Kể từ tháng 10 năm nay, tranh chấp giữa hai quốc gia Nam Mỹ Venezuela và Guyana xung quanh khu vực Essequibo một lần nữa thành chủ đề nóng, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Từ việc Venezuela đơn phương tiến hành xây dựng căn cứ quân sự đến việc hai nước đối đầu trực diện tại Tòa án quốc tế đến việc Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 3 tháng 12 để “quyết định” tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Vấn đề tàn tích lịch sử âm ỉ trong nhiều thập kỷ này lại đột nhiên bùng lên.
Hiện tại, các nước trong khu vực đang tăng cường cảnh giác, quân đội Brazil đã bước vào tình trạng sẵn sàng cao độ nhằm phòng ngừa nguy cơ xung đột bùng phát. Mỹ và Guyana cũng cùng chung ý tưởng mong muốn quân đội Mỹ đóng quân tại nước này. Ngày 07/12 Đại sứ quán Mỹ tại Guyana còn tuyên bố rằng Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ và Lực lượng Quốc phòng Guyana tổ chức một cuộc tập trận chung trên không trong cùng ngày. Liệu tranh chấp chủ quyền lãnh thổ song phương giữa Venezuela và Guyana có tiếp tục leo thang và biến Nam Mỹ thành điểm nóng xung đột tiếp theo? Trong bối cảnh xung đột diễn ra trên khắp toàn cầu, thế giới bên ngoài đặc biệt nhạy cảm với vấn đề này.
Tàn tích lưu lại từ thời kỳ thực dân
Để hiểu tại sao Venezuela và Guyana lại tiếp tục tranh chấp lãnh thổ lần này, chúng ta cần hiểu rõ hai điểm:
Thứ nhất, tại sao khu vực Essequibo lại trở thành vấn đề tranh chấp lãnh thổ khó giải quyết trong suốt 200 năm qua?
Thứ hai, tại sao tranh chấp này đột nhiên leo thang vào thời điểm này năm nay? Thậm chí còn có việc xây dựng quân sự, trưng cầu dân ý, v.v. … Một hành động quyết liệt nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng?
Khu vực Essequibo có diện tích khoảng 159.500 km2 và thuộc thẩm quyền quản lý thực tế của Guyana, quốc gia nói tiếng Anh duy nhất ở Nam Mỹ. Nằm ở phía tây sông Essequibo, giáp với biên giới phía đông của Venezuela, chiếm 2/3 diện tích lãnh thổ Guyana. Do có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như vàng, kim cương, nhôm.. trước khi Guyana và Venezuela giành được độc lập, Essequibo đã liên tiếp bị thực dân Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh tranh giành từ thế kỷ 15. Các tranh chấp lãnh thổ ngày nay về cơ bản là những vấn đề lịch sử còn lưu lại từ thời kỳ thực dân.
Năm 1777, Tây Ban Nha đã thành lập chính quyền thuộc địa Venezuela bao gồm khu vực Essequibo đang tranh chấp ngày nay và sông Essequibo là đường phân chia giữa Venezuela của Tây Ban Nha và Essequibo của Hà Lan (lãnh thổ Guyana ngày nay). Vào cuối thế kỷ 18, thực dân Anh dần chiếm đóng các thuộc địa của Hà Lan ở khu vực này, và đến năm 1796 họ chiếm đóng khu vực Essequibo.
Khi đó, Tây Ban Nha vẫn chưa buông lỏng từ bỏ khu vực này, nhưng đã quá mệt mỏi để ứng phó với các phong trào đòi độc lập liên tiếp của thuộc địa và không có thời gian để bận tâm đến nó. Người Anh chính thức sáp nhập khu vực này với các thuộc địa cũ của Hà Lan kiểm soát xung quanh vào năm 1831 để thành lập Guiana thuộc Anh. Gần như cùng thời điểm, sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1811 và kỷ nguyên 10 năm của thời đại “Cộng hòa Đại Colombia”, Venezuela chính thức trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền vào năm 1830 và tuyên bố khu vực Essequibo là một phần lãnh thổ của mình ngay từ khi độc lập. Vấn đề chủ quyền của Essequibo đã nảy sinh từ đó và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Trên thực tế, hai quốc gia (cũng như Vương quốc Anh, quốc gia có chủ quyền trước đây của Guyana) đã có những cách giải thích trái ngược nhau về tính hợp pháp và nguồn gốc hợp pháp của quyền sở hữu khu vực, khiến hai nước khó đạt được sự đồng thuận cơ bản về vấn đề này. Venezuela cho rằng họ là người thừa kế lãnh thổ các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha và thực dân Tây Ban Nha năm đó chỉ giao cái gọi là “Lãnh thổ Guyana” cho người Hà Lan, không bao gồm khu vực Essequibo.
