Mỹ và các đồng minh của nước này có thể đã xây dựng một phòng tuyến Maginot Line[1] của thời đại thông tin. Nhưng giống như việc các đơn vị thiết giáp của Đức đột phá Rừng Ardennes theo cách mà người Pháp không ngờ tới, thì Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng có thể chọc thủng kho vũ khí thời đại thông tin của Mỹ, với một chiến lược tác chiến mới, gọi là chiến tranh thông minh hóa (智能化战争). Được Chính phủ Trung Quốc đề cập lần đầu tiên vào năm 2019, đây là một khái niệm quân sự tập trung tác động vào nhận thức của con người, được giới lãnh đạo Trung Quốc dự định sử dụng để đưa Đài Loan vào vòng kiểm soát của mình mà không cần tiến hành các hành động chiến tranh thông thường. Các nhà tư tưởng Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng, khái niệm hoạt động cốt lõi của chiến tranh thông minh hóa là trực tiếp kiểm soát ý chí của kẻ thù. Ý tưởng là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát trực tiếp ý chí của những người ra quyết định cao nhất, bao gồm nguyên thủ quốc gia, các thành viên trong Quốc hội, chỉ huy chiến đấu, cũng như người dân bình thường. “Sự thống trị của trí thông minh” hay “sự kiểm soát của bộ não” sẽ trở thành những lĩnh vực mới trong cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát trong chiến tranh thông minh hóa, áp dụng AI vào cuộc chiến với một mục đích sử dụng rất khác so với hầu hết các cuộc thảo luận của Mỹ và đồng minh đã hình dung.
Bài viết này phân tích bản chất của chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc, các khả năng và hạn chế của nó, đồng thời đề xuất các biện pháp mà Mỹ và các đồng minh nên thực hiện.
Tại sao Trung Quốc cần một khái niệm tác chiến mới
Có rất nhiều tranh luận về khả năng và thời gian cho việc Trung Quốc mong muốn mạnh mẽ sáp nhập Đài Loan. Xem xét các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, khung thời gian tiềm năng ngắn nhất để bắt đầu chiến tranh là hai năm tới. Ngoài ra, trước những lo ngại về tính bền vững của mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, có những lập luận cho rằng, chiến tranh rất có thể xảy ra vào cuối những năm 2020 khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách xây dựng di sản của mình trước khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ dài hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện tại, một phân tích khác cho thấy, nhiều khả năng, chiến tranh sẽ xảy ra vào những năm 2030.
Mặt khác, có những tranh luận về tính khả thi của việc chiếm đóng Đài Loan thông qua sử dụng các hành động chiến tranh thông thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc xâm lược Đài Loan thông qua các hoạt động vũ lực thông thường sẽ khó khăn trong điều kiện hiện tại. Các dòng thủy triều và đáy biển nông ở eo biển Đài Loan khiến tàu ngầm khó hoạt động và tàu đổ bộ dễ bị tên lửa chống hạm tấn công. Lực lượng đổ bộ hiện có của Trung Quốc là có hạn, và khi xem xét đến diện tích của Đài Loan, lực lượng này sẽ không dễ dàng để chiếm hoàn toàn các hòn đảo chỉ bằng các hoạt động tác chiến thông thường. Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc chưa bao giờ tham gia một cuộc chiến tranh hiện đại, và bản thân Trung Quốc đã chỉ ra trong nhiều tài liệu rằng, PLA đang tồn tại những vấn đề lớn về cơ cấu và năng lực của lực lượng này.
