Ba năm kể từ khi đại dịch bùng phát, kinh tế thế giới đang phát triển chậm lại, đã xuất hiện những nguy cơ và biểu hiện của một cuộc suy thoái kinh tế trong ngắn hạn. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã dẫn đến những điều chỉnh chính sách của các nước lớn, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu trên toàn bộ các khía cạnh tài chính, tiền tệ, thương mại, an ninh năng lượng, lương thực… Ngoài ra, các vấn đề phi truyền thống bao gồm thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… có xu hướng diễn biến phức tạp, khó dự báo cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Là một phần của nền kinh tế thế giới cùng độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại chịu sự ảnh hưởng kết hợp giữa những khó khăn chung của thế giới và những hạn chế nội tại của Việt Nam. Để phát triển bền vững và đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao năm 2045, Việt Nam không chỉ cần phải ứng phó với những thách thức ngắn hạn mà còn phải chủ động nâng cao nội lực, giải quyết những khó khăn dài hạn, mang ý nghĩa cốt lõi với nền kinh tế.
Tình hình nền kinh tế thế giới hiện tại
Hiện tại, nền kinh tế thế giới đang tồn tại những rủi ro ngắn hạn kết hợp với những vấn đề nền tảng chưa được tối ưu của nền kinh tế. Những rủi ro ngắn hạn bao gồm dịch bệnh, chiến tranh và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Những vấn đề dài hạn bao gồm sự hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn trong vai trò quản trị toàn cầu.
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, làm trầm trọng hơn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá năng lượng và lương thực, gia tăng áp lực lạm phát và chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần.
Sự bế tắc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU kiến tạo vào tình hình không mấy tích cực của nền kinh tế toàn cầu. Khu vực EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Sự bế tắc trần nợ của Mỹ hồi đầu năm và chính sách thắt chặt tiền tệ của FED sẽ dẫn đến suy giảm tăng trưởng ở nước này trong năm nay.
Lạm phát cao là một yếu tố khiến nền kinh tế chậm lại, tình hình khủng hoảng nợ ở cấp độ toàn cầu cũng có thể trở nên tồi tệ hơn. Nếu lạm phát tiếp tục tăng trong một thời gian dài, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc suy thoái kết hợp với lạm phát phi mã có thể xảy ra. Các quốc gia sẽ ưu tiên đến việc ổn định nền kinh tế hơn là thúc đẩy tăng trưởng. Điều này có thể khiến kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong giai đoạn sắp tới.
Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới hiện tại. Ngoài nóng lên toàn cầu, thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán xảy ra với tần suất nhiều hơn và mức độ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp trên toàn thế giới. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine, nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn.
Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi công nghiệp cũng ngày càng phổ biến. Với sự tiến bộ của toàn cầu hóa cùng sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, việc di dời chuỗi công nghiệp là tất yếu. Trong những năm Covid-19, các quốc gia đóng cửa biên giới đã làm nổi bật lên những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp lớn không còn “để hết trứng vào một giỏ” để tránh những rủi ro về trừng phạt kinh tế, gián đoạn chuỗi cung ứng và khai thác tốt hơn lợi thế cạnh tranh về tiền công nhân viên.
Theo ông Vương Nghĩa Ngôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, “mô hình toàn cầu hóa đang có sự điều chỉnh về cơ cấu, chuyển từ toàn cầu hóa theo chủ nghĩa tự do mới trước đây sang toàn cầu hóa theo hướng cục bộ và khu vực hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu chú trọng nhiều hơn đến an ninh, tự chủ, khả năng kiểm soát và khả năng chống chịu”[1].
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngày càng phát triển, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng ngày càng gay gắt. Ông Christian Nolting, Giám đốc đầu tư của Deutsche Bank, nói rằng, thành công trong thống trị các lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo, chip và công nghệ sinh học sẽ quyết định ai sẽ chiếm thế thượng phong trong tương lai, vì vậy cả hai bên sẽ không sẵn sàng lùi bước trong cuộc chiến này.”[2] Các lệnh kiểm soát xuất khẩu về phần mềm trí tuệ nhân tạo, chip và các công nghệ quan trong khác của Mỹ và những chính sách đáp trả của Trung Quốc tạo nên những nguy cơ về độc quyền công nghệ. Việc kiểm soát xuất khẩu hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ cũng sẽ dẫn đến xu hướng đổi mới các khoản đầu tư công nghiệp liên quan đến chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất trên toàn thế giới.
