BBT - Tham vọng tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang vấp phải những bất đồng về quan điểm trong chính nội bộ của tổ chức này. Mặc dù đang có nhiều động lực thúc đẩy ý tưởng tự chủ chiến lược, nhưng cũng có không ít các rào cản khiến EU khó có thể đạt được như ý muốn. Liệu rằng khả năng EU sẽ tự chủ chiến lược được đến đâu? Nó sẽ tác động như thế nào đối với toàn cầu trong bối cảnh hiện nay?
Thực tiễn tự chủ chiến lược của EU trong bối cảnh hiện nay
Tự chủ chiến lược ban đầu được đề cập trong các thảo luận của EU gắn liên với việc cần thúc đẩy năng lực quân sự. Thông cáo của Ủy ban kinh tế – xã hội Nghị viện EU (2013) nhấn mạnh “Châu Âu cần có trách nhiệm đối với an ninh của chính mình và đối với hoà bình, ổn định của thế giới. Điều này đòi hỏi Châu Âu cần có mức độ tự chủ nhất định, Châu Âu cần là một đối tác tin cậy và có đủ khả năng hành động mà không cần phụ thuộc vào bên thứ ba”[1]. Hội đồng Châu Âu sau đó đã nâng tầm và cụ thể hoá các lĩnh vực cụ thể để tăng cường tính tự chủ của EU trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Chiến lược Toàn cầu EU (2016) khẳng định “Tự chủ chiến lược là nhân tố quan trọng đối với mục tiêu đảm bảo hoà bình, an ninh trong và ngoài biên giới của các nước EU. Do vậy, EU sẽ tăng cường năng lực về quốc phòng, an ninh mạng, chống khủng bố, năng lượng. Một nền quốc phòng ổn định, đổi mới và cạnh tranh mang ý nghĩa sống còn đối với sự tự chủ chiến lược của EU”[2]. Trước những thay đổi tình hình thế giới, đặc biệt là đại dịch COVID-19 bộc lộ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung và cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn, nhu cầu tăng cường tự chủ chiến lược của EU trong các lĩnh vực khác bắt đầu được quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borell nhiều lần nhấn mạnh tự chủ chiến lược không nên chỉ được hiểu một cách hạn hẹp trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như thương mại, tài chính và đầu tư, y tế. Điều này không đồng nghĩa với cổ suý cho chủ nghĩa bảo hộ mà là để bảo vệ độc lập chính trị, làm chủ các quyết định và tương lai của mình[3]. Tháng 3/2022, Tuyên bố Versailles của Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu đã chỉ ra định hướng chiến lược mới cho hoạt động của EU[4], trong đó nhấn mạnh việc Châu Âu sẽ tăng cường tự chủ, giảm phụ thuộc, nhất là với các đối thủ cạnh tranh trên 3 trụ cột là an ninh – quốc phòng, năng lượng và kinh tế.
Như vậy, chính sách tự chủ chiến lược của EU chú trọng việc thúc đẩy năng lực và giảm sự phụ thuộc của EU trong các lĩnh vực trọng yếu nhằm đảm bảo sự chủ động và độc lập trong các quyết sách, gồm đối ngoại.
Những vướng mắc trong quá trình EU tiến đến tự chủ chiến lược
Thay đổi tư duy cả một hệ thống cồng kềnh
Tư duy tự chủ chiến lược của EU dù đã xuất hiện từ lâu nhưng việc có thể thuyết phục được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên là điều không dễ dàng. Phát ngôn của Tổng thống Macron về vấn đề ‘tự chủ chiến lược’ ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết “thay vì xây dựng tự chủ chiến lược với Mỹ, Ba Lan đề nghị xây dựng đối tác chiến lược với Mỹ”. Nhiều nước thành viên EU, đặc biệt là các nước vùng Baltic, Bắc Âu, Đông Âu, tỏ ra hoài nghi quan điểm của Tổng thống Macron. Những nước này vốn coi quan hệ với Mỹ là bất khả xâm phạm, đặc biệt là do vai trò quan trọng của Washington về hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga. Theo ông Piotr Mueller, Mỹ và châu Âu chia sẻ các giá trị tương tự, trên thực tế là giống nhau, bao gồm dân chủ, pháp quyền cùng việc xây dựng các hệ thống kinh tế dựa trên các nguyên tắc này. Cần có một quá trình để tất cả các nước thuộc EU có thể thay đổi tư duy phụ thuộc về Mỹ cũng như có sự chủ động hơn trong quyết định và hành động.
