Chuyến đi của ông Tập diễn ra gần hai tuần sau khi Mỹ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay, áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam trong một đợt tăng thuế toàn cầu. Dù hiện tại Mỹ đã tạm dừng các mức thuế đối với Việt Nam và nhiều nước khác, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với các mức thuế cao ngất và đang tìm cách thắt chặt quan hệ thương mại khu vực để giảm thiểu tác động, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong năm 2025.
Ông Tập đã thực hiện chuyến thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á, sau đó đến Malaysia và Campuchia, trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách tự định vị như một đối trọng ổn định với ông Trump, giữa lúc các nhà lãnh đạo khu vực đối mặt với làn sóng áp thuế từ Mỹ.
Lãnh đạo Trung Quốc ngày 14/4/2025 đã kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam “phản đối hành vi bắt nạt đơn phương và duy trì sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu tự do”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Ông cũng nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng “chiến tranh thương mại và thuế quan sẽ không mang lại người thắng, còn chủ nghĩa bảo hộ thì không có lối ra,” trong một bài viết đăng ngày 14/4/2025 trên báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào ngày 14 tháng 4, Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết 45 thỏa thuận hợp tác, bao gồm các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, tuần tra hàng hải chung và phát triển đường sắt. Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, ông Tập phát biểu rằng hai quốc gia đang “đứng tại bước ngoặt của lịch sử… và cần cùng nắm tay tiến lên.” Sau cuộc hội đàm, ông Tô Lâm cho biết hai bên đã “đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng và toàn diện”, theo TTXVN.
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, ông Tập đã đặt vòng hoa đỏ mang dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà lãnh đạo vĩ đại của Việt Nam muôn năm” tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm Hà Nội. Ông cũng tham dự lễ khởi động Hợp tác Đường sắt Việt – Trung, một dự án trị giá 8 tỷ USD, công bố năm 2025 nhằm kết nối cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam với biên giới Trung Quốc.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, vào thứ Ba (15/4), tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được công bố. Tuyên bố cho biết hai nước sẵn sàng cùng nhau bảo vệ hệ thống thương mại đa phương lấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trung tâm, phản đối chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương và các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.
Cũng sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc hai nước này đang âm mưu làm nước Mỹ suy yếu. Lời chỉ trích của ông Trump một lần nữa nhắc nhở các quốc gia Đông Nam Á rằng, trong bối cảnh quốc tế phức tạp và bất ổn hiện nay, việc duy trì cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở thành một thách thức lớn.
Một số tờ báo cho rằng dù tuyên bố không nhắc đích danh Mỹ, nhưng đây có thể được xem là lời đáp trả các chính sách thuế quan mà chính quyền Trump triển khai dựa trên khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Tô Lâm, ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng: “Tôi không trách Trung Quốc, cũng không trách Việt Nam, tôi thấy họ hôm nay có cuộc họp… là một cuộc gặp vui vẻ. Nhưng họ họp như thể đang bàn nhau ‘Làm sao để làm nước Mỹ sụp đổ’ vậy.”
Ông Trump cũng cáo buộc Tổng thống Joe Biden đã để mất hàng nghìn tỷ đô la trong thương mại với Trung Quốc, nhưng vẫn bày tỏ sự yêu thích đối với ông Tập.
Mỹ biết rõ tầm quan trọng của Việt Nam về kinh tế và chính trị
Anh Tô Minh Sơn, nghiên cứu sinh ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, cho rằng Việt Nam sẽ càng tích cực thể hiện thiện chí trong đàm phán với Mỹ. Anh nói với tờ Liên hợp Tảo báo của Trung Quốc: “Việt Nam sẽ khẳng định với Mỹ rằng chuyến thăm của ông Tập đã được lên kế hoạch từ lâu, không phải là phản ứng đối với chính sách thuế của Trump.”