Cuối cùng, châu Á vẫn là động lực của nền kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của IMF phần lớn đều đồng ý rằng, khu vực Châu Á sẽ là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện tại[3]. Phần lớn sự tăng trưởng sẽ đến từ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu[4].
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, cùng những khó khăn nội tại, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng trưởng 3,72%[5] trong khi mục tiêu chung của cả giai đoạn là 6,5% – 7%. Tuy nhiên, theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, Ngân hàng thế giới WB vẫn dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể tăng 6,3% trong năm 2023[6].
Đầu tư công
Ngân hàng Phát triển Châu Á nhận định rằng động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là lĩnh vực đầu tư công. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, “vốn đầu tư công của Việt Nam hiện rất lớn”. Trong 8 tháng vừa qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 352,1 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư công được coi là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Việc giải ngân vốn đầu tư công tốt sẽ kích thích các ngành nghề sản xuất kinh doanh trong nước tăng trưởng phục vụ các dự án đầu tư công, điều này cũng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước. Nếu tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm giảm hiện quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, tác động tiêu cực đến việc triển khai các chính sách tài khóa tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại.
Theo PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, năm 2022, một số dự án thuộc vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có những dự án, công trình khởi công chậm. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA chậm do “công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ, xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế nên phải điều chỉnh chủ trương, thủ tục đầu tư nhiều lần dẫn đến thời gian kéo dài, buộc phải trả lại nguồn vốn ODA. Vì vậy, kết quả sử dụng nguồn vốn vay ODA chưa đạt được hiệu quả như mong muốn”[7]. Đây là một điểm hạn chế trong việc giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam trong những năm gần đây, làm việc sử dụng vốn ODA không hiệu quả và dẫn đến khó tiếp cận các nguồn ODA về sau.
Thương mại
Lạm phát gia tăng trên toàn thế giới dẫn đến nhu cầu giảm sút ở nhiều thị trường đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Ông Trần Thanh Hải cho biết: “hai năm 2021 và 2022, hoạt động xuất nhập khẩu rất sôi động và đạt tăng trưởng 2 con số. Thế nhưng đến năm 2023, mức tăng trưởng chậm lại do lạm phát, suy thoái, sức mua ở nhiều thị trường truyền thống suy giảm.” Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 435,23 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm 2023, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.[8]
Kể từ quý III năm 2023, lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU… Giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Các ngân hàng Trung ương trên thế giới buộc phải điều chỉnh lãi suất để bảo vệ nền kinh tế. Chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt của FED và ECB sẽ làm trầm trọng hơn tình hình yếu kém của nền kinh tế Mỹ và Phương Tây. Lãi suất cao sẽ khiến các doanh nghiệp từ bỏ nhu cầu mở rộng kinh doanh.
Cùng với đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến thị trường người bán ngày càng cạnh tranh hơn, nhất là khi hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc cũng khá tương đồng về cơ cấu và phân khúc giá.
Xung đột giữa Nga – Ukraine làm nghiêm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng giá cả nguyên vật liệu đầu vào, cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đầu tư nước ngoài
Trong 8 tháng đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 8,2%[9]. Trong 8 tháng năm 2023, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,4% so với cùng kỳ 2022, tiếp đó là Trung Quốc và Nhật Bản.[10] Ngân hàng DBS đánh giá dù đứng trước nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất[11].
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành tài chính ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,7 lần so với cùng kỳ) và gần 800 triệu USD, còn lại là các ngành khác.[12]
Tài chính – Ngân hàng
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng tính 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 3,58%, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,51%). Mức tăng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14-15%. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất 4 lần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nhiều.
Nguyên nhân chính dẫn đến khả năng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp đó là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng xuất khẩu, không có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc nhu cầu vay vốn giảm.
