“Đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn. Đây đã, đang, và gần như chắc chắn sẽ là phản ứng của Đông Nam Á trước sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trong khu vực. Đông Nam Á không chỉ là sàn đấu của các nước lớn trong suốt chiều dài lịch sử mà còn là trung tâm nơi nhiều cường quốc muốn thiết lập ảnh hưởng trong thời bình.”
Hơn bất kỳ khu vực nào khác, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà trong đó ASEAN là tâm điểm, được cả Mỹ và Trung Quốc đánh giá đây là vị trí cạnh tranh chiến lược quan trọng, dựa trên các ưu tiên và mục tiêu riêng. Trong khi Mỹ muốn tận dụng quan hệ với ASEAN để giành lại ảnh hưởng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì Trung Quốc lại muốn thông qua đối tác chiến lược này như một “sân sau” địa – chính trị, tăng mức độ phụ thuộc của các quốc gia thành viên ASEAN vào Trung Quốc và ngăn chặn sự can dự của Mỹ[1].
Đông Nam Á trong mắt của Trung Quốc
Về vấn đề địa chính trị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên sẽ khó khăn đôi chút để tiến vào Trung Á – nơi Nga có ảnh hưởng hơn cả. Nếu đi về phía Đông Bắc, Trung Quốc lại có thể sẽ gặp trở ngại từ Nhật Bản, trong khi muốn tiếp cận về hướng Tây sẽ phải đối đầu với Ấn Độ. Vì vậy, Đông Nam Á có lẽ là lựa chọn tốt nhất và khả thi nhất cho Trung Quốc để đặc biệt chú trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác đôi bên.[2]
Về kinh tế, Trung Quốc coi ASEAN là một đối tác vô cùng quan trọng. ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này. Từ năm 2017 đến 2022, lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào ASEAN tăng 70% đạt 432 tỷ USD với hơn 80% lượng nhập khẩu là đồ điện tử, máy móc, hóa chất, và các mặt hàng công nghiệp khác[3]. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN trong năm 2022 lên đến 15,4 tỷ, tăng rõ rệt so với mức 9 tỷ USD vào năm 2019 trước đại dịch. Bên cạnh đó, với môi trường ổn định và thân thiện, dựa trên nguyên tắc và tôn chỉ hành động của mình, ASEAN mang lại cho Trung Quốc một khu vực lân cận có thể nói là an toàn và thịnh vượng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của nước này[4].
Quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN đi đến bước ngoặt khi Trung Quốc đề xuất xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với ASEAN. Khái niệm này được đưa ra vào ngày 3 tháng 10 năm 2013, khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu về một cộng đồng Trung Quốc – ASEAN vì một tương lai chung trước Quốc hội Indonesia, theo đó, Trung Quốc và ASEAN tôn trọng những mối quan tâm cốt lõi của nhau, mở rộng lợi ích và đạt được sự phát triển chung[5]. Đây cũng là một mục tiêu trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, đó là xây dựng một cộng đồng không chỉ phát triển về kinh tế, mà còn thúc đẩy tính kết nối, chia sẻ về văn hóa và an ninh, phụ thuộc và hợp tác lẫn nhau. Vào tháng 11 năm 2018, Trung Quốc và ASEAN đã công bố Tầm nhìn Đối tác Chiến lược Trung Quốc – ASEAN 2030, nêu rõ lập trường về hợp tác kinh tế và thúc đẩy kết nối[6].
Nhìn chung, ASEAN có thể nói là một ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, phản ánh mong muốn của nước này nhằm đảm bảo lợi thế chiến lược trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Bằng cách chú trọng vào hợp tác khu vực và giải quyết gánh nặng lịch sử, Trung Quốc có khả năng xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các quốc gia ASEAN và củng cố ảnh hưởng của mình trong khu vực này.
Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trên địa bàn Đông Nam Á?
Đối với Mỹ – trước hết, là một cường quốc biển về mặt địa lý được bao quanh bởi hai đại dương (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương), Mỹ coi việc kiểm soát đại dương là đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng vào đầu thế kỷ XXI, Đông Nam Á giữ vị trí quan trọng hơn trong chiến lược biển và cường quốc biển của Mỹ. Khu vực này tiếp tục có các tuyến đường biển sôi động và cốt yếu trên thế giới. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, khi cán cân sức mạnh thế giới đang chuyển dịch từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ chủ trương thiết lập khuôn khổ hợp tác khu vực mới ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng[7].
