Trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược hiện nay, kiểm soát lãnh thổ hay tài nguyên thiên nhiên không còn là mục tiêu duy nhất của các cường quốc. Chiến tranh nhận thức không phải là một hiện tượng mới này sinh trong kỷ nguyên công nghệ số, mà đã tồn tại từ lâu dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, dưới sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đã nâng tầm và mở rộng mặt trận này biến nó thành một công cụ chiến lược trong cạnh tranh địa chính trị hiện đại. Nếu như chiến tranh vật lý nhằm vào thân thể, thì chiến tranh nhận thức nhắm thẳng vào trí óc nơi phát sinh các quyết định chính trị, xã hội và quân sự. Tầm quan trọng của chiến tranh nhận thức ngày càng được nhấn mạnh trong các chiến lược an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại cũng như các báo cáo quốc phòng của cả Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ là một công cụ hỗ trợ chiến tranh truyền thống, chiến tranh nhận thức đã trở thành mặt trận độc lập, có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị mà không cần sử dụng đến sức mạnh quân sự thông thường. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều hiểu rằng, kiểm soát nhận thức xã hội sẽ dẫn đến kiểm soát trật tự quốc tế tương lai. Vậy, chiến tranh nhức đang định hình thế nào trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung? Và những tác động nào từ mặt trận này có thể dẫn đến việc tái cấu trúc cán cân quyền lực toàn cầu?
Tổng quan về “Chiến tranh nhận thức”
Chiến tranh nhận thức (cognitive warfare) là hình thức tác chiến nhắm trực tiếp vào quá trình tư duy, cảm xúc, quyết định của cá nhân và tập thể. Chiến tranh nhận thức nhằm mục tiêu “thay đổi cách một cá nhân hoặc nhóm người nhận thức và hành động theo hướng có lợi cho bên tác động”. Khác với các hình thức chiến tranh thông tin (information warfare) truyền thống, chiến tranh nhận thức không chỉ đơn thuần thao túng dữ liệu mà còn tìm cách định hình toàn bộ hệ thống niềm tin, giá trị và hành vi xã hội.
Chiến tranh nhận thức là một hình thức tác động chiến lược mới, được thực hiện thông qua việc sử dụng phối hợp đa dạng các công cụ, nhằm làm thay đổi cách thức suy nghĩ và nhận thức của đối tượng bị tác động. Các công cụ này bao gồm truyền thông đại chúng, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo, và các hình thức thao túng thông tin hiện đại. Trong bối cảnh hiện đại, chiến tranh nhận thức tận dụng tối đa các nền tảng công nghệ số, khiến việc kiểm soát và định hình thông tin trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Truyền thông đại chúng, đặc biệt là qua các phương tiện trực tuyến và mạng xã hội, cho phép những thông điệp tác động nhanh chóng và rộng rãi đến một lượng lớn người dân trên toàn cầu. Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng góp phần quan trọng trong việc phân tích, dự đoán và điều chỉnh thông tin một cách chính xác, khiến cho chiến lược chiến tranh nhận thức trở nên mạnh mẽ và tinh vi.
Mục tiêu chiến lược của chiến tranh nhận thức là gây nhiễu loạn tư duy và xói mòn niềm tin vào các thể chế chính trị – xã hội, đồng thời định hướng hành động của quần chúng theo mục đích chính trị cụ thể. Việc lan truyền thông tin sai lệch, những lời đồn thổi, và các chiến dịch tuyên truyền có thể làm rối loạn suy nghĩ và sự nhận thức của công chúng, từ đó làm suy yếu sự ổn định của các hệ thống chính trị và xã hội.
Triển khai chiến tranh nhận thức trong cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc
Trung Quốc: Định hình nhận thức toàn cầu theo mô hình riêng
Trung Quốc hiểu rằng chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự là chưa đủ để đạt được vị thế siêu cường toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quyền lực mềm và việc kiểm soát nhận thức toàn cầu trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia của Trung Quốc. Một trong những ưu tiên của Bắc Kinh là xây dựng một “nền tảng nhận thức” mới, trong đó mô hình chính trị, văn hóa và xã hội của Trung Quốc sẽ trở thành một phần của trật tự toàn cầu.
