Ở giai đoạn then chốt của cuộc bầu cử cách đây hơn 2 tháng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng dõng dạc tuyên bố chính đảng của ông sẽ giành được “siêu đa số” trong cơ quan lập pháp Ấn Độ, nhưng cuối cùng ông đã thua “cược” và buộc phải thành lập chính phủ liên minh để duy trì quyền lực. Chiến thắng cuối cùng của ông Modi có được một cách thiếu thuyết phục, không giống như cách mà ông tuyên bố đã đặt ra những nghi vấn rằng, ông ít nhiều sẽ phải nhượng bộ trong các dự án cầm quyền mang tính toàn trị của mình.
Từ góc độ quan sát châm biếm về kết quả bầu cử vừa qua tại Ấn Độ, có thể kết luận rằng đối với một bên, chiến thắng có dư vị thất bại còn với bên còn lại, thất bại lại như thể một chiến thắng. Và có thể tóm gọn về tác động chính trị của cuộc bỏ phiếu đó hư sau: trong khi đảng Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata Party – BJP) và tư tưởng “đại Hindu” (Hindutva) của Modi không vấp phải nhiều tranh cãi, và càng không phải là mục tiêu để phản đối, thì khả năng các lực lượng Hindutva duy trì và mở rộng thế bá quyền chính trị của mình đang vấp phải những hạn chế mạnh mẽ.
Trước khi rà soát lại những hạn chế này, hãy cùng nhìn nhận lại những chỉ số cơ bản từ kết quả bầu cử cách đây ít tháng:
BJP hụt hơi
BJP giành được 240 trong tổng số 543 ghế tại Lok Sabha (Hạ viện của Ấn Độ), và cùng các đối tác trong Liên minh Dân tộc Dân chủ (NDA) họ giành được tổng cộng 292 ghế, vượt qua ngưỡng 272 ghế để chiếm đa số trong cơ quan lập pháp này.
Điều này đồng nghĩa với việc BJP được quyền thành lập chính phủ nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, khác với 2 lần trước đây khi họ tự mình đảm bảo được lượng ghế đa số, lần này chính đảng cầm quyền phải phụ thuộc một cách quyết định vào 2 đồng minh chính trị để thành lập chính phủ và duy trì liên minh trong suốt nhiệm kỳ quốc hội sắp tới. Thế nhưng, đây lại là những đồng minh có lịch sử khi ủng hộ khi đối đầu với BJP: đảng Telegu Desam (TDP) tại bang Andhra Pradesh, do Chandrababu Naidu dẫn đầu, trong khi đảng Janata Dal (JD) tại bang Biharm, với thủ lĩnh là Nitish Kumar.
Ông Modi từng nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng một mình BJP sẽ giành được đa số 2/3 (tương đương 370 ghế) tại Hạ viện. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, ông không chỉ nhận được một liều thuốc về tính khiêm tốn, mà sẽ phải có những nhượng bộ đáng kể cho 2 đảng liên minh, những đảng cũng đang được khối đối lập Liên minh Dân tộc Ấn Độ vì Phát triển toàn thể (INDIA) lôi kéo.
Bất chấp tỷ lệ ủng hộ dành cho BJP ở cấp độ quốc gia – 37% – là tương đương với kết quả năm 2019, họ đã đánh mất 63 ghế hạ viện. Đảng cầm quyền đã tiến bước tại miền Đông, cụ thể là bang Orissa, với bước nhẩy vọt ấn tượng về tỷ lệ ủng hộ, và cải thiện kết quả đôi chút tại miền Nam, tại các bang Kerala và Tamil Nadu. Ngược lại, yếu tố dẫn tới kết quả đi xuống của BJP là thất bại tại các bang then chốt tại trung tâm vùng lãnh thổ sử dụng tiếng Hindu, đặc biệt là tại bang rộng lớn và đông dân nhất, Uttar Pradesh (với 240 triệu dân, có thể đứng thứ 5 trên thế giới về dân số nếu là một quốc gia độc lập): BJP từng giành thế thượng phong tại đây trong 2 kỳ bầu cử trước và đã chờ đợi giành một chiến thắng vang dội lần này. Bang then chốt này vốn cũng là thành tố chủ chốt trong các lực lượng theo đuổi tư tưởng hindutva, từ những thành viên trong “gia đình chính trị” Hiệp hội Ái quốc quốc gia (Rashtriya Swayamsevak Sangh – RSS) cho tới các hội nhóm khác trung thành với lý tưởng thượng tôn Hindu. Tuy nhiên khối INDIA đã giành được nhiều ghế nghị sĩ hơn liên minh NDA tại bang chiến địa này.
