Người Thụy Điển đã có lịch sử đối đầu với Nga từ rất lâu trước khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ra đời. Hai bên đã trải qua 11 cuộc chiến, chủ yếu là tranh giành quyền kiểm soát Biển Baltic, trước khi Stockholm bắt đầu duy trì vị thế trung lập kéo dài hai thế kỷ. Tuy nhiên, hiện tại Thụy Điển đang từng bước từ bỏ chính sách trung lập và gia nhập NATO. Chặng đường này đã biểu hiện như thế nào?
Ở căn cứ hải quân Musko, Thụy Điển, tại phòng điều khiển trên một sườn núi gần Stockholm. Trên bốn hàng ghế, Tư lệnh Hải quân Thụy Điển Ewa Skoog Haslum và nhóm nhân viên thân cận của bà nhìn lên một màn hình khổng lồ để theo dõi tình hình rắc rối đang diễn ra trên biển Baltic theo thời gian thực. Tàu của họ bị áp đảo về mặt số lượng và dường như không có ai đến để giúp đỡ…
Đây là đời thực chứ không phải một trò chơi giả lập hay mô phỏng chiến tranh. Đó là tháng 10/2023, khoảng 17 tháng kể từ khi Thụy Điển bắt đầu thể hiện nỗ lực gia nhập NATO, khi ấy nước này này vẫn nằm ngoài liên minh. Trên bản đồ giao thông hàng hải đã được lọc chiếu, một số tàu Thụy Điển và Phần Lan đơn độc được đánh dấu màu xanh lam, đang đi qua các eo biển, vịnh và các con đường lớn tại phía đông Đại Tây Dương. Nếu không có sự giúp đỡ của liên minh 31 quốc gia, họ sẽ bị lấn át bởi những chấm đỏ – tàu của người Nga, một lực lượng hùng hậu mà Thụy Điển lo rằng sẽ có nhiều rủi ro đến từ các con tàu này.
Bản đồ trên sẽ thay đổi nếu Thụy Điển gia nhập NATO. Tàu của NATO sẽ áp đảo các tàu của Nga về số lượng và khi đó, tình thế sẽ hoàn toàn khác. Điều đó sẽ khiến Nga khó có thể tấn công Hải quân Thụy Điển khi nước này có hàng chục tàu của NATO ở phía sau. Các ông lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng, các cựu tướng lĩnh và các chuyên gia tư vấn về tàu chở dầu đến thăm trung tâm hoạt động hàng hải tại Căn cứ Hải quân Musko thì thầm trong một không khí im lặng đến mức đáng kinh ngạc.
Mối lo ngại của Thụy Điển
Trong suốt 200 năm, kể từ thời Napoleon, Thụy Điển là một quốc gia trung lập với các lực lượng vũ trang giàu tính thận trọng, không mạo hiểm vượt ra ngoài những quần đảo rộng lớn của mình. Thụy Điển ủng hộ những chương trình vũ khí hạt nhân với mục đích phòng thủ và nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong suốt những năm tháng Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn luôn giữ thái độ trung lập.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022 đã thay đổi tất cả. Lo sợ mục tiêu của Nga sẽ không chỉ dừng lại ở Ukraine, Thụy Điển cùng với Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO trong một động thái chính trị hiếm có. Các chính trị gia, tướng lĩnh quân sự Thụy Điển tự cho rằng việc này hoàn toàn có lý do chính đáng. Giờ đây, một bước gần hơn đến tư cách thành viên trong liên minh sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang chấp thuận lá đơn của Thụy Điển, điều tương tự cũng được thực hiện ở Hungary. Các quan chức Thụy Điển và NATO đang hy vọng rằng việc chuyển hướng sẽ khiến người Nga tạm dừng hành động trước khi gây ra vấn đề ở biên giới phía bắc của họ.
Trên thực tế, tất cả các quốc gia Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đều phụ thuộc rất nhiều vào cảng Gothenburg phía tây của Thụy Điển về mặt thương mại. Thụy Điển có một vị trí đặc biệt: Khoảng 30% ngoại thương của đất nước đi qua cảng này. Viễn cảnh cảng Gothenburg bị phong tỏa có thể tàn phá nền kinh tế của toàn bộ khu vực.
