Năm 2024, Mỹ đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, có thể tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính quốc tế trong tương lai. Thứ nhất, Donald Trump mạnh mẽ ủng hộ sự phát triển của tiền điện tử và đang xem xét thành lập kho dự trữ chiến lược Bitcoin. Thứ hai, các tổ chức tài chính lớn và các doanh nghiệp nền tảng của Mỹ đang tích cực thúc đẩy dự án ổn định tiền bằng đồng USD và mã hóa tiền gửi. Thứ ba, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và các tổ chức tài chính lớn của Mỹ đã tham gia hợp tác quốc tế về “cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ tiếp theo” dựa trên công nghệ mã hóa. Những bước tiến này có thể củng cố hơn nữa vị thế thống trị của đồng USD, cản trở nỗ lực đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế của các nước đang phát triển. Đồng thời làm suy yếu lợi thế đi trước của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Trước tình hình này, Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác về tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương, xem xét hội nhập vào hệ thống tiền điện tử toàn cầu, mở rộng hệ sinh thái của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua mô hình hợp tác công - tư.
Những tiến triển mới nhất của Mỹ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay từ thời gian tranh cử, đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiền mã hóa. Sau khi nhậm chức, ông nhanh chóng ban hành Sắc lệnh hành pháp “Tăng cường vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tài chính số”, nhằm thúc đẩy vị thế của nước này trong lĩnh vực tài sản số và công nghệ tài chính.
Từ năm 2024 đến nay, Mỹ đã đạt được những bước tiến quan trọng trong ba lĩnh vực chính: tiền mã hóa, ổn định đồng USD thông qua stablecoin (tiền mã hóa ổn định) và hợp tác quốc tế về “cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ tiếp theo” dựa trên công nghệ mã hóa (Tokenisation).
Tiền mã hóa
Trong lĩnh vực tiền mã hóa, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố muốn biến Mỹ thành “thủ đô tiền điện tử của thế giới” và thành lập kho dự trữ chiến lược Bitcoin. Trump và các thành viên chủ chốt trong chính quyền của ông đều thể hiện quan điểm ủng hộ tiền mã hóa và mong muốn củng cố vị thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này.
Tháng 7/2024, tại Hội nghị Bitcoin, Trump nhấn mạnh rằng Mỹ cần phát triển mạnh mẽ tiền mã hóa để ngăn chặn Trung Quốc và các đối thủ khác thống lĩnh ngành công nghiệp này. Gia đình ông cũng đã đầu tư vào một dự án tiền mã hóa mang tên “World Liberty Financial” (Tài chính Tự do Thế giới), với mục tiêu quảng bá stablecoin bằng USD và tích hợp tiền mã hóa vào hệ sinh thái kinh doanh của họ.
Phó Tổng thống James D. Vance cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ tiền điện tử. Khi còn là Thượng nghị sĩ, ông đã đề xuất nhiều dự luật có lợi cho ngành này và được cộng đồng nhà đầu tư tiền mã hóa ủng hộ. Bản thân ông cũng sở hữu Bitcoin trị giá 250.000 USD.
Dựa trên những tuyên bố gần đây của Trump và sắc lệnh hành pháp mới được ban hành, chính quyền Mỹ có thể sẽ tăng cường quyền kiểm soát và thúc đẩy sự phát triển của tiền mã hóa theo các hướng sau:
Thứ nhất, nới lỏng quy định về tiền mã hóa và tăng cường hỗ trợ ngành này. Ví dụ như sa thải Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Gary Gensler, người có lập trường cứng rắn với tiền mã hóa. Thay vào đó, Mark Uyeda, người ủng hộ ngành tiền mã hóa, được bổ nhiệm làm Chủ tịch tạm quyền của SEC. Hủy bỏ Sắc lệnh Hành pháp số 14067 do Tổng thống Biden ký vào tháng 7/2022, và Khung Hợp tác Quốc tế về Tài sản Kỹ thuật số do Bộ Tài chính ban hành. Tháng 1/2025, SEC công bố Thông báo Kế toán Nhân viên số 122 (SAB 122), chính thức hủy bỏ SAB 121, quy định từng hạn chế các ngân hàng đầu tư cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mã hóa quy mô lớn.
