Do sự gần gũi về mặt địa lý và có sự tương đồng về lợi ích với nhau, Australia coi mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng sâu sắc, cụ thể là giữa Trung Quốc với Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Australia ngày càng tăng cường sự hợp tác về an ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội với các quốc gia Đông Nam Á nhằm đảm bảo ổn định, an ninh khu vực cũng như thiết lập tầm ảnh hưởng như một cường quốc tầm trung.
Một số hoạt động ngoại giao đáng chú ý
Đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thực hiện hai chuyến công du tới hai quốc gia Đông Nam Á là Singapore và Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức thứ hai của ông Albanese tới các quốc gia Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.
Cụ thể, từ ngày 01-02/6, ông Anthony Albanese có chuyến đi tới Singapore để tham gia Diễn đàn An ninh Shangri-La lần thứ 20 với tư cách là diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Canberra đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó, Australia cam kết mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác ở khu vực Đông Nam Á. Sau đó, Thủ tướng Australia tiếp tục tham gia Hội nghị Lãnh đạo Thường niên Australia – Singapore lần 8 và có cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Lawrence Wong. Hai bên đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương, đề ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư, làm sâu sắc và bền vững hợp tác an ninh – quốc phòng, đồng thời thảo luận về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.[1]
Nối tiếp chuỗi hoạt động, Thủ tướng Anthony Albanese tiếp tục có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 03-04/6 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Trong hai ngày, ông Albanese có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam để thảo luận về hợp tác kinh tế – thương mại, giáo dục – đào tạo, du lịch, văn hóa, lao động, khoa học – công nghệ giữa hai nước thông qua các chương trình, dự án song phương. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác; tăng cường trao đổi cấp cao, các cấp; ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Australia (EEES) giai đoạn 2021 – 2025; chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, rộng mở và bao trùm; coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN; v.v…[2]
Ngày 11/8/2023, Văn phòng Thủ tướng Australia thông báo Thủ tướng Anthony Albanese sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Indonesia, Philippines và Ấn Độ để thảo luận về các thách thức trên toàn cầu và thúc đẩy chương trình hợp tác về kinh tế, an ninh và khí hậu của Australia. Theo đó, chuyến công du sẽ bắt đầu với việc ông Albanese tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Australia thường niên lần thứ ba và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 18 tại Jakarta từ ngày 6 – 7/9 nhằm khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa Australia với ASEAN, đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tổ chức khu vực này trong duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sau đó, Thủ tướng Úc sẽ tiếp tục có chuyến thăm chính thức tới Manila (Philippines) và có hội đàm với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr vào ngày 08/9, dự kiến tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác về quốc phòng và an ninh hàng hải; phát triển và giáo dục.[3]
Ngoài các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng, trong năm 2023, các quan chức cấp cao khác của Australia còn thực hiện các chuyến công du với một số các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề như kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Đáng chú ý là các chuyến thăm của Ngoại trưởng Australia Penny Wong tới Lào, Philippines vào tháng 5/2023, Indonesia vào tháng 7/2023 Việt Nam vào tháng 8/2023; các chuyến tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của Indonesia (2/2023), Việt Nam (5/2023), Lào và Campuchia (7/2023) của Đặc Phái viên Australia ở Đông Nam Á Nicolas Moore.
Không chỉ trong các mối quan hệ song phương, Australia còn tích cực tham gia các diễn đàn chung trong khuôn khổ đa phương với ASEAN như Diễn đàn ASEAN – Australia lần thứ 35 (3/2023); Diễn đàn Kinh doanh ASEAN – Australia (6/2023); Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Australia (8/2023); v.v…
Như vậy, có thể thấy, Australia đang có những động thái nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa Canberra với các quốc gia Đông Nam Á và tổ chức ASEAN. Các chuyến thăm cấp cao, các cuộc thảo luận, tiếp xúc lẫn nhau trong khuôn khổ song phương và đa phương giữa hai bên ngày càng tăng lên trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Albanese cho thấy quyết tâm của Australia trong việc tái khẳng định tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Canberra, vốn chịu một số ảnh hưởng nhất định từ sau khi thỏa thuận quốc phòng AUKUS được công bố vào tháng 9/2021 dưới thời cựu Thủ tướng Scott Morrison.
