BBT - Khoản nợ khổng lồ và ngày một gia tăng của chính phủ liên bang đã và đang tạo ra sự chia rẽ đặc biệt lớn đối với nền chính trị Mỹ. Nội bộ thượng tầng của nước này chỉ còn ít ngày để thỏa hiệp về việc nâng trần nợ trước khi chính thức cạn kiện ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính lần đầu tiên trong lịch sử. Liệu rằng nguy cơ vỡ nợ đối với Mỹ có thể xảy ra? Cuộc khủng hoảng nợ này có tác động như thế nào đối với kinh tế toàn cầu? Và đồng thời, Việt Nam có thể tham khảo được điều gì?
Tình trạng nợ của Mỹ
Nước Mỹ đang nợ 31,4 nghìn tỷ USD, chạm mức trần nợ vào tháng 1/2023 do Quốc Hội Mỹ đặt ra.[1] Các chính phủ nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ khoản nợ gần 7,6 nghìn tỷ đô la Mỹ – khoảng 31% trái phiếu kho bạc trên thị trường nợ. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2022, GDP của Mỹ chỉ mới là 25,46 nghìn tỷ USD[2]. Nợ liên bang tính theo tỷ lệ GDP đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ này từng chưa đến 35% vào năm 2003.[3]
Các khoản nợ của Mỹ bắt nguồn từ việc chính phủ nước này chi tiêu nhiều hơn thu nhập, dẫn đến thâm hụt và tích lũy qua nhiều năm. Theo Bộ tài chính Mỹ, trong 50 năm qua, chính phủ Mỹ chỉ thặng dư năm lần, và lần gần đây nhất là vào năm tài chính năm 2001. Chính phủ Mỹ đã chi 6,27 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2022, kết thúc vào tháng 9 năm ngoái, tuy nhiên, ngân sách Mỹ chỉ thu được 4,9 nghìn tỷ USD, thâm hụt khoảng 1,38 nghìn tỷ USD. Thực tế việc mất cân bằng tài khóa của Mỹ không phải là lần đầu, tuy nhiên hiện tại, chiến tranh, suy thoái kinh tế và đại dịch COVID-19 đã khiến Mỹ nợ nần chồng chất qua nhiều thế kỷ, và đã đạt đến mức trần nợ mà nước này quy định.
Ngày 7/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo rằng Chính phủ Mỹ có thể mất khả năng thanh toán các hóa đơn. Quốc hội Mỹ cần đưa ra các giải pháp, trước mắt là nâng mức trần nợ để ngăn chặn chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng cạn tiền và vỡ nợ.
Biểu đồ nợ của Mỹ qua các năm. Nguồn: US Treasury Department[4]
Việc vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế Mỹ và đời sống xã hội Mỹ. Đặc biệt hơn, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, do đó, việc Mỹ vỡ nợ sẽ không chỉ gây ra tác động tiêu cực trong phạm vi nước này mà sẽ có ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Khả năng vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ
Mức nợ trần là số tiền tối đa mà Chính phủ Liên bang Mỹ có thể vay để tài trợ cho cá nghĩa vụ mà các nhà lập pháp và tổng thống đã phê duyệt. Mức trần nợ được tạo ra cách đây hơn 1 thế kỷ và đã được sửa đổi hơn 100 lần kể từ Thế chiến thứ 2, gần đây nhất là vào năm 2021, con số này hiện tại là 31,4 nghìn tỷ USD. Mặc dù ban đầu nó được thiết kế để giúp chính phủ Mỹ dễ dàng vay mượn hơn, nhưng giới hạn này đã trở thành một cách để Quốc hội hạn chế sự gia tăng vay nợ. Các nhà lập pháp đã luôn thông qua luật tăng hoặc đình chỉ mức trần để ngăn chặn Mỹ vỡ nợ. Do đó, Mỹ chưa bao giờ thực sự vỡ nợ.
