Cuộc xung đột ở Biển Đỏ hiện nay lần đầu tiên đã khiến thế giới chú ý đến tiềm năng của việc sử dụng máy bay không người lái giá rẻ vào những trận hải chiến. Nhiều nhà bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc nhóm Houthi sử dụng những vũ khí thế hệ mới với chi phí thấp trong hoạt động tác chiến trên biển, gây trở ngại không nhỏ cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, do nước Mỹ có nguồn lực lớn hơn rất nhiều so với nguồn lực của Yemen nên Mỹ vẫn có thể chiếm ưu thế trong hoạt động đối phó với Houthi. Do đó, câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra không phải là “Yemen có thể đạt được gì với những món vũ khí này” mà là “Trung Quốc có thể làm gì với những vũ khí tương tự hoặc thậm chí tốt hơn?”.
Có nhiều ý kiến nhất trí cho rằng tên lửa đất đối không (SAM) SM-2 và tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow (ESSM)[1], máy bay chiến đấu và pháo lưỡng dụng cỡ nòng 5 inch (hải pháo 12,7 ly) là những loại vũ khí hiện đang được sử dụng để tiêu diệt máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) ở Biển Đỏ khiến Mỹ lo ngại. Một loại UAV cảm tử điển hình có thể kể đến là UAV Shahed-136 của Iran, được sử dụng rộng rãi ở Ukraine với tầm hoạt động ước tính khoảng 1.350 hải lý và có giá thành không quá 50.000 USD được cho là đã được sử dụng để tấn công những con tàu trên biển trong năm nay. Thực tế, trong bối cảnh hải chiến hiện đại, việc mô tả hoặc coi những loại vũ khí này là UAV là một sai lầm. Trên thực tế, chúng nên được phân loại thành một loại tên lửa đối hạm giá rẻ mới (sau đây sẽ gọi chung là CASM), hiệu quả hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo đối hạm đắt tiền, xa xỉ vốn rất được sự chú ý trong thập kỷ qua. Hiện tại, chưa có hệ thống phòng thủ tự động nào phù hợp để sử dụng những loại vũ khí như vậy.
Sự bất cập của các biện pháp đánh chặn động năng (kinetic defenses) hiện tại
Theo truyền thống, các loại tàu chiến thường sử dụng tên lửa đất đối không trang bị trên tàu (có tầm bắn ngắn để có tốc độ và độ chính xác cao) để bảo vệ tàu chiến khỏi các loại tên lửa diệt hạm. Hệ quả của lối tư duy cân bằng giữa tấn công và phòng thủ này khiến cho các loại tên lửa phòng không (SAM) của hải quân nhìn chung có mức giá tương đương với các tên lửa diệt hạm mà chúng dự định đánh chặn.
Lấy ví dụ về một số loại tên lửa SAM mà Mỹ đang sử dụng hiện nay: Tên lửa diệt hạm Harpoon Block II có giá khoảng 1,4 triệu USD, tên lửa SAM ESSM tầm ngắn có giá khoảng 01 triệu USD và tên lửa tầm xa SM-2 có giá khoảng 02 triệu USD. Tuy nhiên, vì các tàu khu trục được những tên lửa SAM này bảo vệ có giá khoảng 2 tỷ USD mỗi chiếc và chỉ có thể mang theo một số lượng SAM hạn chế (tối đa 96 quả SM-2 hoặc 384 quả ESSM), nên nếu chỉ sử dụng biện pháp bảo vệ bằng tên lửa đánh chặn là chưa đủ. 714 quả tên lửa Harpoon (có giá chỉ bằng một nửa chiếc tàu khu trục) sẽ áp đảo khả năng phòng thủ của nó. Để so sánh, số tiền để mua một con tàu khu trục sẽ đủ để những kẻ tấn công mua được 20.000 quả CASM.
Pháo phòng không và pháo hạm hỏa lực mạnh cho khả năng đánh chặn tên lửa chậm hơn với chi phí hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các loại vũ khí này có điểm hạn chế là chúng chỉ có thời gian phản ứng tương đối ngắn và đạn dược chỉ cho phép đánh chặn một số lượng mục tiêu ít (bất chấp việc các loại vũ khí phòng thủ này có độ chính xác cao). Ví dụ: Giả sử khẩu hải pháo lưỡng dụng cỡ nòng 5 inch (12,7 ly) trang bị trên tàu khu trục lớp Aleigh Burke có thể tấn công máy bay ở khoảng cách lên tới 20 hải lý, nó sẽ có 12 phút để đánh chặn UAV với tốc độ 100 hải lý/giờ trước khi các UAV tiếp cận và va chạm vào tàu. Với tốc độ bắn tối đa 20 phát/ phút, khẩu hải pháo này có thể tiêu diệt tối đa 240 quả CASM trước khi chúng tiếp cận và phá hủy tàu (với điều kiện 100% số đạn pháo bắn ra đều bắn trúng mục tiêu). Máy bay chiến đấu trang bị tên lửa không đối không và các loại pháo trang bị trên máy bay cũng có thể là những chọn khác, nhưng tên lửa không đối không hiện tại quá đắt và hầu hết các loại súng thì chỉ có đủ đạn để tiêu diệt hơn 20 tên lửa CASM mỗi lần xuất kích. Do đó, giả sử đối phương sử dụng một lúc 20.000 CASM bắn vào một tàu khu trục thì sẽ cần hơn 600 máy bay chiến đấu để bảo vệ chỉ 1 tàu chiến đó.
