Sau gần 4 thập niên trên cương vị Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã để lại nhiều di sản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia mà tiêu biểu nhất là chiến lược Tứ giác do ông đề xướng. Tiếp nối người cha tiền nhiệm, Thủ tướng Hun Manet cũng đã đề ra Chiến lược Ngũ giác với mục tiêu đưa Campuchia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Chính quyền mới của ông Hun Manet đã kế thừa và có nhiều nâng cấp so với chính sách cũ cả về đối nội cũng như đối ngoại.
Về kinh tế – xã hội và chính trị
Sau gần 4 thập niên trên cương vị Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã để lại nhiều di sản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia. Ông chủ trương chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Mục tiêu là đưa Campuchia trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Trong giai đoạn 1998-2019, tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trung bình 7,7%/năm, đưa Campuchia trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quy mô GDP từ 2,8 tỷ USD năm 1995 lên 31 tỷ USD năm 2023[1].
Chiến lược Ngũ giác là sự tiếp nối của Chiến lược Tứ giác khi thêm mục tiêu mới phát triển “Bền vững” với các mục tiêu từ trước là “Tăng trưởng, Việc làm, Công bằng và Hiệu quả”. Với các mục tiêu đó, yêu cầu đặt ra cho Campuchia là cần thắt chặt hơn nữa quan hệ với các quốc gia láng giềng và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc[2]. Chiến lược với tầm nhìn đặt ra lộ trình đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Hướng tới tương lai trong 25 năm và được thiết kế trong 5 giai đoạn[3]. Sự tiếp nối của Chiến lược Ngũ giác sau Chiến lược Tứ giác và Tam giác được coi vừa là sự bổ sung, nâng cấp tham vọng hơn của các mục tiêu so với hai chiến lược trước đó. Nhằm ứng phó tốt hơn với những yêu cầu ở trong nước và những thay đổi, biến động trong khu vực cũng như trên thế giới. Phát biểu trong phiên họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố, Campuchia đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Ông cũng cho biết, đất nước đang dần chuyển mình từ vị thế quốc gia kém phát triển sang quốc gia đang phát triển vào năm 2027[4]. Ngoại trưởng kiêm Người phát ngôn Bộ thương mại Campuchia Penn Sovicheat cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Campuchia – Trung Quốc và Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia – Hàn Quốc sẽ giúp Campuchia thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế vào năm 2030 và 2050[5].
Chương trình ưu tiên sáu điểm của ông Hun Manet cũng bao gồm việc đưa khu vực phi chính thức vào nền kinh tế chính thức, phát triển khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp và hiện đại hoá kỹ thuật nông nghiệp[6]. Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả về mặt môi trường và bền vững về mặt tài chính, đảm bảo sức khoẻ của người dân trước các tác động của rủi ro kinh tế, sức khoẻ cộng đồng và những tổn thương phát sinh từ sự thay đổi điều kiện sống và làm việc. Mở rộng chăm sóc sức khoẻ, đào tạo kỹ thuật cho thanh niên, viện trợ cho người nghèo và người dễ bị tổn thương. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới Trung Quốc, ông đã thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc các lĩnh vực kể trên và nhiều lĩnh vực khác như du lịch, cơ sở hạ tầng, giáo dục v…v.
