Trước thềm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva), 9 chuyên gia châu Âu và Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định quan trọng, góp phần hé mở tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong thập kỷ tới. Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới quý độc giả quan điểm của các chuyên gia này qua bài viết: "NATO trong thập kỷ tới" với hai phần: Phần 1 - Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề xung đột Ukraine và Phần 2 - Mở rộng, thích ứng với nhiệm vụ chiến lược mới.
Nhiệm vụ mới của EU và NATO
Liana Fix – thành viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
Sự phân công nhiệm vụ cũ của châu Âu – NATO chịu trách nhiệm về an ninh của lục địa và Liên minh châu Âu chịu trách nhiệm về sự phát triển kinh tế – đã không còn bền vững nữa. Lần đầu tiên kể từ năm 1945, một cuộc chiến lớn nổ ra tại châu Âu đã cho thấy rõ ràng rằng NATO phải trở nên giống châu Âu hơn và EU phải đóng vai trò là một chủ thể an ninh nhiều hơn.
Lý do rất đơn giản: Sự bảo vệ thông qua NATO cũng đồng nghĩa với sự đảm bảo của Hoa Kỳ. Với một cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu và một cuộc xung đột (có thể) sắp xảy ra tại Đài Loan ở châu Á, thì sự bảo trợ của Hoa Kỳ có thể trở nên quá sức. Như hầu hết mọi người đều đồng ý cho đến nay, người châu Âu cần chịu trách nhiệm cho an ninh của chính họ. Tuy nhiên, việc chia sẻ gánh nặng với nội bộ các nước trong NATO thôi sẽ không đủ. Nhiều quốc gia châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau cuộc chiến của Nga, nhưng việc chi tiêu này không có sự phối hợp, phân tán và phần lớn không hiệu quả trong việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu.
Đây là lúc Liên minh châu Âu vào cuộc. Các kế hoạch vĩ đại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu độc lập với Washington đã bị Nga vạch trần là một ảo tưởng phi thực tế và nguy hiểm – và điều này đã bị các nước Trung và Đông Âu phản đối ngay cả trước khi xảy ra chiến tranh. Ở mức độ thực tế hơn, EU có thể đóng góp thực sự và lâu dài cho an ninh châu Âu bằng cách đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của châu Âu và tài trợ cho các hệ thống quân sự mà người châu Âu đang thiếu. Tài trợ cho phòng thủ châu Âu và điều phối mua sắm vũ khí không phải là nhiệm vụ của NATO, tổ chức này ít tác động đến việc các quốc gia thành viên mua gì và cách họ chi trả cho việc đó. Ở đây, EU có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.
EU đã trải qua một quá trình chuyển đổi đáng chú ý kể từ khi Nga phát động cuộc chiến vào năm 2022. Chưa bao giờ khối này hành động nhanh chóng và dứt khoát như vậy trong cuộc khủng hoảng an ninh, hành động bằng sức mạnh và mau lẹ đối với các biện pháp trừng phạt cũng như giảm sự phụ thuộc năng lượng đối với Nga. Lần đầu tiên, Brussels sử dụng Quỹ Hòa bình châu Âu, được thành lập vào năm 2021 để tài trợ cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, để trực tiếp mua vũ khí, đạn dược cho một quốc gia không thuộc EU. Ngoài ra, EU đang tài trợ cho một sứ mệnh hỗ trợ quân sự để đào tạo tới 30.000 binh sĩ Ukraine.
Hành động tiếp theo của EU nên là tự mình làm những điều tương tự như cách họ đã làm cho Ukraine: Tài trợ và xây dựng năng lực quân sự cho phép các lực lượng quân đội châu Âu trở thành những lực lượng đóng góp an ninh thực sự, chứ không chỉ là gánh nặng cho Hoa Kỳ. EU không thể và không nên thay thế NATO. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu nên có khả năng tự mình tham gia chiến đấu vào các cuộc hiến quy mô trung bình trong khu vực xung quanh họ – nơi không có sự can thiệp của Hoa Kỳ và nằm trong khuôn khổ của EU hoặc NATO.
Hành động đầu tiên trong thời chiến là dựa vào những gì đã được chứng minh là thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa cuộc chiến của Nga và các mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan là một cột mốc quan trọng đến mức mọi thứ phải thay đổi để duy trì sự ổn định. Để đảm bảo an ninh của châu lục và định hình tương lai cho liên minh phòng thủ thành công nhất thế giới trong thập kỷ tới, NATO cần hợp tác với EU.