Việc phát động một cuộc chiến phụ thuộc vào quyết định của các nhà lãnh đạo chính trị, do đó, những khó khăn đã được chỉ ra ở trên không thể đảm bảo rằng, một cuộc chiến tranh thông thường sẽ không xảy ra. Có nhiều khả năng có thể gây ra chiến tranh, chẳng hạn như việc Đài Loan tuyên bố độc lập hoặc một tính toán sai lầm của Trung Quốc liên quan đến sự mơ hồ chiến lược trong việc hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan. Trong lịch sử, sự không chắc chắn về ý định của các quốc gia khác thường là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên, một cuộc chiến thông thường sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá đắt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu quân sự của Mỹ, tấn công mạng và tấn công vệ tinh có khả năng diễn ra trong giai đoạn đầu của cuộc chiến nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ của Mỹ cho Đài Loan. Tuy nhiên, các cuộc tấn công như vậy có thể khơi dậy dư luận phản đối ở Mỹ và dẫn đến sự can thiệp toàn diện của Mỹ, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến hỗn loạn và lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xem xét những vấn đề này, các cuộc tấn công trực tiếp vào nhận thức của con người là rất hợp lý đối với Trung Quốc. Để giải quyết các vấn đề với mục tiêu là giải quyết vấn đề Đài Loan bằng các giải pháp chính trị, Chính phủ Trung Quốc cần một khái niệm tác chiến mới, khác với việc mở rộng chiến tranh thông thường. Trong một cuộc xâm lược Đài Loan dựa trên chiến tranh thông minh hóa, lý thuyết cho rằng, vũ khí không người lái sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về Đài Loan, Mỹ và các đồng minh của họ, dẫn đến chiến thắng mà không cần sử dụng vũ khí thông thường. Sự phát triển của một lựa chọn như vậy sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Chiến tranh ‘thông minh hóa’ là giải pháp tối ưu?
Vào tháng 7 năm 2019, trong Sách Trắng quốc phòng đầu tiên sau 4 năm của PLA, đã viết rằng “chiến tranh đang phát triển về hình thức theo hướng chiến tranh thông tin hóa và chiến tranh thông minh hóa đang diễn ra,” cho thấy sự công nhận của PLA về một hình thức chiến tranh mới đã xuất hiện. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra định nghĩa chính thức, nhưng một số nhà nghiên cứu Trung Quốc giải thích khái niệm này là “chiến tranh tổng hợp được tiến hành trên bộ, trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ, không gian điện từ, không gian mạng và môi trường tác chiến nhận thức, sử dụng vũ khí và thiết bị thông minh cùng các phương thức hoạt động liên quan của chúng, được củng cố bởi hệ thống thông tin IoT [Internet vạn vật].
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã liên tục đề cập đến lĩnh vực nhận thức (认知领域) khi giải thích chiến tranh thông minh hóa, và điều này đã trở thành một đặc điểm nổi bật của chiến lược này. Tuy nhiên, chỉ có một số phân tích ở Mỹ về khái niệm chiến tranh thông minh hóa đề cập đến lĩnh vực nhận thức. Báo cáo năm 2021 của Bộ Quốc phòng trước Quốc hội về khả năng quân sự của Trung Quốc, cung cấp phân tích chi tiết nhất về chiến tranh thông minh hóa, tập trung vào công nghệ được sử dụng, định nghĩa đó là “việc mở rộng sử dụng AI và các công nghệ tiên tiến khác ở mọi cấp độ chiến tranh”, nhưng không đề cập đến lĩnh vực nhận thức. Khái niệm này mô tả nhận thức của con người trong chiến tranh song song với các môi trường tác chiến trên bộ, trên biển, trên không, không gian và mạng, một khái niệm không được Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ định nghĩa.
Từ góc độ sử dụng AI trong chiến tranh, chiến tranh thông minh hóa không phải là một khái niệm mới. Ngược lại, Mỹ bỏ xa Trung Quốc. Chiến lược bù đắp thứ ba được công bố vào tháng 11 năm 2014, rất lâu trước khi chiến tranh thông minh hóa được công bố, nhấn mạnh đến việc tận dụng AI và tự động hóa. Hơn nữa, các nhà phân tích Mỹ đã thực hiện nhiều nghiên cứu công phu gần đây, chẳng hạn như nghiên cứu về thông tin và mệnh lệnh trong cuộc đối đầu về nhận thức kỹ thuật bên cạnh các hoạt động tập trung vào quyết định khai thác AI và các hệ thống tự trị. Chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc trùng lặp với các khái niệm này ở nhiều khía cạnh.
Các đặc điểm của chiến tranh thông minh hóa được các nhà nghiên cứu Trung Quốc mô tả là cải thiện khả năng xử lý thông tin, ra quyết định nhanh chóng bằng AI, sử dụng công nghệ “bầy đàn” và lĩnh vực nhận thức sẽ trở thành chiến trường quan trọng tiếp theo sau không gian vật lý và thông tin. Tại Mỹ, có nhiều nghiên cứu thảo luận về AI liên quan đến các khái niệm chiến tranh thông thường. Tuy nhiên, trong chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc, quân đội sẽ sử dụng AI cho một mục đích hoàn toàn mới: Ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của kẻ thù.
