Năm 2023, xung đột Nga – Ukraine rơi vào trạng thái giằng co, trong khi đó, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ có xu hướng phát triển phức tạp. Cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài không chỉ làm môi trường địa chiến lược bên ngoài của châu Âu phân hóa, mà còn kéo châu Âu vào vũng lầy khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế. Từ cuối năm 2022 đến nay, việc đóng vai trò là “đầu tàu nền kinh tế châu Âu” của Đức đã trải qua ba quý tăng trưởng âm liên tiếp và trở thành “bệnh nhân của châu Âu”. Suy thoái kinh tế dẫn đến sự chia rẽ trong xã hội và phân cực chính trị ở châu Âu ngày càng gia tăng. Các đảng dân túy cấp tiến đã trở nên tích cực hơn. Đồng thời, từ “sự cố khinh khí cầu”, “va chạm” ở Biển Đông đến hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ ở San Francisco, quan hệ Trung – Mỹ giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc. Chính quyền Biden đã tương tác ngày càng thường xuyên hơn với châu Âu, với ý định trói buộc châu Âu vào cỗ xe cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc. Hợp tác chiến lược Mỹ – Châu Âu, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế thể hiện xu thế bình thường hóa và cơ chế hóa. Nhưng mâu thuẫn song phương Mỹ – Châu Âu vẫn chưa thay đổi căn bản, giữa hai bên vẫn tồn tại những dòng chảy ngầm và cuộc chiến trong bóng tối vẫn tiếp tục.
Phân tích của Mỹ và châu Âu về cạnh tranh khoa học công nghệ cũng như kinh tế quốc tế
Trong năm 2023, Mỹ và châu Âu đã thường xuyên liên lạc để trao đổi quan điểm, thảo luận về tình hình. Nhận thức của giới tinh hoa chính trị và nghiên cứu chiến lược Mỹ-châu Âu về nền kinh tế thế giới và mô hình chiến lược quốc tế, đặc biệt là sự tập trung vào cạnh tranh kinh tế, khoa học công nghệ quốc tế, nghiên cứu đánh gía phân tích tình hình chiến lược tổng thể của cạnh tranh khoa học công nghệ và kinh tế quốc tế đã cho thấy những dấu hiệu của sự hội nhập, được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Trước hết, cả Mỹ và châu Âu đều ý thức được rằng “thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh” đã kết thúc, dần dần hình thành khái niệm “Chiến tranh Lạnh mới”. Đây là cơ sở khái niệm để Mỹ và châu Âu tiến hành cạnh tranh khoa học công nghệ và kinh tế với nước ngoài. Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs số ra tháng 1 và tháng 11/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng “thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh” đã kết thúc. Những người đi trước đưa ra khái niệm “Zeitenwende” (bước ngoặt thời đại) nói về tiến trình toàn cầu hóa đã gặp thất bại nghiêm trọng, trong khi người đi sau lập luận rằng thế giới đang bước vào giai đoạn lịch sử thứ ba sau Chiến tranh Lạnh và “thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh”. Trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau của các cường quốc và cạnh tranh chiến lược là những đặc điểm nổi bật của giai đoạn mới. Trong hoàn cảnh như vậy, Mỹ và châu Âu đang xây dựng sự đồng thuận về một “Chiến tranh Lạnh mới”, cho rằng thế giới đang hình thành một mô hình lưỡng cực mới.
Giới nghiên cứu chiến lược và giới học thuật Mỹ – châu Âu đã thẳng thắn nói về khái niệm “Chiến tranh Lạnh mới” và thực hiện các giải thích cũng như thảo luận chuyên sâu về nó. Tuy nhiên giới lãnh đạo chính trị Mỹ-Châu Âu lại áp dụng sách lược mang tính hai mặt “ngoài lỏng trong chặt”. Một mặt, họ liên tục đưa ra các chính sách kiềm chế khoa học công nghệ và kinh tế đối với Trung Quốc một cách chi tiết hà khắc hơn. Nó cho thấy ý định “Chiến tranh Lạnh mới” một cách mạnh mẽ. Mặt khác, họ lại áp dụng câu chuyện chiến lược mềm dẻo linh hoạt và liên tục tuyên bố rằng họ “không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” để tránh khiêu khích Trung Quốc, ngăn chặn xuất hiện việc đối đầu leo thang kịch liệt.
