Ngày 12/08/2023, Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Philippines đưa ra thông cáo báo chí rằng: Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã thông qua Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028 với tầm nhìn về một Philippines tự do, thống nhất, an ninh, hòa bình, kiên cường và thịnh vượng[1]. Tài liệu đã đưa ra những mối đe dọa an ninh chính mà Philippines cần giải quyết, trong đó quốc phòng và an ninh quân sự; an ninh hàng hải, hàng không, đất liền và không gian; an ninh biên giới là 3 vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Chính sách an ninh quốc gia mới của Philippines đã đưa ra quan ngại về căng thẳng ở Đài Loan và đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của mình. Đồng thời, Manila cũng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác, trong đó có Mỹ, để nâng cao năng lực phòng thủ. Điều này đã dẫn đến những phản ứng từ Trung Quốc và dấy lên những lo ngại về tình hình khu vực.
Nội dung chính của Chính sách An ninh Quốc gia Philippines giai đoạn 2023-2028
Tài liệu Chính sách An ninh Quốc gia (National Security Policy – NSP) dài 48 trang mà Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã phê duyệt đưa ra các hướng dẫn của chính phủ trong việc giải quyết các mối quan tâm về an ninh quốc gia. Chính sách này cũng sẽ bổ sung cho Kế hoạch Phát triển Trung hạn của Philippines được công bố trước đó. Tài liệu nhấn mạnh rằng: “sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và trung Quốc” cũng như “sự cạnh tranh gia tăng giữa các cường quốc” góp phần tạo nên bối cảnh địa chính trị căng thẳng. NSP giai đoạn 2023-2028 là văn kiện chính sách an ninh quốc gia thứ ba của Philippines bao gồm các nguyên tắc chỉ đạo, lợi ích để bảo vệ và thúc đẩy an ninh quốc gia. Nó tiếp tục phác thảo các mục tiêu chính sách và các lĩnh vực ưu tiên để hướng dẫn nhà nước phân bổ hiệu quả các nguồn lực hữu hạn, vốn hóa các thế mạnh cốt lõi của mình để đạt được một quốc gia hòa bình và thịnh vượng. Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) Eduardo Año nói rằng: “các mục tiêu an ninh quốc gia được xác định trong NSP 2023-2028 dựa trên đánh giá về môi trường chiến lược luôn thay đổi đối với Philippines, đồng thời lưu ý các giá trị chính trị – xã hội, luật pháp cơ bản và lợi ích quốc gia cốt lõi của đất nước.”[2]
NSP giai đoạn 2023-2028 đã xác định lợi ích an ninh quốc gia của Philippines gồm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị, hòa bình, an toàn công cộng; sức mạnh kinh tế và sự đoàn kết; cân bằng sinh thái và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; bản sắc dân tộc, sự hài hòa và văn hóa xuất sắc; an ninh mạng, thông tin và nhận thức; hòa bình, đoàn kết khu vực và quốc tế. Từ đó, NSP xác định Chương trình nghị sự 15 điểm: 1. Quốc phòng và An ninh quân sự; 2. An ninh hàng hải, hàng không, đường bộ, vũ trụ; 3. An ninh biên giới; 4. An ninh chính trị; 5. An toàn công cộng, hòa bình và công lý; 6. Sức khỏe và đa dạng sinh học; 7. An ninh kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài chính; 8. Lương thực, dinh dưỡng và an ninh nguồn nước; 9. An ninh năng lượng; 10. Giao thông vận tải và an ninh hàng hải; 11. Sự gắn kết về đạo đức và tinh thần; 12. Gắn kết văn hóa – xã hội; 13. Cân bằng sinh thái và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; 14. An ninh mạng, thông tin và nhận thức; 15. Hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế. Có thể thấy chính quyền ông Marcos đã ưu tiên ba vấn đề hàng đầu trong Chương trình nghị sự an ninh quốc gia của đất nước là quốc phòng và an ninh quân sự; an ninh hàng hải, hàng không, đất liền và không gian; và an ninh biên giới trong bối cảnh Philippines phải đối mặt với những yêu sách vô lý và hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó có thể kể đến việc Trung Quốc thường xuyên tổ chức tập trận hải quân ở Biển Đông và xung quanh eo biển Đài Loan, gần với Philippines, đồng thời có những hành vi khiêu khích như đâm chìm tàu cá của ngư dân, phun vòi rồng và tấn công các tàu dân sự hoặc quân sự của nước này.