Điều này có thể trông như thế nào trong thực tế? Hãy xem xét một ví dụ giả định từ một chiến lược gia người Trung Quốc. Một hệ thống không người lái thông minh siêu nhỏ, có lẽ mô phỏng một con vật nhỏ, có thể xâm nhập vào phòng của những người ra quyết định cao nhất (tổng thống, thành viên Quốc hội, chỉ huy chiến đấu) mà không bị phát hiện. Nó sẽ được kích hoạt để đe dọa mục tiêu hoặc gia đình của họ vào đúng thời điểm, sử dụng các phương tiện gây chết người hoặc không gây chết người, thuốc hoặc một số hình thức kiểm soát tâm trí chưa được xác định. Nó cũng có thể chiếu văn bản, giọng nói và hình ảnh để truyền đạt yêu cầu của mình, từ đó khuất phục và kiểm soát ý chí của kẻ thù. Nếu một quốc gia đe dọa hoặc giết những người ra quyết định theo cách này, công dân có thể phản ứng dữ dội chống lại quốc gia thù địch. Vì lý do này, chiến tranh thông minh hóa cũng sẽ thao túng dư luận. Tin giả và thông tin sai lệch có thể làm mất uy tín của chính phủ của quốc gia mục tiêu, với các hệ thống không người lái hoạt động trong không gian ảo có khả năng được sử dụng cho mục đích này. Thao túng này tạo điều kiện cho công dân chấp nhận những thay đổi chính sách do những người ra quyết định không chống lại được kỹ thuật này.
Những phương pháp cụ thể này được mô tả trong một cuốn sách do chiến lược gia Trung Quốc Pang Hong Liang xuất bản. Tuy không đại diện cho một kế hoạch hoạt động chính thức của Trung Quốc nhưng công việc của tác giả này lại rất đáng được chú ý vì ông ấy là người tiên phong trong chiến tranh thông minh hóa, và cũng là người đã đề xuất khái niệm này ngay từ năm 2004, với mục tiêu hướng tới khả năng của AI trong tương lai. Vào những năm 2000, chỉ có một số nhà lý luận thảo luận về chiến tranh thông minh hóa, nhưng Chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã thông qua khái niệm chính thức vào năm 2019. Các sĩ quan Quân đội Trung Quốc tích cực xuất bản các lý thuyết quân sự và thường các bài viết cá nhân của họ bị nhầm lẫn với quan điểm chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, hai đại tá Không quân Trung Quốc không chuyên về phân tích chiến lược đã xuất bản cuốn Chiến tranh không giới hạn vào năm 1999, mặc dù chưa bao giờ được coi là chiến lược chính thức của Trung Quốc, nhưng đã được dịch sang tiếng Anh với phụ đề là “Kế hoạch tổng thể của Trung Quốc để tiêu diệt nước Mỹ”, và đã bị các phương tiện truyền thông và các nhà hoạch định chính sách hiểu sai. Nhưng đây không phải là trường hợp nhầm lẫn lý thuyết cá nhân với chiến lược chính thức: Việc Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức áp dụng lý thuyết mà Pang Hong Liang đã nghiên cứu trong gần hai thập kỷ là điều đáng chú ý.
Ngoài ra, không chỉ có Pang Hong Liang mô tả những khái niệm này. Theo các bài viết của nhiều nhà lý luận Trung Quốc, nước này có kế hoạch tránh leo thang căng thẳng khi sử dụng các cuộc tấn công vật lý, thay vào đó sẽ áp dụng chiến thuật tấn công phủ đầu vào nhận thức của người dân và giới tinh hoa của Mỹ và các đồng minh, cũng như hệ thống chỉ huy và tình báo của họ, nếu có thể. Như đã đề cập ở trên, nếu có những vấn đề lớn trong việc chinh phục Đài Loan thông qua chiến tranh thông thường, thì những phương pháp chiến tranh thông minh hóa này sẽ hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong tương lai.
Liệu một cuộc tấn công bất ngờ có khả thi?