Đánh giá nền kinh tế Việt Nam
Là một phần của nền kinh tế thế giới cùng độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm hiện tại chịu sự ảnh hưởng kết hợp giữa những khó khăn chung của thế giới và những hạn chế nội tại của Việt Nam.
Thách thức bên ngoài
Trong bối cảnh hiện tại, suy thoái kinh tế hậu đại dịch cùng với nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột Nga – Ukraine và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã khiến nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao ở nhiều quốc gia. Các nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cùng với tăng trưởng kinh tế thấp, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của các thị trường giảm mạnh, các hàng rào bảo hộ thương mại được thiết lập để bảo vệ doanh nghiệp trong nước khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Cuộc cung đột Nga – Ukraine kéo dài dẫn đến nhiều khó khăn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu trên thế giới và chi phí logistics tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam cũng như gây áp lực lên vấn đề lạm phát.
Hạn chế của nội tại
Thứ nhất, thể chế, chính sách quản lý chưa hiệu quả. Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lý do chính khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 chưa được như kỳ vọng là do “trong thực tế vẫn còn những mẫu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà và chưa có sự kết nối hiệu quả nhất các cơ sở dữ liệu liên quan đến hành chính, thuế, thông tin doanh nghiệp để cho các doanh nghiệp và người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước có thông tin một cách hiệu quả.”[13]
Thứ hai, cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng còn yếu kém. Hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông ở Việt Nam chưa được phát triển đồng bộ. Hạ tầng cảng biển cơ cấu bất hợp lý, hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp, bến cảng dành riêng container cũng như số lượng cảng quốc tế chiếm số lượng rất ít. Hệ thống đường sắt còn lạc hậu. Hạ tầng kho bãi cũng phân bố không hợp lý dẫn đến tình trạng thiếu ở các điểm tập trung và thừa tại các nơi khác, dẫn đến sự lãng phí và không hiệu quả trong logistics. Tất cả những điều này làm gia tăng chi phí logistics trong tỷ trọng giá thành sản phẩm, làm giảm đi sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là điểm yếu khi thu hút đầu tư.
Thành tựu
Mặc dù tốc độ tăng trưởng bị chậm lại, Việt Nam vẫn đang thể hiện khá tốt so với các quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm là một mức tăng trưởng phù hợp với bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, lạm phát cũng được kiểm soát ở mức phù hợp, đồng thời bày tỏ niềm tin lạc quan về khả năng phục hồi của Việt nam trong thời gian tới. Ngân hàng DBS, tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore, đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của FDI nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất bất kể những nhiều thách thức[14].
Trong tháng 7, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trần lạm phát 4,5%. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3,1%, trong đó: trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4.88%, thủy sản tăng 2,96% và lâm nghiệp tăng 3,43%. Tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt khoảng 3,07% trong 6 tháng đầu năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 24,53 tỷ USD.[15]
Trong những tháng vừa qua, để thích ứng với tình hình khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại, Đảng và Nhà nước đã tích cực quan tâm, chèo lái nền kinh tế Việt Nam vượt qua những khó khăn thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư công. Chính phủ xác định 3 động lực chính của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó, giải pháp trọng tâm được Chính phủ ưu tiên là đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công.
Chính phủ cũng có một loạt chính sách nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa. Chính sách giảm thuế VAT 2% đối với một số mặt hàng đã được áp dụng từ 01/7/2023, giúp giảm giá cả của các mặt hàng, có ý nghĩa tích cực đối với sức mua nội địa. Chính sách tăng tiền lương cơ bản cũng đã được thông qua để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có việc tăng thời gian nhập cảnh của người nước ngoài có quốc tịch tại một số quốc gia nhất định mà không cần thị thực. Điều này sẽ tạo động lực cho ngành du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, bên cạnh khai thác các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do sẵn có để đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường. Trong đó có thể kể đến việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel VIFTA ngày 25/7/2023, đây là hiệp định tự do đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia Tây Á, có ý nghĩa lớn trong việc mở rộng thị trường và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Nhất là khi Israel là một quốc gia có trình độ phát triển cao về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, sản xuất nông nghiệp…
Hạn chế
Mức tăng trưởng 3,7% của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm mặc dù là phù hợp với bối cảnh hiện tại, nó cách khá xa mức tăng trưởng mục tiêu cả năm là 6,5% đã được để ra. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm gần đây, chỉ cao hơn mức tăng trưởng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020.