Thứ hai, nâng cao vị thế chiến lược của ngành tiền mã hóa, biến Mỹ thành thủ đô của tiền điện tử. Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng tinh thần đổi mới và tính phi tập trung của Bitcoin phù hợp với các giá trị cốt lõi của Mỹ. Ông hy vọng rằng việc phát triển tiền mã hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ sinh thái liên quan, bao gồm năng lượng, sản xuất chip và công nghệ blockchain. Theo đó, ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ trở thành một phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và đổi mới của Mỹ trong tương lai. Ngay sau khi nhậm chức, Trump đã thành lập Nhóm công tác về thị trường tài sản kỹ thuật số trực thuộc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, do Cố vấn đặc biệt về trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền mã hóa làm chủ tịch, với sự tham gia của các bộ trưởng từ nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm cả các bộ phận an ninh.
Thứ ba, từng bước mở rộng quy mô tiền mã hóa do chính phủ nắm giữ, tạo lập kho dự trữ tiền mã hóa. Trong quá trình tranh cử, Trump cam kết rằng Chính phủ Mỹ sẽ giữ lại 100% số Bitcoin mà họ đang sở hữu và sử dụng chúng làm tài sản dự trữ chiến lược. Trong sắc lệnh mới nhất của mình, ông cũng đề xuất đánh giá khả năng thành lập kho dự trữ tiền mã hóa. Hiện tại, chính phủ Mỹ sở hữu hơn 210.000 Bitcoin, trị giá hơn 20 tỷ USD. Đồng minh của Trump tại Thượng viện Mỹ, Cynthia Lummis đã đề xuất Dự luật Dự trữ Chiến lược Bitcoin của Mỹ. Trong đó khuyến nghị chính phủ Mỹ mua thêm 1 triệu Bitcoin trong vòng 5 năm nhằm bảo vệ an ninh tài chính quốc gia và củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ.
Stablecoin USD và mã hóa tiền gửi
Các dự án stablecoin (tiền ổn định) USD do các tập đoàn tài chính lớn và doanh nghiệp nền tảng của Mỹ thúc đẩy đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Stablecoin là tiền kỹ thuật số có giá trị ổn định so với một tài sản cụ thể hoặc một rổ tài sản, thường được các tập đoàn đa quốc gia phát hành. Nó có thể tạo ra tác động rộng rãi trên toàn cầu, giống như Libra của Facebook trước đây.
Stablecoin USD là loại stablecoin có giá trị ổn định so với đồng USD, thường do các tổ chức tư nhân phát hành và được đảm bảo bằng tài sản USD. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn tài chính và doanh nghiệp nền tảng hàng đầu thế giới đều đến từ Mỹ, và stablecoin USD do họ phát hành có thể có ảnh hưởng toàn cầu.
Với vị thế thống trị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế, chính phủ Mỹ không vội vàng phát hành đồng USD kỹ thuật số chính thức, vì có thể gây xáo trộn cuộc cạnh tranh tiền tệ toàn cầu. Thay vào đó, Mỹ ưu tiên sử dụng các stablecoin USD do khu vực tư nhân phát triển như một chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng USD trong kỷ nguyên tiền kỹ thuật số. Trong sắc lệnh hành pháp của mình, cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố:“Thúc đẩy và bảo vệ chủ quyền của đồng USD, bao gồm cả việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng hợp pháp của stablecoin được hỗ trợ bằng USD trên toàn cầu.”
Về phía các tổ chức tài chính, JPMorgan Chase đã phát hành JPM Coin vào năm 2020, sử dụng công nghệ blockchain thay vì hệ thống thanh toán truyền thống để giải quyết ngay lập tức các giao dịch giữa khách hàng, hỗ trợ giao dịch 24/7 và hiện đạt quy mô giao dịch hàng ngày lên tới 1 tỷ USD.
Ngoài ra, vào năm 2023, JPMorgan Chase là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai dự án mã hóa tiền gửi, chuyển đổi tiền gửi của khách hàng thành các token kỹ thuật số. Những token này có thể dễ dàng chuyển sang tài khoản khách hàng tại ngân hàng khác và cũng có thể được sử dụng để thanh toán giao dịch chứng khoán mã hóa trên blockchain.