Những chuyển biến mới trong cách tiếp cận Đông Nam Á của Thủ tướng Anthony Albanese
Tháng 5/2022, ông Anthony Albanese – Lãnh đạo của Công đảng Australia đã chiến thắng cuộc Tổng Tuyển cử Toàn quốc, trở thành Thủ tướng thứ 31 của Australia. Chính phủ Công đảng mới của Australia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại, như những gì đảng này đã cam kết trong Cương lĩnh bầu cử của mình. Ngay khi lên nắm quyền, Thủ tướng Anthony Albanese đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Indonesia. Cùng với đó, Ngoại trưởng Penny Wong liên tiếp có những chuyến công du tới Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Brunei, Thái Lan và Đông Timor trong năm 2022. Các đại diện cấp cao Australia tuyên bố rằng sẽ “tôn trọng và lắng nghe” các nước Đông Nam Á.[4] Cơ sở để ông Albanese đưa Đông Nam Á vào một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Canberra là do những vấn đề liên quan tới vấn đề an ninh – chính trị khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vấn đề hợp tác kinh tế – thương mại
Về an ninh – chính trị, trong bối cảnh cục diện Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chịu sự chi phối của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Australia đã cùng với Mỹ và các đối tác của Mỹ nhằm thiết lập một cấu trúc an ninh mới ở khu vực nhằm ngăn chặn tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc, tiêu biểu là Nhóm “Bộ tứ” (QUAD) cùng Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản; và Thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Mỹ và Anh Quốc.
Trong chiến lược an ninh của Australia trong những năm trở lại đây, Đông Nam Á được coi là một vùng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, đồng thời, là “vùng đệm” để bảo vệ an ninh của đảo quốc này từ xa. Với vị trí là một đồng minh thân cận của Washington, Canberra có vai trò lan tỏa ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á nhằm đối phó với chính sách ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh bằng các biện pháp quân sự và kinh tế.
Trên thực tế, trong 10 năm gần đây, chính sách đối ngoại của Australia không còn tập trung chủ yếu vào ASEAN mà chú trọng vào hợp tác với Mỹ và các đồng minh của Mỹ nhằm ngăn cản tham vọng của Trung Quốc. Sự kiện chính quyền của Thủ tướng tiền nhiệm Scott Morrison tham gia AUKUS với Anh và Mỹ vào tháng 9/2021 đã gây ra một số hiểu lầm, rạn nứt nhất định trong mối quan hệ đối với các nước Đông Nam Á.[5] Thỏa thuận AUKUS là bản ghi nhớ hợp tác giữa Australia với Mỹ và Anh để phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Trong khi Canberra mong muốn sự ủng hộ tới từ các nước Đông Nam Á với thỏa thuận này thì trên thực tế, AUKUS đã vấp phải phản ứng tiêu cực tới từ Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Việt Nam và Singapore đều lên tiếng “quan ngại sâu sắc”. Những phản ứng từ Jakarta, Kuala Lumpur và các quốc gia khác đều lo ngại động thái trên của Australia, Mỹ và Anh sẽ biến khu vực Đông Nam Á trở thành “địa bàn” chạy đua vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc, đồng thời, tạo ra nguy cơ xung đột tiềm tàng, cụ thể tại khu vực biển Đông.[6] Bên cạnh đó, các quốc gia Đông Nam Á cho rằng tham vọng của Bắc Kinh có thể nhìn nhận theo hai góc độ. Một số quốc gia có thể tận dụng điều đó để phát triển kinh tế. Như vậy, cách nhìn nhận về quan hệ với Trung Quốc của các nước ASEAN có sự khác biệt so với quan điểm của Australia. Sự kiện Canberra tán thành Thỏa thuận ba bên đã cho các nước Đông Nam Á thấy rằng, Australia sẵn sàng đặt các đồng minh như Mỹ và Anh làm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình thay vì các đối tác ASEAN.
Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese đã có những cách tiếp cận mới với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và với khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trong đó, nổi bật lên vai trò của Ngoại trưởng Penny Wong trong việc định hình vị trí của ASEAN trong chính sách đối ngoại của chính phủ Công đảng. Chiến lược ngoại giao của bà Wong được giới phân tích gọi là “cân bằng chiến lược”.“Cân bằng chiến lược” được giải thích là “không một quốc gia nào bá quyền và không một quốc gia nào phải chịu thống trị bởi bá quyền”[7]. Australia xác định rằng, chủ thể chính ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không còn là Mỹ mà giờ là một hệ thống đa cực. Mọi quốc gia trong hệ thống đa cực này phải dùng mọi biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao để duy trì “cân bằng chiến lược” ở khu vực. Quốc gia có khả năng ngăn cản trạng thái “cân bằng chiến lược” ở đây là Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á được coi là trung tâm của học thuyết ngoại giao mới này. ASEAN và các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN có vai trò làm trung gian hòa giải, giải quyết các tranh chấp, xung đột; duy trì hòa bình và ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.[8] Cách tiếp cận này phù hợp với nguyên tắc cốt lõi là “khu vực hòa bình, tự do và trung lập” được nêu trong tuyên bố ZOPFAN (1971) của ASEAN. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Trung Quốc có những ảnh hưởng sâu sắc về kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á, Australia cam kết tăng cường hỗ trợ về kinh tế, an ninh – quốc phòng, khoa học – công nghệ, văn hóa – giáo dục qua các chương trình phát triển và cung cấp các khoản viện trợ cho các quốc gia ASEAN. Những nỗ lực trên nhằm đảm bảo cho các quốc gia Đông Nam Á có đủ tiềm lực để đối phó với bất kỳ âm mưu đe dọa về quân sự và thao túng về kinh tế – tài chính.
Về một số vấn đề liên quan tới AUKUS, Canberra đã có những nỗ lực nhằm thuyết phục các đối tác Đông Nam Á là Thỏa thuận ba bên (9/2021) nhằm “mang lại lợi ích thực sự cho khu vực” và giúp “duy trì và xây dựng trật tự khu vực mà chúng tôi tìm kiếm”, như bà Penny Wong phát biểu.[9] Để đạt được sự ủng hộ nhất định với thỏa thuận AUKUS, chính quyền Thủ tướng Albanese trong năm 2022 – 2023, tiêu biểu là các quan chức quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Australia liên tiếp có các cuộc gặp chính thức và không chính thức trong khuôn khổ với các quốc gia Đông Nam Á nhằm khẳng định rằng thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng hạt nhân giữa Australia với Anh Quốc và Mỹ sẽ đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Theo đó, Canberra cần phải cam đoan tàu ngầm trong thỏa thuận AUKUS không trang bị vũ khí hạt nhân, không vi phạm những quy tắc của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tuân theo tất cả các chỉ dẫn an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đồng thời, các tuyến đường tuần tra của tàu ngầm hạt nhân phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Đông Nam Á dựa trên Công ước về Luật Biển (UNCLOS). Sau khi đưa ra Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo AUKUS vào tháng 3/2023, Tư lệnh Hải quân Australia là Phó Đô đốc Mark Hammond đã có chuyến công du Đông Nam Á và gặp Đô đốc Muhammad Ali, Tư lệnh Hải quân Indonesia tại Jakarta. Sau cuộc gặp, Đô đốc Ali đại diện Hải quân Indonesia tin rằng AUKUS sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế. Canberra cũng đã cải thiện tính minh bạch bằng cách phác thảo chiến lược AUKUS của mình trong Đánh giá chiến lược quốc phòng mới nhất vào tháng 4/2023.[10]