Tài liệu NSP cũng khẳng định rằng: Biển Đông “vẫn là lợi ích quốc gia hàng đầu” của Philippines. Sự khác biệt giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền tại ở Biển Đông tiếp tục đặt ra “thách thức chiến lược gây nguy hiểm cho toàn vẹn lãnh thổ và quyền của người dân” đối với Philippines. Trung Quốc đưa ra yêu sách phi pháp với khoảng 90% khu vực trên Biển Đông, nơi mà các quốc gia Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei có tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines vào năm 2012, đồng thời bác bỏ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016. Những điều này trở thành yếu tố dẫn đến mối quan hệ đối thủ giữa Philippines và Trung Quốc.
Chính sách mới nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với các đồng minh để nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa bên ngoài. Philippines sẽ tăng cường Hiệp ước Phòng thủ chung với Mỹ và các cơ chế hiện có khác với các đối tác khu vực để “đạt được khả năng phòng thủ đáng tin cậy”[3]. Điều này mở ra viễn cảnh rằng Philippines sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ và cả những đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Úc…
Tài liệu mới cũng cho biết sẽ khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông để cải thiện an ninh năng lượng.
NSP 2023-2028 của Philippines đã cho thấy sự chuyển đổi từ các vấn đề và mối đe dọa an ninh nội bộ sang các vấn đề quốc tế hoặc quốc phòng bên ngoài nước này, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, phổ biến vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên và chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga.
Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028 đã chỉ ra những ưu tiên và định hướng trong chiến lược hành động của Philippines. Trong thời gian tới, Manila có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động: (1) tăng cường năng lực quốc phòng bằng cách gia tăng chi tiêu quân sự, (2) thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ và các đối tác trong khu vực, (3) Thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết vấn đề Biển Đông cùng Trung Quốc.
Philippines đưa vấn đề Đài Loan vào Chính sách An ninh Quốc gia giai đoạn 2023-2028
Tài liệu NSP đã đề cập đến căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan là một “mối quan tâm lớn” có thể trở thành điểm bùng phát của các cuộc xung đột trong khu vực và ảnh hưởng đến nước này. Tài liệu đã nêu rõ: “bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Philippines do vị trí địa lý gần Đài Loan của nước này và sự hiện diện của hơn 150.000 người Philippines đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đài Loan”. Đài Loan chỉ cách điểm cực Bắc của Philippines 190km (118 dặm).
Một tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro Jr. tuyên bố rằng: chính phủ Philippines đang theo dõi chặt chẽ mối đe dọa tấn công Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc và chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ông Teodoro giải thích thêm rằng: Philippines đang chuẩn bị cho “tất cả các tình huống bất ngờ”, không chỉ đơn thuần là một điểm nóng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Ông cũng làm rõ, những sự chuẩn bị này là một nỗ lực đa cơ quan, không chỉ tập trung vào khía cạnh quốc phòng.
Việc ký phê duyệt Chính sách An ninh Quốc gia Philippines diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở biển Tây Philippines (Biển Đông theo cách gọi của Philippines) sau sự cố ngày 5/8, trong đó một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một chiếc thuyền do Philippines ủy nhiệm để mang lương thực và nhu yếu phẩm cho quân đội trên bãi Cỏ Mây, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là một lời đáp trả tới Trung Quốc của Philippines. Tuy nhiên, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Jonathan Malaya cho biết: “Chính sách an ninh đã được thiết lập trước khi vụ việc xảy ra”. Như vậy, Philippines chủ động coi trọng vấn đề Biển Đông và Đài Loan, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tới môi trường an ninh của nước này và đặt nhiều nỗ lực để tìm ra phương án giải quyết.
Có thể thấy, với việc đưa vấn đề Đài Loan vào NSP, Philippines đã thể hiện quan điểm mạnh mẽ rằng nước này sẽ không đứng ngoài cuộc khi tình hình ở eo biển Đài Loan thực sự thay đổi.
