Ngày 6/1/2025, Indonesia đã trở thành thành viên chính thức của BRICS, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thời tân Tổng thống Prabowo Subianto. Việc gia nhập BRICS không chỉ mở ra những cơ hội mới cho tiến trình hội nhập toàn cầu của riêng Indonesia mà còn đóng vai trò tiên phong đưa cộng đồng ASEAN góp tiếng nói vào sự trỗi dậy chung của Nam Bán cầu trong nỗ lực định hình cục diện thế giới đa cực.
Nhận định chung về việc Indonesia gia nhập BRICS
BRICS là khối các nền kinh tế mới nổi bao gồm các thành viên chính Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Trước đó một năm, ngày 1/1/2024 BRICS đã tiến hành kết nạp mở rộng nâng số lượng thành viên chính thức lên con số 11 quốc gia với gần một nửa dân số toàn cầu và hơn 41% GDP thế giới. Việc Indonesia trở thành thành viên đầu tiên từ Đông Nam Á gia nhập BRICS thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này trong các vấn đề kinh tế và chính trị toàn cầu[1].
Năm 2025 trở thành một năm khởi đầu mới với sự chuyển giao quyền lực từ người tiền nhiệm Joko Widodo sang chính quyền Tổng thống mới của ông Prabowo Subianto. Một cựu tướng quân đội sẽ lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mà Indonesia đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, kỳ vọng vào vấn đề kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 8% dưới thời chính quyền Tổng thống Prabowo và tạo nhiều việc làm là điều mà nhiều người dân Indonesia mong đợi nhất[2].
Việc tham gia vào BRICS có thể cho thấy chỉ dấu thúc đẩy chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền mới cho thấy ưu tiên hàng đầu của Indonesia là tăng trưởng kinh tế và giữ vững nguyên tắc đối ngoại không liên kết.
Trước hết nhu cầu tăng trưởng kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu trong quyết định gia nhập BRICS của Indonesia. Tân Tổng thống Prabowo đặt mục tiêu đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế hiện nay từ mức 5% lên 8% bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú[3].
Từ mục tiêu đó, gia nhập BRICS giúp Indonesia mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Các quốc gia BRICS như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều là những thị trường lớn với nhu cầu tiêu thụ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ của Indonesia thâm nhập và phát triển. Ngoài ra, sự hợp tác trong BRICS có thể thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực then chốt của Indonesia như cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ngoài ra, chính phủ Indonesia đang thực hiện siêu dự án di dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java đến thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan. Với giá trị vốn cần thiết lên tới 32 tỷ USD, Indonesia có thể tận dụng các cơ chế tài chính của BRICS đặc biệt là từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) để huy động vốn cho các dự án phát triển hạ tầng quốc gia. Chưa dừng ở đó, Indonesia có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia BRICS trong việc phát triển các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế. Sự chia sẻ kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ giữa các thành viên BRICS giúp Indonesia hiện thực hóa mục tiêu tự cung tự cấp trong sản xuất các mặt hàng chủ lực cũng như cắt giảm dần sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu.
Những động thái ngoại giao gần đây, nhất là việc ông Prabowo tích cực thúc đẩy quan hệ với các cường quốc trong khu vực báo hiệu sự năng động hơn trong tư duy và thực tiễn đối ngoại của chính quyền mới[4]. Tư cách thành viên BRICS còn củng cố vị thế chính trị của Indonesia trên trường quốc tế. Là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập BRICS, Indonesia đang khẳng định vai trò cầu nối giữa khu vực và các nền kinh tế mới nổi, đồng thời tăng cường tiếng nói trong các vấn đề toàn cầu. Điều này phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực của Indonesia, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế.
Việc kết nạp Indonesia cũng mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho BRICS. Trước hết, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới và có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với GDP danh nghĩa đứng đầu khu vực. Nền kinh tế của Indonesia thậm chí lớn hơn nền kinh tế của Anh và Pháp. Sự tham gia của Indonesia giúp BRICS mở rộng thị phần trong GDP toàn cầu lên hơn 32%, tăng cường hơn nữa sức mạnh kinh tế của khối[5].