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các tàu Nga đã di chuyển và tránh xa vùng Baltic hơn. Tuy nhiên, các quan chức Thụy Điển cho biết, Điện Kremlin đang chơi “trò chơi vỏ sò”, đổi tàu lớn hơn lấy tàu nhỏ hơn, bằng cách hoán đổi các tàu khu trục và các khinh hạm, vốn tạo ra các nguy cơ cho các nước NATO. Nhiều loại tàu nhỏ tuy không được sử dụng trong chiến đấu nhưng vẫn có thể trang bị tên lửa hành trình, Nga có thể giữ được vị thế của mình và tạo ra các mối nguy hiểm tiềm tàng ở khu vực.
Nga cũng đã bắt đầu thử nghiệm các tàu ngầm lớp St. Petersburg ở Biển Baltic, tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển quốc tế gần Gotland, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của Thụy Điển. Điện Kremlin cố gắng che giấu các tàu ngầm mới bằng cách đi qua các con sông và hồ nội địa trước khi tung chúng vào các cuộc tập trận mà các tàu gần đó có thể nhìn thấy rõ ràng. Từ một tàu tình báo tín hiệu đậu ngay bên ngoài vịnh Kaliningrad, Thụy Điển đã phát hiện Nga thử nghiệm bắn tên lửa từ tàu ngầm.
Thụy Điển có thể làm gì khi gia nhập NATO?
Tình hình có vẻ khá đáng ngại. Nhưng người Thụy Điển đã có lịch sử đối đầu với Nga từ rất lâu trước khi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ra đời. Hai bên đã trải qua 11 cuộc chiến, chủ yếu là tranh giành quyền kiểm soát Biển Baltic, trước khi Stockholm bắt đầu duy trì vị thế trung lập kéo dài hai thế kỷ. Với các tàu hộ tống lớp Visby, một tàu mặt nước tàng hình được trang bị ngư lôi và tên lửa chống hạm được đặt theo tên thành phố chính trên đảo Gotland, Thụy Điển muốn trở thành tai mắt của NATO trong khu vực.
Thụy Điển có thể “trở thành một thành viên tích cực của NATO”, bà Skoog Haslum – một sĩ quan hải quân Thụy Điển cho biết, bao gồm cả việc cung cấp dữ liệu mục tiêu cho các đồng minh trong khu vực. Nước này đã bắt đầu triển khai hệ thống chỉ huy và kiểm soát Link 22, một hệ thống vô tuyến kỹ thuật số an toàn kết nối các máy bay và tàu của NATO với nhau. Việc liên lạc với các thành viên NATO đã trở nên dễ dàng hơn đối với Thụy Điển.
Chỉ có một vấn đề: Thụy Điển không có quyền truy cập vào hệ thống mã hóa của NATO. Thụy Điển tạo ra các đường dây liên lạc mới cho các cuộc tập trận với các nước NATO, nhưng hầu hết các đường dây đó sẽ ngừng hoạt động sau khi cuộc tập trận kết thúc. Chưa có thông tin liên lạc mật nào cả. Henrik Rosen, tùy viên hải quân Thụy Điển tại Washington, cho rằng điều này sẽ thay đổi khi Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO. “Đó rõ ràng là một yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi đối với quốc gia Bắc Âu”.
Ở các khía cạnh khác, 31 đồng minh đang coi Thụy Điển như đồng minh của họ. Tại trụ sở quân sự của NATO ở Mons, Bỉ, các quan chức chỉ ra rằng họ đã xây dựng thêm một cột cờ nơi cây thánh giá Bắc Âu của Thụy Điển. “Chúng tôi hành động như thể họ là thành viên”, một quan chức quân sự Bắc Âu cho biết tại trụ sở liên minh ở Brussels, nơi các phóng viên đến vào ngày 23/01/2024, ngày quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu về việc gia nhập của Thụy Điển, và phát hiện ra một cột cờ đã được xây dựng cho người Thụy Điển. Rõ ràng, Thụy Điển đã từng bước giành được cái gật đầu của tất cả các thành viên NATO. Điều đó có vẻ thành công.
