So với sự phân tuyến lực lượng tương đối rõ ràng trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông hiện đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc. Các vấn đề liên quan tới lợi ích, mâu thuẫn, cân bằng lực lượng giữa các thế lực ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn. Trong thời gian tới, sự ràng buộc của Nghị quyết 2728 Hội đồng Bảo an về việc ngừng bắn tại Dải Gaza có thể sẽ giảm bớt. Việc Israel rút quân khỏi miền nam Gaza có lẽ trong ngắn hạn sẽ làm cho mức độ xung đột ở Dải Gaza có phần hạ nhiệt. Nhưng sự trả đũa Iran sau các hoạt động thù địch của Israel đang khiến căng thẳng bùng nổ ở một mặt trận mới. Các lực lượng đối lập trong khu vực đang chuyển sang “chiến thuật mới”. Điều này khiến các quốc gia, các lực lượng cân nhắc thiết lập một sự cân bằng mới "trong máu và lửa" Trung Đông. Một cấu trúc xung đột mới đã hình thành.
Trong thời gian gần đây, cuộc xung đột Palestine-Israel đã trải qua những biến động lớn. Ngày 07/4, Israel bất ngờ tuyên bố rút quân quy mô lớn khỏi khu vực miền nam Gaza. Hiện tại chỉ giữ lại khoảng một sư đoàn ở Dải Gaza để ngăn chặn người dân ở đây quay trở lại miền bắc Gaza.
Nguyên nhân việc Israel đột ngột tăng tốc rút quân, hiện có nhiều quan điểm khác nhau. Nghị quyết 2728 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 25/03, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và toàn diện ở Dải Gaza. Điều này làm cho áp lực ngoại giao quốc tế mà Israel phải đối mặt ngày càng tăng lên. Việc Israel rút quân có thể nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công trả đũa của Iran vừa được diễn ra rạng sáng 14/4/2024. Trước đó, Israel đã tấn công vào toàn nhà Đại sứ quán Iran ở Syria vào ngày 01/4. Cuộc không kích đã khiến nhiều nhân sự cấp cao của Iran thiệt mạng. Ngày 02/4, Israel tấn công đoàn xe của tổ chức cứu trợ quốc tế World Central Kitchen (WCK) ở Dải Gaza, làm nhiều tình nguyện viên quốc tịch khác nhau trong đó có công dân các nước Mỹ, Anh, Australia thiệt mạng gây bất bình trong dư luận quốc tế. Đồng minh quan trọng nhất của Israel, Mỹ, đã thay đổi hướng đi, Israel có thể rơi vào trạng thái cô lập chưa từng có. Cũng có quan điểm cho rằng Israel rút quân để đàm phán về vấn đề con tin với Hamas.
So với nguyên nhân rút quân của Israel, điều đáng quan tâm hơn là xu hướng của xung đột giữa Palestine-Israel và thậm chí là tình hình khu vực trong tương lai. Đồng thời, việc Iran thực hiện cuộc tấn công vào Israel rạng sáng ngày 14/4/2024 đã đặt ra nhiều thách thức mới đối với khu vực. Do vậy, việc rút quân của Israel về cơ bản không làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực mà ngược lại, nó là một tín hiệu báo trước về một khả năng các xung đột mới sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Đối đầu khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát
Thứ nhất, mâu thuẫn chủ yếu trong khu vực đang dịch chuyển từ cuộc đối đầu giữa Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh sang cuộc đối đầu giữa Israel và Iran. Israel đang “trở lại” thành tiêu điểm xung đột địa chính trị ở Trung Đông. Trong khoảng 10 năm kể từ khi có những thay đổi mạnh mẽ ở Trung Đông, Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh đã cạnh tranh địa chính trị khốc liệt trong các vấn đề như Yemen. Mỹ đã giúp một số quốc gia Ả Rập và Israel thực hiện bình thường hóa quan hệ, làm giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine, xung đột đã giảm bớt. Iran từng bị Mỹ coi là “kẻ thù chung của khu vực”, nhưng trong những năm gần đây, Iran đã điều chỉnh chính sách khu vực một cách đáng kể, tập trung cải thiện quan hệ với các nước Ả Rập.Việc nối lại quan hệ với Ả Rập Xê Út đã giúp giảm bớt áp lực từ bên ngoài đối với Iran một cách hiệu quả hơn.
