Năm 2023 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật. Nhìn lại khoảng thời gian năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực với với sự tin cậy chính trị cao. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở mức “Đối tác chiến lược sâu rộng”, ngày 27/11 vừa qua, Việt Nam đã chính thức nâng cấp quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” với Nhật Bản. Vậy, quan điểm của cộng đồng quốc tế về sự kiện Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên cấp độ cao nhất như thế nào trong bối cảnh vai trò ngày một gia tăng của hai nước trong hệ thống quốc tế đương đại?
Bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 27/11 Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã dự lễ đón chính thức, hội đàm, phát biểu báo chí chung và dự chiêu đãi trọng thể của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân. Chủ tịch nước cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, tình cảm đặc biệt và những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Kishida Fumio cho sự phát triển của quan hệ hai nước trên nhiều cương vị khác nhau. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”[1]. Hai bên đã trao đổi ý kiến, thống nhất nhiều phương hướng hợp tác trong tương lai nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, mở ra kỷ nguyên phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của hai nước cũng như đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Thứ nhất, về kinh tế Tokyo nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế với Hà Nội và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế. Trong đó, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Nhật Bản vẫn là nhà tài trợ ODA song phương hàng đầu với tổng giá trị cả vốn vay và viện trợ không hoàn lại khoảng 3.000 tỷ Yên, chiếm khoảng 30% đầu tư song phương, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam[2]. Dưới lĩnh vực đầu tư, Nhật Bản vẫn giữ vị trí một trong những quốc gia đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam. Hai bên tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu nhiều lĩnh vực gồm sáng kiến chung về hợp tác kinh tế, giữ vững đảm bảo an ninh kinh tế thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao khả năng chuyển đổi số và năng lượng sạch trong tương lai.
Thứ hai, về an ninh – quốc phòng, Việt Nam – Nhật Bản tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng. Dựa trên các thỏa thuận, tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược mà Bộ Quốc phòng hai bên ký kết trong những năm qua. Trong đó chuyển giao công nghệ quốc phòng một trong nhiều nội dung quan trọng được hướng tới ưu tiên triển khai. Ngoài ra ông Kishida cho biết, Nhật Bản đã thiết lập khuôn khổ hợp tác mới, có tên là “Viện trợ an ninh chính thức” (OSA) nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh, và đóng góp vào việc duy trì và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế[3]. Nhật Bản tích cực ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Thứ ba, về các vấn đề khu vực và quốc tế tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và các nguyên tắc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác và đạt được hòa bình, ổn định, và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ đối tác giữa Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung nhằm thực hiện tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chiến lược của mình. Từng bước tháo gỡ, giải quyết vướng mắc bằng hợp tác quốc tế và việc thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như vận động tất cả các bên liên quan tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình và ngoại giao vì hòa bình, ổn định.
Quan điểm của cộng đồng quốc tế
Quan điểm của Mỹ và châu Âu
Dẫn lời một số hãng tin về sự kiện này, Reuters cho rằng động thái này nhấn mạnh vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, điều này đang giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này khi một số công ty chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc [4]. Việt Nam và Mỹ trong tháng 9 đã hoàn tất việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện mà trước đó dư luận một số nơi nhận định khó có thể xảy ra. Khu vực Đông Nam Á đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Mỹ trong nhiều vấn đề, biết được tình trạng tranh chấp chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc, Mỹ đã nhiều lần triển khai sự hiện diện quân sự trong khu vực. Cho đến hiện tại, Nhật Bản – đồng minh thân tín của Mỹ cũng chính thức trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 6 của Việt Nam. Tờ Washington Post đưa tin Nhật Bản và Việt Nam hôm 27/11 đã đồng ý tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực[5].
Đối với Mỹ, Nhật Bản luôn là một đồng minh mạnh và phía Mỹ muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn để giảm gánh nặng cho quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Mối quan tâm của nước Mỹ tới Nhật Bản có thể được so sánh với mối quan tâm mà Mỹ dành cho Tây Âu, tuy ở quy mô nhỏ hơn. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang triển khai chính sách đối ngoại “nước Mỹ trở lại”, Washington sẽ đóng vai trò tích cực và tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống quốc tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương, tham vấn các đồng minh, đối tác trong xử lý các vấn đề quốc tế. Dựa vào đó, Mỹ sẽ thúc đẩy vai trò của các cơ chế khu vực và đa phương, gồm: NATO và nhóm “Bộ Tứ”, hình thành tập hợp lực lượng từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương để gây ảnh hưởng trong khu vực. Trong chương trình hỗ trợ an ninh chính thức (OSA), Philippines – đồng minh của Mỹ được Nhật Bản ưu tiên trong thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), tạo nền tảng cho việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, bao gồm tập trận chung định kỳ và tiếp cận căn cứ quân sự.
