Hội nghị Thượng đỉnh giữa 3 quốc gia Đông Bắc Á lần đầu tiên diễn ra vào năm 2008 và hội nghị gần nhất cũng đã diễn ra cách đây 5 năm, vào năm 2019 tại Trung Quốc. Nguyên nhân từ sự gián đoạn của đại dịch Covid-19 cùng các tác động từ cục diện thế giới và khu vực đã khiến năm 2024, 3 nước mới nối lại được cuộc họp thượng đỉnh này. Cuộc gặp diễn ra không khí khá căng thẳng ở Đông Bắc Á. Nhà lãnh đạo của cả ba quốc gia đã đạt được những nhất trí trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, ngoại giao nhân dân, đồng thời thể hiện được phần nào mong muốn duy trì mối quan hệ không vượt quá giới hạn của cả ba quốc gia.
Những nội dung chính của cuộc gặp thượng đỉnh
Hợp tác thương mại và ngoại giao nhân dân – những vẫn đề ít nhạy cảm được nhấn mạnh. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ba bên, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề kinh tế, đặc biệt là về chuỗi cung ứng và khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do ba bên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol biết ba nhà lãnh đạo đã đồng ý thúc đẩy trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng an toàn và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung về môi trường, sức khỏe và các vấn đề khác. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ba nước chia sẻ trách nhiệm lớn đối với hòa bình khu vực và Nhật Bản sẽ chủ trì vòng tiếp theo của cuộc gặp lãnh đạo ba bên[1]. Theo tuyên bố của lãnh đạo ba nước và tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp ba bên, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí hợp tác cùng nhau thực hiện Tầm nhìn hợp tác ba bên cho thập kỷ tới được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ 8 và thúc đẩy thể chế hóa các cơ chế hợp tác ba bên giữa ba nước[2].
Hơn 200 doanh nhân từ cả ba nước đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc lần thứ 8 diễn ra hôm thứ Hai (27/5) trong nỗ lực nối lại hợp tác kinh tế và thương mại ba bên với động lực mới sau hơn 4 năm gián đoạn. Tại đây, các bên cũng cam kết nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp ba nước Trung – Nhật – Hàn. Cộng đồng doanh nghiệp ba nước có những phản ứng tích cực với cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo. Họ lên tiếng ủng hộ hợp tác kinh tế ba bên và cam kết hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tạo thuận lợi cho chuyển đổi kỹ thuật số, kích thích thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, ứng phó với các vấn đề già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác[3].
Tuyên bố chung giữa bao quốc gia nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về việc đẩy nhanh đàm phán FTA ba bên, nhằm hiện thực hóa một FTA tự do, công bằng, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi với giá trị riêng của nó”[4].
Ngoài ra, các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, y tế v..v cũng được trao đổi và nhất trí tăng cường hợp tác trong tương lai giữa lãnh đạo của ba quốc gia[5].
Các cuộc gặp song phương nhằm nỗ lực duy trì liên lạc giữa các bên, trao đổi, chia sẻ quan điểm về các vấn đề nóng trong khu vực. Trong cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Trung Quốc và Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon đã yêu cầu Trung Quốc góp phần thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nói về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc với Nga. Trung Quốc và Hàn Quốc nhất trí đẩy nhanh giai đoạn hai của đàm phán hiệp định thương mại tự do và thiết lập đối thoại ngoại giao và an ninh “2+2”.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc, ông Kishida cũng nói với các phóng viên rằng ông bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông, Hồng Kông và khu vực Tân Cương phía Tây bắc của Trung Quốc. Ông cho biết Nhật Bản cũng đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Đài Loan. Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí tổ chức vòng đối thoại kinh tế cấp cao mới và các cuộc họp cơ chế tham vấn trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân cấp cao vào thời điểm thích hợp.