Cả JPM Coin và tiền gửi mã hóa đều có khả năng thanh toán và giải quyết, hỗ trợ giao dịch có thể lập trình, kích thích đổi mới tài chính và tăng tính thanh khoản trên thị trường.
Bên cạnh đó, Citibank cũng đang nghiên cứu ứng dụng tiền gửi mã hóa và hợp đồng thông minh để đơn giản hóa quy trình trong lĩnh vực tài chính thương mại, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch từ vài ngày xuống chỉ còn vài phút.
Công ty quản lý tài sản BlackRock cũng đã ra mắt quỹ mã hóa đầu tiên vào tháng 3 năm 2024, trong đó mỗi token quỹ được đảm bảo giá trị ổn định 1 USD và trả lãi định kỳ hàng tháng cho nhà đầu tư.
Về phía các doanh nghiệp nền tảng, vào tháng 8/2023, PayPal đã tận dụng lợi thế mạng lưới thanh toán toàn cầu rộng khắp của mình để phát hành PayPal Stablecoin. PayPal Stablecoin có tỷ lệ quy đổi 1:1 với USD và được tích hợp sẵn hợp đồng thông minh, giúp giảm đáng kể ma sát thanh toán trong mạng lưới nội bộ và có thể sử dụng để thanh toán, chuyển tiền cá nhân hoặc mua các loại tiền mã hóa khác. Tính đến tháng 7 năm 2024, nguồn cung của PayPal Stablecoin đã vượt 500 triệu token, đưa PayPal vào top 10 nhà phát hành stablecoin lớn nhất thế giới. Ngoài ra, các tập đoàn công nghệ lớn khác như Apple, Visa cũng đã bắt đầu hỗ trợ thanh toán bằng Stablecoin USD trong hệ thống thanh toán của họ.
Hợp tác quốc tế về “Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ tiếp theo” dựa trên mã hóa.
Tháng 4 năm 2024, Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã khởi động dự án hợp tác quốc tế mang tên Agorá, nhằm xây dựng “cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ mới”. Dự án này có sự tham gia của Cục Dự trữ Liên bang New York, JPMorgan, Citibank.
Mặc dù lấy mã hóa làm đặc trưng chính, Agorá được định vị là “cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ tiếp theo”, khác biệt so với các dự án hợp tác về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) trước đây trên nền tảng của BIS, nhờ vào ba lợi thế nổi bật.
Thứ nhất, dự án nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ BIS và được đánh giá cao hơn tất cả các dự án hợp tác CBDC do BIS tổ chức trước đây. Năm 2023, BIS đưa ra khái niệm “sổ cái thống nhất” (Unified Ledger) trong Báo cáo Kinh tế thường niên. Đến tháng 4 năm 2024, Tổng Giám đốc BIS Agustín Carstens đã cùng doanh nhân công nghệ nổi tiếng Ấn Độ Nandan Nilekani công bố một bài nghiên cứu, trong đó đưa ra ý tưởng về “Internet tài chính” (Finternet), coi đây là kế hoạch tổng thể cho hệ thống tiền tệ tương lai. Dự án Agorá chính là kết quả hợp tác giữa BIS và nhiều ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn, được xây dựng dựa trên các khái niệm sổ cái thống nhất và Internet tài chính. Do đó, kể từ khi ra mắt năm 2024, dự án liên tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ BIS, liên tục được quảng bá và trở thành dự án hợp tác quốc tế về tiền kỹ thuật số được BIS đầu tư nhiều nguồn lực nhất.
