Trong bối cảnh quân đội Nga hiện kiểm soát gần 1/4 diện tích Ukraine ở phía đông và phía nam, Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine đã được tổ chức trong 2 ngày (15-16/06) tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Luzern, miền Bắc Thụy Sĩ, với sự tham gia của 92 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế. Trong số đó, có 57 nguyên thủ quốc gia tham dự nhưng không có Mỹ và Trung Quốc. Nga, quốc gia trực tiếp tham chiến tại Ukraine không được mời tham dự Hội nghị lần này. Nội dung chính của Hội nghị không phải là bàn về kết thúc chiến tranh, mà là đoàn kết các quốc gia đứng về phía Ukraine và ủng hộ “Công thức Hoà bình 10 điểm” do Tổng thống Zelensky đề xuất, nhấn mạnh vào ba điểm then chốt, gồm: an toàn hạt nhân, an ninh lương thực toàn cầu và hồi hương tù nhân chiến tranh. Đây được coi như một tầm nhìn chung nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho Ukraine theo quan điểm một chiều của Kiev. Kế hoạch này sau đó có thể được trình bày với Nga trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai.
Sau hai ngày làm việc, các bên tham dự Hội nghị đã công bố tuyên bố chung về hoà bình ở Ukraine. 80 trên tổng số 92 quốc gia, bao gồm Ukraine và 4 tổ chức châu Âu đạt đồng thuận cam kết lãnh thổ cho Ukraine và các vấn đề liên quan. Tuyên bố này yêu cầu Nga trả lại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Nga đang kiểm soát; đảm bảo việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn ở Ukraine, đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov, và thả tất cả tù nhân chiến tranh. Tài liệu cũng tuyên bố không chấp nhận mối de doạ hạt nhân từ phía Nga nhằm chống lại Ukraine. Theo đó, các bên ký kết sẽ làm việc theo nhóm về các vấn đề được đề cập. Khi kế hoạch hành động sẵn sàng được thực hiện như đã nêu trong văn kiện, Hội nghị hoà bình lần thứ hai sẽ được cân nhắc diễn ra.
Tuy nhiên, đáng chú ý, nhiều quốc gia thuộc khối BRICS và các nước Nam Bán cầu đã từ chối ký tuyên bố chung, bao gồm Ấn Độ, Armenia, Ả Rập Saudi, Libya, Indonesia, Bahrain, Colombia, Nam Phi, Thái Lan, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Đánh giá của giới chuyên gia
Nếu mục đích của Hội nghị là gia tăng sức ép lên Nga chấm dứt chiến tranh, Kiev dường như đã thất bại trong công cuộc lôi kéo đồng minh của Nga như Trung Quốc và các quốc gia Nam bán cầu có mối quan hệ nhất định với Nga. Yếu tố không thể thiếu trong việc việc tổ chức một hội nghị hòa bình chính là sự tham gia của các bên chủ chốt. Trước khi Hội nghị diễn ra, nhiều chuyên gia cũng phủ nhận khả năng thành công của Hội nghị lần này. Sự vắng mặt của Nga và các nước Nam bán cầu đã làm giảm kỳ vọng về sự đột phá tại Hội nghị. Số lượng quốc gia tham dự liên tục có sự thay đổi trước thềm chính thức diễn ra Hội nghị. Theo con số thông báo ngày 3/6 có 107 quốc gia tham dự, nhưng con số này đã giảm xuống 78 vào ngày 13/6 dù không rõ nguyên nhân của các quốc gia xin rút khỏi hội nghị.
Trong Hội nghị chính thức, khoảng một nửa trong số 90 quốc gia tham gia hội nghị là các nước châu Âu, vốn là đồng minh của Ukraine. Dù là Hội nghị thượng đỉnh phần lớn các quốc gia Nam bán cầu chủ chốt từ chối tham gia hoặc không có sự tham dự của nguyên thủ quốc gia như Indonessia, Ai Cập, Nam Phi, Ả Rập Xê Út…Thủ tướng Modi sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba cũng vắng mặt. Brazil chỉ cử đại diện ở cấp đại sứ, với tư cách quan sát viên. Trung Quốc tuyên bố một hội nghị tìm kiếm hòa bình vắng mặt một bên tham chiến, là Nga, sẽ không có ý nghĩa. Đa số các quốc gia này, dù có đại diện tham dự, cũng không đồng ý với tuyên bố chung được công bố tại Hội nghị.
