Quá trình mở rộng nhóm BRICS (Brazil – Nga – Ấn Độ – Trung Quốc và Nam Phi) cần được hiểu trong một bối cảnh địa chính trị toàn cầu và sự bất mãn của các nước “phương Nam”. Với tính thể chế sơ sài và những lợi ích nhiều khi đối nghịch nhau giữa các thành viên, nhóm BRICS dường như là một “triệu chứng” của những thay đổi trên trường quốc tế hơn là nguyên nhân của những thay đổi đó. Nguy cơ của quá trình này, như đã thể hiện trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, là sự phát triển của một thế cục đa cực – thay vì chủ nghĩa đa phương – đi ngược lại trật tự dựa trên luật lệ.
Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS diễn ra vào tháng 8/2023 có thể được lưu lại như một cột mốc đáng nhớ trong nền chính trị thế giới. Giữa một chiến dịch đại chúng do nhóm G-7 (7 nước công nghiệp phát triển gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada và Italy) phát động nhằm cô lập Nga sau khi nước này phát động cuộc chiến tại Ukraine, một vài cường quốc tầm cỡ khu vực đáng chú ý và không thuộc phương Tây đã quyết đề nghị được gia nhập nhóm quốc gia thường được gọi là các nền kinh tế mới nổi bao gồm cả Nga này. Với các thành viên mới được công bố tại hội nghị đó gia nhập vào tháng 1/2024, gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – Argentina ban đầu cũng nằm trong nhóm các thành viên mới được xét kết nạp tại hội nghị nhưng sau đó tân tổng thống cực hữu Javier Milei đã quyết định không gia nhập vì các lý do ý thức hệ, tín hiệu được gửi tới phương Tây không thể rõ ràng hơn: các quốc gia này không còn muốn nghe thêm những chỉ dẫn từ bên ngoài rằng họ phải hành động ra sao và hợp tác với ai trên trường quốc tế.
Lời yêu cầu về một vị trí phù hợp trong trật tự thế giới
Nếu xét tới di sản của tổ chức này từ khi bắt đầu, thật khó để đoán định trước về tiến trình mở rộng này. Nhóm BRICS ra đời vào mùa hè năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính quốc tế. Tên gọi bằng cách ghép các chữ cái đầu tiên trong tên (tiếng Anh) của các nước thành viên trong nhóm là ý tưởng của Goldman Sachs, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ và một trong những thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng tài chính nêu trên, và việc áp dụng tên gọi này bề ngoài không bị coi là vấn đề. Khi đó, Goldman Sachs vừa lập ra một quỹ để phân bổ nguồn tư bản khổng lồ của các nhà đầu tư của ngân hàng vào những thị trường mới nổi và vô cùng năng động là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập vào năm 2011 theo đề xuất của Trung Quốc và nhóm BRIC khởi đầu chuyển thành BRICS.
Sau gần 3 thập kỷ mở rộng đầy năng động với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt là Trung Quốc, người ta đã thấy rõ rằng quá trình toàn cầu hóa hàng hóa và các thị trường tài chính dựa trên một chủ nghĩa tư bản phi điều tiết, với lòng tham không đáy dẫn tới tình trạng bành trướng quá mức và đẩy trật tự kinh tế quốc tế tới bờ vực sụp đổ và vào trong một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái vào những năm cuối của thập kỷ 1920. Các nền kinh tế mới nổi và trên thực tế là toàn bộ các nước đang phát triển hay “phương Nam” càng thêm tin tưởng rằng trật tự thế giới hiện hành trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI vẫn chỉ đại diện cho một thực trạng đã qua, một quá khứ khá xưa cũ. Từ Ngân hàng Thế giới (WB) tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho tới uy quyền toàn cầu của đồng USD, các thể chế vận hành trật tự thế giới vẫn phản ánh tương quan lực lượng thế giới của năm 1945 chứ không phải của năm 2009. Các nước mới nổi và đang phát triển hơn bao giờ hết thấy mình không được đại diện một cách phù hợp trong một hệ thống đa phương chẳng phản ánh tỷ trọng dân số hay tầm quan trọng chính trị – kinh tế đang gia tăng của họ. Ở thời điểm thành lập, BRICS chiếm tới 40% dân số thế giới, trong khi tỷ trọng của họ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã tăng từ mức 8% năm 2001 lên mức 26% năm 2023 (tính giá trị theo USD), trong khi trong cùng thời kỳ, tỷ trọng này của các nước G-7 đã giảm từ 65% xuống mức 43%. Từ năm 1990 tới 2022, các nước BRICS ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân 4,5%/năm, với Trung Quốc (12,3%) và Ấn Độ (6,5%) là đầu tầu tăng trưởng, trong khi chỉ số này của G-7 trong cùng thời kỳ chỉ ở mức khiêm tốn 1,5%.