Nhận định về cuộc gặp giữa ba bên và tác động tới khu vực
Điểm khác biệt giữa cuộc gặp năm 2024 so với cuộc gặp gần nhất (năm 2019)
Khác biệt dễ nhận thấy nhất, quan hệ Trung Quốc – Mỹ và Mỹ – Nga đã bị xấu đi rất nhiều. Theo nhận định của PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, quan hệ Mỹ – Trung hiện tại đã chạm ngưỡng xấu nhất kể từ năm 1972, và quan hệ Mỹ – Nga đã chạm mức xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Các điểm nóng mới xuất hiện và chi phối sâu sắc chính sách đối ngoại của các quốc gia, gây ra căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây như Nga – Ukraine và Israel – Hamas. Phương Tây vẫn luôn cáo buộc Trung Quốc giúp đỡ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine bằng việc bán cho Moscow những trang bị lưỡng dụng. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tuyên bố đó là quyền hợp pháp của Trung Quốc khi hợp tác kinh tế với Nga.
Điểm khác biệt thứ ba, mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc nhìn chung có thể đánh giá là không quá tốt đẹp. Các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị đình chỉ trong 12 năm khi mối quan hệ trở nên xấu đi bởi các mâu thuẫn từ lịch sử, bao gồm cả vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Hàn Quốc thường xuyên yêu cầu Nhật Bản bồi thường những tổn thất do Nhật Bản gây ra từ thế chiến hai. Thế nhưng, cho tới năm 2023, đã có cuộc gặp diễn ra giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon, từ đây mối quan hệ giữa hai quốc gia đã có những chuyển biến tích cực hơn. Cuộc gặp Nhật – Hàn góp phần hàn gắn mối quan hệ vốn rạn nứt sau nhiều thập kỷ tranh chấp và mất lòng tin đeo bám hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á[6].
Mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật – Hàn được thắt chặt hơn bao giờ hết. Trong cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên giữa Mỹ – Nhật – Hàn tại trại David năm ngoái, cả ba quốc gia đã ra tuyên bố chung thắt chặt hợp tác về kinh tế và hỗ trợ về quốc phòng. Tuyên bố chung giữa ba quốc gia nhắc tới Trung Quốc một cách gay gắt: “Liên quan đến những hành động nguy hiểm và hung hăng mà chúng tôi đã chứng kiến gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thực hiện các yêu sách lãnh hải bất hợp pháp của họ, chúng tôi… phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”[7]. Cuộc gặp tại Trại David năm ngoái được coi là sự khởi đầu của một liên minh mới.
Không có kết quả đột phá, thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau nhưng né tránh những vấn đề nóng trong khu vực.
Trong bối cảnh Mỹ đang tích cực sử dụng các liên minh để tạo ra ưu thế trước Trung Quốc trong khu vực. Dư luận cho rằng, Trung Quốc là người chủ động mong chờ cuộc gặp thượng đỉnh này hơn để phần nào tháo gỡ những khó khăn mình đang gặp phải. Mục tiêu bao trùm của hội nghị thượng đỉnh ba bên lần này là giảm căng thẳng giữa ba nước Đông Bắc Á, quản lý mối quan hệ và không làm cho nó xấu hơn. Tờ Japan Times cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh lần này có ý nghĩa quan trọng đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Cả hai đều đang tìm cách cân bằng quan hệ khu vực trong bối cảnh có một số bất ổn tiềm tàng về mối quan hệ tương lai của họ với Washington sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 này[8].
Từng bước nhỏ tìm cách cải thiện các vấn đề hợp tác kinh tế, xã hội, v…v, những vấn đề có khả năng hợp tác giữa ba nước nhưng ít mang tính chất nhạy cảm. Kumiko Haba, giáo sư danh dự tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, cho biết: “Thật đáng khen ngợi khi các nhà lãnh đạo của ba nước đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề ở Đông Á không phải thông qua các biện pháp quân sự mà thông qua sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác kinh tế, trao đổi thanh niên và phát triển kinh tế khu vực”[9]. Thương mại giữ vai trò chủ đạo trong suốt quá trình nghị sự giữa ba quốc gia. Bởi ba quốc gia này có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với nhau. Tác động mạnh mẽ đến lợi ích của cả ba quốc gia. Nikkei Asia lưu ý việc nối lại đối thoại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm ba nước đang phải đối mặt với những thách thức chung, đồng thời cho rằng “ngay cả khi căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang không có khả năng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc”[10]. Bên cạnh đó, vấn đề thương mại ít có tính chất nhạy cảm hơn là các vấn đề như Triều Tiên, Đài Loan, biển Hoa Đông hay Ukraine.
