Nga, với tư cách là quốc gia kế thừa trực tiếp và chủ chốt của Liên Xô, có mối liên hệ lịch sử với khu vực Mỹ Latinh. Sau một giai đoạn trầm lắng khi Liên Xô tan vỡ, mối quan hệ này bắt đầu được “hâm nóng” từ khoảng giữa thập niên 2000 khi tổng thống nga Vladimir Putin muốn khôi phục vụ thế của “xứ sở Bạch Dương” trên trường quốc tế, trong đó có sách lược tận dụng các mối quan hệ hợp tác truyền thống trước đây; và càng trở nên mạnh mẽ hơn sau khi Moskva bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Do đó, sự đổ vỡ quan hệ mang tính tập thể với các nước phương Tây và việc Nga quyết định tái định hướng chính sách đối ngoại của mình với ưu tiên dành cho các nước đang phát triển đang là một thực tế.
Do Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và bao trùm của Mỹ trong hầu hết chiều dài lịch sử kể từ khi đa phần các nước trong khu vực giành độc lập từ tay thực dân châu Âu, tới mức khu vực này thường được các nhà bình luận quốc tế đặt biệt danh “sân sau của Mỹ”, nên quan hệ giữa Nga và các nước “nằm ở phía Nam sông Rio Grande” (một cách gọi khác của khu vực Mỹ Latinh, do Río Grande hay “Sông Cái” là biên giới tự nhiên giữa Mỹ và Mexico) thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quan sát do mang lại cảm giác về tính đua tranh trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Trên thực tế, chính trị vẫn được coi là yếu tố chủ đạo nhất trong mối quan hệ giữa Moskva và các nước Mỹ Latinh, khác với trường hợp Trung Quốc, quốc gia cũng phát triển mạnh mẽ các mối liên hệ của mình với khu vực này trong 2 thập kỷ qua nhưng với yếu tố chi phối là kinh tế. Tuy vậy, cho dù ở quy mô nhỏ hơn so với ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, các mối quan hệ của Nga với các nước Mỹ Latinh hiện tại được đánh giá là mang cách tiếp cận linh hoạt và thực tế hơn rất nhiều, phù hợp với nhu cầu, tiềm năng và bối cảnh chính trị (yếu tố rất biến động tại một số quốc gia) của cả Nga lẫn các đối tác Mỹ Latinh.
Cột trụ chính trị
Việc Nga khởi đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 từng khiến các nước Mỹ Latinh buộc phải đưa ra lập trường chính trị cụ thể, qua đó phơi bầy điểm yếu cố hữu của một khu vực có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử nhưng chưa bao giờ thống nhất được tiếng nói trên trường quốc tế. Lần này, đa phần các nước – dù với những quan điểm và phát ngôn khác nhau – đều đi theo hướng “tránh nặng tìm nhẹ”: một mặt vẫn lên án Moskva, nhưng không quá gay gắt, và mặt khác không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, không nước nào trong số 6 quốc gia trong khu vực sở hữu vũ khí Nga “bán lại” cho Ukraine theo lời kêu gọi của Mỹ, và ngoại trừ Chile, không nghị viện quốc gia nào trong khu vực mời tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky phát biểu như “mốt thời thượng” tại các nước phương Tây sau thời điểm chiến dịch quân sự bắt đầu.
Xét theo quan hệ với Nga, tại Mỹ Latinh có thể phân chia thành 3 nhóm quốc gia: nhóm ủng hộ điện Kremlin nhiệt thành nhất gồm có Cuba, Nicaragua cùng Venezuela, và phần nào đó là Bolivia; nhóm thứ hai là các nước có phát ngôn phản đối chiến dịch quân sự tại Ukraine nhưng vẫn duy trì quan hệ và có một số hành động thuận lợi cho Nga như Brazil, Mexico và Argentina (thời tổng thống Alberto Fernandez) với danh nghĩa “trung lập”, và cuối cùng là các nước phản đối rõ ràng và mạnh mẽ nhất, điển hình là Chile và Uruguay.
