Rạng sáng ngày 14/4/2024, Iran đã tấn công Israel bằng hàng loạt UAV và tên lửa. Cuộc tấn công xảy ra được cho là tất yếu sau loạt mâu thuẫn tích tụ từ trước đó. Đặc biệt là sự việc Isarel tấn công khu phức hợp Đại sứ quán của Iran tại thủ đô Damascus, Syria gần đây đã trở thành “giọt nước tràn ly”. Cuộc tấn công của Israel khiến nhiều nhân sự cấp cao của Iran thiệt mạng. Iran đã thề rằng sẽ có hành động đáp trả tương xứng và các tuyên bố ngoại giao này đã được hiện thực hóa. Một cuộc chiến mới tại Trung Đông giữa Iran và Israel đã bắt đầu bùng nổ.
Israel tấn công Đại sứ quán Iran – ngòi nổ kích hoạt
Ngày 1/4/2024, Iran đã tố Israel tấn công Đại sứ quán nước này tại Damascus, Syria khiến một chuẩn tướng của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 11 người khác thiệt mạng. Trước đây, Isarel cũng đã từng thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của IRGC. Tuy nhiên, cuộc tấn công vừa qua là một bước leo thang đặc biệt nghiêm trọng khi lần đầu tiên Israel nhắm vào cơ sở ngoại giao của Iran. Vụ việc đánh dấu sự leo thang đáng kể trong căng thẳng giữa Israel và Iran. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào đại sứ quán Iran ở Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2011. Mục tiêu trung tâm của vụ tấn công lần này có thể là nhắm vào chuẩn tướng Mohammed Reza Zahedi. Ông là quan chức cấp cao nhất của Iran thiệt mạng trong một cuộc tập kích, kể từ khi Mỹ phóng tên lửa ám sát tướng Qassem Soleimani của IRGC vào hồi tháng 1/2020. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại Anh, cho biết Zahedi đang giữ vai trò lãnh đạo mọi hoạt động của đặc nhiệm Quds, tại ba mặt trận Palestine, Syria và Lebanon. Al Mayadeen, đài truyền hình thân Iran tại Lebanon, gọi tướng Zahedi là “lãnh đạo đặc nhiệm Quds chuyên trách hỗ trợ cách mạng của nhân dân Palestine và giải phóng khu vực bao gồm Syria cùng Lebanon”. Tình báo Isarel cho rằng Zahedi là người điều hành mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang thân Iran tại Lebanon và Syria, tham gia và lên kế hoạch các vụ tấn công trong lãnh thổ Isarel. Israel cho rằng thông qua các lực lượng ủy nhiệm của mình, Iran đã gây ra những cuộc tấn công vào lực lượng của họ và vị chuẩn tướng Zahedi là người phải chịu trách nhiệm chính cho những vụ tấn công vào Isarel.
Isarel hoàn toàn hiểu rằng những hành động đi ngược lại với Công ước Vience về quan hệ ngoại giao sẽ chịu sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Cách biện hộ cho hành động của Israel theo như Aurel Sari – Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, cho biết: “Israel là quốc gia thứ ba và không bị ràng buộc bởi luật pháp về quan hệ ngoại giao liên quan đến Đại sứ quán Iran ở Syria”[1].