Từ khi ra đời, BRICS chỉ là một hiệp hội khá lỏng lẻo các nhà nước rất khác nhau và với những khác biệt mang tính cơ bản hơn nhiều so với những khác biệt trong nội bộ G7. Tính thể chế của nhóm là khá sơ sài, khi BRICS thiếu cả quy chế hoạt động lẫn các cơ quan thực thi (hành pháp) hay hoạch định (lập pháp), và thậm chí còn không có cả một thư ký thường trực. BRICS cũng không có tiêu chuẩn chính thức nào về tư cách thành viên, và tập hợp những quốc gia rất đa dạng về mô hình chính trị, quân sự và kinh tế: các nước dân chủ đa đảng hợp tác với các nước chuyên chính đơn đảng, và 3 thành viên là những cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân (Nga, Trung Quốc và Ấn Độ). Sức nặng kinh tế trong khối cũng bất cân xứng khi GDP của Trung Quốc vượt tổng giá trị GDP của các thành viên khác gộp lại và chiếm tới khoảng 70% GDP của cả nhóm, thậm chí còn tồn tại cả xung đột quân sự giữa các thành viên như trường hợp của Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, các thành viên của nhóm có cùng mối quan tâm về cải cách hệ thống Liên hợp quốc, cũng như các cơ chế quốc tế về tài chính, thương mại và thúc đẩy phát triển.
Sự thừa nhận chính trị và ưu tiên của các nước sáng lập
Những tuyên bố chung chính thức từ 15 cuộc họp thượng đỉnh vừa qua của BRICS cho thấy khá rõ 3 ưu tiên của nhóm kể từ khi tồn tại:
a) Hệ thống tài chính: kể từ tuyên bố chung đầu tiên năm 2009, BRICS đã nhấn mạnh: “Cam kết của chúng tôi là thúc đẩy công cuộc cải tổ các thể chế tài chính quốc tế, theo hướng phản ánh những thay đổi trong nền kinh tế thế giới. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần có tiếng nói có trọng lượng và đại diện rộng rãi hơn trong các thể chế tài chính quốc tế, và các quan chức điều hành các tổ chức này phải được bổ nhiệm qua một tiến trình lựa chọn công khai, minh bạch và dựa trên thành tích. Chúng tôi cũng cho rằng một hệ thống tiền tệ quốc tế ổn định, dễ dự báo và đa dạng hơn là vô cùng cần thiết”.
b) Phát triển và thương mại: ban đầu, các nước BRICS tích cực thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và từ năm 2015 là các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). BRICS lựa chọn một lập trường tương tự như quan điểm chủ đạo trong các hội nghị quan trọng và thành công của Liên hợp quốc về vấn đề này, từng để lại dấu ấn lâu dài trong nghị trình phát triển toàn cầu với những kết quả cụ thể như Hội nghị về Khí hậu tại Pari hay việc thông qua và triển khai rộng rãi các SDGs. Điểm đặc trưng của phân khúc chính sách đa phương này quá trình xã hội hóa các mối quan hệ quốc tế, ví dụ như việc Diễn đàn Xã hội Thế giới tự tuyên bố là một “hội nghị thượng đỉnh từ dưới lên”, và các kết quả mang tính đột phá của các hội nghị nói trên đối với cộng động quốc tế sẽ không thể có được nếu không có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ thuộc mang đủ loại hình thái và màu sắc.
