Năm 2024, năm “siêu bầu cử” khi có tới 50 quốc gia và vũng lãnh thổ trải dài trên khắp các châu lục sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử quan trọng trong năm. Những cuộc bầu cử này có thể dẫn đến những quyết sách quan trọng, là sự thay đổi về tư duy, quan điểm đối ngoại của các nhà lãnh đạo. Kết quả bầu cử không chỉ tác động đến tình hình nội tại quốc gia, lãnh thổ, mà còn ảnh hưởng đến cục diện chính trị toàn cầu. Trong đó, cuộc bầu cử tâm điểm trong năm 2024 là cuộc đua vào Nhà Trắng của Mỹ sẽ chính thức ngã ngũ trong tháng 11 tới. Trong bối cảnh cạnh tranh vẫn đang leo thang giữa hai cường quốc Mỹ – Trung, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ định hình hướng đi cho mối quan hệ với Trung Quốc trong bốn năm tới, với những tác động sâu sắc đến ngoại giao và thương mại toàn cầu.
Cuộc đua bất ngờ giữa Trump và Harris
Nhiều dự báo ban đầu cho rằng cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng lần này sẽ là cuộc đua giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và sự trở lại mạnh mẽ của cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi cựu Tổng thống Trump và Tổng thống Biden chia sẻ tầm nhìn tương tự về mối đe doạ Trung Quốc, những điểm khác biệt quan trọng giữa các chính sách của hai vị lãnh đạo này có thể đưa mối quan hệ song phương và thương mại toàn cầu vào những quỹ đạo khác nhau.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử Mỹ vẫn còn nhiều điều biến động khó dự báo. Vào ngày 21/7/2024, Tổng thống Joe Biden đã rút khỏi cuộc bầu cử, mở đường cho một ứng cử viên mới của Đảng Dân chủ. Ngay sau đó, ông chính thức ủng hộ Phó Tổng thống, bà Kamala Harris, làm ứng cử viên của Đảng Dân chủ chạy đua cho vị trí Tổng thống. Mặc dù phải chờ đến tháng 08/2024 khi cuộc họp của Uỷ ban Toàn quốc Dân chủ được tổ chức để chọn ra ứng cử viên của Đảng này, nếu không có bất ngờ xảy ra, bà Kamala Harris sẽ trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ để chạy đua cho vị trí Tổng thống Mỹ bởi giành được sự ủng hộ từ đa số các đại biểu Đảng Dân chủ. Rất có thể, cuộc bầu cử Mỹ sẽ là cuộc chạy đua chính giữa cựu Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris.
Cần tìm hiểu về tác động của cuộc bầu cử Mỹ đối với mối quan hệ với Trung Quốc trong trường hợp Trump hoặc Harris giành chiến thắng và xem xét những tác động tiềm tàng đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Cách tiếp cận Trung Quốc của cựu Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Harris
Nhìn chung, ông Trump và bà Harris có tầm nhìn chung về chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Cả hai đều chia sẻ lập trường kiên quyết về việc giải quyết mất cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và các mối quan ngại về an ninh quốc gia, nhấn mạnh sự đồng thuận của lưỡng đảng về việc áp dụng cách tiếp cận cứng rắn đối với sự mở rộng của Trung Quốc. Trong đó, thương mại có thể được coi là vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Sự đồng thuận này đã dẫn đến việc thực hiện các rào cản thương mại trong cả chính quyền ông Trump và bà Harris.
Tuy nhiên, từ chính sách thương mại đến chiến lược công nghệ, chương trình nghị sự vận động tranh cử của ông Trump và bà Harris sẽ có những hướng đi hơi khác nhau, mỗi hướng đều có những tác động sâu sắc đến tương lai quan hệ Mỹ – Trung.
