Thành tựu kinh tế chính trị và chính sách đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng là một trong những chương trình nghị sự chủ yếu được hai Đảng tranh luận trong các cuộc bầu cử. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, trong cuộc bầu cử năm 2024, điều mà cử tri quan tâm nhất là các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, “Kinh tế học Biden” không được cử tri tán thành rộng rãi. Đặc biệt nguy hiểm cho Biden là thu nhập của người dân ở các "bang chiến trường" đang giảm. Điều này khiến ông bị tụt hậu so với Trump về tỷ lệ ủng hộ tại các bang này. Do quan điểm kinh tế của hai đảng hoàn toàn khác nhau, kết quả bầu cử sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế Mỹ và thế giới. Vì vậy, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) hiện đang thu hút sự chú ý, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát ở Mỹ, gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Do đó, việc tăng hay giảm lãi suất là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với FED. Hiện chỉ còn nửa năm nữa là đến cuộc bầu cử vào tháng 11, lạm phát và tăng trưởng thu nhập của người dân là những vấn đề mà Biden phải giải quyết. Cuộc đua về các vấn đề kinh tế sẽ tiếp tục cho đến phút cuối cùng trước cuộc bầu cử.
Sau “Siêu Thứ Ba” ngày 05/3/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đều giành chiến thắng ở nhiều bang, qua đó mở rộng lợi thế dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của mỗi đảng. Nếu không có tình huống đặc biệt xảy ra, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sẽ một lần nữa là cuộc đối đầu giữa Biden và Trump. Đây cũng là lần đầu tiên trong gần 70 năm qua, Mỹ có hai ứng cử viên tổng thống giống nhau lại đối đầu lần nữa. Hiện tại, chương trình nghị sự về kinh tế vẫn sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc bầu cử lần này, thậm chí có thể quyết định kết quả thắng thua.
Kinh tế là vấn đề ưu tiên hàng đầu
Thành tựu kinh tế chính trị và chính sách đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng là một trong những chương trình nghị sự chủ yếu được hai Đảng tranh luận trong các cuộc bầu cử. Năm 1992, khi Bill Clinton tranh cử Tổng thống thứ 42, ông đã đưa ra khẩu hiệu kinh điển – “Ngốc à, vấn đề là kinh tế!” Trong nhiều năm qua, người ta luôn tin rằng ứng cử viên nào thắng trong cuộc tranh luận về kinh tế thì cuối cùng sẽ thắng cử tổng thống Mỹ. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến năm 2016, trong số 11 vị tổng thống Mỹ đương nhiệm tái tranh cử, chỉ có ba người không thành công, đó là Ford, Carter và George H.W. Bush. Không có một ngoại lệ nào, trong năm cuối nhiệm kỳ của họ, kinh tế Mỹ đều gặp vấn đề, hoặc suy thoái hoặc lạm phát. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, kinh tế Mỹ tăng trưởng khá tốt trong ba năm đầu, nhưng đến năm 2020 lại xảy ra suy thoái nghiêm trọng. Mặc dù chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19 và các yếu tố khác, nhưng điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng tái cử của Trump.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, trong cuộc bầu cử năm 2024, điều mà cử tri quan tâm nhất là các vấn đề kinh tế như giá cả. Trong các kỳ bầu cử tổng thống Mỹ trước đây, các vấn đề cử tri quan tâm khá rộng rãi. Tháng 6/2022, Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bỏ phán quyết hợp pháp hóa việc phá thai trong vụ kiện Roe v. Wade từ nửa thế kỷ trước, khiến hàng triệu phụ nữ Mỹ mất quyền phá thai. Vì vậy, “quyền phá thai” đã trở thành trọng điểm quan tâm của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử năm 2024. Đầu năm nay, sau cuộc đối đầu giữa Chính phủ liên bang và chính quyền bang Texas ở biên giới, vấn đề nhập cư cũng trở thành một điểm nóng được cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, các vấn đề quốc tế như khủng hoảng Ukraine, xung đột Israel-Palestine cũng rất được chú ý. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò mới nhất vào tháng 2 năm nay, có 20% cử tri cho rằng “lạm phát và giá cả” là vấn đề quan trọng nhất của cuộc bầu cử năm 2024, 11% cho rằng “việc làm và kinh tế” là vấn đề hàng đầu. Đảng Cộng hòa tập trung vào các vấn đề kinh tế nhiều hơn so với Đảng Dân chủ, nhưng mối lo ngại về nền kinh tế tồn tại rộng rãi ở mọi đảng phái, sắc tộc và tầng lớp thu nhập khác nhau. Trong khi đó, 12% cử tri cho rằng “nhập cư” là vấn đề quan trọng nhất, 5% quan tâm đến “quyền phá thai”, và chỉ có 1% quan tâm đến “chính sách đối ngoại”. Ngoài ra, 8% cử tri quan tâm nhiều hơn đến “biến đổi khí hậu và môi trường” và 5% quan tâm nhiều hơn đến “thuế và chi tiêu của Chính phủ”, mà hai vấn đề này lại liên quan chặt chẽ đến các vấn đề kinh tế.