Theo học giả Frédéric Mauro, công thức lý tưởng tạo nên tự chủ chiến lược của một quốc gia bao gồm đồng thời cả ba yếu tố ý chí chính trị, khả năng tự quyết định và khả năng hành động. Đồng tình với quan điểm này, Sven Biscop cho rằng, một quốc gia dù có tiềm lực mạnh đến đâu, song nếu thiếu đi nhận thức, ý chí về tự chủ thì sẽ không bao giờ tự quyết định hoặc hành động một cách tự chủ được[5]. Các quốc gia EU cần nhìn nhận tầm quan trọng của sự tự chủ để có thể phát huy tốt vị thế, tiềm năng đang có, đồng thời tìm kiếm thêm sự ủng hộ và thiết lập vị thế mới. Trên thực tế, có rất nhiều quốc gia tầm trung, tiềm lực còn hạn chế song ngày càng thể hiện được các quyết định độc lập dựa cơ sở lợi ích quốc gia của mình, cho dù các quyết định đó có thể gặp phải sức ép lớn từ các cường quốc khác.
Nguồn lực – bàn đạp của sự thay đổi
Cùng với ý chí chính trị và khả năng tự quyết, thì sức mạnh/nguồn lực của một quốc gia là yếu tố quyết định tới việc hiện thực hóa các quyết định/mục tiêu đề ra[6]. Sức mạnh tổng hợp (bao gồm sức mạnh cứng, sức mạnh mềm) càng lớn sẽ giúp các quốc gia khẳng định chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, tối đa hoá khả năng hành động độc lập, và bảo vệ hiệu quả giá trị, lợi ích của mình trên thế giới[7]. Tuy nhiên, sức mạnh của một chủ thể trong quan hệ quốc tế không chỉ được biểu hiện qua các chỉ số sức mạnh cứng như tăng trưởng kinh tế, mức độ đầu tư quân sự, mà còn vào mức độ tự chủ, tự cường, tự chống chọi của chủ thể đó trong các lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là trong tình huống xảy ra khủng hoảng, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Như vậy EU đáp ứng được điều kiện tiềm lực về sức mạnh quốc gia để có thể mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các quyết định cũng như chấp nhận được những rủi ro từ các quốc gia khác hay bối cảnh quốc tế tác động.
Những rạn nứt trong nội khối
Vấn đề lợi ích, sự thiếu tin tưởng của các quốc gia thành viên EU mặc dù dưới sự tác động của cuộc xung đột Nga sức mạnh/nguồn lực- Ukraine thì nhìn từ ngoài có thể thấy liên minh EU đã đoàn kết hơn trong việc đưa ra các quyết định nhưng những vấn đề rạn nứt trong quan hệ có từ lâu vẫn chưa được giải quyết. Yêu cầu cần có một niềm tin rộng lớn hơn và nhận thức tốt hơn về bối cảnh cụ thể ở cấp quốc tế có ý nghĩa quan trọng.
Yếu tố thúc đẩy quá trình EU tự chủ chiến lược ngày càng sâu sắc
Tình trạng phân tách trên nhiều lĩnh vực công nghệ, thương mại, chuỗi cung ứng, các căng thẳng về ngoại giao – chính trị thì nhu cầu tự lực, tự cường trong các lĩnh vực trọng yếu trở nên cấp thiết hơn. Hiện nay, khủng hoảng Nga – Ukraine và những hệ lụy về an ninh năng lượng, sự đứt gãy về đầu tư, tài chính và việc các nước lớn thúc đẩy tập hợp lực lượng mới càng làm cho tự chủ chiến lược trở thành một chủ đề, một xu hướng mới ngày càng nhiều quốc gia theo đuổi để tránh nguy cơ bị rơi vào thế kẹt và có thể xử lý hài hoá quan hệ giữa các nước lớn.
Sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng hoảng nhập cư, an ninh mạng, khủng bố trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn biến phức tạp khiến các quốc gia, ngay cả các nước lớn cũng phải điều chỉnh, tìm cách cân bằng tốt hơn việc tận dụng các nguồn lực, lợi thế toàn cầu và đảm bảo mức độ tự lực cần thiết. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 là chất xúc tác khiến cạnh tranh giữa các nước lớn trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời, phơi bày sự lệ thuộc của các nước vào các chuỗi cung ứng nước ngoài về dược phẩm, làm nảy sinh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung do chính sách kiểm soát biên giới, đóng cửa nền kinh tế của các nước để đối phó với dịch bệnh, thậm chí phục vụ mục tiêu cạnh tranh chiến lược. Trong bài diễn văn tại Viện Nexus, La Haye, ông Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào người khác trong các vấn đề quan trọng. Nếu không có quyền lựa chọn về năng lượng, cách thức phòng thủ, mạng xã hội hay trí tuệ nhân tạo, bạn sẽ bị loại khỏi lịch sử trong giây lát. Châu Âu cần giảm bớt sự phụ thuộc nếu muốn giữ gìn bản sắc riêng”. Chính vì vậy, nhu cầu tự chủ trong các lĩnh vực chiến lược liên quan đến sự sống còn của đất nước trong tình huống khủng hoảng trở nên cấp bách và quan trọng hơn đối với nhiều quốc gia.
“Tự chủ chiến lược” của EU trong bối cảnh trật tự thế giới mới
Kinh tế EU chi phối đến kinh tế thế giới
Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khó đoán định; các cuộc xung đột diễn ra gay gắt; Trung Quốc và một số nước lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ,… làm cho thế giới không còn ở trạng thái hai cực mà có xu hướng chuyển thành đa cực, thì EU chắc chắn sẽ phải thay đổi để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và trở thành một cực của thế giới. “Nền kinh tế của EU hiện tại đang chịu sự tác động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu do xung đột Nga- Ukraine. Việc chịu tác động bởi tăng giá nguồn nhiên liệu năng lượng khiến cho nền kinh tế của EU chậm phát triển, kéo theo đó là lạm phát tăng cao với giá lương thực tiếp tục tăng mạnh. Các doanh nghiệp EU đang phải đối mặt với hóa đơn tiện ích tăng vọt, dẫn đến việc một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Khó khăn nữa cần kể đến đối với EU trong năm 2022 là sự suy thoái toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ suy thoái kinh tế trong từng quốc gia thành viên EU là khác nhau”[8].
Với việc kinh tế EU đang gặp khó khăn thì các quốc gia dù có hợp tác hay không hợp tác thì vẫn phải chịu sự tác động. Các quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác và chủ động trong việc đảm bảo kinh tế quốc gia. Chủ động trong việc sử dụng nguồn cung năng lượng đa dạng, đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và đặc biệt là có chính sách đối ngoại khôn khéo, phù hợp với từng thời điểm.
Việc EU tự chủ trong chiến lược sẽ thúc đẩy phân tuyến quan hệ quốc tế, khiến cho các quốc gia có nhận thức mới trong việc liên minh hay thành lập các tổ chức liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về chuẩn mực luật pháp, cơ chế quốc tế, hợp tác nhưng vẫn đảm bảo lợi ích dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế.
Chắc chắn, EU sẽ vẫn là một tác nhân địa chính trị có ảnh hưởng trong nền kinh tế toàn cầu. các tập đoàn sẽ tiếp tục tìm cách tiếp cận thị trường rộng lớn của EU bằng cách điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tiêu chuẩn sản xuất. Với một nền kinh tế cho phép phát triển công nghệ và thương mại xuyên biên giới, EU có thể trở nên hấp dẫn hơn như một nơi để đổi mới và phát triển nền kinh tế trong tương lai. Và với sức mạnh kinh tế lớn hơn, EU cũng sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn để gây ảnh hưởng chuẩn mực và tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ.
Tham vọng tự chủ chiến lược phần lớn đã không tính đến các tác động bất lợi đối với các quốc gia đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như quy định về dữ liệu, kinh doanh kỹ thuật số mô hình, thuế, chính sách môi trường và tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách của EU hoặc tăng chi phí kinh doanh ở châu Âu hoặc phân biệt đối xử rõ ràng hoặc ngầm chống lại các nhà cung cấp nước ngoài. Những chính sách này có tác dụng tạo ra ít cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp từ các nước đang phát triển, trao quyền các lợi ích, chẳng hạn như các quan chức quốc gia, tham gia vận động hành lang cho các chính sách bảo hộ, và góp phần truyền bá các chính sách bảo hộ trên toàn cầu, đặc biệt là ở quốc gia có năng lực thể chế yếu kém.