Vào tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson đã tới Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Thung lũng Simi, California, một sự kiện có sự tham gia của các quan chức cấp cao về an ninh quốc gia và sau đó tới Washington để ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Hoa Kỳ sẽ điều động quân đội ở 17 căn cứ quân sự của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra xung đột trong khu vực.
Jonson cho biết chính sách đối ngoại cứng rắn mới của Thụy Điển sẽ đẩy nước này vượt qua mốc chi tiêu quốc phòng 2% theo thỏa thuận của NATO.
Jonson nói trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Reagan trên những ngọn đồi nhấp nhô phía nam California: “Đây là sự thay đổi lớn nhất trong học thuyết của chúng tôi trong 200 năm qua. “Chúng tôi sẽ tiếp tục vượt quá 2,1% GDP.”
Tiền từ ngân sách quốc phòng sẽ đi đâu? Thụy Điển đang mua thêm hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Đồng thời, họ đang xây dựng một phi đội máy bay chiến đấu Gripen hoàn toàn mới. Nước này đang đóng các tàu ngầm lớp Collins mới và các tàu hộ tống mới. Họ đang trang bị cho quân đội của mình những loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ do Anh sản xuất để tiêu diệt xe tăng Nga ở Ukraine cũng như các loại xe bọc thép chở quân mới.
Nếu tên của trò chơi ở Thụy Điển là “răn đe” thì tất cả đều đã sẵn sàng. Skoog Haslum nói: “Chỉ là một con tàu trên biển, có thể có súng trường hay thứ gì đó, điều đó không có tác dụng răn đe”. “Răn đe là có tất cả những thứ mà bạn có thể có: các cảm biến, hệ thống vũ khí, các khí tài quân sự sẽ mang lại khả năng răn đe.”
Chặng đường từ bỏ chính sách trung lập của Thụy Điển
Thụy Điển đứng ngoài cả hai cuộc Chiến tranh thế giới. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Bức màn sắt sụp đổ, các nước láng giềng Na Uy, Iceland và Đan Mạch gia nhập NATO nhưng Thụy Điển vẫn không thay đổi chính sách trung lập.
Tuy nhiên, người Thụy Điển vẫn đang bí mật xây dựng hệ thống phòng thủ của họ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thụy Điển đã xây dựng các hầm tránh bom khẩn cấp và bãi đáp như là một kế hoạch dự phòng. Năm 1950, khi Hoa Kỳ và Liên Xô chạy đua thử quả bom hydro đầu tiên, chính phủ Thụy Điển bắt đầu cho nổ 1,5 triệu tấn đá từ sườn núi trên đảo Musko cách Stockholm khoảng 25 dặm về phía nam để xây dựng một căn cứ hải quân bí mật dưới lòng đất.
Họ phải mất 19 năm. Nhưng vào thời điểm căn cứ Musko được hoàn thành, các thủy thủ Thụy Điển có thể sử dụng các tàu ngầm và tàu khu trục trong một mê cung hang động gồm các đường hầm dưới lòng đất và thậm chí săn lùng các tàu ngầm của Liên Xô. Thụy Điển thậm chí còn theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn cho đến khi các quan chức nhận ra sự tốn kém mà loại vũ khí này mang lại.
Sau Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa đã hạ nhiệt đủ để Thụy Điển bắt đầu một quá trình cắt giảm quân đội trên diện rộng, một cuộc suy thoái kéo dài gần 30 năm. Thụy Điển đã tặng hầu hết trong số 2.000 máy bay chiến đấu của mình.
Đến năm 2004, mặc dù quân đội Thụy Điển có mặt ở Afghanistan và tuần tra bờ biển Lebanon, Riksdag, quốc hội Thụy Điển, vẫn công khai tuyên bố rằng nước này không phải đối mặt với mối đe dọa quân sự đáng kể nào và rằng nước này nên giảm bớt khả năng phòng thủ để phản ánh thực tế đó. Bảo vệ quê hương không còn là nhiệm vụ cấp bách của quân đội Thụy Điển nữa.