Thế đoàn kết của phe đối lập
Ngoài ra, tại 2 bang lớn khác ngoài vùng lãnh thổ trung tâm sử dụng tiếng Hindu mà BJP từng kỳ vọng cải thiện kết quả so với 2 lần bầu cử trước là Maharashtra và Tây Bengal, đảng cầm quyền này đều thất bại: tại bang đầu tiên Đảng Quốc đại và các đồng minh địa phương tập hợp trong liên minh đối lập đã vượt qua liên minh của BJP, còn tại bang thứ 2, đảng cầm quyền tại đây Đại hội Trinamul (TMC) đã giành được tới quá nửa số ghế được phân bổ, vượt trội so với BJP.
Trái ngược với 2 kỳ bầu cử trước, lần này các đảng đối lập đã thành lập được liên minh trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Cho dù không có bất kỳ đồng thuận chính trị hay một cơ sở chương trình hành động chung nào giữa các lực lượng này, họ đã ký kết được một thỏa thuận căn bản về cách thức phân chia ghế nghị sĩ giữa các ứng cử viên của mình, qua đó tạo ra được cơ chế luân chuyển hiệu quả phiếu bầu giữa các cơ sở xã hội của từng đảng. Trong tổng số ghế liên minh INDIA giành được, Đảng Quốc đại nắm 100 ghế – một tiến bộ đáng kể so với con số 52 ghế giành được trong cuộc bầu cử lần trước. Khối các chính đảng cánh tả, với đại diện chủ yếu là các đảng cộng sản, giành được tổng cộng 9 ghế nghị sĩ, so với 6 ghế của lần trước – điều này đồng nghĩa với việc khả năng khối cánh tả ảnh hưởng tới INDIA trong các vấn đề mà liên minh đối lập này hình thành lập trường chung là khá hạn chế.
Với tất cả những thiếu sót của mình – như việc từ chối phản đối những di sản của tư tưởng Stalin và Mao là một cản trở cho quá trình bồi dưỡng cán bộ của mình – các chính đảng cánh tả này có định hướng kinh tế mang tính xã hội – dân chủ hơn những lực lượng khác trong liên minh đối lập, mặc dù vẫn có những nhượng bộ cho các thực hành kiểu tự do mới. Họ cũng không hòa nhịp vào làn sóng theo tư tương “đại Hindu” như đảng Quốc đại và một số đảng theo định hướng tiến bộ khác. Kết quả bầu cử ở Ấn Độ hồi đầu tháng 6 cho thấy cánh tả Ấn Độ cần một quá trình chiêm nghiệm nội bộ nghiêm túc và sâu rộng.
Điều được chứng minh trong cuộc bầu cử vừa qua là hiện đang tồn tại 3 vật cản lớn cho kế hoạch thăng tiến về chính trị và bầu cử đầy ồn ào của Modi và chính đảng cầm quyền. Những cản trở này thuộc về các khía cạnh kinh tế, liên bang và xã hội.
Những rào cản đối với tư tưởng Hindutva
Có lẽ khoảng từ 20 tới 25% dân số Hindu từng là mục tiêu tuyên truyền của học thuyết Hindutva (đại Hindu) trong vài thập kỷ qua giờ đây đang là những thành viên tuyệt đối trung thành của BJP, RSS và các lực lượng khác sử dụng tư tưởng thượng tôn dân tộc (đúng hơn là sắc tộc) cực đoan này. Đây là cơ sở xuất thân của hầu hết lực lượng lãnh đạo và các nhà hoạt động của các lực lượng chính trị này, nhưng đặc điểm này cũng tạo ra những khó khăn lớn trong việc hình thành một khối chính trị người Hindu rộng lớn và đa dạng sắc thái hơn cho các mục tiêu chính trị mang tính toàn quốc.
Hiện cảm giác bất mãn về kinh tế đang lan rộng tại Ấn Độ, đặc biệt là từ hiện tượng thiếu cơ hội về việc làm và vị trí công việc được trả lương hợp lý, và tác động tiêu cực tới BJP. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang gia tăng liên tục và với những thanh niên có học thức càng cao, tỷ lệ này càng cao hơn. Ví dụ, tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp hiện đang không có việc làm đã lên tới mức 42%.
Những khoản hỗ trợ được chính phủ của Modi phân phát, như các khoản tiền nhỏ dành cho phụ nữ hay các khẩu phần ngũ cốc miễn phí theo tiêu chuẩn, việc cung cấp miễn phí khí đốt, trợ giá điện v.v… nằm trong một chính sách kinh tế tổng thể mà ta có thể tạm gọi là chủ nghĩa tự do mới có bồi thường. Chính sách này càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tích lũy của cải tới mức gây bức xúc. Chỉ 1% dân số giầu có nhất đã tập trung tới 22% tổng thu nhập của cả xã hội, và mức độ tập trung của cải thậm chí còn bất bình đẳng và gây tranh cãi hơn nữa.