Trái lại, cục diện chính trị của Israel bị lực lượng bảo thủ cực hữu kiểm soát chặt chẽ. Bản thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đang gặp rắc rối vì bê bối tham nhũng và khủng hoảng cải cách tư pháp. Trong khi đó chính sách của ông về vấn đề Palestine-Israel ngày càng trở nên cực đoan. Hiện nay, Mỹ vẫn đang cố gắng đẩy mạnh “mối đe dọa từ Iran”, hy vọng sử dụng Israel như một “cái nêm” then chốt để mở rộng mối quan hệ với thế giới Ả Rập. Washington tăng cường sức ép lên Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác để thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, nhằm kiềm chế Iran. Thế nhưng, Israel đã vi phạm trắng trợn “Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao”, ngang nhiên không kích cơ quan ngoại giao của Iran. Đây cũng là những cân nhắc của họ nhằm ngăn chặn Mỹ dễ dàng “rời khỏi” Trung Đông. Những điều này đã trở thành giọt nước tràn ly, khiến Iran tấn công trả đũa nhằm vào Israel. Xung đột quân sự Iran – Israel không còn là một nguy cơ, mà nó đã trở thành một thực tế.
Thứ hai, các chủ thể phi quốc gia sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối đầu trong khu vực. Trên thực tế, việc tham gia của các chủ thể phi quốc gia được đại diện bởi các lực lượng vũ trang và các tổ chức dân quân vào các vấn đề ở Trung Đông không phải là điều mới mẻ. Điển hình nhất là các “lực lượng kháng chiến” địa phương có quan hệ chặt chẽ lâu dài với Iran, như Hamas của Palestine, Hezbollah của Liban, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen, các tổ chức dân quân Iraq và nhiều tổ chức khác. Đối với Iran, so với việc sử dụng trực tiếp lực lượng quân sự của mình để đối đầu trực tiếp với Israel, việc triển khai các “lực lượng kháng chiến” khác nhau để gây “chảy máu” liên tục cho Israel rõ ràng là lựa chọn kinh tế hơn.
Sau khi Israel không kích Đại sứ quán Iran tại Syria, Iran nhanh chóng tuyên bố rằng “lực lượng kháng chiến đã sẵn sàng để phản công”. Và tuyên bố đã được hiện thực hóa với cuộc tấn công vừa qua. Bên cạnh việc Iran trực tiếp tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Israel, các “lực lượng kháng chiến” khác nhau cũng cần nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ Iran. Vai trò “trụ cột” và “chỉ huy” của Iran trở nên rõ ràng hơn. Cả hai bên trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tích hợp, hình thành mạng lưới liên lạc gắn bó hơn và hệ thống chỉ huy hiệu quả hơn.
Trong quá trình này, ý thức và năng lực “tự chủ” của những “lực lượng kháng chiến” cũng sẽ từng bước được tăng cường. Đồng thời, cùng với các cuộc tấn công Israel được thực hiện bởi Iran, các nhóm vũ trang trong khu vực cũng có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công một cách “tự chủ” hơn đối với Israel. Như vậy, xu hướng đối kháng quân sự hóa khu vực trong tương lai có thể sẽ chuyển từ tính chất “chiến tranh ủy nhiệm” sang các cuộc chiến mà các bên tham gia có tính tự chủ cao hơn.
Về phương thức và phương tiện, các cuộc tấn công của “lực lượng kháng chiến” vào Israel sẽ làm nổi bật các phương tiện công nghệ thông minh, thông tin hóa, không người lái và linh hoạt. Mục tiêu là làm tổn hại khả năng chiến đấu của Israel một cách tối đa trong khi giảm thiểu thiệt hại cho lực lượng của bản thân và giảm thiểu rủi ro gánh nặng áp lực dư luận quốc tế và gánh nặng đạo đức do gây ra số lượng lớn thương vong cho dân thường.