Mục đích thứ hai của cuộc gặp là duy trì mối quan hệ giữa ba nước thông qua các cuộc gặp, liên lạc ở các cấp độ khác nhau. Thủ tướng Lý Cường phát biểu: “Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên xử lý một cách thích hợp các vấn đề nhạy cảm và những điểm khác biệt, đồng thời quan tâm đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau. Và thực sự xây dựng một chủ nghĩa đa phương thực sự”[11]. Thể hiện mong muốn tăng cường xây dựng lòng tin giữa ba nước Đông Bắc Á.
Đánh giá về kết quả của hội nghị mặc dù không có kết quả đột phá, nhưng vẫn có những thành công. Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường tập hợp lực lượng, gia tăng hợp tác với các đồng minh. Việc Trung Quốc thiết lập được cuộc gặp thượng đỉnh với chính 2 đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Bắc Á là một bước tiến đáng kể. Hội nghị thể hiện cả ba nước đều có mục đích cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, kiềm chế những khác biệt và bất đồng. Duy trì trao đổi hợp tác về thương mại và đầu tư. Có cơ hội cho ba nước trao đổi thẳng thắn quan điểm của mình với đối phương về các vấn đề nóng liên quan đến các bên, giúp các bên hiểu đúng về suy nghĩ quan điểm của nhau, tránh các tính toán sai lầm ảnh hưởng tới cục diện trong khu vực Đông Á. Cả ba nước đều thống nhau mở rộng kênh hợp tác giao lưu nhân dân
Tác động tới Mỹ
Tờ Washington Post mô tả cuộc gặp là nỗ lực của Bắc Kinh “nhằm chống lại mối quan hệ chặt chẽ hơn của Nhật Bản và Hàn Quốc với Mỹ”[12]. Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, cho biết: “Washington có thể tin tưởng vào các đồng minh của mình trong nỗ lực ngoại giao với Bắc Kinh. Hội nghị thượng đỉnh ba bên Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc thiên về giảm bớt xung đột hơn là định hình lại địa chính trị”[13]. Nhưng với những nền tảng chặt chẽ qua các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ba bên Mỹ – Nhật – Hàn hay các cuộc gặp song phương Mỹ – Nhật, đặc biệt là cuộc gặp tại Trại David trong năm 2023 giữa ba nước đã cho ra tuyên bố chung thể hiện ý chí hợp tác mạnh mẽ giữa các đồng minh. Vì vậy, khó có khả năng cuộc gặp thượng đỉnh ba bên lần này với Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa Nhật, Hàn với Mỹ. Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh với Trung Quốc vừa qua cũng cho thấy Bắc Kinh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và hơn hết nước này là quốc gia láng giềng bên cạnh Nhật, Hàn. Do vậy, Nhật Bản và Hàn Quốc không thể chỉ nghiêng hẳn về một phía với Mỹ mà bỏ qua hẳn quan hệ với Trung Quốc. Tờ Global Times đưa ra nhận xét, cuộc gặp thượng đỉnh nhắc nhở mọi người rằng “các đồng minh của Mỹ có lợi ích riêng của họ để quản lý”[14].