Theo nghiên cứu Bất bình đẳng về thu nhập và của cải tại Ấn Độ, 1922 – 2023 (Income and Wealth Inequality in India, 1922 – 2023) của Thomas Piketty và các đồng nghiệp, trong một đất nước có hơn 1,4 tỷ dân, chỉ chưa tới 10.000 người giầu có nhất đã sở hữu khối tài sản có tổng trị giá gấp 3 lần tổng trị giá tài sản của 50% dân số nghèo nhất trong xã hội. Với tổng số 271 tỷ phú USD hiện tại (trong đó có 94 người bước vào hàng ngũ này chỉ trong năm 2023), Ấn Độ đang giữ vị trí thứ 3 thế giới về “tầng lớp tỷ phú”, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Về khía cạnh xã hội, việc phân chia đẳng cấp – đặc điểm truyền thống nổi bật của đạo Hindu – vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn đối với BJP và tư tưởng Hindutva. Chính đảng cầm quyền cùng các đồng minh chính trị đã cố gắng tôn vinh từ góc độ văn hóa các đẳng cấp thấp trong văn hóa và tôn giáo Hindu thông qua các hình thức hấp thụ, quảng bá và tổ chức hoành tráng hơn những nghi lễ và sinh hoạt đặc thù của các giai tầng này, nhưng vẫn không rũ bỏ được những biệt đãi và đặc thù giới lãnh đạo thuộc về đẳng cấp Brahma (hay Bà-la-môn, đẳng cấp cao nhất trong hệ thống đạo Hindu). Cách tiếp cận bình dân hơn đã mang lại một số thành quả, nhưng vẫn là chưa đủ để tạo bước bứt phá về chính trị. Đã có những bộ phận người Dalit (nằm ngoài hệ thống phân chia 4 đẳng cấp của đạo Hindu) hay những người thuộc các giai tầng thiệt thòi hơn (từ các đẳng cấp trung gian trở xuống hệ thống phân chia này), và thậm chí một số người thiểu số không phải Hindu, đã tham gia hay ủng hộ BJP một cách trung thành. Tuy nhiên, đa phần những người khác trong các bộ phận cử tri chiếm đa số này của BJP luôn sẵn sàng thay đổi liên minh chính trị và lá phiếu của mình nếu cho rằng điều đó mang lại lợi ích cụ thể cho họ tại địa phương. Tâm lý này giải thích cho thành công vang dội của Đảng Samajwadi (SP) – một lực lượng mang tính địa phương – tại bang trọng điểm Uttar Pradesh.
Nhìn chung trong các giai cấp xã hội từ trung lưu trở xuống tại Ấn Độ, các vấn đề về nhu cầu vật chất cơ bản khiến các cử tri thường ưu tiên trung thành với các lực lượng hay chính đảng đại diện cho tầng lớp cụ thể của mình hơn các tư tưởng chính trị – tôn giáo có khuynh hướng đại đồng hơn. Những vấn đề này cũng thúc đẩy quan hệ hợp tác chính trị – bầu cử dựa trên giai cấp, ngay cả khi các mối quan hệ hợp tác này không được tuyên bố công khai. Và rốt cuộc, đa phần những người thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội Hindu thường có xu hướng thiên về việc bỏ phiếu cho các nhân vật đại diện cho các tầng lớp dưới. Thêm vào đó, bộ phận dân cư theo đạo Hồi – vốn là mục tiêu công kích truyền thống và cụ thể của cả BJP và học thuyết Hundutva – luôn bỏ phiếu cho khối đối lập nào có khả năng gây tổn thương nhiều nhất cho BJP. Chính đảng cầm quyền nhận được sự ủng hộ ổn định và vững chắc nhất từ các tầng lớp thương lưu, và điều này vẫn tiếp diễn trong cuộc bầu cử vừa qua. BJP đã và sẽ phải tiếp tục giải quyết cùng một bài toán: tìm được giao điểm hợp lý giữa việc duy trì lòng trung thành của tầng lớp tầng lưu đồng thời mở rộng và ổn định mức độ ảnh hưởng đối với các tầng lớp dưới để gia tăng lá phiếu.