Hiện chưa thể kết luận liệu mối quan hệ Trung – Việt có làm gián đoạn các cuộc đàm phán Mỹ – Việt hay không. Tiến sĩ Jayant Menon, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (Singapore), nhận định với Liên hợp Tảo báo: “Cách nói chuyện của Trump rất khoa trương và không nhất quán. Hơn nữa, chính phủ Mỹ hiểu rất rõ vai trò kinh tế và chính trị quan trọng của Việt Nam.”
Các nước Đông Nam Á nhất trí không còn có thể phụ thuộc vào Mỹ
Sau vòng đối đầu mới trong chiến tranh thương mại, nhiều nước (bao gồm cả Trung Quốc) đang tích cực tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia khác. Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, ông Tập đã đến Malaysia vào thứ Ba ngày 15/4/2025 và tiếp tục thăm Campuchia vào thứ Năm ngày 17/4/2025.
Trong bài viết đăng trên báo Malaysia nhân dịp đến Kuala Lumpur, ông Tập một lần nữa kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy môi trường hợp tác cởi mở. Ông nói: “Trung Quốc sẵn sàng cùng Malaysia và các nước ASEAN khác đi theo dòng chảy lịch sử hòa bình và phát triển, chống lại các thế lực địa chính trị và đối đầu phe phái, vượt qua làn sóng đơn phương và bảo hộ thương mại.”
Để tránh bị hiểu nhầm, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Khaled Nordin đã lên tiếng xác nhận vào tối thứ Ba rằng, chuyến thăm của ông Tập không liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ. Theo Sin Chew Daily, ông Khaled cho biết chuyến thăm này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, không phải là một động thái phản ứng đột xuất. “Khi lập kế hoạch cho chuyến thăm này, chúng tôi không dự đoán vấn đề thuế sẽ trở thành tiêu điểm, vì vậy đừng diễn giải sự kiện này theo cách không chính xác.” Ông cũng không loại trừ khả năng lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về ảnh hưởng của thuế quan, nhưng nhấn mạnh rằng mọi trao đổi sẽ tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp có lợi chung cho cả hai quốc gia.
Mặc dù vẫn phải cân nhắc phản ứng từ Mỹ nhưng Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của cả Malaysia và Campuchia và các quốc gia này sẽ không vì sự tức giận của Trump mà vội vàng xa rời Trung Quốc. “Các nước ASEAN đang chịu áp lực vô lý từ phía Mỹ. Họ rất coi trọng chuyến thăm của ông Tập lần này. Một điều mà nhiều nước Đông Nam Á cùng nhất trí: không thể tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ như trước và đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại.”
Tác động của chuyến thăm
Về phía Mỹ, chuyến thăm này đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ giới hoạch định chính sách Mỹ. Sau khi nâng cấp quan hệ hai bên lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9/2023, Việt Nam ngày càng được coi là một đối tác quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á và đón tiếp các đoàn thăm cấp cao thường xuyên của Mỹ, trong đó có cả cựu Tổng thống Joe Biden. Việc Trung Quốc chủ động thực hiện chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam, với Mỹ có thể được xem là một nỗ lực nhằm lấy lại ảnh hưởng ở quốc gia được Mỹ coi là trọng điểm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể sẽ điều chỉnh cách tiếp cận với Việt Nam, bao gồm cả việc mở rộng hợp tác hoặc tạo ra tình thế ngoại giao khó khăn hay tăng thêm mức thuế cho Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường hợp tác với Việt Nam có thể Việt Nam có thể trở thành nơi giúp Trung Quốc né tránh các biện pháp kiểm soát thương mại của Mỹ. Điều này sẽ khiến Mỹ tăng cường giám sát nguồn gốc hàng hóa và áp đặt kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng hóa từ Việt Nam. Ngoài ra, chuyến thăm này cũng tác động trực tiếp đến quá trình đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan. Mức thuế 46% của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam trở thành rào cản lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Việc Việt Nam xích lại gần hơn với Trung Quốc có thể khiến Việt Nam phải chịu các áp lực thương mại từ Mỹ.