Chìa khóa thành công của chiến lược quyền lực mềm mà Trung Quốc triển khai là khái niệm “kể câu chuyện Trung Quốc” (Tell China’s Story Well) được Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất ngày 19/8/2013, trong bài phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên truyền và tư tưởng toàn quốc. Đây không chỉ là việc quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc, mà còn là một chiến lược nhằm đối kháng lại sự thống trị của phương Tây trong việc định hình các diễn ngôn quốc tế. Bắc Kinh đã nhận thấy rằng việc kiểm soát câu chuyện toàn cầu là một công cụ quan trọng để thách thức và làm yếu đi sự ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu. Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc phát triển các kênh truyền thông toàn cầu. Các hãng truyền thông như CGTN, Xinhua, China Daily… đã được xây dựng và mở rộng để cung cấp thông tin theo một góc nhìn đặc trưng của Trung Quốc, với mục tiêu đưa ra một thông điệp thay thế khác biệt so với thông tin do phương Tây kiểm soát. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành lại quyền kiểm soát trong các cuộc tranh luận toàn cầu về các vấn đề như nhân quyền, phát triển bền vững, và an ninh quốc tế.

Một phần quan trọng trong chiến lược này là việc mở rộng mạng lưới Viện Khổng Tử (Confucius Institutes) trên hệ thống toàn cầu. Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào giáo dục và văn hóa có thể được hiểu là một phần trong chiến lược tạo dựng niềm tin toàn cầu, mặt khác hướng đến sự tăng cường tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Trung Hoa. Thông qua việc giáo dục thế hệ trẻ ở các quốc gia phương Tây về lịch sử, triết lý và văn hóa Trung Quốc, Bắc Kinh kỳ vọng có thể thay đổi nhận thức của người dân thế giới về đất nước mình. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn vấp phải không ít những chỉ trích. Việc các Viện Khổng Tử chịu sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc và những nghi ngờ về tính độc lập của các chương trình giảng dạy tại đây, đã tạo ra một cuộc tranh luận về sự “xâm nhập” của Trung Quốc vào hệ thống giáo dục quốc tế.
Bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, Trung Quốc còn rất khéo léo trong việc sử dụng công nghệ hiện đại để quảng bá hình ảnh quốc gia. Một ví dụ điển hình là TikTok, ứng dụng video ngắn được phát triển bởi công ty ByteDance của Trung Quốc. TikTok đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường phương Tây. Với hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, TikTok không chỉ là một nền tảng giải trí mà còn là công cụ mạnh mẽ để Trung Quốc thúc đẩy những xu hướng văn hóa mới, lan tỏa các thông điệp tích cực về đất nước và kết nối người dân các quốc gia khác với hình ảnh Trung Quốc hiện đại.
Mỹ: Vừa phòng ngự vừa tấn công trên mặt trận nhận thức
Đối mặt với chiến lược nhận thức toàn diện của Trung Quốc, Mỹ không đứng ngoài cuộc. Trong bối cảnh quyền lực mềm ngày càng trở thành một phần quan trọng của chiến lược quốc gia, Washington đã nhận thức rõ rằng không gian nhận thức toàn cầu không thể thiếu trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, Mỹ đã áp dụng một chiến lược kép, vừa phòng ngự vừa tấn công trên mặt trận nhận thức, nhằm đối phó với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu qua các kênh truyền thông, công nghệ và giáo dục.
Chính quyền Mỹ đã coi không gian nhận thức là một phần không thể tách rời trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Trong khi Trung Quốc chủ động xây dựng các kênh truyền thông toàn cầu, Mỹ lại áp dụng các biện pháp phòng ngự để bảo vệ không gian thông tin của mình khỏi sự xâm nhập và ảnh hưởng từ các quốc gia khác. Một trong những biện pháp đầu tiên mà Washington áp dụng là những hạn chế đối với các ứng dụng công nghệ nổi bật của Trung Quốc, như TikTok và WeChat. Chính quyền Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại rằng các ứng dụng này có thể sử dụng dữ liệu người dùng để thu thập thông tin và tác động đến nhận thức của người dân Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai siêu cường. Các biện pháp này không chỉ nhằm bảo vệ quyền riêng tư của công dân mà còn ngăn chặn việc Trung Quốc khai thác dữ liệu để tăng cường ảnh hưởng và can thiệp vào đời sống chính trị của mình. Quyết định này được xem là một phần của chiến lược phòng ngự, nhằm đảm bảo rằng không gian thông tin của Mỹ không bị thao túng.