Phản ứng của các bên đối với Chính sách An ninh Quốc gia mới của Philippines
Trung Quốc
Ngay sau khi Philippines tuyên bố Chính sách An ninh mới của mình, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ thông qua cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – Thời báo Hoàn Cầu, cảnh báo rằng: thông qua quan điểm trong tài liệu An ninh Quốc gia mới, “Philippines thực tế đã trở thành một đầu cầu ở châu Á đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc, và nước này sẽ phải trả giá bằng an ninh và lợi ích của chính họ.”[4]
Ngoài ra, Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế lần thứ 11 ở Matxcơva ngày 15/08/2023, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã tuyên bố rằng: việc “tìm cách kiềm chế Trung Quốc với Đài Loan giống như đùa với lửa và chắc chắn sẽ thất bại”. Phát biểu này nhằm cảnh báo Mỹ trong bối cảnh ông William Lai – 1 lãnh đạo Đài Loan lên kế hoạch dừng chân tại Mỹ, nhưng cũng trùng hợp gửi đi thông điệp vì đúng lúc Philippines tuyên bố NSP của mình với sự quan ngại về căng thẳng ở Đài Loan có thể ảnh hưởng đến an ninh của Manila. Chuyên gia quân sự Song Zhongping nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng: “Sử dụng vấn đề Đài Loan để hợp pháp hóa việc tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia khác và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc sẽ chỉ làm tình hình eo biển trở nên mất ổn định hơn”.[5]
Ông Thạch Giang Nguyệt, chuyên gia bình luận quân sự của Sina cho rằng: “Philippines là một bên liên quan ở Biển Đông, nhưng vấn đề Đài Loan là hoàn toàn khác, Đài Loan về cơ bản là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Ngay cả khi Đài Loan và Philippines gần nhau về địa lý, cả hai đều không có liên kết trực tiếp”. Ông chia sẻ rằng, việc đưa Đài Loan vào NSP của Manila có thể là do nước này muốn đổi lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thông qua vấn đề Đài Loan.[6]
Ông Dai Fan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines tại Đại học Tế Nam ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chia sẻ rằng: tài liệu An ninh Quốc gia của Philippines sẽ đóng vai trò là kim chỉ nam cho những điều chỉnh ngoại giao của Chính phủ Marcos Jr trong 5 năm tới. Manila đang chuẩn bị tăng cường quan hệ an ninh và ngoại giao với Mỹ bằng cách nhấn mạnh tính cấp bách của việc giải quyết các mối đe dọa liên quan đến các vấn đề xuyên eo biển Đài Loan và Biển Đông[7].
Đối với Trung Quốc, nước này nhiều lần khẳng định Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, và việc thống nhất Đài Loan về Đại lục là nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành kể cả phải sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Philippines lại đưa Đài Loan vào chính sách an ninh quốc gia của Philippines đồng thời tuyên bố tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ đã làm Trung Quốc nổi giận, vì đây là một vấn đề của nội bộ Trung Quốc và Bắc Kinh cho rằng cái giá mà Manila phải trả chính là an ninh và lợi ích của Philippines. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines trong nhiều năm liên tiếp, là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của hàng hóa Philippines, cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia này. Khi Philippines chạm đến vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, chắc chắn, Bắc Kinh sẽ có những hành động tạo áp lực lên nền kinh tế Manila.
Mỹ
Chính sách An ninh Quốc gia mới của Philippines được coi là một tín hiệu chủ động hợp tác với Mỹ chống Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines, ông Teodoro cho biết: Mỹ đã hứa tăng cường hơn nữa khả năng quân sự của Philippines và cả hai đã hợp tác để thiết lập một “tư thế răn đe đáng tin cậy”. Từ quan điểm của Mỹ, cách tiếp cận này của chính quyền Marcos là một điều đáng hoan nghênh sau nhiều năm “thân Trung” dưới thời Tổng thống Duterte. Mỹ và Philippines đều kỳ vọng sẽ đưa Philippines trở thành chìa khóa chiến lược của Chính quyền Biden chống lại Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trước đó, phản ứng lại những hành động nguy hiểm của lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh với Philippines và khẳng định với Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ, máy bay và các lực lượng vũ trang của Philippines sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Washington theo Điều IV trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ấn Độ
Theo hãng thông tấn Ấn Độ ETV Bharat, việc Philippines triển khai Chính sách An ninh Quốc gia mới đã tạo cơ hội tốt cho Ấn Độ mở rộng hơn nữa quan hệ quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á trước sự bá quyền của Trung Quốc trong khu vực[8].