Hơn nữa, tầng lớp ra quyết sách của Mỹ-châu Âu đang áp dụng mô hình mới và góc nhìn mới của giới học thuật phương Tây về lý thuyết “chiến tranh kinh tế” để đối phó với cạnh tranh khoa học công nghệ và kinh tế quốc tế, được thể hiện trong ba điểm sau:
Thứ nhất, tầng lớp ra quyết sách của Mỹ-châu Âu đều áp dụng quan điểm “vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau”. Họ cho rằng các nước lớn chiếm ưu thế dựa vào sự phụ thuộc kinh tế của các nước khác vào chính họ, thông qua việc kiểm soát “điểm tắc nghẽn” của mạng lưới kinh tế quốc tế, có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế của các đối thủ cạnh tranh. Vì vậy tất cả họ đều tìm cách “giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, cố gắng thực hiện “đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.
Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách Mỹ và châu Âu đều xuất phát từ khái niệm “chiến tranh vùng xám” (còn gọi là “chiến tranh hỗn hợp”), coi xung đột khoa học kỹ thuật, thương mại và đầu tư giữa các nước lớn là cuộc đối đầu “vùng xám”. Định tính nó như một phần quan trọng của cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Dốc sức tranh giành quyền chủ đạo nghiên cứu phát triển công nghệ mũi nhọn, hoặc kìm hãm không gian và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đối thủ.
Thứ ba, tầng lớp ra quyết sách của Mỹ – châu Âu chịu ảnh hưởng của lý thuyết “tài sản chiến lược”. Tích hợp chiến lược công nghiệp với khái niệm an ninh kinh tế, nỗ lực kiểm soát hướng nghiên cứu và phát triển toàn cầu của “công nghệ đột phá mới” có ảnh hưởng “chiến lược” nhất và cạnh tranh để giành quyền chủ đạo chiến lược trước cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Hiện tại, giới học thuật Mỹ đã đưa ra lý thuyết về “tài sản chiến lược”, họ cho rằng một số công nghệ có nhiều tính chất bên ngoài và một doanh nghiệp đơn lẻ không thể tối ưu hóa các tính năng này. Việc kiểm soát các “tài sản chiến lược” liên quan đến công nghệ này cần được đảm bảo bằng các chính sách cụ thể. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu đã chấp nhận các khái niệm này và xây dựng chúng, sử dụng các khái niệm như “chuỗi giá trị chiến lược” và “cơ sở hạ tầng quan trọng” để xây dựng chính sách, duy trì an ninh kinh tế và công nghệ.
Mỹ và châu Âu “cộng hưởng cùng tần số” trong các chính sách khoa học công nghệ và kinh tế đối với Trung Quốc
Sự kéo dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine và khó khăn kinh tế nội bộ đã gây áp lực lên giới lãnh đạo chính trị châu Âu, khiến sự phụ thuộc chiến lược của châu Âu vào Mỹ ngày càng sâu sắc. Một mặt, ở cấp độ an ninh chiến lược, kể từ năm 2019, EU từng bước sửa đổi ý tưởng “tự chủ chiến lược”, thừa nhận an ninh của châu Âu không thể tách rời Mỹ. Mặt khác, các quyết định kinh tế đối ngoại của châu Âu ngày càng bị ảnh hưởng bởi Mỹ.
Năm 2023, sự tương tác giữa Mỹ và châu Âu sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Mỹ và Liên minh châu Âu tổ chức các cuộc tham vấn song phương ở cấp bộ trưởng ít nhất mỗi tháng một lần thông qua hội nghị thượng đỉnh G7, hội nghị thượng đỉnh NATO và Ủy ban Thương mại Công nghệ Mỹ-EU (TTC). Kể từ đầu năm 2023, lãnh đạo các quốc gia thành viên chủ chốt của liên minh châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Italy…cùng với lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu thuộc cơ chế “chín nước Bucharest” đã có các cuộc gặp song phương với ông Biden. Kể từ đầu tháng 4/2023 đến nay, các nhà hoạch định chính sách châu Âu như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula der Leyen và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã cùng với các nhà hoạch định chính sách Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Bộ trưởng Tài chính Yellen, liên tiếp có những bài phát biểu nêu rõ ý định chiến lược tương tự nhau nhằm kiềm chế khoa học công nghệ và kinh tế của Trung Quốc. Cách thức và trọng điểm trong việc ra quyết sách liên quan đến Trung Quốc giữa hai bên dần có xu hướng giống nhau, hình thành sự đồng thuận chiến lược về cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó nổi bật bởi hai đặc điểm:
Thứ nhất, “an ninh hóa” các chính sách khoa học công nghệ và kinh tế của Mỹ – châu Âu đối với Trung Quốc. Trong năm 2023, chính quyền Biden sẽ tiếp tục lấy “bảo vệ an ninh quốc gia” làm mục tiêu ưu tiên xử lý quan hệ với Trung Quốc. Đặc biệt với sự trợ giúp của các công cụ chính sách “chiến tranh kinh tế” như chính sách công nghiệp, kiểm soát xuất khẩu, thẩm tra đầu tư và bảo hộ thương mại, thực hiện các biện pháp kiểm soát kinh tế và công nghệ một cách chặt chẽ nghiêm ngặt đối với Trung Quốc. Châu Âu theo sát con đường Mỹ đi và gắn bó mật thiết. Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU ngày 20/10/2023 phản ánh tiêu điểm chung và thái độ tương tự của Mỹ và EU trong việc ra quyết sách đối với Trung Quốc, cho thấy ý định và cách thức ra quyết sách của Mỹ và EU ngày càng phối hợp hơn.