Với Việt Nam, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình vừa mang lại cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Về mặt tích cực, Việt Nam có thể tận dụng nguồn đầu tư lớn cũng như sự hợp tác từ Trung Quốc để phát triển các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng sạch và chuyển đổi số. Việc ổn định quan hệ với Trung Quốc cũng giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức lớn từ chính sách thất thường của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ 2. Việc duy trì cân bằng trong chính sách đối ngoại giữa các cường quốc mà không bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm, nếu không xử lý khéo léo, Việt Nam có thể bị kéo vào tranh chấp thương mại và địa chính trị, đặc biệt tại Biển Đông.
Khuyến nghị dành cho Việt Nam
1. Tăng cường quản lý chuỗi cung ứng và kiểm soát xuất xứ hàng hóa
Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ chặt chẽ quy tắc xuất xứ cho hàng xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Mỹ. Chính phủ nên triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện đại (ứng dụng công nghệ số) để theo dõi nguyên liệu từ đầu vào tới đầu ra. Việc này giúp chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trong hàng “Made in Vietnam”, ngăn chặn hành vi mượn xuất xứ bất hợp pháp. Hiện tại, dưới áp lực từ Washington, Việt Nam đã bắt đầu “thắt chặt kiểm soát” với thương mại Trung Quốc nhằm đảm bảo hàng tái xuất sang Mỹ có đủ giá trị gia tăng nội địa. Động thái này cần được duy trì thường xuyên, kết hợp hợp tác với cả Trung Quốc và Mỹ. Chẳng hạn, Việt Nam và Trung Quốc vừa ký MOU giữa Phòng Thương mại hai nước để phối hợp cấp chứng nhận xuất xứ, đồng thời cần tận dụng cơ chế này để xác minh nguồn gốc nguyên liệu ngay từ khâu nhập khẩu.
Song song, cần xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên tiếp tay cho việc “đội lốt” hàng hóa Trung Quốc. Cơ quan hải quan, quản lý thị trường phải tăng cường thanh tra, có chế tài mạnh đối với doanh nghiệp vi phạm, qua đó giữ uy tín cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có thể mời Mỹ tham gia hỗ trợ kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc và chia sẻ thông tin hải quan. Sự chủ động và minh bạch này sẽ giảm nguy cơ Việt Nam bị áp thuế trừng phạt do nghi ngờ là điểm trung chuyển.
2. Đẩy mạnh hợp tác công nghệ cao (AI, 5G…) gắn với phát triển năng lực nội tại
Việt Nam cần tranh thủ các thỏa thuận với Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, viễn thông 5G, Internet vạn vật (IoT), chất bán dẫn… để nâng cấp trình độ công nghệ trong nước. Việt Nam cần xây dựng các dự án hợp tác R&D cụ thể: ví dụ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo chung về AI hoặc vườn ươm công nghệ tại Việt Nam với sự tham gia của các công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc. Những trung tâm này vừa giúp chuyển giao công nghệ, vừa đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam. Chính phủ có thể đề xuất phía Trung Quốc cử chuyên gia sang huấn luyện, đồng thời gửi kỹ sư Việt Nam sang các trung tâm AI hàng đầu của Trung Quốc để học hỏi. Mặt khác, cần ưu đãi thu hút đầu tư công nghệ cao từ Trung Quốc nhưng có điều kiện ràng buộc về tỷ lệ chuyên gia Việt Nam tham gia, hoặc yêu cầu mục tiêu nội địa hóa công nghệ sau một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải thận trọng để không phụ thuộc một nguồn công nghệ. Song song với hợp tác Trung Quốc, cần đa dạng hóa đối tác công nghệ. Việt Nam đã và đang hợp tác về đổi mới sáng tạo với Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU – những liên kết này cần được duy trì và phát triển song song. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chip bán dẫn, Việt Nam có thể nhận hỗ trợ đào tạo từ Mỹ, Nhật (như những thỏa thuận năm 2023), đồng thời hợp tác với Trung Quốc trong những khâu không bị hạn chế. Cách tiếp cận “đa hướng” sẽ giúp Việt Nam tiếp thu tinh hoa công nghệ từ nhiều phía, tránh lệ thuộc vào công nghệ Trung Quốc hoặc bị ảnh hưởng nếu công nghệ đó bị cấm vận.