Ảnh hưởng của Trump đối với Liên minh
Ulrich Speck – chuyên mục đối ngoại tại Neue Zürcher Zeitung
Khi các nhà lãnh đạo NATO thảo luận về tương lai của khối vào ngày 11-12/7/2023, trong đó có một vấn đề lớn không thể phớt lờ cần thảo luận là: Điều gì xảy ra nếu cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tái đắc cử vào năm 2024? Ngay cả khi không đưa được Hoa Kỳ ra khỏi liên minh, như Trump đã gần như làm được, một tổng thống tương lai khác của Hoa Kỳ có thể hạn chế việc can dự của Hoa Kỳ vào châu Âu, do chủ nghĩa biệt lập hoặc nhu cầu chuyển các nguồn tài nguyên khan hiếm sang chiến trường châu Á.
Không có Hoa Kỳ, giá trị của liên minh gần như bằng không. Trong khi đó việc răn đe Điện Kremlin phải phụ thuộc vào uy tín và sức mạnh – và trong tương lai gần, những phẩm chất đó chỉ có thể được cung cấp bởi một lực lượng quân đội hàng đầu thế giới hiện nay.
Châu Âu thiếu sức mạnh quân sự và thậm chí quan trọng hơn là thiếu sự thống nhất về mặt chiến lược để ngăn chặn một đối thủ vô cùng quyết tâm. Pháp ít được tin tưởng ở phần lớn châu Âu và tập trung ở những vấn đề khác, Anh bị suy yếu bởi Brexit, trong khi số lượng quân đội của Đức là không đáng kể. Các quốc gia dọc theo biên giới phía Đông và phía Bắc của NATO có ý chí nhưng thiếu phương tiện. Nếu không có sự ngăn chặn mạnh mẽ và đáng tin cậy, Moskva sẽ nỗ lực gấp đôi để giành lại các vùng đất từ thời Liên Xô, và chiến tranh dưới mọi hình thức sẽ lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine.
NATO không thể chống lại Trump, và châu Âu phải chấp nhận sự phụ thuộc ở một mức độ nhất định. Nhưng nguy cơ Washington rút khỏi liên minh có thể giảm bớt. Và để giữ cho Hoa Kỳ tham gia với tư cách là cường quốc chủ chốt đằng sau trật tự an ninh châu Âu, các đồng minh của họ phải tăng cường đáng kể phần trách nhiệm của mình.
Chìa khóa cho bất kỳ sự chia sẻ gánh nặng nào vẫn là Đức – trung tâm địa lý, chính trị và kinh tế nặng ký của Châu Âu, đồng thời là đối tác thân thiết của phần lớn Trung và Đông Âu. Đức cần trở thành quốc gia hỗ trợ chính cho các quốc gia phải đối mặt với áp lực từ Nga. Họ sẽ không thể làm điều đó một mình, nhất là vì nó thiếu khả năng phòng thủ hạt nhân, điều vẫn rất quan trọng để trở nên ngang tầm với Điện Kremlin. Tuy nhiên, Berlin có thể và nên đảm nhận một phần lớn gánh nặng khi bước vào vị trí “đối tác lãnh đạo” vẫn còn trống mà cựu Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã đề nghị với Đức vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh.
Cam kết chi 3% GDP cho quốc phòng – gần gấp đôi mức 1,44% mà nước này đã chi vào năm 2022 – sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ đối với Nga và châu Âu. Bằng nỗ lực giống như cách mà Nhật Bản đã làm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đức sẽ khiến bất kỳ nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nào cũng khó có thể đổ lỗi cho châu Âu vì đã không chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng trong việc giữ gìn an ninh của lục địa này.
Một nước Đức mạnh mẽ sẵn sàng giải phóng Hoa Kỳ khỏi phần lớn các vấn đề ở châu Âu sẽ không chỉ gây ấn tượng với những hoài nghi từ phía Washington, mà còn mở ra hướng đi cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào một kỷ nguyên mới. Nó sẽ biến NATO thành một nhân tố chính của trật tự thế giới tự do mới, nơi có sự tham gia của Hoa Kỳ, Châu Âu cùng các đồng minh và đối tác chủ chốt đến từ Châu Á, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tokyo đã bước vào kỷ nguyên mới – bằng cách tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng – trong khi Berlin vẫn chưa có bất kỳ bước đi nghiêm túc nào.