Trong trường hợp tệ hơn, Hội nghị còn châm ngòi cho những đợt căng thẳng tiếp theo của trận chiến. Trước khi khai mạc Hội nghị, Tổng thống Putin đã đưa ra điều kiện ngừng bắn, trong đó yêu cầu phi hạt nhân hoá tại Ukraine, thiết lập cơ chế trung lập của Ukraine, yêu cầu Ukraine chấp nhận thực tế mới về các lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm ngay lập tức ngày 15/6 đã bác bỏ các điều kiện chấm dứt xung đột ngay lập tức của Tổng thống Nga Putin mới đưa ra, gọi đó là lời kêu gọi Ukraine đầu hàng. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố những điều kiện của Nga sẽ không bao giờ được đáp ứng để thành hiện thực. Trong khi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Vonder Leyen cũng không đồng tình với việc đóng băng cuộc xung đột ở thời điểm hiện tại, cho rằng các nước cần hỗ trợ Ukraine để có một nền hòa bình toàn diện – ngầm ám chỉ những nỗ lực quân sự và ngoại giao để giúp Ukraine có được lợi thế trên chiến trường và bàn đàm phán. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni chỉ trích đề xuất ngừng bắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin “là một lời tuyên truyền hơn là một hành động vì hoà bình”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây không mấy kỳ vọng vào một nền hòa bình cho Ukraine dễ dàng đạt được, càng cứng rắn trong việc hỗ trợ cho Ukraine trong trận chiến này. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã ký một hiệp ước an ninh 10 năm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, được mô tả như sự đảm bảo lâu dài về việc tiếp tục cung cấp vũ khí, hỗ trợ tình báo, tư vấn và công nghệ cho Ukraine. NATO ngày 14/06 cũng tuyên bố sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc điều phối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong Hội nghị hoà bình tại Thuỵ Sĩ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyến bố khoản viện trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine, trong đó 500 triệu USD cho ngành năng lượng và 324 triệu USD cho công tác khắc phục hậu hoạ và cho các nhu cầu khác tại Ukraine, hơn 379 triệu USD từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ để giúp đỡ những người tị nạn và các nhóm khác bị ảnh hưởng bởi xung đột. Na Uy cũng cam kết sẽ cung cấp 1,1 tỷ kroner (96 triệu euro) cho Ukraine để giúp sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp điện cho đất nước trước mùa đông tới.
Các tuyên bố về hòa bình cho Ukraina chắc chắn không mang lại thay đổi đáng kể, triển vọng của xung đột hiện nay phụ thuộc nhiều vào tương quan lực lượng trên chiến trường. Cuộc chiến tại Ukraine chỉ kết thúc khi một trong hai bên gặp bế tắc quân sự hay không thể thắng được nhiều hơn trên mặt trận quân sự. Phương Tây phải đảm bảo Ukraine tồn tại như một quốc gia có chủ quyền. Các cuộc họp như Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới là quá trình đảm bảo sự tồn tại lâu dài cho Ukraine. Để chấm dứt chiến tranh, giới quân sự phương Tây nhận định phương Tây cần làm suy yếu tinh thần chiến đấu của Nga, bằng cách chứng minh phương Tây vượt qua Nga về mặt quân sự và chứng minh sự cam kết dài hạn cho Ukraine. Do đó, phương Tây cần đầu tư nhiều hơn vào sản xuất vũ khí và đạn dược. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ Ukraine trên chiến trường mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng phương Tây sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến kéo dài. Đây là cách thuyết phục Tổng thống Putin rằng ông sẽ không thể giành chiến thắng sẽ tạo ra áp lực để Nga tìm kiếm các giải pháp hòa bình.
Nhận định về tương lai
Xét ở góc độ nhất định, nếu mục đích của Hội nghị là đoàn kết các quốc gia ủng hộ Ukraine, thống nhất một thông cáo chung về điều kiện hoà bình để đàm phán với Nga trong tương lai, Hội nghị có thể coi là một “thành công hạn chế” đối với Ukraine. Ít nhất là đã xác định rõ ràng được một danh sách các quốc gia ủng hộ, nhưng nhân tố quan trọng hàng đầu mà Ukraine kỳ vọng là Mỹ lại không tham dự. Mặc dù hiện tại không có kỳ vọng lớn về việc đạt được hòa bình ngay lập tức, nhưng các cuộc thảo luận và chuẩn bị cho hòa bình vẫn rất quan trọng và cần thiết. Những nỗ lực này có thể không có kết quả ngay lập tức, nhưng chúng đặt nền móng cho các thỏa thuận hòa bình trong tương lai, khi các điều kiện cho phép. Đặc biệt là cả chủ nhà Thuỵ Sĩ và Ukraine đều tính đến trường hợp mời Nga tham dự Hội nghị này trong lần hai nếu Hội nghị được tổ chức. Theo Tổng thống Thuỵ Sĩ, bà Viola Amherd, Hội nghị là “cơ hội để các bên chia sẻ quan điểm, nhằm tìm một giải pháp cho hòa bình ở Ukraine,…để cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho khả năng diễn ra đàm phán trực tiếp giữa các bên có liên quan là Nga và Ukraine”.