Về kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Australia đều nhìn nhận Đông Nam Á là một thị trường tiềm năng và năng động. Tăng trưởng kinh tế trung bình của các nước thuộc khối ASEAN đạt 5,5% vào năm 2022, cao hơn so với trung bình chung của kinh tế toàn cầu. Theo thống kê, GDP của khu vực Đông Nam Á là khoảng 3,6 nghìn tỷ USD, trong khi đó, GDP của Úc là khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.[11] Khu vực này cũng là nơi tình hình chính trị – xã hội tương đối ổn định, là mảnh đất nhiều tiềm năng cho dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Một mặt, những ảnh hưởng về kinh tế của Australia tới khu vực Đông Nam Á là chưa tương xứng so với tiềm năng. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia, đạt 127 tỷ USD vào năm 2021, lớn hơn tỷ trọng thương mại của Australia với Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, kim ngạch thương mại của Australia chỉ chiếm 2-3% trong tỷ trọng thương mại của ASEAN. Đầu tư trong khu vực ASEAN của Australia được cho là giảm trong những năm gần đây.[12] Ảnh hưởng kinh tế của Australia trong khu vực không thể cạnh tranh được với Nhật Bản, Hàn Quốc và quan trọng nhất là Trung Quốc. Sức ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh thông qua các khoảng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở năng lượng; tài chính – thương mại có thể khiến cho Đông Nam Á bị chia rẽ, từ đó, gây ảnh hưởng tới chính sách “cân bằng chiến lược” mà chính quyền Albanese theo đuổi.
Mặt khác, từ năm 2018, quan hệ giữa Australia – Trung Quốc dần trở nên căng thẳng, kể từ sau khi Canberra có những động thái chỉ trích Bắc Kinh. Để đáp trả, Trung Quốc đã áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt vào nền kinh tế Australia. Trước năm 2018, Trung Quốc chính là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Để tránh phụ thuộc vào Bắc Kinh, những nhà chính trị Canberra tìm cách chuyển hướng xuất – nhập khẩu sang các vùng khác, trong đó, Đông Nam Á là trọng điểm.
Như vậy, để phát huy những tiềm năng về kinh tế – thương mại giữa Australia và khu vực Đông Nam Á cũng như dịch chuyển đối tác thương mại nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese đã có những động thái nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên. Tháng 7/2022, Ngoại trưởng Penny Wong có bài phát biểu của mình, nêu rõ “các cơ hội lớn nhất để phát triển kinh tế và thương mại cho Australia trong 30 năm tới nằm ở khu vực Đông Nam Á”. Nhằm vạch ra con đường cho sự phát triển kinh tế giữa Australia và ASEAN, cuối năm 2022, Thủ tướng Anthony Albanese cử ông Nicolas Moore làm Đặc Phái viên Australia tại Đông Nam Á để dẫn đầu xây dựng Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040.[13] Kế hoạch này dự định sẽ vạch ra lộ trình cho sự tham gia của Australia vào nền kinh tế của Đông Nam Á, đưa ra những khuyến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều và tăng cường đầu tư của Australia vào khu vực. Chính phủ Australia cũng thành lập Văn phòng Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nhằm điều phối chính sách với ASEAN. Về các khoản viện trợ, theo số liệu, năm 2022, Australia viện trợ 470 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ phát triển ở Đông Nam Á. Năm 2023, số tiền hỗ trợ đã tăng lên 530 triệu USD và dự định tăng lên tới 730 triệu USD vào năm 2024.[14]
Dự báo quan hệ Australia – Đông Nam Á trong thời gian tới
