Sau bốn năm, cuộc nội chiến ở Myanmar vẫn chưa thể tìm ra được cách giải quyết. Chính quyền quân sự tại đây đang gặp phải những vấn đề lớn khi mất quyền kiểm soát đối với một phần đáng kể lãnh thổ trong nước, phải giao lại các căn cứ chiến lược quan trọng bao gồm hai bộ chỉ huy quân sự khu vực cho các lực lượng kháng chiến, và đối mặt với tình trạng suy yếu về lực lượng. Mặc dù các lực lượng đối lập đã đạt được những thành tựu đáng kể trên toàn đất nước, họ vẫn chưa thể chiếm được quyền kiểm soát của quân đội ở khu vực trung tâm. Các lực lượng đối lập chia sẻ mục tiêu mơ hồ là biến đất nước thành một liên bang dân chủ, một sự sắp xếp có thể đáp ứng được lợi ích của các phe phái khác nhau đang chống lại chính quyền quân sự. Tuy nhiên, sự gắn kết của các nhóm này vẫn còn khá lỏng lẻo. Với việc phe đối lập phân tán khắp cả nước và thiếu khả năng giao tiếp lẫn gặp mặt trực tiếp an toàn, vẫn tồn tại những chia rẽ trong nội bộ lực lượng kháng chiến ngay cả khi chiến thắng trên chiến trường đã đến rất gần.
Trong khi đó, 54 triệu người dân của Myanmar vẫn phải đựng chịu đau khổ và mất mát. Chính quyền quân sự lạm dụng các cuộc không kích bừa bãi vào các khu vực dân cư để bù đắp cho sự yếu kém ngày càng tăng của lực lượng trên mặt đất và khả năng kiểm soát lãnh thổ. Việc sử dụng ngày càng nhiều các cuộc không kích chống lại các lực lượng đối lập đã dẫn đến sự gia tăng số lượng thường dân thiệt mạng. Hơn 3,5 triệu người đã phải di dời trong nước và khoảng một phần ba dân số yêu cầu viện trợ nhân đạo, khiến cho nền kinh tế đứng trước bờ vực khủng hoảng. Bên cạnh đó, các thảm họa thiên nhiên khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, trong đó một cơn bão lớn vào tháng 9 năm 2024 đã giết chết hàng trăm người, gây ngập lụt nhiều khu vực, và một trận động đất tàn khốc có cường độ 7,7 độ richter vào tháng 3 năm nay đã khiến cho hơn 3.500 người tử vong. Sau khi trận động đất xảy ra, các bên tham chiến đã tuyên bố tạm dừng chiến đấu vì lý do nhân đạo, tuy nhiên các cuộc không kích và tấn công trên bộ vẫn tiếp tục diễn ra chỉ vài giờ sau thảm họa. Theo phương tiện truyền thông địa phương, quân đội đã thực hiện 108 cuộc không kích và pháo kích từ ngày 28 tháng 3 đến ngày 6 tháng 4—bao gồm 46 cuộc tấn công sau khi lệnh ngừng bắn được công bố— gây thương vong khoảng 70 thường dân..
Tại phương Tây, cuộc nội chiến ở Myanmar thường được mô tả là “cuộc xung đột bị lãng quên”. Nhưng đối với Trung Quốc, đây được coi là chiến trường chính, là sự giao thoa về tham vọng khu vực, lợi ích kinh tế và vấn đề an ninh. Nếu Bắc Kinh có thể kiểm soát được quốc gia này, nó sẽ tạo ra cả một rào cản chiến lược chống lại “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ, ngăn sự liên kết giữa New Delhi với khu vực Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ, và là chỗ đứng quan trọng cho Trung Quốc ở Đông Nam Á lục địa cũng như bờ biển Ấn Độ Dương. Trong các tuyên bố công khai, quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ muốn khôi phục sự ổn định cho Myanmar và thúc đẩy quan hệ anh em giữa hai nước. Trên thực tế, Trung Quốc chống đỡ cho chính quyền quân sự đang suy yếu, đồng thời cố gắng lôi kéo các tổ chức vũ trang sắc tộc đi theo quỹ đạo của mình với mục tiêu loại bỏ các lực lượng dân chủ được coi là thân thiết với phương Tây.