Việc chính phủ Mỹ đạt đến giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sắp hết tiền và mất khả năng thanh toán cho các khoản nợ cũng như các chi phí công. Để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình, chính phủ Mỹ bắt buộc phải huy động thêm tiền. Do đó, Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang muốn Quốc hội nâng mức trần nợ để chính phủ có thể vay thêm tiền. Tuy nhiên, việc vay thêm tiền chỉ là giải pháp tạm thời và có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nên phương án này bị Đảng Cộng hòa phản đối. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang yêu cầu chính phủ Biden phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc nới lỏng trần nợ, nhưng Đảng Dân chủ đã từ chối chấp nhận. Hồi tháng 4, Hạ viện thông qua luật tăng 1,5 ngàn tỷ USD trần nợ, đi kèm cắt giảm chi tiêu 4,8 ngàn tỷ USD[5]. Nhưng Đảng Dân chủ không đồng ý và khẳng định rằng việc cắt giảm chi tiêu công sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội và các chính sách của chính quyền Biden.
Thực tế, việc tăng trần nợ chỉ là giải pháp ngắn hạn, chỉ để giữ khả năng thanh toán của chính phủ Mỹ, chứ không giải quyết món nợ 31,4 nghìn tỷ mà chính phủ liên bang đã sử dụng từ trước tới nay. Tăng trần nợ sẽ cho phép chính phủ Mỹ tiếp tục vay nợ, thông qua việc phát hành trái phiếu, để tiếp tục duy trì khả năng thanh toán của mình. Nhưng điều này cũng sẽ tiếp tục vòng lặp vô hạn về việc vay nợ và trả nợ của Mỹ: vay nợ để trả những món nợ đến hạn. Việc cạn kiệt nguồn tiền chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, trong khi đó Chính phủ Mỹ cần có các giải pháp để kìm hãm sự tăng trưởng và làm giảm nợ công của nước này, có thể là thắt lưng buộc bụng chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, có vẻ các vị tổng thống Mỹ từ trước tới nay đã không có ai có thể xử lý vấn đề này, tất cả các đời tổng thống Mỹ đều nâng mức trần nợ để giữ Mỹ không mất khả năng thanh toán trong nhiệm kỳ của mình, việc còn lại sẽ để cho người kế nhiệm nhiệm kỳ sau, và cứ tiếp tục. Do đó, nợ công của Mỹ có vẻ sẽ không bao giờ được trả hết.
Các lần nâng trần nợ công qua các đời Tổng thống Mỹ. Nguồn: USA TODAY[6]
Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, các cuộc đàm phán giới hạn nợ đã trở thành một công cụ để các nhà lập pháp thảo luận, đàm phán về quy mô của ngân sách liên bang và ngày càng gây nhiều tranh cãi hơn, đáng chú ý nhất là năm 2011. Thỏa thuận nâng trần nợ đạt được chỉ cách 2 ngày so với ngày X – ngày Mỹ chính thức vỡ nợ.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ vỡ nợ nếu một trong hai trường hợp này xảy ra: bỏ lỡ thanh toán lãi cho các khoản nợ của mình hoặc không trả nợ gốc khi đến hạn. Điều này dẫn đến những suy đoán rằng Bộ Tài chính Mỹ có thể ưu tiên thanh toán cho các trái chủ trước các hóa đơn khác. Chỉ cần các trái chủ được trả tiền, kể cả khi các khoản thanh toán khác bị hoãn lại, các cơ quan xếp hạng tính dụng có khả năng phán quyết rằng Mỹ đã tránh vỡ nợ. Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Yellen đã nói rằng bất kỳ khoản thanh toán nào bị bỏ lỡ về cơ bản sẽ dẫn đến vỡ nợ.