Thứ hai, Indonesia là một trong những nhà sản xuất niken hàng đầu thế giới, cùng với Trung Quốc và Brazil. Hiện BRICS đang quy tụ nhóm các nước thành viên xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới như Nga, Iran, Arab Saudi, UAE dẫn tới có lợi thế hơn so với nhóm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng như G7. Sự góp mặt của Indonesia đã giúp BRICS tiếp cận thêm nguồn cung niken dồi dào, một kim loại quan trọng trong sản xuất pin lithium và công nghệ chip, từ đó tăng cường vị thế của khối trong chuỗi cung ứng toàn cầu[6].
Thứ ba, Indonesia chia sẻ quan điểm với các thành viên BRICS về việc cải cách hệ thống quản trị toàn cầu và nỗ lực tăng cường hợp tác phương Nam toàn cầu. Sự tham gia của Indonesia củng cố tiếng nói chung của các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy lợi ích của khu vực Nam Bán cầu và đóng góp vào việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn.
Thứ tư, Indonesia có quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế – thương mại tốt với đa số quốc gia thành viên BRICS, đặc biệt là với Trung Quốc và Ấn Độ. Việc Indonesia gia nhập BRICS tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế sâu rộng giữa các thành viên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững liên khu vực.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Trước hết, về phía Indonesia, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định việc gia nhập BRICS phù hợp với các giá trị hiến pháp và mục tiêu tham gia toàn cầu của Indonesia. Chính phủ Indonesia nhấn mạnh rằng tư cách thành viên BRICS sẽ phục vụ lợi ích chung của các nước thành viên và Nam bán cầu, mở đường cho sự trỗi dậy tập thể của các quốc gia đang phát triển[7]. Bên cạnh đó, giới truyền thông Indonesia cũng lên tiếng khẳng định việc tham gia BRICS không phải sự đoạn tuyệt hay thu hẹp quan hệ với Mỹ hay đứng về một khối chính trị đối trọng. Đây là khẳng định của tờ The Jakarta Post trong bài viết “Tư cách thành viên BRICS sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ RI với Hoa Kỳ”[8].
Ngoài ra, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhiều hãng truyền thông quốc tế rất quan tâm và đưa tin về sự kiện mở rộng lần này của BRICS. Nhật Bản một thành viên nhóm G7 đã bày tỏ quan điểm sớm nhất về việc Indonesia gia nhập BRICS. Tờ Nekki Asian của Nhật Bản có bài “Indonesia tìm cách khuếch đại tiếng nói của Nam Bán cầu với sự gia nhập BRICS” bình luận rằng ASEAN đang tận dụng BRICS để phòng ngừa trước thách thức từ chính quyền Trump 2.0, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực[9]. Trang nhật báo The Australian (Úc) đã đăng tải bài đánh giá “Mối quan ngại ở phương Tây khi Indonesia gia nhập khối BRICS với tư cách là thành viên chính thức”[10]. Bài viết xoay quanh sự gia nhập của Indonesia được coi là một bước tiến trong việc củng cố liên kết giữa các quốc gia đang phát triển, có thể tạo ra thách thức đối với trật tự kinh tế và chính trị do phương Tây dẫn dắt.
Là một trong các đối tác láng giềng quan trọng tại Đông Nam Á, việc Indonesia tham gia BRICS nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía truyền thông nhà nước Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh và nhiệt liệt chúc mừng Indonesia trở thành thành viên chính thức của BRICS. Việc Indonesia chính thức gia nhập BRICS phục vụ lợi ích chung của các nước BRICS và Nam Bán cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tranh thủ nhắc tới hàm ý về cộng đồng chia sẻ tương lai nước này đang xây dựng[11]. Thời báo Hoàn Cầu cũng trích dẫn bình luận của một số học giả đề cao Indonesia tham gia BRICS là “một xu hướng tất yếu cho trật tự mới”[12].
Trái lại, phản ứng từ phía truyền thông phương Tây thể hiện sự lo ngại về việc Indonesia xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga, hai thành viên có ảnh hưởng lớn trong BRICS. Cụ thể, hãng tin DW (Đức) có bài bình luận sớm “Điều gì sẽ thay đổi khi Indonesia gia nhập BRICS?”[13]. Bài phân tích đặt quan điểm lo ngại những thay đổi “vội vàng” của chính quyền Prabowo sẽ làm thay đổi chính sách đối ngoại trung lập của Jakarta và làm mất cân bằng cán cân lực lượng với phương Tây tại khu vực Đông Nam Á.