Những cam kết nổi bật được nêu ra trong tuyên bố chung của Trung Quốc và Campuchia sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet bao gồm: phát triển tỉnh Preah Siihanouk thành hình mẫu của Đặc khu kinh tế (SEZ) đa năng, nghiên cứu về hành lang công nghiệp và công nghệ tại Campuchia; xây dựng Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) làm dự án trọng điểm và đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville để thu hút thêm các doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực tăng cường đầu tư, tăng cường hợp tác về thuỷ điện, quang điện và các nguồn năng lượng sạch khác; thúc đẩy thành lập dự án Khu vực trình diễn Carbon thấp Trung Quốc – Campuchia của hợp tác Nam-Nam về Biến đổi khí hậu ở tỉnh Preah Sihanouk. Thực hiện hợp tác, đối thoại chính sách, nghiên cứu chung trong các vấn đề về an ninh năng lượng bền vững; tiếp tục dự án trùng tu Cung điện Hoàng gia ở Ankor, đền Preah Vihear và các di sản văn hoá khác do Trung Quốc viện trợ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch của Campuchia. Trong lĩnh vực giáo dục, hai bên tăng cường thúc đẩy đưa thanh niên Campuchia sang Trung Quốc du học và hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trong khuôn khổ Liên minh giáo dục nghề nghiệp Trung Quốc – Campuchia; đưa nhà Thanh niên hữu nghị Campuchia – Trung Quốc trở thành nền tảng tăng cường trao đổi và đào tạo thanh niên giữa hai nước; ngoài ra, còn thúc đẩy thành lập các Viện Khổng Tử.
Chính quyền Thủ tướng Hun Manet cũng chủ trương hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề an ninh. Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của ông Hun Manet tới Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề huấn luyện, diễn tập chung, dịch vụ y tế, hậu cần, rà phá bom mìn, tăng cường phối hợp và hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Nâng cao năng lực cảnh sát của hai nước trong việc chống cờ bạc xuyên biên giới, gian lận viễn thông; thực hiện hợp tác an ninh trong các dự án Vành đai và Con đường (BRI). Thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng đảm bảo an ninh biên giới. Một trong những vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, uy tín quốc tế, an ninh trong nước của Campuchia là vấn đề biên giới. An ninh biên giới Campuchia hiện tại với các nước nổi lên các vấn đề buôn lậu, buôn bán người v…v. Vì vậy, trong những cuộc gặp với Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, ông Hun Manet luôn đề cập và đưa vấn đề hợp tác xử lý về an ninh biên giới vào thảo luận. Điều này là cơ sở để ổn định tình hình biên giới, giúp người dân các nước yên tâm phát triển kinh tế, thúc đẩy trao đổi buôn bán hàng hoá giữa các nước qua đường bộ, cải thiện hình ảnh của Campuchia trong mắt bạn bè quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện chiến lược “Campuchia không có bom mìn vào năm 2025” và giảm số lượng vật liệu chưa nổ đến mức tối đa.
Các ưu tiên trong chính sách đối ngoại
Trong thời gian tới, chính sách đối ngoại của Campuchia gồm 3 điểm chính. Thứ nhất, khôi phục quan hệ với các đối tác truyền thống. Thứ hai, thiết lập quan hệ với các đối tác mới, đặc biệt ở Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Thứ ba, củng cố, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng thân thiện và quốc gia trong khu vực[7].
Trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Thủ tướng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã có cuộc gặp và buổi ăn trưa cùng nhau. Tại cuộc gặp, ba thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc song phương và ba bên thường xuyên, duy trì cơ chế ăn sáng làm việc giữa thủ tướng ba nước nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế nhằm không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, cùng nhau trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quan hệ ba nước; tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên hiện có, trong đó có việc phối hợp sớm tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển CLV (Campuchia – Lào – Việt Nam) lần thứ 13 và Cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023; đẩy mạnh giao lưu, tập huấn thanh niên và lãnh đạo trẻ nhằm vun đắp cho tương lai quan hệ hợp tác giữa ba nước[8].
Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Lào – Campuchia. Sau cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng CPP Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith nhất trí, trong bối cảnh tình hình hiện nay, ba Đảng, ba nước cần tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục coi quan hệ giữa ba Đảng là nòng cốt, định hướng cho tổng thể quan hệ giữa ba nước; củng cố trụ cột về quốc phòng – an ninh, tăng cường hợp tác trong công tác đối ngoại; tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp. Ba bên nhất trí tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có, nghiên cứu thiết lập một số cơ chế hợp tác mới nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba Đảng, ba nước vì lợi ích của nhân dân của ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới[9]. Vào tháng 8/2023, ngay sau khi Quốc hội khoá 7 của Campuchia thành công, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đã có cuộc hội đàm trực tuyến, tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt[10].
