Sau năm 2022 đầy hỗn loạn và biến động, thế giới sẽ bước sang năm 2023 với nhiều nguy cơ và thách thức. Đó là cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; những thay đổi sâu sắc trong nhận thức của các quốc gia, nguy cơ lạm phát và suy thoái nền kinh tế, đại dịch Covid – 19 và sự từ bỏ chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc.
2022 là năm đi vào lịch sử đối với thế giới với những sự kiện sẽ thay đổi căn bản quan hệ quốc tế trong nhiều thập kỉ tới, và 2023 sẽ là năm đầu tiên bắt đầu cho những thay đổi sâu sắc trên. Xung đột Nga – Ukraine, sự thay đổi nhận thức của các quốc gia, lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, đại dịch Covid – 19 và việc Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid được dự đoán sẽ là những sự kiện tiếp nối trong năm 2022 và định hình cục diện thế giới trong năm 2023.
Xung đột Nga – Ukraine
Xung đột Nga – Ukraine là cuộc xung đột khó lường nhất từ trước đến nay, đi chệch hướng với hầu hết các nhận định của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Cuộc chiến đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc quyền lực quốc tế. Từ khi Nga triển khai lực lượng, dàn quân dọc theo biên giới Ukraine đến lúc chiến sự nổ ra, những nhận định của các chuyên gia phần lớn đều là từ sẽ không có khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước, đến Nga sẽ giành thắng lợi nhanh chóng với tiềm lực quân sự áp đảo so với đối phương. Nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn khác so với các nhận định đó. Chiến sự đã bước sang tháng thứ 11 và giao tranh vẫn đang diễn ra quyết liệt ở khu vực Donbass. Hy vọng về một cuộc đàm phán hoà bình kết thúc chiến tranh vẫn còn quá xa vời.
Nguyên nhân khiến cuộc chiến vẫn tiếp tục kéo dài và đi chệch hướng với các dự báo như vậy, một phần lớn xuất phát từ sự chủ quan từ phía Nga. Nga đã chưa đánh giá hết tình hình và chưa có cái nhìn bao quát tất cả các biến số có thể xảy ra. Trong những lần xuất quân trước đây, như ở Gruzia năm 2008 tiến vào Nam Ossestia và sự kiện sáp nhận bán đảo Crimea năm 2014, quân đội Nga đều dành được những chiến thắng vô cùng dễ dàng, không gặp quá nhiều khó khăn và chỉ có sự kháng cự yếu ớt từ phía đối phương. Nhưng trong cuộc xung đột với Ukraine năm 2022, Nga đã đánh giá chưa hết được tình hình. Mặc dù quân đội Nga, với quy mô lực lượng và được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, vẫn có sức mạnh vượt trội so với Ukraine, nhưng năng lực của quân đội Ukraine đã khác so với 8 năm trước rất nhiều. Trên thực tế, không phải sau khi chiến sự năm 2022 nổ ra, Mỹ và các nước thành viên NATO mới bắt đầu viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngay từ năm 2014, các hành động này đã bắt đầu được triển khai và kéo dài cho đến tận năm 2022. Dường như mọi sự viện trợ, huấn luyện cho Ukraine của Mỹ trong suốt 8 năm chỉ để chuẩn bị cho cuộc xung đột nổ ra từ ngày 24/2/2022. Theo số liệu được chính phủ Mỹ công bố kể từ năm 2014, Mỹ đã cung cấp khoảng 30 tỷ đôla hỗ trợ an ninh nhằm đào tạo và cung cấp thiết bị để giúp Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho mình, bảo vệ biên giới và cải thiện khả năng tương tác với NATO[1]. Viện trợ của Mỹ và NATO đã giúp cho năng lực của quân đội Ukraine gia tăng đáng kể và đủ năng lực kháng cự quyết liệt đội quân hùng mạnh của Nga và đấy là biến số đầu tiên mà Chính quyền tổng thống Putin chưa tính tới.