Sắc thái đa dạng của một liên bang
Xét về chiều rộng của một liên bang, các nhà quan sát vừa được chứng kiến sự khẳng định mang tính quyết định của tính đa dạng. Tầm vóc của Ấn Độ với lịch sử vô cùng đa dạng theo các chiều không gian và địa lý, cũng như sự phong phú về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và xã hội, khiến cho các công thức chính trị mang tính khu vực hay vùng miền luôn duy trì được ảnh hưởng của mình. BJP có một dự án về dài hạn xóa bỏ hoặc thu nạp tất cả các đối thủ bầu cử tiềm tàng đó về phía mình, chỉ để lại đảng Quốc đại và các chính đảng cánh tả làm những mục tiêu ưu tiên trong cạnh tranh hòm phiếu, và giờ đây đã rõ rằng họ sẽ không thể bao giờ làm như vậy, bất chấp những bước tiến trong vài thập kỷ qua bằng công thức liên minh chính trị trong bầu cử và áp đặt khi cầm quyền với các thế lực chính trị địa phương này.
Nhiều chính đảng khu vực từng hợp tác với Modi đã nhận ra việc chính họ đang suy yếu khi BJP – thông qua các công thức liên minh này – hút mất cơ sở xã hội và cử tri của họ, đồng thời nhiều lãnh đạo truyền thống của họ rời bỏ hàng ngũ để gia nhập một chính đảng hùng mạnh hơn (và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn). Các chính đảng này nhận ra rằng sự tồn tại của mình với tư cách là các lực lượng chính trị vùng miền có trọng lượng đòi hỏi họ phải tránh đứng trong vòng tay của BJP. Chính ý tưởng chủ đạo này, cùng với một số khác biệt sâu sắc về ý thức hệ và chính trị đã tạo ra sức ép khiến nhiều chính đảng địa phương xa rời BJP.
Bằng cách hợp tác với các chính đảng vùng miền này và nhường vị thế dẫn đầu cho họ tại các địa bàn “sân nhà” của họ, đảng Quốc đại được hưởng lợi về tổng thể trên toàn quốc. Chính đảng truyền thống này thậm chí còn giới thiệu ứng cử viên tại ít khu vực bỏ phiếu hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2019 và cũng chỉ gia tăng chút ít tỷ lệ phiếu bầu tổng thể, nhưng lại tăng mạnh số ghế trong Quốc hội từ mức 52 ghế của năm 2019 lên mức 100 ghế hiện tại. Nhờ vậy, đảng Quốc đại sẽ chính thức dẫn dắt phe đối lập tại nghị viện, nơi BJP sẽ chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thông qua các đạo luật và các biện pháp chiến lược, nói cách khác là chính phủ sắp tới sẽ không còn “cùng nhẩy một điệu valse” với cơ quan lập pháp như đã từng làm trong 2 nhiệm kỳ qua.
Những bước đi sắp tới
Trong các vấn đề đối ngoại, BJP sẽ tiếp tục nắm quyền quyết định hướng đi của Ấn Độ, do đó có thể đặt vấn đề này sang một bên. Việc phân tích những vận động của quốc gia đông dân nhất thế giới này vì vậy đòi hỏi tập trung vào các vấn đề đối nội. Thủ tướng Modi sẽ phải củng cố liên minh NDA, điều đồng nghĩa với việc ông sẽ phải nhường một vài vị trí quan trọng trong Chính phủ cho các đảng đồng minh JD và TDP, cho dù BJP sẽ vẫn nắm giữ 4 bộ then chốt nhất: Quốc phòng, Nội vụ, Nhà ở và Ngoại giao. Quan hệ giữa BJP với các đồng minh địa phương sẽ là vấn đề phức tạp để xử lý, khi các lực lượng này đang gây sức ép để giành được những “phần thưởng” trong chính phủ trung ương cho các bang Bihar và Andhra Pradesh. Nhưng bước nhượng bộ này lại có thể gây ra những phản đối nhất định, khi các chính phủ cấp bang khác do khối INDIA cầm quyền (thậm chí ngay cả các chính quyền bang do NDA nắm giữ) có thể không nhìn nhận với nhiều thiện cảm hành động ưu ái này.
Về phần mình, khối INDIA sẽ cố gắng duy trì thế đoàn kết hiện tại, điều cũng không hề dễ dàng. Chất kết dính chủ đạo của các thành phần khá khác biệt trong liên minh này đã và sẽ tiếp tục là tính thù địch chính trị đối với BJP, thế nhưng cảm giác thù địch này thường chỉ có tính kết dính mạnh mẽ trong quá trình chuẩn bị một cuộc bầu cử và khó kéo dài một khi chiến dịch này đã kết thúc. Ngoài ra, nếu sức nặng định lượng của BJP trong khối NDA tương đương khoảng 4/5 thì của đảng Quốc đại trong INDIA chỉ ở mức 2/5, nói cách khác là có sự khác biệt lớn trong vai trò chủ đạo. Ngoài ra, đảng Quốc đại (INC) không thể tận dụng nguồn lực của chính phủ để thuyết phục các đồng minh của mình như đảng cầm quyền BJP, và không có bất kỳ chính đảng đối lập nào có thể tiệm cận được khả năng tài chính dồi dào của riêng BJP, cho dù là đứng ở thế độc lập hay phối hợp với các lực lượng khác.