Việc Myanmar thiếu đi sự chú ý của phương Tây đã tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy. Trong khi các cường quốc phương Tây hầu như không có hành động gì sau trận động đất vào tháng Ba, thì Trung Quốc đã nhanh chóng viện trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng như một phần trong chiến dịch thu hút thiện cảm quy mô lớn. Trên thực tế, Trung Quốc tìm thấy cơ hội trong sự hỗn loạn: quốc gia này đang củng cố quyền kiểm soát ở Myanmar bằng cách chống đỡ cho chính quyền quân sự đang suy yếu và tạo điều kiện cho các hoạt động tàn bạo của chế độ này; làm xói mòn sự thống nhất của lực lượng kháng chiến thông qua việc mở rộng ảnh hưởng đối với một số lực lượng kháng chiến riêng lẻ; gạt bỏ ảnh hưởng của phương Tây; và coi thường nguyện vọng chính trị của người dân Myanmar. Nhìn chung, một Myanmar chia rẽ dưới sự kiểm soát lâu dài của chính quyền quân đội sẽ đem lại thuận lợi rất lớn cho Bắc Kinh.
Chiến lược “hai mặt” của Trung Quốc
Myanmar là một quốc gia láng giềng quan trọng, cung cấp cho Bắc Kinh một cửa ngõ đường bộ vào Ấn Độ Dương – một giải pháp thay thế thiết yếu cho điểm nghẽn của Eo biển Malacca. Do đó, phát triển tuyến đường kinh tế này là mục tiêu chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Cụ thể, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC) là một thành phần quan trọng trong chiến lược BRI, liên kết giữa trữ lượng tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với khả năng tiếp cận Ấn Độ Dương rộng lớn của Myanmar.
Bên cạnh đó, Myanmar cũng sở hữu các nguồn tài nguyên quan trọng mà Trung Quốc cần, bao gồm các khoáng sản thiết yếu, khí đốt tự nhiên, thủy điện và hàng hóa nông nghiệp. Quốc gia này đã cung cấp hơn một nửa lượng đất hiếm nặng nhập khẩu cho Trung Quốc – một loại nguyên liệu đầu vào cần có cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và quốc phòng. Trong đó, Trung Quốc từ lâu đã hợp tác với các nhóm vũ trang để khai thác các nguồn tài nguyên này mà không quan tâm đến hậu quả về môi trường hoặc các vấn đề xã hội. Năm 2024, Myanmar cung cấp cho Trung Quốc 50.000 tấn oxit đất hiếm, vượt qua sản lượng quốc nội của chính Bắc Kinh. Đồng thời, Myanmar cũng là nguồn cung cấp tới 79,9% lượng quặng thiếc nhập khẩu của Bắc Kinh, nguyên liệu được dùng trong sản xuất chất bán dẫn và các công nghệ quan trọng.
An ninh cũng là một trong những vấn đề mà Trung Quốc vô cùng quan tâm tại Myanmar. Bắc Kinh lo sợ rằng một chính phủ hoặc lực lượng chính trị liên kết với phương Tây có thể mở ra cánh cửa cho sự hiện diện lâu dài của phương Tây gần biên giới Trung Quốc và gây ra mối đe dọa an ninh lâu dài. Tư duy thúc đẩy an ninh này do đó đã định hình cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Myanmar, cho rằng cuộc giao tranh có thể khuyến khích phương Tây can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây nhấn mạnh việc ngăn chặn các thế lực bên ngoài khác can thiệp vào cuộc xung đột là một trong những mục tiêu chính của ông, coi Myanmar là một phần trong phạm vi ảnh hưởng độc quyền của Trung Quốc. Một biên tập viên cấp cao của tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhấn mạnh quan điểm này trong bài bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo năm 2012 bằng cách so sánh tầm quan trọng của các địa điểm ở Myanmar với các vùng lãnh thổ hàng hải đang tranh chấp ở Biển Đông: “Sự ổn định kinh tế và xã hội ở Kyaukphyu (cảng nước sâu của Trung Quốc hiện đang được xây dựng tại bang Rakhine ở Myanmar) và các khu vực lân cận không kém phần quan trọng so với các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines đối với đảo Hoàng Nham”.