Thứ hai, đó là sự đồng thuận “giảm thiểu rủi ro” của Mỹ và châu Âu đối với Trung Quốc. Được biết, tập đoàn lợi ích giới công thương Đức đã sử dụng khái niệm này sớm nhất để xây dựng các đề xuất chính sách đối với Trung Quốc, đưa nó vào hệ thống ngôn ngữ của các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Ngày 30/3/2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đã viện dẫn khái niệm này và giải thích chi tiết về nó trong bài phát biểu về chính sách Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Đức. Kể từ tháng 4/2023 đến nay, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan, Bộ trưởng Tài chính Yellen và Bộ trưởng Thương mại Raimondo lần lượt đề cập đến tính cần thiết của “giảm thiểu rủi ro”.
Hiện nay, sự đồng thuận của Mỹ và châu Âu về “giảm thiểu rủi ro” là trong các lĩnh vực cụ thể của kinh tế và khoa học công nghệ. Với sự trợ giúp của bốn loại chính sách “chiến tranh kinh tế”, đó là chiến lược công nghiệp, kiểm soát xuất khẩu, rà soát đầu tư và bảo hộ thương mại. Không chỉ cần ngăn chặn công nghệ của chính Âu – Mỹ chảy vào Trung Quốc và vốn của Trung Quốc xâm nhập vào hệ thống kinh tế Âu – Mỹ, mà còn cản trở, ngăn chặn hoặc thậm chí còn làm suy yếu sự tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cấp công nghiệp và phát triển kinh tế bền vững của Trung Quốc, loại bỏ hoàn toàn tiềm năng tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của Trung Quốc. Bản chất của khái niệm này là “tách rời chính xác”, hay “tách rời định hướng”, nghĩa là thông qua chính sách “chiến tranh kinh tế” nói trên, trong các lĩnh vực công nghiệp “quan trọng” hoặc “chiến lược”, đặc biệt là trong lĩnh vực “công nghệ đột phá mới” được đại diện bởi trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, thông tin truyền thông và năng lượng sạch, “sản xuất tiên tiến” liên quan. Hạn chế, giảm hoặc thậm chí cấm hoàn toàn quan hệ kinh tế với Trung Quốc, để giảm bớt “sự phụ thuộc chiến lược” vào Trung Quốc, đảm bảo “an ninh kinh tế” của chính mình.
Về vấn đề “giảm thiểu rủi ro”, cả Mỹ và châu Âu đều đã áp dụng một câu chuyện chiến lược hai mặt, mang màu sắc lừa dối.
Trong bóng tối, chính quyền Biden đưa ra chính sách ngăn chặn khoa học kỹ thuật đối với Trung Quốc chặt chẽ và cứng rắn hơn so với chính quyền Trump. Đồng thời liên tục củng cố và mở rộng hệ thống đồng minh chiến lược ở châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó các nhà hoạch định chính sách châu Âu liên tục gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp để buộc các công ty châu Âu ở Trung Quốc phải chuyển một phần chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Cả Mỹ và châu Âu đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của “an ninh kinh tế”, đề cập đến sự nguy hiểm của “sự phụ thuộc quá mức” và liệt kê rõ ràng mục tiêu đạt được “khả năng phục hồi kinh tế”, chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc.