Mặc dù các quy tắc về quan hệ ngoại giao đó là nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng thực sự có rất ít hiệu lực trong trường hợp đánh bom ở Damascus vì chúng chỉ đề cập đến trách nhiệm của “Quốc gia tiếp nhận” – trong trường hợp này là Syria và không nói gì về các cuộc tấn công của nước thứ ba trên lãnh thổ nước ngoài. Một khía cạnh nữa cho rằng, Đại sứ quán có thể mất những biện pháp bảo vệ của công ước Vience nếu nó được sử dụng cho mục đích quân sự như trường hợp nhà ở và các tòa nhà dân sự khác trong thời chiến. Luật pháp quốc tế thường cấm sử dụng vũ lực chống lại một quốc gia có chủ quyền khác, ngoại trừ trường hợp tự vệ. Isarel có thể lập luận cuộc tấn công của mình đang nhắm vào các cá nhân tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại nước này, bao gồm cả thông qua một nhóm vũ trang ủy quyền. Với lời biện hộ như vậy, Israel cho rằng tòa nhà đại sứ quán Iran là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Israel đã tham gia vào cuộc chiến tranh bóng tối kéo dài nhiều năm với Iran, bao gồm nhiều vụ ám sát các nhà lãnh đạo quân sự và nhà khoa học hạt nhân Iran. Vào năm 2021, Mohammad Javad Zarif, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Iran, cho biết trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ rằng chính sách đối ngoại của Iran trong khu vực được xác định bởi các hoạt động quân sự thực địa chứ không phải ngoại giao truyền thống do Bộ Ngoại giao đặt ra. Iran cũng cung cấp vũ khí và tài trợ cho Hezbollah, một lực lượng dân quân Lebanon, đã ném bom miền bắc Israel và cũng có sự hiện diện ở Syria. Trả lời phỏng vấn của CNN, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho rằng: “Theo thông tin tình báo của chúng tôi, đây không phải là lãnh sự quán và đây không phải là đại sứ quán. Tôi nhắc lại, đây không phải là lãnh sự quán và đây không phải là đại sứ quán. Đây là tòa nhà quân sự của lực lượng Quds được cải trang thành tòa nhà dân sự ở Damascus”.
Cuộc tấn công đáp trả của Iran
Trước các hành động thù địch của Israel, việc Iran trả đũa là điều tất yếu. Câu hỏi mà thế giới đặt ra là Iran sẽ trả đũa bằng hình thức nào và quy mô ra sao. Cuộc tấn công của Iran vào rạng sáng ngày 14/4/2024 đã đưa ra các câu trả lời cụ thể.
Cuộc tấn công này có thể kéo cuộc chiến Iran – Israel diễn biến ra sao? Phương Tây cho rằng, Iran có thể mất nhiều hơn là những gì họ có được từ cuộc chiến với Israel. Điều đó khiến các cuộc tấn công của Iran sẽ tiếp diễn một cách thận trọng mà nước này sẽ không làm cho cuộc chiến mở rộng về quy mô. Như Elliott Abrams, chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, cũng cho biết ông tin rằng Iran không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel nhưng có thể nhắm vào lợi ích của Israel[2]. Do khoảng cách địa lý giữa Iran và Isarel, những phương án tấn công hiệu quả là không nhiều. Để tiếp tục huy động lực lượng quân đội tấn công vào Isarel, lực lượng này phải đi qua lãnh thổ của Iraq và Jordan. Dựa theo luật pháp và các công ước quốc tế hiện tại, không dễ để Iran có thể điều quân qua hai nước này. Phương án phù hợp là Iran sẽ tiếp tục tấn công vào Isarel thông qua kho tên lửa hùng hậu của mình, tuy nhiên, tính hiệu quả của phương thức này cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng. Isarel hiện đang sở hữu hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) tân tiến, đã được chứng minh năng lực qua nhiều cuộc chiến. Và hơn hết, Isarel là nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong kịch bản Iran bỏ qua cả nguy cơ này mà vẫn tiếp tục mở rộng một cuộc tấn công vào Isarel, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh của Israel chắc chắn sẽ có những biện pháp can thiệp, vì hoàn toàn có thể xảy ra các “sự cố hạt nhân” liên quan tới cuộc chiến Iran – Israel. Khu vực Trung Đông và các nước Ả rập sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu cuộc chiến này xảy ra.
Các lực lượng vũ trang trong khu vực có sự hậu thuẫn của Iran nhiều khả năng cũng sẽ tham chiến. Nhóm vũ trang Hezbollah trong một tuyên bố đã nêu rõ: “Tội ác của Israel sẽ phải nhận lấy sự trừng phạt”[3]. Iran có thể cung cấp vũ khí và các nguồn lực khác cho Hezbollah thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel ở khu vực, thậm chí là vào lãnh thổ của quốc gia Do Thái. Ngoài Hezbollah, Houthi và các lực lượng khác cũng có thể hưởng ứng cuộc chiến mà Iran phát động.