Một khoản đầu tư lớn vào quốc phòng của Đức sẽ không chỉ là một việc mang tính biểu tượng để giữ cho Washington tham gia vào liên minh. Mà nó sẽ trở thành cơ sở cho sự cân bằng và bền vững giữa Hoa Kỳ và Châu Âu trong việc đảm bảo trật tự an ninh ở Châu Âu. Cuối cùng, nó sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ Kế hoạch B nào trong trường hợp điều tồi tệ nhất xảy ra và một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ sẽ rút khỏi các vấn đề của châu Âu, để lục địa này tự mình đối mặt với một nước Nga theo chủ nghĩa đế quốc mới.
Vai trò của vấn đề Trung Quốc đối với NATO bắt đầu ở châu Âu
A.Wess Mitchell, người đồng sáng lập và điều hành The Marathon Initiative
Khái niệm chiến lược năm 2022 của NATO đã thực hiện một bước quan trọng đầu tiên bằng cách công nhận Trung Quốc là một thách thức an ninh mới, tuy nhiên liên minh cần biến điều đó thành các hành động cụ thể. Điều đó sẽ không dễ dàng bởi Trung Quốc không phải là mối quan tâm quen thuộc của NATO, và các nước trong tổ chức này có các cách thức khác nhau để đối phó với Bắc Kinh. Nhưng việc thiết lập một cách tiếp cận rõ ràng là cực kỳ quan trọng để cải thiện khả năng phản ứng tập thể của phương Tây đối với Trung Quốc và củng cố khả năng của cả Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn và – nếu cần thiết – tiến hành một cuộc chiến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Để đối phó với Trung Quốc, NATO cần bắt đầu từ trong bản chất và cơ cấu của mình. Liên minh này hoạt động dựa trên sự đồng thuận, tiền lệ và các nhiệm vụ tuân theo các tuyên bố công khai. Đó là lý do tại sao việc NATO đưa Trung Quốc vào các tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh năm 2019, 2021 và 2022, cũng như Khái niệm Chiến lược mới, lại quan trọng đến vậy. Chìa khóa hiện nay sẽ là xây dựng sự hỗ trợ cho các hành động cụ thể xuất phát từ đánh giá mối đe dọa và phù hợp một cách tự nhiên với sứ mệnh an ninh cốt lõi của NATO.
Đầu tiên, NATO cần phát triển các kế hoạch dự phòng cho những gì tổ chức này sẽ làm trong trường hợp xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung. Họ cũng cần có khả năng thường xuyên đưa ra các quan điểm chung về Trung Quốc, ngay cả khi nó nằm ngoài trọng tâm địa lý của tổ chức này ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Mục tiêu chính của chính sách ngoại giao của Trung Quốc là phá vỡ sự gắn kết của các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, và NATO là mục tiêu hàng đầu. Ở mức tối thiểu, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cần phải đưa ra thảo luận các vấn đề về Trung Quốc một cách thường xuyên. Cuối cùng, Tổ chức này có thể sẽ cần một cơ quan tư vấn nào đó để giảm xung đột giữa NATO và Liên minh châu Âu – và tránh tình trạng bị tê liệt nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng.
Thứ hai, NATO cần có các động thái để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc làm suy yếu khả năng thực hiện sứ mệnh quân sự của mình. Điều đó bao gồm các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng, viễn thông, sự sẵn sàng của quân đội và khả năng tương tác. Một NATO chịu ảnh hưởng của Trung Quốc có thể thấy mình không thể tự bảo vệ được chủ thể trước Nga trong một kịch bản khủng hoảng.
Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, NATO cần phải có khả năng cao hơn hiện tại để bảo vệ khu vực quê hương Châu Âu – Đại Tây Dương. Việc nhìn thấy các tàu của Pháp hoặc Anh ở vùng biển châu Á luôn là một cảnh tượng đáng hoan nghênh và NATO nên tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng trọng tâm công việc của NATO là ở châu Âu. Khả năng của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn, và nếu cần thiết, đánh bại Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc có một hệ thống phòng thủ vững chắc ở Đông Âu. Điều đó bắt đầu bằng việc đáng bại Nga ở Ukraine, nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi sự hiện diện lâu dài và đáng kể hơn của NATO ở sườn phía Đông. Điều đó không chỉ đến từ Hoa Kỳ và các đồng minh; Bên cạnh đó các nước Tây Âu sẽ phải thể hiện sự hiện diện của mình nhiều hơn ở Đông Âu so với hiện tại.