Ngày 11/9, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thẳng “Đối tác chiến lược toàn diện” bỏ qua giai đoạn “Đối tác chiến lược” thể hiện một bước tiến lớn trong quá trình hợp tác giữa hai nước. Từ cựu thù trở thành đối tác ngang hàng với các đối tác truyền thống của Việt Nam như Nga hay Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng vị trí, vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ đã có sự thay đổi sâu sắc. Nhà Trắng cần một Việt Nam trong quỹ đạo kiềm chế Trung Quốc của mình bên cạnh Nhật Bản, Philippines. Hà Nội nâng cấp quan hệ với Tokyo có thể tạo ra một lợi thế nhất định với Mỹ và đồng minh của họ trong tam giác cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc (Mỹ – Trung – Nhật). Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở rộng mà trước đó Mỹ đã dày công xây dựng trên các trụ cột liên kết Bộ Tứ (Quad), định hướng liên kết ba bên Mỹ – Nhật – Philippines (JAPHUS) trong tương lai. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã trở thành vũ đài mới để liên minh Mỹ – Nhật tăng cường hợp tác gồm cả biển Đông tăng cường hiện diện quân sự, phát triển giao thương cạnh tranh với “con đường tơ lụa biển” của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Với Mỹ, Nhật Bản – Việt Nam bắt tay nhau càng chặt Washington càng được củng cố thêm sức mạnh.
Ở lục địa già, các hãng tin thuộc Liên minh châu Âu chưa có bài bình luận nào cho sự kiện này. Có khả năng sự kiện nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản chưa hẳn là vấn đề quan tâm của EU do khoảng cách địa lý và ảnh hưởng của nó. Chủ yếu hiện nay, truyền thông EU theo dõi sát sao diễn biến ở Ukraine và những bất đồng trong nhận định cục diện trong giới chính trị gia NATO. Tình hình chiến sự Israel – Hamas đang nóng lên thu hút sự quan tâm của báo giới cùng sự chia rẽ trong nội bộ EU sau hội nghị EU – Địa Trung Hải với quốc gia Trung Đông Israel. Hơn thế, EU cùng Nhật Bản có chung mối liên kết chặt chẽ thông qua Mỹ, nhưng EU không có nhiều mâu thuẫn trực tiếp về vấn đề an ninh truyền thống với Trung Quốc như các đối tác của họ.
Quan điểm của Trung Quốc
Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nhật Bản có đề cập rõ ràng đến hợp tác về an ninh, quốc phòng. Thủ tướng Fumio Kishida và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải giữa hai nước trước sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo trang mạng Quan sát viên đưa tin Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét đưa quân đội Việt Nam vào khuôn khổ “Hỗ trợ tăng cường năng lực an ninh của chính phủ” (OSA) mới được thành lập[7]. Trong bối cảnh cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang có những mâu thuẫn nhất định với Trung Quốc trên hai vùng biển Hoa Đông và biển Đông (biển Nam Trung Hoa). Dẫn lời tờ The Japan Times, Nhật Bản đang mâu thuẫn với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã nhiều lần đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo không có người ở mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư[8]. Nhật Bản đang tìm cách tận dụng sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á bằng cách tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển như Việt Nam và ASEAN khác.
Về phía Trung Quốc, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ hồi đầu tháng 9 có thể không phải vấn đề quá lớn đối với Trung Quốc. Nước này hiểu được rằng Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên so với Mỹ, Trung Quốc ở khoảng cách gần hơn và cũng có vị trí đặc biệt trong chiến lược tổng thể của Việt Nam. Do đó, lo ngại việc bị Mỹ siết chặt vòng bao vây thông qua Việt Nam là điều không thực sự cần thiết. Thế nhưng, Nhật Bản lại là một trở ngại với Trung Quốc. Được ví như “nước Mỹ thứ hai”, việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất của Hà Nội với Tokyo khả năng sẽ nhận được sự quan tâm lớn từ phía Trung Quốc. Phát biểu tại diễn đàn quốc tế hợp tác ba bên ngày 3/7, ông Vương Nghị đã nhắc nhở Hàn Quốc và Nhật Bản về nguồn cội người Á Đông, cho rằng phương Tây đang cố chia rẽ tình đoàn kết giữa 3 nước làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, đối đầu hiện tại. Đây có thể coi là những phản ứng đầu tiên không hài lòng trước sự tăng cường quan hệ với hai đồng minh lâu năm của Mỹ.