Về hợp tác kinh tế, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của ASEAN mang lại nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp Mỹ. Với thị trường tiêu dùng ước tính vượt 4 nghìn tỷ USD và sự gia tăng đáng kể ở phân khúc trung lưu, khu vực này là một điểm đến hấp dẫn cho việc đa dạng hóa và mở rộng thị trường của Mỹ. Mỹ tận dụng các thỏa thuận thương mại tự do với từng quốc gia ASEAN, như khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, để thúc đẩy hội nhập kinh tế và đối trọng với Trung Quốc[8]. Bên cạnh đó, Mỹ còn đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp ASEAN, như Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông, nhằm mục đích cải thiện kết nối và phát triển khu vực, có khả năng mang lại giải pháp thay thế cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc[9].
Về địa an ninh, Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác quan trọng trong ASEAN, bao gồm Philippines, Singapore, và Thái Lan. Đây được đánh giá là lợi thế lớn cho Mỹ khi Mỹ có thể hỗ trợ các nước thành viên này về mặt an ninh nếu có điều gì xấu xảy ra, trong khi Trung Quốc lại chưa có một đồng minh chính thức nào tại khu vực[10].
Tóm lại, mặc dù không thuận lợi về mặt địa lý như Trung Quốc, Mỹ vẫn có một số lợi thế rất rõ ràng và hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực này. Một học giả người Mỹ, David Shambaugh đã chỉ ra rằng Mỹ vẫn là một thế lực toàn cầu có những lợi thế mang tính thực chất ở Đông Nam Á[11]. ASEAN nổi lên như một khu vực hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ không thể chậm hơn trong cuộc cạnh tranh kinh tế với các nước lớn, điều này có thể làm mất đi cơ hội cho các doanh nghiệp kinh tế có lợi nhuận cao từ các nước Đông Nam Á. Mỹ cần nhập khẩu đa dạng sản phẩm từ các nước Đông Nam Á và tăng lượng hàng xuất khẩu sang các nước trong khu vực để đảm bảo lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, an ninh[12].
Tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của ASEAN
Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, nơi mà ASEAN muốn tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình. Lập trường của ASEAN cho thấy rằng dù ASEAN không phải là một cường quốc hay một nước lớn, nhưng ASEAN là một thực thể mà các nước lớn đều không thể ngó lơ trong trật tự châu Á – Thái Bình Dương. Khẳng định được vai trò kết nối các cường quốc đồng nghĩa sẽ nâng cao vị thế của ASEAN trong trường quốc tế.
Nhiều thập kỷ qua, ASEAN luôn chứng tỏ mình là một nhân tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hiện nay, cộng đồng quốc tế chứng kiến nhiều cuộc xung đột và sự phân luồng rõ ràng của các cặp quan hệ song phương, đa phương giữa Mỹ – Trung, Mỹ – Nhật – Ấn Độ,… trong việc tạo phe phái, thì Đông Nam Á là nơi thử nghiệm, tranh thủ và lôi kéo của các nước lớn nhằm tập hợp lực lượng.[13] Vì vậy, mặc dù vai trò trung tâm của ASEAN được quốc tế hoan nghênh, nhưng thực chất ASEAN có nguy cơ trở thành diễn đàn cho các nước lớn “xâu xé” và “giành giật”. Nếu nội bộ của ASEAN thiếu thống nhất thì sẽ khiến Hiệp hội khó đạt được các lập trường chung giữa các nước thành viên, và dễ bị những cơ chế mới do các nước lớn chi phối. Chẳng hạn, BRI có thể làm suy giảm vai trò của ASEAN trong việc đẩy mạnh kết nối khu vực từ thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) với trọng tâm phát triển các mối quan hệ theo mô hình mạng lưới của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có thể làm giảm vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh đa phương khu vực.[14]
Bài học về sự cân bằng của ASEAN dành cho phần còn lại của thế giới