Chưa dừng lại ở việc đối phó với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa, Mỹ cũng không thể không đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực công nghệ. Trung Quốc, với các công ty lớn như Huawei, đã và đang chiếm lĩnh thị trường công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như mạng 5G và AI. Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ với sự hiện diện ngày càng lớn của các công ty Trung Quốc trên các thị trường quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Các biện pháp trừng phạt, như việc cấm Huawei tham gia vào các dự án phát triển mạng 5G tại các quốc gia phương Tây, là một phần của chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc thâm nhập sâu vào các cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng. Sự gia tăng các biện pháp bảo vệ công nghệ này không chỉ phản ánh lo ngại về an ninh quốc gia mà còn thể hiện sự quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì quyền kiểm soát các công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh việc bảo vệ không gian thông tin, Mỹ cũng triển khai một chiến lược tấn công nhằm chống lại ảnh hưởng của các nền tảng truyền thông và văn hóa đến từ Trung Quốc. Washington không chỉ đối phó bằng việc phản bác các thông điệp từ các kênh truyền thông của Bắc Kinh, mà còn chủ động thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do trên phạm vi toàn cầu. Các chương trình tuyên truyền do các tổ chức như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và các tổ chức phi chính phủ thực hiện đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này. VOA, với sứ mệnh cung cấp thông tin và phân tích độc lập cho các quốc gia không tự do, đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc tuyên truyền những giá trị dân chủ của Mỹ.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump 2.0, các công cụ quyền lực mềm của Hoa Kỳ như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã bị thu hẹp đáng kể do những điều chỉnh mang tính chính trị. Chính quyền Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, dẫn đến việc đóng băng ngân sách viện trợ nước ngoài và cắt giảm mạnh nhân sự của USAID, từ hơn 10.000 người xuống dưới 300 người, với lý do nhiều chương trình viện trợ không phục vụ lợi ích quốc gia. Đồng thời, VOA – cơ quan truyền thông chiến lược chuyên cung cấp thông tin đến các quốc gia không có tự do báo chí cũng bị chỉ trích thiên vị, dẫn đến sa thải hàng loạt nhà báo và cắt giảm ngân sách hoạt động. Chính quyền Trump thậm chí còn hợp tác với các kênh cánh hữu như One America News Network, làm dấy lên lo ngại về sự can thiệp chính trị vào báo chí quốc tế của Mỹ. Những động thái này không chỉ gây tranh cãi trong nước mà còn làm suy yếu uy tín toàn cầu của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng thông tin với các đối thủ như Trung Quốc và Nga. Mặc dù một số biện pháp sau đó bị tòa án liên bang đình chỉ, nhưng thiệt hại đối với hệ sinh thái truyền thông quốc tế do Mỹ tài trợ là khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn. Đây là minh chứng điển hình cho tác động của chính trị nội bộ đối với chiến lược truyền thông đối ngoại của một cường quốc.
Không chỉ sử dụng các công cụ truyền thông. Mỹ cũng sử dụng các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các đối tác quốc tế để mở rộng ảnh hưởng và thúc đẩy giá trị dân chủ tự do. Các chương trình hỗ trợ phát triển dân chủ, thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ quyền tự do ngôn luận được triển khai mạnh mẽ tại các quốc gia có hệ thống chính trị chưa hoàn toàn tự do. Qua đó, Mỹ tìm cách xây dựng những liên kết mạnh mẽ với các quốc gia có nền dân chủ đang phát triển, đồng thời củng cố mối quan hệ với các đồng minh truyền thống.
Truyền thông xã hội: Vũ khí chiến lược của thế kỷ XXI
Có thể khẳng định rằng, trong thế kỷ XXI, truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ quyền lực không thể thiếu trong chiến lược của các quốc gia. Mạng xã hội không chỉ là nơi giao tiếp và chia sẻ thông tin, mà còn là một phương tiện để xây dựng và khuếch đại những câu chuyện, ảnh hưởng đến cách thức mà người dân nhìn nhận về thế giới xung quanh. Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng như Facebook, X (trước đây là Twitter), Instagram và TikTok…truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc định hình nhận thức toàn cầu, tạo ra các cuộc chiến tranh thông tin mà không cần sự can thiệp trực tiếp của quân đội hay các biện pháp cưỡng chế truyền thống.
Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội đã trở thành một công cụ cực kỳ hiệu quả trong việc khuếch đại chiến tranh nhận thức với sự đẩy mạnh về thông tuyên truyền. Sự phổ biến của các nền tảng này giúp thông tin và các quan điểm có thể được lan tỏa nhanh chóng, vượt qua các biên giới quốc gia và tác động đến đông đảo công chúng. Các thuật toán của mạng xã hội, không chỉ đơn thuần đề xuất nội dung, mà còn có khả năng hình thành một môi trường nhận thức cá nhân hóa cho mỗi người dùng.
Trong bối cảnh này, việc sử dụng truyền thông xã hội trở thành một chiến lược quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và thuyết phục người dân về các giá trị, mục tiêu của một quốc gia hoặc tổ chức.

Trung Quốc đã nhận thức rõ ràng vai trò quan trọng của truyền thông xã hội trong chiến lược quyền lực mềm và chiến tranh nhận thức. Nước này đã tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông xã hội để khuếch đại ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời kiểm soát và điều khiển thông tin trong nước để duy trì sự ổn định chính trị. Một ví dụ rõ ràng là việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện các chiến dịch thông tin trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, điển hình là đại dịch COVID-19. Trong đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quốc gia là một trung tâm của nghiên cứu và hỗ trợ quốc tế. Các chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội nhằm xây dựng hình ảnh tích cực về chính quyền Trung Quốc trong việc kiểm soát đại dịch và viện trợ cho các quốc gia khác.
Đồng thời, các nền tảng truyền thông xã hội cũng được sử dụng để ngăn chặn hoặc làm lu mờ các thông tin chỉ trích về cách thức Trung Quốc xử lý dịch bệnh, đồng thời tấn công các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch thông tin có chủ đích. Việc sở hữu và kiểm soát một trong những nền tảng truyền thông xã hội có lượng người dùng lớn nhất thế giới giúp Trung Quốc không chỉ tiếp cận thị trường phương Tây mà còn xây dựng và điều chỉnh hình ảnh quốc gia thông qua các chiến dịch văn hóa, quảng bá những giá trị dân tộc, qua đó nâng cao ảnh hưởng toàn cầu.
Đối với Mỹ, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ trong nước, quốc gia này cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ từ việc Trung Quốc và các quốc gia khác khai thác mạng xã hội để can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Chính quyền Mỹ nhận thức được rằng mạng xã hội không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn là một mặt trận chiến tranh nhận thức quan trọng. Trong bối cảnh này, Mỹ không chỉ đơn thuần là tham gia vào các cuộc chiến tranh thông tin mà còn nỗ lực tạo ra các chiến lược phòng ngự để bảo vệ nền dân chủ và giá trị tự do của mình. Một trong những chiến lược quan trọng mà Mỹ áp dụng là việc tăng cường các nỗ lực phản thông tin, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử và các vấn đề chính trị nhạy cảm. Các chương trình này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn giúp duy trì sự ổn định trong xã hội, đồng thời bảo vệ các giá trị dân chủ của Mỹ khỏi sự xâm nhập và ảnh hưởng của các chiến dịch thông tin từ các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, một thách thức lớn mà Mỹ phải đối mặt là sự phân cực trong xã hội và truyền thông. Mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thông tin bị phân tán và dễ bị thao túng, làm gia tăng sự chia rẽ trong nội bộ đất nước. Việc xác định và loại bỏ thông tin sai lệch, đồng thời giữ vững sự đồng thuận trong xã hội, là một bài toán không hề dễ dàng đối với chính quyền Mỹ.
AI – Công cụ hữu hiệu trong thời đại số
Trong bối cảnh thế giới số hiện nay, AI không chỉ giúp tự động hóa và phân tích dữ liệu lớn mà còn có khả năng tạo ra các chiến lược truyền thông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Các công nghệ như ChatGPT, Deepfake, sử dụng để tạo ra video AI cực kỳ thuyết phục, đang được ứng dụng để thúc đẩy các chiến dịch thông tin sai lệch. AI cũng giúp nhận diện các xu hướng và tâm lý công chúng, từ đó điều chỉnh và định hướng dư luận theo các chiến lược quốc gia. Các nền tảng truyền thông xã hội sử dụng thuật toán AI để khuếch đại các thông tin, làm thay đổi nhận thức toàn cầu. Công nghệ Deepfake có thể gây ra sự thay đổi lớn trong chính trị quốc tế, vì một video giả về lãnh đạo quốc gia có thể tạo ra khủng hoảng hoặc làm suy yếu uy tín chính trị.