Chính sách của cựu Tổng thống Trump
Trong nhiệm kỳ trước của mình, cựu Tổng thống Trump đã thực hiện chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Trong cuộc chạy đua lần này, ông Trump hiện liên tục chỉ trích Bắc Kinh và đã hứa sẽ có lập trường cứng rắn hơn Tổng thống Biden. Cựu Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc các lựa chọn cho một cuộc tấn công kinh tế mới vào Trung Quốc nếu tái đắc cử, xem xét các kế hoạch được cho là có khả năng gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Ông Trump đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mục tiêu chính của chiến lược thương mại của ông là đưa trở lại Mỹ các công việc từ hoạt động sản xuất bị mất vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc; đồng thưa đưa thâm hụt thương mại song phương trở về gần bằng không [1]. Ông Trump cam kết thực hiện kế hoạch bốn năm loại bỏ dần các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm từ đồ điện tử đến thép và dược phẩm. Ông đã tuyên thệ sẽ đưa ra các quy tắc ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và ngược lại, chỉ cho phép những khoản đầu tư phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Ông cũng kêu gọi lệnh cấm các hợp đồng liên bang đối với mọi thuê ngoài cho Trung Quốc.
Vị cựu Tổng thống đưa ra hai kế hoạch gồm hai phương án áp thuế bao quát và có độ phủ rộng hơn hơn nhắm vào Trung Quốc [2]. Đây là nền tảng cho chiến dịch tranh của của cựu Tổng thống Trump.
Thứ nhất, ông Trump đang cân nhắc mức thuế hơn 60% áp đặt vào mặt hàng Trung Quốc. Ông có thể sẽ sử dụng hai điều khoản pháp lý mà ông đã sử dụng trong nhiệm kỳ của mình là Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, cho phép chính quyền Mỹ áp thuế đối với các quốc gia bị cho là có hành vi không công bằng trong kinh doanh; và Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, cho phép chính quyền Mỹ áp đặt các hạn chế thương mại vì lý do an ninh quốc gia. Các loại thuế này có thể nhắm vào các thiết bị bán dẫn và các thiết bị điện tử, thép và dược phẩm khác. Đây là những mặt hàng mà cựu Tổng thống Mỹ muốn giảm dần lượng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống mức bằng không trong vòng bốn năm.
Thứ hai, trong đó đáng chú ý là huỷ bỏ quy định Tối huệ quốc (MFN) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – Mỹ áp dụng cơ chế này với Trung Quốc như các đối tác thương mại khác theo quy định của WTO. Việc chấm dứt quy chế này sẽ đưa Trung Quốc vào cùng nhóm với các quốc gia thù địch của Mỹ như Bắc Triều Tiên và Cuba. Việc xóa bỏ quy chế MFN dành cho Trung Quốc cũng sẽ cho phép Mỹ áp dụng mọi hình thức thuế quan thương mại phân biệt đối xử và đơn phương. Điều này có thể bao gồm mức thuế chung 60% trở lên mà ông Trump đề xuất đối với hàng hóa Trung Quốc. Nếu chính sách này được áp dụng, hệ luỵ chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc, cùng với các vụ kiện tụng trên toà án của WTO khi cả hai đều là thành viên của tổ chức này [1].
Bên cạnh hai chính sách trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, chính sách thuế dự kiến của ông Trump cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến Trung Quốc. Ông Trump đã đề xuất mức “thuế cơ bản toàn cầu” 10% [3] đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, cũng như cơ chế tăng thuế đối với các quốc gia phá giá tiền tệ hoặc có hành vi thương mại phi công bằng. Mặc dù chính sách này không nhắm mục tiêu rõ ràng vào Trung Quốc, nhưng thuế cơ sở toàn cầu sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tiêu dùng vì Mỹ là thị trường xuất khẩu của Trung Quốc. Hơn nữa, trong giai đoạn cầm quyền, chính quyền Trump từng cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Chính sách của ông Trump được áp dụng, tiền lệ hoàn toàn có thể lặp lại lần nữa, Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Cuối cùng, một công cụ thương mại trong chương trình nghị sự chiến dịch của ông Trump là việc đưa ra Đạo luật Thương mại có đi có lại của Trump để “ngăn chặn dòng chảy việc làm của người Mỹ ra nước ngoài”. Đạo luật này sẽ trao cho tổng thống Mỹ thẩm quyền áp đặt thuế quan có đi có lại đối với hàng hóa của một quốc gia nếu quốc gia đó áp đặt thuế quan đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất cao hơn thuế quan do Mỹ áp đặt. Mặc dù Đạo luật này không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng vị cựu Tổng thống Mỹ đã từng đề cập đến Trung Quốc trong một bài phát biểu rằng “Nếu Ấn Độ, Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác áp dụng mức thuế quan 100 hoặc 200% đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất, chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế quan tương tự đối với họ” [4]. Do đó, không nằm ở ngoại lệ, Trung Quốc là đối tượng mà cựu Tổng thống Trump hướng đến.
