Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã và đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực với phạm vi ảnh hưởng bao trùm hầu hết các khu vực trên toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á với vị trí địa chiến lược đặc biệt, đã trở thành một trong số ít trọng tâm chính của cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường. Vốn là không gian sinh tồn của Việt Nam, việc nghiên cứu khu vực Đông Nam Á trong cuộc đua tranh Mỹ - Trung có ý nghĩa thực tiễn lớn đối với các nhà khoa học trong nước. Các tác giả của những bài viết dưới đây cũng không phải ngoại lệ. Nghiên cứu Chiến lược trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết có chủ đề "Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung" với phần 1: Mỹ tham vọng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và phản ứng của ASEAN của tác giả Nguyễn Minh Anh và phần 2: Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc hiện nay và một số thách thức đặt ra với Việt Nam của tác giả Tấn Anh.
Vai trò của Đông Nam Á đối với Trung Quốc
Khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc trên nhiều khía cạnh. tương tác trong khu vực đã tạo ra được một mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Dưới đây là một số khía cạnh quan trọng về vai trò của khu vực Đông Nam Á đối với Trung Quốc.
Mặt kinh tế: Khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trong những trọng tâm kinh tế quan trọng nhất thế giới và có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đông Nam Á là một nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng cho Trung Quốc, đồng thời cung cấp thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các sản phẩm từ quốc gia này. Trung Quốc đã tận dụng mối quan hệ đầu tư, thương mại với các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và củng cố địa vị kinh tế của mình. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt khoảng 685 tỷ đô la Mỹ[1].
Mặt an ninh: Khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với quyền lợi an ninh và chiến lược của Trung Quốc. Đông Nam Á đối mặt với nhiều vấn đề an ninh như tình trạng bất ổn chính trị, tranh chấp lãnh thổ và an ninh biển. Trung Quốc có một số tranh chấp lãnh thổ trên biển với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Philippines và Việt Nam. Trung Quốc phải đảm bảo an ninh biên giới, an ninh lãnh thổ, an ninh biển để bảo vệ quyền cũng như lợi ích của mình trong khu vực
Mặt chính trị và quân sự: Mối quan hệ chính trị và quân sự trong khu vực Đông Nam Á cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm cách tăng cường quan hệ chính trị, quân sự và an ninh với các quốc gia Đông Nam Á thông qua các cơ chế song phương và đa phương nhằm gia tăng quyền lực, ảnh hưởng và hiện diện của mình trong khu vực. Hợp tác quân sự, an ninh giữa Trung Quốc với Đông Nam Á đã được đẩy mạnh thông qua cuộc diễn tập quân sự chung, trao đổi thông tin quân sự và việc xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, sự gia tăng quyền lực cũng như sự hiện diện quân sự của Trung Quốc cũng gây ra lo ngại và phản đối từ một số quốc gia trong khu vực và các cường quốc khác.
Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc
Chiến lược kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác kinh tế
Với vai trò quan trọng của Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Lạnh, nhất là những năm đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc đã hình thành nên chính sách láng giềng. Đây là chính sách lấy Đông Nam Á là trung tâm của sự phát triển. Họ cố gắng thiết lập và gia tăng tầm ảnh hưởng của mình thông qua những sáng kiến, dự án, đẩy mạnh hợp tác về mọi mặt với ASEAN. Bắc Kinh tiếp tục nâng cao cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương giữa Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Mục tiêu chiến lược của cơ chế này là thúc đẩy hợp tác và liên kết đa tầng nấc giữa các nền kinh tế trong khu vực, góp phần xây dựng một cộng đồng Mê Công – Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng. Cơ chế này cũng hướng tới việc tạo ra những lợi ích chung cho người dân và bảo vệ môi trường sống của lưu vực sông Mê Công – Lan Thương. Trung Quốc đồng thời cũng thúc đẩy cơ chế 4+1 giữa Trung Quốc và 4 nước Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Các cơ chế này đang rạo ra nguy cơ khiến ASEAN bị tách ra làm hai khối riêng biệt là ASEAN lục địa và ASEAN biển đảo
Bên cạnh đó Trung Quốc tiếp tục cụ thể hóa sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) thông qua việc tổ chức hội nghị công tác thúc đẩy xây dựng (BRI) đồng thời ban hành một loạt các văn bản liên quan về thực hiện các dự án nằm trong sáng kiến này. BRI đã nhận được sự ủng hộ khá tích cực từ các quốc gia mà nó đi qua. Năm 2014, để thúc đẩy chiến lược “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc đã chuẩn bị về vốn và tham gia sáng lập một số cơ quan, tiêu biểu như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Chiến lược “Một vành đai, một con đường” giúp Trung Quốc thúc đẩy đầu tư và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và năng lượng, vừa hội nhập vào nền kinh tế thế giới
Chiến lược xây dựng cường quốc biển