Các tổ chức quân sự vận hành các công nghệ mới nhưng nếu vẫn duy trì tư duy hoạt động của thời đại trước thường bị đánh bại. Thất bại nhanh chóng của Pháp trước Đức vào đầu Thế chiến II là một ví dụ như vậy. Lý do cho điều này là khái niệm quân sự sáng tạo của Đức về blitzkrieg, một trong những công nghệ cốt lõi của nó là xe tăng. Người Pháp có nhiều xe tăng với hiệu suất tốt hơn người Đức. Tuy nhiên, tư duy quân sự của Pháp không thay đổi kể từ Thế chiến thứ nhất, và họ coi xe tăng là vũ khí hỗ trợ cho bộ binh. Họ không thể đối phó với cuộc tấn công chớp nhoáng từ Rừng Ardennes của các sư đoàn thiết giáp Đức, bao gồm xe tăng.
Công nghệ cốt lõi trong chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc là AI. Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng AI để phát triển một khái niệm hoạt động sáng tạo và chưa từng có như chiến dịch chớp nhoáng của Đức. Các chiến lược gia Trung Quốc tin rằng, ngay cả những chiến lược chiến tranh gần đây sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến nhất cũng sẽ trở nên lỗi thời nếu điều này được thực hiện. Như đã xảy ra với Pháp trong Thế chiến II, ngay cả khi một quốc gia sử dụng các công nghệ mới như xe tăng hay AI, họ sẽ không đạt được chiến thắng trong cuộc chiến nếu tiếp tục sử dụng khái niệm tác chiến của thời đại trước.
Trong thời đại công nghệ thông tin, mạng lưới thông tin trải dài từ đáy đại dương ra ngoài vũ trụ là cốt lõi của công nghệ quân sự tiên tiến. Mạng thông tin đã giúp người lính có thể tấn công chính xác và đạt được hiệu quả tuyệt vời với ít đạn dược hơn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cảm biến và hỏa lực đã trở nên tốt hơn rất nhiều, giúp binh lính có thể phát hiện mục tiêu và khai hỏa ngay lập tức. Lý thuyết mang tính biểu tượng về điều này là Chiến tranh lấy mạng làm trung tâm, do Arthur K. Cebrowski đề xuất vào năm 1998. Ông nhấn mạnh rằng, việc ra quyết định nhanh chóng là điều có thể thực hiện được trong một tổ chức được kết nối mạng và chiến thắng áp đảo có thể được kỳ vọng do tốc độ ra quyết định vượt trội.
Mỹ đã xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh trong thời đại thông tin và đã đạt được những kết quả to lớn. Trung Quốc đang vạch ra một chiến lược tác chiến phi đối xứng để chống lại lực lượng quân sự hùng mạnh này. Ngoài các cuộc tấn công bằng tên lửa, các cuộc tấn công mạng và tấn công vào các vệ tinh có thể làm gián đoạn các mạng thông tin của Mỹ, từ đó mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong không gian thông tin. Các hoạt động phi đối xứng như vậy cản trở độ chính xác và tốc độ của hỏa lực đạt được bằng công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, các nhà lý thuyết Trung Quốc đang nhìn xa hơn về phía trước. Họ tin rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin đã đạt đến giới hạn của nó, và các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ xảy ra trong lĩnh vực nhận thức. Khu rừng Ardennes của các cuộc chiến trong tương lai mà PLA dự định khai thác là một con đường tấn công trực tiếp vào nhận thức của con người, sử dụng AI và vũ khí không người lái. Những người Pháp xây dựng Phòng tuyến Maginot không thể tưởng tượng được cuộc tấn công của lực lượng thiết giáp Đức từ Rừng Ardennes. Tương tự như vậy, đối với những người trong chúng ta, những người đã quen với gần ba thập kỷ chiến tranh thời đại thông tin kể từ Chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh trí tuệ hóa hoặc chiến tranh nhận thức dường như là một lối suy nghĩ kỳ lạ và phi thực tế.