Ông Chintamani Mahapatra, người sáng lập và Chủ tịch danh dự của Viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có trụ sở tại Bhubaneswar đánh giá rằng: “Chính sách An ninh Quốc gia mới nhất của Philippines phản ánh cụ thể nhận thức về mối đe dọa của đất nước. Bằng một cách nào đó, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Philippines, đã nhận ra rằng, lý thuyết về “sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” là một huyền thoại”. Philippines là một trong số các quốc gia thành viên của ASEAN mà Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh trong những năm gần đây theo chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi trước sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tháng 01/2022, Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên mà Ấn Độ ký thỏa thuận xuất khẩu tên lửa Brahmos.
Ngày 18/8, Đại sứ Ấn Độ tại Philippines, Shambhu Kumaran đã chia sẻ với truyền thông rằng: “hai nước hiện đang xây dựng Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tăng cường hợp tác trên biển với Lực lượng Cảnh sát biển và mong muốn Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines sẽ sớm thăm Ấn Độ để ký kết Biên bản ghi nhớ này”[9].
Ấn Độ đã và đang phát triển mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Philippines cũng như một số thành viên ASEAN khác “không phải để đối đầu mà để bảo vệ lợi ích an ninh tương ứng của họ trước hành vi hiếu chiến của Trung Quốc”.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Philippines sẽ có những ảnh hưởng gì tới khu vực và Việt Nam?
Thứ nhất, tăng cường sự can thiệp của Mỹ đến khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Với việc bày tỏ quan ngại một cuộc xung đột ở Đài Loan và tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ để nâng cao khả năng phòng thủ, trong tương lai, có thể chứng kiến sự phát triển mối quan hệ song phương Philippines – Mỹ, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Thực tế, mối quan hệ giữa Manila và Washington đã được cải thiện đáng kể từ sau khi Tổng thống Marcos nhậm chức vào năm ngoái. Ông Marcos đã thông qua chính sách đối ngoại cứng rắn nhất của Philippines trong gần một thập kỷ, tìm cách khôi phục quan hệ liên minh với Mỹ và ưu tiên giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc ở Biển Đông. Đầu năm nay, Philippines đã đồng ý cho Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của mình. Quan hệ Mỹ – Philippines đang phát triển nhanh chóng, cả hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự trong mười năm tới. Những điều này sẽ cho phép Mỹ tiếp cận Đông Nam Á dễ dàng hơn thông qua Philippines và tăng cường sự hiện diện của nước này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng với các đồng minh chiến lược là Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía Bắc để bao vây Trung Quốc. Sự hiện diện của Mỹ được tăng cường có thể là nhân tố kiềm chế Trung Quốc trong việc bành trướng ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng có thể con dao hai lưỡi kích thích Trung Quốc.