“Kinh tế học Biden” chưa được cử tri công nhận rộng rãi
Tháng 6/2023, chính quyền Biden đã đưa ra khẩu hiệu “Kinh tế học Biden” nhằm quảng bá những thành tựu kinh tế đạt được kể từ khi ông nhậm chức, nhằm kỳ vọng tạo đà cho cuộc bầu cử sắp tới. Khách quan mà nói, bảng “thành tích” kinh tế của Biden khá ấn tượng: kể từ khi nhậm chức, đã tạo ra gần 15 triệu việc làm, duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% trong khoảng thời gian dài nhất trong 50 năm qua. Lạm phát tiếp tục giảm trong thời gian gần đây, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,2% trong tháng 02, gần mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Hơn nữa, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang liên tục tăng lãi suất, kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái mà vẫn thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,5% vào năm 2023
Tuy nhiên, cử tri dường như không công nhận các thành tựu kinh tế của Biden. Trong cuộc thăm dò mới nhất do The New York Times và Siena College thực hiện, 81% cử tri cho rằng tình hình kinh tế Mỹ “bình thường” hoặc “kém”, chỉ có 19% cho rằng “tốt” hoặc “xuất sắc”. 19% số người được hỏi tin rằng kinh tế hiện tại tốt hơn thời kỳ Trump, trong khi 65% cho rằng kinh tế “tệ hơn”. Tại sao lại như vậy? Những cử tri quan tâm đến các vấn đề kinh tế không cảm nhận được trực tiếp những chỉ số kinh tế vĩ mô mà Biden nhấn mạnh. Đa số cử tri quan tâm hơn đến những yếu tố liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ như tiền lương và giá cả. Điều họ lo ngại hơn là giá xăng dầu toàn quốc vào tháng 3 đã tăng lên 3,53 USD/gallon, mức cao nhất trong hai năm qua. Giá thực phẩm và hàng tiêu dùng đã tăng 25% kể từ tháng 1/2020. Giá nhà cũng lập kỷ lục mới với giá thuê nhà ở một số khu vực đã tăng gần 40% vào năm 2023. Những yếu tố này đã làm giảm đáng kể cảm nhận của người dân về thành tựu kinh tế của Chính quyền Biden.
Đối với Biden mà nói, điều đặc biệt nguy hiểm là thu nhập của người dân ở các bang chiến trường đang giảm. Kể từ năm 2016, tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ ngày càng gia tăng, làm nổi bật tầm quan trọng của các bang chiến trường đối với kết quả bầu cử. Trong cuộc bầu cử năm 2020, Biden đã thắng sáu trong bảy bang này, chỉ thua Bắc Carolina với cách biệt 1,3%. Việc làm sao để thu hút được sự ủng hộ của cử tri trung gian là vấn đề then chốt mà cả Biden và Trump đều phải giải quyết trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, hiện nay các vấn đề kinh tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình bầu cử ở các bang dao động. Mặc dù nhờ vào chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng sạch của chính quyền Biden, đầu tư vào sản xuất ở một số bang chiến trường tăng mạnh, nhưng về vấn đề cốt lõi là thu nhập của người dân. Do bị lạm phát cao xói mòn, tốc độ tăng lương trung bình ở bảy bang chiến trường từ năm 2021 đến tháng 12/2023 là -1,3%, sức mua thực tế của cư dân không những không tăng mà còn giảm. Đa số cử tri ở các bang này không thể hưởng lợi từ hiệu ứng tài sản do giá nhà và giá cổ phiếu tăng cao, ngược lại họ phải chịu áp lực cuộc sống do lạm phát cao. Để đảo ngược tình thế bất lợi và thu hút sự ủng hộ của tầng lớp lao động, vào tháng 9/2023, Biden đã công khai ủng hộ việc tăng lương 40% cho công nhân ngành ô tô Mỹ. Vào tháng 2/2024, ông đã đến Michigan-một bang chiến trường, để gặp gỡ các thành viên công đoàn, trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên tham gia trực tiếp vào một cuộc đình công, nhưng kết quả không mấy khả quan. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg và Morning Consult vào tháng 3, Trump vẫn dẫn trước Biden về tỷ lệ ủng hộ tổng thể ở bảy bang chiến trường với tỷ lệ 47% so với 43%. Các vấn đề kinh tế vẫn là lực cản lớn nhất mà Biden phải đối mặt ở các bang này.