Vài năm tới sẽ rất quan trọng trong việc xác định liệu phương Tây có thể tránh được một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc hay không. NATO có một vai trò quan trọng trong việc đóng vai trò là mỏ neo cho sự ổn định toàn cầu bằng cách thực hiện tốt công việc cốt lõi của mình ở châu Âu.
Bảo vệ 500 triệu người châu Âu là ưu tiên số một
Tướng Ben Hodges, cựu Chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Phi
Trên khắp Ukraine, Nga đang sử dụng vũ khí thông minh để tấn công các tòa nhà chung cư, trung tâm mua sắm và cơ sở hạ tầng năng lượng. Rõ ràng, chừng nào Nga còn là mối đe dọa đối với NATO, thì các phương pháp tiến hành chiến tranh của Điện Kremlin nhằm vào các cơ sở dân sự có nghĩa là hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp (IAMD) sẽ được yêu cầu ở quy mô lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của tổ chức này. Không chỉ cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng cần được bảo vệ, mà NATO còn phải bảo vệ nửa tỷ thường dân châu Âu.
Tổ chức không được chuẩn bị cho việc này. Do đó, việc nâng cao quy mô, chất lượng và tính bền vững của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa là nhiệm vụ quân sự cấp bách nhất của NATO hiện nay. Như chúng ta đã thấy ở Ukraine, các loạt tên lửa, máy bay không người lái và máy bay của kẻ thù có thể sẽ xuất hiện theo đội hình, từ nhiều hướng và ở nhiều tốc độ cũng như độ cao khác nhau. Biện pháp bảo vệ ban đầu chống lại một cuộc tấn công như vậy rất có thể sẽ do một quốc gia thành viên hoặc một nhóm các quốc gia thực hiện – cho đến khi Điều 5 được viện dẫn và NATO quyết định hành động.
Mối đe dọa này đòi hỏi các thành viên NATO phải kết hợp tốt hơn các khả năng khác nhau của họ, đồng thời phát triển các chính sách và quy trình cần thiết để phản ứng tức thời với bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào. Vậy điều gì là cần thiết?
1. NATO phải đảm bảo rằng tổ chức này có hệ thống IAMD tích hợp đầy đủ, lâu dài để thực hiện các chức năng cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát cũng như đánh bại các mối đe dọa sắp tới trong quá trình chuyển đổi từ thời bình sang thời chiến.
2. Các cuộc tập trận chung đa quốc gia thường xuyên sẽ là cách để kiểm tra và xác minh các khả năng của IAMD, bao gồm cả trong môi trường tranh chấp mô phỏng. Điều này đã không xảy ra ở quy mô cần thiết trong ít nhất 10 năm qua.
3. Các nước thành viên cần đầu tư vào máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, các hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không của NATO. Tuyến phòng thủ đầu tiên rất có thể sẽ là lực lượng không quân, vì chỉ riêng lực lượng phòng không trên mặt đất sẽ không thể bảo vệ hầu hết các khu vực mục tiêu. Máy bay có thể bao phủ nhiều lãnh thổ hơn và chuyển mục tiêu sang các mối đe dọa nhanh hơn, nhưng điều này đòi hỏi các bộ cảm biến đã được thử nghiệm cần phải thực sự đáng tin cậy. Bên cạnh đó họ cần một hệ thống chỉ huy và kiểm soát để điều khiển máy bay đồng thời kết hợp, phối hợp chúng với hệ thống phòng không trên mặt đất. Không có một mẫu máy bay cụ thể nào cho ra một câu trả lời chính xác, nhưng các đồng minh châu Âu phải đầu tư vào những chiếc máy bay được tối ưu hóa ở khả năng tương tác giữa các quốc gia trong liên minh. Các quốc gia không đủ khả năng mua máy bay hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của riêng họ có thể đóng góp bằng cách mua và lưu trữ các hệ thông cảm biến cũng như các hỗ trợ khác.
4. NATO cần tăng cường năng lực hải quân, đặc biệt là các hệ thống phòng không, tên lửa với nhiều cảm biến và hệ thống vũ khí hơn trên các tàu chiến.