Quay lại 2023, ngày 25/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố khẳng định rằng Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ. Ngày 28/5/2023, Hãng thông tấn AP đưa tin Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ Viện McCarthy đã đạt được “thỏa thuận về nguyên tắc” nhằm nâng trần nợ công, giúp nước Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ. Điều cần thiết bây giờ là Quốc hội phải nhanh chóng thông qua gói cắt giảm chi tiêu để ngăn chặn Mỹ vỡ nợ[7]. Thỏa thuận sẽ đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 1/2025, đồng thời giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi các quỹ dành cho COVID chưa sử dụng.
Rõ ràng, các nhà lập pháp Mỹ dù có bất đồng quan điểm giữa hai Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, đều cố gắng đạt được mục tiêu chung là ngăn chăn Mỹ vỡ nợ. Các nhà lập pháp sẽ không để cho Mỹ lâm vào tình trạng vỡ nợ vì tính nghiêm trọng của nó. Trong trường hợp khó khăn nhất, họ sẽ cố gắng để đạt được thỏa thuận tối thiểu có thể là đình chỉ giới hạn nợ hoặc nâng trần nợ công để đảm bảo khả năng thanh toán của chính quyền liên bang trước khi tiến tới các yêu cầu về cắt giảm chi tiêu hay thay đổi chính sách thuế. Do đó, Mỹ sẽ không vỡ nợ, tuy nhiên xét về lâu dài, Mỹ sẽ phải xem xét lại chính sách tài khóa của mình, cân bằng thu chi nếu không muốn tình trạng khủng hoảng nợ diễn ra thường xuyên.
Trong cuốn sách “Chiến tranh tiền tệ”, tác giả Song Hongbing – Cựu Viện trưởng của Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Hoàn cầu (Bắc Kinh) đã viết rằng: “Dưới sự chi phối của nguồn tiền tệ vay mượn, nước Mỹ sẽ mãi mãi không thể hoàn trả hết nợ quốc gia, nợ công ty và nợ tư nhân, bởi vì ngày nước Mỹ hoàn trả hết nợ cũng sẽ chính là ngày đồng USD biến mất. Tổng nợ của Mỹ chẳng những sẽ không giảm xuống mà còn sẽ giống như “hiệu ứng tuyết lăn”, tổng lượng nợ của Mỹ sẽ không ngừng tăng lên theo nhu cầu tăng trưởng tự nhiên của nền kinh tế, đồng thời tốc độ tăng nợ cũng diễn ra ngày một nhanh hơn.”[8]
Hậu quả nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ
Tác động đến nền kinh tế Mỹ
Rõ ràng, việc Mỹ vỡ nợ sẽ trực tiếp gây hậu quả đến nền kinh tế của nước này. Kho bạc Mỹ có thể phải tạm thời trì hoãn các khoản thanh toán hoặc không thực hiện được một số cam kết của mình, có khả năng ảnh hưởng đến khoản thanh toán gốc và lãi đối với nợ của Mỹ, thanh toán An sinh xã hội, trợ cấp cựu chiến binh và lương của nhân viên liên bang, cùng các nghĩa vụ khác. Mỹ có thể ưu tiên trả lãi và gốc trước cho các trái chủ để giảm thiểu hậu quả.
Ông Marcus Noland – Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết “Mỹ vỡ nợ đồng nghĩa với việc giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, lãi suất tăng, giá trị của đồng USD giảm. Nó cũng có thể đi kèm với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ, gia tăng căng thẳng đối với lĩnh vực Ngân hàng và lĩnh vực bất động sản”. Nếu vỡ nợ xảy ra, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên để bù đắp cho rủi ro gia tăng rằng các trái chủ sẽ không nhận được số tiền chính phủ nợ họ. Trong khi đó, lãi suất cho vay, thẻ tín dụng và thế chấp đều dựa trên lãi suất trái phiếu kho bạc, do đó, người Mỹ cũng phải đối mặt với việc tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên Bang FED.
Nhà Trắng đã nói rằng một vụ vỡ nợ kéo dài – nghĩa là kéo dài khoảng 1 quý – sẽ dẫn đến suy thoái nghiêm trọng, làm hơn 8 triệu việc làm và khiến thị trường chứng khoán lao dốc 45%.[9] Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5 điểm % và GDP giảm 6,1 điểm %. Trong khi đó, kể cả khi Mỹ chỉ vỡ nợ ngắn hạn thì cũng sẽ làm mất nửa triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm % và GDP giảm 0,6 điểm %.