Mặc dù Deepfake là một công cụ tiềm năng trong chiến tranh nhận thức, hiện nay công nghệ này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi và có độ phủ sóng cao. Tuy nhiên, nó vẫn đang được các quốc gia như Trung Quốc nghiên cứu và phát triển, với mục tiêu tạo ra các chiến dịch thông tin giả mạo nhằm ảnh hưởng đến dư luận và giành lợi thế trong cuộc đua nhận thức. Trung Quốc, với lợi thế về dữ liệu và khả năng giám sát công dân, đang đầu tư vào việc phát triển các công nghệ Deepfake để định hướng dư luận trong nước và trên thế giới.
Mỹ cũng đẩy mạnh tham gia sử dụng công cụ AI trong chiến tranh nhận thức. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến sự phân cực xã hội, các quy định về bảo mật và quyền riêng tư đang tạo ra những thách thức lớn. Các chiến dịch thông tin có thể bị phân tán và ít hiệu quả hơn khi gặp phải sự phản kháng từ các tổ chức bảo vệ quyền công dân và sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đang nỗ lực phát triển các công nghệ nhận diện và ngăn chặn, cũng như xây dựng các chiến lược để duy trì tính xác thực của thông tin. Các tổ chức truyền thông, cơ quan an ninh mạng, và các công ty công nghệ tại Mỹ đang hợp tác để phát triển các công cụ giúp nhận diện Deepfake và giảm thiểu tác động của các chiến dịch thông tin sai lệch.
Mặc dù các quốc gia như Mỹ và Trung Quốc có thể khai thác AI trong chiến tranh nhận thức nhưng các quốc gia nhỏ và trung bình có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sự phát triển của AI trong chiến tranh nhận thức. Những quốc gia này có thể không có đủ tài nguyên và công nghệ để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công thông tin. Các quốc gia này cũng có thể trở thành mục tiêu của các chiến dịch thông tin từ các siêu cường, đặc biệt khi các nền tảng truyền thông xã hội có thể khuếch đại các thông điệp đến đông đảo công chúng toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự kết nối mạnh mẽ qua internet, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch chiến tranh nhận thức mà họ không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn.
Tác động từ cuộc chiến nhận thức giữa hai siêu cường
Tác động đối với các quốc gia trung lập
Các quốc gia trung lập, mặc dù có thể tránh được sự tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến quân sự hoặc chiến tranh lạnh kiểu cũ, lại không thể thoát khỏi sự tác động của chiến tranh nhận thức. Khi cả Washington và Bắc Kinh đều tìm cách chi phối thông tin, hình ảnh quốc tế, và thậm chí là chính sách đối ngoại của các quốc gia này, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc kỹ lưỡng các chiến lược đối ngoại và duy trì sự cân bằng. Điều này đặc biệt rõ nét trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á, Đông Nam Á và châu Phi, nơi mà sự tham gia vào các sáng kiến phát triển kinh tế và các hiệp định quốc phòng có thể trở thành những yếu tố quyết định trong chiến tranh nhận thức.