Trung Quốc đã dành rất nhiều sự chú ý đến các sự kiện ở Myanmar, ít nhất là kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Do phần lớn CMEC chạy trực tiếp qua các khu vực diễn ra xung đột, nên cuộc bạo loạn sau đảo chính đã làm gián đoạn nhiều khoản đầu tư của Bắc Kinh vào quốc gia này. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra cơ hội để Bắc Kinh tăng cường kiểm soát đối với Myanmar. Thời gian đầu, các quan chức Trung Quốc coi đảo chính chỉ là một “cuộc cải tổ nội các” và họ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao tích cực với chính quyền quân sự trong khi hầu hết các quốc gia khác đều không chấp nhận chế độ này.
Nhưng Trung Quốc đã theo đuổi một trò chơi hai mặt bằng cách đồng thời tăng cường quan hệ với các tổ chức vũ trang sắc tộc của Myanmar – các nhóm đã mở rộng đáng kể quyền kiểm soát lãnh thổ trên thực tế của họ kể từ cuộc đảo chính. Trung Quốc không chỉ là nhà cung cấp vũ khí chính cho các nhóm này mà còn đóng vai trò là đối tác thương mại chính của họ. Những mối quan hệ này cho phép Bắc Kinh duy trì đòn bẩy đối với hầu hết các bên tham gia trong một Myanmar bị chia rẽ và đóng vai trò là hàng rào chiến lược trong trường hợp chính quyền quân đội sụp đổ.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ đối với các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Myanmar, đặc biệt là Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) – lực lượng chủ yếu gồm các nhân vật bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2021. Bắc Kinh cho rằng nhóm này có quan hệ quá gần gũi với phương Tây. Sự hoài nghi của Trung Quốc càng gia tăng sau khi NUG mở văn phòng tại Washington vào năm 2022 và Mỹ thông qua Đạo luật BURMA vào cuối năm 2023 — đạo luật cam kết hỗ trợ nhưng cuối cùng lại không thực hiện như lời hứa. Bắc Kinh cũng đã tìm cách ngăn cản các tổ chức vũ trang sắc tộc khác hợp tác với NUG, đồng thời thúc giục họ đàm phán với chính quyền quân sự. Cần nói thêm rằng Bắc Kinh vẫn duy trì các kênh liên lạc không chính thức với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), chủ yếu nhằm bảo vệ các lợi ích thương mại của Trung Quốc, song những tiếp xúc này đều được giữ kín và không mang tính cam kết rõ ràng. Khi chính quyền quân sự ngày càng mất kiểm soát lãnh thổ, một số công ty Trung Quốc đã chấp nhận nộp thuế và hợp tác với các tổ chức vũ trang sắc tộc và lực lượng có liên hệ với NUG để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
Nắm giữ thời cơ
Trong vài năm, chiến lược “hai mặt” này đã cho phép Trung Quốc vừa bảo vệ các dự án đầu tư trọng yếu, vừa gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh Myanmar rơi vào vòng xoáy bạo lực. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, một liên minh chống chính quyền quân sự gồm các tổ chức vũ trang sắc tộc có quan hệ với Trung Quốc — và cả các lực lượng vũ trang liên kết với NUG — đã phát động Chiến dịch 1027, một cuộc tấn công phối hợp quy mô lớn. Trong vòng một năm kể từ khi chiến dịch bắt đầu, lực lượng nổi dậy đã chiếm được hai bộ trong số các bộ chỉ huy khu vực của quân đội, sáu sở chỉ huy tác chiến, hơn 160 căn cứ tiểu đoàn và 93 thị trấn. Từng được xem là bất khả chiến bại, chính quyền quân đội Myanmar hiện đang lâm vào tình trạng khó khăn.