Ảnh hưởng đến nhận thức của con người đòi hỏi một lượng lớn thông tin cá nhân chi tiết để xác định các cá nhân có ảnh hưởng hoặc tiến hành các hoạt động có ảnh hưởng theo đặc điểm của các nhóm người. Trung Quốc đã thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của các quan chức chính phủ và công dân Mỹ bình thường, đảm bảo cơ sở để tác động đến nhận thức của người dân. Điều này bao gồm dữ liệu bí mật của 21,5 triệu người từ Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ, thông tin cá nhân của 383 triệu người từ một khách sạn lớn và dữ liệu nhạy cảm của hơn 100.000 nhân viên Hải quân Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã cho phép các tập đoàn CNTT khổng lồ của Trung Quốc xử lý lượng lớn dữ liệu này, khiến nó trở thành đầu vào hữu ích cho các hoạt động tình báo. Bằng cách này, Trung Quốc đã tích lũy được một lượng dữ liệu khổng lồ trong những năm qua có thể được vũ khí hóa trong tương lai. Trung Quốc thậm chí đã thành công trong việc xác định các điệp viên CIA hoạt động ở nước ngoài bằng cách sử dụng dữ liệu đó. Những hoạt động này đặc biệt phổ biến và có tính ép buộc ở Đài Loan và Hồng Kông, nơi Chính phủ Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình. Nỗ lực sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử cũng đã được ghi nhận trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây của Đài Loan.
Tuy nhiên, ý tưởng về một cuộc tấn công trực tiếp vào nhận thức của con người không phải là mới. Một ví dụ điển hình là quan điểm về các chiến dịch trên không của Giulio Douhet vào những năm 1920. Ông lập luận rằng, việc ném bom chiến lược vào thủ đô của kẻ thù sẽ trở nên khả thi với sự ra đời của máy bay. Do đó, các công dân, bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi, sẽ phải yêu cầu chính phủ của họ chấm dứt chiến tranh, đưa nó đến hồi kết ngay lập tức. Tuy nhiên, trong Thế chiến II, không có quốc gia nào đầu hàng vì bị ném bom và công nghệ mới của máy bay không ảnh hưởng trực tiếp đến ý chí của các quốc gia hiếu chiến. Ý tưởng ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của con người thông qua công nghệ AI mới nhất có thể sẽ thất bại theo cách tương tự. Sự ra đời của công nghệ mới thường dẫn đến sự tự tin thái quá vào tiềm năng của nó và ý tưởng rằng, nó sẽ giải quyết các vấn đề quân sự nan giải trước đây đã xuất hiện hết lần này đến lần khác trong suốt lịch sử.
Có rất nhiều cuộc tranh luận về việc sử dụng AI trong chiến tranh trong tương lai và có sự đồng thuận rằng, AI sẽ thay đổi các đặc điểm của chiến tranh đang gia tăng. Có nhiều phân tích khác nhau về việc sử dụng AI của Trung Quốc, nhưng một số ý kiến cho rằng, các nhà lý thuyết Trung Quốc đã bỏ qua các lỗ hổng cố hữu của AI và các hệ thống tự trị, đồng thời quá chú trọng vào khả năng của chúng. Như đã đề cập ở trên, những lý thuyết này đã được thông qua vì nhu cầu chính trị để đạt được mục tiêu chính trị là sáp nhập Đài Loan và có thể đánh giá quá cao tính khả thi của nó. Tuy nhiên, để nó không được chú ý như một đối tượng phân tích có thể dẫn đến một cuộc tấn công bất ngờ trong tương lai vào Rừng Ardennes. Nhiệm vụ bây giờ là xác định xem, AI trong chiến tranh thông minh hóa là xe tăng trong blitzkrieg hay máy bay ném bom chiến lược trong chiến tranh trên không.
Các biện pháp mà Mỹ và các đồng minh nên thực hiện
Mỹ và các đồng minh nên phân tích chiến tranh thông minh hóa nhiều hơn để tránh các cuộc tấn công bất ngờ trong các cuộc chiến trong tương lai. Họ cũng nên coi lĩnh vực nhận thức là một không gian tác chiến mới, cùng với đất liền, trên không, trên biển, không gian và không gian mạng, để nâng cao nhận thức và đầu tư nguồn lực. Hơn nữa, cần xem xét làm thế nào để giành chiến thắng trong “trận chiến kể chuyện” để chống lại sự thao túng dư luận trong thời chiến.