Lý do duy nhất khiến chính phủ Thụy Điển không loại bỏ Musko là vì sẽ quá tốn kém nếu đào sạch 12 dặm đường hầm để đảm bảo an toàn cho các mục đích sử dụng khác. Vì vậy, đèn vẫn sáng, nhưng cơ sở đồ sộ lại rơi vào tình trạng tạm lắng mang tính chiến lược, với đội ngũ nhân viên tương đối hạn chế. Mọi người vẫn làm việc ở đó 24 giờ một ngày tất cả các ngày trong tuần ngay cả khi căn cứ ở thời điểm ít hoạt động nhất. Nhưng các nhà thầu dân sự đã đến để lấp đầy các xưởng đóng tàu còn trống và khách du lịch thậm chí còn được phép vào.
Oscar Jonsson, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển nói: “điều đó mang lại một chút sự đáng tiếc”. “Trước hết, bạn phải xây dựng một căn cứ hải quân bí mật có thể chịu được vũ khí hạt nhân. Sau đó, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bạn giải mật nó. Sau đó, đột nhiên, bạn nhận ra rằng nó thực sự cần được quan tâm trở lại.”
Ở sườn núi Musko, trong một phòng hội nghị có những bức tường ốp gỗ được làm từ tàn tích từ một tàu khu trục cũ của Thụy Điển, Skoog Haslum và các trợ lý của bà đã mô tả tình trạng bất cập của việc thắt chặt vành đai đối với quân đội. Điều đầu tiên phải cắt giảm là nhân sự. Quân đội đã giảm quy mô từ các lữ đoàn, từ 3.000 đến 5.000 quân trở thành các tiểu đoàn đơn lẻ, mỗi tiểu đoàn khoảng 1.000 binh sĩ. Tiếp theo là vũ khí, hải quân đã ngừng hoạt động tất cả các tàu chiến lớn như tàu khu trục và khinh hạm vào những năm 1980, chỉ để lại các tàu nhỏ hơn. Không quân phải cắt giảm máy bay. Vào giữa những năm 2010, Thụy Điển chỉ chi khoảng 1% GDP cho quốc phòng, giảm từ mức 4% vào năm 1963.
Nhưng ngay cả khi Thụy Điển vẫn giữ thái độ trung lập thì sự khó chịu từ phía Nga vẫn gia tăng. Các tàu Nga đang hoạt động mạnh mẽ ở Biển Baltic, đẩy các tàu Thụy Điển và Phần Lan ra khỏi tuyến đường biển của họ. Và hành động quân sự của Nga tại Ukraine vào năm 2014 đã mở đầu cho chiến dịch đưa Crimea trở về Nga, sau đó hướng tới các phần của khu vực Donbass. Điều này có thể đã khiến người Thụy Điển thấy rằng họ cũng có thể có một viễn cảnh như vậy.
Ngân sách quốc phòng gia tăng nhanh chóng
Ngân sách quân sự của Thụy Điển bắt đầu tăng lên từng bước nhỏ. Năm 2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng hải quân Thụy Điển ở Musko đã được tăng cường. Vào năm 2020, ngân sách quốc phòng bắt đầu tăng vọt, lên khoảng 6,25 tỷ USD vào năm đó, tương đương 1,2% GDP của Thụy Điển.
Thụy Điển quyết định đóng hai tàu ngầm mới và bốn tàu mặt nước mới có hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không. Ngân sách năm 2024 sẽ được tăng thêm gần 1/3, nâng tổng chi phí quốc phòng lên khoảng 11 tỷ USD. Thụy Điển dự kiến sẽ đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Washington, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2024. Rosen, tùy viên hải quân Thụy Điển cho biết: “Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng trong 10 năm qua là rất, rất nhanh”.