Mỹ có thể bị các cơ quan xếp hạng tính dựng hạ bậc xếp hạng tín dụng của đất nước giống như năm 2011, Mỹ đã bị S&P Global Ratings hạ xếp hạng xuống mức AA+. Đồng thời, với việc để xảy ra tình trạng vỡ nợ, Mỹ sẽ tự làm tổn thương vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu, làm đồng USD suy yếu về cả giá trị lẫn vai trò trung tâm của nó trong thương mại và tài chính quốc tế. Điều này cũng có thể thúc đẩy quá trình phi Đô la hóa diễn ra nhanh hơn dưới sự xúc tác của các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Nga. Ông Marcus Noland nhận định rằng sự xói mòn vị thế, vai trò trung tâm hoặc sự thống trị của đồng USD sẽ làm giảm khả năng của Hoa Kỳ trong việc thực hiện một số hình thức ngoại giao kinh tế, tài chính hoặc chính sách trừng phạt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cũng đã cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu, và khả năng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Tác động đến nền kinh tế thế giới
Ngoài ra, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, là đối tác kinh tế hàng đầu của nhiều quốc gia khác và hơn một nửa dự trữ ngoại hối toàn cầu là đồng USD. Mỹ vỡ nợ có thể phá vỡ thị trường nợ kho bạc trị giá 24 nghìn tỷ của Mỹ, khiến thị trường tài chính đóng băng và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế[10]. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định rằng “không một góc nào của nền kinh tế toàn cầu sẽ được tha” nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng,
Nếu Mỹ vỡ nợ, các nhà đầu tư sẽ bán tháo cổ phiếu và trái phiếu chính phủ Mỹ, làm chúng giảm giá, đồng USD cũng theo đó mất giá. Khi đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ giảm giá, các chủ nợ nước ngoài, cụ thể là các quốc gia mua trái phiếu Mỹ sẽ bị giảm giá trị tài sản. Nhật Bản và Trung Quốc là những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Chính phủ Mỹ, cùng nhau sở hữu 2 nghìn tỷ USD – hơn ¼ trong số 7,6 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ do nước ngoài nắm giữ. Giá trái phiếu giảm mạnh có thể làm Trung Quốc và Nhật Bản – các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới tổn thương vì sự sụt giảm dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, không phải chỉ Trung Quốc và Nhật Bản mới chịu sự ảnh hưởng này mà tất cả các quốc gia khác có đầu tư trái phiếu Mỹ và dự trữ ngoại hối bằng đồng USD đều sẽ phải đối mặt chung với hậu quả này. Sự suy giảm dự trữ ngoại hối sẽ khiến các quốc gia có ít tiền hơn để thanh toán cho hàng nhập khẩu thiết yếu hoặc trả nợ nước ngoài. Hơn nữa, lãi suất tăng sẽ khiến các quốc gia có mức nợ công cao sẽ gặp khó khăn hơn trong việc trả lãi suất và nợ, cuối cùng có thể gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Các chủ nợ nước ngoài của Mỹ. Nguồn: U.S. Department of the Treasury[11]
Ngoài ra, nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, Mỹ sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine thiếu đi sự hỗ trợ của Mỹ sẽ mất đi rất nhiều sức mạnh, và có thể dẫn đến một chiến thắng thuộc về Nga sau đó.
Liệu Trung Quốc có hưởng lợi?