Trung Quốc thông qua các sáng kiến kinh tế và văn hóa đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình tới các quốc gia trung lập. Đây không chỉ là một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là một chiến lược quyền lực mềm nhằm thúc đẩy hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc đáng tin cậy và một đối tác thương mại quan trọng. Việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, các khu vực miễn thuế và những dự án phát triển bền vững đã tạo ra một mạng lưới mạnh mẽ của các quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, tạo ra mối quan hệ lâu dài giữa các quốc gia này và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng thông qua các dự án kinh tế và văn hóa, Mỹ cũng đang tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình thông qua các liên minh quốc tế và các thỏa thuận quốc phòng. Mỹ không chỉ đầu tư vào các mối quan hệ quân sự và an ninh với các quốc gia đồng minh, mà còn thúc đẩy các giá trị như dân chủ, tự do và quyền con người, qua đó định hình chiến lược nhận thức toàn cầu, cố gắng xây dựng một mặt trận nhận thức mạnh mẽ và duy trì ảnh hưởng trong các khu vực chiến lược. Điều này đẩy các quốc gia trung lập vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi họ phải đối diện với sự lựa chọn giữa việc gia tăng mối quan hệ với một trong hai siêu cường hoặc duy trì sự độc lập trong các quyết định chính sách đối ngoại.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các quốc gia trung lập là sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của họ để không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn để duy trì hình ảnh trung lập trong mắt cộng đồng quốc tế. Các chiến lược đối ngoại của các quốc gia này không chỉ bị chi phối bởi các yếu tố nội tại mà còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố bên ngoài. Chiến tranh nhận thức không chỉ tác động đến quan hệ giữa các siêu cường mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia trung lập trong việc xây dựng chiến lược chính trị và ngoại giao. Các quốc gia trung lập phải tìm cách duy trì sự cân bằng trong các mối quan hệ quốc tế, tránh bị cuốn vào các cuộc xung đột nhận thức hoặc bị thao túng bởi các chiến dịch thông tin của các siêu cường. Để làm được điều này, họ cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược đối ngoại, đồng thời giữ vững được nguyên tắc độc lập và tự chủ trong quyết định chính trị.
Tác động dài hạn đến cấu trúc quyền lực toàn cầu
Trong bối cảnh chiến tranh nhận thức trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, câu hỏi về tương lai của cấu trúc quyền lực toàn cầu ngày càng trở nên cấp bách. Từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới đã chứng kiến sự hình thành trật tự quyền lực đơn cực, trong đó Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, một cuộc đối đầu chiến lược giữa hai siêu cường này đang dần làm thay đổi cục diện toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực nhận thức và ảnh hưởng văn hóa. Dù cả hai quốc gia đều có chiến lược riêng để phát huy ảnh hưởng, điều này mở ra một vấn đề lớn hơn về sự chuyển dịch của hệ thống quyền lực toàn cầu: liệu thế giới sẽ tiếp tục duy trì trật tự đơn cực do Mỹ dẫn đầu, hay sẽ chuyển sang một cấu trúc đa cực với sự phân tán quyền lực giữa các siêu cường và các quốc gia khu vực?
Trong môi trường chiến tranh nhận thức hiện tại, cả Washington và Bắc Kinh đều tập trung vào việc xây dựng và duy trì ảnh hưởng văn hóa và truyền thông toàn cầu. Các chiến lược này không chỉ nhằm khẳng định giá trị và hình ảnh của mỗi quốc gia mà còn ảnh hưởng đến nhận thức chính trị toàn cầu. Trung Quốc thông qua các sáng kiến BRI, các Viện Khổng Tử, cùng với các chiến lược truyền thông toàn cầu, nhằm khôi phục và quảng bá các giá trị văn hóa của mình. Ngược lại, Mỹ vẫn duy trì hình ảnh của mình như một quốc gia biểu trưng cho dân chủ, tự do. Mặc dù cả hai quốc gia đều có các chiến lược khác biệt trong việc quản lý và định hình nhận thức toàn cầu, song một điểm chung là cả hai đều tìm cách can thiệp vào dư luận quốc tế, làm thay đổi sự hiểu biết trong quan điểm của các quốc gia khác đối với chính trị và giá trị của họ.
Kết quả của cuộc chiến tranh nhận thức giữa hai cường quốc này có thể dẫn đến sự hình thành một trật tự quyền lực đa cực. Thế giới đang ngày càng chứng kiến sự nổi lên của các trung tâm quyền lực mới, không chỉ là Mỹ hay Trung Quốc, mà còn là các quốc gia như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, hay các khối liên minh như Liên minh châu Âu (EU) hay như các khối BRICS, G7, G20, các diễn đàn hợp tác khu vực… Các quốc gia, tổ chức, diễn đàn này, mặc dù không phải là siêu cường, nhưng vẫn có sức mạnh đáng kể trong việc định hình các quy tắc và chính sách toàn cầu. Sự gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia khu vực này phản ánh sự thay đổi trong cấu trúc quyền lực toàn cầu, nơi mà quyền lực không còn chỉ tập trung vào một siêu cường duy nhất mà được phân bổ giữa nhiều quốc gia và khu vực có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Hệ thống quyền lực đa cực này cũng phản ánh sự thay đổi trong động lực chính trị toàn cầu. Các quốc gia không phải là siêu cường giờ đây không chỉ đóng vai trò thụ động trong việc tuân thủ các quy tắc do các cường quốc đặt ra mà còn chủ động trong việc định hình chính sách và chiến lược của mình. Điều này có thể dẫn đến sự chuyển biến trong các vấn đề toàn cầu quan trọng, từ thương mại, an ninh đến các vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Các quốc gia như Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á có thể duy trì chiến lược độc lập, không quá lệ thuộc vào bất kỳ siêu cường nào mà vẫn tìm cách hợp tác và phát huy ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu.