Về chính sách trong nước, cần tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo: thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoàn thiện khung pháp lý cho thử nghiệm công nghệ mới (sandbox). Đặc biệt, nên tập trung đào tạo nhân lực AI và số hóa.
3. Phát triển hạ tầng logistics và kết nối khu vực (trọng tâm: đường sắt liên vận)
Việc hai nước nhất trí lập Ủy ban hợp tác đường sắt và thúc đẩy kết nối hạ tầng là cơ hội để Việt Nam hiện đại hóa mạng lưới giao thông của mình. Ưu tiên hàng đầu trong trung hạn là dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối từ cảng biển lớn nhất miền Bắc tới biên giới Trung Quốc. Dự án này vừa được khởi động với sự tham dự của ông Tập Cận Bình. Việt Nam nên tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm Trung Quốc để sớm triển khai tuyến đường sắt chiến lược này. Cụ thể, cần đàm phán điều kiện vốn vay ưu đãi và chuyển giao công nghệ tốt nhất từ phía Trung Quốc, đúng như lãnh đạo Việt Nam đã đề nghị. Việc thiết lập ủy ban chung giúp hai bên phối hợp chặt chẽ, nhưng Việt Nam cũng nên mời gọi thêm tư vấn độc lập (ví dụ từ ADB, World Bank) để thẩm định kỹ thuật và tài chính, bảo đảm dự án hiệu quả và tránh đội vốn.
Cùng với đường sắt, Việt Nam cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu và logistics dọc biên giới. Trong các văn kiện ký kết có thỏa thuận về kiểm nghiệm, kiểm dịch hải quan và thương mại nông sản, Việt Nam nên nhanh chóng triển khai các trạm kiểm soát hiện đại tại cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị, Móng Cái… nhằm rút ngắn thời gian thông quan. Hạ tầng kho bãi, bến bãi tại biên giới cũng cần đầu tư đồng bộ với tuyến đường sắt để tạo hành lang vận tải liên thông từ sâu trong nội địa Việt Nam sang Trung Quốc.
Tuyến đường sắt mới không chỉ phục vụ thương mại song phương mà nên được tích hợp vào mạng lưới liên kết khu vực. Việt Nam có Sáng kiến “Hai hành lang, Một vành đai” kết nối với Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc thì khi đường sắt Lào Cai – Hải Phòng hoàn thành, Việt Nam có thể vươn xa hơn: hàng hóa từ Việt Nam qua Trung Quốc đi tiếp sang Trung Á, châu Âu bằng đường sắt hoặc nối với tuyến Trung Quốc – Lào – Thái Lan để giao thương với ASEAN lục địa.
4. Tăng cường hợp tác hàng hải để bảo đảm an ninh thương mại
Việc tăng cường thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực tuần tra hàng hải chung giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì ổn định môi trường biển, phục vụ cho giao thương. Thực tế, ngay tháng 2/2025 vừa qua, Cảnh sát biển hai nước đã tiến hành tuần tra chung lần thứ nhất trong năm ở vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ.
