Ngày 24/2/2023 sẽ đánh dấu tròn một năm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sau những căng thẳng quan hệ từ cuối năm 2021, ngày 24/02/2022, Nga đã mở chiến dịch quân sự và tiến hành đưa quân vào Ukraine. Không nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia phương Tây, nghĩ đây sẽ là một cuộc xung đột kéo dài, tuy nhiên đã sắp một năm mà cuộc chiến vẫn tràn đầy khốc liệt và không có dấu hiệu của việc đạt được thỏa thuận hòa bình hoặc kết thúc cuộc chiến trong thời gian ngắn. Bước sang tháng thứ 12, cuộc xung đột giữa hai quốc gia vẫn diễn ra ác liệt ở phía Đông và Nam Ukraine. Cùng nhìn lại sau gần 1 năm, Nga và Ukraine đã mất gì, được gì, thế giới phải chịu những ảnh hưởng gì từ cuộc xung đột này và liệu cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu.
Các giai đoạn của cuộc xung đột
Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với lý do chính là sự đe dọa an ninh nghiêm trọng từ chính quyền Ukraine và NATO (Tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương). Nga đã đưa quân vào các khu vực Đông Bắc, quanh thủ đô Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.
Từ đó đến nay, cuộc xung đột đã trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn I (từ 24/2/2022 tới tháng 4/2022), Nga triển khai lực lượng nhanh chóng, sử dụng các đợt pháo kích và tên lửa tầm xa nhằm sớm kiểm soát thủ đô Kiev. Giai đoạn II (từ tháng 4/2022 – 28/8/2022), Nga tập trung lực lượng ở miền Đông Ukraine và giành được quyền kiểm soát một số thành phố. Giai đoạn III (từ 28/08/2022 đến nay) Ukraine điều động lực lượng và mở chiến dịch phản công lại miền Nam và miền Đông nước này[1].
Bản đồ các khu vực giao tranh giữa Nga – Ukraine (ngày 03/02/2023), nguồn: Al Jazeera
Thành công, thất bại của Nga sau 1 năm tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine
Về thành công
Sau gần 1 năm, hiện tại Nga đang kiểm soát 4 khu vực Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia và một nửa Donetsk. Tháng 10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức sáp nhập các khu vực Donetsk và Luhansk, được gọi chung là Donbas ở miền đông Ukraine[2]. Theo tờ New York Times, khi Nga giành được quyền kiểm soát toàn bộ Donbass, cùng với thành công ban đầu ở các khu vực phía nam tiếp giáp với Bán đảo Crimea sẽ tạo cho Nga lợi thế trong bất cứ cuộc đàm phán tương lai nào với Ukraine[3].
Một trong những thành công nổi bật của Nga trong cuộc chiến là giữ được nền kinh tế không suy giảm quá nhiều bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo báo cáo của IMF, nền kinh tế Nga năm 2022 chỉ suy giảm 2.2% đồng thời dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng dương trở lại từ năm 2023[4]. Nền kinh tế Nga vốn dĩ đã quen thuộc với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc có thêm các lệnh trừng phạt từ cuộc xung đột không gây ra quá nhiều khó khăn hay tổn hại cho Nga. Hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga được chuyển hướng sang các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga như Trung Quốc và Ấn Độ. Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ thậm chí đã tăng 33 lần trong tháng 12/2022. Nga cũng trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của Trung Quốc, với lượng giao hàng tăng 177%, đạt 3,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2022. Nga cũng thành công trong việc không để đồng Rúp mất giá và thúc đẩy sử dụng đồng Rúp trong thanh toán quốc tế.