Không chỉ dừng lại ở việc tấn công Israel, Iran và các lực lượng ủng hộ họ cũng có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ. Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA cho biết Iran đã chuyển tiếp một thông điệp quan trọng tới Mỹ vào cuối ngày thứ Hai, được chuyển thông qua đặc phái viên Thụy Sĩ ở Tehran. IRNA cũng cho biết Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Israel, phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Iran[4]. Về phần mình, Mỹ khẳng định không liên quan đến vụ tấn công, Mỹ không được Isarel thông báo trước về cuộc tấn công nhằm vào Iran hồi đầu tháng 4/2024. Washington cũng tuyên bố sẽ trả đũa những hành động tấn công vào lực lượng của Mỹ đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Việc Iran tấn công vào các cơ sở quân sự của Mỹ có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt có thể gây áp lực buộc Mỹ tác động vào Israel, khiến nước này xuống thang, dừng các hành động thù địch. Đồng thời, nó cũng có thể làm giảm khả năng hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Israel trước các cuộc tấn công của Iran. Tuy nhiên, mặt khác, việc tấn công các lực lượng của Mỹ cũng có thể khiến Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc chiến. Đó sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các lực lượng quân sự của Iran.
Bên cạnh cuộc tấn công quân sự nhằm vào Israel, Iran cũng có thể sử dụng các biện pháp ngoại giao. Iran đã kêu gọi Tổ chức hợp tác hồi giáo (OIC) có những hành động phản ứng quyết liệt hơn trước các hành động thù địch của Israel. Đồng thời, Tehran tìm cách vận động sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực và đặc biệt là Trung Quốc và Nga đối với cuộc chiến của họ với Israel.
Cục diện phức tạp mới ở Trung Đông sau khủng hoảng Iran – Israel
Sau vụ tấn công của Isarel và hoạt động quân sự trả đũa của Iran, tình hình khu vực Trung Đông được dự báo sẽ có những diễn biến theo chiều hướng vô cùng căng thẳng. Cuộc xung đột Iran – Israel sẽ tạo ra tác động nhiều chiều hướng tới các điểm nóng khác ở Trung Đông, đặc biệt là ở dải Gaza. Một mặt, động thái của Iran có thể buộc Isreal tập trung vào việc phòng thủ, giảm các hoạt động nhằm vào người Palestine ở dải Gaza. Nhưng mặt khác, nguy cơ mở rộng chiến tranh có thể khiến tiến trình ngừng bắn, tìm kiếm hòa bình ở Gaza trở nên khó khăn hơn. Sự tham gia của các lực lượng thân Iran như Hezbollah hay Houthi có thể khiến quy mô của cuộc chiến lan rộng ra lãnh thổ nhiều nước trong khu vực Trung Đông. Buộc các quốc gia lân cận phải có nhiều động thái phòng bị, thậm chí là bị kéo vào cuộc chiến này.
Để cuộc chiến không vượt quá tầm kiểm soát, các trung gian hòa giải có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Mỹ
Quan điểm của Mỹ không muốn chiến sự lan rộng vì nếu chiến sự lan rộng sẽ đẩy chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tình thế khó xử. Bởi uy tín của Mỹ trên trường quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ khi Washington luôn giữ quan điểm ủng hộ Isarel. Những cuộc tấn công của Isarel đã gây thương vong lớn cho dân thường Palestine và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza. Ngoài ra, cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Iran là hành động khó có thể biện minh. Những hành động trên đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Isarel đã bắt đầu gặp nhiều thách thức lớn. Vừa qua lần đầu tiên Mỹ đã bỏ phiếu trắng thông qua Nghị quyết ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về việc lên án các hành động của Isarel và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã 6 lần đến để đàm phán kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng nhưng tất cả đều bị chính quyền Tel Aviv phớt lờ. Thêm vào đó, cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới, việc đóng vai trò là một nhân tố quan trọng trong việc kiềm chế các bên tránh leo thang xung đột có thể sẽ là một điểm nhấn để ghi điểm trong mắt người dân đi bầu cử với chính quyền Tổng thống Biden. Không chỉ vậy, Mỹ cũng cần cải thiện mối quan hệ ngoại giao với các nước đồng minh Ả rập khi họ đang ngày càng có xu hướng rời xa Mỹ và thân với Trung Quốc hơn.