Đối với Australia, quan hệ của quốc gia này dưới Chính phủ Công đảng của Thủ tướng Albanese này với khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Sở dĩ, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang diễn ra, Australia nhìn nhận khu vực ASEAN như một khu vực tiềm năng phát triển, là một khu vực mang tính trung tâm chiến lược. Việc Canberra đưa Đông Nam Á trở lại vào vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại thể hiện dự tính của quốc gia này nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, khoa học – công nghệ, trao đổi giáo dục giữa hai chủ thể, vốn đã không được coi trọng trong hơn một thập kỷ trước đó. Đồng thời, Đông Nam Á cũng là khu vực địa chính trị được định hướng làm trung tâm hòa giải và ổn định cho sự “cân bằng chiến lược” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Đông Nam Á, mặc dù tồn tại sự khác biệt trong quan điểm về Bắc Kinh giữa Australia với ASEAN. Trong khi Canberra nhận định Bắc Kinh như một thách thức đe dọa tới an ninh chính trị và kinh tế thì khối ASEAN lại coi sự trỗi dậy của Trung Quốc vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Sự khác biệt trong quan điểm về Trung Quốc cũng là một trong những lý do để chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese có một số sự thay đổi tích cực về chính sách đối ngoại với quốc gia tỷ dân nói trên. “Quan hệ lành mạnh giữa Australia và Trung Quốc không mâu thuẫn với việc mỗi nước bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong lúc biết cách điều phối sự khác biệt một cách khôn ngoan”, ngoại trưởng Penny Wong phát biểu về quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra.[15] Sự “tan băng dần” trong quan hệ Australia – Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho hai quốc gia tìm cách “cân bằng” ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời, đảm bảo an ninh, hòa bình cho khu vực Đông Nam Á.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, cuộc xung đột Nga – Ukraine và vấn đề Đài Loan đã tạo ra nguy cơ cho các nước tầm trung bị đe dọa về quân sự hoặc chi phối về kinh tế – chính trị bởi các cường quốc. Nguy cơ trên gây ra mất ổn định, mất tự chủ, gây ảnh hưởng tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia Đông Nam Á. Chính vì thế, ASEAN đặt mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại nhằm tránh bị phụ thuộc vào các nước lớn, trong đó, Australia cũng là đối tác tiềm năng bởi vị trí địa lý thuận lợi, lịch sử quan hệ lâu dài và có chung mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế.
Với thỏa thuận AUKUS, mặc dù trước đó đã diễn ra một số phản ứng trái chiều từ một số quốc gia ASEAN, song song với những nỗ lực ngoại giao của Australia, hai quốc gia có phản ứng tiêu cực với Thỏa thuận tháng 9/2021 là Indonesia và Malaysia đã có dấu hiệu “hạ giọng” trong vấn đề nói trên. Thông cáo AUKUS gần đây vào tháng 3/2023 đã cho thấy phản ứng “trầm lặng” hơn từ các quốc gia Đông Nam Á, cho thấy sự chấp nhận một phần đối với AUKUS và hy vọng của họ được hưởng lợi từ nó. Một số quan chức quốc phòng cấp cao thuộc các nước khối ASEAN công nhận AUKUS là một bản thỏa thuận nhằm bảo vệ an ninh chính đáng của Australia. Tuy nhiên, họ mong muốn Australia mở rộng và nâng cấp bản Thỏa thuận ba bên. Theo đó, ngoài hợp tác chia sẻ và xây dựng tàu ngầm hạt nhân theo Trụ cột thứ 1 của AUKUS, ba bên là Mỹ, Anh và Australia chia sẻ công nghệ bảo vệ không gian mạng, giám sát dưới biển, chiến tranh điện tử và trí tuệ nhân tạo theo Trụ cột thứ 2 của AUKUS. Các quốc gia Đông Nam Á muốn Australia chia sẻ các công nghệ quân sự trên nhằm phục vụ cho mục đích nhằm phòng thủ chống lại mối đe dọa quân sự từ bên ngoài trong bối cảnh công nghệ – thông tin phát triển.[16]
Như vậy, với những mục tiêu và lợi ích chung về kinh tế và an ninh – chính trị, mối quan hệ giữa Australia và khu vực ASEAN trong tương lai được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, nâng lên tầm cao mới, hợp tác sâu rộng và bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau bất chấp những thách thức từ bên ngoài, chủ yếu là từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung./.