Tuy nhiên, Thụy Điển chủ yếu đang tăng cường thêm những gì họ đã có. Khả năng tấn công mặt đất tầm xa có thể thách thức Nga vẫn chưa nằm trong kế hoạch phát triển của nước này.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển cũng đang phát triển mạnh mẽ. Nhà sản xuất ô tô một thời Saab, sử dụng hai ụ tàu của Musko để tiến hành bảo trì các tàu khu trục. Họ đã ngừng chế tạo ô tô và thay vào đó tập trung vào chế tạo máy bay chiến đấu Gripen và tàu ngầm diesel-điện. Volvo xây dựng một dòng xe tải hậu cần. Ericsson sản xuất điện thoại quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson cho biết: “Không có quốc gia nào với 10 triệu dân có thể sản xuất tàu ngầm, máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước, phương tiện chiến đấu bộ binh và hệ thống pháo binh tiên tiến”.
Nhưng không giống như nước láng giềng Phần Lan, nơi có thể huy động gần 300.000 quân từ cấp dân sự, Thụy Điển phải đối mặt với vấn đề nhân lực sẵn sàng trang bị những vũ khí đó. Mô hình quân dịch của quốc gia từng có thể huy động tới một nửa dân số Thụy Điển đã bị cắt giảm vào những năm 1990, bị hủy bỏ hoàn toàn vào năm 2010 và chỉ mới được đưa trở lại gần đây.
Stockholm đang hy vọng nâng số lượng huy động từ mức tối đa hiện nay là 60.000 lên 100.000 lính nghĩa vụ vào cuối thập kỷ này. Các quan chức Thụy Điển cởi mở về những mối đe dọa ngày càng tăng. Skoog Haslum nói: “Chúng tôi đang phát triển nhưng khá chậm. Thật sự rất khó để phát triển, đặc biệt là khi bạn có năng lực rất, rất hạn chế.”
Mở rộng khả năng kiểm soát biển
Khác với cách định nghĩa của quốc tế, Thụy Điển tự hào có hơn 267.000 hòn đảo bởi quan điểm của họ cho rằng “đảo” là bất cứ mảnh đất khô ráo nào có thể đứng bằng hai chân.
Đồng thời, chiến đấu ở đây không giống như chiến đấu ở Thái Bình Dương rộng lớn. Thủy quân lục chiến Thụy Điển có thể đi đến hầu hết mọi vị trí trong chuỗi đảo của Stockholm, thả hơn chục binh sĩ vào bờ cùng một lúc. Việc bổ sung đường bờ biển dài 2.000 dặm đó vào lãnh thổ dưới sự bảo vệ của liên minh sẽ thay đổi NATO. Đó là một khu vực rộng lớn với các tuyến cáp dữ liệu hỗ trợ phần lớn liên lạc toàn cầu nằm sâu dưới mặt nước. NATO sẽ đưa các căn cứ của Thụy Điển ở phía bắc có thể cạnh tranh với quân đội Nga ở Murmansk và trên Bán đảo Kola.
Các quốc gia Bắc Âu và Baltic không thể đảm bảo được vấn đề tài chính nếu không giữ cho các quần đảo và cửa vào Biển Baltic của họ luôn mở để duy trì thương mại trong khu vực. Và NATO sẽ có được một lực lượng hải quân có năng lực, có thể xử lý các vùng nước nông có độ sâu dưới 200 feet rải rác với các vịnh, đảo, eo biển hẹp và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Đã có nhiều tàu của NATO hơn ở Biển Baltic trong hai năm qua kể từ khi Nga kiểm soát nhiều vùng đất ở Ukraine. Đồng thời, các nước Bắc Âu đã hợp tác theo dõi các tàu Nga vượt biển. Bắt đầu từ bờ biển phía tây của Na Uy, các quốc gia Bắc Âu theo dõi các tàu Nga suốt chặng đường quay trở lại St. Petersburg bằng các cảm biến cố định và di động, truyền tín hiệu đến từng quốc gia khi các tàu này đi qua vùng Baltic.