Về phần mình, Thủ tướng Modi sẽ vấp phải khó khăn trong việc thu hút hoặc chia rẽ các đảng đối lập thông qua hoạt động hút máu đảng viên hàng loạt, nhưng vẫn có thể đàm phán những thỏa thuận kín với các chính đảng địa phương để ngăn cản liên minh đối lập tổ chức một cách có hệ thống một làn sóng phản kháng nhất thể mà họ đang cần.
Khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 năm tới là tối quan trọng. Sẽ có những trận đấu chính trị với quy mô, mức tác động sâu rộng và kết quả cuối cùng hiện chưa thể đoán định được, nhưng cũng sẽ mở ra những hướng vận động mới. Cho tới nay, Thủ tướng Modi là một nhà lãnh đạo khá độc đoán chưa từng thể hiện – và cũng chưa bao giờ cần thể hiện – khả năng quản lý một liên minh hay thương lượng các cam kết, ngay cả các đề tài chính trị trong nước. Trong thời gian làm Thủ hiến bang Gujarat, nơi BJP luôn nắm đa số tuyệt đối, ông có thể tùy ý cầm quyền; còn trong vai trò Thủ tướng Ấn Độ, ông cũng chưa thực sự để ý quá nhiều tới các đảng khác trong NDA khi mà cho tới trước cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, BJP cũng vẫn nắm đủ quyền chi phối.
Hơn nữa, cho dù là người cam kết tuyệt đối với tư tưởng Hindutva, ông Modi luôn đặt mình lên trên cơ cấu của RSS, dù đây là siêu tổ chức nắm giữ cả mạng lưới rộng lớn các tổ chức chi nhánh theo hệ tư tưởng Hindutva – bao gồm cả chính BJP. Thủ tướng Modi đặt ban lãnh đạo tối cao của RSS trong thế phụ thuộc vào chính ông hoặc nhân vật số 2 của mình, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, người cũng có những tham vọng riêng. Nhưng kể từ thời điểm này, căng thẳng sẽ gia tăng giữa RSS và BJP, cũng nhưng trong nội bộ đảng cầm quyền, giữa những người tuyệt đối trung thanh với Modi và những người không ràng buộc lòng trung thành với một cá nhân. Giờ đây, sẽ phải quan sát kết quả lâu dài của những tương tác trong nội bộ BJP và liên minh NDA, cũng như hiệu ứng của những vận động kết minh và thỏa thuận theo nhiều chiều hướng khác nhau trong một bối cảnh chính trị rộng lớn.
Chương trình hành động Hindutva
Vậy Chính phủ Ấn Độ trong nhiệm kỳ mới có thể thúc đẩy các chính sách ngắn hạn và trung hạn nào, với thái độ chính trị ra sao? Các chính sách nào của họ sẽ mang tính cẩn trọng hay kiểu “đun nhỏ lửa” hơn, hoặc trì hoãn vô thời hạn cho tới các hoàn cảnh chính trị thuận lợi hơn. Có thể tóm tắt các mục tiêu định hướng dự án chính trị theo tư tưởng Hindutva như sau:
1. Loại bỏ hoặc thu phục tất cả các đối thủ tranh cử.
2. Khoét rỗng các kết cấu dân chủ và liên bang.
3. Giới hạn không gian bất đồng và khả năng bùng nổ bất đồng.
4. Đồng hóa về mặt ý thức hệ các phương tiện truyền thông đại chúng và các chương trình giáo dục để biến chủ nghĩa dân tộc Hindu trở thành cảm nhận chung của mọi người dân.
5. Đe dọa và cô lập cộng đồng Hồi giáo để biến họ thành những công dân hạng 2 và thuần phục về chính trị.
Rõ ràng mục tiêu đầu tiên đã bị giáng một đòn mạnh. Điều này tất nhiên cũng có nghĩa rằng BJP sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp tục hủy hoại hệ thống tư tưởng liên bang của Ấn Độ, và hầu hết các tham vọng ý thức hệ và chiến lược khác của BJP đều rơi vào thế khá bế tắc. Với số lượng nghị sĩ không đủ trong 2 viện, rất khó để chính phủ của ông Modi triển khai trong nhiệm kỳ này dự án Một Đất nước, Một cuộc Bầu cử (One Nation, One Poll, ONOP), nói cách khác là đồng bộ hóa cuộc bầu cử Quốc hội với các cuộc bầu cử nghị viện cấp bang.