Tác giả: Tùng Dương
Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Department of the Prime Minister and Cabinet, Prime Minister visits Singapore, ngày 7/6/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.pmc.gov.au/news/prime-minister-visits-singapore
[2] Việt Nga, “Thủ tướng Australia thăm Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương”, VOV, ngày 1/6/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-australia-tham-viet-nam-thuc-day-quan-he-hop-tac-song-phuong-post1023700.vov
[3] Báo Quốc tế, Chuyến thăm chớp nhoáng thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á, ngày 2/10/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.vietnam.vn/chuyen-tham-chop-nhoang-that-chat-quan-he-voi-dong-nam-a/
[4] Patton, Susannah, “New directions in Australia-Southeast Asia relations”, Lowy Institute, ngày 28/6/2022, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/new-directions-australia-southeast-asia-relations
[5] Nabbs, Greta, “How well has the Morrison government handled relations with Southeast Asia?” The Conversation, ngày 10/5/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://theconversation.com/how-well-has-the-morrison-government-handled-relations-with-southeast-asia-181958
[6] Chin, James, “Why is southeast Asia so concerned about AUKUS and Australia’s plans for nuclear submarines?”, The Conversation, ngày 20/9/2021, truy cập ngày 2/9/2023, https://theconversation.com/why-is-southeast-asia-so-concerned-about-aukus-and-australias-plans-for-nuclear-submarines-168260?
[7] Dziedzic, Stephen, “Australia wants to ensure ‘strategic equilibrium’ in Asia, Wong says”, ABC, ngày 16/4/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.abc.net.au/news/2023-04-17/penny-wong-to-speak-at-national-press-club/10%202229710
[8], [9] Maude, Richard, “Australia-Asia ties: Penny Wong’s focus on South-East Asia”, AFR, ngày 11/11/2022, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.afr.com/world/asia/south-east-asia-and-the-wong-doctrine-20221109-p5bwx0
[10] Darmawan, Aristyo Rizka, “Australia’s defense ambitions need Southeast Asian trust”, East Asia Forum, ngày 4/7/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.eastasiaforum.org/2023/07/04/australias-defence-ambitions-need-southeast-asian-trust/
[11], [12] Baker, Nick, và Skye Docherty, “Is Australia getting South-East Asia all wrong?”, ABC, ngày 9/3/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.abc.net.au/news/2023-03-10/is-australia-getting-south-east-asia-all-wrong/102063426
[13] Department of Foreign Affairs and Trade, Southeast Asia Economic Strategy, truy cập ngày 2/9/2023, https://www.dfat.gov.au/geo/southeast-asia/southeast-asia-economic-strategy
[14] Shofa, Jayanty Nada, “Australia to Give ASEAN A$775M Development Aid This Year”, Jakarta Globe, ngày 13/7/2023. Truy cập ngày 2/9/2023, https://jakartaglobe.id/news/australia-to-give-asean-a775m-development-aid-this-year
[15] Việt Nga, “Australia vừa phát triển vừa điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc”, VOV, ngày 14/7/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://vov.vn/the-gioi/australia-vua-phat-trien-vua-dieu-chinh-quan-he-voi-trung-quoc-post1032522.vov
[16] Rahman, Abdul, “Australia, AUKUS, and Southeast Asia”, The Diplomat, ngày 1/5/2023, truy cập ngày 2/9/2023, https://thediplomat.com/2023/05/australia-aukus-and-southeast-asia/