Xây dựng cường quốc biển cũng là một mục tiêu quan trọng để Trung Quốc thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” hay mục tiêu “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của mình. Sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong những tham vọng được xác định khi nước này trở thành cường quốc biển là các nước như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam “sẽ không còn gây sóng gió”, mà “phụ thuộc vào Trung Quốc về nền kinh tế, lệ thuộc vào Trung Quốc về chính trị”. Hơn nữa, Trung Quốc tham vọng vươn ra làm chủ đại dương, cạnh tranh quyền bá chủ thế giới với cường quốc hàng đầu khác, không chỉ khai thác đại dương mà còn khai thác các châu lục khác về mặt địa chính trị và địa kinh tế. Để thực hiện được những mục tiêu này của mình, Trung Quốc nhận thấy Đông Nam Á là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng, phá vỡ sự bao vây phong tỏa của Mỹ. Phía Đông của Trung Quốc là khối đồng minh chiến lược Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc. Phía Tây Nam là Ấn Độ, nơi Mỹ đang tăng cường cải thiện mối quan hệ. Đông Nam Á là nơi thuận lợi nhất để Trung Quốc vươn ra biển.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai một chiến lược mạnh mẽ với Đông Nam Á nhằm mở rộng sự ảnh hưởng và lợi ích kinh tế, chính trị trong khu vực này. Chiến lược này được Trung Quốc xây dựng dựa trên các quan điểm và nguyên tắc của nền tảng quyền lực kinh tế và quân sự. Mục tiêu chính của chiến lược này là tạo ra một môi trường thuận lợi để Trung Quốc tận dụng tối đa các tài nguyên và thị trường mới của Đông Nam Á.
Theo đó, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Đầu tiên, Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và hợp tác kinh tế bằng cách cung cấp vốn, công nghệ và nguồn nhân lực cho các dự án phát triển kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc đã thúc đẩy việc tăng cường quan hệ quân sự và hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á để đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc cũng đối mặt với sự phản ứng từ các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ và Nga. Về phía Mỹ, với chiến lược xoay trục mới, họ tỏ ra không hài lòng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và đã áp đặt các biện pháp hạn chế kinh tế, quân sự nhằm ngăn chặn sự mở rộng của Trung Quốc. Mỹ đã tăng cường quan hệ quân sự, an ninh với các quốc gia trong khu vực, như Việt Nam và Philippines, đồng thời thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung để tăng cường sức mạnh quân sự và hiện diện ở Đông Nam Á.
Về phía Nga, mặc dù không có một chiến lược chính thức với Đông Nam Á, đã tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự với một số quốc gia trong khu vực, như Việt Nam và Philippines. Nga đang xem xét việc mở rộng quan hệ quân sự và hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực trong bối cảnh quan hệ Nga – Phương Tây xấu đi.
Tổng kết lại, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược mạnh mẽ với Đông Nam Á nhằm mở rộng sự ảnh hưởng và lợi ích kinh tế trong khu vực này. Mặc dù Trung Quốc đã đạt được một số thành công trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, nhưng chiến lược này đối mặt với sự phản ứng từ các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Sự cạnh tranh và xung đột trong khu vực dự kiến sẽ tiếp diễn trong tương lai, đòi hỏi sự cân nhắc và thay đổi liên tục của các bên để đảm bảo ổn định an ninh trong khu vực Đông Nam Á.
Phản ứng của Mỹ đối với chính sách của Trung Quốc tại Đông Nam Á hiện nay
Trong chiến lược an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ tăng cường các mối quan hệ đồng minh song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Philippines trên cơ sở duy trì đồng thuận về chính trị với những giá trị cốt lõi của quan hệ đồng minh; bảo đảm quan hệ đồng minh linh hoạt để đối phó những thách thức mới. Các quốc gia Châu Á đặc biệt là các quốc gia đang có tranh chấp trên Biển Đông rất ủng hộ chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Đối với khu vực Đông Nam Á, Mỹ muốn thông qua quan hệ với ASEAN để quay trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, ngăn chặn Bắc Kinh thiết lập phạm vi ảnh hưởng độc quyền trong khu vực. Tháng 6/2016, Mỹ đưa ra Sáng kiến “An ninh Hàng hải châu Á – Thái Bình Dương” (MSI) để hỗ trợ nâng cao năng lực an ninh biển cho các đồng minh, đối tác, bảo đảm an toàn giao thông hàng hải, với trọng tâm là Biển Đông. Trong 5 năm đầu Mỹ chi cho các quốc gia Asean bao gồm: Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia, Phippines, Đài Loan, Bangladest, Sri Lanka khoảng 425 triệu USD, bằng nhiều cách thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu của mỗi nước. Thêm vào đó Tháng 5/2022, nhóm QUAD (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đưa ra Chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (IPMDA) nhằm mục tiêu chuyển hóa khả năng của các đối tác ở các đảo Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Ấn Độ Dương có thể giám sát toàn diện vùng nước và bờ biển của quốc gia mình. Theo đánh giá của giới chuyên gia thì đây được xem là sáng kiến để Mỹ giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển, đảo, trong đó có Biển Đông.