Tác động tới Nga và Triều Tiên
Cùng với đó, mối quan hệ giữa Trung – Nga và Trung Quốc – Triều Tiên cũng sẽ ít bị biến động bởi cuộc gặp thượng đỉnh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Một phần là bởi không có kết quả nào thực sự đột biến trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, thêm vào đó, Triều tiên với Nga vẫn là những đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh của Trung Quốc. Không lâu trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm tới Trung Quốc. Đây là chuyến công du đầu tiên sau khi ông nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 của mình và nhận được sự tiếp đón trọng thị từ Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng trong hội nghị lần này, Trung Quốc chỉ cử Thủ tướng Lý Cường tham dự trong khi về phía Nhật và Hàn là người có quyền lực cao nhất tham dự. Điều này cũng chứng minh cho thấy Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Đánh giá triển vọng hợp tác sau hội nghị
Dư luận mỗi quốc gia có những phản ứng khác nhau về kết quả và ý nghĩa của cuộc họp. Tất cả đều hướng tới một nhận định chung là cuộc gặp giữa ba nước đã không đạt được những kết quả gì nổi bật nhưng cũng mang lại những tín hiệu khả quan. Cuộc gặp thể hiện mong muốn hợp tác giữa ba quốc gia và tác động tích cực tới xu thế hoà bình và ổn định của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Giới quan sát của Trung Quốc cho rằng mặc dù hội nghị thượng đỉnh ba bên khó có thể mang lại kết quả đáng kể hoặc bất kỳ cải thiện nào thay đổi cuộc chơi, nhưng các cử chỉ ngoại giao của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Seoul sẽ mang một số ý nghĩa nhất định[15]. Zheng Zhihua, phó giáo sư nghiên cứu tại Shanghai Jiao, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Tong, cho biết: “Trung Quốc có thể không đặt nhiều hy vọng vào hội nghị thượng đỉnh này. Mặc dù nước này có nhu cầu riêng nhưng khả năng đạt được sự đồng thuận đáng kể hoặc thực hiện các biện pháp quan trọng thông qua hội nghị thượng đỉnh này có thể không được Trung Quốc mong đợi nhiều”.
Woo Su-keun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á của Hàn Quốc và là chủ tịch Hiệp hội toàn cầu Hàn-Trung, cho rằng: “Chính quyền Hàn Quốc vẫn chưa thoát khỏi tư duy Chiến tranh Lạnh lỗi thời. Việc tham gia bất kỳ hình thức đối đầu chống Trung Quốc nào đều gây bất lợi cho an ninh và kinh tế của Hàn Quốc. Quan hệ Hàn-Mỹ tốt đẹp, nhưng quan hệ Seoul-Bắc Kinh cũng phải được cải thiện”[16]. Đảng đối lập Hàn Quốc cũng giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, gia tăng áp lực lên Tổng thống Yoon về việc quản lý tốt hơn mối quan hệ với Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế lâu dài của Seoul.
Sebastian Maslow, chuyên gia quan hệ quốc tế và là phó giáo sư tại Đại học Tokyo cho rằng: “Bằng việc đồng ý quay trở lại hình thức hợp tác ba bên ban đầu được đưa ra vào năm 2008, các nhà lãnh đạo khu vực đã thể hiện nỗ lực bảo đảm và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế, từ đó tăng cường khả năng phục hồi trước các cuộc chiến thương mại mới nếu Donald Trump quay lại Nhà Trắng”[17]. Bổ sung cho luận điểm trên, Satoshi Tomisaka, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Thế giới thuộc Đại học Takushoku cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ tiên tiến, Mỹ đang áp dụng chiến lược ‘sân nhỏ, hàng rào cao’ để loại trừ Trung Quốc trong khi đang tìm kiếm sự hợp tác từ Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước sự bất ổn mà lập trường này của Mỹ có thể mang lại cho thương mại toàn cầu, thế giới đang theo dõi xem liệu Đông Á có thể thiết lập khuôn khổ hợp tác của riêng mình hay không”[18].