Nếu Mỹ vỡ nợ, dù chịu tác động vì là chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ có nhưng cơ hội để tăng cường lợi ích của mình. Trung Quốc chắc chắn sẽ nắm lấy thời cơ này để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân Dân Tệ (NDT) để thay thế đồng USD trong giao dịch tài chính toàn cầu. Derek Scissors, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định “sẽ có một sự thúc đẩy nghiêm túc cho việc phi đô la hóa”[12]. Chính phủ Trung Quốc đã đạt được một loạt thỏa thuận với Nga, Ả Rập Saudi, Brazil và Pháp để tăng cường sử dụng đồng NDT trong thương mại và đầu tư quốc tế. Một quan chức Nga cho biết năm ngoái các nước BRICS, (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đang bàn bạc về việc tạo ra một loại tiền tệ chung cho thương mại xuyên biên giới giữa các nước này. Đây sẽ là những cơ sở để Trung Quốc tăng cường chiến lược của mình.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể nhanh chóng thay thế đồng USD bằng NDT trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tại, trong tất cả các khoản dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ, đô la Mỹ chiếm 58%. Đứng thứ 2 là đồng euro ở mức 20%. Theo IMF, đồng NDT của Trung Quốc chỉ chiếm dưới 3%.[13] Do đó, kể cả khi các quốc gia giảm niềm tin vào đồng USD, các nước cũng cần một quá trình dài để tìm hiểu và chuyển đổi đồng ngoại tệ mạnh, trong khi đó, Euro thậm chí còn vượt trội hơn NDT. Josh Lipsky và Phillip Meng, các nhà phân tích từ Trung tâm Kinh tế Địa lý của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng: “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho đồng đô la Mỹ có thể xuất hiện”[14].
Hàm ý cho Việt Nam
Nếu Mỹ vỡ nợ, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài làn sóng hậu quả. Thứ nhất, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, USD mất giá sẽ làm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ khó khăn hơn vì hàng hóa bị đắt lên so với đồng USD. Cùng với đó, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, việc xuất khẩu sang các thị trường khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, Việt Nam đang nắm giữ 35,2 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ[15] – tương đương khoảng 40% dự trữ ngoại hối của Việt Nam[16], việc đồng USD và trái phiếu Mỹ giảm giá sẽ làm giảm giá trị này trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam, đồng thời làm mất ổn định đồng VNĐ. Tuy nhiên, theo một góc nhìn khác, trong khi đồng USD suy yếu và đồng VNĐ có xu hướng tăng, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện để mua thêm USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối của mình. Nhưng trong kịch bản Mỹ vỡ nợ, việc tích lũy đồng USD không thực sự có nhiều ý nghĩa vì nó sẽ ngày càng mất giá trị.
Trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn luôn được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất trên thế giới. Một nền kinh tế lớn với độ tin cậy cao như Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, trái phiếu và đồng USD đối mặt với việc giảm giá cho thấy rằng không có một công cụ dự trữ nào là an toàn tuyệt đối, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như dịch bệnh, chiến tranh, đã làm nền kinh tế các nước trở nên nhạy cảm hơn với khủng hoảng. Do đó, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực nền kinh tế quốc gia. Một nền kinh tế độc lập, tự chủ có khả năng thích ứng cao hơn với những biến động từ bên ngoài và ít bị tổn thương hơn bởi những biến động đó. Đồng thời, Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào một loại ngoại tệ – USD, mà bắt đầu cần đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của mình bằng các đồng tiền khác như Euro, Bảng Anh, Yên Nhật, Rupee (Ấn Độ), NDT (Trung Quốc)… để hạn chế rủi nếu một đồng tiền xảy ra khủng hoảng.
Nhìn vào tình trạng mất cân bằng nợ công của Mỹ, Việt Nam nên tự nhận thức được sự nguy hiểm của việc mất kiểm soát nợ và chủ động cân bằng nợ công của mình. Việt Nam đã thành công giảm tỷ lệ nợ công từ 61,4% GDP (năm 2017) xuống còn 43,1% (năm 2021), trong đó, nợ nước ngoài giảm còn 38,4% GDP.[17] Việt Nam cần tiếp tục hoàn hiện các công cụ quản lý nợ để kiểm soát tốt tình trạng nợ công của quốc gia./.