Một trong những nhiệm vụ dang dở của Chính phủ là tiến hành một cuộc điều tra dân số tổng thể toàn quốc, kế hoạch từng bị trì hoãn quá lâu, nhưng tham vọng tiến hành đồng thời dự án Thống kê Dân số quốc gia (NPR), với mục đích thu thập dữ liệu cá nhân chi tiết của các công dân, giờ đây sẽ vấp phải sức phản đối mãnh liệt hơn. Giới cầm quyền từng kỳ vọng rằng NPR, một khi được hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng tạo ra Thống kê quốc gia về công dân (NRC), mà mục đích cơ bản là phân loại ra các công dân “đáng ngờ”, những người không đủ giấy tờ để chứng minh điều kiện pháp lý của mình, và chắc chắn một tỷ lệ cao trong số đó là những người Hồi giáo.
Và một tiến trình hậu kỳ sau đó dự kiến sẽ quyết định những ai là các công dân bất hợp pháp, những người sẽ bị tước quyền bầu cử và thậm chí đưa vào các trại cải tạo hoặc những trung tâm cưỡng bức lao động. Trong nhiệm kỳ Quốc hội trước, Chính phủ đã bắt đầu các bước chuẩn bị sơ bộ cho toàn bộ cấu trúc này, bao gồm cả việc xây dựng các trại cải tạo hay tập trung nói trên. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại nhiều khả năng tiến trình này sẽ được trì hoãn thậm chí đình chỉ một thời gian, trước lập trường phản đối công khai của nhiều chính quyền cấp bang không do BJP kiểm soát – các lực lượng đã gia tăng sức nặng chính trị sau cuộc bầu cử vừa qua.
Còn về quá trình làm rỗng ruột các thể chế cầm quyền dân chủ chủ chốt, thì trong suốt 1 thập kỷ cầm quyền của mình, BJP đã bóp nghẹt các hệ thống kiểm soát và cân bằng dựa trên các ngạch quyền lực tương đối độc lập cùng nhiều cấu trúc và bộ máy nhà nước trực thuộc các ngạch này. Tới nay, BJP đã cơ bản khuất phục được Tòa án Tối cao, Ủy ban Bầu cử, cùng nhiều vị trí hành chính cao cấp tại các bang trọng điểm.
Đa phần các chính đảng khu vực, với kỳ vọng chính trị thường chỉ bó hẹp trong không gian địa lý của mình, từng không thể hiện quá nghiêm túc phản đối những bước tiến của BJP tại mặt trận này. Trong khi đó, với cấp độ nhiệt thành khác nhau, đảng Quốc đại và một số chính đảng mang tính toàn quốc khác đã chấp nhận – và dường như cũng sẽ không chất vấn – những thay đổi vi hiến đã làm biến đổi đáng kể hệ thống hành pháp Ấn Độ. Những thay đổi này bao gồm việc hủy bỏ chương 370 về quy chế của vùng Kashmir, việc Tòa án Tối cao thông qua quyết định phá hủy đền thờ Hồi giáo lớn Babri Masjid và xây dựng tại chính địa điểm này đền thờ Hindu Ram Mandir, và Luật Điều chỉnh công dân (CAA), trong đó lần đầu tiên đưa vào nguyên tắc phân biệt theo tôn giáo (một đòn chính trị giáng thẳng vào cộng đồng theo đạo Hồi) trong việc công nhận và thực thi quyền công dân.
Tương thích về ý thức hệ
Liên quan tới điểm thứ 3 trong chiến lược Hindutva, nhóm cầm quyền Ấn Độ đã thúc đẩy một quá trình chính trị hóa có hệ thống lực lượng cảnh sát và các cơ quan an ninh và điều tra khác. Chính phủ đã sử dụng các lực lượng này để truy đuổi các nhân vật đối lập, thủ lĩnh các đảng phái cũng như các tổ chức thuộc xã hội dân sự và các nhóm chỉ trích các chính sách hành pháp, hay cả các nhà bất đồng chính kiến đơn lẻ. Ngay cả sau cuộc bầu cử vừa qua, hiện vẫn không có một động cơ đặc biệt nào cản trở quá trình này tiếp diễn. Kể từ tháng 7 tới, một loạt đạo luật hình sự mới sẽ có hiệu lực biến Ấn Độ ngày càng giống với một nhà nước cảnh sát hơn. Các đối tác mới của BJP sẽ không chống lại các đạo luật này, và hiện giờ chỉ còn chờ xem liệu khối INDIA, dưới sự dẫn dắt của đảng Quốc đại có tiến hành các cuộc vận động quần chúng và phản kháng tập thể các đạo luật này hay không.