Tờ South China Morning Post cho rằng Việt Nam ngày càng được coi là một “quốc gia dao động địa chính trị” trong khu vực khi các cường quốc nỗ lực thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với quốc gia Đông Nam Á này[9]. Tokyo đang cố thu hút Hà Nội về mặt quân sự khi đưa Việt Nam vào danh sách Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) nhằm cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia đang phát triển – một sáng có phần dựa trên kinh nghiệm của Tokyo trong việc cung cấp các khoản Viện trợ phát triển kinh tế chính thức (ODA). Hỗ trợ An ninh chính thức, Nhật Bản gần đây đã đồng ý cung cấp hệ thống radar giám sát ven biển cho Philippines – một quốc gia Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược khác đối với Nhật Bản và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng về Đài Loan leo thang[10] .
Đối với Nhật, giải pháp OSA có thể trở thành cách phòng thủ từ xa hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng phức tạp. Ở chiều hướng ngược lại, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ coi OSA như một công cụ để tập hợp lực lượng của Nhật Bản nhằm cản trở con đường ra biển nước này. Ba trên sáu Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam có quan hệ không tốt với Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn tồn tại tâm lý chống Nhật và nhận thức cho rằng Nhật Bản là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, sự hình thành nhóm Bộ Tứ, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản, Tuyên bố chung Mỹ – Nhật – EU về các nền kinh tế phi thị trường rõ ràng cho thấy Nhật Bản và phương Tây muốn kiềm chế không cho Trung Quốc vươn lên vị thế dẫn đầu. Tuy nhiên, về quan hệ Bắc Kinh với Hà Nội, Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) nhận định: Nâng cấp quan hệ với Nhật Bản không nhất thiết có nghĩa Việt Nam phản đối Trung Quốc[11]. Việt Nam có chiến lược riêng của mình và ưu tiên hàng đầu là hợp tác kinh tế, đa phương hóa quan hệ các nước dựa trên tinh thần tìm kiếm bạn bè không tìm kẻ thù.
Quan điểm của Nga và Ấn Độ
Hãng tin Sputnik đăng tải bài viết tựa đề “Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ, kỳ vọng chuyển giao công nghệ quốc phòng”[12]. Ngoài bài viết mang tính tổng hợp này, từ cấp độ các cơ quan chính phủ cho tới các hãng thông tấn khác của Nga hầu như không có bình luận về sự kiện Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ. Trong bối cảnh Nga đã vướng bận với tình hình chiến sự tại Ukraine, sự kiện một nước Đông Nam Á nâng cấp quan hệ với một quốc gia Đông Bắc Á không phải điều ảnh hưởng lớn đến Nga. Về căn bản, Nga có tranh chấp một phần với Nhật Bản ở quần đảo Kuril nhưng trong tầm kiểm soát. Quan hệ Moscow – Tokyo cũng không có tiến triển do Nhật và đồng minh Mỹ đều áp lệnh trừng phạt lên Nga liên quan tới chiến sự Ukraine. Ngoại giao Nga – Nhật trong tình trạng đóng băng. Dưới tác động quan hệ kinh tế kể từ khi bị cấm vận, quan hệ hai nước Nga – Trung Quốc trở nên khăng khít hơn, hợp tác quân sự Nga – Trung đã tiến đến mức Tổng thống Putin đã xem Trung Quốc là đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên. Do đó, mặc dù có để tâm tới mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, nhưng hiện tại, đây không phải là vấn đề được ưu tiên hàng đầu đối với Moscow.
Ở phía Ấn Độ, truyền thông nước này chưa có bình luận cụ thể về sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản. Ấn Độ hiện đang duy trì mối quan hệ tốt với cả hai nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972 và từ khi nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2016 đến nay, quan hệ hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, lòng tin chiến lược không ngừng được củng cố. Đối với Nhật Bản, Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt và Toàn cầu giữa Ấn Độ và Nhật Bản ngày càng được củng cố sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, New Delhi và Tokyo có chung mối quan tâm đặc biệt với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền. Do đó, 2 thành viên của nhóm bộ tứ kim cương (QUAD) luôn nhất trí ủng hộ các nước ven biển trong Đông Nam Á về hợp tác đa phương nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực hàng hải đặt nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt là để cân bằng ảnh hưởng khu vực và toàn cầu của Trung Quốc.
Quan điểm từ các quốc gia Đông Nam Á
Trang tin Zaobao (早报) của Singapore đưa nhận định: Nhật Bản và Việt Nam chính thức tuyên bố quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên mức cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện”, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á ngày càng được nâng cao. Việt Nam là một quốc gia có tầm ảnh hưởng đang vươn lên trong khu vực ASEAN. Điều đáng chú ý, Việt Nam khẳng định “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cam kết vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”[13]. Đối mặt với cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, ASEAN bắt đầu định hình lại sự thống nhất của chính mình và “vai trò trung tâm” khu vực sau một khoảng thời đối mặt với nhiều thách thức. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Nhật Bản không tạo ra bất ngờ đối với các nước ASEAN. Đối với Nhật Bản, ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng trong 50 năm qua, theo đó, Nhật Bản cũng góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định thông qua khuôn khổ ASEAN +3. Tuy nhiên, ngoài Philippines đang cùng Nhật Bản phát triển trọng tâm vấn đề an ninh với thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) để đối phó với Trung Quốc, nếu Việt Nam tham gia cơ chế Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) dễ tạo ra những tác động phức tạp đối với ASEAN. Khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục chịu sự phân hóa trong cách tiếp cận với Trung Quốc.
