Trong ba ngày 15-17/3, cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8 đã diễn ra tại hơn 94.000 điểm bỏ phiếu. Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với nước Nga mà còn có ảnh hưởng quan trọng tới bức tranh chính trị toàn cầu. Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Trung ương Liên bang Nga công bố, ông Putin đã dành chiến thắng tại cuộc bầu cử năm nay và sẽ dẫn dắt nước Nga trong nhiệm kỳ 2024-2030. Chiến thắng của ông Putin không phải là kết quả bất ngờ và đã được nhiều người dự đoán trước. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này là cơ hội để Tổng thống Putin thể hiện được vị thế của mình trên chính trường Nga cũng như phát đi thông điệp cứng rắn với phương Tây trong bối cảnh nước Nga sẽ còn nhiều thách thức trong chặng đường tới.
Tại sao cử tri Nga lựa chọn ông Putin?
Với kết quả đã được công bố, đây sẽ là nhiệm kỳ thứ 5 dưới cương vị Tổng thống của ông Putin. Chiến thắng của ông Putin dường như đã được dự đoán từ trước khi những cuộc khảo sát với công chúng trước khi cuộc bầu cử diễn ra đều cho thấy sự ủng hộ rất lớn của người dân Nga đối với ông. Trong các cuộc bầu cử trước đó vào các năm 2000, 2004, 2012, 2018 cũng như trong cuộc bầu cử năm nay, Tổng thống Putin đều nhận được sự tín nhiệm cao của người dân Nga. Trong cuộc bầu cử lần này, người dân Nga đã thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ xung quanh nhà lãnh đạo được tín nhiệm nhất của mình trong thời điểm bước ngoặt của đất nước.
Ông Putin nhận được sự ủng hộ đông đảo từ cử tri bởi ông đã thể hiện được bản thân một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, kiên định. Trong bối cảnh xung đột Nga – Ucraina kéo dài sang năm thứ ba, cùng với đó là các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu nước Nga, người dân vẫn đặt niềm tin vào Tổng thống Putin. Họ hy vọng ông Putin sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn và bảo vệ an ninh quốc gia trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và kết quả của nó sẽ quyết định tương lai của nước Nga trong nhiều năm tới. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, cuộc sống của người dân Nga vẫn được đảm bảo, được hưởng đầy đủ phúc lợi, điều đó khiến tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin không ngừng tăng lên.
Người dân Nga cũng tin tưởng vào Tổng thống Putin nhờ những cống hiến và nỗ lực trong suốt hơn 20 năm qua của ông, đã đưa nước Nga quay trở lại vị thế cường quốc. Trải qua bốn nhiệm kỳ tổng thống và một nhiệm kỳ thủ tướng, ông Putin trở thành gương mặt lãnh đạo nổi bật trên chính trường nước Nga. Trước khi ông Putin lên làm tổng thống, nước Nga đang gần như hỗn loạn bởi những cải cách thị trường trong những năm 90 của thế kỷ 20, cuộc khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ XX và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Ông đã giải quyết được tình trạng hỗn loạn này bằng cách giảm thuế cho doanh nghiệp, quốc hữu hóa những lĩnh vực then chốt. Dưới sự lãnh đạo của ông Putin, nước Nga đã bước vào kỷ nguyên mới. Có thể thấy, ông Putin đã đưa nước Nga từ một nền kinh tế trống rỗng từng khiến cuộc sống người dân Nga nghèo khổ cùng cực tới một nền kinh tế ổn định, và cá nhân Tổng thống Putin đã thiết lập được nền móng cầm quyền vững chắc.
Cách nước Nga chống chọi và vượt qua hàng nghìn lệnh cấm vận của phương Tây đã tăng thêm tín nhiệm của Tổng thống Putin với người dân. Bất chấp một số khó khăn nhất định, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng khá, đời sống nhân dân vẫn được cải thiện qua từng ngày. Qua đó, có thể thấy chính quyền Tổng thống Putin không chỉ có những dự án, kế hoạch tốt để chuẩn bị cho việc xây dựng và phát triển đất nước mà còn ứng phó linh hoạt và hiệu quả với những khó khăn.
Mặc dù kết quả của cuộc bầu cử không gây bất ngờ, nhưng thông qua cuộc bầu cử ông đã khẳng định được quyền lực cũng như gửi đi thông điệp cứng rắn tới phương Tây. Thông điệp đó đã được truyền tải xuyên suốt những tháng qua, rằng ông Putin chính là người duy nhất có thể giúp đoàn kết và chèo lái nước Nga chống lại những hành động thù địch từ phương Tây. Giới quan sát nhận định đối đầu với phương Tây và duy trì những giá trị truyền thống Nga là cách tiếp cận lâu dài mà ông Putin lựa chọn. Ông Putin đã không tham gia bất kỳ hoạt động tranh cử nào như các đối thủ khác. Thay vào đó, ông thúc đẩy thông điệp thông qua các lịch trình làm việc hàng ngày của tổng thống, như cuộc gặp với các nhóm thanh niên và xây dựng chương trình phát triển với quan chức chính phủ.