Thời gian của Hội nghị lần hai chưa được xác định mà cần phụ thuộc vào tiến độ thực hiện kết quả đạt được từ Hội nghị đầu tiên. Các cuộc vận động ngoại giao của Kiev đã không mang lại kết quả mong muốn. Tờ Politico đưa tin, trong cuộc họp đầu tiên, Kiev đã cắt giảm nội dung thảo luận từ 10 xuống xoay quanh ba vấn đề chính là an toàn hạt nhân, an ninh lương thực và vấn đề trao trả tù nhân, với hy vọng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trước khi công bố tuyên bố chung toàn diện hơn. Dù vậy, điều này dường như cũng không có tác dụng với các quốc gia thân Nga. Trong thời gian tới, Kiev và đồng minh có thể sẽ tích cực lôi kéo các quốc gia duy trì quan hệ với Nga, đặc biệt là Trung Quốc, tham gia Hội nghị vì các quốc gia này có ảnh hưởng đến Moscow trong việc thúc đẩy các đề xuất hòa bình của Ukraine.
Hàng loạt gói trừng phạt từ phương Tây không ảnh hưởng nhiều đến tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga do một số quốc gia đối tác quan trọng, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ đang lấp đầy khoảng trống xuất khẩu dầu của Nga. Năm 2023, lượng nhập khẩu dầu Nga của hai quốc gia này tăng lần lượt là 21% và 111%. Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 75%) cũng như một số quốc gia ở cả châu Phi (tăng 300%) và Trung Đông (tăng 50%) cũng nhập khẩu nhiều dầu của Nga hơn.
Với riêng Trung Quốc, cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc càng đẩy Nga – Trung xích lại gần nhau, nhằm duy trì trục cân bằng với Mỹ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh của hai vị lãnh đạo, hai bên gọi nhau là “tình bạn không giới hạn”, nhấn mạnh mối quan hệ song phương vượt trên một liên minh và không có giới hạn trong các lĩnh vực hợp tác. Thương mại song phương đạt kỷ lục 240 tỷ USD vào năm 2023. Nguồn tin giới quân sự phương Tây cũng tiết lộ Trung Quốc đang liên tục hỗ trợ bán quân sự với các máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, công cụ máy móc và chất bán dẫn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự cho Nga.
Igor Zhovkva, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, trong cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị lần thứ nhất, cho biết mặc dù Trung Quốc, quốc gia chính có ảnh hưởng nhất định đối với Nga, không tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng Ukraine vẫn hy vọng có thể lôi kéo được Bắc Kinh vào cuộc vào một thời điểm nhất định. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy sau Hội nghị tuyên bố rằng Ukraine sẵn sàng lắng nghe quan điểm của Trung Quốc và Brazil về việc kết thúc chiến tranh khi các quốc gia này đồng ý với các nguyên tắc của Hội nghị, ngay cả khi có quan điểm khác nhau. Một bài viết của tờ Politico đề cập rằng, Kiev hy vọng Ả Rập Xê Út sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần hai cho Ukraine, vì nước này ở vị trí thuận lợi để thu hút sự tham gia của Bắc Kinh và có quan hệ tốt với Nga.
Dù vậy, đây sẽ là nỗ lực không dễ dàng với Kiev khi Nga đang nắm lợi thế lớn hơn trên chiến trường. Sự ủng hộ của Trung Quốc cho phép Nga tự tin vào trận chiến này. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc đến khu vực châu Á và Nam Bán cầu ngày càng được củng cố. Trong khi đó, dù có sự cam kết từ phương Tây trong việc duy trì viện trợ cho Ukraine ở chiến trường, kết quả cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ và châu Âu có thể đảo ngược những cam kết trước đó. Nếu cựu Tổng thống Trump vốn hoài nghi về sự tồn tại của NATO tái đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới, một chính sách mới giảm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine là hoàn toàn có thể xảy ra./.