Quan sát tổng thể, quá trình Indonesia gia nhập BRICS đã tạo ra những phản ứng đa chiều từ cộng đồng quốc tế, phản ánh sự phức tạp và động lực thay đổi trong quan hệ quốc tế hiện đại. Chủ yếu các nhận định về sự góp mặt chính thức của Indonesia vào một cơ chế nhóm ngoài ASEAN xoay quanh câu hỏi về chính sách của tân Tổng thống Prabowo. Bởi trước đó, dưới thời chính quyền ông Widodo, Indonesia từng từ chối tham gia BRICS tại hội nghị thượng đỉnh của khối được tổ chức năm 2023. Trong bối cảnh sự trở lại của Tổng thống Trump được dự báo sẽ làm cho cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á bước vào một giai đoạn gay gắt hơn. Do vậy, quyết định gia nhập BRICS vào thời điểm nhạy cảm này của Indonesia càng khiến cho phương Tây muốn kiểm chứng chính phủ mới của ông Prabowo sẽ tiếp tục duy trì lập trường không liên kết với bất kỳ cường quốc nào hay không.
Tác động
Thế giới đã trải qua năm 2024 với nhiều biến động địa chính trị trên khắp các điểm nóng toàn cầu, tuy nhiên trong bức tranh chung đó, khu vực Đông Nam Á vẫn giữ được sự ổn định nhất định. Điều này đến từ việc các quốc gia trong khu vực đều có điểm chung là duy trì thống nhất trong một cộng đồng ASEAN. Việc Indonesia tham gia BRICS đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại “không liên kết” của “xứ vạn đảo” đưa đến những chuyển biến đáng kể không chỉ với Indonesia mà còn tạo cho ASEAN những thách thức xen kẽ cơ hội.
Trước hết, tham gia BRICS mang lại cơ hội để Indonesia củng cố vị thế kinh tế và địa chính trị trên trường quốc tế. Hiện tại, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với GDP đạt 5.8 nghìn tỷ USD năm 2024 theo Ngân hàng Thế giới [14]. Gia nhập BRICS mang lại cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư và tài chính mới do BRICS thiết lập. Mối quan hệ thương mại song phương với các quốc gia BRICS cũng sẽ được tăng cường. Indonesia hiện là đối tác xuất khẩu quan trọng nhất với Trung Quốc, việc tham gia BRICS mở ra triển vọng gia tăng kim ngạch thương mại với Nga, Brazil, và Ấn Độ đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, năng lượng và khoáng sản. Nhờ đó, Indonesia có thể giảm sự phụ thuộc vào các thị trường thông thường như Mỹ hoặc châu Âu, vốn có xu hướng biến động và thường bị ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ.
Tuy nhiên, Indonesia cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là đảm bảo rằng lợi ích của BRICS được tính toán đồng đều giữa các quốc gia thành viên. Indonesia phải đảm bảo phân định rõ ràng giữa lợi ích quốc gia và duy trì độc lập kinh tế trước các ảnh hưởng từ các cường quốc khác trong nhóm. Một mặt, Indonesia nên tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại “độc lập và tích cực” đã rất hiệu quả dưới thời ông Widodo để tránh bị ràng buộc vào các tuyên bố đối trọng với phương Tây. Mặt khác, Indonesia cần đảm bảo việc tham gia BRICS không làm ảnh hưởng đến ưu tiên của nước này đối với ASEAN, tổ chức khu vực mà Indonesia là một thành viên quan trọng. Việc duy trì vai trò lãnh đạo trong ASEAN đồng thời tham gia BRICS đòi hỏi Indonesia sẽ cần phải có chiến lược ngoại giao khéo léo và cân bằng.
Đối với Đông Nam Á, về tác động thuận của việc Indonesia tham gia BRICS, ASEAN có thể sẽ có thêm kênh tương tác giữa một bên thể chế khu vực và bên liên khu vực để tham gia tích cực vào tiến trình quản trị toàn cầu. Sự hiện diện của Indonesia trong BRICS có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Đông Nam Á khác trong việc thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại với các thành viên BRICS, mở rộng cơ hội đầu tư và hợp tác kinh tế. Thúc đẩy hợp tác khu vực và tạo hiệu ứng thúc đẩy các nước Đông Nam Á khác xem xét chuyển từ vai trò đối tác sang tham gia chính thức vào khối.