Phản ứng của dư luận Nga và thế giới
Theo một số nguồn tin, tỉ lệ cử tri Nga đi bỏ phiếu năm nay đã đạt con số kỷ lục so với những đợt bầu cử trước, với ước tính 74,22% công dân Nga đã thực hiện quyền công dân của mình. Tỉ lệ cao công dân Nga đi bỏ phiếu đã thể hiện rõ phản ứng của xã hội Nga đối với phương Tây trong bối cảnh nước Nga gặp nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại, sự tin tưởng của người dân Nga vào Tổng thống Putin là rất lớn. Trong khi đó, các nhóm đối lập nhỏ vào buổi trưa ngày cuối cùng của cuộc bầu cử (17/3) đã kêu gọi đi bầu cử cho các ứng viên ngoài ông Putin. Tuy vậy, với số lượng ít ỏi, tác động của các nhóm đối lập này là không đáng kể đối với kết quả bầu cử.
Cũng trong ngày 18/3, rất nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài đã gửi lời chúc mừng đến Tổng thống Vladimir Putin như các nhà lãnh đạo Triều Tiên, Cuba, Tajikistan, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Trung Quốc, Serbia, Việt Nam… Các quốc gia này đều là những nước có quan hệ tích cực, mật thiết với Nga và với chính quyền Tổng thống Putin, việc ông Putin tiếp tục dẫn dắt nước Nga thêm 6 năm cũng sẽ tạo nhiều tiền đề hữu ích cho việc hợp tác giữa các quốc gia này với Moskva.
Ở chiều ngược lại, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã lên tiếng phản đối về kết quả cuộc bầu cử tại Nga. Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố rằng cuộc bầu cử tại Nga đã được tổ chức thiếu tính minh bạch, phản đối việc tổ chức bầu cử tại 4 tỉnh mới sáp nhập. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng cho rằng tiến trình bầu cử tại Nga đã diễn ra thiếu tính trung thực. Trong khi đó, Tổng thống Ucraina Vladimir Zelensky cho rằng cuộc bầu cử này là không hợp pháp và cảm ơn các nhà lãnh đạo khác cũng đã lên tiếng phản đối. Thư ký báo chí của Tổng thống Đức trước đó cũng đã thông báo rằng Tổng thống Đức sẽ không gửi lời chúc mừng tới ông Putin về chiến thắng trong cuộc bầu cử. Phản ứng trước các cáo buộc về cuộc bầu cử thiếu minh bạch từ Mỹ và phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho rằng đây là những phản ứng có thể dự đoán trước, Mỹ và các nước phương Tây đã tham gia sâu sắc vào cuộc xung đột tại Ucraina nhằm chống lại Nga, nên Moskva không “bất ngờ” với những đánh giá thiếu khách quan từ những nước này.
Truyền thông các nước phương Tây cũng thể hiện quan điểm tương tự khi đề cập thông tin về kết quả bầu cử tại Nga. Riêng tờ Bloomberg đã có phân tích rằng “Với chiến thắng của Putin và khả năng Trump lên nắm quyền ở Mỹ, châu Âu cần thay đổi tư duy trong một thế giới đầy nguy hiểm sau 25 năm đầu tư tốn kém cho quốc phòng.”