Quan điểm kinh tế của Biden và Trump rất khác biệt
Biden cố gắng tận dụng xuất thân gia đình lao động của mình để quảng bá tầm nhìn về một “nước Mỹ tốt đẹp hơn” cho tất cả mọi người thông qua các chính sách kinh tế “từ dưới lên” và “từ trong ra ngoài”. Trong khi đó, Trump vẫn tiếp tục kêu gọi “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” (MAGA), ủng hộ khái niệm “kinh tế nhỏ giọt”, tức là khi những người giàu có giàu thêm, người dân tầng lớp thấp mới có thể hưởng lợi theo. Do đó, hai ứng cử viên có những quan điểm rất khác nhau trong một số vấn đề kinh tế quan trọng.
Về chi tiêu của chính phủ và nợ công, Biden đã thúc đẩy các biện pháp kích thích thuế và đầu tư công lớn trong các ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng liên quan thông qua việc thúc đẩy ký kết các dự luật như “Luật Đầu tư cơ sở hạ tầng”, “Luật về Chip và khoa học”, “Luật cắt giảm lạm phát”. Hiệu quả kinh tế của việc thực hiện các dự luật này là khó đánh giá, nhưng đã dẫn đến sự tăng của nợ công liên bang, mà theo quan điểm của đảng Cộng hòa nó là một trong số nguyên nhân gây ra chi tiêu tài chính vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, Trump tìm cách cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng sẽ không giảm các chương trình bảo hiểm y tế và an sinh xã hội, để tránh tạo cơ sở cho đối thủ tấn công. Tổng nợ công trong thời kỳ Trump đã tăng thêm 7,8 nghìn tỷ USD, và đến cuối tháng 3 năm nay, tổng nợ công trong thời kỳ Biden cũng đã tăng thêm 6,8 nghìn tỷ USD. Cả Biden và Trump đều không có ý định nghiêm túc giải quyết vấn đề thâm hụt và nợ công. Sự khác biệt chỉ nằm ở phương hướng chi tiêu của Chính phủ và thái độ đối với thuế.
Về lĩnh vực thuế, vào năm 2017 Trump đã thúc đẩy việc ký “Luật cắt giảm thuế và tạo việc làm” với các điều khoản chính sẽ hết hiệu lực vào năm 2025. Biden đã liên tục kêu gọi hủy bỏ các chính sách cắt giảm thuế đối với người giàu trong đạo luật này. Ông mong muốn khôi phục thuế thu nhập cá nhân cao nhất từ 37% lên 39,6%, và áp đặt thuế phụ thu đối với các tỷ phú và cá nhân có thu nhập hàng năm trên 1 triệu USD để giảm thiểu thâm hậu ngân sách. Gần đây, Trump đã tự ca ngợi hiệu quả kinh tế của luật cắt giảm thuế trong nhiều bài phát biểu tranh cử và cam kết gia hạn các điều khoản cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp và những người có thu nhập cao trên trang web tranh cử của mình.
Về biến đổi khí hậu và chính sách năng lượng, vào năm 2022 Biden đã thúc đẩy ký kết “Đạo luật giảm lạm phát” để thúc đẩy năng lượng xanh, cung cấp các khoản khấu trừ thuế cho ô tô điện lên đến 7500 USD. Trump đã chỉ trích chính sách ô tô điện của Biden sẽ đưa ngành công nghiệp ô tô Mỹ đối mặt với nguy cơ phá sản và đe dọa hủy bỏ các khoản hỗ trợ nếu tái đắc cử. Trump cũng đổ lỗi cho giá dầu cao vào chính sách năng lượng sạch của Biden, chỉ trích “Đạo luật giảm lạm phát” là “sự tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ”. Ông cam kết nếu tái đắc cử sẽ tìm cách “tối đa hóa sản xuất nhiên liệu hóa thạch” và thúc đẩy “tự chủ năng lượng”.