Theo chuyên gia Nga, ông Paul B. Stephan, Giáo sư tại Trường Đại học Virginia (Mỹ), một trong những mục tiêu của Nga khi triển khai “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt” là nhằm tạo ra sự bất đồng trong Châu Âu, và đặc biệt là giữa Châu Âu và Mỹ, ngoài ra Nga cũng mong muốn làm giảm uy tín của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Xét theo góc độ này, có thể thấy, Nga đã đạt được một phần của mục đích. Do sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng, nội bộ EU đã có những bất đồng trong thảo luận về biện pháp trừng phạt đối với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu từ Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macro ngày 5/4/2022 nói rằng EU nên thống nhất hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và than đá của Nga, trong khi đó, Đức, Áo, Ba Lan… không đồng tình việc áp trừng phạt với lĩnh vực năng lượng Nga[5]. Hồi tháng 10/2022, Mỹ và EU cũng đã có những bất đồng về việc hỗ trợ Ukraine. Cụ thể, mặc dù vẫn cẩn trọng không gây xích mích bằng các lời chỉ trích gay gắt, Mỹ vẫn đã thể hiện sự không hài lòng trong tiến trình giải ngân viện trợ của EU[6]. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine tại Kiev ngày 3/2/2023 mới đây, mặc dù EU đưa ra cam kết “hỗ trợ Ukraine hội nhập châu Âu hơn nữa”, tuy nhiên nội bộ EU đã có sự khác biệt quan điểm về tiến trình gia nhập EU của Ukraine. Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập của Ukraine, song Tổng thống Pháp Macron từng cảnh báo rằng quá trình gia nhập có thể mất “nhiều thập kỷ” và một quan chức cấp cao của EU tuyên bố khối này sẽ không đi chệch khỏi tiến trình của mình[7].
Về thất bại
Đối với Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” được xem là trận đánh chiến lược của Tổng thống Putin, do đó Nga cũng đã tính toán và chấp nhận đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có áp lực quốc tế và các lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Tuy nhiên Nga cũng chưa thể lường hết được phản ứng từ thế giới. Bằng cách triển khai quân sự tại Ukraine để ngăn Ukraine “phi quân sự hóa”, Nga bị cộng đồng quốc tế lên án hành động này và gọi đây là “xâm lược”, đồng thời bị kêu gọi cô lập khỏi cộng đồng quốc tế. Theo hãng thông tấn Al Jazeera, có ít nhất 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp các lệnh trừng phạt đối với Nga. Tổng số lệnh trừng phạt mà Nga phải nhận lên tới hơn 10.000 lệnh trừng phạt, khiến Liên Bang Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, trên cả Iran, Syria và Triều Tiên[8]. Nga đã không lường trước được Mỹ và các nước Châu Âu lại viện trợ cho Ukraine nhiều đến vậy, tính đến hiện tại, tổng số tiền viện trợ mà Ukraine nhận từ Mỹ và các nước châu Âu đã hơn 100 tỷ USD, trong đó, có một phần quan trọng là cung cấp vũ khí, đạn dược, xe tăng và cả những thiết bị quân sự khác. Những điều này đã làm tăng khả năng chống chịu của Ukraine và khiến nga không thể kết thúc kế hoạch một cách nhanh chóng.
Ván bài năng lượng với Châu Âu không mang lại nhiều kết quả như Nga vẫn kỳ vọng. Thực tế là Nga từng là nguồn cung năng lượng chủ chốt cho các quốc gia Châu Âu trước khi xung đột xảy ra, cuộc chiến nổ ra thực sự đã khiến châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên EU đã nỗ lực tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc này. Ngày 8/3/2022, EU đã công bố kế hoạch chấm dứt tất cả hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga trước năm 2030[9]. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói rằng Châu Âu cần phải trở nên độc lập với dầu mỏ, than đá và khí đốt của Nga, Châu Âu không thể dựa vào một nhà cung cấp đe dọa đến Châu Âu một cách rõ ràng như Nga. Cuối tháng 8/2022, Tổng thống Putin đã tuyên bố dừng vô thời hạn nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua Nord Stream 1. EU cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung mới, nhưng đến cuối cùng, năng lượng vẫn không thể chi phối EU trong việc ngừng viện trợ cho Ukraine, thậm chí, mới đây EU vừa tuyên bố sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nga đã không thể kết thúc kế hoạch quân sự của mình một cách nhanh chóng và để cuộc chiến kéo dài. Nga cũng không thể giữ được cuộc chiến chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine, nhiều khu vực dân sự gần biên giới của Nga đã bị tấn công bởi quân đội Ukraine kéo theo thương vong của nhiều dân thường tại khu vực này. Nga cũng không thành công trong việc giữ các vùng lãnh thổ đã chiếm được. Trên thực tế, những ngày đầu của cuộc chiến, quân đội Nga đã thành công chiếm đóng một phần của Ukraine, nhưng sau đó, các cuộc tấn công của Nga bắt đầu chậm lại, trong khu các nước phương Tây và Mỹ liên tục viện trợ cho Ukraine. Nga bắt đầu bị phản công và một số vùng đã bị quân đội Ukraine giành lại. Từ tháng 8 năm 2022, Tổng thống Ukraine ông Zelenskyy đã phát động cuộc phản công bất ngờ, lực lượng nga phải rơi vào thế phòng thủ lần đầu tiên sau nhiều tháng.