Những ưu tiên trong nhiệm kỳ tới của chính quyền Tổng thống Putin
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong hoàn cảnh rất khác so với những lần trước đây mà ông Putin giành được thắng lợi. Đó là chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành hơn hai năm qua vẫn chưa có hồi kết với nhiều hệ lụy trên các mặt của đời sống, chính trị – xã hội Nga. Nước Nga bị phương Tây tung ra hàng loạt gói cấm vận toàn diện về tài chính, thương mại, đầu tư, văn hóa, thể thao,… Đồng thời, cá nhân ông Putin và Điện Kremlin còn phải chịu áp lực rất lớn tại các diễn đàn quốc tế về chính trị, ngoại giao, an ninh và kinh tế. Sau hơn hai năm tiến hành chiến dịch đặc biệt, cuộc xung đột ngày càng trở nên khó đoán bởi “lằn ranh đỏ” mà cả Nga và phương Tây đặt ra đã nhiều lần bị vượt qua. Vụ rò rỉ thông tin của các sĩ quan cấp cao Đức và khả năng đưa quân đội NATO đến chiến trường Ucraina do Tổng thống Pháp Macron dấy lên, cũng như việc tiếp tục triển khai các mục tiêu chiến dịch quân sự của Nga cho thấy chiến sự khốc liệt vẫn đang ở phía trước. Về mặt kinh tế, nước Nga đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Hàng chục nghìn lệnh trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt lên hàng hóa, các cá nhân và tổ chức của Nga nhưng nền kinh thế này không những đã đứng vững, thậm chí lĩnh vực an ninh – quốc phòng có xu hướng tăng trưởng mạnh hơn. Trong năm 2023, tăng trưởng của Nga đạt 3,6 %, tính theo sức mua, nền kinh tế Nga đứng đầu châu Âu và thứ năm thế giới. Về mặt xã hội, nước Nga không xảy ra những xáo trộn quá lớn trong hai năm xung đột vừa qua. Cơn lốc rời khỏi đất nước của giới công nghệ và giải trí vào thời điểm đầu xảy ra chiến dịch quân sự đã không còn. Tại Thông điệp Liên bang ngày 29/2/2024, Tổng thống Putin đã tiếp tục khẳng định rằng nước Nga cần phải bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tôn giáo và phẩm giá của người dân Nga trước ý muốn khuất phục họ của giới tinh hoa phương Tây. Nước Nga cũng thực sự trở lại là một cường quốc trong hơn 20 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin. Chính vì vậy, người dân Nga hoàn toàn có thể tiếp tục tin tưởng vào ông Putin trong việc chèo lái nước Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi nhận được giành được số phiếu ủng hộ cao nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống tại Nga, Tổng thống Putin đã nêu ra những ưu tiên trong nhiệm kỳ 2024-2030 tới. Nhiệm vụ chính ngay trước mắt là giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt, tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang của đất nước. Ông cũng nói rằng, việc thành lập Chính phủ mới sẽ diễn ra trong khoảng hơn hai tháng theo đúng Hiến pháp. Trả lời câu hỏi liên quan đến tình hình xung đột với Ucraina, Tổng thống Putin nói Nga sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp hòa bình nhưng chỉ khi chính quyền Kiev muốn xây dựng quan hệ thân thiện với Moskva.
Lĩnh vực công nghiệp quốc phòng dự kiến sẽ là một khía cạnh được chính quyền Tổng thống Putin ưu tiên trong nhiệm kỳ tới. Thông qua cuộc xung đột tại Ucraina, những kinh nghiệm trên chiến trường sẽ giúp Nga tiếp tục đầu tư và phát triển công nghiệp quốc phòng một cách có hiệu quả. Hiện nay một số công nghệ quân sự của Nga vốn đã vượt qua các nước phương Tây như các loại vũ khí siêu thanh, máy bay không người lái thế hệ mới và các loại thiết bị tác chiến điện tử.
Đẩy mạnh hợp tác và mở rộng BRICS dự kiến sẽ là một chiến lược quan trọng của Nga trong lĩnh vực kinh tế. Chính những lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây đã giúp Nga đa dạng hóa quan hệ thương mại với các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Cùng với BRICS, Moskva dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình phi Đô-la hóa. Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào xu hướng hạn chế sự phụ thuộc vào đồng tiền này bởi sự lạm dụng quyền lực quá mức của Mỹ đối với vị thế của đồng đô la. Nhiều nước đã sẵn sàng trao đổi thương mại bằng đồng tiền nội tệ hoặc các ngoại tệ khác. Trong tháng 1/2024, BRICS đã bắt đầu mở rộng số lượng thành viên, và dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng trong những năm tới.
Mặc dù vậy, nước Nga không thể phát triển nền kinh tế lâu dài dựa trên sự tăng trưởng của công nghiệp quốc phòng hay lĩnh vực sản xuất vũ khí. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt của Mỹ gần đây đối với công ty nước ngoài khi làm ăn với các tổ hợp quốc phòng Nga vẫn đang tạo ra các áp lực không nhỏ đối với các đối tác quốc tế của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Đồng thời, nước Nga trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Putin sẽ cần tiếp tục duy trì những thành quả kinh tế, xã hội đã đạt được, tiếp tục nâng cao đời sống của người dân trong bối cảnh có thể có những làn sóng cấm vận mới. Việc duy trì được sự ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tạo ra nền tảng vững chắc duy trì các chính sách của Điện Kremlin.
Mặc dù chiến dịch quân sự đặc biệt khó có thể kết thúc trong năm 2024, nhưng trong 6 năm tới, Tổng thống Putin cũng có thể nghĩ tới phương án kết thúc cuộc chiến này theo cách tốt nhất có thể, đảm bảo được các lợi ích chiến lược của Nga trong khi không tạo ra các xáo trộn quá lớn đối với đời sống của người dân./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]