Trong khi xuất siêu là một tín hiệu tích cực, việc nền kinh tế tiếp tục xuất siêu lớn làm dấy lên nỗi lo rằng do nền Kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, việc nhập khẩu giảm chứng tỏ doanh nghiệp vẫn đang thiếu đơn hàng nên chưa có nhu cầu nhập khẩu đầu vào. Hơn nữa, trong thương mại hàng hóa, phần lớn hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được thực hiện bởi các khối doanh nghiệp FDI và nhiều mặt hàng chủ lực là hàng gia công, giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 74% kim ngạch xuất khẩu và 65% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2022[16]. Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp FDI, điều này sẽ dẫn đến những hạn chế về sự tự cường của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì?
Để phát triển bền vững và đạt được mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam không chỉ cần phải ứng phó với những thách thức ngắn hạn mà còn phải chủ động nâng cao nội lực, giải quyết những khó khăn dài hạn, mang ý nghĩa cốt lõi với nền kinh tế. Trước hết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5%, Việt Nam cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nhưng cũng phải đi đôi với cân bằng lạm phát.
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “trước tiên cần duy trì, kiện định chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách các nội dung, mục tiêu trong chương trình phục hồi kinh tế. Trong đó, cần tập trung các giải pháp hoàn thiện thể chế, tránh chồng chéo, tránh mâu thuẫn trong các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương thực thi một cách hiệu quả nhất. Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể đăng ký thành lập, sản xuất kinh doanh hiệu quả ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả để kết nối thông tin cần thiết hỗ trợ cho công tác điều hành của Chính phủ, giữa các bộ ngành, địa phương, cũng như phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.”[17]
Theo Tiến sỹ Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD, Việt nam dễ chịu tác động của những bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng do có độ mở của nền kinh tế lớn[18]. Do đó, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng phản ứng và chống chịu của nền kinh tế đối với các tác động bên ngoài trong ngắn hạn. Việt Nam cũng cần phải củng cố các khung chính sách kinh tế, trong đó có tính bền vững của chính sách tài khóa và thuế. Cùng với đó, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế chất lượng cao sau phục hồi.
Thứ hai, tận dụng mọi cơ hội để tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Hiện kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu từ đó đẩy mạnh nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam cần khai thác tối đa các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, cần thực hiện các giải pháp tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và tăng giá trị xuất khẩu.
Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng. Tăng cường xúc tiến các thị trường tiềm năng hoặc ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như Ấn độ, Trung Đông, ASEAN… Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2023[19]. IMF cũng dự báo rằng nền kinh tế phi dầu mỏ của UAE sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2023, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Vùng Vịnh.[20]
Trong dài hạn, Việt Nam cần phải chú trọng thúc đẩy chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao và làm tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu đồng thời khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực công nghệ của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển thương hiệu quốc gia, nâng cao uy tín đất nước trên bản đồ quốc tế, để thu hút các cơ hội hợp tác chất lượng cao.
Huy động và thu hút đầu tư, đón đầu các làn sóng chuyển dịch
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý và khả năng tổ chức, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có một số lợi thế có thể là điểm thu hút, tranh thủ sự chuyển dịch này, bao gồm: chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ và giá rẻ, thị trường rộng mở với 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia khắp thế giới cũng như có vị trí thuận lợi. Việt Nam cần phát huy và khai thác tối đa những lợi thế trên, đồng thời, cần tăng cường minh bạch thể chế, nâng cao năng lực quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo nhân lực chất lượng cao để có thể nâng cao môi trường đầu tư, đón đầu các làn sóng chuyển dịch.
Các nhà đầu tư Bắc Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp mới đây đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và xem Việt Nam như một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip. Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam cam kết đạt phát phát thải ròng bằng không vào năm 2050, đã có rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng sạch. Đây đều là những tín hiệu tích cực đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đặc biệt hơn khi đây đều là những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa trong sự phát triển dài hạn của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tích cực tranh thủ những cơ hội này.