Mặc dù mục tiêu của Nga là buộc Ukraine từ bỏ tư tưởng thân phương Tây, tuy nhiên mối quan hệ giữa Ukraine, Mỹ và châu Âu đang được gắn kết chặt chẽ thông qua cuộc chiến. Chưa có sự chắc chắn về khả năng gia nhập NATO hay EU của Ukraine, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, có thể nói Nga đã thúc đẩy mối quan hệ giữa Ukraine, bởi vì để đối phó với Nga, phương Tây đã giúp đỡ Ukraine trên nhiều mặt trận từ ngoại giao đến quân sự.
Thành công, thất bại của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga
Về thành công
Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Nga được đánh giá sở hữu năng lực quân sự vượt trội hơn so với Ukraine, Nga là một trong năm quân đội mạnh nhất thế giới.
Tương quan lực lượng Nga – Ukraine, nguồn: Al Jazeera
Một năm trôi qua và Ukraine vẫn chưa bị đánh bại, thậm chí quân đội Ukraine đã có những đợt phản công đối với quân đội Nga. Đây có thể coi là thành công tạm thời của Ukraine trong việc bảo vệ chính quyền. Ukraine cũng thành công trong việc giành lấy sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây, tạo điều kiện cho những mục tiêu trong tương lai của Ukraine là gia nhập NATO và EU.
Dưới sự hỗ trợ từ phương Tây, Ukraine đã tạo nên những cuộc phản công ở phía Đông Bắc và phía Nam, giúp nước này giành lại những khu vực đã từng bị Nga chiếm đóng. Đến cuối năm 2022, sau hơn 10 tháng chiến tranh, các lực lượng vũ trang của Ukraine đã giải phóng gần một nửa số khu vực mà Nga chiếm đóng hồi đầu năm.
Ukraine giành lại quyền kiểm soát Ternova (tháng 9/2022), nguồn: Institute for the Study of War
Về thất bại
Bước vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga ngay trên lãnh thổ của mình, Ukraine đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề, từ sự tàn phá cơ sở hạ tầng, đến thương vong binh lính và dân thường. Có thể nói, thất bại đầu tiên của Ukraine là đã dẫn đến một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga.
Tính đến thời điểm hiện tại, rõ ràng lãnh thổ Ukraine đã không còn toàn vẹn. Tại thời điểm tháng 7/2022, sau 5 tháng xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nói rằng Nga đã chiếm 20% lãnh thổ của đất nước, tương đương 47,000 dặm vuông[10]. Hiện tại, dù Ukraine đã giành lại được quyền kiểm soát một số vùng, tuy nhiên vẫn chưa thể lấy lại được hết những vùng lãnh thổ ban đầu trong đó có những vùng tự li khai và được ông Putin sáp nhập vào lãnh thổ Nga, nhất là khi Nga vẫn là một quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh mẽ với hệ thống vũ khí và phòng thủ hiện đại cùng con bài chủ chốt vũ khí hạt nhân.