Những cuộc gặp giữa những lãnh đạo cao nhất của cả ba nước giúp củng cố lòng tin chính trị trong bối cảnh cục diện khu vực và thế giới có nhiều diễn biễn phức tạp. Khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại 2 nước Lào và Campuchia ngày càng gia tăng, cuộc gặp giúp khẳng định tinh thần đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước. Tần suất các cuộc gặp cấp cao, ngay sau khi Lào và Campuchia thực hiện xong kì bầu cử quốc hội cho thấy sự tin cậy, tình đoàn kết bền chặt giữa 3 nước láng giềng. Những cuộc gặp là cơ sở, định hướng cho những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ ở các nước. Thắt chặt quan hệ 3 nước có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả Việt Nam, Campuchia và Lào.
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chọn Campuchia cho chuyến công du ASEAN đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của nội các mới của chính phủ Thái Lan và được giới chuyên gia cho đó là điều bất thường. Có ý kiến cho rằng chuyến thăm nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa gia đình hai nhà lãnh đạo Thavisin và Hun Sen, vốn đã có mối giao tình từ lâu, trong thời kì Thavisin vẫn còn là Phó Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Thaksin[11]. Hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận về thúc đẩy hợp tác, củng cố kinh tế, thương mại, các vấn đề an ninh biên giới, tội phạm xuyên quốc gia. Chuyến thăm có thể là bước đầu mở ra một thời kì nồng ấm trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mối giao tình giữa gia đình 2 nhà lãnh đạo là điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Thái Lan, phù hợp với Chiến lược Ngũ giác của Chính phủ Campuchia đã đề ra.
Campuchia cũng đang cố gắng đa dạng hoá quan hệ. Trong đó, ASEAN được xác định là nền tảng để Campuchia giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay sau khi nhậm chức, hãng thống tấn chính phủ Campuchia Agence Kampuchea Presse (AKP) đưa tin cho rằng ASEAN sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Campuchia. Chuyến thăm của Thủ tướng tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jarkarta đã chứng minh tuyên bố không chỉ mang tính biểu tượng[12].
Trung Quốc vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của Campuchia dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet. Minh chứng cho điều đó là việc ông Manet đã chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tới thăm ngay sau khi lên nhậm chức vào hồi tháng 8. Chuyến thăm nhằm mục đích củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hiện có, mở ra những con đường hợp tác và tăng trưởng mới cho Campuchia. Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet tới Trung Quốc. Campuchia tái khẳng định tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. Campuchia phản đối mọi nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hoặc ngăn chặn hay kiềm chế Trung Quốc dưới danh nghĩa vấn đề Đài Loan, hoặc bất kỳ hình thức hoạt động ly khai nào nhằm tìm kiếm “độc lập của Đài Loan”. Ngoài ra tuyên bố chung cũng đề cập đến việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới trong chuyến thăm vào hồi tháng 2/2023 của Thủ tướng Hun Sen; thúc đẩy phối hợp, hợp tác trong thực hiện kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia cùng tương lai chung trong kỷ nguyên mới (2024-2028).
Bên cạnh những cơ hội về mặt kinh tế, có một số khó khăn và yếu tố tiềm tàng khi Campuchia thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Sam Seun, nhà phân tích chính trị tại Học viện Hoàng gia Campuchia đưa ra một số thách thức khi Phnom Penh ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ với Bắc Kinh.
Thứ nhất, khả năng xảy ra sự mất cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Campuchia là một trong những trở ngại lớn. Campuchia là một quốc gia kém phát triển, Campuchia buộc phải đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận hoặc hợp tác nào với Trung Quốc đều có lợi cho cả hai bên và không dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.