Biến số thứ hai chính quyền Tổng thống Putin chưa tính tới là sự đoàn kết chưa từng thấy từ phía các nước phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Tính tới thời điểm hiện tại, các nước châu Âu đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với 1.386 cá nhân và 171 tổ chức, bao gồm nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Nga và các nhà tài phiệt hàng đầu. Phạm vi trừng phạt trải rộng trên các lĩnh vực then chốt của Nga như ngân hàng, tổ chức tài chính, các công ty trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng, hàng không, đóng tàu, chế tạo máy, các nguồn nguyên liệu như dầu mỏ, khí tự nhiên, than đá…[2] Mục tiêu của các lệnh trừng phạt này không gì khác ngoài bóp nghẹt nền kinh tế Nga, khiến chính quyền Tổng thống Putin không còn đủ nguồn lực tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine. Để đối phó với sự bao vây cấm vận, Nga đã sử dụng năng lượng như là một vũ khí đáp trả, khi Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu cho EU trước cuộc tiến công[3]. Thế nhưng Châu Âu vẫn đứng vững trước sự cắt giảm nguồn khí đốt đột ngột đến từ Nga và các nước Châu Âu vẫn có thể lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông bằng nguồn khí hoá lỏng từ Mỹ và năng lượng từ các khu vực khác. Như vậy, cả hai bên Nga và châu Âu đều có thể trụ vững trước những đòn đáp trả của đối phương. Điều này khiến cho cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chiến tranh tiêu hao. Khi nền kinh tế Nga vẫn còn đủ sức chống chọi và duy trì cuộc chiến, phía châu Âu không còn quá lo ngại vấn đề khí đốt sẽ vẫn tiếp tục tài trợ chi phí và cung cấp nhiều vũ khí, khí tài hơn, kết hợp với lập trường cứng rắn của cả hai bên khiến hi vọng đàm phán gần như không. Điều này khiến cục diện chiến trường ngày càng khó đoán và ác liệt hơn. Do vậy, khả năng cao cuộc xung đột sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện địa chính trị, kinh tế, an ninh thế giới trong năm 2023.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi cấu trúc quyền lực quốc tế, bởi cuộc xung đột này đã dẫn đến sự thay đổi của cả 3 yếu tố hình thành lên cấu trúc quyền lực quốc tế. Cấu trúc quyền lực gồm 3 thành phần tạo thành, gồm sự phân bố lực lượng, mẫu hình quan hệ quốc tế và luật lệ chung. Cuộc xung đột này đã tác động và làm thay đổi cả ba thành phần trên. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc sự phân bố lực lượng trên thế giới, khi thế giới chia thành những phe rõ rệt bởi nỗ lực chưa từng thấy của các cường quốc nhằm lôi kéo các nước về phe của mình. Một bên bao gồm các nước châu Âu, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… và đứng đầu là Mỹ, với mục tiêu là bao vây, cấm vận kinh tế nước Nga, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế nước này để chính quyền Tổng thống Putin không còn đủ năng lực tiếp tục cuôc chiến. Về phía Nga, để đối phó với những động thái trên, nước này cũng cố gắng lôi kéo các nước về phe của mình, trong đó thấy rõ nhất là các nước Liên Xô cũ, tiêu biểu Belarus. Bên cạnh đó, Nga cũng tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Iran…
Những nỗ lực tập hợp lực lượng mạnh mẽ chưa từng có từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1991 với sự kiện Liên bang Xô Viết sụp đổ, và trực tiếp dẫn đến sự thay đổi của thành tố thứ hai trong cấu trúc quyền lực quốc tế – mẫu hình quan hệ quốc tế. Kể từ sau chiến tranh lạnh đến trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, mẫu hình quan hệ quốc tế chủ yếu giữa các nước là hợp tác và hội nhập. Hệ quả là đã tạo ra quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá diễn ra vô cùng mạnh mẽ trên thế giới. Các nước gia tăng hợp tác kinh tế, trao đổi các công nghệ, khoa học tiên tiến, tạo nên một mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn trên phạm vi quốc tế. Nhưng từ khi xung đột diễn ra, mẫu hình quan hệ quốc tế chủ yếu lại là đối đầu căng thẳng giữa các nước lớn mà trực tiếp là giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu. Bằng chứng là hàng loạt các lệnh cấm vận đơn phương từ phía Mỹ và châu Âu, và đáp trả là sự cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Thêm vào đó, những lời lẽ chỉ trích liên tiếp mà các quan chức cấp cao của các bên giành cho nhau dẫn đến triển vọng đàm phán hoà bình kết thúc chiến tranh vẫn còn vô cùng mờ mịt. Xu thế này đã xảy ra trong năm 2022 và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 và có nguy cơ các mẫu hình sẽ chuyển từ đối đầu sang một hình thức còn tồi tệ hơn đó là cạnh tranh.