Trong khi thực dân Anh ngay từ đầu đã tuyên bố rằng toàn bộ “vùng Guyana”, bao gồm cả Essequibo là một vùng xa xôi hẻo lánh trong thời gian dài không được quản lý hiệu quả. Người dân bản địa ở đây quanh năm sống trên cùng một mảnh đất với người Hà Lan và không có gì liên quan với Tây Ban Nha. Do đó, cho dù đó là Guyana thuộc Anh, được hình thành sau khi chiếm đóng các thuộc địa của Hà Lan, hay Guyana, một quốc gia có chủ quyền độc lập khỏi Anh vào năm 1966, lãnh thổ có chủ quyền của nó đều bao gồm cả khu vực Essequibo.
Dựa trên tranh chấp gần như “không thể giải quyết” về tính hợp pháp của chủ quyền, xích mích và xung đột thỉnh thoảng đã nổ ra trong khu vực. Năm 1895 khi cuộc khủng hoảng Venezuela bùng nổ, Mỹ đã can thiệp theo yêu cầu của hai bên Anh và Venezuela, và vào năm 1899, Tòa án Trọng tài Paris đã chuyển phần lớn lãnh thổ (cùng với tất cả các mỏ vàng) sang Guyana thuộc Anh và mâu thuẫn tạm thời chấm dứt (nhưng Venezuela chưa bao giờ công nhận phán quyết). Hiệp định Geneva Anh-Venezuela-Guyana năm 1966 quy định rằng tất cả các bên thành lập một Ủy ban hỗn hợp, nỗ lực tìm ra giải pháp. Nghị định thư về Cảng Tây Ban Nha của Venezuela năm 1970 quy định tranh chấp chủ quyền sẽ được gác lại trong 12 năm. Tuy nhiên sau đó không được gia hạn mà quay trở lại tình trạng “mạnh ai người ấy nói” và chỉ có thể nhờ đến trọng tài của Liên Hợp Quốc…
Tại sao cuộc tranh chấp thế kỷ lại nóng lên?
Sau khi Chavez lên nắm quyền, Venezuela đã áp dụng chính sách “tiên binh hậu lễ” trong vấn đề này. Không chỉ chủ động thực hiện các hành động quân sự như điều động máy bay quân sự, tuyên bố sự tồn tại chủ quyền mà còn từng hành động theo lời khuyên của cựu lãnh đạo Cuba Phidel Castro làm dịu quan hệ song phương. Chavez thậm chí còn nói trong chuyến thăm Guyana năm 2004 rằng ông đang cân nhắc việc chấm dứt tranh chấp. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Venezuela hiện nay Maduro lên nắm quyền, vấn đề lịch sử này lại nóng lên trong những năm gần đây.