c) Cải cách sâu rộng hệ thống Liên hợp quốc với trọng tâm là chủ nghĩa đa phương.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của BRICS trên vũ đài quốc tế rõ ràng nhận được sự chấp thuận rộng rãi và cao độ từ các nước phương Nam. Nhóm nổi lên như một nhân tố đầy hứa hẹn hướng tới một trật tự đa cực công bằng hơn, luôn được hiểu như một bước đi phá bỏ xiềng xích nữa đối với các nước đang phát triển. Trong lịch sử thế giới, sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân châu Âu là một bước đi quyết định nhưng chưa hoàn chỉnh trên con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức, khi chế độ thực dân nhanh chóng được thay thế bằng sự phụ thuộc và bóc lột thực dân kiểu mới. Hiện trạng này bộc lộ đặc biệt rõ nét trong cuộc khủng hoảng nợ công của các nước đang phát triển trong thập niên 1980. Các chương trình điều chỉnh cấu trúc do IMF hoạch định buộc các nước đang phát triển phải mở cửa thương mại, tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước và áp dụng nhiều biện pháp tài chính khắc khổ để có đủ điều kiện nhận các khoản vay mà họ cần. Những chính sách này dẫn tới việc cắt giảm hàng loạt ngân sách xã hội và làm tăng mạnh tỷ lệ nghèo đói và cùng tình trạng bất bình đẳng, khiến cho con đường phát triển quốc gia tự chủ trở nên bất khả thi với nhiều nước.
Từ những điều kiện khởi điểm nêu trên của BRICS, từ năm 2009, nhiều nhà phân tích đã nhìn nhận nhóm nhà nước này như một thách thức tiềm tàng với các nước phương Tây tập hợp trong nhóm G-7. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra đơn giản như vậy. Đà tăng trưởng được dự báo cho các nền kinh tế mới nổi những năm sau đó không trở thành hiện thực, thậm chí ngược lại khi trong giai đoạn này, các nước BRICS còn đánh mất nhịp độ. Brazil và Nam Phi chìm đắm trong những vấn đề chính trị nội bộ, và Nga không vượt qua được những giới hạn của một nền kinh tế lợi tức dựa trên năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Báo The Economist (“Nhà kinh tế”, Anh) từng tổng kết: “Các nền kinh tế BRICS ngoài châu Á đã bế tắc trong thập kỷ 2010. Trong các hội nghị thượng đỉnh giai đoạn này, nhóm thường đưa ra những thông cáo mù mờ về một phương Tây phản diện, những thông điệp mà phương Tây phản diện đó chẳng mấy bận tâm và nhanh chóng rơi vào quên lãng. BRICS như thể đã chết”.
Tham vọng thất bại và danh vọng tiêu tan
Với đà tiến vững chắc của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính, sức ép cải cách từng là đặc trưng trong các cuộc họp đầu tiên của nhóm G-20 bắt đầu suy giảm từ phía phương Tây. Những hi vọng của các nước phương Nam về một vai trò quan trọng hơn trong cấu trúc trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bắt đầu tan vỡ: kể từ đó, cuộc cải cách hệ thống đa phương Liên hợp quốc trở thành đề tài cho nhưng cuộc tranh luận không hồi kết, với một Hội đồng Bảo an trì trệ, một Ngân hàng Thế giới và IMF lần lượt trong tay Mỹ và châu Âu và một Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tê liệt. Từ góc nhìn này, thập kỷ 2010 là một thập kỷ bỏ đi của các nước phương Nam.
Nhìn lại những dữ kiện này, sẽ xuất hiện câu hỏi là yếu tố nào vẫn gắn kết các nước BRICS trong giai đoạn này. Câu trả lời là cho dù đã mất đi tầm quan trọng ở cấp độ thế giới, “câu lạc bộ” này vẫn hoàn thành một số chức năng quan trọng đối với các nước thành viên: nó cung cấp một diễn đàn để chỉ trích hệ thống hiện hành, đóng góp gián tiếp vào sự ổn định của các chế độ cầm quyền trong nước và do đó, tạo ra một sự bảo vệ nhất định đối với những hành động can thiệp không mong muốn từ bên ngoài (theo nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp), đồng thời kích hoạt những sáng kiến kết minh linh hoạt trong chính sách đối ngoại. Hơn nữa, tính chất của nhóm là một nguồn tạo uy tín quốc tế cho nước các thành viên, và Brazil và Nam Phi, trong vai trò là những đại diện duy nhất của lục địa mình, BRICS còn là phương tiện để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực của mỗi nước.