Thành phần thứ ba là luật lệ chung cũng đã có sự thay đổi lớn khi luật pháp quốc tế đã bị đe doạ và bị các cường quốc bỏ qua, thậm chí là có ý định thay đổi. Bằng chứng rõ ràng nhất là hành động đưa quân vào một quốc gia có chủ quyền đã được cộng đồng quốc tế công nhận của Nga, hay ở phía châu Âu là các lệnh trừng phạt kinh tế và áp giá trần dầu khí của Nga. Tất cả những sự thay đổi trên sẽ có tác động kéo dài trong nhiều thập kỉ sắp tới và ảnh hưởng trực tiếp tới cục diện thế giới trong năm 2023, khiến năm 2023 có thể sẽ khó lường và nguy hiểm hơn.
Sự thay đổi về nhận thức của các quốc gia
Hệ quả từ hàng loạt những sự kiện diễn ra trong năm 2022 như cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát, khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh Mỹ – Trung… đã tác động rất lớn tới nhận thức của chính phủ các quốc gia. Từ nhận thức thay đổi dẫn tới những thay đổi về chính sách của các nước; trong đó, những thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại trực tiếp dẫn tới thay đổi trong quan hệ giữa các nước. Xu thế này dự đoán sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Sự thay đổi về nhận thức rõ nhất và sẽ tác động nhiều nhất đến thế giới đến từ cường quốc số 1 thế giới – Mỹ. Chiến lược An ninh mới nhất (2022) của Mỹ xác định thời kì trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc, thế giới đã bước vào một thời kỳ mới, và xác định Trung Quốc sẽ là đối thủ trực tiếp của Mỹ trong những thập kỉ sắp tới[4]. Về phần Trung Quốc, Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng xác định mục tiêu dài hạn là xây dựng nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn hiến, hài hoà, tươi đẹp” vào năm 2050 với các mục tiêu phát triển tổng thể, trong đó đáng chú ý nhất là xây dựng đất nước mạnh về giáo dục, khoa học và công nghệ…[5]. Mục tiêu này nhằm để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến Chips bán dẫn đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, các mục tiêu tổng thế còn lại cũng cho thấy quyết tâm tự lực tự cường của Trung Quốc về kinh tế, khoa học công nghệ… nhằm đáp trả việc Mỹ tập hợp đồng minh.
Như vậy, có thể thấy, cuộc đối đầu Mỹ – Trung trong năm 2023 và nhiều năm tới không còn đơn thuần là cuộc cạnh tranh về kinh tế bằng việc áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của đối phương nữa, mà sẽ có phạm vi rộng lớn hơn, bao quát nhiều lĩnh vực hơn mà tiêu biểu nhất là cuộc cạnh tranh về Chips bán dẫn hay cạnh tranh ảnh hưởng chính trị ở các khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng như Đông Nam Á, Trung Đông. Như tác giả bài viết trên East Asia Forum đã cảnh báo rằng “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung không được kiểm soát sẽ dẫn đến thảm hoả[6]”. Kết cục của cuộc đối đầu địa chính trị lớn nhất thế kỉ 21 này có thể định hình trật tự thế giới mới trong nhiều thập kỉ sắp tới.
Nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế
Chưa phục hồi được bao lâu sau đại dịch Covid – 19 thì nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu những cú sốc tiếp theo là cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự gia tăng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Những sự nhân tố trên vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong năm 2023 và năm 2023 được dự đoán là một năm khó khăn, ảm đạm của nền kinh tế thế giới, luôn trực chờ nguy cơ xảy ra tình trạng suy thoái.