Ngoài tuần tra, có thể mở rộng hợp tác sang lĩnh vực hàng hải khác như: chia sẻ thông tin về an ninh, phối hợp chống đánh bắt IUU, bảo vệ môi trường biển. Những hoạt động này vừa tăng cường lòng tin chiến lược, vừa trực tiếp giúp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại, giảm thiểu nguy cơ gián đoạn luồng hàng hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục làm sâu sắc hợp tác đa phương trong ASEAN về an ninh biển và thúc đẩy Bộ Quy tắc ở Biển Đông COC với mục tiêu là giữ vững hoà bình, ổn định trên Biển Đông – tuyến đường huyết mạch cho thương mại toàn cầu. Một môi trường hàng hải ổn định sẽ giúp Việt Nam tự tin phát triển các cảng biển, dịch vụ logistics biển, thu hút các tuyến vận tải quốc tế đi qua.
Đồng thời, Việt Nam vẫn phải kiên trì nguyên tắc chủ quyền; hợp tác tuần tra chỉ giới hạn trong vùng đã phân định, không làm ảnh hưởng đến các yêu sách hợp pháp. Nếu cân bằng được hợp tác và đấu tranh, Việt Nam vừa tận dụng được hợp tác hàng hải với Trung Quốc, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo tiền đề cho thương mại biển dài hạn.
5. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động ứng phó chủ nghĩa bảo hộ
Bài học từ việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng Việt Nam là Việt Nam không nên phụ thuộc thái quá vào một thị trường. Hiện Mỹ chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do vậy bất kỳ động thái siết nhập khẩu nào từ Mỹ cũng tác động rất mạnh. Việc đa dạng hóa thị trường hiện này là cần thiết: Việt Nam cần tận dụng triệt để các FTA đã có (CPTPP, EVFTA, RCEP…) để mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và khối ASEAN. Chẳng hạn, EU với EVFTA đang giảm thuế dần; các doanh nghiệp nên được hỗ trợ tận dụng ưu đãi thuế để đẩy mạnh bán hàng vào EU. Tương tự, CPTPP mở cánh cửa sang Canada, Mexico, Peru, Chile… Việc tìm kiếm thị trường mới thay thế, bù đắp sụt giảm từ thị trường Mỹ là hoàn toàn khả thi; các chuyên gia gợi ý Canada, ASEAN là những điểm đến xuất khẩu rất tiềm năng mà doanh nghiệp Việt cần tích cực khai thác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể cân nhắc các chính sách nhượng bộ phù hợp, ví dụ như tăng nhập khẩu từ Mỹ (đặc biệt là những mặt hàng Mỹ quan tâm như năng lượng, thiết bị công nghệ) nhằm giảm thâm hụt thương mại hoặc thắt chặt bảo vệ sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam nên hướng tới một khuôn khổ thương mại ổn định với Mỹ.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để trụ vững trước chủ nghĩa bảo hộ. Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kịch bản chịu thuế cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng trong giai đoạn hoãn thuế nhằm tận dụng nốt các đơn hàng trước khi thuế có thể tái áp. Về dài hạn, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc, ít bị thay thế bởi đối thủ khác.
6. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tận dụng vốn Trung Quốc đi đôi với tự cường kinh tế
Thu hút FDI thời gian tới cần chuyển sang chiều sâu, nhấn mạnh chất lượng và hiệu quả lâu dài. Đặc biệt nhiều dự án sản xuất của Trung Quốc nhằm né thuế Mỹ, Việt Nam cần tinh lọc dòng vốn này để vừa tranh thủ được nguồn lực phát triển, vừa tránh gia tăng sự lệ thuộc.
Song song, tiếp tục đa dạng hóa nguồn FDI để tránh phụ thuộc một nước. Dòng vốn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ, EU… vào Việt Nam vẫn rất quan trọng để tạo đối trọng với vốn Trung Quốc. Chính phủ nên duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định để các nhà đầu tư truyền thống này mở rộng dự án. Khi tỷ trọng vốn từ nhiều quốc gia cân bằng, Việt Nam sẽ ít bị chi phối nếu một nước rút vốn hoặc gây sức ép kinh tế.