Thứ hai, tác động tiềm tàng đối với các ngành và doanh nghiệp nội địa là một yếu tố khác cần tính đến. Thương mại và đầu tư của Trung Quốc gia tăng mức độ cạnh tranh với các công ty Campuchia, đặc biệt là trong các ngành mà Trung Quốc có thế mạnh. Campuchia phải có kế hoạch để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, hỗ trợ chúng và đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Thứ ba, tính bền vững về môi trường cũng cần được tính đến. Trung Quốc trước đây từng bị chỉ trích vì các chính sách môi trường của mình; do đó, Campuchia phải đảm bảo rằng bất kỳ sự hợp tác hoặc dự án nào với Trung Quốc đều tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải bảo tồn tài nguyên, quản lý việc sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và giảm thiểu mọi tác động bất lợi đến môi trường.
Vấn đề dân chủ nhân quyền và nâng cao uy tín quốc tế của Campuchia
Trước đây, Campuchia đã mất phần nào uy tín và lòng tin của một số nước trong ASEAN khi có những hành động được coi là “theo phe” Trung Quốc, tiêu biểu là sự kiện năm 2012 khi Campuchia với quyền chủ tịch đã ngăn ASEAN ra tuyên bố chung về vấn đề biển Đông. Vì vậy, khi nên nắm quyền, chính quyền thủ tướng Hun Manet tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, dựa trên luật lệ, chống mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài, xây dựng hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời tích cực góp phần thúc đẩy sự nghiệp hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và thế giới[13]. Từ đó, tìm kiếm sự ủng hộ của các trong ASEAN, gia tăng uy tín, lòng tin của các nước với ASEAN, và còn thúc đẩy đoàn kết trong toàn khối. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, Hun Manet cho rằng cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc đang ngày càng gay gắt, điều trực tiếp gây áp lực lên “hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho toàn thể ASEAN”. “Chiến tranh không thể kết thúc bằng chiến tranh”, Hun Manet kêu gọi cộng đồng ASEAN và quốc tế phản đối việc đe dọa dùng vũ lực chống lại một quốc gia có chủ quyền”[14]
Chiến lược thứ hai trong Chiến lược Ngũ giác của Campuchia là đưa nước này trở thành 1 quốc gia thịnh vượng, mạnh mẽ, tự do, dân chủ đa đảng dựa trên pháp quyền và một nền kinh tế bền vững và công bằng. Ông Hun Manet cho rằng, chiến lược này hướng tới đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, chan hòa và được tôn trọng các quyền con người.[15] Ngoài ra, chiến lược thứ hai này có thể còn có một mục đích khác hướng ra bên ngoài. Chiến lược như một lời khẳng định với các nước phương Tây, vốn luôn bất đồng quan điểm với Campuchia về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do chính trị. Để duy trì phát triển kinh tế, Campuchia không thể tiếp tục trở thành đối tượng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ hoặc phương Tây[16]. Việc bổ nhiệm Sok Chenda Sophea làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng là Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia, một tổ chức chịu trách nhiệm đầu tư vào Campuchia là minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa đối tác và thu hút vốn đầu tư của chính quyền Hun Manet. Tuy nhiên, cả Campuchia và phương Tây vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về vấn đề nhân quyền. Do vậy, thách thức để các bên có thể tìm được tiếng nói chung là vô cùng lớn. Vì trong tuyên bố chung với Trung Quốc nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet, cả hai bên đã cùng bày tỏ sự kiên quyết đối với việc chính trị hóa nhân quyền, tiêu chuẩn kép và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác dưới chiêu bài nhân quyền hoặc dân chủ. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chống can thiệp và cách mạng màu[17].