“La bàn chiến lược” của EU
Tháng 3/ 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Chiến lược về quốc phòng, an ninh đầy tham vọng – Kế hoạch “La bàn chiến lược”, hướng tới xây dựng vai trò trụ cột an ninh mới và khẳng định EU có đủ năng lực thực hiện các hoạt động quân sự, quốc phòng độc lập. “La bàn chiến lược” đưa ra đánh giá chung về môi trường chiến lược, các mối đe dọa và thách thức an ninh mà EU sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Trong đó xác định, “gấu Nga” đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp về an ninh đối với châu Âu và EU cần phải thành lập ngay lực lượng quân sự đủ mạnh để tự phòng vệ, có thể tham gia xử lý các vấn đề mà không cần phải thông qua NATO.
Tình hình thế giới, khu vực hết sức căng thẳng và khó đoán định, một trật tự thế giới mới có thể sẽ được định hình. Những hợp đồng mua vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, trị giá lớn cùng kế hoạch đầu tư “khổng lồ” cho việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang bị, thiết bị quân sự thế hệ mới của EU nhằm nâng cao khả năng răn đe, giành ưu thế trước các đối thủ và thực hiện các mục tiêu của “La bàn chiến lược” đang tạo ra cuộc chạy đua về “công nghệ cao”, nhất là ngành công nghiệp quốc phòng sẽ tác động đến an ninh, hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong bối cảnh an ninh toàn cầu đang diễn biến khó lường, cục diện địa – chính trị có sự thay đổi mạnh mẽ, việc EU thông qua “La bàn chiến lược” có thể dẫn tới một cuộc chạy đua mới về công nghiệp quốc phòng, tác động không nhỏ đến cục diện thế giới. Dư luận cho rằng, hơn lúc nào hết, các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế cần nhận thức đúng, hành động có trách nhiệm, tăng cường hợp tác, cùng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, chung tay xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển[9].
Tiềm năng với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
EU chủ trương can dự vào khu vực với vai trò là đối tác quan trọng, nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu để xây dựng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thành khu vực tự do và rộng mở cho tất cả các nước; đồng thời, thiết lập các mối quan hệ, hợp tác lâu dài, toàn diện với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, EU xác định 07 lĩnh vực ưu tiên, gồm: thịnh vượng chung và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh; quản trị đại dương; quản trị kinh tế số; kết nối khu vực; an ninh, quốc phòng và an ninh con người. Trên cơ sở đó, EU đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác có giá trị, như: Liên minh Xanh, Mạng lưới Ngoại giao mạng, Thỏa thuận Đối tác số sử dụng trí tuệ nhân tạo, v.v. Đối với các tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực, EU ủng hộ các giải pháp đối thoại hòa bình, giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế; cam kết phối hợp với đồng minh, đối tác, bảo vệ tự do hàng hải, thương mại, xây dựng khu vực ổn định và phát triển[10]. Như vậy với những chiến lược dài hạn của mình, EU với việc tự chủ chiến lược sẽ ngày càng khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng và trách nhiệm đối với khu vực này, thúc đẩy học tập, giao lưu văn hóa, trao đổi công nghệ, hợp tác kinh tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Việc EU tự chủ chiến lược là cơ hội hay thách thức phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược của các giới lãnh đạo mỗi quốc gia, nắm bắt hay từ chối cơ hội. Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương từ lâu đã là một khu vực quan trọng trên thế giới với những quốc gia năng động, là lục địa trẻ và đang phát triển nhanh chóng. Một mặt EU tự chủ sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập, đa dạng hơn lĩnh vực hợp tác với khu vực này, các quốc gia tại đây cần ý thức được hành động, chiến lược riêng để có thể gia tăng lợi ích hiện tại và lâu dài. Mặt khác các quốc gia cũng cần dựa trên bối cảnh trong nước, mục tiêu quốc gia, chiến lược của các cường quốc khác, xu thế của thế giới để không để lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc bị đe dọa.
Nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc
Trung Quốc là một nền kinh tế trẻ với sức tăng trưởng đáng tự hào và cũng là một thị trường lớn với EU. Có một điều dễ dàng có thể nhận ra đó là ngay cả trong tình hình hiện tại, quan hệ của Mỹ và Trung Quốc đang vừa hợp tác vừa đối đầu thì EU vẫn nỗ lực cài đặt quan hệ với Trung Quốc.
Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa EU và Trung Quốc được thể hiện thông qua các hội nghị thượng đỉnh thường niên, các cuộc họp thường xuyên cấp bộ trưởng và hơn 60 cuộc đối thoại chuyên ngành. Đặc điểm nổi bật của mối quan hệ này là khía cạnh kinh tế: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Mỹ và EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Thương mại giữa hai bên hiện ở mức 360 tỷ USD và Trung Quốc được hưởng thặng dư thương mại hàng hóa 200,4 tỷ USD trong năm 2017. Sự thâm hụt đó là hồi chuông báo động các doanh nghiệp châu Âu. Các chính phủ châu Âu rất lo ngại về tác động an ninh quốc gia của đầu tư Trung Quốc vào các lĩnh vực như cảng biển, năng lượng, công nghệ và nông nghiệp. Trong một tài liệu được đệ trình vào tháng trước, EC đã chính thức coi Trung Quốc là một đối thủ. Nhưng cùng với đó vẫn xác định quan hệ đối tác chiến lược. Trung Quốc và châu Âu đồng ý về sự cần thiết phải giải quyết biến đổi khí hậu, duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran mặc dù Mỹ rút lui và ủng hộ trật tự thương mại đa phương[11].
Nga không còn là kẻ thù lớn
Với việc EU hoàn toàn tự chủ chiến lược, không phụ thuộc vào Mỹ thì chắc chắn là tình hình kinh tế của EU có thể không bị khủng hoảng, kinh tế bị lạm phát như hiện nay thông qua việc phản ứng trước hành động của Nga khôn ngoan hơn. Nguồn cung năng lượng của cả EU trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine phần lớn là đến từ Nga, tuy nhiên khi cuộc xung đột xảy ra thì EU và Mỹ đã dùng biện pháp cô lập kinh tế, cụ thể áp giá trần dầu mỏ của Nga đã khiến nguồn cung này bị gián đoạn. EU với đặc điểm vị trí tự nhiên, nhu cầu năng lượng cao để đảm bảo một nền sản xuất công nghiệp lớn nên rất khó khăn để tìm kiếm được một nguồn cung lớn, giá cả hợp lý trong thời gian ngắn.
Nếu EU không lệ thuộc vào Mỹ thì điều đó cũng không chắc chắn rằng EU sẽ nghiêng về phía Nga bởi những lợi ích về năng lượng của Nga mang lại, bởi Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn của thế giới và giữa EU và Mỹ vẫn có những hợp tác, liên minh với nhau trong kinh tế, giáo dục, quân sự, lịch sử.
EU tự chủ chiến lược và cơ hội cho Việt Nam
EU tự chủ chiến lược với mũi nhọn là tự chủ trong kinh tế, an ninh quân sự, phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu, quan hệ quốc tế đa cực. Việt Nam trong bối cảnh hiện tại có những bước đi phù hợp, nắm bắt cơ hội để hợp tác, nâng tầm vị thế, tranh thủ cơ hội, hạn chế rủi ro. Kinh tế EU là một nền kinh tế lớn, Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng và nhập khẩu công nghệ máy móc từ các quốc gia trong liên minh EU. Đồng thời Đông Nam Á là một khu vực phát triển năng động và cũng sẽ mang lại lợi ích đối với các nước EU, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn với dân số vàng, nền kinh tế trẻ, năng động. EU có những điều kiện cao trong hợp tác và nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam cần học hỏi nền sản xuất công nghệ cao để ứng dụng trong nước, đáp ứng được các tiêu chí của quốc tế để mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư./.