Tóm lại, thu hút đầu tư Trung Quốc để nâng cấp năng lực sản xuất là hướng đi cần thiết, nhưng Việt Nam phải giữ thế chủ động. Bằng cách chọn lọc dự án, yêu cầu liên kết và chuyển giao, Việt Nam có thể hưởng lợi từ vốn và công nghệ Trung Quốc mà không rơi vào bẫy phụ thuộc kinh tế. Đồng thời, kết hợp hài hòa với các nguồn vốn khác sẽ tạo nên một môi trường đầu tư đa dạng, an toàn cho phát triển dài hạn.
7. Củng cố vị thế trung tâm sản xuất trong chuỗi giá trị toàn cầu
Việt Nam cần định vị mình không chỉ là “công xưởng lắp ráp” mà là một mắt xích then chốt, có giá trị cao trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm công nghiệp chủ lực ở Đông Nam Á, là nguồn cung cấp quan trọng các mặt hàng điện tử, giày dép, may mặc cho thị trường Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, phần lớn giá trị gia tăng còn thấp do chủ yếu làm gia công. Vậy nên, khuyến nghị được đưa ra là Việt Nam phải vươn lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Trước hết, cần đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Lực lượng lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng tiếp nhận công nghệ và thực hiện các khâu sản xuất phức tạp hơn. Cùng với đó, Việt Nam nên hướng tới một thế hệ công nhân lành nghề về cơ khí, tự động hóa, kỹ sư giỏi về điện tử, CNTT…
Thứ hai, khuyến khích đổi mới sáng tạo và R&D nội địa. Chính phủ có thể dành một tỷ lệ GDP cao hơn cho nghiên cứu khoa học, hỗ trợ hình thành các trung tâm R&D trong doanh nghiệp. Mục tiêu là trong một thập niên tới, Việt Nam có thể tự thiết kế, phát triển được một số sản phẩm công nghiệp (ví dụ thiết kế mẫu điện thoại, ô tô điện, thiết bị IoT…) thay vì chỉ lắp ráp theo thiết kế nước ngoài. Việc này đòi hỏi sự kết hợp giữa doanh nghiệp, viện trường và chính sách đãi ngộ nhân tài. Nếu xuất hiện những sản phẩm “Designed by Vietnam”, giá trị mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với gia công.
Thứ ba, tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn mới phù hợp với xu hướng tương lai để đa dạng hóa chuỗi giá trị. Ngoài các ngành đang có (điện tử, dệt may), Việt Nam nên tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng xe điện và pin lithium (đang bùng nổ toàn cầu), năng lượng tái tạo (sản xuất thiết bị điện gió, điện mặt trời), công nghiệp dược phẩm, y sinh… Chính phủ có thể đưa ra danh mục các ngành ưu tiên phát triển đến 2030, kèm cơ chế ưu đãi đặc biệt, để tạo cú hích hình thành các trung tâm sản xuất mới tại Việt Nam trong những lĩnh vực này. Điều này vừa đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh, vừa tránh phụ thuộc mãi vào các ngành thâm dụng lao động truyền thống.
Thứ tư, bảo đảm cơ sở hạ tầng mềm cho vị thế trung tâm sản xuất. Bao gồm hệ thống chính sách ổn định, thủ tục hành chính minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư dài hạn. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho sản xuất (tránh tình trạng thiếu điện như một số năm). Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi và chi phí cạnh tranh, Việt Nam sẽ giữ chân được các tập đoàn lớn lâu dài.
Cuối cùng, Việt Nam nên đóng vai trò tích cực trong việc định hình các quy tắc thương mại toàn cầu. Việc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn mới (về thương mại số, lao động, môi trường trong thương mại) sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển, duy trì hệ thống thương mại đa phương ổn định. Một trật tự thương mại ổn định chính là điều kiện để Việt Nam phát huy tối đa lợi thế trung tâm sản xuất.