Còn trong không gian của các phương tiện truyền thông, ngoài các phương tiện thuộc sở hữu và do Chính phủ trực tiếp kiểm soát, thế thống trị thuộc về số ít các tập đoàn xuất bản lớn, nắm giữ nhiều kênh truyền hình và các đầu báo lớn nhất. Hầu hết các gã khổng lồ trong lĩnh vực này đều thân cận với chính phủ của Modi vì các lý do kinh tế và cả các quan hệ phụ thuộc dạng khác. Trong khi đó, những chủ sở hữu các tờ báo nhỏ hay các ấn phẩm số khác đa phần chấp nhận tầm quan trọng của hoạt động quảng bá thể chế đối với mình. Các chính đảng địa phương hầu như chỉ muốn kiểm soát các phương tiện truyền thông địa phương thông qua các chủ sở hữu của chúng, và tất nhiên các cơ quan này gần như chẳng có cơ hội nào vươn lên tầm quốc gia.
Liên quan tới công cuộc chuyển đổi giáo trình tại các trường phổ thông và đại học theo các định hướng tư tưởng và tôn giáo của Hindutva, các công đoàn cánh tả và giới giảng viên – học sinh vẫn đóng vai trò phản kháng chủ chốt. Với quan điểm ưu tiên một chủ nghĩa Hindutva mềm dẻo và ôn hòa, các công đoàn dưới trực thuộc đảng Quốc đại (INC) ít gay gắt và liên tục hơn nhiều trong việc đáp trả các biện pháp của Chính phủ. Trong không gian các trường đại học Ấn Độ, không có hội nhóm sinh viên người Dalit (bậc thấp nhất trong phân chia đẳng cấp xã hội Hindu) nào có quy mô hay ảnh hưởng đáng kể. Trên bình diện toàn quốc, các liên đoàn sinh viên và giáo viên dưới quyền kiểm soát của RSS và BJP bỏ lại rất xa các tổ chức đồng dạng khác về quy mô và sức mạnh. Chính phủ liên minh mới dường như sẽ không thay đổi nhiều định hướng và chiến lược hiện hành trên mặt trận giáo dục.
Những cộng đồng tôn giáo thiểu số
Kể từ khi ông Modi làm thủ tướng, BJP đã tránh những xung đột bạo loạn tôn giáo quy mô lớn chống lại các cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Ngoại lệ của quy tắc bất thành văn này là bang Manipur, tại vùng Đông Bắc Ấn Độ, nơi mà từ chính quyền trung ương cho tới địa phương đều hậu thuẫn các cuộc tấn công thể xác của người Hindu nhắm vào các cộng đồng sắc tộc Meitei không theo đạo và sắc tộc thiểu số bản địa Kuki-zo với đa số theo đạo Thiên chúa. Tình trạng bạo lực này mang động cơ tước đoạt đất đai cho các công trình xây dựng nhà ở và khai thác nông nghiệp, lâm nghiệp và mỏ. Tuy nhiên, các bộ lạc này lại có quan hệ huyết thống chặt chẽ với các cộng đồng dân cư có đa số theo đạo Thiên chúa tại các bang lân cận cũng như với phía bên kia biên giới, trong lãnh thổ Myanmar, và đã tiến hành phản công quyết liệt tới mức tạo ra tình thế tạm gọi là tê liệt về chính trị. Vì thế không có gì lạ khi trong cuộc bầu cử vừa qua, INC giành chiến thắng tại cả 2 khu vực bỏ phiếu tại bang này. Vấn đề Manipur chỉ có thể giải qua 1 trong 2 lối thoát: hoặc thông qua một cuộc đàn áp diện rộng thành công, hoặc chính quyền trung ương phải có những nhượng bộ mang tính thỏa hiệp.
Những hành động bạo lực tập thể chống lại cộng đồng Hồi giáo tại các bang do BJP kiểm soát trước đây đã được thay thế bằng những hành vi bạo lực thường nhật ở cấp độ thấp hay các hình thức lạm dụng khác, mà đôi khi bùng nổ thành những căng thẳng xã hội ở cấp độ rộng hơn. Các nhà chức trách khi đó sẽ can thiệp ổn định tình hình với một tình trạng trật tự trong căng thẳng, với các biện pháp nghiêng về phía trấn an những kẻ có lỗi hơn là bảo vệ các nạn nhân. Công thức này nhìn chung tạo ra một bầu không khí sợ hãi thường trực trong cộng đồng Hồi giáo bản địa và giúp duy trì họ trong vòng kiềm tỏa. Các tổ chức RSS chắc chắn sẽ còn duy trì thực hành đã trở nên thường xuyên này.