Thứ hai, dự án Agorá hướng tới việc xây dựng mô hình tài chính tổng thể cho kỷ nguyên số, không giới hạn trong phạm vi CBDC bán buôn. Dự án kỳ vọng xây dựng sổ cái thống nhất thông qua việc kết hợp ba thành tố trên nền tảng lập trình công-tư: Tiền ngân hàng trung ương dạng mã hóa, tiền gửi mã hóa, tài sản tài chính mã hóa. Từ đó tạo ra một loại hình cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ mới. Trên cơ sở này, Internet tài chính sẽ kết nối nhiều sổ cái thống nhất với nhau, đồng thời liên thông với hệ thống thanh toán và các hạ tầng tài chính truyền thống khác, tạo thành một mạng lưới tài chính có tính mở rộng cao và khả năng tương tác mạnh. Có thể thấy, dự án sẽ thúc đẩy kết nối tài sản tài chính và hạ tầng tài chính thông qua công nghệ số, trong khi vẫn duy trì nguyên trạng cấu trúc nhị nguyên của hệ thống tài chính hiện có.
Thứ ba, dự án có sự tham gia của một số lượng lớn các bên liên quan trong khu vực công và tư nhân có tầm quan trọng toàn cầu, sẽ có tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính quốc tế. Đây là dự án hợp tác về tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên mà BIS phối hợp thực hiện cùng Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF). BIS chịu trách nhiệm điều phối 7 ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương Pháp (đại diện cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương Mexico, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Ngân hàng Trung ương Anh. Nhìn chung, đây là các ngân hàng trung ương của những nền kinh tế lớn có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ và sở hữu năng lực đổi mới hàng đầu thế giới. Trong khi đó, IIF sẽ tổ chức và điều phối hơn 40 tổ chức tài chính lớn thuộc phạm vi quản lý của 7 nền kinh tế này tham gia dự án. Những tổ chức này tập hợp gần như toàn bộ các tập đoàn tài chính đa quốc gia và cơ sở hạ tầng tài chính trọng yếu trong hệ thống tài chính quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán quốc tế.
Tác động từ việc Mỹ thúc đẩy phát triển tiền kỹ thuật số
Những tiến triển gần đây của Mỹ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số cho thấy nước này đã bắt đầu tăng cường quyền kiểm soát hệ thống tài chính quốc tế trong kỷ nguyên số. Các động thái này có thể củng cố hơn nữa sự thống trị của đồng USD, cản trở nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế, thách thức lợi thế tiên phong của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số.
Củng cố thêm sự thống trị của đồng đô la Mỹ
Đối với Mỹ, việc tăng cường quyền kiểm soát trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số có thể giúp củng cố thêm sự thống trị của đồng USD.
Trước tiên, việc Mỹ mở rộng nắm giữ tiền mã hóa giúp củng cố nền tảng tín dụng cho USD. Bitcoin, còn được gọi là “vàng kỹ thuật số”, có tổng số lượng khai thác chỉ 21 triệu đồng, và mỗi 4 năm số lượng Bitcoin được khai thác sẽ giảm một nửa. Những đặc tính này tạo nền tảng giá trị cho Bitcoin, đồng nghĩa với việc nắm giữ Bitcoin có thể tạo ra hiệu ứng tài sản. Luật “Chiến lược Dự trữ Bitcoin của Mỹ” do nghị sĩ Lummis đề xuất cho rằng giống như dự trữ vàng trong lịch sử là nền tảng của an ninh tài chính quốc gia, Bitcoin đại diện cho một tài sản của thời đại kỹ thuật số giúp tăng cường vai trò lãnh đạo và an ninh tài chính của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business Channel vào tháng 8 năm 2024, Trump đã nói rằng có thể dùng Bitcoin để thanh toán nợ công của Mỹ. Nếu Bitcoin được công nhận là tài sản dự trữ chiến lược tại Mỹ, nó có thể cùng vàng trở thành nền tảng bảo chứng cho USD. Việc thanh toán nợ công Mỹ bằng Bitcoin có thể giúp giảm bớt vấn đề tỷ lệ nợ công cao do Mỹ dựa vào hệ thống nợ công để duy trì đồng đô la.
Thứ hai, việc Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường tiền kỹ thuật số có thể giúp bù đắp các lỗ hổng trong hệ thống đô la Mỹ. Với đặc tính phát hành phi tập trung, giao dịch không qua trung gian và tính ẩn danh, tiền mã hóa từ khi ra đời luôn hoạt động tách biệt với hệ thống đô la. Bằng cách biến mình thành “thủ đô tiền điện tử thế giới” và “siêu cường Bitcoin”, Mỹ có thể kiểm soát phần lớn thông tin giao dịch tiền mã hóa và quyền quản lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ chính, chi phối quy tắc giao dịch, cơ chế định giá và các chuẩn mực liên quan tiền mã hóa.