Nền kinh tế Ukraine đã phải chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Tổng sản phẩm quốc nội GDP Ukraine đã giảm 30% trong năm 2022 và có nguy cơ suy giảm hơn nữa trong năm nay[11]. Lạm phát đã tăng từ 10% (tháng 12/2021 – trước cuộc xung đột hai tháng) lên 26.5%, Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như bánh mì đã tăng 35%, giá nhiên liệu và chi phí vận tải cũng đã tăng khoảng 40%. Ngành công nghiệp luyện kim – ngành xuất khẩu chính của Ukraine chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các nhà máy thép lớn tại Ukraine đã bị phá hủy bởi tên lửa Nga. Xuất khẩu kim loại của nước này đã giảm 60% trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2022. Cuộc tấn công đã phá hủy hơn 40% các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến nhiều thành phố không có điện và nước[12].
Cuộc xung đột vẫn tiếp diễn và Ukraine ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nước phương Tây. Mỹ và các nước Châu Âu đã gửi hàng chục tỷ USD viện trợ tài chính và khí tài quân sự cho Ukraine để tiếp tục cuộc chiến. Theo tiến trình như vậy, cuộc xung đột này sẽ sớm trở thành một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Nga và Phương Tây. Trong khi đó, cuộc chiến càng kéo dài, người thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất chỉ có thể là Ukraine, do chiến trường nằm trên chính lãnh thổ của Ukraine. Hàng chục triệu công dân Ukraine đã phải rời bỏ quê hương để tới tị nạn tại các vùng khác hoặc quốc gia khác. Ông Douglas McGregor, cựu cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhận định rằng dân số của Ukraine sẽ còn tiếp tục suy giảm[13]. Khi kết thúc chiến tranh, họ có thể quay lại quê hương của mình sinh sống và làm việc được không, lúc đó quê hương họ còn lại gì ngoài tàn tích của bom đạn và những công trình đổ nát. Chiến tranh làm quy mô nền kinh tế Ukraine thu hẹp nhanh chóng hơn 30% năm 2022, chi phí cho tham gia cuộc chiến sẽ ngày một tăng lên nếu cuộc chiến càng kéo dài. Ngoài ra, 350 tỷ USD là con số mà World Bank ước tính cần thiết cho công cuộc tái thiết hậu chiến tranh của Ukraine[14], điều này sẽ khiến nền kinh tế Ukraine kiệt quệ khi không đủ khả năng chi trả. Kể cả khi có sự hỗ trợ từ phương Tây, nền kinh tế Ukraine cũng sẽ phải gánh một khoản nợ khổng lồ và phải cố gắng trả trong rất nhiều năm sau. Sau chiến tranh, nghèo đói và nợ nần sẽ là thứ đang chờ đợi Ukraine.
Ukraine cũng đang đối mặt vơi nguy cơ về việc mất lãnh thổ, độc lập và cả quyền tự chủ của mình. Rõ ràng, trong chính cuộc xung đột này, nếu Ukraine để thua Nga, nhiều khả năng Nga sẽ giải tán chính quyền hiện tại và thiết lập một chính quyền mới thân Nga để thay thế. Ngoài ra, do chịu sự phụ thuộc lớn từ nguồn viện trợ của Mỹ và châu Âu, trong trường hợp Mỹ, Châu Âu và Nga có thể đạt được thỏa thuận, Ukraine sẽ trở thành con tốt trên bàn cờ các nước lớn. Ukraine không phải là thành viên của NATO, cũng không phải là thành viên của Liên Minh Châu Âu, không có gì có thể ràng buộc và đảm bảo Mỹ và Châu Âu sẽ bảo vệ Ukraine nếu các nước này nhận được lợi ích lớn hơn từ Nga.
Rõ ràng, để đất nước rơi vào tình trạng như hiện tại chính là một thất bại không thể chối cãi của chính quyền Ukraine.
Vai trò của yếu tố phương Tây trong cuộc xung đột
Mặc dù không trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine, các nước phương Tây vẫn có sự hiện diện quan trọng trong cuộc xung đột này, triển khai theo hai hướng chủ yếu: (1) là đưa ra các lệnh trừng phạt, cấm vận và kêu gọi chỉ trích Nga, (2) là viện trợ cho Ukraine tiếp tục tham chiến.
Ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, Mỹ và các đồng minh trên khắp thế giới đã lên án hành động của Nga như hành vi xâm lược một quốc gia, và kể từ đó đã công bố các biện pháp trừng phạt cứng rắn, nhằm cô lập hoàn toàn Nga ra khỏi cộng đồng quốc tế và gây áp lực kinh tế cho Nga. Ngày 26/02/2022, Mỹ và các nước châu Âu công bố một thỏa thuận loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT, Nhật Bản cũng đã ký thỏa thuận này một ngày sau đó. Mỹ và Châu Âu đã đóng băng tài sản nước ngoài của Nga tại các quốc gia này, đồng thời có những biện pháp cấm vận đối với các doanh nghiệp từ Nga, nhất là các sản phẩm năng lượng.
Mỹ và NATO giữ lập trường không gửi quân đội tới Ukraine. Thay vào đó, NATO tìm cách ngăn cuộc chiến không lan sang các nước lân cận như Ba Lan và vùng Baltic – Estonia, Latvia, Litva (Các thành viên NATO). Ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO nói rằng “NATO là một liên minh phòng thủ – nhiệm vũ cốt lõi của chúng tôi là giữ an toàn cho 30 quốc gia thành viên. Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đợt này, và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng nó không leo thang và lan rộng ra ngoài Ukraine. NATO không tìm kiếm một cuộc chiến tranh với Nga”. Mặc dù các thành viên NATO rất thân thiện với Ukraine và đã lên án cuộc tiến công của Nga bằng cả lời nói và các lệnh trừng phạt, tuy nhiên việc Ukraine không phải là thành viên của NATO vẫn là chìa khóa cho sự phản ứng từ NATO.
Hàng chục quốc gia đã cam kết viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Ukraine. Chỉ tính riêng Mỹ, đến nay Mỹ đã cung cấp cho Ukraine gần 48 tỷ USD để giúp nước này chiến đấu chống lại Nga, trong đó khoảng 23 tỷ USD là vũ khí, trang thiết bị và hỗ trợ an ninh, phần còn lại là viện trợ tài chính và nhân đạo[15].Tính đến nay, EU cũng đã viện trợ cho Ukraine gần 60 tỷ Euro, trong đó có gần 12 tỷ Euro là viện trợ quân sự[16]. Nguồn viện trợ của Mỹ và EU trở thành nguồn lực để Ukraine tiếp tục các hoạt động quân sự tham chiến, giúp Ukraine có cơ sở cân bằng thực lực với Nga, và kéo dài thời gian của cuộc xung đột.
Xe tăng chủ lực M1A1 Abrams của Mỹ sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine trong vài tháng tới (ảnh chụp tháng 4/2016 tại căn cứ Fort Irwin, Caligornia), nguồn: VTV
Ngày 03/02/2023, Mỹ vừa công bố thêm hai gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá hơn 2 tỷ USD bao gồm xe tăng bọc thép và một số loại vũ khí như tên lửa chống tăng Javelin, đạn pháo, và tên lửa tầm xa cho hệ thống phòng thủ tên lửa HIMARS. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, ông Sergei Ryabkov, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nga đồng thời cáo buộc Mỹ đang lợi dụng Ukraine làm bãi thử vũ khí cho họ. Nếu Ukraine và Nga là hai bên trực tiếp tham chiến, thì các nước Phương Tây ở đây đóng vai trò người chi phối và “giật dây” cuộc chiến.
Những hậu quả của cuộc chiến?
Đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine, dù kết quả có như thế nào đi nữa, thì hai bên quốc gia Nga và Ukraine đều bị tổn hại nghiêm trọng và kéo theo cả những ảnh hưởng tới toàn thế giới. Xung đột càng kéo dài, những cú sốc những cú sốc mà nó gây ra sẽ lan xa hơn, tới những khu vực khác của thế giới, giáo sư Zhu Feng về quan hệ quốc tế tại Đại Học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định.
Đến cuối năm 2022, cuộc xung đột đã khiến hàng trăm nghìn người thương vong, hàng triệu người mất nhà cửa và đồng thời dẫn đến làn sóng di cư mới trên toàn châu Âu. Cuộc chiến đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế giới. ⅓ trong số hơn 40 triệu dân số Ukraine đã buộc phải di dời, với hơn 7.8 triệu người tị nạn hướng về châu Âu và khoảng 6 triệu người di dời nội địa.