Thứ hai, nguy cơ quân sự hóa Biển Đông và căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan. Với các nội dung trong NSP, Philippines truyền đi thông điệp rằng nước này đã sẵn sàng để có những hành động trong trường hợp Đài Loan bị tấn công vũ lực bởi Trung Quốc. Quốc gia này có thể sẽ tích cực thúc đẩy việc chính thức hình thành “Liên minh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines. Các quan chức Philippines đang hi vọng việc tăng cường liên minh với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như các cuộc tập trận chung với các quốc gia này có thể giúp Philippines hiện đại hóa quân đội của họ[10]. Các cuộc tập trận chắc chắn sẽ được triển khai để nâng cao năng lực phản ứng cũng như phát tín hiệu cảnh báo, răn đe lẫn nhau giữa Philippines – Mỹ – các đồng minh với Trung Quốc. Ngày 20/08/2023, các quan chức an ninh Philippines cho biết Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ tập trận chung hải quân ở Biển Đông trong tuần sau đó để nhấn mạnh cam kết của họ đối với pháp quyền trong khu vực sau những hành động hung hăng của Trung Quốc vừa qua (sự việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines). Philippines sẽ không tham gia cuộc tập trận lần này do những hạn chế về hậu cần quân sự nhưng họ cho biết Manila đã sẵn sàng trở thành một bên tham gia trong tương lai.[11] Các cuộc tập trận quy mô lớn với sự hiện diện của các lực lượng quân sự hàng đầu thế giới ở Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình và là một bước thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông cũng như eo biển Đài Loan. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, nếu có những đợt triển khai quân sự ở miền Bắc Philippines, dù là phòng thủ hay tấn công, căng thẳng sẽ leo thang và trở thành một điểm bùng phát chiến tranh ở khu vực này. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thứ ba, gián tiếp thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Philippines cũng tuyên bố nước này sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác khác để nâng cao sức mạnh phòng thủ của mình. Tuyên bố đã mở ra cơ hội cho sự hiện diện của nhiều bên tại khu vực thông qua Philippines. Nhật Bản, Ấn Độ, và cả Australia đều bày tỏ quan điểm Philippines là đối tác an ninh quan trọng và chia sẻ triển vọng hợp tác hơn nữa về an ninh với nước này[12]. Tháng trước, Philippines đã tổ chức Đối thoại Hàng hải Philippines – Australia tại Manila, và tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh, cả hai nước đều cần phải giải quyết các xu hướng và thách thức mới nổi trong khu vực với tư cách là các quốc gia hàng hải. Đối tác liên minh trực tiếp của Philippines, Mỹ là quốc gia đứng đầu về ngân sách quốc phòng với 817 tỷ trong năm 2023. Trung Quốc cũng đang tích cực gia tăng chi tiêu quân sự của mình. Tháng 3/2023, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,2%, tương đương khoảng 224 tỷ USD, là quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất tại châu Á. Nhật Bản cuối năm 2022 cũng đã tuyên bố dành 320 tỷ USD để tăng cường tiềm lực quốc phòng đến năm 2027. Ấn Độ cũng công bố ngân sách quốc phòng 72,6 tỷ USD, tăng 13% so với ước tính ban đầu để bổ sung thêm dàn máy bay chiến đấu cho năm tài khóa 2023-2024. Cũng trong tháng 3/2023, Australia đã chi 15 tỷ USD để mua tàu ngầm của Mỹ theo thỏa thuận AUKUS, đây cũng là thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử của nước này[13].
Trong bối cảnh các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương gia tăng chi tiêu quân sự của mình, và đều bày tỏ việc tăng cường hợp tác quân sự với Philippines tại Biển Đông, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, điều này có thể giúp Philippines nâng cao năng lực quân sự của họ, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực cho các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ở ASEAN với tiềm lực hạn chế hơn, như Việt Nam, Malaysia, Indonesia…
Thứ tư, vai trò trung tâm của ASEAN bị ảnh hưởng. Sự xuất hiện của nhiều bên tại khu vực có thể là cơ hội để ASEAN nâng cao vai trò trung tâm của mình thông qua việc sắp xếp, tổ chức đối thoại, hợp tác với các bên nhằm tối ưu hóa lợi ích của toàn khối. Tuy nhiên, nó cũng là thách thức vì chính sự xuất hiện của các bên có thể trở thành yếu tố làm mờ nhạt ASEAN. Đồng thời, nếu Philippines chỉ tập trung vào hợp tác song phương với các đối tác này mà quên đi tầm nhìn chung của ASEAN, nó cũng sẽ gây ra sự chia sẽ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thứ năm, tăng cường sự chú ý vào Biển Đông. NSP giai đoạn 2023-2028 của Philippines đã cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Chính quyền Marcos Jr về vấn đề Biển Đông. Chính quyền Marcos đã thể hiện sự quyết tâm trước những yêu sách vô lý của Trung Quốc. Trung Quốc cũng lo ngại rằng Philippines sẽ đạt được một số đồng thuận về vấn đề Đài Loan với Mỹ để đổi lấy sự ủng hộ nhiều hơn của Washington trong căng thẳng Biển Đông. Sự ưu tiên của Philippines trong vấn đề Biển Đông là cơ hội để Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác thúc đẩy một mối quan hệ mạnh mẽ hơn phản ứng lại Trung Quốc. Những nỗ lực của Philippines đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế tới tình hình Biển Đông, góp phần ngăn chặn kế hoạch chiếm đóng thầm lặng của Trung Quốc đối với các thực thể trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên thận trọng, tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông có những chồng lấn phần chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, Philippines cũng tuyên bố nước này sẽ tăng cường hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông. Do đó, Hà Nội cũng cần chủ động theo dõi tình hình, lên tiếng và có những hành động phản đối nếu Philippines vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Rõ ràng, Chính sách An ninh Quốc gia mới (NSP) của Phillipines đang cho thấy sự thay đổi đáng kể của Chính quyền Tổng thống Marcos Jr. so với chính sách của người tiền nhiệm. Điều đó đã, đang và sẽ tạo ra những xáo trộn không nhỏ đối với cấu trúc an ninh khu vực. Bầu không khí căng thẳng có thể sẽ dần thay thế cho xu hướng hòa hoãn dưới thời cựu Tổng thống Duterte. Trong bối cảnh đó, các chủ thể có liên quan trong khu vực bao gồm cả Việt Nam sẽ phải chuẩn bị trước những phương án nhằm thích ứng với môi trường an ninh đang thay đổi./.