Tiếp theo, dựa trên dự trữ chiến lược Bitcoin, Mỹ có thể gia tăng quyền kiểm soát đối với các dự trữ quốc tế. Bitcoin ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ lâu được coi là phương thuốc giải quyết các vấn đề dai dẳng của tiền tệ. Vì vậy, sau khi Mỹ kiểm soát Bitcoin, họ có thể thúc đẩy Bitcoin trở thành tài sản dự trữ quốc tế, qua đó giúp giảm bớt chỉ trích của quốc tế đối với hệ thống đồng USD. Về danh nghĩa, nó nhằm thúc đẩy sự đa dạng hóa cơ cấu dự trữ quốc tế, nhưng về bản chất, nó chỉ là thay đổi phương thức duy trì quyền kiểm soát của Mỹ đối với các dự trữ quốc tế.
Cuối cùng, dựa trên mô hình hợp tác công-tư, Mỹ có thể mở rộng ảnh hưởng đối với hệ thống thanh toán quốc tế. Mặc dù Mỹ không vội triển khai phát hành đồng đô la kỹ thuật số, nhưng nước này đã thúc đẩy hợp tác quốc tế dựa trên nền tảng token hóa để xây dựng “Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính thế hệ tiếp theo”. Dự án Agorá có tiềm năng trở thành mô hình cơ bản đặt nền móng cho hệ thống thanh toán kỹ thuật số quốc tế trong tương lai. Song song đó, với vai trò bổ sung cho hệ thống tài chính quốc tế truyền thống, các đồng stablecoinUSD do các tổ chức tài chính lớn và các công ty nền tảng phát hành cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thanh toán quốc tế của người dùng phổ thông trong tương lai, hỗ trợ ảnh hưởng quốc tế của đồng USD lan tỏa ra phạm vi rộng lớn hơn.
Cản trở nỗ lực đa dạng hóa tiền tệ của các nước đang phát triển
Các động thái của Mỹ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số sẽ cản trở nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế của các nước đang phát triển. Hệ thống tiền tệ quốc tế lấy đồng USD làm trung tâm đã dẫn đến một loạt vấn đề như mất cân bằng kinh tế toàn cầu, tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ, bẫy thanh khoản toàn cầu và một loạt các vấn đề khác. Điều này đã thúc đẩy các quốc gia thị trường mới nổi tích cực thúc đẩy sự đa dạng hóa của hệ thống tiền tệ quốc tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mặc dù Bitcoin trong thời gian dài không được hệ thống tài chính chính thống chấp nhận, nhưng mô hình quản trị phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain vẫn được một số người coi là mô hình lý tưởng và đưa ra khái niệm “chủ nghĩa cộng sản tiền mã hóa”. Một số chuyên gia và học giả trong ngành đề xuất đưa Bitcoin vào danh mục dự trữ quốc tế. Hơn nữa, do tính chất phát hành phi tập trung của Bitcoin, về lý thuyết sẽ không bị kiểm soát bởi bất kỳ tổ chức phát hành nào. Trên thực tế, nó đã được một số quốc gia có đồng tiền yếu hoặc đang chịu lệnh trừng phạt sử dụng làm dự trữ tiền tệ để hỗ trợ các giao dịch quốc tế diễn ra bình thường.