Nhưng quan trọng hơn là BRICS đã bắt đầu xây dựng các thể chế đa phương của riêng mình, tăng cường các mối quan hệ nội khối và thích nghi với môi trường địa chính trị trong các mối quan hệ quốc tế. Năm 2015, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) ra đời, có trụ sở tại Thượng Hải, như một nền tảng mới cung cấp tín dụng cho các nước đang phát triển. Nhóm BRICS cũng nhất trí lập ra các quỹ dự trữ phòng ngừa rủi ro với chức năng “đêm đỡ” trong trường hợp sức ép tài chính toàn cầu gia tăng. Tiến trình thành lập NDB kéo dài khá lâu và chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa các nước thành viên khi có những khác biệt quan điểm về một sự thống trị nào đó của Trung Quốc trong nguồn vốn của Ngân hàng, và cuối cùng, nguồn vốn thành lập được xác định ở mức 50 tỷ USD, với mức đóng góp chia đều cho 5 thành viên, nhưng đối với quỹ dự trữ khẩn cấp thì Trung Quốc đóng góp nhiều nhất, với mức 41%. Ngoài việc lượng vốn điều lệ thấp hơn vài lần so với WB và IMF, nhiều giao dịch của ngân hàng BRICS vẫn thực hiện bằng đồng USD, và các chỉ trích về hoạt động kém cỏi của thể chế tài chính này (thiếu minh bạch, quá nhiều tín dụng bằng USD và ưu thế tuyệt đối của các nước sáng lập trong các bộ phận giám sát, v.v…) không chỉ đến từ các nhà quan sát phương Tây. Giáo sư Daniel Bradlow, Đại học Pretoria (Nam Phi), nhận xét: “những đặc điểm này không mang lại cảm giác về một ngân hàng phương Nam thực sự tiến bộ”. Một số đánh giá về thực hành thương mại của NDB thật sự rất tiêu cực, và kênh truyền hình France247 từng phải đưa ra câu hỏi: “vì sao các nước BRICS không tái lập được trật tự tài chính toàn cầu?”.
Nhưng bất kể những đánh giá này ra sao, thì đối với những người muốn góp vốn thì dẫu sao BRICS đã tiến hành được bước đi đầu tiên. Cùng thời điểm này, Trung Quốc quyết liệt theo đuổi chiến lược toàn cầu riêng của mình, được triển khai dưới dạng Sáng kiến Vành đai và Con đường, và tham gia với vai trò chủ đạo sự ra đời của một ngân hàng khác – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – thể chế mà sau khi ra đời đã phần nào che mờ vai trò của ngân hàng của khối BRICS. Khía cạnh then chốt nhất trong thập niên 2010 rất có thể là sự củng cố mối quan hệ nội khối giữa các nhà nước thành viên trong lĩnh vực đầu tư và thương mại qua lại. Công tác trao đổi thông tin liên lạc cũng được đẩy mạnh giữa chính phủ các nước thành viên và các cơ quan trực thuộc chính phủ, đồng thời, ngoài những cuộc gặp thượng đỉnh thường niên, BRICS cũng tạo ra nhiều nhóm làm việc chuyên trách và diễn đàn khác nhau. Cho tới giữa thập kỷ trước, nhiều tổ chức phi chính phủ Brazil và quốc tế, đơn cử như Oxfam, vẫn còn ảo tưởng có thể tư vấn cho các nước BRICS về cách thức hành xử với xã hội dân sự. Tuy nhiên, không phải các nhà hoạt động phi chính phủ là những người hội họp trong khuôn khổ BRICS, mà là đại diện các bộ ngành chính phủ, các đảng cầm quyền, các doanh nghiệp và giới học thuật, nói cách khác là đội ngũ tinh hoa liên quan chặt chẽ tới các chính phủ. Những thực hành này cho thấy câu lạc bộ BRICS không quá sẵn sàng cho phép sự tham gia của xã hội dân sự, thậm chí mức độ tham gia xã hội trong nhóm còn là một bước lùi nếu tính tới những thành tựu về mặt này trên chính trường quốc tế những thập kỷ qua. Tóm lại BRICS là một tổ chức thuần túy liên chính phủ.