Việc Bộ Chỉ huy Vùng Đông Bắc của chính quyền quân sự tại Lashio thất thủ vào tháng 8 năm 2024 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với Trung Quốc khi lực lượng kháng chiến đang đi quá giới hạn. Ngay sau đó, Bắc Kinh từ bỏ chiến lược phòng bị nước đôi để chuyển sang can thiệp mạnh mẽ nhằm ủng hộ chính quyền quân sự. Sự thay đổi lập trường này trở nên rõ ràng khi Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm các quan chức chính quyền quân sự vào tháng 8/2024, thể hiện sự ủng hộ công khai của Bắc Kinh. Ngay sau đó, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã tới Côn Minh, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Trung Quốc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Cùng lúc đó, Bắc Kinh đã cố gắng gây sức ép với các tổ chức vũ trang sắc tộc dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar để chấm dứt các hành động thù địch. Họ đã cố gắng ép buộc các phe phái không tuân thủ thông qua biện pháp đóng cửa đồn biên giới, cắt đứt khả năng tiếp cận điện, nước, internet và các nguồn cung cấp thiết yếu xuyên biên giới. Trong động thái quyết liệt nhất của mình, vào cuối năm 2024, các bản tin địa phương đưa tin rằng Trung Quốc đã bắt giữ thủ lĩnh của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) nhằm buộc nhóm này phải ngừng bắn và rút khỏi Lashio.
Tự nhận mình là một nhà trung gian hòa giải và là người bảo đảm sự ổn định, sau Chiến dịch 1027, Bắc Kinh đã làm trung gian cho nhiều vòng đàm phán giữa chính quyền quân sự và một số tổ chức vũ trang sắc tộc. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng này vẫn không thể mang lại hòa bình, bởi quân đội vẫn kiên quyết đòi khôi phục quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã mất, trong khi các lực lượng sắc tộc không từ bỏ những thành quả giành được sau nhiều năm chiến đấu. Dù vậy, Trung Quốc vẫn âm thầm mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách gây áp lực để các bên công nhận vai trò định hình tương lai Myanmar của họ. Bắc Kinh hậu thuẫn chính quyền quân sự bằng cách cung cấp “lá chắn ngoại giao” trên trường quốc tế, đồng thời viện trợ vũ khí hạng nặng, máy bay chiến đấu, công nghệ giám sát và các gói hỗ trợ tài chính. Trung Quốc cũng tìm cách khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ các lực lượng kháng chiến bằng cách gây sức ép lên các nhóm vũ trang sắc tộc thân cận dọc biên giới phía Bắc, buộc họ không hợp tác với NUG hay các lực lượng dân chủ mà Bắc Kinh xem là do phương Tây hậu thuẫn. Đáp lại, một số nhóm kháng chiến buộc phải đưa ra những tuyên bố công khai thể hiện cam kết bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Myanmar — thậm chí tạm hoãn các chiến dịch tấn công đã lên kế hoạch nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh. Những can thiệp này không chỉ khiến tình hình ngày càng bất ổn mà còn kéo dài thêm cuộc chiến.