Về mặt kinh tế: Mỹ cố gắng cân bằng ảnh hưởng kinh tế với Trung Quốc bằng cách tích cực đầu tư vào ASEAN, đồng thời tìm cách phục hồi chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Về tổng thể, Mỹ đang là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN, nhưng về thương mại, Trung Quốc đang vượt Mỹ trong quan hệ thương mại đối với ASEAN. Theo Báo cáo đầu tư vào ASEAN năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 40 tỷ USD vào ASEAN trong năm 2021, tăng 41% so với năm 2020, tập trung chủ yếu trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, điện năng, hóa dược phẩm[2].
Trong vấn đề cạnh tranh công nghệ, năm 2018, Mỹ đề xuất chương trình “Đối tác kết nối số và an ninh mạng (DCCP)” trong khuôn khổ IPS; tổ chức đối thoại về chính sách không gian mạng, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nước ASEAN để thúc đẩy hệ thống internet mở, an toàn nhằm tăng khả năng can dự của Mỹ trong định hình tương lai kỹ thuật số khu vực. Mỹ đẩy mạnh các chương trình hợp tác Mỹ – ASEAN, như “Chuỗi hoạt động kinh tế số” trong khuôn khổ Khung kết nối Mỹ – ASEAN; thành lập “Đối tác Mỹ – Asean về các thành phố thông minh” (USASCP) để kết nối các thành phố của Mỹ với mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; tổ chức “Đối thoại chính sách mạng Asean – Mỹ” thường niên.
Những thách thức đặt ra đối với Việt Nam
Về an ninh chủ quyền quốc gia: Biển Đông vốn được coi là “Địa Trung Hải” của châu Á. Các học giả Trung Quốc cho rằng, Biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh của Trung Quốc”[3]. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông hòng khống chế tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, bảo đảm tuyến đường biển xuống phía Nam, từ đó tiến ra các đại dương, cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ.
Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực đem đến những thách thức cho Việt Nam trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trên hướng biển, hiện nay Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Còn trên hướng đất liền, Trung Quốc hiện đang gia tăng ảnh hưởng ở Lào và Campuchia – là những nước có vị trí địa – quân sự quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Việt Nam không chủ trương theo đuổi chính sách dân tộc hẹp hòi, song những vấn đề đã từng có với Trung Quốc trong quá khứ buộc Việt Nam cần có những tính toán để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.
Về kinh tế: Việc Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, nhất là trên lĩnh vực kinh tế đã tạo ra những thách thức đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam với các nước này. Do năng lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn và trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có sự tương đồng lớn với các nước Đông Nam Á nên việc tham gia vào thị trường Asean chưa thu được hiệu quả tích cực.
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thương mại song phương cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Nhờ lợi thế về công nghệ và nguồn nhân lực, hàng hóa Trung Quốc thường có giá rẻ, dễ dàng xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, do chưa có chiến lược rõ ràng, lâu dài trong xuất khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên, nhiên liệu thô nên thường có giá trị kinh tế thấp. Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là việc vẫn còn tồn tại các trường hợp thương lái Trung Quốc có các hoạt động thu mua những hàng hóa dị biệt, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo cách tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn. Đến khi thương lái Việt Nam gom đủ hàng thì thương lái Trung Quốc “biến mất”, để lại hậu quả kinh tế nặng nề cho người dân. Mặt khác hoạt động này có nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế và phá hoại cơ cấu, quy hoạch sản xuất của Việt Nam./.
Tác giả: Tấn Anh
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] VOV (2021), Thương mại Trung Quốc năm 2020 tăng bất chấp đại dịch, https://vov.vn/kinh-te/thuong-mai-trung-quoc-nam-2020-tang-bat-chap-dai-dich-830599.vov
[2] “ASEAN Investment Report 2022: Pandemic Recovery and Investment Facilitation”, The ASEAN Secretariat, 10/2022, https://asean.org/wp-content/uploads/2022/10/AIR2022-Web-Online-Final-211022.pdf
[3] Trần Khánh(chủ biên):Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Nam Á-Ba thập niên đầu sau Chiến tranh lạnh, Nxb.Thế Giới, Hà Nội, 2014, tr.142
[4] Toshi Yoshihara & James R. Holmes, “China’s Expanding Maritime Power: Implications for the United States”.
[5] Thomas J. Christensen, The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power, W. W. Norton & Company, US.
[6] Anders Corr (2018), Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the South China Sea, Naval Institute Press, US.
[7] Nguyễn Thùy Trang (2017), “Đông Nam Á trong điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 (2017), tr. 99-104.
[8] Lê Thị Thúy Hiền (2023), “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827403/asean-trong-canh-tranh-chien-luoc-my—trung-quoc-tai-khu-vuc-dong-nam-a.aspx
[9] Hồ Quốc Phú (2017), “Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam”, Tạp chí Điện tử Lý luận Chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1897-chinh-sach-doi-voi-dong-nam-a-cua-trung-quoc-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html.