Những bước ngoặt từ đại dịch COVID và cuộc chiến tại Ukraine
Những diễn biến trên chủ yếu diễn ra ở “ngoài tầm radar” của phương Tây, khi các nước trong trục thế lực cũ này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chủ yếu dốc sức cho việc quản lý khủng hoảng và “sự trở lại của địa chính trị”. Chỉ tới khi đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga tại Ukraine bùng phát, thì phương Tây mới bừng tỉnh rằng các nước phương Nam giờ đây không còn nghiễm nhiên đi theo những định hướng mà họ vạch sẵn. Rõ ràng rằng sự chủ quan của phương Tây đã phải trả một giá đắt, khi qua 2 sự kiện rung chuyển thế giới trên xu hướng tái tổ chức và phi toàn cầu hóa càng được củng cố. Trong đại dịch, các nước đang phát triển đã phải đối diện thực tiễn cay đắng là các nước phương Tây giàu có không sẵn sàng công nhận vaccine chống COVID-19 là một “phúc lợi chung toàn cầu”, như yêu cầu cụ thể của Ấn Độ và Nam Phi, mà thậm chí ngược lại còn bảo vệ bằng sáng chế của các công ty dược phẩm đa quốc gia của mình. Chiến sự tại Ukraine bùng phát cũng nhanh chóng chứng minh rằng các cuộc chiến do các cường quốc chủ chốt phát động sẽ có hệ lụy toàn cầu với phạm vi rộng lớn và nếu may mắn, sẽ giới hạn trong khía cạnh quân sự.
Bản thân cuộc chiến và sự hỗ trợ dứt khoát và mang tính quyết định của phương Tây cho Ukraine đã tạo ra sự đứt gẫy trong chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung một số mặt hàng quan trọng (lương thực, nguyên liệu, năng lượng …) trên thị trường thế giới, khiến giá cả leo thang và cùng với đó là lãi suất tín dụng và lạm phát, đồng thời khiến vấn đề nợ công trở thành đề tài nóng trong chương trình nghị sự của nhiều nước đang phát triển.
Mục đích của liên minh phương Tây là biến Nga trở thành quốc gia bị đào thải trong hệ thống thế giới và khuất phục quốc gia Á – Âu này về kinh tế thông qua những biện pháp trừng phạt với mức độ cứng rắn và quy mô chưa từng được áp dụng trước đây. Tuy nhiên, một hệ quả không mong muốn của những biện pháp này là tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng thương mại quốc tế và nhưng tác động phái sinh mạnh mẽ trong chính xã hội các nước phương Tây. Trong bối cảnh đó, nhiều nước phương Nam đã bỏ phiếu thuận vào tháng 3/2022 cho nghị quyết của Liên hợp quốc lên án hành động quân sự của Nga. Thế nhưng, trong số 5 nước BRICS, chỉ có Brazil bỏ phiếu thuận, Nga tất nhiên bỏ phiếu chống, còn Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trắng. Cho dù đồng ý việc lên án, rất ít nước phương Nam tham gia các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt khi họ nhận thấy nguy cơ cho những lợi ích của bản thân cùng mối quan hệ với Nga, đồng thời cho rằng cuộc chiến là một vấn đề của phương Tây, hay chính xác hơn là của châu Âu. Trong cuộc xung đột này, phương Tây nhiều lần đối diện với chính những tiêu chuẩn kép của mình, yếu tố thường xuyên bào mòn tính khả tín của họ với các nước đang phát triển. Chẳng phải chính phương Tây đã nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế và bỏ qua những quy định quốc tế hay sao? Rất có thể Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, đã mô tả chân thực cách nhìn nhận của các nước phương Nam về cuộc chiến Ukraine khi tuyên bố: “Cũng tới lúc châu Âu phải vượt qua lối suy nghĩ rằng vấn đề của châu Âu là của cả thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới lại không phải của châu Âu; hay nếu vấn đề là của bạn, thì nó chỉ là của bạn thôi, còn nếu là của tôi, thì đó là vấn đề của chúng ta”. Và cho dù tác động của cuộc chiến tại Ukraine tới quan hệ giữa phương Tây và phương Nam ra sao, thì mối quan hệ ấy sẽ còn phải trải qua một cuộc thử lửa còn khắc nghiệt hơn: cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza. Nhiều nước đang phát triển không thấy có lý do gì phải đứng về phe nào trong cuộc chiến tại Ukraine, nhưng có lập trường khác hẳn trước cuộc thảm sát tại Gaza với sự đồng lõa của phương Tây.