Một nguyên nhân trực tiếp là Essequibo nơi vốn đã có trữ lượng vàng dồi dào lại phát hiện ra “vàng đen” – dầu mỏ. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, đã chỉ ra rằng một lượng lớn trữ lượng dầu ngoài khơi đã được phát hiện ở vùng biển phía bắc Essequibo từ năm 2015 đến năm 2021. Theo báo cáo mới nhất của BBC, trữ lượng dầu tích lũy hiện tại của Guyana có thể lên tới 11 tỷ thùng, đồng nghĩa nước này đã nhảy vào nhóm danh sách 20 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Ngay lập tức, Chính phủ Guyana đã phát động đấu thầu công khai và cấp giấy phép thăm dò dầu khí ở vùng biển này, khiến các công ty dầu khí khổng lồ như Exxon Mobil đổ xô tới đó để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Khoản lợi nhuận từ dầu mỏ bất ngờ đã đưa Guyana trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây (năm 2022 GDP bình quân đầu người đạt 19.300 USD, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán sẽ đạt 60.000 USD trong năm nay). Điều này đương nhiên khiến Venezuela, quốc gia có ngành công nghiệp dầu mỏ là huyết mạch kinh tế nóng mắt. Chính phủ Venezuela đặt các mỏ dầu ngoài khơi này trong phạm vi lãnh hải của Venezuela dưới hình thức sắc lệnh của tổng thống. Phái hải quân và không quân đánh đuổi và bắt giữ các tàu Guyana, đồng thời cho máy bay chiến đấu bay qua các thành phố của Guyana. Không chấp nhận sự quấy nhiễu này, Guyana đã đệ đơn lên Tòa án Quốc tế vào năm 2018, kiện Venezuela vì không công nhận kết quả của trọng tài quốc tế năm 1899.
Đến năm 2023, ngoài các yếu tố bên ngoài (Tòa án Quốc tế tuyên bố có thẩm quyền đối với tranh chấp do Guyana nêu ra, Chính phủ Guyana đã đứng vững trước áp lực, ngày 19/9 đã ủy quyền cho sáu công ty dầu khí đa quốc gia trong đó có ExxonMobil tiếp tục khoan và khai thác dầu ở vùng biển tranh chấp). Maduro tiếp tục phát động cuộc trưng cầu dân ý này khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đang đến gần và phe đối lập đang hung hãn. Các nhà phê bình coi đây là hành động “chuyển hướng sự chú ý của công chúng, giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc ”, nhằm ghi thêm điểm cho chiến dịch tranh cử tổng thống.
Khi những mâu thuẫn lịch sử và xung đột lợi ích thực sự giao thoa, không có gì ngạc nhiên khi một cuộc tranh chấp kéo dài hàng thế kỷ đột nhiên bùng phát vào thời điểm này.
Venezuela liệu có trở thành điểm nóng xung đột khu vực tiếp theo?
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 03/12 của Venezuela bao gồm 5 vấn đề, tất cả đều nhạy cảm:
– Bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Paris năm 1899;
– Chỉ công nhận Hiệp định Geneva 1966 (Venezuela và Guyana có cách giải thích khác nhau về văn bản này);
– Không công nhận thẩm quyền của Tòa án quốc tế đối với tranh chấp Essequibo;
– Phản đối kế hoạch phân định ranh giới biển của Guyana;
– Thành lập Bang “Essequibo Guyana” của Venezuela và cấp quyền công dân Venezuela cho cư dân địa phương…
Nói tóm lại, các vấn đề liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý này trong mắt của thế giới bên ngoài đều là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng thực tế.
Đối với cuộc trưng cầu dân ý “không mang tính ràng buộc” này, Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela cho biết 95,9% người dân bỏ phiếu tán thành 5 vấn đề này. Ông Elvis Amoroso, Chủ tịch Ủy ban bầu cử cho biết cuộc trưng cầu dân ý đã nhận được 10,55 phiếu bầu, là một kết quả “lịch sử”, nhưng không nói rõ liệu điều này đề cập đến số lượng cử tri hay tổng số câu trả lời cho năm câu hỏi trên. Do các điểm bỏ phiếu yên tĩnh và vắng vẻ vào ngày trưng cầu dân ý, các nhân vật đối lập như Enrique Capriles và giới truyền thông quốc tế đều nghi ngờ về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thực sự của cuộc trưng cầu dân ý. Chưa kể trước khi cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu, một số nhân vật đối lập, trong đó có Corina Machado, đã phản đối cuộc trưng cầu dân ý và hy vọng sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Quan điểm trong nước của Venezuela về việc “khôi phục chủ quyền thông qua trưng cầu dân ý” không thống nhất (mặc dù các đảng phái khác nhau có sự đồng thuận cơ bản về vấn đề chủ quyền của Essequibo), cộng đồng quốc tế đầy quan ngại hoặc phản đối động thái này. Guyana không cần phải nói, vào ngày trưng cầu dân ý ở Venezuela, người dân trong nước đã tự phát thành lập từng đoàn người ủng hộ Essequibo tiếp tục thuộc chủ quyền của Guyana; Thông qua mạng xã hội Facebook Tổng thống Guyana Irfaan Ali đưa ra bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ của mình và dùng từ ngữ “không sợ hãi “ để xoa dịu người dân. Cam kết Chính phủ Guyana sẽ dốc toàn lực để bảo vệ biên giới quốc gia.