Nhưng ngoài sáng, Mỹ và châu Âu đã nhiều lần tuyên bố rằng họ “không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc” và chỉ muốn “giảm thiểu rủi ro”, ” tương tác với Trung Quốc là rất quan trọng”, “cần phải hợp tác với Trung Quốc”, và họ sẽ duy trì liên lạc với Trung Quốc, thực hiện hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể để ngăn chặn xung đột gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tăng cường hợp tác giữa EU và NATO trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế
Hiện nay, khái niệm “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên chi tiết và rõ ràng hơn. Và NATO, như một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh cũ giữa Mỹ và châu Âu cùng nhau chống lại Liên Xô, ngày càng thể hiện giá trị chiến lược quan trọng. Vì vậy trong năm 2023, hợp tác chiến lược giữa EU và NATO tiếp tục được tăng cường ở nhiều cấp độ, lĩnh vực. Trọng tâm hợp tác sẽ là lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế. Điều này trở thành một đặc điểm quan trọng trong hợp tác Mỹ – EU về khoa học công nghệ và kinh tế trong năm 2023.
Một mặt, châu Âu đã phải chịu một đòn kinh tế nặng nề do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, mặt khác bị áp lực cạnh tranh từ hai bên Trung – Mỹ, bị đẩy đến bờ vực trong vòng cạnh tranh khoa học công nghệ quốc tế mới với trí tuệ nhân tạo làm chủ lực. Vì vậy họ ngày càng lo lắng về “an ninh kinh tế”, hy vọng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, thực hiện ngăn chặn khoa học công nghệ đối với Trung Quốc. Cùng với đó “đi nhờ xe” của Mỹ để nâng cao thực lực khoa học công nghệ mũi nhọn và ngành sản xuất tiên tiến của riêng mình. Đây là cân nhắc cơ bản của EU trong việc tìm kiếm sự hợp tác với NATO.
Ngoài ra, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đến nay, Nga đã dựa vào “vũ khí năng lượng” và “chiến tranh thông tin” để kiềm chế châu Âu, gây ra bất ổn dữ dội. Điều này khiến NATO nhận ra rằng “chiến tranh kinh tế” và “chiến tranh khoa học công nghệ” ngày càng trở thành một hình thức đối đầu địa chiến lược quan trọng giữa phương Tây với Trung Quốc và Nga. Đồng thời ngày càng cảnh giác hơn với các cuộc đấu tranh xung đột trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ. Đó là động lực cơ bản để NATO sẵn sàng tăng cường hợp tác với EU. Ngày 10/01/2023, EU và NATO ra tuyên bố về hợp tác song phương. Quan hệ giữa EU và NATO cũng ấm lên nhanh chóng sau khi tiến trình gia nhập NATO giữa Phần Lan và Thụy Điển tăng tốc đáng kể vào tháng 3/2023, với việc hai bên tuyên bố thành lập nhóm công tác chung vào ngày 16/3 và công bố báo cáo đầu tiên của Nhóm công tác chung về “khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng” vào ngày 29/6.
Hiện nay, hợp tác chiến lược giữa EU và NATO chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế, bao gồm ba khía cạnh:
1) Xây dựng “khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng quan trọng”, tập trung vào bảo vệ “cơ sở hạ tầng mang tính then chốt” trên 4 phương diện trọng điểm là năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và công nghiệp vũ trụ. Hoàn thành nhiệm vụ kép “răn đe” và “phòng thủ” trước các mối đe dọa bên ngoài.
2) Bảo vệ “an ninh chuỗi cung ứng” của “nguyên liệu thô quan trọng”, đặc biệt là đảm bảo nguồn cung ổn định “tài nguyên chiến lược” như đất hiếm và kim loại màu quan trọng.
3) Đảm bảo Mỹ và châu Âu kiểm soát các “công nghệ đột phá mới nổi” tiên tiến nhất và ngăn chặn “các đối thủ cạnh tranh chiến lược” chiếm được ưu thế.
Ba khía cạnh này được liên kết với nhau. Sự hợp tác giữa EU và NATO nhằm cùng đảm bảo “an ninh kinh tế” của Mỹ và châu Âu, đạt được mục tiêu “giảm thiểu rủi ro” chống lại Trung Quốc.