Theo IMF, các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết mọi nơi và xuống 2,7% vào năm 2023[7]. Khu vực được dự báo có nguy cơ suy thoái kinh tế cao nhất là ở châu Âu. Tuy nhiên để một cuộc suy thoái diện rộng có thể xảy ra vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, thế giới vẫn có quyền lạc quan có thể tránh được một cuộc suy thoái, bởi vì: bảng cân đối kế toán tiêu dùng của Mỹ vẫn mạnh; tỉ lệ thất nghiệp vẫn được kiểm soát; các lĩnh vực dịch vụ vẫn đang hoạt động tốt và mở rộng bất chấp lạm phát vẫn ở mức cao; Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự đoán là vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt mức 8% trong quý IV năm 2022 trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Đối với các nền kinh tế mới nổi, lạm phát trong năm 2023 là 6,6%. OECD khuyến khích các chính phủ cung cấp viện trợ để cứu trợ các hộ gia đình[8]. Điều này gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho ngân hàng Trung ương các nước khi cung cấp các khoản viện trợ cho người dân đồng nghĩa với việc nới lỏng thắt chặt nguồn cung tiền và dẫn tới tình trạng lạm phát có thể trầm trọng hơn nữa. Còn nếu thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì khiến người tiêu dùng mua sắm ít hơn, sức mua giảm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và thất nghiệp gia tăng. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, sức mua của người dân đang giảm dần và việc tăng tiền lương dường như không thể theo kịp tốc độ tăng giá nhà ở, hàng hoá cơ bản và chi phí đi lại[9]. Điều này tạo ra nguy cơ châu Âu sẽ rơi vào vòng xoáy giá cả – tiền lương. Năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn cho chính phủ các nước khi vừa phải cố gắng duy trì lạm phát, vừa duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế nhằm tránh rơi vào nguy cơ suy thoái.
Tuy nhiên nguy cơ suy thoái vẫn còn nhiều yếu tố để tin tưởng rằng nó sẽ không xảy ra, ít nhất là trong năm 2023. Bởi theo tiêu chí, nền kinh tế toàn cầu được cho là suy thoái khi tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp; nhưng theo dự báo của IMF, tốc độ tăng trưởng chỉ chậm lại ở mức 2,7%. Một trong những tín hiệu tích cực đến từ châu Á, khi Trung Quốc đã bắt đầu mở lại nền kinh tế sau khi từ bỏ chính sách “Zero Covid” sẽ tạo động lực cho nền kinh tế thế giới và một phần nào đó là những nền kinh tế nhỏ hơn nhưng phát triển năng động, hiệu quả như Việt Nam. Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt trên 8% cũng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tê thế giới trong năm 2023.
Đại dịch Covid – 19 và sự từ bỏ chính sách Zero Covid của Trung Quốc
Tuy rằng thế giới đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid – 19, nhưng những ảnh hưởng của nó đối với thế giới vẫn không thể xem nhẹ. Trung Quốc đã từ bỏ chính sách “Zero Covid” để mở cửa dần nền kinh tế. Đây là cơ hội cho các nước, đặc biệt là Việt Nam, khi giao lưu, hợp tác, xuất khẩu hàng hoá được tăng cường với nền kinh tế lớn số hai thế giới. Theo ước tính của The Japan Times, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tăng 1% sẽ mang lại mức tăng 0,2 điểm cho nền kinh tế toàn cầu.
Đi kèm với cơ hội cho tăng trưởng kinh tế là những thách thức mà các nước cần phải đối mặt. Cũng theo The Japan Times, mặc dù hơn 90% dân số đã được tiêm mũi hai nhưng chưa đến 70% người trên 80 tuổi được tiêm hai mũi và chỉ 40% được tiêm mũi nhắc lại. Đáng lo ngại hơn là hầu hết tất cả các mũi tiêm đều là vắc – xin của Trung Quốc. Loại vắc xin này kém hiệu quả hơn và có thời gian sử dụng ngắn hơn so với các loại vắc xin của phương Tây. Các chuyên gia ước tính khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “Zero Covid”, điều này sẽ làm gia tăng các ca nhiễm và có tới 60% dân số có thể nhanh chóng nhiễm bệnh[10]. Thông qua các hoạt động du lịch, xuất nhập khẩu, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại với các biến thế mới có tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn cho thế giới trong năm 2023 là hoàn toàn hiện hữu.