Các lệnh trừng phạt và phong tỏa cảng biển, cửa khẩu tại hai quốc gia đã đẩy giá năng lượng tăng cao tại nhiều nước, gây mất an ninh lương thực tại một số quốc gia, làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và cản trở nỗ lực hồi phục của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Theo Liên Hợp Quốc, Ukraine và Nga cùng nhau sản xuất 30% lúa mì, 20% ngô và 80% dầu hạt hướng dương của thế giới[17]. Các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Trung Mỹ đối mặt với thách thức an ninh lương thực khi phụ thuộc vào nguồn cung từ hai nước này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống còn 2,2% vào năm 2023[18] và châu Á là động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2023, trong khi tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ có thể sẽ vẫn chậm chạp.
Các lệnh trừng phạt làm giá năng lượng tăng vụt, đồng thời vào đầu năm 2022, đã có sự thiếu hụt tài nguyên năng lượng và kim loại chưa từng có trên thị trường thế giới. Chỉ vài ngày sau khi cuộc xung đột nổ ra, giá dầu thế giới đạt 130 USD/thùng, đây là lần thứ 3 giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng (lần gần đây nhất là năm 2013)[19]. Ngân Hàng Mỹ Goldman Sachs cũng vừa đưa ra dự báo giá dầu sẽ quay trở lại mức trên 100 USD/thùng trong năm 2023[20]. Điều này đã tạo nên những lo lắng về cuộc khủng hoảng năng lượng trong thời gian tới. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1970, và lạm phát đã tăng lên mức cao chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Theo ông Pouyanne, CEO của Total Energies – một trong 6 tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, thị trường khí đốt châu Âu sẽ tiếp tục căng thẳng do sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn và mất vài năm để các dự án sản xuất LNG (khí hỏa lỏng) từ Mỹ và Qatar đi vào hoạt động, nên thị trường sẽ không giảm căng thẳng trước năm 2025-2026[21].
Xung đột Nga – Ukraine đã làm thay đổi đáng kể mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ nước lớn và khối liên minh. Nga đối đầu trực diện với Mỹ và Châu Âu, tạo nên môi trường căng thẳng trong các mối quan hệ song phương, diễn đàn khu vực và đa phương, có nguy cơ phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu và mang đến nhiều thay đổi chưa từng có tới cục diện thế giới sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy mối quan hệ Mỹ – Nga trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Mỹ đã viện trợ hàng chục tỷ USD cho Ukraine và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt toàn diện về chính trị, kinh tế lên Nga. Đáp lại, Nga cũng tìm kiếm các đồng minh mới, củng cố và tăng cường quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ[22]. Xung đột Nga – Ukraine đã thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Nga và các nước châu Á, ngoại trừ các nước áp đặt trừng phạt lên Nga như Nhật Bản và Singapore. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên vô cùng thân thiết và nồng ấm, mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ cũng được tăng cường.
Sự kết thúc của Chiến Tranh Lạnh không mở ra thời kỳ hòa bình vĩnh viễn, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đang tạo ra hình thức mới cho các xung đột tiềm ẩn trong tương lai. Nó đang làm tăng nguy cơ một cách mạnh mẽ so với trước đây về việc lãnh thổ bị tước bỏ khỏi một quốc gia bằng vũ lực. Các hành động của Nga sẽ không dẫn đến việc làm sụp đổ trật tự quốc tế hiện tại, nhưng nó có thể đẩy nhanh quá trình này.
Dự báo kịch bản thời gian tới
Gần một năm từ cuộc tấn công ngày 24/2/2022, triển vọng hòa bình trong tương lai gần là rất ảm đảm. Cả Nga và Ukraine đều nhấn mạnh rằng hòa bình sẽ chỉ đến nếu bên kia nhượng bộ. Dưới sự viện trợ vũ khí và tài chính từ Mỹ và phương Tây, Ukraine có thêm tiềm lực để duy trì tham chiến với Nga, khiến cuộc chiến có thể kéo dài và ngày càng leo thang. Giáo sư Michel Clarke thuộc viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ trở nên nguy hiểm và khốc liệt trong năm 2023.