Trận động đất xảy ra vào tháng Ba đã mang đến cho Bắc Kinh một cơ hội khác để mở rộng ảnh hưởng tại Myanmar và từng bước giải quyết thách thức lớn nhất: tâm lý bài Trung lan rộng trong dân chúng Myanmar. Trong khi các cường quốc phương Tây chỉ đưa ra sự hỗ trợ hạn chế trước thảm họa nhân đạo ở Myanmar, Trung Quốc đã rất nhanh chóng và tích cực. Song song với việc gia tăng sức mạnh mềm, Trung Quốc cũng đang mở rộng hiện diện an ninh tại quốc gia này. Dưới danh nghĩa lo ngại rằng chính quyền quân sự không đủ năng lực bảo vệ các tài sản của Trung Quốc tại Myanmar, Bắc Kinh đã có những tác động khiến chính quyền này cho phép thành lập các công ty an ninh liên doanh — hiện đang được triển khai tại cảng biển nước sâu Kyaukphyu ở phía tây và thị trấn Muse ở phía đông, gần biên giới Trung Quốc–Myanmar. Các hoạt động này do các công ty an ninh nhà nước Trung Quốc dẫn dắt, đánh dấu sự hiện diện vũ trang chính thức đầu tiên của Trung Quốc tại Myanmar. Mặc dù hệ quả lâu dài của sự hiện diện quân sự mở rộng này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó có thể làm thay đổi đáng kể cục diện xung đột nội bộ tại Myanmar cũng như bức tranh an ninh khu vực rộng hơn.
Nói một cách đơn giản, sự tham gia của Bắc Kinh đang kéo dài thêm cuộc chiến tranh khốc liệt tại Myanmar. Dưới sự ủng hộ của Trung Quốc, chính quyền quân sự đã tăng cường không kích vào các khu vực do lực lượng kháng chiến kiểm soát và nhắm mục tiêu bừa bãi vào dân thường. Nhưng chính quyền quân sự không đủ mạnh để tiến hành các cuộc tấn công trên bộ để giành lại lãnh thổ đã mất, vì vậy hiện tại họ tập trung vào việc ngăn chặn lực lượng kháng chiến củng cố quyền kiểm soát ở các khu vực mới chiếm được. Ngay cả trong bối cảnh tàn phá rộng khắp do trận động đất tháng 3 gây ra, chính quyền vẫn ưu tiên các cuộc không kích hơn là các hoạt động cứu hộ cứu trợ, và Trung Quốc đã chuyển giao thêm máy bay chiến đấu và máy bay không người lái để hỗ trợ cho nỗ lực này.
Trong khi đó, các phe đối lập vẫn tiếp tục chiến đấu bất chấp việc họ có sự đoàn kết chính trị cần thiết để thay thế chính quyền quân sự hay không. Hiện tại, các phe đối lập đang nỗ lực mở rộng hoạt động ở các thành phố trên cả nước, với mục tiêu cuối cùng là các thành phố lớn ở trung tâm. Nếu như chính quyền quân sự vẫn kiểm soát Yangon – thành phố lớn nhất của Myanmar, và Naypyidaw – thủ đô của nước này, thì những bước tiến của lực lượng đối lập dù có làm suy yếu chính quyền quân sự cũng sẽ không đủ sức để giáng một đòn quyết định. Nếu không có một mặt trận thống nhất mạnh mẽ trong hàng ngũ phe đối lập thì chính quyền quân sự vẫn có thể trụ vững.
Khi sự quan tâm của phương Tây đối với Myanmar suy yếu, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng chiến lược của mình bằng cách khai thác tình trạng hỗn loạn và chia rẽ chính trị của đất nước này. Hiện nay, Trung Quốc nắm giữ ảnh hưởng lớn đối với các tác nhân chủ chốt ở cả hai bên của cuộc xung đột và đã hệ thống hóa việc làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây bằng cách cô lập các nhóm liên kết với phương Tây. Bắc Kinh cũng đã đạt được nhiều thành tựu cụ thể, bao gồm việc duy trì quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược như các kim loại hiếm và thiết lập sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Myanmar.
Những động thái này không chỉ giúp Trung Quốc tiếp cận các lợi ích về kinh tế mà còn là đòn bẩy chính trị chi phối một quốc gia thuộc ASEAN, từ đó thắt chặt khả năng kiểm soát khu vực quan trọng trong tham vọng của mình. Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar không phải là một trường hợp cá biệt; đây là một mặt trận quan trọng trong chiến dịch lớn hơn của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Đối với các cường quốc phương Tây và khu vực, điều này được coi là một lời cảnh tỉnh. Việc kiềm chế sự phát triển của Bắc Kinh cần phải được triển khai một cách chủ động hơn, bắt đầu từ nơi Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình — khu vực biên giới Myanmar.