Trong thời đại mà thế giới phát triển đang muốn giảm bớt rủi ro và sự phụ thuộc đơn phương trong khía cạnh chiến lược nhất định và một quốc gia nào đó (đặc biệt là Nga và Trung Quốc), các nước đang phát triển lần đầu tiên trong nhiều năm có được ảnh hưởng thực sự. Trên thực tế, họ ngày càng được ve vãn, cho dù là vì các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay để giải quyết thực sự những dòng người di cư trên toàn cầu; hoặc đơn giản chỉ là vì xu hướng phân cực ngày càng mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra không gian đàm phán rộng rãi hơn cho những kẻ từng là “những người vô hình trong cộng đồng quốc tế”.
Sự mở rộng của BRICS và thách thức đối với phương Tây
Môi trường căng thẳng và năng động đó chính là bối cảnh sâu xa của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ XV của nhóm BRICS hồi tháng 8/2023. Hai đề tài quan trọng được đưa ra trong nghị trình: mở rộng câu lạc bộ với các thành viên và đối tác mới, và phi tập trung hóa đồng USD thông qua việc tăng cường trao đổi thương mại bằng đồng nội tệ của các nước thành viên. Cuộc gặp thu hút sự chú ý cao độ của dư luận, dấu hiệu cho thấy BRICS đã trở thành một biểu tượng cho mong muốn thay đổi bối cảnh tương quan toàn cầu; và bất chấp thực tế là nhóm này cũng chưa đạt thành tích gì đáng kể trong các mục tiêu chung về chính sách phát triển, điểm hẹn tại Johannesburg ghi nhận một hàng dài các ứng cử viên xin gia nhập.
Theo nước chủ nhà Nam Phi, họ nhận được khoảng 20 yêu cầu gia nhập chính thức trong khi cũng khoảng 20 nước khác bày tỏ quan tâm. Vấn đề mở rộng tổ chức cũng đã gây ra tranh cãi giữa các nước thành viên. Trung Quốc và Nga có lập trường ủng hộ xu hướng này, trong khi Ấn Độ và Brazil phản đối. Do không có tiêu chuẩn chính thức để trở thành thành viên, việc kết nạp thành viên mới hoàn toàn là vấn đề về ảnh hưởng giữa các thành viên sáng lập. Việc lựa chọn các đối tác mới, mà sau đó đã nâng gấp đôi số thành viên của nhóm, cho thấy rõ rằng Nga và Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của mình (nhằm tạo quy mô so sánh tương đương với G7). Các thành viên mới gia nhập vào tháng 1/2024 – Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE – bao gồm 2 nền quân chủ, một chế độ thần quyền, một nền độc tài quân sự và một quốc gia đang có nội chiến. Argentina, nền dân chủ toàn vẹn được công nhận duy nhất trong các ứng viên được lựa chọn, đã rút lui sau khi chính phủ mới theo tư tưởng cực hữu của tổng thống Javier Milei lên cầm quyền. Vậy tại sao BRICS không quyết định kết nạp các ứng viên có trọng lượng khác như Indonesia, Thái Lan, Nigeria, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Bangladesh, Mexico và Colombia? Câu trả lời là các ứng viên được chọn đáp ứng một nhiệm vụ rất cụ thể.