Ngoài ra, tham gia BRICS có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh lương thực, năng lượng và phát triển bền vững. BRICS đã và đang triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực này và sự tham gia của Indonesia có thể mang lại lợi ích cho cả nước này và khu vực Đông Nam Á nói chung. Chẳng hạn, hợp tác trong phát triển lĩnh vực năng lượng sạch có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo và chuyển giao công nghệ mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc Indonesia gia nhập BRICS cũng đặt ra những thách thức lớn đối với sự đoàn kết nội bộ khối và vai trò trung tâm của ASEAN. Một số nước thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về có hay không sự tiếp nối “chính sách đối ngoại láng giềng tốt” dưới thời chính quyền mới. Đồng thời, liệu Indonesia sẽ ưu tiên các lợi ích trong BRICS hơn là trong ASEAN, dẫn đến sự phân tán trong chính sách và mục tiêu chung của khu vực. Để duy trì sự đoàn kết, Indonesia cần đảm bảo rằng việc tham gia BRICS không làm suy giảm ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại với ASEAN và tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu chung của khu vực. Cũng cần lưu ý rằng việc BRICS tiếp cận với thị trường đang phát triển như ASEAN có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong nội khối với nhau trong việc thu hút đầu tư và nguồn lực từ các nền kinh tế lớn. Cần đảm bảo rằng lợi ích từ việc để nguồn động lực phát triển từ BRICS được phân bổ công bằng và không gây ra sự bất bình đẳng trong khu vực
Về mặt địa chính trị, sự tham gia của Indonesia vào BRICS có thể làm thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực. Một cuộc thăm dò năm 2024 cho thấy phần lớn với 50,5% người dân trong ASEAN nói chung sẽ chọn liên minh với Trung Quốc thay vì Mỹ[15]. BRICS với tiếng nói lãnh đạo mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga có thể được coi là đối trọng với sức ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Đặt vào thời điểm cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tại khu vực đang gia tăng, sự tiếp xúc của ASEAN với BRICS nhiều khả năng sẽ kích hoạt loạt chính sách kinh tế cứng rắn của chính quyền Trump 2.0. Vì vậy, việc Indonesia tham gia BRICS có thể khiến một số quốc gia Đông Nam Á khác phải xem xét điều chỉnh chính sách đối ngoại để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới, đồng thời cân nhắc việc tham gia các liên minh hoặc tổ chức quốc tế khác để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Một số hàm ý với Việt Nam
Với định hướng trở thành nước công nghiệp phát triển và vị thế của một cường quốc tầm trung trong tương lai gần, Việt Nam không thể đứng ngoài các cơ chế đa phương để tìm kiếm các động lực thúc đẩy mới. Sự kiện Indonesia tham gia BRICS không chỉ tạo ảnh hưởng đến quan hệ hai khối ASEAN và BRICS mà còn mang lại những hàm ý sâu sắc cho Việt Nam trong việc định hình chiến lược đối ngoại đi kèm với phát triển kinh tế.
Trước hết, không chỉ giữ vai trò dẫn đầu về kinh tế và dân số của Indonesia ở Đông Nam Á, Indonesia còn đóng vai trò cầu nối giữa BRICS và ASEAN thông qua vị trí tiếp giáp hai đại dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường và thu hút đầu tư bên ngoài vào khu vực. Khi đó, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Indonesia trong việc tận dụng các cơ hội mà BRICS mang lại. Việc tiếp cận các nguồn vốn đa dạng từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm đi tiên phong của Indonesia trong đưa ra các chính sách phát triển cân bằng giữa ngoại giao – kinh tế. Với vị thế địa chiến lược tiếp giáp Biển Đông, sở hữu nhiều cảng nước sâu có giá trị luân chuyển cao, tiềm năng khai thác kinh tế biển không kém gì so với Indonesia cùng tư cách là thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường quan hệ thương mại và thu hút đầu tư từ các nước đối tác của BRICS.