Vẫn chưa thể đưa ra kết luận liệu cựu Tổng thống Trump sẽ kiên quyết cứng rắn thực hiện các chính sách táo bạo này với Trung Quốc hay không, hay liệu đây chỉ là những lời cam kết có cánh để lôi kéo cử tri trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chiến thắng của Trump rất có thể sẽ làm gia tăng sự thù địch về thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đẩy nhanh sự tách biệt về thương mại và tài chính giữa hai nước.
Một động thái như vậy có thể gây tổn hại đáng kể đến nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế toàn cầu và vị thế của Mỹ trong thương mại cũng như ngoại giao toàn cầu, đồng thời sẽ không được lòng các nhóm doanh nghiệp. Nếu được áp dụng, tác động của chính sách sắp tới của ông Trump có thể vượt xa tác động của các cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Người tiêu dùng và các công ty Mỹ có thể sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của một cuộc chiến thương mại Trung Quốc mới. Chính sách này sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Trong một báo cáo do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc ủy quyền, Oxford Economics phát hiện vào tháng 11 rằng việc chấm dứt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 1,6 nghìn tỷ đô la và dẫn đến hơn 700.000 việc làm bị mất [5].
Chính sách của Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris
Bà Harris đang là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Biden. Nên nhiều nhận định cho rằng, nếu đắc cử, nhiệm kỳ tổng thống của Kamala Harris sẽ tương tự như “Chính quyền Biden 2.0” về một loạt vấn đề quốc tế lớn, hính sách đối ngoại của bà sẽ không đi chệch quá xa so với chính quyền đương nhiệm, trong đó có quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, việc bà có khả năng lên nắm giữ chức vụ Tổng thống sẽ mở ra những câu hỏi và khả năng mới cho mối quan hệ này.
Với tư cách là một thượng nghị sĩ trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Trump, bà Harris từng chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống đương nhiệm bấy giờ Donald Trump đối với Bắc Kinh. Bà khẳng định Tổng thống Trump “đã thua cuộc chiến thương mại”, thuế quan của ông gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ mà không cân bằng lại mối quan hệ Mỹ-Trung [6].
Bà Harris cũng có đồng quan điểm về việc giảm rủi ro và sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào năm 2023, ứng cử viên Đảng Dân chủ từng chia sẻ, “Không phải là rút lui, mà là đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích của Mỹ và chúng ta là người dẫn đầu về mặt luật lệ, trái ngược với việc tuân theo luật lệ của người khác” [7].
Phía Dân chủ chọn cách tiếp cận đa phương, tập trung vào hợp tác ngoại giao để hạn chế Trung Quốc. Đồng thời, cách tiếp cận của cảnh tả là đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết nhưng cũng tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác [8].Chính quyền hiện tại cũng đã tìm cách phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác chia sẻ chung quan điểm. Mỹ đã vận động Nhật Bản và Hà Lan hợp tác ban hành các lệnh hạn chế lên Trung Quốc trong vấn đề chất bán dẫn.