Tổng hợp: Phạm Quang Phúc
Tài liệu tham khảo
[1] Minh Phương (2023), “Campuchia và những di sản kinh tế dưới sự chèo lái của Thủ tướng Hun Sen”, Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/campuchia-va-nhung-di-san-kinh-te-duoi-su-cheo-lai-cua-thu-tuong-hun-sen-20230806151502112.htm
[2] Hải Hoàng (2023), “Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/campuchia-trien-khai-chien-luoc-ngu-giac-va-nhung-ham-y-doi-voi-viet-nam/
[3] Orm Bunthoeurn (2023), “Manet unveils first phase of ‘Pentagonal Strategy’”, The Phnompenh Post, https://www.phnompenhpost.com/national-politics/manet-unveils-first-phase-pentagonal-strategy-goals
[4] VNA (2023), “Cambodia aims to become high-income country in 2050”, Vietnamplus, https://en.vietnamplus.vn/cambodia-aims-to-become-highincome-country-in-2050/268585.vnp
[5] Xinhua (2023), “Cambodia targets high-income country status by 2050: PM”, Xinhuanet, https://english.news.cn/20230923/84b14b38904049acb119b2cedceedb86/c.html
[6] Phoung Vantha (2023), “Bumby Road Ahead as Hun Manet Takes Reins”, Cambodianess, < https://cambodianess.com/article/bumpy-road-ahead-as-hun-manet-takes-reins >
[7] Vĩnh Khang (2023), “Thủ tướng Hun Manet vạch ưu tiên chính sách đối ngoại của Campuchia”, Pháp luật, https://plo.vn/thu-tuong-hun-manet-vach-uu-tien-chinh-sach-doi-ngoai-cua-campuchia-post748441.html
[8] “Thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Lào và Campuchia có ý nghĩa quan trọng chiến lược” (2023), Công an nhân dân online, https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/that-chat-quan-he-hop-tac-giua-viet-nam-lao-va-campuchia-co-y-nghia-quan-trong-chien-luoc–i706060/
[9] TTXVN (2023), “Cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Campuchia – Lào: Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống”, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/cuoc-gap-cap-cao-viet-nam-campuchia-lao-tang-cuong-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-741672
[10] VNA (2023), “Ruling parties of Laos, Cambodia foster relations”, Vietnamplus, https://en.vietnamplus.vn/ruling-parties-of-laos-cambodia-foster-relations/265998.vnp
[11] “Srettha’s Cambodia trip related to Thaksin-Hun Sen close ties” (2023), Thai PBS world, https://www.thaipbsworld.com/sretthas-cambodia-trip-related-to-thaksin-hun-sen-close-ties/
[12] Sokvy Rim (2023), “Cambodia’s foreign policy under new Prime Minister Hun Manet”, Think China, https://www.thinkchina.sg/cambodias-foreign-policy-under-new-prime-minister-hun-manet
[13] Hải Hoàng (2023), tldd, https://nghiencuuchienluoc.org/campuchia-trien-khai-chien-luoc-ngu-giac-va-nhung-ham-y-doi-voi-viet-nam/
[14] Kate Lamb (2023), “Hun Sen’s son aims to make Cambodia high-income country by 2050”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/hun-sens-son-aims-turn-cambodia-into-high-income-country-by-2050-2023-09-04/
[15] Đỗ Thảo (2023), “Ông Hun Manet nêu 5 chiến lược lãnh đạo đất nước”, Mekong ASEAN VN, https://mekongasean.vn/ong-hun-manet-neu-5-chien-luoc-lanh-dao-dat-nuoc-post25331.html
[16] Sokvy Rim (2023), “The West’s impact on the future of Cambodia’s democracy”, EastAsiaForum, https://www.eastasiaforum.org/2023/09/07/the-wests-impact-on-the-future-of-cambodias-democracy/
[17] Xinhua (2023), “Full text: Joint Communique between the Government of the People’s Republic of China and the Royal Government of Cambodia”, Xinhuanet, https://english.news.cn/20230916/1a965d1aba4d49a3b290851125e8ee2b/c.html