Mỹ và châu Âu đã tăng cường ngoại giao kinh tế với các nước xung quanh Trung Quốc và Nam bán cầu
Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Biden đã bắt tay vào thúc đẩy mô hình “chủ nghĩa đa phương nhóm nhỏ”, với ý định xây dựng các nhóm nhỏ hoặc cấu trúc hợp tác với mức độ chặt chẽ khác nhau theo ba cấp độ: đồng minh, đối tác, quốc gia hữu nghị nhằm thay thế một phần cấu trúc chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Bắt đầu từ bên ngoài hệ thống quản trị toàn cầu hiện có, Mỹ củng cố hệ thống liên minh chiến lược, đẩy mạnh ảnh hưởng đối với Nam bán cầu và từng bước siết chặt Trung Quốc theo cách “tằm ăn dâu”. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, chính quyền Biden đã tập trung xây dựng các khuôn khổ hợp tác như “Liên minh ba bên Mỹ-Anh-Australia” (AUKUS), “Hệ thống hợp tác bốn bên Mỹ-Nhật-Ấn Độ-Australia” (QUAD), “Quan hệ đối tác bán dẫn Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc-Đài Loan” và “Liên minh ngũ nhãn”. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEP) và sáng kiến “Đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu” (PGII) nhằm chống lại sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Kể từ đầu năm 2023, chính quyền Biden đã phát động các cuộc tấn công ngoại giao thường xuyên hơn xung quanh Trung Quốc. Cuộc đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng. Cạnh tranh ở Nam bán cầu đang âm thầm gia tăng. Liên minh châu Âu đã theo sát sau bằng cách triển khai các hoạt động ngoại giao thường xuyên hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ, châu Phi và Mỹ Latinh. Phát huy vai trò “cổ vũ” và hỗ trợ cho cuộc tấn công kinh tế và ngoại giao của Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc và Nam bán cầu, nhằm phối hợp với Mỹ, bố trí các khu vực của bên thứ ba để chống lại và thậm chí kiềm chế Trung Quốc.
Sự khác biệt và mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế
Mặc dù sự hợp tác chiến lược giữa Mỹ và châu Âu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế ngày càng trở nên thường xuyên hơn, sự liên lạc giữa họ đã cho thấy xu hướng cơ chế hóa. Tuy nhiên mâu thuẫn về cấu trúc giữa Mỹ và châu Âu vẫn không hề giảm bớt. Châu Âu phụ thuộc vào Mỹ về an ninh chiến lược, nhưng về mặt kinh tế, lại có khúc mắc sâu sắc đối với Mỹ, cuộc chiến trong bóng tối không ngừng diễn ra. Hiện nay, sự cạnh tranh công nghệ và công nghiệp trong cộng đồng quốc tế đang trở lên khốc liệt hơn. Mỹ và châu Âu hy vọng rằng họ có thể dẫn đầu hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mũi nhọn, nâng cấp ngành sản xuất tiên tiến, nắm bắt quyền xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật liên quan. Hai bên hợp tác ít, cạnh tranh nhiều, đôi bên phòng ngừa lẫn nhau. Do đó, trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế, Mỹ và châu Âu tồn tại rất nhiều sự khác biệt thậm chí mâu thuẫn, được thể hiện rõ ở các điểm sau:
Thứ nhất, giới chính trị và kinh doanh châu Âu ngày càng bất mãn với chủ nghĩa kinh tế dân tộc và chính sách kinh tế đối ngoại đơn phương của Mỹ. Châu Âu đặc biệt không hài lòng với “Đạo luật Giảm lạm phát” và “Đạo luật CHIPS và Khoa học” mà Mỹ đang từng bước thúc đẩy. Họ cho rằng hai dự luật này của Washington đã làm trầm trọng thêm cuộc suy thoái liên tục ở châu Âu, khiến một dòng vốn sản xuất quy mô lớn của châu Âu chảy sang Mỹ, làm trầm trọng thêm tình trạng “suy thoái công nghiệp” của châu Âu và gây ra những tổn thất không thể khắc phục cho nền kinh tế của châu lục này. Đồng thời, Mỹ không chỉ tăng cường cấm vận công nghệ cao và kiểm soát đầu tư đối với Trung Quốc, mà còn buộc châu Âu phải áp dụng một chính sách tương tự như của họ, bất chấp việc này sẽ gây tổn hại đến lợi ích thương mại của châu Âu. Điều này làm cho sự bất mãn của châu Âu đối với Mỹ càng thêm sâu sắc.