Việc Indonesia gia nhập BRICS tạo cho Việt Nam nhiều cân nhắc trong việc xem xét khả năng tham gia các cơ chế hợp tác tương tự để không bị tụt hậu trong khu vực. Tuy nhiên, chủ trương hàng đầu của Việt Nam là không nóng vội, dự trên sự phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác với khối BRICS cũng đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc duy trì cân bằng quan hệ đối ngoại với các đối tác phương Tây. Bởi vậy, Việt Nam cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế[16].
Ngoài ra, sự tham gia của Indonesia vào BRICS có thể ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Cơ chế đồng thuận của ASEAN sẽ trở thành rào cản cho sự thống nhất chung toàn khối nếu một thành viên bất đồng quan điểm. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời tăng cường hợp tác với cả các nước BRICS và các đối tác truyền thống. Việc duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên sẽ giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội phát triển, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ những biến động trong cấu trúc kinh tế và chính trị khu vực và toàn cầu. Đặc biệt chú ý đến vai trò của Trung Quốc trong hợp tác kinh tế và xử lý tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tóm lại, việc Indonesia gia nhập BRICS ngoài hàm ý thúc đẩy nhận thức về toàn cầu hóa còn mang lại cả những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Để tận dụng tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam cần có chiến lược đối ngoại linh hoạt, chủ động tham gia có chọn lọc vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời duy trì tiếng nói độc lập, tự chủ trong việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Ngọc Hương (2025), “BRICS vươn tầm ảnh hưởng”, Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/brics-vuon-tam-anh-huong-post855056.html?
[2] [3] [4] Phạm Hà (2024), “Chính sách đối nội và đối ngoại của tân Tổng thống Indonesia?”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/chinh-sach-doi-noi-va-doi-ngoai-cua-tan-tong-thong-indonesia-post1129711.vov
[5] Rocco Caldero (2025), “Indonesia Joins BRICS: Brazil Confirms Expansion”, The Rio Times. https://www.riotimesonline.com/indonesia-joins-brics-brazil-confirms-expansion/
[6] Prashanth Parameswaran (2024), “Indonesia’s pivotal moment for critical minerals”, Geopolitical Intelligence Services. https://www.gisreportsonline.com/r/indonesia-nickel/
[7] Jayanty Nada Shofa (2025), “Indonesia Officially Becomes BRICS Full Member, Vows to Be Active”, The Jakarta Post. https://jakartaglobe.id/news/indonesia-officially-becomes-brics-full-member-vows-to-be-active
[8] The Jakarta Post (2025), “BRICS membership won’t affect RI ties with US: Envoy”. https://www.thejakartapost.com/world/2025/01/08/brics-membership-wont-affect-ri-ties-with-us-envoy.html
[9] Nana Shibata (2025), “Indonesia seeks to amplify Global South voices with BRICS entry”, Nekki Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indonesia-seeks-to-amplify-Global-South-voices-with-BRICS-entry
[10] The Australian (2025), “Concern in the West as Indonesia joins BRICS bloc as full member”. https://www.theaustralian.com.au/subscribe/news/concern-in-the-west-as-indonesia-joins-brics-bloc-as-full-member
[11] Ministry of Foreign Affairs The People’s Republic of China (2025), “Foreign Ministry Spokesperson’s Remarks on Indonesia Becoming a Full Member of BRICS”. https://www.mfa.gov.cn/eng/xw/fyrbt/202501/t20250106_11527794.html
[12] Ma Ruiqian (2025), “Indonesia’s BRICS membership an example for other SE Asian nations”. Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202501/1326442.shtml?id=11
[13] Wesley Rahn (2025), “What will change with Indonesia entering BRICS?”. Deutsche Welle. https://www.dw.com/en/what-will-change-with-indonesia-entering-brics/a-71240863
[14] World Economics (2025), “Indonesia GDP: $5.859 trillion”. https://www.worldeconomics.com/Country-Size/Indonesia.aspx
[15] Ben Norton (2025), “BRICS grows, adding Indonesia as member: world’s 4th most populous country, 7th biggest economy”, Geopolitical Economy. https://geopoliticaleconomy.substack.com/p/brics-adds-indonesia-member-economy
[16] Lê Mạnh Quốc (2025), “Việt Nam có khả năng trở thành thành viên của BRICS hay không?”, Tạp chí Người đưa tin. https://www.nguoiduatin.vn/viet-nam-co-kha-nang-tro-thanh-thanh-vien-cua-brics-hay-khong-204250109173248707.htm