Có thể hiểu được, Ukraine muốn các lực lượng của Nga rời khỏi toàn bộ Ukraine, bao gồm cả Crimea và lãnh thổ ở phía đông Donbass. Họ cũng muốn Nga từ bỏ các yêu sách về việc sáp nhập phần lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói rằng Nga là một đối tác không khả thi và đã hủy bỏ các cuộc đàm phán với Tổng thông Nga Putin, mặc dù sau đó ông đã tuyên bố rằng Kiev sẵn sàng đàm phán. Các quan chức Nga nói rằng họ sẵn sàng đàm phán. Nhưng họ từ chối các điều khoản của Ukraine, và không đưa ra nhượng bộ cũng như đề xuất rõ ràng nào, trong khi đó họ vẫn bắn hàng loạt tên lửa vào các nhà máy điện của Ukraine. Ngày 30/1/2023, phản ứng lại tuyên bố viện trợ quân sự của Mỹ và EU cho Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng quyết định của Mỹ và các nước khác trong NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến bất cứ cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine đều “vô nghĩa”.
Kết quả cuối cùng là chiến trường vẫn còn tranh chấp gay gắt. Hai nước cũng sẽ khó đạt được thỏa thuận ngoại giao trong ngắn hạn, với việc cả hai bên vẫn tin rằng họ có thể chiến đấu để giành được lợi thế tốt hơn, cả hai bên đều đưa ra những yêu sách mà đối phương không thể chấp nhận, cùng với đó, hai bên cũng không bên nào tin tưởng bên kia, rất khó để đi đến đối thoại hòa bình khi cả hai vẫn giữ vững lập trường. Do vậy trước mắt, các cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn sẽ tiếp tục, nhưng vẫn cần sự nỗ lực trong ngoại giao để đạt được các thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hoặc vĩnh viễn. Trong thời gian tới, cuộc xung đột có thể đi theo các hướng sau:
– Kịch bản 1: Nỗ lực ngoại giao để chấm dứt chiến tranh vẫn là ưu tiên hàng đầu dù gặp nhiều khó khăn. Ông Rebekah Koffler, cựu sĩ quan tình báo DIA cũng chia sẻ với đài FOX News rằng không có con đường quân sự nào có thể dẫn đến chiến thắng cho cả Ukraine hay Nga. Muốn tránh các nguy cơ về leo thang quân sự trên diện rộng, đối thoại là con đường đương nhiên, tuy nhiên cần phải có sự điều tiết và cân nhắc để đối thoại thực chất, cân bằng. Cuộc đối đầu Nga – Ukraine càng kéo dài, và sự can dự từ phương Tây càng sâu thì việc đi đến hòa bình càng phức tạp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, nguồn: VTV
– Kịch bản 2: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân, mặc dù vẫn còn thấp, tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra và cần phải quản lý cẩn thận. Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ tăng đột biến nếu NATO trực tiếp tham chiến, do đó, bên cạnh hai nước trực tiếp xung đột là Nga và Ukraine, các lực lượng bên ngoài đều cần cẩn thận trong các bước can thiệp để tránh dẫn đến kết quả này. Nếu xảy ra xung đột giữa Nga và bất kỳ quốc gia NATO nào, cuộc xung đột hiện tại sẽ ngay lập tức biến thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu theo nguyên tắc phòng thủ tập thể của hiệp ước thành lập NATO.
Trong bối cảnh Ukraine nhận được sự viện trợ về khí tài quân sự từ Mỹ và châu Âu thông qua Đức và Balan từ đường bộ, nếu Nga có hành động ngăn chặn việc vận chuyển số vũ khí này bằng cách triển khai bất khì phương thức tấn công nào vào lãnh thổ của hai nước này, đều đồng nghĩa với việc kích hoạt một chiến tranh thế giới mới. Trong khi đó, phía NATO đã tuyên bố sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Nga nếu Nga vượt qua biên giới của các thành viên NATO.