Vào tháng 10/2023, Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) đã công bố một báo cáo nghiên cứu mang tên “Trung Quốc và Mỹ: Sự mất cân bằng của EU”, đã định nghĩa châu Âu là “nạn nhân chính của việc gia tăng cạnh tranh kinh tế Trung Quốc – Mỹ”. Họ cho rằng chính sách công nghiệp của chính quyền Biden là “lấy láng giềng làm đòn bẩy”, dựa vào việc làm tổn hại đến lợi ích của châu Âu để tăng cường thực lực của mình. Đồng thời buộc châu Âu phải tuân thủ chính sách cấm vận của Mỹ, từ bỏ cơ hội thương mại với Trung Quốc, gây thiệt hại kép cho lợi ích thương mại của châu Âu.
Thứ hai, có sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề “giảm thiểu rủi ro” đối với Trung Quốc. Việc “giảm thiểu rủi ro” của Mỹ nhằm duy trì quyền bá chủ kinh tế của Washington, tập trung vào các rủi ro chính trị và an ninh quân sự. Dồn lực vào việc bảo vệ sự thống trị toàn cầu của Mỹ trong nghiên cứu và phát triển công nghệ mũi nhọn cũng như nâng cấp ngành sản xuất tiên tiến. Mặc dù Mỹ nói nhiều về “giảm thiểu rủi ro”, nhưng trọng tâm của họ vẫn là “tách rời”, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Ý đồ loại bỏ triệt để khả năng Trung Quốc bắt kịp và vượt qua Mỹ trong các lĩnh vực này.
“Giảm thiểu rủi ro” của châu Âu là nhằm giảm “sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc” và thực hiện “đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài”. Vì vậy nó tập trung vào ba khía cạnh: “cơ sở hạ tầng quan trọng”, “nguyên liệu thô quan trọng” và “ngành chế tạo cao cấp”. Mục đích là làm cho các hoạt động như xuất nhập khẩu và đầu tư xuyên biên giới trong các lĩnh vực này càng ít kết nối với Trung Quốc càng tốt để đạt được “khả năng phục hồi” trong quan hệ kinh tế đối ngoại của châu Âu. Châu Âu muốn giảm “sự phụ thuộc chiến lược” vào Trung Quốc chứ không phải giảm mạnh thương mại và đầu tư với Trung Quốc.
Nói cách khác, Mỹ tập trung vào việc cắt giảm triệt để về mặt chiến lược, trong khi châu Âu có ý định tiếp tục thực hiện những điều chỉnh nhỏ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chính vì sự tồn tại khác biệt này mà châu Âu đã hình thành sự cố chấp về “khả năng chống chọi” của nền kinh tế. Tức là áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1” đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại nhằm giúp châu Âu trong ba lĩnh vực chuỗi cung ứng, khoáng sản, cơ sở hạ tầng “mang tính then chốt” và “mang tính chiến lược” có thể vận hành ổn định trong tình hình quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU đã giảm đi rất nhiều. Từ đó làm cho hệ thống kinh tế châu Âu có thể chịu được những cú sốc do thay đổi địa chính trị gây ra.
Lời kết
Ý định “Chiến tranh Lạnh mới” của Mỹ và châu Âu đối với Trung Quốc đang gia tăng, hợp tác chiến lược song phương vẫn đang có nhiều biến đổi. Điều này vô thức ảnh hưởng đến mô hình cạnh tranh địa chiến lược và kinh tế tổng thể ở châu Âu và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục lôi kéo châu Âu thành lập một “liên minh dân chủ” và “liên minh công nghệ” để chèn ép Trung Quốc ở cấp độ kinh tế và khoa học kỹ thuật. Đồng thời cũng sẽ tiếp tục ép buộc hoặc khiến châu Âu “chọn phe” giữa Trung Quốc và Mỹ. Với ý đồ dùng những hành động nhỏ như “tằm ăn dâu” từng bước đưa châu Âu hội nhập vào hệ thống đồng minh chiến lược và kinh tế do Mỹ dẫn đầu. Mặt khác, châu Âu sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược “chủ nghĩa thực dân thực dụng”, kiên trì thái độ “nghiêng nhưng không lật”, đặt cược vào cả hai bên, cố gắng chuyển đổi linh hoạt giữa Trung Quốc và Mỹ. Áp dụng các lập trường khác nhau về các vấn đề khác nhau như kinh tế, giá trị quan và các vấn đề an ninh để tối đa hóa lợi ích chung của châu Âu. Những thay đổi khó lường của các dòng chảy ngầm này đòi hỏi chúng ta phải quan sát chặt chẽ và phân tích chi tiết./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hân Hóa (忻华) – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]