Sự mở rộng của BRICS với các thành viên mới là các nước xuất khẩu năng lượng lớn như Saudi Arabia, UAE và Iran sẽ cải thiện tầm quan trọng lý thuyết của BRICS như một hiệp hội năng lượng và tài chính. Các nước như Iran, Nga và Trung Quốc có nhiều động lực để phát triển những hệ thống tiền tệ mang tính lựa chọn mới, khi các nước này đối diện rủi ro thường trực bị trừng phạt và loại bỏ khỏi hệ thống tiền tệ dựa trên đồng USD. Sự mở rộng này cũng nâng cao tiềm năng khuyến khích sử dụng những đồng tiền khác ngoài USD trong việc ấn định giá, trao đổi thương mại và thanh toán các hợp đồng năng lượng. Việc BRICS kết nạp các cường quốc năng lượng cũng có thể góp phần thúc đẩy quá trình phát triển các thị trường thương mại mới cho mặt hàng năng lượng, gồm cả dầu thô và khí đốt. Ví dụ, hoạt động đặt hàng cho giao dịch dầu thô trong tương lai bằng đồng Nhân dân tệ mà Trung Quốc khởi xướng từ năm 2018 đã có bước phát triển nhanh chóng. Bắc Kinh cũng rất quan tâm tới việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong kinh doanh khí đốt.
Như vậy, Nga và Trung Quốc đã phần nào biến đổi BRICS thành một dự án chống phương Tây với mục tiêu phá vỡ thế bá quyền của các cường quốc phương Tây trong trật tự toàn cầu hiện tại và ưu thế tuyệt đối của đồng USD trong nền kinh tế thế giới. Các yếu tố mang tính giải phóng các nước đang phát triển trong giai đoạn thành lập nhóm, gắn liền với tham vọng về phát triển toàn diện, đã nhường bước cho một dự án địa chính trị mang đặc trưng của chính sách quyền lực truyền thống, sức mạnh kinh tế – quân sự và ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại. Nếu quá trình mở rộng vừa qua trở thành một dạng quy chế, thì có nhiều khả năng BRICS+ sẽ trở thành một dạng câu lạc bộ các chế độ toàn trị. Bước chuyển mình này không mang lại thành quả mang tính tiến bộ nào cho các dân tộc thuộc thế giới đang phát triển và thậm chí còn có nguy cơ bẻ lái thành một dạng chính trị của các nước lớn như đặc tính của thế kỷ XIX (còn được gọi là thời đại các đế quốc). Thế giới đa cực của Vladimir Putin và Tập Cận Bình sẽ bao hàm những yêu cầu mang tính tân đế quốc trong những lĩnh vực lợi ích mà họ tự đặt ra. Thế giới đó sẽ không gắn kết với bất kỳ luật lệ nào và đi ngược lại hoàn toàn một thế giới đa phương trong đó tất cả đều vận hành theo cùng một luật lệ. Mô hình đa cực theo khái niệm này sẽ phá hủy trật tự thế giới dựa trên luật lệ và thay thế sức mạnh của luật pháp bằng luật pháp của sức mạnh, và mỗi một nhà lãnh đạo độc đoán sẽ được đảm bảo quyền tự do hành động như ý tại nước mình.
Tương lai để ngỏ
Đồng thời, nhóm BRICS cũng trở nên đa sắc và phức tạp hơn cả trước đây, với sự mất cân đối ngày càng lớn và nhiều xung đột công khai hơn giữa các nước thành viên sau khi mở rộng. Giờ đây, còn phải chờ đợi xem 3 nền dân chủ tiêu chuẩn còn lại (Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) sẽ tiếp nhận định hướng trọng tâm mới của nhóm, giới hạn hơn và cứng rắn hơn, ra sao. Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, người từng vận động mạnh mẽ cho ứng cử viên Argentina, đã nhấn mạnh tại Johannesburg rằng BRICS không nhằm chống lại các nước khác, mà theo đuổi mục tiêu cải thiện vị thế của phương Nam toàn cầu trong trật tự quốc tế. Một số nhà phân tích thì khẳng định, đối với Ấn Độ, giờ đây đã là quốc gia đông dân nhất thế giới thì “cuộc gặp thượng đỉnh BRICS chỉ còn là một sân khấu hạng hai, vì Ấn Độ có những tham vọng lớn hơn, khiến cho hội nghị thượng đỉnh của BRICS cũng chỉ như những cuộc gặp cao cấp khác mà họ tham dự”. Trong hoàn cảnh này, thật khó tin rằng định hướng mới cùng sự mở rộng vừa qua sẽ giúp BRICS+ trở nên hiệu quả hơn. Nhưng dù sao, đây vẫn là một thách thức trực tiếp với phương Tây.