Tác giả: Hoàng Bích Phượng
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với BBT Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích:
[1] European Commission: “Communication from the Commission to the European Parliament, the Council, the European Economic and Social Committee and the Committee of the Regions: Towards a more competitive and efficient defence and security sector” (Tạm dịch: Liên lạc từ Ủy ban tới Nghị viện châu Âu, Hội đồng, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu và Ủy ban các khu vực: Hướng tới một khu vực quốc phòng và an ninh cạnh tranh và hiệu quả hơn), ngày 24-7-2013, https://eurlex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:52013DC0542&from=EN
[2] Shared Vision – Common Action: “A Stronger Europe – A Global Strategy for the European Union’s Foreign and Security Policy” (Tạm dịch: Một châu Âu mạnh hơn – Chiến lược toàn cầu cho chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu), The Diplomatic Service of the European Union, ngày 15-12-2019, https://eeas.europa.eu/topics/eu-global-strategy/17304/node/17304_fr
[3] Josep Borell: “Europe’s Watershed Year” (Tạm dịch: Năm đầu nguồn của châu Âu), Project Syndicate, ngày 7-1-2021, https://www.project-syndicate.org/onpoint/europe-covid-response-and-future-agenda-by-josep-borrell-2021-01
[4] “Informal meeting of the Heads of State or Government Versailles Declaration” (Tạm dịch: Cuộc họp không chính thức giữa những người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ tại Véc-xây), ngày 11-3-2022, https://presidence-francaise.consilium.europa.eu/media/qphpn2e3/20220311-versailles-declaration-en.pdf
[5] Evan A.Laksmana (2021), Southeast Asian Militaries: The Need to Boost Strategic Autonomy, https://fulcrum.sg/southeast-asian-militaries-the-need-to-boost-strategic-autonomy/
[6] Vitor Bento (2022), Strategic Autonomy and Economic Power, https://www.taylorfrancis.com/books/mono/10.4324/9781003248392/strategic-autonomy-economic-power-vitor-bento
[7] Suzana Anghel, Beatrix Immenkamp and Elena Lazarou (2020), On the path to ‘strategic autonomy’, https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2020/652096/EPRS_STU(2020)652096_EN.pdf
[8] Đặng Minh Đức. Nguyễn Thanh Lan (2023). Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2022 và triển vọng năm 2023. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827128/kinh-te-lien-minh-chau-au-nam-2022-va-trien-vong-nam-2023.aspx
[9] Đồng Đức. Ngô Văn Tuyến (2022). Đôi nét về chiến lược quốc phòng độc lập của Liên minh Châu âu và những tác động tới an ninh khu vực. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/doi-net-ve-chien-luoc-quoc-phong-doc-lap-cua-lien-minh-chau-au-va-nhung-tac-dong-toi-an-ninh-khu-vuc/19462.html
[10] Minh Đức (2022). Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của các nước lớn. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/an-do-duong-thai-binh-duong-trong-chien-luoc-cua-cac-nuoc-lon/18509.html
[11] trungtammwto.vn https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/12991-quan-he-kinh-te-eu-voi-my-va-trung-quoc-truoc-nga-ba-duongm
Tham khảo thêm:
12. An ninh TV (2023), Tự chủ chiến lược – chặng đường dài của EU, https://antv.gov.vn/the-gioi-7/tu-chu-chien-luoc-chang-duong-dai-cua-eu-B9E0D719F.html
13. Minh Châu (2022), “EU và khó khăn tự chủ chiến lược”, SGGP, https://www.sggp.org.vn/eu-va-kho-khan-tu-chu-chien-luoc-post641024.html
14. Trung Hiếu (2023), Điều đặc biệt trong tư tưởng Macron về EU tự chủ chiến lược và thế giới đa cực, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dieu-dac-biet-trong-tu-tuong-macron-ve-eu-tu-chu-chien-luoc-va-the-gioi-da-cuc-post1013926.vov
15. Vũ Lê Thái Hoàng, Trần Hà My (2022), Xu hướng tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế hiện nay, Tạp chí Cộng sản, hhttps://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/826033/xu-huong-tu-chu-chien-luoc-trong-quan-he-quoc-te-hien-nay.aspx
16. STOA (2023), The future of EU open strategic autonomy, https://epthinktank.eu/2023/04/21/the-future-of-eu-open-strategic-autonomy/
17. Emmanuel Martin (2023), Macron and the European strategic autonomy trope, https://www.gisreportsonline.com/r/strategic-autonomy/