Lợi dụng sự cạnh tranh Mỹ – Trung, những ứng xử hợp lý của ASEAN sẽ thúc đẩy được hợp tác đa phương trong khu vực, từ đó thực hiện chiến lược cân bằng với các nước lớn.[15] ASEAN buộc phải dựa vào mối quan hệ tốt đẹp giữa các cường quốc trong khu vực để có thể phát triển một cách ổn định. Vì thế, ASEAN không thể thụ động chờ đợi mà phải chủ động phản ứng một cách hợp lý, không nghiêng hẳn về một bên nào. Điều này có thể dễ dàng hiểu được khi ASEAN có vị trí địa lý không thể tách rời với Trung Quốc, nên các nước này không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc tìm cách thích nghi và chung sống hòa bình với những hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy mạnh mẽ và can thiệp mãnh liệt của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, nhất là về vấn đề chủ quyền, đi ngược với mong muốn duy trì sự tự chủ và hạn chế phụ thuộc của ASEAN, các quốc gia thành viên trong Hiệp hội ngày càng cởi mở với sự có mặt của Mỹ như một sức mạnh cân bằng đối trọng với Trung Quốc. Sở dĩ là do ASEAN nhận thức rõ Mỹ không có tham vọng quá lớn trong việc kiểm soát chủ quyền tại khu vực Đông Nam Á, cộng với những chính sách rõ ràng của Mỹ sẽ giúp các quốc gia ASEAN biết được mục tiêu trong tương lai của Mỹ là gì, từ đó đưa ra những phương án ứng xử phù hợp. Trong một lần phỏng vấn với báo “Dân tộc” (Thái Lan), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã từng cho rằng ASEAN là một mối quan tâm không thể bị nghi ngờ đối với Trung Quốc, song trong bối cảnh Mỹ thực hiện chiến lược tiếp cận mới, ASEAN không nên nghiêng về một bên nào, vì điều đó sẽ làm mất giá trị của ASEAN.[16] Hơn nữa, các quốc gia Đông Nam Á mong muốn duy trì vai trò lãnh đạo và tin rằng các nước ASEAN nên chịu trách nhiệm về các vấn đề trong khu vực của mình. Khả năng của ASEAN trong việc duy trì các mối liên hệ chặt chẽ với tất cả các nước lớn – bao gồm Mỹ, Trung, Nhật, Nga, Ấn Độ, và EU – là rất quan trọng đối với lập trường của tổ chức này. Do đó, ASEAN càng không nên đứng hẳn về một bên hoặc bị buộc phải làm như vậy vì kết quả tất yếu của việc chọn phe là sự xa lánh của bên còn lại[17].
Một nhà nghiên cứu đến từ Singapore, Deborah Chang cho rằng việc duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc là nền tảng của chính sách “nước nhỏ, ngoại giao lớn”[18]. Hay Ngoại trưởng Indonesia cho biết vào tháng 1 năm 2019 rằng: “Chúng ta cần bảo vệ hòa bình, an ninh, và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đảm bảo rằng khu vực này không trở thành đấu trường cạnh tranh về tài nguyên, lãnh thổ, và tranh giành quyền lực trên biển.” Nhìn chung, ASEAN luôn duy trì một quan điểm chiến lược là cân bằng trong quan hệ Mỹ – Trung, cần ứng xử phù hợp và khôn khéo nhằm giữ vững vị trí trung gian cho các cường quốc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển Hiệp hội nói chung và các quốc gia thành viên nói riêng.
Để xây dựng một thế trung lập, ASEAN đã tích cực nâng cao khả năng liên kết của khu vực, hướng tới một cộng đồng ASEAN. Năm 2021, với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN, Campuchia đã đề ra khẩu hiệu: “ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh” với những chính sách đối ngoại mở rộng, tăng cường và làm sâu sắc hơn những mối quan hệ trong khối, quyết tâm xây dựng một cộng đồng mà mọi thành viên đều liên kết chặt chẽ và sống trong sự hòa hợp về chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên, ASEAN nhận thức được Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng của mình trong các diễn đàn và cơ chế đa phương khác trong khu vực Đông Nam Á. Việc có những hành động đối phó với những cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực là điều chắc chắn mà ASEAN phải tính tới nhằm trung hòa giữa hai thế lực đó. ASEAN dường như không muốn để Trung Quốc “bành trướng” trong khu vực, bằng chứng là các nước ASEAN đã đưa ra quyết định mời Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ VI năm 2022 tại Indonesia. Điều này thể hiện ASEAN mong muốn có sự hiện diện nhiều hơn của Mỹ trong khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc. Mặt khác, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chắc chắn đã làm phức tạp tình hình an ninh trong khu vực, có tác động đáng kể đến môi trường phát triển của các nước ASEAN. Do đó, ASEAN sẽ không hoàn toàn ủng hộ hay phản đối Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Thay vào đó, tổ chức này sẽ nỗ lực bảo vệ sự thống nhất và vai trò trung tâm của mình trong các cơ chế hợp tác khu vực, đồng thời cố gắng duy trì tính trung lập và linh hoạt nhất có thể. Điều này cũng sẽ thúc đẩy thành công kinh tế khu vực và tối đa hóa lợi ích chiến lược của ASEAN[19].