Cuối cùng, trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh chiến lược gia tăng, một hệ thống quyền lực đa cực không chỉ phản ánh sự thay đổi trong các mối quan hệ giữa các siêu cường mà còn phản ánh sự tham gia ngày càng lớn của các quốc gia khu vực trong việc định hình chính sách quốc tế. Thế giới trong tương lai gần có thể không còn là một không gian chỉ có các siêu cường cạnh tranh, mà sẽ là một cấu trúc quyền lực phân tán, nơi các quốc gia, dù không phải là siêu cường, có thể tự do điều chỉnh chiến lược và tìm kiếm đồng minh, qua đó tạo ra một môi trường chính trị toàn cầu linh hoạt hơn, ít bị chi phối bởi một siêu cường duy nhất.
Kết luận
Nhìn về tương lai, có thể thấy rằng chiến tranh nhận thức sẽ tiếp tục là yếu tố trung tâm trong các cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Đặc biệt là trong kỷ nguyên công nghệ, khi mà thông tin có thể được sản xuất, điều chỉnh và lan truyền nhanh chóng hơn bao giờ hết, thì việc kiểm soát không gian thông tin trở thành một trong những yếu tố quyết định thành bại của các quốc gia.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đối mặt là làm sao duy trì tính trung thực trong việc truyền tải thông tin và xây dựng một môi trường thông tin minh bạch. Khi công nghệ như DeepSeek, trí tuệ nhân tạo, và các thuật toán mạng xã hội ngày càng phát triển, khả năng lan truyền thông tin sai lệch sẽ ngày càng lớn hơn. Đây là điều mà không chỉ các quốc gia cạnh tranh siêu cường, mà các quốc gia nhỏ hơn cũng phải đối mặt, đặc biệt khi mà các chiến dịch thông tin sai lệch có thể thay đổi cả chính sách quốc gia và dư luận toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức, chiến tranh nhận thức cũng mở ra nhiều cơ hội mới. Các quốc gia có thể tìm cách tận dụng công nghệ để thúc đẩy các sáng kiến văn hóa và giáo dục, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế mà không phải phụ thuộc vào sức mạnh quân sự hay kinh tế. Các quốc gia cũng có thể tạo ra các liên minh mới dựa trên các giá trị chung, chứ không chỉ là các lợi ích chiến lược, từ đó làm phong phú thêm cấu trúc quyền lực toàn cầu.
Chiến tranh nhận thức giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia siêu cường, mà còn phản ánh sự thay đổi trong cách thức các quốc gia cạnh tranh và giao tiếp với nhau trong kỷ nguyên thông tin. Trong khi Mỹ tiếp tục duy trì chiến lược phản công mạnh mẽ nhằm bảo vệ giá trị dân chủ và tự do, Trung Quốc lại khéo léo xây dựng hình ảnh quốc gia với sức mạnh mềm, gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, các quốc gia cần chú trọng đến việc bảo vệ không gian nhận thức của mình, tránh bị chi phối bởi các chiến dịch thông tin sai lệch và đồng thời phát huy vai trò của mình trong việc định hình các giá trị chung của nhân loại. Một thế giới thông minh và đa chiều không chỉ yêu cầu sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn cần một chiến lược nhận thức toàn diện và hiệu quả.