Đi cùng với đó, Việt Nam cũng cần có sự chọn lọc trong thu hút đầu tư, cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và môi trường để đánh giá dự án. Cần ưu tiên các dự án từ các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, năng lực quản trị tốt, thân thiện với môi trường, đồng thời có khả năng liên kết với kinh tế trong nước để nâng đỡ, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Cải thiện cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng
Xung đột Nga – Ukraine đã khiến các nhà đầu tư tích cực tái cơ cấu chuỗi cung ứng mà Đông Nam Á nổi lên như một vùng đệm trong sự đứt gãy, Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Trong những năm qua, việc xây dựng kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm tích cực, nhất là trong việc hiện đại đường bộ cao tốc, tuy nhiên, cũng đồng thời bộc lộ những hạn chế khi không chú trọng đến hệ thống đường sắt, đường thủy. Việc thiếu tập trung này khiến hạ tầng chuỗi cung ứng tại Việt Nam chưa đồng bộ, chưa phục vụ tốt nhất đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, Việt Nam cần chú trọng phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng hậu cần, bao gồm cả hệ thống kho bãi, cầu cảng hiện đại, đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành được chỗ đứng trước các quốc gia khác.
Thứ ba, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, là động lực tăng trưởng GDP. Do đó, đi đôi với giải ngân vốn, Việt Nam cũng cần chú ý đến chất lượng sử dụng vốn trong nền kinh tế, không thể để tỷ lệ giải ngân cao nhưng lãng phí, không mang lại ý nghĩa. Đầu tiên, Nhà nước cần rà roát, hoàn thiện các quy định, thể chế để tháo gỡ khó khăn trong quá trình giải ngân. Sau đó, cần quyết liệt hơn trong các giải pháp thúc đấy giải ngân, xây dựng phương án phân bổ vốn, tập trung cho các dự án quan trọng, đúng trọng tâm. Để đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt sự tăng trưởng các thành phần kinh tế khác.
Thứ tư, tăng cường tái đầu tư vào các lĩnh vực nhiều chất xám.
Hiện nay, kinh tế Việt Nam về cơ bản là một nền kinh tế gia công. Trong công nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu, linh kiện về lắp ráp và xuất khẩu. Với một nền kinh tế chỉ dựa trên sức lao động tay chân, Việt Nam khó có thể đi xa và trở thành một quốc gia phát triển được. Do đó, Việt Nam cần chủ động và tăng cường tái đầu tư vào các lĩnh vực nhiều chất xám. Có thể nhìn thấy từ Trung Quốc, một quốc gia được gọi là “Công xưởng của thế giới” đã thành công bứt phá trở thành một nền kinh tế sáng tạo. Việt nam cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Trước hết, có thể chỉ là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập các trung tâm R&D, sau đó tiến tới tự thân xây dựng một Trung tâm nghiên cứu sáng tạo quốc gia, toàn diện và hướng đến thu hút các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu toàn cầu đến làm việc.
Tháng 12/2022, Samsung đã khánh thành trung tâm Nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. LG Electronics cũng tuyên bố kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động R&D tại Việt Nam để tăng cường hoạt động kinh doanh phụ tùng xe điện đang ngày càng phát triển của công ty…[21] Đây đều là những minh chứng và là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm R&D của khu vực.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi của sự phát triển của một nền kinh tế tự cường. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ, trình độ của người lao động nhìn chung ở mức thấp. Đây là một thác thức lớn khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và đối diện với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Do đó, để phát triển bền vững, Việt Nam bắt buộc phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Đầu tiên, cần có một chiến lược tổng thể và cụ thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp theo, cần ưu tiên cập nhật các phương pháp giáo dục, định hướng nghề nghiệp, nội dung đào tạo tiến bộ, đón đầu sự phát triển của tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phát triển các chính sách thu hút nhân tài trên thế giới và thu hút người Việt từ nước ngoài trở về cống hiến, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Con người là yếu tố quyết định bản sắc nền kinh tế trong dài hạn, do đó, phát triển nguồn lực về con người là yêu cầu tất yếu./.