Một minh chứng khác đó là ASEAN đã không ngần ngại nâng cấp quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện, ủng hộ các sáng kiến hợp tác do hai bên đề xuất, đồng thời tranh thủ thế mạnh của mỗi bên đề đảm bảo an ninh, phát triển tại khu vực. ASEAN có những lợi ích rõ ràng trên từng lĩnh vực nhằm tận dụng mối quan hệ giữa hai cường quốc trên.
Đối với Mỹ, ASEAN chú trọng vào những cam kết và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ về các vấn đề an ninh, trật tự tại khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, ASEAN cũng khai thác các sáng kiến về đầu tư và phát triển của Mỹ như sáng kiến “Tương lai y tế Mỹ – ASEAN” trị giá 40 triệu USD, sáng kiến “Tương lai khí hậu Mỹ – ASEAN” (20,5 triệu USD), sáng kiến “Tương lai của một tỷ người” (20,5 triệu USD).
Đối với Trung Quốc, hợp tác về kinh tế luôn là tâm điểm của ASEAN. Các quốc gia thành viên luôn viết tận dụng nguồn lực từ sáng kiến và các cơ chế thương mại đa phương của Trung Quốc để phát triển. ASEAN vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019 và đến năm 2020, vượt Liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc[20].
Nỗ lực khác của ASEAN nhằm duy trì sức mạnh cân bằng và tạo nên một môi trường phát triển tự chủ, đó là mở rộng quan hệ với các cường quốc khác ngoài Mỹ và Trung Quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Nga, EU,… Đồng thời, ASEAN cũng chủ động phát huy vai trò trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu như giải quyết vấn đề trên Biển Đông, về một tổ chức không vũ khí hạt nhân, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, và ổn định khu vực[21].
Lập trường của ASEAN gây chú ý và đáng được học hỏi trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Có thể nói bất kể bên nào cố gắng gây áp lực và buộc ASEAN phải lựa chọn đều sẽ có những tổn thất lớn hơn là lợi ích[22].
“Công thức” nào cho Lào – Chủ tịch ASEAN 2024
Lào là một quốc gia nhỏ không có đất liền, nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Vì lý do đó, Lào đã tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nhằm đảm bảo sự ổn định và hợp tác phát triển. Chính sách đối ngoại của nước này nhấn mạnh đến hợp tác hơn là xung đột. Đồng thời, Lào có những khát vọng chính trị và kinh tế xoay quanh việc đảm bảo hợp tác với các cường quốc khu vực và toàn cầu[23].
Sự cạnh tranh Mỹ – Trung chắc chắn đã tạo ra căng thẳng địa chính trị trong khu vực, điều này có tác động đến Lào và ASEAN, một bài toán mà Lào phải đảm nhận với cương vị là Chủ tịch ASEAN vào năm 2024. Do đó, Lào cần điều hướng cẩn thận bối cảnh địa chính trị phức tạp này để bảo vệ lợi ích của mình và duy trì nền kinh tế. và ổn định chính trị[24].
Lào cũng đã sẵn sàng và thể hiện quyết tâm của mình trước nhiệm vụ sắp tới. Với chủ đề trong năm Chủ tịch 2024: “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”, Lào sẽ dẫn dắt ASEAN tiếp nối những giá trị hiện tại – đó là tăng cường kết nối giữa các quốc gia thành viên, và xây dựng một ASEAN “tự cường” nhằm đối phó với bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thế giới[25].