Tuy nhiên, những phiếu bầu của các cử tri theo đạo Hồi cho khối đối lập với BJP đã có tác động nhìn thấy được trong kết quả bầu cử vừa qua. BJP vẫn luôn sẵn sàng bất đồng vĩnh viễn với cộng đồng Hồi giáo và bản lề ý thức hệ của họ cũng đảm bảo hướng đi này, nhưng đây lại không phải là thái độ của những đồng minh cấp bang mới của họ. Lập trường của các chính đảng trong khối INDIA đối lập tất nhiên cũng khác, khi các lực lượng này thường tìm kiếm sự cân bằng giữa tư tưởng Hindutva ôn hòa với những cam kết bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng đạo Hồi. Tương quan lực lượng mới trên chính trường Ấn Độ giữa BJP và phe đối lập hiện mang lại đôi chút cảm giác nhẹ nhõm cho cộng đồng Hồi giáo ngay tại những bang có đa số người Hindu.
Phong trào phản kháng quần chúng
Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất hay mối đe dọa lớn nhất cho bá quyền của RSS trên chính trường và các kế hoạch chính trị của BJP hiện vẫn đang là một ẩn số: liệu Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với cấp độ phản kháng quần chúng độc lập nào? Ở đây từ “độc lập” được sử dụng vì phe đối lập, mà nhìn chung vẫn thường bị chia rẽ bởi những lợi ích bầu cử và tham vọng chính trị khác nhau, sẽ rất khó từ chối tham gia hay tách biệt khỏi các vận động quần chúng không xuất phát từ chính đảng nào, trong khi những vận động từ một chính đảng đối lập nhất định – như đã nói – rất khó lôi kéo được sự tham gia rộng rãi. Vậy những cuộc phản kháng trong vài năm qua tới đây có trở nên thường xuyên và mang quy mô lớn hơn không?
Giờ đây, nhân tố chắc chắn đang gây ra bất mãn lớn trong quần chúng và ngòi nổ cho những vận động biểu tình là hiện trạng của nền kinh tế Ấn Độ. Cho dù rất có thể Chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ tung ra thêm các gói trợ cấp nhưng những khiếm khuyết mang tính cấu trúc vẫn đeo bám dai dẳng. Nếu trong cuộc bầu cử vừa qua BJP giành được đa số tuyệt đối mà họ từng tham vọng, hẳn chính đảng cầm quyền này đã triển khai các chính sách kinh tế cực đoan mà cuộc bạo động nông dân năm 2011 đã chặn đứng. Nhưng nhiều khả năng, chính phủ vẫn triển khai các chính sách này theo hướng từng bước, bao gồm việc thúc đẩy quá trình phân cực trong khai thác tài nguyên, mở rộng xu hướng thứ cấp hóa và doanh nghiệp hóa hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp. Tất nhiên với tương quan mới, BJP sẽ khó áp đặt những thay đổi này hơn, đặc biệt là trong ngắn và trung hạn.
Chiến lược phát triển này sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề cốt lõi nhất của nền kinh tế Ấn Độ, như đã biết, đó là sự mất cân đối khi ngành nông nghiệp chỉ tạo ra 14% GDP toàn quốc nhưng lại chiếm tới hơn một nửa lực lượng lao động và là nguồn thu nhập chính cho khối lao động này. Xét về thực tiễn, chưa từng có một cải cách theo kiểu tư bản chủ nghĩa nào có thể giải quyết triệt để vấn đề này và Ấn Độ sẽ còn tiếp tục là một đất nước với đa số dân chúng trong tình trạng suy hoặc kém dinh dưỡng.
Trên mặt trận dân chủ, có thể cảm nhận được rằng bước tiến của tư tưởng dân tộc cực đoan Hindutva đã mất đi ý nghĩa của một lựa chọn không thể tránh. Cho dù những trường hợp tiêu cực về đe dọa, khủng bố tâm lý, lạm dụng và trừng phạt pháp lý vì lý do chính trị – xã hội vẫn còn phủ bóng và chưa hề biến mất, thì dẫu sao giờ đây chúng cũng đã bị soi rõ và tố cáo. Các cơ chế nhằm bào mòn dần dần những quyền tự do dân sự hiện đang tạm ngừng. Ấn Độ đang có cơ hội để mở rộng không gian tự do – dân chủ, một cơ hội mà các lực lượng dân chủ, tiến bộ và mạng lưới thể chế quốc gia đông dân nhất thế giới cần tận dụng để chống lại kẻ thù cực hữu nguy hiểm nhất của họ trong lịch sử, Hindutva./.
Biên dịch: Uyển My
Tác giả: Achin Vanaik là nhà văn và nhà hoạt động xã hội, từng giảng dạy tại Đại học Dehli và thành viên thường trú tại Dehli của Viện Quốc tế Amsterdam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]