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org, vui lòng không sao chép khi chưa có sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Vũ Dương (2022), Điều gì đang đe dọa kinh tế thế giới?, Báo Công an Nhân dân, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dieu-gi-dang-de-doa-kinh-te-the-gioi–i672406/
[2] Ashutosh Pandey (2023), 2023 में इन पांच आर्थिक चुनौतियों का करना होगा सामना, DW, https://www.dw.com/hi/outlook-5-challenges-for-world-economy-2023/a-64303712
[3] Ian Shine (2023), What lies ahead for the global economy? Economists give their views, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2023/05/global-economy-2023-chief-economists-report/
[4] Báo cáo Tóm tắt: Triển vọng Kinh tế Khu vực: Châu Á và Thái Bình Dương, IMF, https://www.imf.org/vi/Publications/REO/APAC/Issues/2023/04/11/regional-economic-outlook-for-asia-and-pacific-april-2023
[5] Đặng Ánh (2023), Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/du-dia-cho-da-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-20230714072410852.htm
[6] Báo Tin tức (TTXVN), “Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023”, https://baotintuc.vn/infographics/du-bao-lac-quan-ve-tang-truong-kinh-te-viet-nam-2023-20230705061128346.htm
[7] PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình (2023), Đầu tư công Việt Nam năm 2022 và gợi ý một số giải pháp cho thời gian tới, Tạp chí Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/dau-tu-cong-viet-nam-nam-2022-va-goi-y-mot-so-giai-phap-cho-thoi-gian-toi.htm
[8] Minh Phương (2023), Xuất khẩu dần khởi sắc nhưng ‘đầu ra’ cho mặt hàng chủ lực vẫn gặp khó, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/xuat-khau-dan-khoi-sac-nhung-dau-ra-cho-mat-hang-chu-luc-van-gap-kho-20230829103212152.htm
[9] Báo Tin tức (TTXVN), “Kinh tế Việt Nam 8 tháng năm 2023”, https://baotintuc.vn/infographics/kinh-te-viet-nam-8-thang-nam-2023-20230830061702477.htm
[10] Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2023”, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-25/Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-8-thang-nam-20yx2y7w.aspx
[11] Đặng Ánh (2023), Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/du-dia-cho-da-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-20230714072410852.htm
[12] Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2023”, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-8-25/Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-8-thang-nam-20yx2y7w.aspx
[13] Quốc Huy (2023), Tìm giải pháp ‘tiếp lửa’ cho kinh tế phục hồi, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-giai-phap-tiep-lua-cho-kinh-te-phuc-hoi-20230715075755511.htm
[14] Đặng Ánh (2023), Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/du-dia-cho-da-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-20230714072410852.htm
[15] Hoàng Tùng (2023), Kinh tế 6 tháng: Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung vào 3 chương trình lớn, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-6-thang-nganh-nong-nghiep-tiep-tuc-tap-trung-vao-3-chuong-trinh-lon-20230703150457017.htm
[16] An Linh (2022), Chiếm trên 74% kim ngạch xuất khẩu, khối FDI đang “thống trị” giá trị thương mại Việt Nam, Báo Dân Việt, https://etime.danviet.vn/chiem-tren-74-kim-ngach-xuat-khau-khoi-fdi-dang-thong-tri-gia-tri-thuong-mai-viet-nam-20221228095548293.htm
[17] Quốc Huy (2023), Tìm giải pháp ‘tiếp lửa’ cho kinh tế phục hồi, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-giai-phap-tiep-lua-cho-kinh-te-phuc-hoi-20230715075755511.htm
[18] Đặng Ánh (2023), Dư địa cho đà phục hồi kinh tế Việt Nam, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/du-dia-cho-da-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-20230714072410852.htm
[19] Stephen Hall (2022), India expected to be world’s fastest growing economy in 2023 and other economy stories you need to read this week, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2022/12/top-economy-stories-december-22/
[20] Adrian Oton (2023), UAE Economic Growth Outlook 2023, Europe Emirates Group Dubai, https://uae-eu.com/blog/forecast-of-uae-economic-growth.html
[21] Hoàng Hà (2023), Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Báo Tin tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-to-chuc-quoc-te-tiep-tuc-danh-gia-cao-ve-trien-vong-tang-truong-kinh-te-viet-nam-20230704103639240.htm