Do tính tương đối kém hiệu quả về chi phí của hệ thống đánh chặn đông năng, các lực lượng hải quân truyền thống đã thực hiện một trong hai cách để đảm bảo sự sống còn: hoặc là “tiêu diệt cung thủ” – nghĩa là phá hủy bệ phóng đắt tiền hơn của những quả tên lửa, chẳng hạn như máy bay hoặc tàu chiến trước khi nó khai hỏa, hoặc là ở ngoài phạm vi các bệ phóng của kẻ thù. Trong trường hợp tên lửa Harpoon thông thường có tầm bắn chỉ 80 hải lý, các tàu chiến có thể kết hợp cả hai cách tiếp cận để đảm bảo sống sót. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao CASM lại tiềm ẩn mối đe dọa nghiêm trọng như vậy: tầm bắn hơn 1.000 hải lý cho phép chúng có thể phóng từ đất liền với các bệ phóng mặt đất di động, phân tán, rẻ tiền, vốn không phải là mục tiêu hấp dẫn bằng tên lửa, chúng cũng khó có thể ở ngoài phạm vi hoạt động hiệu quả ví dụ như trong trường hợp dùng với mục đích hộ tống các tàu buôn đến các cảng của Nhật Bản và Đài Loan.
Từ những hạn chế cơ bản của phòng thủ động học, lựa chọn tốt nhất dành cho các bên phòng thủ là sử dụng tác chiến điện tử (EW) để gây nhiễu, phá hoại liên kết giữa tên lửa và bộ điều khiển (có thể chỉ hiệu quả trước các mối đe dọa hiện tại chứ không phải trong tương lai gần) hoặc để phá hủy hệ thống vi mạch điều khiển của các loại vũ khí tấn công. Tác chiến điện tử là một sự lựa chọn tốt vì hai lý do: nó có thể hiệu quả ở tầm xa hơn các loại pháo phòng không thông thường và một hệ thống tác chiến điện tử có thể tấn công nhiều tên lửa cùng lúc. Vì những lợi thế này, tác chiến điện tử có thể sẽ là đối thủ chính chống lại CASM, ít nhất là cho đến khi máy bay không người lái đánh chặn chuyên dụng được phát triển. Trong bối cảnh giá thành của các loại UAV vẫn cực rẻ (chỉ khoảng vài trăm USD) và vẫn hoạt động hiệu quả trên chiến trường Ukraine bất chấp khả năng gây nhiễu của kẻ thù, thì viễn cảnh của việc Hải quân Mỹ sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại để đối phó với các loại CASM có giá hàng chục, hàng trăm đến hàng nghìn USD là còn khá xa vời.
Do chi phí thấp và sự phức tạp khi đối phó với CASM, một quốc gia như Trung Quốc có thể đột ngột tăng cường sản xuất những tên lửa kiểu này để tạo ra hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu tên lửa chỉ trong vài tháng là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Như vậy, ngay cả khi mối đe dọa từ UAV bầy đàn chưa xuất hiện, nó vẫn có thể trở thành mối hiểm nguy thực sự trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điều này hoàn toàn có thể coi là việc sẽ xảy trong một sớm một chiều, đặc biệt là khi các bên đã nắm được lý luận và thực tiễn tác chiến CASM. Tuy nhiên, ngay cả khi các hệ thống phòng thủ mới cũng được cải tiến tương đương thì việc triển khai chúng có thể sẽ đòi hỏi một khối lượng công việc đáng kể đối với các tàu chiến mặt nước của Hải quân và sẽ mất nhiều thời gian.