Có thể thấy, một khi tiền mã hóa rơi vào sự kiểm soát của Mỹ, hy vọng về việc sử dụng tiền mã hóa để thúc đẩy sự đa dạng hóa hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ trở nên vô vọng. Ngay cả những quốc gia đang phát triển trong tình thế bị cấm vận cũng khó có thể tự do sử dụng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác để thực hiện các giao dịch quốc tế cần thiết. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án Agorá cũng có thể đồng nghĩa với việc những nỗ lực của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy thanh toán quốc tế bằng đồng nội tệ và đa dạng hóa hệ thống thanh toán quốc tế sẽ không thành công. Đối với các quốc gia đang phát triển, sức hấp dẫn của tiền kỹ thuật số không chỉ ở khả năng cải thiện hiệu quả thanh toán xuyên biên giới và giảm chi phí, mà còn ở khả năng vượt qua các hệ thống thanh toán quốc tế truyền thống, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ. Vì vậy, tiền kỹ thuật số được coi là một con đường quan trọng để thúc đẩy sự đa dạng hóa của hệ thống thanh toán quốc tế và tránh việc Mỹ “vũ khí hóa” cơ sở hạ tầng thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, xét đến thành phần tham gia dự án Agorá hiện nay với 7 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn và hơn 40 tổ chức tài chính xuyên quốc gia, bao gồm SWIFT, Visa, Mastercard, có thể thấy rõ ý đồ duy trì cấu trúc thanh toán quốc tế hiện tại và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Vì vậy, nếu Mỹ thông qua dự án Agorá nắm quyền định hướng phát triển cơ sở hạ tầng tài chính quốc tế trong tương lai, các nước đang phát triển sẽ vẫn tiếp tục nằm trong hệ thống thanh toán quốc tế với quyền lực tập trung vào Mỹ, đối mặt với nguy cơ Mỹ lạm dụng vị thế kiểm soát hệ thống thanh toán.
Thách thức lợi thế tiên phong về tiền kỹ thuật số của Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, các hành động của Mỹ có thể sẽ thách thức lợi thế tiên phong của nước này trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Trung Quốc hiện đang có lợi thế tiên phong trong lĩnh vực CBDC, với dự án “Cầu tiền tệ kỹ thuật số đa phương” (mBridge) được hợp tác phát triển giữa Trung tâm Sáng tạo BIS Hồng Kông, Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Ngân hàng Trung ương UAE, Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cơ quan Quản lý Tài chính Hồng Kông. Dự án này đã đạt được một loạt tiến triển quan trọng và dự kiến sẽ bước vào giai đoạn sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP) vào tháng 6 năm 2024. Về lý thuyết, sau khi hoàn thành có thể chính thức đưa vào vận hành. Mục tiêu của mBridge là xây dựng nền tảng đa phương, hỗ trợ các ngân hàng trung ương và tổ chức tư nhân của các nền kinh tế tham gia vào việc chuyển đổi, thanh toán và giải quyết thanh toán quốc tế bằng CBDC.
Tuy nhiên, Mỹ luôn tỏ ra lo ngại trước những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Từ năm 2020, Mỹ đã hợp tác với một số quốc gia để nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy tắc quản trị đối với CBDC. Đồng thời công bố một loạt báo cáo nhằm phản ánh các giá trị lâu dài của họ về tính minh bạch, pháp quyền và quản trị kinh tế. Khi mBridge tiến vào giai đoạn MVP, Mỹ đã chủ động triển khai dự án Agorá khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ rằng đây là động thái nhằm kiềm chế sự phát triển của dự án mBridge.
Điều đáng nói là, vào ngày 31/10/2024, Tổng giám đốc BIS Agustín Carstens tuyên bố giai đoạn khám phá ban đầu của dự án mBridge đã hoàn thành, đạt đến mức độ hoàn thiện đủ để chuyển giao cho các bên tham gia, đồng nghĩa với việc mBridge chính thức “tốt nghiệp” khỏi BIS. Dự án Agorá có thể sẽ tạo ra một số thách thức đối với sự phát triển của mBridge trong tương lai. Một mặt, việc BIS toàn lực hỗ trợ Agorá có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm giảm ảnh hưởng của dự án mBridge. Nguồn lực của Trung tâm Đổi mới BIS vốn có hạn, các nguồn lực dành cho mBridge có thể sẽ bị “vắt kiệt” bởi Agorá. Trong khi BIS hiện đã rút khỏi dự án mBridge, tạo ra sự không cân xứng thông tin có thể khiến các đối tác tiềm năng lo ngại. Mặt khác, quá trình thiết lập chuẩn mực và quy tắc toàn cầu thường tuân theo quy luật “ai đến trước hưởng lợi trước” và “người chiến thắng sẽ có tất cả”. Nếu Mỹ thông qua dự án Agorá đưa ra các tiêu chuẩn và kinh nghiệm mở rộng, mBridge có thể bị thu hẹp không gian phát triển trong tương lai.