Trung Quốc
Kịch bản Trung Quốc đứng ra là nhà trung gian hoà giải cho khu vực Trung Đông là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Trong khi các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm đạt được một thoả thuận ngừng bắn vẫn chưa có những kết quả cụ thể. Trung Quốc có thể đóng vai trò là nhà trung gian hoà giải của khu vực này, nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng và uy tín quốc tế. Uy tín của Mỹ đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi đã ủng hộ Isarel trong khi nước này đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn dân thường Palestine. Uy tín của Trung Quốc cũng đã xây dựng được trong thế giới Ả rập khi đóng vai trò là trung gian hoà giải giữa quan hệ của Iran và Ả rập xê út. Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã có những chú ý hơn tới khu vực Trung Đông, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm giải quyết các xung đột ở khu vực này. Trong chiến sự diễn ra ở Gaza vào tháng 5/2021, Trung Quốc cũng đã thể hiện vai trò của mình khi đưa ra kế hoạch hoà bình 4 điểm. Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia hoài nghi về nội dung của kế hoạch này. Jonathan Fulton, Phó giáo sư tại Đại học Zayed ở Abu Dhabi, đã tóm tắt năng lực hòa giải của Trung Quốc như sau: “Trung Quốc không phải là một bên tham gia nghiêm túc trong vấn đề này. Nói chuyện với người dân quanh khu vực, không ai kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng góp vào giải pháp”[5]. Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong số ít các chủ thể quốc tế lớn có quan hệ mang tính xây dựng với Israel và Hamas.
Các quốc gia hồi giáo
Các nước hồi giáo trong khu vực cũng có thể tham gia và đóng vai trò tích cực hơn nếu cuộc xung đột trong khu vực leo thang căng thẳng hơn. Vì đây là khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và an ninh của các quốc gia đó, xung đột lan rộng sẽ chỉ có hại chứ lợi ích chưa có nhiều cho các quốc gia này.
Cuộc tấn công Israel của Iran đang đẩy Trung Đông rơi vào một cuộc chiến cam go mới. Cấu trúc xung đột ở khu vực này đang thay đổi, mâu thuẫn giữa Iran với cộng đồng các quốc gia Hồi giáo đã không còn đáng kể sau khi Iran hòa giải với Saudi Arabia. Thay vào đó, mâu thuẫn đã tập trung dồn về mối quan hệ giữa Iran và Israel. Việc Iran tấn công tên lửa và UAV vào Israel được cho là một tất yếu với hàng loạt các mâu thuẫn tích tụ. Sự việc có thể dẫn tới chiến tranh toàn diện giữa Iran và các lực lượng đồng minh với Israel. Mỹ sẽ buộc phải can thiệp bằng nhiều phương cách. Lò lửa Trung Đông sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường mới./.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Amanda Taub (2024), “Israel bombed an Iranian Embassy complex. Is that allowed?”, The New York Times, https://www.nytimes.com/2024/04/02/world/europe/interpreter-israel-syria-embassy.html
[2] Idrees Ali, Arshad Mohammed (2024), “Many Iranian options to retaliate against Israel, but all carry risk”, Reuters, https://www.reuters.com/world/middle-east/many-iranian-options-retaliate-against-israel-all-carry-risk-2024-04-03/
[3] “Iran say Israels bombs its embassy in Syria, kills commanders” (2024), Reuters, https://www.reuters.com/world/middle-east/israel-bombs-iran-embassy-syria-iranian-commanders-among-dead-2024-04-01/
[4] Nasser Karimi, Kareem Cheayeb (2024), “Tehran vows response after strike blamed on Israel destroyed Iran’s Consulate in Syria and killed 12”, AP news, https://apnews.com/article/iran-syria-israel-hezbollah-gaza-damascus-f7a1af3a9fc67de1962d4f1589d7e9f0
[5] Samuel Ramani (2023), “Can China serve as a mediator in the Gaza war?”, The New Arab, https://www.newarab.com/analysis/can-china-serve-mediator-gaza-war
Bình Luận 1