Tác giả: Nguyệt Hằng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chú thích tham khảo:
[1] Lê Thị Thúy Hiền (2023), “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á”, Tạp chí Cộng sản, 24/5/2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827403/asean-trong-canh-tranh-chien-luoc-my—trung-quoc-tai-khu-vuc-dong-nam-a.aspx
[2] Vũ Hồng Anh (2010), “Chiến lược triển khai sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á và kiến nghị chính sách với Việt Nam”, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
[3] Shay Wester (2023), “Balancing Act: Assessing China’s Growing Economic Influence in ASEAN”, Asia Society, https://asiasociety.org/policy-institute/balancing-act-assessing-chinas-growing-economic-influence-asean
[4] Office of The People’s Republic of China to The State of Palestine (2021), Wang Yi Attends the ASEAN-China Ministerial Meeting, http://ps.china-office.gov.cn/eng/zgyw/202108/t20210804_9069095.htm
[5] Shihong Bi (2021), Cooperation between China and ASEAN under the building of ASEAN Economic Community, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/24761028.2021.1888410
[6] Shihong Bi (2021), Cooperation between China and ASEAN under the building of ASEAN Economic Community, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/24761028.2021.1888410
[7] Hung, V. M., Nguyen, T. B., Hiep, T. X., & Thao, B. T. (2023). US-China rivalry in Southeast Asia region: a study on the South China Sea case. Journal of Liberty and International Affairs, 9(1), 336-351. https://doi.org/10.47305/ JLIA2391342v
[8] Giulia Interesse (2023), “Unlocking Growth: The Role of Asian Trade Agreements for American Businesses”, ASEAN Briefing, https://www.aseanbriefing.com/news/unlocking-growth-the-role-of-asian-trade-agreements-for-american-businesses/
[9] USAID, Lower Mekong Initiative (LMI), https://2017-2020.usaid.gov/vietnam/lower-mekong-initiative-lmi
[10] Trung Hiếu (2018), “Tương quan Mỹ-Trung Quốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tuong-quan-my-trung-quoc-trong-cuoc-tranh-gianh-anh-huong-o-dong-nam-a-798758.vov
[11] Trung Hiếu (2018), “Tương quan Mỹ-Trung Quốc trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tuong-quan-my-trung-quoc-trong-cuoc-tranh-gianh-anh-huong-o-dong-nam-a-798758.vov
[12] Hung, V. M., Nguyen, T. B., Hiep, T. X., & Thao, B. T. (2023). US-China rivalry in Southeast Asia region: a study on the South China Sea case. Journal of Liberty and International Affairs, 9(1), 336-351. https://doi.org/10.47305/ JLIA2391342v
[13] Nguyễn Duy Dũng (2012), “ASEAN 45 năm: thành tựu và những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8/2012.
[14] Đặng Cẩm Tú: “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược nước lớn tại khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Cộng sản, số 984, tháng 2-2022, tr. 98 – 104.
[15] Nguyễn Hoàng Giáp, “Cạnh tranh chiến lược khu vực Đông Nam Á giữa một số nước lớn hiện nay”, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2013.
[16] “Thế tiến thoái lưỡng nan của ASEAN”, TTXVN, ngày 27/2/2007.
[17] Peter Rodgers (2021), “How ASEAN countries can nurture productive US-China relations”, Responsible Statecraf, https://responsiblestatecraft.org/2021/07/01/how-asean-countries-can-nurture-productive-us-china-relations/
[18] Chen Jimin (2023), “ASEAN’s Delicate Balancing Act”, China US Focus, https://www.chinausfocus.com/foreign-policy/aseans-delicate-balancing-act
[19] Chen Jimin (2023), “ASEAN’s Delicate Balancing Act”, China US Focus, https://www.chinausfocus.com/foreign-policy/aseans-delicate-balancing-act
[20] Lê Thị Thúy Hiền (2023), “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á”, Tạp chí Cộng sản, 24/5/2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827403/asean-trong-canh-tranh-chien-luoc-my—trung-quoc-tai-khu-vuc-dong-nam-a.aspx
[21] Lê Thị Thúy Hiền (2023), “ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á”, Tạp chí Cộng sản, 24/5/2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827403/asean-trong-canh-tranh-chien-luoc-my—trung-quoc-tai-khu-vuc-dong-nam-a.aspx
[22] Chen Jimin (2023), “ASEAN’s Delicate Balancing Act”, China US Focus, https://www.chinausfocus.com/foreign-policy/aseans-delicate-balancing-act
[23] Mai Sayavongs (2023), “How Laos and Other ASEAN Countries Can Leverage U.S.-China Competition”, USIP, https://www.usip.org/publications/2023/10/how-laos-and-other-asean-countries-can-leverage-us-china-competition
[24] Mai Sayavongs (2023), “How Laos and Other ASEAN Countries Can Leverage U.S.-China Competition”, USIP, https://www.usip.org/publications/2023/10/how-laos-and-other-asean-countries-can-leverage-us-china-competition
[25] VOV (2023), Lào đã sẵn sàng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2024, https://vov.vn/the-gioi/lao-da-san-sang-dam-nhiem-cuong-vi-chu-tich-asean-2024-post1059944.vov