Các tàu Nga từng theo sát các tàu Mỹ trong khu vực. Họ theo dõi mọi tàu Mỹ ra vào biển Baltic. Khi Thụy Điển gia nhập NATO, công việc này sẽ phải có những điều chỉnh. Giờ đây, kế hoạch của Điện Kremlin là bao vây và cho thấy sự hiện diện của họ đối với Anh, chặn cửa phía Tây của Biển Bắc. Người Nga dường như có tham vọng rất lớn với việc muốn giữ cho các tuyến đường thương mại được mở qua vùng Baltic và phụ thuộc rất nhiều vào vùng biển này để đến St. Petersburg và Kaliningrad, nơi có những ngành công nghiệp quân sự của Điện Kremlin, bao gồm cả các nhà máy đóng tàu cho tàu mặt nước và tàu ngầm, có khả năng bắn tên lửa hành trình.
Dù Hạm đội Baltic của Nga phần lớn còn nguyên vẹn, hầu hết binh lính và tàu chiến của Điện Kremlin đều đặt mối quan tâm ưu tiên cho cuộc xung đột ở Ukraine. Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cho biết: “Nga hiện có đường biên giới dài với NATO… nhưng không điều động thêm lực lượng”. “Nếu họ muốn đầu tư thêm lực lượng, họ sẽ phải trả giá”.
Người Thụy Điển có ba khẩu hiệu về cách họ huấn luyện chiến đấu: Trốn vào trong, chạy ra ngoài nhanh và đánh mạnh. Và họ có thể gây khó khăn hơn cho người Nga bằng cách khai thác các eo biển hẹp trước khi phóng tên lửa vào đối thủ. Bên cạnh đó, vẫn còn 50.000 quả mìn dưới đáy biển Baltic từ hai cuộc Chiến tranh thế giới, buộc tàu thuyền phải di chuyển ở những góc chật hẹp chứa đầy chất nổ.
Vị trí địa lý của Thụy Điển cũng sẽ siết chặt sức ép đối với Nga. Mọi thứ ở Kaliningrad và St. Petersburg giờ đây sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa NATO. Gotland tạo cơ hội cho Thụy Điển và NATO xây dựng một trung tâm hậu cần hoặc ngăn chặn các nỗ lực của hải quân Nga nhằm quấy rối các tuyến đường vận chuyển của các nước phương Tây. Vịnh Bothnia gần các căn cứ biển phía bắc của Nga hơn rất nhiều so với biên giới của NATO hiện nay.
Mặt khác, các nước NATO sẽ phải bảo vệ một quốc gia Bắc Âu lớn và nằm trong tầm tấn công của tên lửa Nga. Bên cạnh đó, Nga cuối cùng cũng đã gây khó khăn cho Thụy Điển với hàng loạt thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng mà nước này đã chủ ý thực hiện khi thông báo tham gia NATO của Thụy Điển được công bố vào tháng 5/2022. Bất chấp điều đó, Thụy Điển vẫn tiếp tục thực hiện lựa chọn của mình. Mặc dù sự thay đổi quân sự trong nước diễn ra tương đối chậm, nhưng sự thay đổi chính trị lại diễn ra một cách nhanh chóng đến điên cuồng.
Sau hai thế kỷ trung lập, đa số người Thụy Điển chỉ bắt đầu ủng hộ việc trở thành thành viên NATO vào tháng 3/2022, một tháng sau khi Nga thực hiện Chiến dịch quân sự vào Ukraine. Một tháng sau, con số đó tăng lên gần 60%.
Tại Brussels, các đồng minh NATO sẵn sàng chào đón họ với vòng tay rộng mở. Tuy nhiên, họ vẫn còn có cảm giác hoài nghi về việc quá trình này đã diễn ra nhanh như thế nào.
Lược dịch: Duy Hưng
Tác giả: Jack Detsch là phóng viên Lầu Năm Góc và an ninh quốc gia tại Foreign Policy. Bài biết được thực hiện bởi Trung tâm Chiến lược Hàng hải, hợp tác với Đại học Quốc phòng Thụy Điển.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]