Tác giả: Trương Quốc Lượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo Anh (2020). “Nhìn lại 2020: COVID-19 và những khoảnh khắc khó quên tại Trung Quốc”. Tuổi Trẻ. https://tuoitre.vn/nhung-buc-anh-cam-dong-trong-cuoc-chien-covid-19-o-trung-quoc-nam-2020-20201216103259635.htm
2. Nghiên cứu Biển Đông (2015). “Trung Quốc và chiến dịch thúc đẩy quyền lực mềm”. Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông. https://nghiencuubiendong.vn/trung-quoc-va-chien-dich-thuc-day-quyen-luc-mem.48326.anews
3. Nghiên cứu Chiến lược (2023). “Ngăn chặn kép: Mỹ đang phạm phải sai lầm chiến lược”. https://nghiencuuchienluoc.org/ngan-chan-kep-my-dang-pham-phai-sai-lam-chien-luoc/
4. Nghiên cứu quốc tế (2019). “Bên trong chiến dịch tuyên truyền toàn cầu táo bạo của Trung Quốc”. https://nghiencuuquocte.org/2019/10/30/chien-dich-tuyen-truyen-toan-cau-tao-bao-trung-quoc/
5. Nguyên Hải (2025). “Mười năm học viện Khổng Tử”. Nghiên cứu quốc tế. https://nghiencuuquocte.org/2015/01/04/muoi-nam-hoc-vien-khong-tu/
6. Nguyễn Thành Lợi (2023). “Sử dụng truyền thông xã hội trong bối cảnh hiện nay”. Tạp chí Cộng sản. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/827156/su-dung-truyen-thong-xa-hoi-trong-boi-canh-hien-nay.aspx
7. Lại Thái Bình (2023). “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc và tác động đến điều chỉnh chính sách của các nước lớn”. Tạp chí Cộng sản. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-quoc-va-tac-dong-den-dieu-chinh-chinh-sach-cua-cac-nuoc-lon
8. Nguyễn Thu Phương: “Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hoá ở khu vực Đông Nam Á”. Viện nghiên cứu Trung Quốc. http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=178
9. Tạp chí Lý luận chính trị (2022): “Cạnh tranh chiến lược nước lớn và đối sách của Việt Nam”. https://lyluanchinhtri.vn/canh-tranh-chien-luoc-nuoc-lon-va-doi-sach-cua-viet-nam-2266.html
10. VietnamPlus (2020). “Vụ TikTok và WeChat: Bài toán không dễ giải của ông Trump”. https://www.vietnamplus.vn/vu-tiktok-va-wechat-bai-toan-khong-de-giai-cua-ong-trump-post658682.vnp
11. Bandurski, D (2021). “Telling China’s story well”. China Media Project.
https://chinamediaproject.org/the_ccp_dictionary/telling-chinas-story-well/
12. Bodeen, C (2025). “China and Indonesia agree to boost maritime security cooperation in South China Sea despite tensions”. Associated Press. https://apnews.com/article/china-indonesia-south-china-sea-security-building-29c2e091e53703b68c471e0ba9829d2b
13. Goethals, L (2025). “From BRICS to BRICS+: India, the EU and shifting global power dynamics”. European Institute for Asian Studies (EIAS).
https://eias.org/publications/op-ed/from-brics-to-brics-india-the-eu-and-shifting-global-power-dynamics/
14. Huang, L., Leng, S., Yang, S., & Xu, J (2025). “How does USAID use aid to interfere with and ‘brainwash’ recipients?” Global Times.
https://www.globaltimes.cn/page/202502/1328808.shtml
15. Iida Masafumi (2024). “China’s Chilling Cognitive Warfare Plans”. The Diplomat. https://thediplomat.com/2024/05/chinas-chilling-cognitive-warfare-plans/
16. TRENDS Research & Advisory (2025). “Analytical review of the MSR 2025: A multipolar world between optimism and chamultipolar”.
https://trendsresearch.org/insight/analytical-review-of-the-msr-2025-a-multipolar-world-between-optimism-and-challenges
17. “一带一路”国际合作高峰论坛 (2023). “在“一带一路”框架下的合作推动可持续发展. “一带一路”国际合作高峰论坛”. http://www.beltandroadforum.org/n101/2023/1018/c132-1190.html
18. VOANews. (2025). “Trump administration plans to slash all but a fraction of USAID jobs, officials say”. Voice of America. https://www.voanews.com/a/trump-administration-plans-to-slash-all-but-a-fraction-of-usaid-jobs-officials-say/7966325.html
19. WTOP News. (2025). “Trump signs order to cut staff at Voice of America and other US-funded media organizations”. https://wtop.com/government/2025/03/trump-signs-order-to-cut-staff-at-voice-of-america-and-other-us-funded-media-organizations/