Kết luận
Chỉ trong vòng gần 3 tháng qua Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với nền kinh tế số một và số ba trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử có mối quan hệ đối tác với bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, cùng với đó là ba trên năm thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chứng minh vị thế của Việt Nam đang càng được nâng trên trường quốc tế, Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng với chiến lược riêng của mỗi nước với khu vực và thế giới. Việc mở rộng đối tác tạo ra cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Tranh thủ tiềm lực khoa học công nghệ được chuyển giao, đầu tư công, đầu tư vốn trực tiếp, nâng cao kinh nghiệm quản lý và vận hành công nghệ mới. Bên cạnh triển vọng tương lai là những thách thức hiện hữu. Trong 6 đối tác chiến lược toàn diện trên bình diện thế giới chia một bên gồm Nga – Trung – Ấn Độ với bên còn lại Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc. Các quốc gia này có chiến lược riêng của mình nhưng điểm chung đều có tranh chấp, mâu thuẫn trong vấn đề lãnh thổ, biên giới, hàng hải, lợi ích… nổi trội nhất là đối đầu Mỹ – Trung. Việt Nam nằm trong vị thế địa chiến lược quan trọng vì vậy rất dễ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các bên. Do đó, Việt Nam cần tích cực chủ động trong các vấn đề quốc tế, thực hiện chính sách cân bằng nước lớn thận trọng, giữ vững chính sách “bốn không” và tinh thần ngoại giao cây tre./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Báo điện tử Chính phủ (2023), “Nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên ‘Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới’”.https://baochinhphu.vn/nang-cap-quan-he-viet-nam-nhat-ban-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-vi-hoa-binh-va-thinh-vuong-tai-chau-a-va-tren-the-gioi-102231127202442552.htm
[2] Vietnam Business Forum (2023), “Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản”.https://vccinews.vn/news/47770/thuc-day-lan-song-dau-tu-moi-tu-nhat-ban.html
[3] VNEXPRESS (2023), “Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản”. https://vnexpress.net/viet-nhat-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-4681932-p2.html
[4] Khanh Vu (2023), “Vietnam upgrades ties with Japan to highest level”, Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-upgrades-ties-with-japan-highest-level-2023-11-27/
[5] [10] Mari Yamaguchi (2023), “Japan and Vietnam agree to boost ties and start discussing Japanese military aid amid China threat”, The Washington Post. https://www.washingtonpost.com/business/2023/11/27/japan-vietnam-china-security-partnership/08a55d60-8d35-11ee-95e1-edd75d825df0_story.html
[6] Đức Minh (2023), “Triển vọng quan hệ Trung – Nhật qua chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Nhật Bản, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/trien-vong-quan-he-trung-nhat-qua-chuyen-tham-bac-kinh-cua-ngoai-truong-nhat-ban/
[7] 熊超然 (2023), 越南和日本正式将两国关系提升至最高层级的“全面战略伙伴关系”, 观察者. https://www.guancha.cn/internation/2023_11_28_717187.shtml
[8] Kyodo (2023), “Japan and Vietnam agree to deepen security cooperation”, The Japan Times. https://www.japantimes.co.jp/news/2023/11/27/japan/japan-vietnam-security-cooperation/
[9] Maria Siow (2023), “South China Sea: ‘neutral’ Vietnam hedges against Beijing as US, Japan, India, South Korea seek to woo it militarily”, South China Morning Post. https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3226953/south-china-sea-neutral-vietnam-hedges-against-beijing-us-japan-india-south-korea-seek-woo-it?
[11] Global Times (2023), “Upgrading Japan ties doesn’t necessarily mean Vietnam antagonizing China”. https://www.globaltimes.cn/page/202311/1302650.shtml
[12] Sputnik Việt Nam (2023), “Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ, kỳ vọng chuyển giao công nghệ quốc phòng”. https://sputniknews.vn/20231127/viet-nam—nhat-ban-nang-cap-quan-he-ky-vong-chuyen-giao-cong-nghe-quoc-phong-26693174.html
[13] 黎金良 (2023), “日本越南提升最高层级关系细节揭露各有想法”, 早报. https://www.zaobao.com.sg/wencui/political/story20231129-1452982