Chiến tranh tương lai bắt nguồn từ lý thuyết đổi mới chứ không thể bắt nguồn từ những vũ khí hiện có. Vào những năm 1920, khi Đức phát triển khái niệm chiến tranh chớp nhoáng, nước này không có bất kỳ chiếc xe tăng nào do Hiệp ước Versailles cấm chúng. Ngay cả vào năm 1939, khi Đức dẫn đầu cuộc tấn công blitzkrieg, chưa đến 10% quân Đức là lực lượng thiết giáp. Hầu hết quân đội khổng lồ của Trung Quốc vẫn có thiết bị lỗi thời và chỉ một tỷ lệ nhỏ quân đội của họ có thiết bị tình báo hiện đại. Tầm nhìn về chiến tranh trong tương lai không nằm ở thiết bị hiện có, mà nằm ở tư duy quân sự. Mỹ và các đồng minh của họ phải đánh giá các giả thuyết về tương lai một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Bất kể chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc có thành công hay không, điều quan trọng là phải chú ý đến lĩnh vực nhận thức trong chiến tranh và xem xét các phương tiện để giành chiến thắng trong đó. Ý tưởng tác động trực tiếp đến nhận thức của con người không phải là mới, nhưng với sự phát triển của AI, nó có thể khả thi hơn. Chiến tranh thông minh hóa sử dụng AI để đe dọa những người ra quyết định của kẻ thù và thao túng dư luận. Đối phó với sự thao túng trực tiếp của dư luận đòi hỏi một hoạt động phức tạp. Có nhiều nghiên cứu về việc thao túng dư luận của Trung Quốc và Nga trong thời bình, nhưng có rất ít phân tích về các nỗ lực trong thời chiến. Trong chiến tranh, cả hai bên sẽ sử dụng câu chuyện của riêng mình. Ví dụ, trong trường hợp xung đột Đài Loan-Trung Quốc, câu chuyện của Trung Quốc sẽ giống như, “Đây là những vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà các nước khác không nên can dự vào”. Ngược lại, tường thuật của Mỹ và các đồng minh của nước này có thể sẽ là về việc bảo vệ xã hội dân chủ. Nhiều câu chuyện phụ sẽ hỗ trợ những câu chuyện này. Sẽ có một trận chiến giữa các câu chuyện để xác định câu chuyện nào sẽ thâm nhập và nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng quốc tế.
Chiến tranh thông minh hóa của Trung Quốc khác xa so với các cuộc chiến thời đại thông tin đã được tiến hành trong quá khứ và không chỉ đơn giản là sử dụng AI hoặc các hệ thống vũ khí không người lái trong chiến tranh. Tính khả thi của nó vẫn chưa được biết và có thể đã được đánh giá quá cao do nhu cầu chính trị. Nhưng với mục tiêu tác động trực tiếp đến nhận thức của con người và kiểm soát ý chí của kẻ thù, đó là một ý tưởng mang tính cách mạng.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Đại tá Koichiro Takagi là thành viên cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản. Tất cả các quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả. Ông là một nhà lý luận quân sự ở Nhật Bản, người đã xuất bản nhiều bài báo bình luận về các cuộc chiến trong tương lai. Ông nguyên là Phó Trưởng phòng Tác chiến Phòng thủ, Sư đoàn Tác chiến 1, J-3, Bộ Tham mưu Nhật Bản, và đã thiết kế các kế hoạch và mệnh lệnh tác chiến chung trong môi trường an ninh khắc nghiệt ở Đông Á.
[1] Tuyến phòng thủ Maginot (tiếng Pháp: Ligne Maginot), lấy tên của bộ trưởng quốc phòng Pháp André Maginot, là một công trình quân sự xây dựng dọc biên giới Pháp-Đức và Pháp-Ý với mục đích bảo vệ lãnh thổ Pháp sau kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuyến phòng thủ gồm các tường thành bê tông với nhiều ụ chống tăng, lô cốt đại bác, ổ súng máy và đồn quân sự. Theo kế hoạch an ninh quốc gia của Pháp lúc này thì tường Maginot sẽ làm chậm bước tấn công của quân địch tạo đủ thời gian để lực lượng từ trung ương kéo ra, đồng thời buộc quân địch phải tấn công nước Bỉ trung lập nếu muốn kéo qua biên giới. Quân Pháp từng đạt thắng lợi nhờ chiến thuật đánh cầm cự trong thế chiến thứ nhất, do đó tường Maginot được thiết kế theo khuynh hướng chiến thuật này. Trên thực tế đây là một sai lầm lớn vì năm 1940 Đức vẫn tấn công Bỉ, chọc ngang sườn của tuyến Maginot và tiến sang dễ dàng.