Một sự thay thế tiềm năng: khi thiết bị đánh chặn được cải tiến
Như chúng tôi đã trình bày, việc phát hiện sớm đòn tấn công của các UAV bầy đàn không phải là giải pháp hiệu quả trừ khi có một phương pháp hiệu quả về mặt chi phí để có thể tấn công, tiêu diệt CASM ở tầm xa. Nếu không, khả năng phòng thủ của các tàu chiến sẽ bị cạn kiệt do tiêu hao trong quá trình phòng thủ. Vũ khí xung điện từ (EMP) trong bối cảnh này có thể coi là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, chúng có thể dễ dàng bị đáp trả khi những quả tên lửa phân tán trong cả không gian và cả thời gian, trừ khi có thể tấn công hiệu quả những quả tên lửa phân tán.
Gắn thêm pháo và thiết bị ngắm bắn đơn giản vào các loại máy bay có người lái hiệu suất thấp là một giải pháp tiềm năng ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, 1 tổ hợp pháo SUU-16 được sử dụng trên F-4 Phantom có cơ số đạn là 1.200 viên, tốc độ bắn 6.000 phát/phút, quá nhanh so với tốc độ cần thiết để thực hiện các cuộc không chiến với những loại máy bay bay chậm. Như vậy, nếu có thể bố trí nhiều tổ hợp pháo nói trên, kết hợp với việc giảm tốc độ bắn, hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả tiêu diệt với cơ số đạn hạn chế. Ước tính, nếu bố trí 04 tổ hợp pháo đôi có tốc độ bắn 600 phát/phút là có thể đảm bảo (về mặt lý thuyết) khả năng tiêu diệt 100 chiếc CASM. Trước mắt, máy bay cất cánh thẳng đứng V-22 Osprey đang nổi lên là một lựa chọn hấp dẫn. Với tốc độ 250 hải lý/giờ, V-22 Osprey đủ nhanh để đánh chặn các mục tiêu có tốc độ chậm như Shahed 136 (100 hải lý/giờ). Nó có đủ tầm hoạt động (và khả năng tiếp nhiên liệu cần thiết) để tác chiến từ các căn cứ trên đất liền hoặc tàu chiến phân tán trong khi bảo vệ hoạt động vận chuyển hàng hải. Do có khả năng cất cánh theo chiều thẳng đứng, V-22 Osprey mang lại khả năng tác xạ tương đối tốt, phù hợp với việc đánh chặn các mục tiêu bay chậm hơn. Quan trọng nhất, hiện đang có khoảng 400 chiếc máy bay loại này và việc lắp đặt bệ pháo kèm thiết bị ngắm bắn đơn giản trên V-22 Osprey là một công việc tương đối tiết kiệm và ít rủi ro.
Rõ ràng, những thiết bị đánh chặn tức thời như vậy không phải mối đe dọa của các vũ khí CASM. Ví dụ: Giả sử có một hạm đội gồm 400 chiếc V-22 Osprey, mỗi chiếc có thể tiêu diệt 100 CASM loại Shahed trong 1 lần xuất kích. Như vậy, hạm đội này có khả năng đánh bại một đàn gồm 40.000 chiếc CASM (giá trị khoảng 2 tỷ USD), tương đương với một con tàu khu trục !. Như vậy, trong số các phương án đối phó ở thời điểm hiện tại, tác chiến điện tử là phương pháp duy nhất có thể có hiệu quả chống lại CASM. Tuy nhiên, tình hình Biển Đỏ thời gian qua đã cho thấy khả năng tác chiến điện tử hiện tại có thể không đủ hoặc không thể sử dụng được trong các xung đột cường độ thấp do cần phải giữ bí mật quân sự trước Trung Quốc và Nga. Các tên lửa đánh chặn được cải tiến có thể cho những phương án dự phòng và có những khả năng tác chiến điện tử hiện có, thu hẹp khoảng cách giữa các vũ khí CASM rẻ nhất (có lẽ là dễ bị chặn bởi các hệ thống tác chiến điện tử nhất) và các tên lửa truyền thống đắt tiền hơn, thường là các tên lửa đất đối không (SAM). Hơn nữa, các tên lửa đánh chặn tự chế có thể cho phép Mỹ tránh việc sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử của mình trong các cuộc xung đột cường độ thấp như ở Biển Đỏ hiện nay. Cuối cùng, các biện pháp tác chiến điện tử/đánh chặn tức thời kết hợp có thể cần một khoảng thời gian để các công nghệ mới phát triển đến mức chúng có thể đem lại khả năng phòng thủ toàn diện.