Một nguy cơ nữa cũng cần lưu ý, đó là khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, với quy mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cần nhu cầu về năng lượng dầu mỏ vô cùng lớn. Điều này có thể sẽ gây ra một cú sốc với giá dầu thế giới, khi nhu cầu về dầu tăng đột ngột, làm trầm trọng thêm sự bất ổn của giá dầu thế giới trong năm 2023 vốn đã tiềm ẩn nguy cơ biến động do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo CNN dẫn lời của cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết “Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu ngay cả khi hình thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này vẫn chưa chắc chắn”[11].
Một trong những tác động tích cực mà Covid – 19 có thể mang lại đã diễn ra trong năm 2022 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 là xu hướng gia tăng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tăng cường năng lực y tế, phòng ngừa các dịch bệnh để thế giới có thể ứng phó chủ động và linh hoạt hơn với các đại dịch tiếp theo trong tương lai. Thực tế 2 năm trải qua đại dịch đã cho thấy ngay cả những nền y tế tiên tiến nhất thế giới vẫn dễ dàng chịu tổn thương trước những đại dịch và sự cần thiết hợp tác ở cấp độ cao hơn về y tế giữa các nước. Tuy nhiên, xu thế này đang bị đe doạ trong năm 2023 bởi sự gia tăng đối đầu, chia rẽ, mâu thuẫn giữa các cường quốc với nỗ lực tập hợp lực lượng của mình.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Tài liệu tham khảo
[1] “U.S Security Cooperation with Ukraine”, (2023), U.S Department of state, https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-ukraine/
[2] “ EU sanctions against Russia explained”, (2022), Council of the European Union, https://www.consilium.europa.eu/en/policies/sanctions/restrictive-measures-against-russia-over-ukraine/sanctions-against-russia-explained/
[3] “These charts show Europe’s reliance on gas before the war in Ukraine”, (2022), World Econimic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2022/11/europe-gas-shortage-russia/
[4] Biden – Harris Administrations National securiry strategy, (2022), Whitehouse.gov, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf
[5] Arendse Huld, (2022), “ 20th Party Congress report: What it Means for Business, the Economy, and Social Development”, China Briefing, https://www.china-briefing.com/news/20th-party-congress-report-what-it-means-for-business/
[6] “US-China strategic competition unchecked is headed for disaster”,(2022), East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2022/11/07/us-china-strategic-competition-unchecked-is-headed-for-disaster/
[7] Nguyễn Đức, (2022), “2023 – Năm gập ghềnh đối với kinh tế thế giới”, Báo điện tử chính phủ, https://baochinhphu.vn/nam-2023-nam-gap-ghenh-doi-voi-kinh-te-the-gioi-102221227104645185.htm
[8] Nguyễn Đức, (2022), “2023 – Năm gập ghềnh đối với kinh tế thế giới”, Báo điện tử chính phủ, https://baochinhphu.vn/nam-2023-nam-gap-ghenh-doi-voi-kinh-te-the-gioi-102221227104645185.htm
[9] Vũ Hoàng, (2023), “ 4 vấn đề có thể định hình thế giới năm 2023”, VnExpress, https://vnexpress.net/4-van-de-co-the-dinh-hinh-the-gioi-nam-2023-4550733.html?gidzl=72nGLw9Gns8PD5HGeat1P1arMbExJymoLM1VKBWTcsO0CmvNl1lFPmOm3r6vIvLa3385LM6CIg84erN3O0
[10] “ China’s reopening poses new challenges for iself and the world”, (2022), thejapantimes, https://www.japantimes.co.jp/opinion/2022/12/16/editorials/china-zero-covid-2/
[11] Anna Cooban, (2023), “ Global oil demand could hit record high as China reopens”, CNN Business, https://edition.cnn.com/2023/01/18/energy/oil-record-demand-iea/index.html