Ngoài ra, trước cuộc trưng cầu dân ý Tòa án Quốc tế đã yêu cầu Venezuela kiềm chế, tránh đơn phương thay đổi hiện trạng, và định nghĩa chính xác về hiện trạng hiện nay là “Guyana thực hiện quản lý và kiểm soát hiệu quả đối với khu vực này (Essequibo)” . Khối Thịnh vượng chung, Cộng đồng Caribe, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra tuyên bố lên án “tính bất hợp pháp” của cuộc trưng cầu dân ý ở Venezuela và bày tỏ tình đoàn kết với Guyana. Hai nước lớn của Châu Mỹ là Mỹ và Brazil luôn ủng hộ Guyana trong vấn đề Essequibo lại càng theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của tình hình.
Hiện nay mối quan tâm lớn nhất của thế giới bên ngoài không phải là bản thân cuộc trưng cầu dân ý mà là liệu tình hình ở Essequibo có leo thang một cách hiếm hoi sau động thái này hay không? Thậm chí trở thành một điểm nóng xung đột khu vực khác sau Nga – Ukraine, Israel – Palestine. Sau cuộc trưng cầu dân ý, ông Maduro không ngừng hành động, thuận thế tuyên bố vào ngày 5 tháng 12 rằng ông sẽ phê duyệt việc thăm dò khai thác dầu khí, khoáng sản và các tài nguyên khác ở khu vực Essequibo. Đồng thời cung cấp cho Petroleos de Venezuela (PDVSA) và Công ty Venezuela Guyana (CVG) ) hai doanh nghiệp nhà nước các khoản trợ cấp tương ứng với trợ cấp địa phương ở Essequibo.
Khi Guyana chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và ứng phó với “trạng thái căng thẳng chưa từng có”. Do sự chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự giữa nước này và Venezuela (Guyana có khoảng 4.000 quân chính quy và thiếu vũ khí; Venezuela có hơn 120.000 quân, có xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân và các thiết bị khác đều chiếm ưu thế). Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp, Guyana chỉ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự hoặc thậm chí can thiệp từ Mỹ và Brazil.
Trên thực tế, Brazil vẫn đang tiếp tục tăng quân tới khu vực biên giới phía bắc giáp Venezuela và Guyana, đồng thời duy trì trao đổi quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Guyana. Mỹ trước đó đã bày tỏ ý định sẵn sàng đóng quân, tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ tại Guyana cũng nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ đối tác quân sự với Guyana. Guyana còn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mời quân đội Mỹ trực tiếp hỗ trợ phòng thủ khu vực Essequibo. Hai quốc gia lớn nhất ở Tây bán cầu đều ủng hộ Guyana và quân đội của họ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Điều đó có nghĩa là bất kỳ cuộc xả súng nào cũng có thể trở thành một cuộc xung đột đa phương trong khu vực.
Đương nhiên, bất kể là Mỹ, Brazil và Guyana hiện nay là một phe hay Venezuela là nước chủ động áp dụng hành động, thông qua xung đột quân sự hoặc thậm chí là chiến tranh để hiện thực hóa các yêu sách lãnh thổ vẫn chưa đủ tính khả thi. Bài phân tích của tờ “Thời báo tài chính” Anh chỉ ra rằng sở dĩ Venezuela chọn “mạo hiểm” vào thời điểm này có lẽ là để tận dụng cơ hội khi xung đột giữa Nga với Ukraine, Palestine và Israel thu hút sự chú ý của quốc tế. Điều này từ biểu hiện bên ngoài cho thấy chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ, Mỹ hoàn toàn không hy vọng đồng thời đưa lực lượng quân sự vào một điểm nóng khác. Các nước trong khu vực như Brazil và Uruguay cũng không muốn “chọn phe” trong vấn đề này.