Cựu Tổng thống Trump dựa vào thuế quan để ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc [8]. Không giống như ông Trump, Tổng thống Biden chưa đề xuất bất kỳ mức thuế quan toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc, và cho đến nay ông cũng chưa lên tiếng ủng hộ (hoặc phản đối) đề xuất thu hồi quy chế MFN của Trung Quốc. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Biden đồng thời duy trì các mức thuế quan của người tiền nhiệm, thậm chí tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, đồng thời tập trung nhiều hơn vào việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chuyển giao công nghệ và chip máy tính và chỉ đạo trợ cấp trong nước để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và chuỗi cung ứng tại Mỹ[8]. Tháng 03/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu chip cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, trong nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc [9].
Dù vậy, Đảng Dân chủ vẫn cứng rắn khi nhắm vào một số lĩnh vực chiến lược nhất định, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, vật liệu quan trọng, chất bán dẫn và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, cùng nhiều lĩnh vực khác. Vào tháng 5/2024, chính quyền Biden đã tăng thuế đối với 14 loại hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó bao gồm tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất lên 100 phần trăm và tăng gấp đôi thuế đối với các mặt hàng như chất bán dẫn và pin mặt trời lên 50 phần trăm.
Đây có thể sẽ là định hướng chính sách mà ứng cử viên cho cuộc đua vào Nhà Trắng của Đảng Dân chủ sẽ tiếp cận với Trung Quốc. Tuy nhiên, để nâng cao cơ hội giành chiến thắng trong chiến dịch đầy căng thẳng này, bà Harris có thể sẽ có hướng đi cứng rắn hơn so với Tổng thống Biden. Bà có thể cân nhắc đề xuất các chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, bao gồm việc áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, tương tự như những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện [10].
Dự báo quan hệ Mỹ – Trung
Cựu Tổng thống Donald Trump bị “ám sát hụt” khi đang phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania hôm 13/7. Các phương tiện truyền thông nhanh chóng tràn ngập những bức ảnh ông Trump mặt dính máu, giơ nắm đấm thách thức khi được các nhân viên an ninh hộ tống khỏi sân khấu. Đây được cho là bước ngoặt cho cuộc đua vào Nhà Trắng, trao nhiều cơ hội giành chiến thắng cho vị cựu Tổng thống. Những tuần trước đó, ông Trump mắc kẹt trong cuộc đua sít sao với người kế nhiệm, Tổng thống Joe Biden, nhưng cựu tổng thống ngày càng dẫn trước trong một số cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống hồi đầu tháng. Trước đó, ông Trump đã dẫn trước Tổng thống Joe Biden 6 điểm phần trăm trước khi ông Biden rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ bà Harris.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Biden rút khỏi cuộc bầu cử khiến cuộc đua càng trở nên khó đoán. Sự ủng hộ dành cho ông Trump có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng điều đó sẽ kéo dài bao lâu tùy thuộc vào quá trình điều tra của vụ việc trên [11].
Cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố “đánh bại bài Harris” dễ hơn Tổng thống Biden [12]. Dù vậy, theo cuộc thăm dò mới nhất của tờ Wall Street Journal công bố ngày 27/7, bà Harris và ông Trump gần như ngang ngửa về tỷ lệ ủng hộ. Cụ thể, ông Trump đang dẫn trước bà Harris với tỷ lệ ủng hộ 49% so với 47%, cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lòng cử tri. Với kết quả biên độ sai số cộng hoặc trừ 3,1 điểm phần trăm, cuộc đua thực sự rất sít sao.
So với cựu Tổng thống Trump, bà Harris có lợi thế về tuổi tác, dễ dàng lấy được sự ủng hộ của người trẻ [12]. Nhiều cử tri Mỹ gen Z bày tỏ sự ủng hộ với bà Harries, khi cho rằng Đảng Dân chủ cần có một bước đi sáng tạo hơn. Họ cho rằng bà Harris tạo được sự khác biệt đó. Là một người gốc Á, Phó Tổng thống đương nhiệm được đánh giá có tư duy tiến bộ và bình đẳng hơn so với cựu Tổng thống Trump, nên dễ dàng giành được số phiếu của người màu, người châu Á, người Mỹ Latinh, phụ nữ, LGBTQ+ và thanh thiếu niên, tạo ra cú hích đáng kể cho cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2024.