Kazuyuki Hamada, học giả kinh tế chính trị quốc tế Nhật Bản và chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Sáng kiến Vành đai và Con đường Nhật Bản-Trung Quốc, đã đánh giá về triển vọng và vai trò của quan hệ ba bên Trung – Nhật – Hàn trong tương lai: “Có nhiều kỳ vọng về việc Nhật Bản và Hàn Quốc, với tư cách là đồng minh của Mỹ, có thể thiết lập sự hiểu biết và hợp tác với Trung Quốc như thế nào, và kết quả của hội nghị thượng đỉnh này được dự đoán là rất quan trọng để đánh giá các động lực quốc tế trong tương lai”[19]./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hyung-Jin Kim, Huizhong Wu (2024), “China premier agrees on cooperation with Seoul, Tokyo but issues veiled rebuke against their US ties”, AP News, https://apnews.com/article/south-korea-china-japan-trilateral-6afe4c3e280995a7fc16696edbd0a345
[2] “Future vision is crucial for revival of China-Japan-S.Korea cooperation: Global Times editorial” (2024), Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202405/1313126.shtml
[3] Xinhua (2024), “China-Japan-South Korea business summit pledges efforts to promote cooperation”, The State Council of China, https://english.www.gov.cn/news/202405/27/content_WS665476c2c6d0868f4e8e7894.html
[4] Kim Eun-jung (2024), “(News Focus) S. Korea-Japan-China summit focuses on boosting economic ties”, Yonhap, https://www.msn.com/en-us/money/other/news-focus-s-korea-japan-china-summit-focuses-on-boosting-economic-ties/ar-BB1n6ZBW?ocid=BingNewsSearch
[5] Ed Davies (2024), “South Korea, China, Japan joint declaration after first summit in four years”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/south-korea-china-japan-joint-declaration-after-first-summit-four-years-2024-05-27/
[6] Nectar Gan, Gawon Bae, Junko Ogura (2023), “Japan and South Korea agree to mend ties as leaders meet following years of dispute”, CNN, https://edition.cnn.com/2023/03/15/asia/south-korea-yoon-japan-visit-regional-security-int-hnk/index.html
[7] Trevor Hunnicutt, Huyonhee Shin (2024), “Major takeaways from US, Japan, South Korea summit”, Reuters, https://www.reuters.com/world/major-takeaways-us-japan-south-korea-summit-2023-08-18/
[8] Gabriel Dominguez, Gabriele Niniivaggi (2024), “In rare talks, Tokyo, Seoul and Beijing agree to step up cooperation”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/05/27/japan/politics/japan-china-south-korea-summit/
[9] Jiang Xueqing (2024), “China-Japan-ROK meeting spurs hopes for more regional cooperation”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202405/27/WS66544a6fa31082fc043c961e.html
[10] Steven Borowiec (2024), “China, Japan and South Korea vow to seek progress on FTA”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/China-Japan-and-South-Korea-vow-to-seek-progress-on-FTA
[11] Hyung-Jin Kim, Huizhong Wu (2024), “China premier agrees on cooperation with Seoul, Tokyo but issues veiled rebuke against their US ties”, AP News, https://apnews.com/article/south-korea-china-japan-trilateral-6afe4c3e280995a7fc16696edbd0a345
[12] Michelle Ye He Lee (2024), “China attempts to counter Japan and South Korea’s closer ties with U.S.”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/world/2024/05/26/china-japan-south-korea-summit-meeting/
[13] Hyung-Jin Kim, Huizhong Wu (2024), “China premier agrees on cooperation with Seoul, Tokyo but issues veiled rebuke against their US ties”, AP News, https://apnews.com/article/south-korea-china-japan-trilateral-6afe4c3e280995a7fc16696edbd0a345
[14] “Future vision is crucial for revival of China-Japan-S.Korea cooperation: Global Times editorial” (2024), Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202405/1313126.shtml
[15] Alyssa Chen (2024), “‘No high hopes’ for China at summit with Japan, South Korea, though revival of 3-way talks marks a start”, South China Morning Post, https://www.msn.com/en-xl/news/other/no-high-hopes-for-china-at-summit-with-japan-south-korea-though-revival-of-3-way-talks-marks-a-start/ar-BB1n1fz4?ocid=BingNewsSerp
[16] “China, Japan and S.Korea should meet, exchange and cooperate more frequently” (2024), Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202405/1313025.shtml
[17] Gabriel Dominguez, Gabriele Niniivaggi (2024), “In rare talks, Tokyo, Seoul and Beijing agree to step up cooperation”, The Japan Times, https://www.japantimes.co.jp/news/2024/05/27/japan/politics/japan-china-south-korea-summit/
[18] Jiang Xueqing (2024), “China-Japan-ROK meeting spurs hopes for more regional cooperation”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202405/27/WS66544a6fa31082fc043c961e.html
[19] Jiang Xueqing (2024), “China-Japan-ROK meeting spurs hopes for more regional cooperation”, Chinadaily, https://www.chinadaily.com.cn/a/202405/27/WS66544a6fa31082fc043c961e.html