– Kịch bản 3: Cuộc xung đột cũng có thể đi theo hướng một “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” kéo dài và Ukraine sẽ có thể trở thành Afghanishstan thứ hai. Mặc dù đây là viễn cảnh không nước nào, cả Ukraine, Nga hay Mỹ và phương Tây mong muốn bởi nó kéo theo chi phí khổng lồ cho chiến sự. Tuy nhiên, kịch bản này không phải hoàn toàn là không khả thi bởi trong tình trạng hiện tại cả hai bên đều không chịu nhượng bộ nhưng lại mong đợi bên kia nhượng bộ. Không có sự nhượng bộ, đối thoại hòa bình và đàm phán thất bại sẽ dẫn đến chiến sự kéo dài do cả hai bên đều có lý do để không để mình thua cuộc. Chiến trường Ukraine có thể sẽ trở thành vũng lầy của cả Nga, Mỹ và EU.
Tác giả: Thi Thi
Tài liệu tham khảo:
[1] Minh Vương, Nhìn lại thế giới năm 2022: Xung đột, điểm nóng chiếm sóng (Kỳ I), Báo Thế Giới và Việt Nam
[2] Patricia Claus, The History of Donbas’ Donetsk and Luhansk Regions Annexed by Russia,
[3] Hồng Anh, Nga kiểm soát nhiều khu vực miền Đông, Ukraine kháng cự quyết liệt, Báo VOV
[4] Thành Nam, Giữa xung đột với Ukraine, kinh tế Nga vẫn nhận nhiều đánh giá tích cực từ IMF, Báo Tin Tức (TTXVN)
[5] Hoài Thu, Châu Âu vẫn bất đồng về trừng phạt ngành năng lượng Nga, Báo VNEconomy
[6] Thanh Tâm, Mỹ – EU bất đồng vì hỗ trợ Ukraine, Báo VNExpress
[7] Công Thuận, Những vấn đề chính rút ra từ hội nghị lịch sử EU – Ukraine, Báo Tin Tức (TTXVN)
[8] Al Jazeera, 2022 review: Visualising how the Russia-Ukraine war unfolded.
[9] Douglas Broom, What is the EU doing to end its reliance on Russian energy?, World Economic Forum
[10] NPR, 6 key numbers that reveal the staggering impact of Russia’s war in Ukraine
[11] Minh Anh, Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tổng tấn công trên mặt trận kinh tế, 30% GDP ‘trọng thương’, Kiev bấu víu vào đâu?, Báo Thế Giới và Việt Nam
[12] Al Jazeera, 2022 review: Visualising how the Russia-Ukraine war unfolded.
[13] Kim Ngân, Chiến sự Nga-Ukraine 4/2: Ukraine đang có nguy cơ nghiêm trọng; Bakhmut đã bị hợp vây, Báo Công Thương
[14] Thanh Tâm, Mỹ – EU bất đồng vì hỗ trợ Ukraine, Báo VNExpress
[15] Trung Hiếu, Kịch bản Nga tấn công hạt nhân nếu Mỹ và Đức “vượt lằn ranh đỏ”, Báo VOV
[16] Ngọc Biên, EU – Ukraine tổ chức hội nghị lịch sử và con đường gập ghềnh phía trước, Báo Tin Tức (TTXVN)
[17] Clarke, Kevin, Conflict, Covid and climate change threaten to create an unprecedented global hunger crisis.
[18] The Limited Times, 2023 Russia Prospect (2): Ukraine becomes Afghanistan? How Putin Could End Wars
[19] Nguyễn Đình Thiện, Bức tranh kinh tế thế giới nhìn từ xung đột quân sự Nga – Ukraine, Học viện Chính trị Công An Nhân Dân.
[20] Bình Minh, Goldman Sachs giữ dự báo giá dầu vượt 100 USD/thùng trong năm nay, Báo VNEconomy
[21] Thành Nam, Thiếu khí đốt Nga, ‘gã khổng lồ dầu khí’ Pháp cảnh báo về viễn cảnh thị trường năng lượng, Báo Tin Tức (TTXVN)
[22] Phan Quân, Thế giới khép lại năm 2022, mở ra bức tranh 2023 nhiều màu sắc mới, Báo Thế Giới và Việt Nam