Về mặt quan hệ kinh tế đối ngoại, chính phủ Biden đã không tiếp tục sử dụng “cây gậy” thuế quan, thay vào đó cố gắng xây dựng các liên minh kinh tế quốc tế dưới danh nghĩa “an ninh kinh tế” như “Khung cơ sở kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF). Cố gắng kết hợp nó với “Liên minh Dân chủ” nhằm nỗ lực xây dựng một vòng tròn nhỏ chuỗi cung ứng chống lại Trung Quốc. Thúc đẩy các ngành công nghiệp cao cấp trở lại Mỹ, trong khi các ngành công nghiệp trung và thấp đều chuyển sang các quốc gia như Mexico, Ấn Độ, Việt Nam và nhiều nước khác. Biden tuyên bố nếu tái đắc cử sẽ tiếp tục thúc đẩy các liên minh tương ứng, trong khi Trump vẫn tiếp tục sử dụng các công cụ như thuế quan và các công cụ khác để định hình lại quan hệ kinh tế đối ngoại. Trump và nhóm tư vấn của ông tuyên bố đang lên kế hoạch cho một chính sách “tiếp cận 3 hướng” bao gồm việc áp thuế 10% đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, áp thuế thu nhập 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và một loạt các biện pháp nhằm vào thuế quan.
FED được quan tâm đặc biệt trong năm bầu cử Mỹ
Trong năm bầu cử, sự độc lập chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) luôn thu hút sự chú ý, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát cao. Trong khoảng chưa đầy 18 tháng qua, FED đã tăng lãi suất cơ bản từ 0 lên 5,25%, đạt được hiệu quả tốt trong việc kiểm soát lạm phát. Nhưng điều này cũng làm cho nền kinh tế Mỹ chịu áp lực suy thoái ngày càng lớn với việc khủng hoảng của các ngân hàng vừa và nhỏ, như ngân hàng Silicon Valley vào năm 2023 là minh chứng. Mặc dù FED đã ngừng tăng lãi suất kể từ tháng 8/2023 và cho biết sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào thời điểm thích hợp. Nhưng do mức lạm phát đã tăng trở lại, gần đây họ lại bắt đầu nhấn mạnh “không cần vội vàng giảm lãi suất”. Quyết định về thời điểm giảm lãi suất của FED ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Mỹ. Việc trì hoãn giảm lãi suất đối với Biden và Đảng Dân chủ mang lại rủi ro lớn. Ông Biden bắt đầu công khai kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất càng sớm càng tốt ngay từ đầu tháng 3 trong các sự kiện tranh cử – “Tôi đánh cá rằng họ sẽ giảm xuống”. Là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ do Trump đề cử, ông Powell đã nhiều lần gặp phải yêu cầu giảm lãi suất từ Nhà Trắng trong thời Trump, thậm chí từng bị bị Trump đe dọa cách chức. Thách thức mà Powell phải đối mặt bây giờ là trong bối cảnh cuộc tranh luận giữa các phe phái đang căng thẳng, bất kể ông ta làm gì đều giống như là đang chọn phe.
Trong bài phát biểu Thông điệp liên bang ngày 07/3/2024, Biden đã thúc đẩy mạnh mẽ câu chuyện về “sự hồi sinh chưa từng có của nước Mỹ”, tập trung vào nền kinh tế dân sinh, thúc đẩy các biện pháp như tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp, giảm chi phí thuốc đặc trị… với hy vọng chuyển tầm nhìn của cử tri về sự bất mãn của nền kinh tế hiện tại sang các doanh nghiệp và người giàu. Đồng thời, chính quyền Biden cũng đang tích cực thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế mà cử tri bình thường có thể nhìn thấy. Vào đầu tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Yellen lần thứ hai thăm Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình, nhiều lần bày tỏ quan ngại về cái gọi là “năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc”. Yêu cầu Trung Quốc kiểm soát khả năng sản xuất ô tô điện, pin lithium và tấm pin năng lượng mặt trời nhằm “thúc đẩy lợi ích của công nhân và doanh nghiệp Mỹ”. Chỉ còn nửa năm nữa là đến cuộc bầu cử vào tháng 11, lạm phát và tăng thu nhập của người dân là những vấn đề khó khăn mà Biden phải giải quyết. Cuộc đua về các vấn đề kinh tế sẽ tiếp tục cho đến phút cuối cùng trước cuộc bầu cử./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Mã Vĩ là Trợ lý Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Mỹ của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]