Kết luận
Mặc dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, Việt Nam cũng chia sẻ những lo ngại với Mỹ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động, Việt Nam phải tiếp tục theo đuổi chiến lược “ngoại giao cây tre”, cân bằng khéo léo giữa hai cường quốc Mỹ – Trung nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia một cách hiệu quả nhất. Các tuyên bố và phản ứng từ phía Tổng thống Trump một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chiến lược linh hoạt, vừa tận dụng cơ hội hợp tác kinh tế khu vực, vừa giảm thiểu những tác động tiêu cực từ căng thẳng Mỹ – Trung.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. 周逸菲. (2025, April 15). 特朗普抨击中越密谋搞垮美国 东南亚贸易战中如履薄冰. Lianhe Zaobao. https://www.zaobao.com.sg/news/sea/story20250415-6194222
2. AFP. (2025, April 16). Xi’s Vietnam trip aiming to ‘screw’ US, Trump says. Tapei Times. Retrieved April 16, 2025, from https://www.taipeitimes.com/News/front/archives/2025/04/16/2003835256#
3. Bích Thuận. (2025, April 11). Trung Quốc sẵn sàng nâng cấp hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam. VOV. Retrieved April 16, 2025, from https://vov.vn/kinh-te/trung-quoc-san-sang-nang-cap-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-voi-viet-nam-post1191318.vov?
4. Dân Trí. (2025, April 15). Kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc. Dân Trí. Retrieved April 16, 2025, from https://dantri.com.vn/xa-hoi/ket-qua-chuyen-tham-viet-nam-cua-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-20250415161647932.htm
5. Duy Linh. (2025, April 14). Việt Nam và Trung Quốc lập ủy ban về đường sắt, thúc đẩy sáng tạo khoa học thành sản xuất thực chất. Báo Tuổi Trẻ. Retrieved April 16, 2025, from https://tuoitre.vn/viet-nam-va-trung-quoc-lap-uy-ban-ve-duong-sat-thuc-day-sang-tao-khoa-hoc-thanh-san-xuat-thuc-chat-20250414220230366.htm
6. Guarascio, F., Vu, K., & Nguyen, P. (2025, April 14). China, Vietnam sign deals as Xi visits Hanoi amid US tariff tensions. Reuters. Retrieved April 16, 2025, from https://www.reuters.com/world/asia-pacific/chinas-xi-meet-vietnam-leaders-kick-off-southeast-asia-tour-amid-us-tariffs-2025-04-14/
7. The Straits Times. (2025, April 15). Trump: Xi’s Vietnam trip aiming to ‘screw’ the US. The Straits Times. Retrieved April 16, 2025, from https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/xis-vietnam-trip-aiming-to-screw-us-says-trump
8. Tâm An. (2025, April 10). Ông Trump hoãn áp thuế, 3h sáng khách Mỹ gọi gấp doanh nghiệp Việt. VietNamNet. Retrieved April 16, 2025, from https://vietnamnet.vn/ong-trump-hoan-ap-thue-3h-sang-khach-my-goi-gap-doanh-nghiep-viet-2389631.html
9. TOI World Desk. (2025, April 15). Donald Trump dismissed Chinese President Xi Jinping’s Vietnam tour as effort to “screw” US. Times of India. Retrieved April 16, 2025, from https://timesofindia.indiatimes.com/world/us/donald-trump-dismisses-xi-jinpings-vietnam-tour-as-effort-to-screw-us/articleshow/120308161.cms
10. TTXVN & Vietnamplus. (2025, February 27). Chuyến tuần tra chung lần thứ nhất năm 2025 của Cảnh sát biển Việt-Trung. Vietnamplus. Retrieved April 16, 2025, from https://www.vietnamplus.vn/chuyen-tuan-tra-chung-lan-thu-nhat-nam-2025-cua-canh-sat-bien-viet-trung-post1014859.vnp
11. VOA Tiếng Việt. (2025, February 25). Đầu tư của Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam, làm tăng nguy bị Mỹ đánh thuế. VOA Tiếng Việt. Retrieved April 16, 2025, from https://www.voatiengviet.com/a/7987464.html