Kết luận
Một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng vẫn còn là một viễn cảnh xa vời. Chính quyền quân sự đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử trong vòng một năm, mặc dù khả năng tổ chức bỏ phiếu của họ, thậm chí là một cuộc bỏ phiếu giả, dường như bị hạn chế rất nhiều bởi chiến tranh và trận động đất hồi tháng 3. Với hầu hết một đất nước bị tàn phá bởi xung đột, chính quyền quân sự đã nhiều lần phải hoãn lại các cuộc bầu cử được lên kế hoạch bắt đầu từ năm 2022. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các phe đối lập và người dân cũng sẽ không chấp nhận một cuộc bỏ phiếu do chính quyền quân sự tổ chức. Do đó, việc cố gắng tổ chức bầu cử sẽ chỉ làm bùng phát thêm xung đột và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar.
Nhiều cường quốc bên ngoài, bao gồm ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ, đã kêu gọi một giải pháp đàm phán, mặc dù không đưa ra các điều khoản cụ thể. Nhưng điều này là không thực tế bởi hai lý do chính: thứ nhất, xét đến sự yếu kém của chính quyền quân sự, các thành viên của lực lượng kháng chiến và công chúng coi đây là cơ hội lịch sử để chấm dứt sự nắm quyền của quân đội Myanmar. Thứ hai, các tướng lĩnh của chính quyền quân sự Myanmar chưa bao giờ tham gia vào cuộc đối thoại chính trị có ý nghĩa thực chất. Cụ thể, ngay cả những nhượng bộ nhỏ đe dọa đến quyền lực của họ cũng là không thể chấp nhận được đối với họ. Thay vào đó, họ ra điều kiện, yêu cầu các bên khác phải nhượng bộ, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ đảm bảo sự thống trị của quân đội. Ngay cả sau trận động đất vào tháng 3, chế độ này vẫn ưu tiên các cuộc không kích chống lại các lực lượng đối lập và tận dụng sự tham gia quốc tế ngày càng tăng – đặc biệt là thông qua viện trợ nhân đạo – như một công cụ để củng cố tính chính danh của mình trong khi vô số nạn nhân vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát mà không nhận được sự hỗ trợ thực sự. Và với sự ủng hộ vững chắc từ Trung Quốc và Nga, chế độ này cảm thấy tự tin và sẽ ít có lý do để theo đuổi các cuộc đàm phán thực sự.
Cách duy nhất để chính quyền quân sự chấp nhận đàm phán cho việc kết thúc hoàn toàn cuộc chiến là khi không còn lựa chọn nào khác. Điều đó sẽ đòi hỏi sự hợp tác và gắn kết chính trị lớn hơn giữa các lực lượng nổi dậy, và sau đó xoay chuyển tình thế trên chiến trường một cách quyết liệt, đe dọa đến quyền kiểm soát các khu vực trung tâm của chính quyền quân sự. Bắc Kinh sẽ không muốn điều này xảy ra. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong tương lai, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm suy yếu sự hợp tác giữa các phiến quân – yếu tố cần thiết để một ngày nào đó hình thành nên một Myanmar hòa bình, ổn định và dân chủ liên bang. Trung Quốc không thực sự quan tâm đến hòa bình hay ổn định ở Myanmar, họ chỉ muốn sự kiểm soát về mặt chiến lược. Và nếu Bắc Kinh có thể mở rộng ảnh hưởng bằng cách khiến các phe phái ở Myanmar đối đầu với nhau, giữ cho chúng yếu kém, phân mảnh và phụ thuộc vào Trung Quốc, thì đó chính là những gì họ sẽ làm.
Biên dịch: Trần Anh Khôi
Tác giả: Ye Myo Hein là thành viên cấp cao tại Viện Hòa bình Đông Nam Á và là cựu học giả thỉnh giảng tại Viện Hòa bình Mỹ và Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]