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org, vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Office of the President of the Philippines (2023), PBBM approves adoption of National Security Policy 2023-2028, https://pco.gov.ph/news_releases/pbbm-approves-adoption-of-national-security-policy-2023-2028/
[2] Rex Anthony Naval (2023), “NSP 2023-2028 to complement PHL development plan, Año says”, Business Mirror, https://businessmirror.com.ph/2023/08/15/nsp-2023-2028-to-complement-phl-development-plan-ano-says/
[3] DW (2023), “菲律宾新国家安全政策关注台海风险”, https://www.dw.com/zh/%E8%8F%B2%E5%BE%8B%E5%AE%BE%E6%96%B0%E5%9B%BD%E5%AE%B6%E5%AE%89%E5%85%A8%E6%94%BF%E7%AD%96%E5%85%B3%E6%B3%A8%E5%8F%B0%E6%B5%B7%E9%A3%8E%E9%99%A9/a-66547006
[4] Global Times (2023), “Manila risks becoming ‘bridgehead’ of US’ anti-China push with new national security policy”, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1296433.shtml
[5] Global Times (2023), “Manila risks becoming ‘bridgehead’ of US’ anti-China push with new national security policy”, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1296433.shtml
[6] 石江月 (2023), 台湾问题,被菲律宾写进国家安全,菲方离主动介入,只有一步之遥, SINA, https://k.sina.com.cn/article_1069462367_3fbeb35f020017ob3.html
[7] Global Times (2023), “Manila risks becoming ‘bridgehead’ of US’ anti-China push with new national security policy”, https://www.globaltimes.cn/page/202308/1296433.shtml
[8] ETV Bharat (2023), “Advantage India: Philippines new security policy draws battle lines in South China Sea”, https://www.etvbharat.com/amp/english/international/top-news/advantage-india-philippines-new-security-policy-draws-battleline-in-souith-china-sea/na20230818170011926926370?
[9] Sidhant Sibal (2023), “India, Philippines to strengthen coast guard partnership, aim for BrahMos delivery in 2023: Ambassador Kumaran”, WION NEWS, https://www.wionews.com/india-news/india-philippines-to-strengthen-coast-guard-partnership-aim-for-brahmos-delivery-in-2023-ambassador-kumaran-626852
[10] Nian Peng (2023), “Is the Philippines Ready for a Taiwan Conflict?”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2023/08/is-the-philippines-ready-for-a-taiwan-conflict/
[11] Jim Gomez (2023), “US, Japan and Australia plan joint navy drills in disputed South China Sea, Philippine officials say”, Associated Press, https://apnews.com/article/united-states-japan-australia-philippines-south-china-sea-3fe7a0b39dbdea19a6854dba347ff712
[12] Tristan Nodalo (2023), “Australia vow to strengthen security cooperation in maritime dialogue”, CNN Philippines, https://www.cnnphilippines.com/news/2023/7/6/ph-australia-security-cooperation.html
[13] Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam VTV (2023), “An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp”, https://vtv.vn/the-gioi/an-ninh-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-tiem-an-nhieu-nguy-co-phuc-tap-20230416121940007.htm