Cho dù tương lai của BRICS+ có bất trắc ra sao, thì mối quan tâm được thể hiện tại hội nghị Johannesburg và số lượng các nước ứng cử viên đã khắc họa rõ nét thế đa cực đã được thiết lập vững chắc trong trật tự toàn cầu hiện tại. Nhóm BRICS, và từ nay trở đi là BRICS+, nhìn chung sẽ được nhìn nhận như một nhân tố nữa trong bối cảnh đó. Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng hơn, BRICS giống như một biểu hiện, một triệu chứng của những thay đổi trên trường quốc tế hơn là nguyên nhân của những thay đổi đó. Thế cân bằng giữa các Nhà nước và “các nền văn minh” đang thay đổi với quá trình hiện đại hóa kinh tế và công nghệ tại “thế giới thứ ba”.
Và nhóm BRICS đang tạo cho những thay đổi đó một bộ mặt thể chế. Để bước đi này thành công, thường chỉ cần thúc đẩy một chính sách tượng trưng. Nếu nhìn lại di sản của mô hình “hiệp hội lỏng lẻo”, rõ ràng là những thành tựu kinh tế và phát triển chủ chốt là rất hạn chế, trong khi tác động địa chính trị trong thế giới của những diễn văn đối chọi nhau lại có thể là rất đáng kể. Tuy nhiên, lịch sử cho chúng ta bài học rằng một thế giới với nhiền trung tâm quyền lực có xu hướng làm gia tăng nguy cơ xung đột và chiến tranh. Một thế giới đa cực có thể đảm bảo ổn định khi và chỉ khi các cường quốc chủ chốt hợp tác với nhau. Còn khi tính đa cực không chuyển hóa thành chủ nghĩa đa phương, kết quả sẽ là sự phân mảnh và thậm chí là chiến tranh.
Phương Tây, và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), cần nhìn tiến trình này như một lời cảnh báo muộn màng. Nếu EU muốn tiếp tục là một nhân tố toàn cầu, khối này cần ý thức rõ ràng rằng thế đa cực đã trở thành định cục và khung cảnh chiến lược toàn cầu có thể sẽ trở nên phức tạp hơn. Để tiến bước trong môi trường đó, EU cần phải thực sự bước ra khỏi chiếc khuôn xuyên Đại Tây Dương chỉ tập trung vào phương Tây và đưa ra những cam kết thực chất với các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và hiểu biết của châu Âu với đối tác của mình, nhưng không theo hình thức lên lớp hay lạm dụng họ.
EU cần phải học cách ra những quyết định tự chủ trong một thế giới đa cực ngày càng khó đoán và thường xuyên phân mảnh, nhưng có lẽ trong đó chính liên minh này lại là nhân tố được chuẩn bị tối hơn cho nhiệm vụ đó hơn đa phần các nhân tố khác. Với tư cách là liên minh giữa những nhà nước rất khác biệt, bất cân xứng và thường xuyên xung khắc nhau, EU đã quen với những tình thế phức tạp và khá nhuần nhuyễn nghệ thuật đạt thỏa thuận trong những cuộc đàm phán gian nan, đặc biệt khi so sánh với những kết minh non trẻ và lỏng lẻo như BRICS+./.
Biên dịch và chuyển ngữ: Uyển My
Về tác giả Uwe Optenhögel: Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Hamsburg và là nhà tư vấn chính trị. Từ năm 2009 – 2013 là Giám đốc Văn phòng của Quỹ Friedrich Ebert (FES) cho Cuba; từ năm 2013 – 2018 là Giám đốc Văn phòng FES cho châu Âu, có trụ sở tại Brussels; và hiện tại là biên tập của nhà xuất bản J.H.W. Dietz Nachf tại Bonn (Đức) và Phó Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Tiến bộ châu Âu (FEPS) tại Brussels.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Bài viết gốc: “BRICS to BRICS+: From Development Ambition to Geopolitical Challenge”, đăng tại niên giám của Foundation for European Progressive Studies: Progressive Yearbook 2024, FEPS, Brussels, 2024