Trong khuôn khổ đối ngoại mới của Moskva, các đồng minh truyền thống như Cuba, Nicaragua và Venezuela càng giữ vị trí quan trọng, như đã được thể hiện qua chuyến thăm La Habana và Caracas của Ngoại trưởng Sergei Lavrov trước thềm hội nghị G-20 tại Brazil hồi tháng 2 vừa qua, hay việc Nga và Nicaragua ra tuyên bố chung ứng phó các lệnh trừng phạt của Mỹ hồi cuối tháng 4 vừa qua. Về mặt địa chính trị, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ – với ý đồ chính trị rõ ràng – thường nhấn mạnh việc Cuba và Venezuela chiếm giữ vị trí địa lý chiến lược và nhậy cảm nhất đối với Mỹ và coi đây là cơ sở cho mối “quan ngại” của Washington về quan hệ giữa Moskva với 2 quốc gia Mỹ Latinh này. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ từng chỉ ra rằng nếu triển khai tên lửa và máy bay chiến lược tại 2 quốc gia bạn bè của mình này, Nga có thể phong tỏa Vịnh Mexico, làm tê liệt phần lớn nguồn cung thương mại và dòng luân chuyển nói chung của kinh tế Mỹ, khi mà có tới 60% hàng hóa của nền kinh tế lớn nhất thế giới đi qua phần biển này. Tuy nhiên, về thực tiễn thì đây chỉ là những giả thuyết huyễn hoặc xa xôi, vì ngay cả khi cần phải tiến hành bước đi không tưởng là giao tranh với Washington, Moskva cũng không cần sử dụng lãnh thổ của các quốc gia bè bạn này và đặt họ vào thế hiểm nguy bị đè bẹp trong một cuộc tấn công trả đũa, khi Nga sở hữu nhiều vũ khí chiến lược có thể trực tiếp tấn công vào nhiều lợi ích của Mỹ từ những bệ phóng cơ động và khó dự đoán như máy bay, chiến hạm hay tầu ngầm.
Tuy nhiên, việc Nga quan tâm và muốn hỗ trợ củng cố an ninh cho Cuba, Venezuela và Nicaragua cũng là hợp lý khi 3 quốc gia này luôn là những “cái gai” trong mắt Mỹ vì theo đuổi một con đường phát triển và chính sách đối ngoại độc lập, tách rời mô hình mà “chú Sam” truyền bá tại Mỹ Latinh và do vậy luôn phải đối mặt với những âm mưu phá hoại an ninh và trật tự xã hội. Theo hướng này, hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa Moskva với La Habana, Caracas và Managua đã có nhiều bước đi tích cực trong 2 năm qua, với nhiều chuyến thăm của các quan chức quân đội của 3 nước Mỹ Latinh tới Nga. Nicaragua – một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia năm 2008 và hiện là quốc gia Mỹ Latinh có lập trường công khai ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến tại Ukraine – đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tạo điều kiện cho Nga triển khai trên lãnh thổ của mình các bộ phận của hệ thống vệ tinh GLONASS, một lựa chọn thay thế cho hệ thống GPS của phương Tây.
Đồng thời với các đồng minh này, phía Nga cũng đang phát triển các cơ chế thay thế cho các lựa chọn truyền thống của phương Tây trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Các bên đã thúc đẩy nhiều liên minh ngân hàng và từ năm ngoái, các thẻ thanh toán từ Nga theo hệ thống MIR bắt đầu lưu hành hiệu lực tại Cuba và Venezuela, và dự kiến trong năm 2024 này, một số ngân hàng Nga sẽ bắt đầu hoạt động tại Cuba, tạo điều kiện cho việc thanh toán bằng đồng ruble.
Cho dù trước đây ngân hàng trung ương 2 nước đã có kết nối trực tiếp, nhưng với việc triển khai thệ thống ngân hàng bổ sung này, nhiều thể chế tài chính tại đảo quốc Caribe được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể hoạt động – vốn đang là một trong những vấn đề gay cấn nhất của Cuba lúc này. Với Nga, đây được coi là một dự án thí điểm mà nếu thành công, sẽ được nhân rộng ra một số quốc gia thân thiện khác. Cần nhớ rằng Cuba gánh chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt từ Mỹ suốt nhiều thập kỷ và quá trình tái định hướng hệ thống ngân hàng có thể mang lại cho quốc gia Mỹ Latinh này những cơ hội thực sự để cải thiện trao đổi ngoại thương, và nếu thành công có thể thêm các quốc gia khác tham gia. Riêng với Cuba, trước đó Nga vẫn thường xuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi và hiện đang triển khai các dự án trong một vài lĩnh vực kinh tế then chốt.