Cuối cùng, sự đối đầu trong khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, nhất là khi Iran đã hành động. Cần nhắc lại rằng, hành động điên cuồng tấn công các cơ quan ngoại giao của Iran và các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế bao gồm dân thường cho thấy Israel dường như là bên phi lý hơn trong cuộc xung đột. Trong khi Iran, vốn từ lâu đã bị Mỹ và phương Tây coi thường, lại thận trọng hơn trong các hành động trả đũa quân sự nhằm vào Israel. Mặc dù đã rút quân khỏi miền nam Gaza nhưng đời sống chính trị của Netanyahu gắn liền với tiến trình của cuộc chiến hiện tại. Ba mục tiêu lớn của ông (giải cứu con tin, tiêu diệt hoàn toàn Hamas và làm cho Gaza không còn là mối đe dọa an ninh đối với Israel) vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, khi bị Iran tấn công, mục tiêu lớn thứ tư cũng đã xuất hiện, đó là làm sao ngăn chặn được Iran, không để cuộc chiến tiếp tục leo thang và mở rộng hơn. Nếu Netanyahu không tiếp tục mở rộng “thành tựu chiến tích”, ông không những có thể sẽ phải từ chức mà còn phải đối mặt với cuộc thanh trừ chính trị nghiêm trọng sau khi từ chức.
Do đó, việc rút quân giống như một “kế hoãn binh”, tạm thời rút nắm đấm lại để sau này có thể sử dụng mạnh mẽ hơn, đảm bảo rằng Netanyahu có thể tồn tại như một “nhà lãnh đạo thời chiến”. Nhưng hiện nay, việc Israel sẽ đáp trả các cuộc tấn công của Iran như thế nào sẽ là một vấn đề mới. Ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ khiến tình hình trở nên mất kiểm soát.
Trên cơ sở này, tiến trình hòa giải khu vực có thể bị gián đoạn, làn sóng “hòa giải” mới nổi lên ở Trung Đông trong hai năm gần đây có thể sẽ đảo chiều biến thành một “làn sóng xung đột” mới. Hơn nữa, nguy cơ lan tỏa từ các cuộc tấn công khủng bố cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng.
Tìm kiếm sự cân bằng mới trong máu và lửa
Kể từ đầu năm đến nay, Iran và Nga liên tiếp bị tấn công khủng bố nghiêm trọng, điều này đã gióng lên cảnh báo về sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng khủng bố tại Trung Đông. Sự tham gia lớn của các thực thể phi quốc gia vào các cuộc đối đầu quy mô lớn ở khu vực sẽ thúc đẩy sự hợp nhất các phần tử “thánh chiến” trong và ngoài khu vực Trung Đông. Hoạt động tấn công khủng bố ở Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung sẽ bước vào một giai đoạn mới.
Nói tóm lại, so với sự phân tuyến lực lượng tương đối rõ ràng trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, cấu trúc quyền lực và mâu thuẫn ở Trung Đông hiện đang trải qua quá trình tái cơ cấu sâu sắc. Các vấn đề liên quan tới lợi ích, mâu thuẫn, cân bằng lực lượng giữa các thế lực ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp hơn, tương lai đối đầu trong khu vực sẽ càng phức tạp hơn. Cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel để trả đũa đang tạo ra nhiều thách thức mới, có thể mất khả năng kiểm soát khu vực này. Cơ cấu lực lượng trong khu vực sẽ có nhiều thay đổi, tính chất của các cuộc chiến cũng vậy. Các bên sẽ cần cân nhắc nhằm tìm kiếm một trạng thái cân bằng mới. Xung đột quân sự Iran – Israel đã nổ ra, yêu cầu trên sẽ khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn. Nhưng để một Trung Đông không sụp đổ vì cuộc chiến, các bên liên quan sẽ cần có những động thái thực tế để nỗ lực kiểm soát tình hình./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Lưu Sướng (刘畅) là Trợ lý nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu các nước đang phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]