Mà đứng ở góc độ của Venezuela, lúc này “một lần vùng lên, thu hồi lãnh thổ” cũng không phải là thượng sách. Đánh giá từ ý chí chủ quan của Chính phủ Venezuela, nếu đúng như đối thủ đối lập Machado và những người khác nói, Maduro tổ chức trưng cầu dân ý chỉ nhằm vận động cảm xúc chủ nghĩa dân tộc để bản thân tạm thời thoát khỏi tình trạng khó khăn của lạm phát, thiếu lương thực v.v… đồng thời để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm sau. Vậy thì ông không được để những “thủ đoạn” đó gây thiệt hại lớn hơn cho bản thân và cản trở việc đạt được các mục tiêu chính trị của mình. Điều này quyết định rằng tuy Chính phủ Venezuela đang chơi “con bài Essequibo” nhưng cũng không muốn chính mình thực sự rơi vào vũng lầy xung đột quân sự.
Ngay cả khi Chính phủ Venezuela muốn chiếm khu vực Essequibo bằng mọi giá thì ở các cấp độ khách quan vẫn có những hạn chế đáng kể. Một mặt, theo phân tích của Annette Idler, trợ lý giáo sư kiêm giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu tại Đại học Oxford, nếu Venezuela muốn tiến vào khu vực Essequibo về mặt quân sự, nước này chỉ có thể huy động quân ở khu vực biên giới. Vấn đề chính là mức độ kiểm soát biên giới của Chính phủ Venezuela có giới hạn. Việc không thể chỉ huy những đội quân này đồng nghĩa với việc Venezuela sẽ khó tìm ra cách đánh bại thành công Essequibo.
Hơn nữa, quân đội Venezuela còn phải đối mặt với những trở ngại về địa lý: khu vực biên giới giữa Venezuela và Essequibo được bao phủ dày đặc bởi rừng mưa nhiệt đới, khiến việc hành quân qua khu vực này trở nên khó khăn trừ khi mượn đường qua ngả Brazil tiến vào khu vực này. Tuy nhiên, quân đội Brazil vốn đã tăng cường triển khai quân sự ở dọc biên giới, đã nhấn mạnh rằng “không bên nào ở Venezuela và Guyana có thể sử dụng lãnh thổ của chúng tôi”. Điều này trên thực tế đã ngăn chặn khả năng hành quân của Venezuela.
Mặt khác, nếu Chính phủ Venezuela nhất quyết chiếm giữ lãnh thổ Guyana vốn được cộng đồng quốc tế công nhận, điều đó đồng nghĩa với việc xuất hiện một đợt trừng phạt quốc tế khác. Đây sẽ là một đòn chí mạng đối với nền kinh tế Venezuela vừa phục hồi. Đến lúc đó, “cơ sở ý nguyện lòng dân” mà cuộc trưng cầu dân ý hôm nay thể hiện có lẽ sẽ không chịu nổi sự công kích. Nếu tranh chấp lãnh thổ leo thang dẫn đến các lệnh trừng phạt kinh tế và sinh kế của người dân gặp khó khăn. Thái độ của người dân đối với Chính phủ Venezuela và Maduro về vấn đề này rất có thể sẽ chuyển thành bất mãn, càng không nói đến cuộc trưng cầu dân ý này vốn dĩ tồn tại nhiều điểm đáng ngờ.
Rõ ràng, tranh chấp chủ quyền Essequibo là một vấn đề khó khăn và có ít sự đồng thuận giữa hai bên. Cho dù đó là do mâu thuẫn lịch sử hay tranh chấp lợi ích thực tế thì chắc chắn sẽ gây ra xung đột bất cứ lúc nào. Làm thế nào để giải quyết hợp lý những bất đồng lớn như vậy và duy trì hòa bình, ổn định ở quốc gia liên quan và các khu vực xung quanh luôn là thử thách sự kiên nhẫn, trí tuệ của các quốc gia cũng như chính phủ liên quan ở nơi thường ngày ít thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hồ Dục Khôn, hội viên Hiệp hội Dịch giả Trung Quốc, nhà báo chính trị quốc tế.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]