Tác giả: Khánh Ly
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Khalilova, D. (2024, June 16). 78 countries, 4 European institutions sign peace summit’s joint communique. The Kyiv Independent. https://kyivindependent.com/80-countries-4-european-institutions-sign-peace-summits-joint-communique/
[2] Vov B. Đ. T. (2024, June 15). Khai mạc hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/khai-mac-hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-o-thuy-si-post1101758.vov
[3] Báo Gia Lai điện tử. (2024, June 12). Rò rỉ thông tin nhiều nước rời khỏi hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ. Báo Gia Lai Điện Tử. https://baogialai.com.vn/da-co-15-nuoc-rut-khoi-hoi-nghi-hoa-binh-ukraine-o-thuy-sy-post281147.html
[4] Enderlin, S. (2024, June 15). War in Ukraine: Switzerland summit hopes to “inspire a future peace process.” Le Monde.fr. https://www.lemonde.fr/en/international/article/2024/06/15/war-in-ukraine-switzerland-summit-hopes-to-inspire-a-future-peace-process_6674875_4.html
[5] Padmanabhan, K., & Padmanabhan, K. (2024, June 15). Strong European presence at Ukraine peace summit, but thin representation from ASEAN, BRICS & SCO. ThePrint. https://theprint.in/world/strong-european-presence-at-ukraine-peace-summit-but-thin-representation-from-asean-brics-sco/2132704/
[6] Desk, W. (2024, June 18). How world leaders at Ukraine peace summit reacted to Vladimir Putin’s truce terms. The Week. https://www.theweek.in/news/world/2024/06/16/how-world-leaders-at-ukraine-peace-summit-reacted-to-putins-truce-terms-recipe-for-future-war.html
[7] President Meloni’s speech at the Summit on Peace in Ukraine. (2024, June 16). www.governo.it. https://www.governo.it/en/articolo/president-meloni-s-speech-summit-peace-ukraine/26032
[8] Kiểu Oanh. (2024, June 14). Đằng sau thỏa thuận an ninh 10 năm Mỹ ký với Ukraine và kẽ hở dễ bị khai thác. VOV Báo điện tử. VOV.VN. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-thoa-thuan-an-ninh-10-nam-my-ky-voi-ukraine-va-ke-ho-de-bi-khai-thac-post1101503.vov
[9] Siebold, S. (2024, June 14). NATO to take greater role coordinating military aid for Kyiv, says Stoltenberg. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/nato-take-greater-role-coordination-military-aid-kyiv-says-stoltenberg-2024-06-14/
[10] Giang B. (2024, June 15). Mỹ thông báo hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho Ukraine tại hội nghị ở Thuỵ Sĩ. Báo Điện Tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/my-thong-bao-ho-tro-15-ty-usd-cho-ukraine-tai-hoi-nghi-o-thuy-si-post1646534.tpo
[11] RTÉ News. (2024, June 16). ‘Dialogue between all parties’ needed to end Ukraine war. RTE.ie. https://www.rte.ie/news/2024/0616/1454947-ukraine-summit/
[12] Altman, D. (2024, June 18). How to convince Putin he will lose: The West must show that it can outlast Russia in Ukraine. Foreign Affairs. https://www.foreignaffairs.com/ukraine/how-convince-putin-he-will-lose
[13] Gillam, E. L. M. K. (2024, June 16). Swiss President Amherd outlines key points of Ukraine peace summit declaration. Barrons. https://www.barrons.com/news/swiss-president-amherd-outlines-key-points-of-ukraine-peace-summit-declaration-2a09b933
[14] Melkozerova, V. (2024, June 16). Kyiv hopes to achieve peace with Russia through intermediaries. POLITICO. https://www.politico.eu/article/ukraine-war-russia-peace-through-intermediaries/
[15] Infographic: Russia Diverts Oil Exports to India and China. (2024, March 18). Statista Daily Data. https://www.statista.com/chart/31920/average-volume-of-russian-oil-exports-by-country-and-region/
[16] swissinfo.ch, S. W. I. (2024, June 14). Ukraine Struggles to Court Global South Before Swiss Summit. SWI Swissinfo.ch. https://www.swissinfo.ch/eng/ukraine-struggles-to-court-global-south-before-swiss-summit/80682481
[17] HIROYUKI AKITA. (2023, June 11). China-Russia-Iran-North Korea axis heightens the risk of WWIII. (n.d.). Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Comment/China-Russia-Iran-North-Korea-axis-heightens-the-risk-of-WWIII
[18] Zelenskyy open to hear the opinions of China and Brazil if they adhere to Ukraine’s Peace Summit principles. (n.d.). Ukrainska Pravda. Retrieved June 20, 2024, from https://www.pravda.com.ua/eng/news/2024/06/16/7461068/