Tác giả: Thi Thi
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Tami Luhby (2023) The $31.4 trillion debt dilemma: How the US government spends more money than it collects, CNN, https://edition.cnn.com/interactive/2023/03/politics/government-spending-explainer/
[2] U.S. Bureau of Economic Analysis (BEA), “Gross Domestic Product, Fourth Quarter and Year 2022 (Advance Estimate), https://www.bea.gov/news/2023/gross-domestic-product-fourth-quarter-and-year-2022-advance-estimate (Accessed: 28 May 2023).
[3] Katie Lobosco (2023), Here’s what happened to US federal debt under past presidents, CNN Politics, https://edition.cnn.com/2023/02/10/politics/us-federal-debt-past-presidents/index.html
[4] Tami Luhby (2023) The $31.4 trillion debt dilemma: How the US government spends more money than it collects, CNN, https://edition.cnn.com/interactive/2023/03/politics/government-spending-explainer/
[5] Steven T.Dennis (2023), What’s the Debt Ceiling, and Will US Raise It?, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/business/2023/05/09/what-s-the-debt-ceiling-and-will-the-us-raise-it/73afa78e-eeaa-11ed-b67d-a219ec5dfd30_story.html
[6] Jim Sergent and George Petras (2023), What happens if the US defaults? What you need to know as the debt ceiling deadline nears, USA TODAY¸ https://www.usatoday.com/story/graphics/2023/05/19/debt-ceiling-deadline-default-means/70229158007/
[7] Lisa Mascaro, Mary Clare Jalonick, Zeke Miller and Kevin Freking (2023), Biden, GOP reach debt-ceiling deal, now Congress must approve it to prevent calamitous default, AP, https://apnews.com/article/debt-limit-deal-biden-mccarthy-default-01657c829be119850cd65ab9ffb0626a
[8] Song Hong Bing (2022), Chiến Tranh Tiền Tệ – Phần 1 – Ai Thực Sự Là Người Giàu Nhất Thế Giới, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội,
[9] Ben Werschkul (2023), Debt ceiling: What a US default could look like, https://www.msn.com/en-us/money/markets/debt-ceiling-what-a-us-default-could-look-like/ar-AA1bJRIV
[10] Hanna Ziady (2023), ‘The mother of all crises.’ A US debt default would ricochet around the world, CNN Business,https://edition.cnn.com/2023/05/26/economy/us-debt-default-global-impact/index.html
[11] Paul Wiseman (2023), How the rest of the world’s economy would be affected if the U.S. defaults on its debts, Radio-Canada CBC, https://www.cbc.ca/news/world/us-debt-crisis-global-impact-1.6852085
[12] Laura He. (2023), Why China and Japan are praying the US won’t default, CNN Business, https://edition.cnn.com/2023/05/25/economy/japan-china-us-debt-default-intl-hk/index.html?ref=biztoc.com
[13] Paul Wiseman (2023), How the rest of the world’s economy would be affected if the U.S. defaults on its debts, Radio-Canada CBC, https://www.cbc.ca/news/world/us-debt-crisis-global-impact-1.6852085
[14] Laura He. (2023), Why China and Japan are praying the US won’t default, CNN Business, https://edition.cnn.com/2023/05/25/economy/japan-china-us-debt-default-intl-hk/index.html?ref=biztoc.com
[15] Paul Wiseman (2023), How the rest of the world’s economy would be affected if the U.S. defaults on its debts, Radio-Canada CBC, https://www.cbc.ca/news/world/us-debt-crisis-global-impact-1.6852085
[16] Diệu Linh (2023), Moody’s: Việt Nam có nhiều thuận lợi để tăng dự trữ ngoại hối, Báo điện tử VTV, https://vtv.vn/kinh-te/moodys-viet-nam-co-nhieu-thuan-loi-de-tang-du-tru-ngoai-hoi-20230518145957617.htm
[17] Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tài Chính, “Nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM245943