5. Các thành viên liên minh cần tăng cường khả năng phòng thủ trước một cuộc tấn công lớn, toàn diện trong một cuộc xung đột có thể kéo dài. Hệ thông phòng không và phòng thủ tên lửa phải bền vững chừng nào mối đe dọa còn tồn tại.
6. NATO phải đẩy nhanh việc triển khai và huấn luyện nhanh chóng các hệ thống Patriot ở Ba Lan, Romania và Thụy Điển, một đối tác quan trọng để đối phó với Nga trong bất kỳ tình huống bất ngờ nào có thể xảy ra.
7. Liên minh nên tìm kiếm những công nghệ mới có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo trước khi chúng thực sự rời bệ phóng.
8. NATO phải cải thiện khả năng phòng thủ thụ động các mục tiêu quân sự bằng cách giảm thiểu khả năng bị phát hiện và thiệt hại thông qua việc phân tán, ngụy trang, đánh lừa và kiên cố hóa.
Nếu Nga đưa ra quyết định cuối cùng là sử dụng vũ lực với NATO, họ chắc chắn sẽ bắt đầu bằng việc triển khai một loạt tên lửa, rocket và máy bay không người lái. Phương Tây không thể thiếu chuẩn bị cho việc phòng thủ và ngăn chặn – bên cạnh đó nếu việc ngăn chặn thất bại, thì các hệ thống phòng thủ – đòi hỏi cả hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân cần được cải thiện rất nhiều.
NATO cần phát triển thành một mạng lưới, không phải một khối
Anne-Marie Slaughter, CEO của New America
NATO là một khối thống nhất hay là một mạng lưới? Tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2012 của Tổ chức này ở Chicago, các thành viên NATO đã gặp gỡ cùng với 13 đối tác toàn cầu được lựa chọn trong số hơn 40 quốc gia vì những đóng góp quan trọng của họ cho các hoạt động của NATO. Thông cáo thượng đỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của “một mạng lưới quan hệ đối tác rộng khắp” và coi quan hệ đối tác bên ngoài khối như một yếu tố quan trọng của an ninh hợp tác. Trong một bài phát biểu ngay sau hội nghị thượng đỉnh đó, Tổng thư ký NATO khi đó là Anders Fogh Rasmussen đã mô tả một NATO được kết nối toàn cầu bao gồm “các nhóm Đồng minh cũng những đối tác sẵn sàng và có khả năng sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể”.
Tầm nhìn về một NATO phát triển theo chiều ngang, bao gồm mạng lưới và các sự hợp tác xa hơn được tạo ra để “trao quyền – cung cấp các hỗ trợ và hợp tác,” như tác giả đã viết vào thời điểm đó. Lý tưởng đó hoàn toàn trái ngược với vai trò hiện đang được đổi mới của NATO với tư cách là bức tường thành của phương Tây, một mặt trận thống nhất của các quốc gia sẵn sàng đẩy lùi những gì còn sót lại của khối phía Đông sau Chiến tranh Lạnh: Nga và Belarus. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc thúc đẩy các giá trị cốt lõi của NATO về “dân chủ, tự do cá nhân và pháp quyền”, cho dù họ gặp rủi ro bên trong hay bên ngoài liên minh, thì cách tiếp cận mạng lưới và xây dựng mối quan hệ ngang hàng giữa các nhóm quốc gia cùng với các quan chức của họ sẽ có khả năng xảy ra. Đó là cách Liên minh châu Âu hoạt động giữa các thành viên, với các quốc gia ứng cử viên đang cố gắng gia nhập và trong phần lớn các chính sách đối ngoại của tổ chức này.
Ngay cả khi NATO hoạt động với lý do ban đầu của mình là một liên minh an ninh tập thể chống lại Nga, thì các thành viên của nó sẽ làm tốt việc ghi nhớ các mối đe dọa an ninh tinh vi hơn đang ngấm ngầm ăn mòn các thể chế chính phủ mạnh mẽ và trung thực ở các quốc gia trên thế giới, cũng như các mối đe dọa phi quân sự đang tồn tại mà tất cả các chính phủ hiện phải đối mặt. Vì vậy một mạng lưới an ninh hợp tác sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện tại./.
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Nguồn: Foreign Policy, NATO’s Next Decade: Nine thinkers assess the alliance’s future ahead of a historic summit, 6.7.2023.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]