Vấn đề thúc đẩy phát triển tiền kỹ thuật số của Trung Quốc
Trước những động thái gần đây của Mỹ trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số, Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc tế về CBDC, từng bước hội nhập vào hệ thống tiền mã hóa toàn cầu, và mở rộng hệ sinh thái Nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua mô hình hợp tác công-tư.
Thứ nhất, cần dựa vào các dự án hợp tác hiện có để mở rộng hợp tác quốc tế về CBDC.
Một là, cần duy trì mối quan hệ tốt với Trung tâm Đổi mới BIS. BIS là nền tảng chính hiện nay cho các dự án hợp tác tiền kỹ thuật số quốc tế. Trung Quốc cần duy trì liên lạc với Trung tâm Đổi mới BIS để đảm bảo nguồn lực và sự quan tâm liên tục đối với dự án mBridge. Cập nhật tiến độ các dự án tiền kỹ thuật số của các nước khác, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng.
Hai là, đẩy nhanh mở rộng quy mô của dự án mBridge. Khái niệm “Internet tài chính” mới mẻ và phức tạp, trong khi dự án Agorá vẫn còn nhiều vấn đề về quản trị, giám sát và công nghệ chưa được giải quyết. Trong khi đó, dự án mBridge đã bước vào giai đoạn ứng dụng thực tế, có khả năng mở rộng phạm vi ứng dụng và phục vụ nhiều quốc gia và khu vực hơn. Trung Quốc có thể cân nhắc mời các nước ASEAN gia nhập dự án mBridge, thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ trong khu vực. Sau đó dần dần mở rộng đến các quốc gia và khu vực trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Ba là, nắm bắt cơ hội hợp tác về tiền kỹ thuật số trong nhóm các nước Nam bán cầu. Hầu hết các quốc gia Nam bán cầu đều đang thúc đẩy các dự án CBDC, và một số quốc gia đang tích cực khám phá các ứng dụng tiền kỹ thuật số xuyên biên giới. Một số nền tảng hợp tác như BRICS đã bắt đầu thảo luận về việc xây dựng cơ chế thanh toán xuyên biên giới dựa trên CBDC. Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội hợp tác giữa các quốc gia Nam bán cầu, dựa trên kinh nghiệm kỹ thuật từ trước trong lĩnh vực CBDC để thiết lập các mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia Nam bán cầu hơn.
Thứ hai , tham gia quản trị quốc tế về tiền mã hóa và thúc đẩy hoàn thiện cơ chế quản lý trong nước.
Một là, Trung Quốc cần chủ động tham gia vào công tác quản trị toàn cầu về tiền mã hóa nhằm duy trì tiếng nói và ảnh hưởng trong lĩnh vực này. Hiện nay, tiền mã hóa đang ngày càng hòa nhập vào hệ thống tài chính chủ đạo, ví dụ như Canada và Brazil đã phê duyệt và triển khai các quỹ giao dịch trao đổi Bitcoin ETF vào năm 2021, trong khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cũng đã phê duyệt 11 quỹ ETF Bitcoin đầu tiên vào đầu năm 2024. Các tổ chức quốc tế đang gấp rút xây dựng khung quản lý như Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính về chống rửa tiền (FATF) và Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS). Trong bối cảnh sự phát triển của tiền mã hóa trên toàn cầu đã trở thành xu thế tất yếu, Trung Quốc cũng cần nỗ lực tham gia vào các hoạt động quản trị quốc tế trong lĩnh vực này.