Với Venezuela, trọng tâm của hợp tác song phương cũng là vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng bên cạnh đó còn có sản xuất dầu khí, nông nghiệp, nghiên cứu không gian, y tế và dược phẩm. Xa hơn nữa, trao đổi và khám phá không gian và năng lượng nguyên tử cũng rất hứa hẹn. Mạng lưới điện lưới quốc gia Venezuela có thể cải thiện đáng kể nếu được bổ sung một vài nhà máy điện hạt nhân. Trong lĩnh vực này, Venezuela có thể tham khảo kinh nghiệm của Bolivia, nước đã xây được trung tâm hạt nhân khoa học đa ngành đầu tiên tại Nam Mỹ với sự trợ giúp của tập đoàn Rosatom của Nga: trung tâm khánh thành vào tháng 10/2023 tại thành phố El Alto này vừa giúp tối ưu hóa các sản phẩm nông nghiệp, dược phẩm và công nghiệp lithium (Bolivia là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới khoáng sản quý hiếm này), đồng thời là cơ sở đào tạo nhân lực về vật lý hạt nhân cho Bolivia.
Tuy vậy, ngoài Cuba, Venezuela và Nicaragua (quan hệ của Nga với Bolivia là thân thiện nhưng ít chặt chẽ và mang ít thông điệp chính trị hơn), sự hiện diện chính trị (và quân sự) của Nga tại Mỹ Latinh là bất cân xứng và khá phân mảnh, với bản chất và quy mô quan hệ với các chính phủ trong khu vực là đa dạng tùy theo quốc gia và theo cả thời kỳ. Sự phân mảnh này khiến cho Mỹ Latinh, cũng như trong hầu hết các vấn đề quốc tế quan trọng khác, không thể đồng nhất quan điểm và tiếng nói chống Nga trong vấn đề cuộc chiến tại Ukraine theo như nguyện vọng của phương Tây – nói cách khác là đáp ứng được mục tiêu tối thiểu của Điện Kremlin – nhưng cũng còn cách rất xa một mối quan hệ hữu hảo rộng rãi và sẽ không bao giờ, ít nhất là trong tương lai thấy được, có thể là một khu vực chịu ảnh hưởng của Nga.
Sự hiện diện này không phải là mới: kể từ sau khi “biến mất” tại Mỹ Latinh sau khi Liên Xô sụp đổ, kể từ năm 2008, tổng thống Putin đã bày tỏ ý định khôi phục phần nào vị thế của một siêu cường và các mối quan hệ truyền thống của Liên Xô trước đây. Mối quan hệ hợp tác Nga – Mỹ Latinh thời hậu Chiến tranh lạnh này càng được đẩy mạnh, đặc biệt là về mặt chính trị – ngoại giao, sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Và cuộc chiến tại Ukraine càng thúc đẩy Moskva củng cố các mối quan hệ liên minh với các nước trong khu vực gần gũi về địa lý và có lịch sử quan hệ nhậy cảm với Washington này.
Về phần mình, mối quan tâm chính trị của đa phần các nước Mỹ Latinh trong quan hệ với Nga liên quan tới một lựa chọn tiềm năng để đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và trao đổi thương mại để giảm bớt sự phụ thuộc vào các mối quan hệ truyền thống với Mỹ và phương Tây nói chung. Bên cạnh đó, trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh hiện đã khá sâu rộng sau 2 thập kỷ phát triển liên tục, nhiều nước trong khu vực muốn tránh dính dáng trực tiếp tới cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington và việc tiếp cận Moskva nằm trong chiến lược chung hướng tới một thế giới đa cực, trong đó tiếng nói của các nước đang phát triển có trọng lượng hơn.
