved December 11, 2024, from https://www.reuters.com/technology/us-spending-tiktok-shop-gains-tiktok-faces-threat-ban-data-shows-2024-12-07/
2. Mike Scarcella. (2024, December 10). TikTok hires ex-Trump administration lawyer ahead of Supreme Court appeal. Reuters. https://www.reuters.com/legal/tiktok-hires-ex-trump-administration-lawyer-ahead-supreme-court-appeal-2024-12-09/
3.Sanders, C., Adler, L., & Oatis, J. (2024, December 6). Why does the US want to ban TikTok? The allegations against it. Reuters. Retrieved December 11, 2024, from https://www.reuters.com/technology/why-does-us-want-ban-tiktok-allegations-against-it-2024-12-06/
4. Shepardson, D., Scarcella, M., & Blackwell, H. (2024, December 7). US appeals court upholds TikTok law forcing its sale. Reuters. Retrieved December 11, 2024, from https://www.reuters.com/legal/us-appeals-court-upholds-tiktok-law-forcing-its-sale-2024-12-06/
5. TikTok CEO vows to take ban fight to US Supreme Court, after court upholds law forcing sale. (2024, December 7). Global Times. Retrieved December 11, 2024, from https://www.globaltimes.cn/page/202412/1324539.shtml