Hai là, hoàn thiện cơ chế giám sát tiền tệ kỹ thuật số trong nước. Theo báo cáo khảo sát của BIS phát hành vào tháng 6 năm 2024, trong số 86 ngân hàng trung ương được khảo sát, hơn 60% đã hoặc đang xây dựng khung pháp lý với tiền mã hóa và stablecoin. Các quốc gia trước đây từng cấm giao dịch tiền kỹ thuật số như Qatar, Saudi Arabia, Ai Cập… cũng đang điều chỉnh chính sách của mình để thiết lập môi trường quản lý tiền mã hóa trong nước. Đối với Trung Quốc, một mặt cần tiếp tục ủng hộ Hồng Kông trong việc đổi mới sáng tạo các mô hình như giao dịch tiền mã hóa và tài sản số hóa. Qua đó duy trì vị thế dẫn đầu của Hồng Kông trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia kể trên, lựa chọn một hoặc hai thành phố để xây dựng các cơ chế giám sát thị trường tiền điện tử bao gồm các yếu tố như tiếp cận, đổi tiền và giao dịch. Cho phép các chủ thể thị trường đủ điều kiện từng bước triển khai các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa một cách có kiểm soát.
Ba là, chuẩn hóa việc quản lý và nắm giữ Bitcoin. Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ đối với giao dịch và khai thác tiền điện tử, đồng thời trong những năm gần đây cũng đã tịch thu một lượng lớn Bitcoin. Theo một số nguồn tin quốc tế, Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 190.000 Bitcoin, trở thành quốc gia sở hữu Bitcoin chính thức lớn thứ hai thế giới. Nếu Mỹ chính thức thiết lập kho dự trữ chiến lược Bitcoin, Trung Quốc cũng nên xem xét việc xây dựng một quỹ dự trữ chuyên biệt cho số Bitcoin mà họ đang sở hữu, để quản lý và kiểm soát một cách có trật tự và quy củ hơn.
Thứ ba, Phát huy vai trò của khu vực phi chính phủ, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống tiền kỹ thuật số quốc tế thông qua các hình thức hợp tác.
Một là, hỗ trợ các ngân hàng thương mại nghiên cứu và thí điểm token hóa tiền gửi. Theo báo cáo gần đây của BIS và sự hỗ trợ của họ đối với dự án Agorá, token hóa tiền gửi có thể trở thành một trong những xu hướng quan trọng của sự phát triển hệ thống tài chính trong tương lai. Do đó, Trung Quốc nên thúc đẩy các ngân hàng thương mại trong nước tích cực nghiên cứu và thử nghiệm trong lĩnh vực này. Có thể thí điểm ở thị trường nước ngoài trước, sau đó kết nối với hệ thống mBridge. Từ đó mở rộng ứng dụng vào các hoạt động trong nước và kết hợp với cơ chế đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để nâng cấp hạ tầng tài chính.
Hai là, cho phép các doanh nghiệp nền tảng Trung Quốc phát hành stablecoin nhân dân tệ ở nước ngoài. Các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ở nước ngoài, như Shein đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử thời trang nhanh lớn nhất toàn cầu. Còn nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu của Pinduoduo đã có mặt tại 50 quốc gia và khu vực. Nếu những nền tảng này phát hành stablecoin nhân dân tệ như một công cụ thanh toán và thiết lập cơ chế thanh toán liên kết với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, có thể nâng cao hiệu quả thanh toán xuyên biên giới và mở rộng ứng dụng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Ba là, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ tham gia vào hợp tác và xây dựng tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tiền kỹ thuật số. Rất nhiều hoạt động hợp tác và quản trị tiền kỹ thuật số quốc tế yêu cầu sự tham gia của khu vực phi chính phủ. Chẳng hạn như các dự án hợp tác do Trung tâm đổi mới sáng tạo BIS hỗ trợ, hay các nhóm nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ thuật về tiền kỹ thuật số thuộc Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Trung Quốc nên khuyến khích các tổ chức tư nhân và phi chính phủ có đủ điều kiện tham gia để nắm bắt xu hướng về phát triển tiền kỹ thuật số trên thế giới. Hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong nước, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị tiền kỹ thuật số từ Trung Quốc thông qua các hình thức hợp tác công-tư.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Các tác giả:
Tống Sảng: Nghiên cứu viên, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Tô Trạch Uyên: Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Khoa Kinh tế Chính trị Quốc tế, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Vương Vĩnh Trung: Nghiên cứu viên, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc; Trưởng phòng Nghiên cứu Hàng hóa Quốc tế.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: nghiencuuchienluoc.org@gmail.com