Giải pháp thực sự: củng cố kho dự trữ cho chiến tranh
Trong trường hợp Trung Quốc nhanh chóng tăng cường việc mua sắm, trang bị CASM hoặc khả năng phòng thủ hiện tại của Đài Loan không đủ đối phó với các mối đe dọa hiện tại từ PLA thì việc việc phong tỏa tạm thời ở Chuỗi đảo thứ nhất có thể là điều không thể tránh khỏi. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện lúc này là chuyển hướng một phần những nỗ lực phòng thủ tổng hợp sang tích lũy kho dự trữ lương thực, nhiên liệu, vật tư chiến tranh và các nhu yếu phẩm khác quan trọng hơn ở khu vực chuỗi đảo thứ nhất (đặc biệt là Đài Loan). Như vậy, các nước đồng minh có thể cầm cự được (trước áp lực từ Trung Quốc) cho đến khi phát triển được công nghệ thích ứng, có thể phá vỡ vòng phong tỏa ở Chuỗi đảo thứ nhất. Những nỗ lực như vậy cũng có thể ngăn chặn được phần nào các cuộc tấn công bất ngờ khác (sử dụng các loại tên lửa đẩy công nghệ cao có quỹ đạo dạng tàu lượn[2]), mà những biện pháp phòng thủ CASM chúng tôi trình bày ở trên cũng không thể ngăn chặn hiệu quả.
Trong giai đoạn 2021-2022, có thông tin cho rằng tổng lượng lương thực dự trữ của Đài Loan đủ dùng cho “ít nhất” 06 tháng, than đủ trong 39 ngày, dầu trong 146 ngày và khí đốt tự nhiên trong 11 ngày. Tổng nhập khẩu nông sản của Đài Loan vào năm 2021 lên tới 14,8 tỷ USD, than 16,2 tỷ USD và dầu 31 tỷ USD, với tổng số 62 tỷ USD (tương đương khoảng 7,5% tổng chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm đó). Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ rõ ràng có đủ nguồn lực để mở rộng đáng kể kho dự trữ chiến tranh tại khu vực Chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí có thể chờ đợi sự thích ứng về công nghệ trước khi tiến hành phong tỏa cũng sẽ là một lựa chọn khả thi.
Về lâu dài, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự ra đời của các loại UAV đánh chặn đi cùng với hiệu quả của các loại vũ khí xung điện từ (EMP), các công nghệ tác chiến điện tử mới và các hệ thống phòng thủ điểm tiên tiến sẽ mang lại giải pháp toàn diện cho vấn đề CASM. Tuy nhiên, xét đến tiềm năng sản xuất nhanh chóng và bí mật những loại vũ khí này của các quốc gia hiện nay (đặc biệt là Trung Quốc) và xét đến những lợi ích liên quan đến việc phong tỏa Chuỗi đảo thứ nhất, thì lựa chọn tốt nhất là thực hiện các giải pháp tạm thời, thậm chí “lo xa”, bao gồm cả việc tăng cường dự trữ chiến lược với tốc độ nhanh nhất có thể./.
Biên dịch: Duy Hưng
Về các tác giả
Ben Ollerenshaw chuyên gia về mảng chiến lược hạt nhân và nghiên cứu chiến lược trong chương trình An ninh Quốc tế tại Đại học Macquarie, Sydney, Australia. Email: [email protected].
Julian Spencer-Churchill là Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Concordia – tác giả các cuốn sách Militarization and War (2007) và Strategic Nuclear Sharing (2014). Ông đã xuất bản nhiều bài viết về các vấn đề an ninh và kiểm soát vũ khí của Pakistan, đồng thời hoàn thành các hợp đồng nghiên cứu tại Văn phòng Xác minh Hiệp ước tại Văn phòng Bộ trưởng Hải quân Mỹ và Văn phòng Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDO). Ông đã tiến hành nghiên cứu thực địa ở Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập. Julian Spencer-Churchill cũng là cựu sĩ quan tác chiến của Trung đoàn Công binh dã chiến số 3 từ cuối Chiến tranh Lạnh cho đến ngay sau vụ 11/9. Tweet: @Ju_Sp_Churchill.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] Tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow (ESSM) là phiên bản cải tiến của tên lửa RIM-7 Sea Sparrow được dùng để bảo vệ tàu chiến khỏi đòn tấn công từ trên không của tên lửa hoặc máy bay của đối phương.
[2] Boost-glide missiles. Khác với các loại tên lửa thông thường sau khi bắn sẽ bay theo quỹ đạo đường đạn hình vòng cung (tên lửa đạn đạo) hoặc bay theo lập trình với độ cao nhất định so với mặt nước để tiếp cận mục tiêu (tên lửa hành trình), tên lửa quỹ đạo lượn được phóng lên bầu khí quyển phía trên như các loại tên lửa đạn đạo thông thường, các phương tiện lượn siêu thanh (Hypersonic Glide Vehicle – HGV) thực chất là các đầu đạn tên lửa sẽ được tách ra để bay ở tầm thấp hơn, tốc độ nhanh hơn (có thể đạt tốc độ siêu thanh), theo quỹ đạo dạng tàu lượn để tiếp cận mục tiêu. Ví dụ điển hình là tên lửa siêu thanh Avangard của Nga.