Mới đây, cựu Tổng thống Obama, một người có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ, cũng công khai bày tỏ sự ủng hộ với bà Harris kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố ngừng tranh cử để trao lại cơ hội cho Phó tổng thống. Đây là lần đầu tiên ông Obama công khai ủng hộ bà Harris. Sự ủng hộ của ông Obama được coi là đòn bẩy rất lớn với bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Diễn biến cuộc bầu cử hiện rất khó đoán. Nhưng có thể nhận định, dù bất kể là ai thắng cử vào Phòng Bầu dục, quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp tục xấu đi trong suốt thập kỷ này./.
Tác giả: Khánh Ly
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. RINTARO TOBITA. (2024, February 21). Trump likely to raise tariffs on China in two steps, former official says. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Economy/Trade-war/Trump-likely-to-raise-tariffs-on-China-in-two-steps-former-official-says
2. Arendse Huld. The US election’s impact on China – How do Trump and Biden differ? (2024, July 26). China Briefing News. https://www.china-briefing.com/news/2024-us-election-impact-on-china-trump-biden/
3. RINTARO TOBITA. (2024, February 27). Trump could impose universal tariff on day 1: Ex-U.S. trade official. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/Trump-could-impose-universal-tariff-on-Day-1-ex-U.S.-trade-official
4. Ewan Palmer. Donald Trump ramps up threat of tariff war if elected president. (2024, January 29). Newsweek. https://www.newsweek.com/donald-trump-tariffs-china-vehicles-trade-war-1864704
5. Jeff Stein. (2024, January 27). Donald Trump is preparing for a massive new trade war with China. The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/business/2024/01/27/trump-china-trade-war/
6. STUART LAU AND PHELIM KINE. (2024, July 23). What Kamala would mean for China. POLITICO. https://www.politico.eu/newsletter/china-watcher/what-kamala-would-mean-for-china/
7. KELLY GARRITY. (2023, September 10). Harris on China: We need to lead. POLITICO. https://www.politico.com/news/2023/09/10/kamala-harris-china-relationship-00114893
8. Dylan Butts. (2024, July, 27), Trump 2.0 could go ‘nuclear’ on China trade, while economists say Harris would remain tough. https://www.cnbc.com/2024/07/24/trump-vs-harris-china-trade-tariffs-policy.html
9. Chiang, S. (n.d.). U.S. revokes some export licenses to sell chips to Huawei in a bid to curb China’s tech power. CNBC. https://www.cnbc.com/2024/05/08/us-revokes-some-export-licenses-to-sell-chips-to-chinas-huawei.html
10. Hoa Vũ. (2024, July 23). Chính sách Trung Quốc con khắc nghiệt Neu BA Harris đắc CU Tong Thong my? Báo điện tử VTC News. https://vtcnews.vn/chinh-sach-trung-quoc-con-khac-nghiet-neu-ba-harris-dac-cu-ar884858.html
11. Thành Đạt. (2024, July 17). Ông Trump sẽ theo đuổi đường lối nào với Trung Quốc nếu trở lại Nhà Trắng? Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-se-theo-duoi-duong-loi-nao-voi-trung-quoc-neu-tro-lai-nha-trang-20240716165159289.htm
12. Vũ Anh. (2024, July 22). Donald Trump: Đánh bại bà Harris dễ hơn ông Biden. vnexpress.net. https://vnexpress.net/donald-trump-danh-bai-ba-harris-de-hon-ong-biden-4772673.html
13. Jedidajah Otte. (2024, July 24). ‘I was not voting before, now I am’: Gen Z voters on what they think of Kamala Harris. the Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/article/2024/jul/24/kamala-harris-gen-z-voters