Những đối tác và không gian đa phương
Ngoài những đối tác chính trị truyền thống, tại Mỹ Latinh Nga cũng chú trọng phát triển quan hệ với các nước có sức nặng chính trị và kinh tế và cùng chia sẻ với Moskva một số không gian đa phương dành cho các “nền kinh tế mới nổi” như G-20 hay BRICS, bao gồm Brazil, Mexico và Argentina. Cho dù chính phủ theo nhiệm kỳ tại các quốc gia này không có định hướng chính trị ổn định như các đồng minh truyền thống của Nga, nhưng do thường có xu hướng chung hướng tới một trật tự thế giới đa cực, nơi tiếng nói của họ có thể có trọng lượng hơn, cũng như có ràng buộc về kinh tế lớn hơn và nhu cầu thể hiện một chính sách đối ngoại độc lập so với Mỹ, nên 3 quốc gia này nhìn chung vẫn duy trì mối quan hệ với Nga ở mức ổn định, cho dù không quá gần gũi. Có thể phần nào nhận thấy chính sách của 3 nước này đối với Moskva qua cách thức phản ứng trong vấn đề “nóng bỏng” và phức tạp nhất là cuộc chiến tại Ukraine.
Tại Mexico, trong những diễn văn chung và trực diện, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã cẩn trọng không công khai ủng hộ lập trường của Nga, nhưng trong những hành động và giải pháp cụ thể lại hướng tới một tính “trung lập” gần gũi với Moskva hơn so với Phương Tây, như việc ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp hòa bình hay tất cả những nỗ lực để cung cấp viện trợ nhân đạo cho các bên đối đầu, hay việc để các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền thăm Moskva và một số quân nhân Nga tham gia diễu hành tại thủ đô Mexico City.
Trong khi đó, Argentina duy trì một thông điệp thận trọng với thái độ nước đôi thời cựu tổng thống Alberto Fernández, người từng nhìn nhận Nga như một đối trọng quyền lực một phần chống lại thế bá quyền của Mỹ. Chỉ hơn 1 tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, ông Alberto Fernández – khi đó vẫn là nguyên thủ – đã thăm Nga chính thức và đề xuất với người đồng cấp Putin coi Argentina là cửa ngõ để Moskva tiếp cận Mỹ Latinh, và lập trường sau đó của Buenos Aires về cuộc chiến tại Ukraine dao động giữa trạng thái “trung lập” và “lên án chiến tranh”. Người kế nhiệm theo tư tưởng cực hữu và gây tranh cãi của ông, Javier Milei, cho dù công khai theo đuổi chính sách liên kết chặt chẽ tối đa có thể với Mỹ (tới mức từ bỏ cơ hội gia nhập BRICS) và nâng cao quan điểm ủng hộ Ukraine, vẫn cẩn thận (điều hiếm thấy ở ông) tuyên bố muốn duy trì quan hệ với Nga, đặc biệt trong trao đổi thương mại.
Về phần mình, cựu tổng thống cựu hữu của Brazil Jair Bolsonaro – người từng được mệnh danh là “Donald Trump” vùng nhiệt đới – cũng từng thăm Nga ngay trước cuộc chiến như người đồng cấp láng giềng Fernández. Điều này thể hiện sự nối tiếp – bất chấp sự đối lập về ý thức hệ – của chính quyền Bolsonaro trong chính sách với Nga đối với các chính phủ tả khuynh tiền nhiệm. Trong giai đoạn các chính phủ của Đảng Lao động (PT) từ 2003 tới 2016, trao đổi thương mại Brazil – Nga tăng trưởng hầu như liên tục và Brasilia trở thành đối tác kinh tế và địa chính trị lớn nhất, theo định lượng, của Moskva tại Mỹ Latinh, và mối quan hệ ấy vẫn tiếp nối sau sự ra đi giữa nhiệm kỳ của cựu tổng thống Dilma Rousseff, thậm chí cả trong bối cảnh mối quan tâm của Brasilia với khối BRICS có lạnh nhạt đi ít nhiều trong nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro.
Để duy trì chính sách với Nga, ông Bolsonaro từng viện dẫn lập trường trung lập truyền thống của Brazil trên trường quốc tế cho dù nhìn chung ông không mấy coi trọng truyền thống chính trị. Mối liên kết Moskva – Brasilia càng được củng cố dưới thời tổng thống đương nhiệm Lula da Silva – người cũng giống như Putin tại Nga, là chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại Brazil trong thế kỷ này và là nguyên thủ có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử nền dân chủ quốc gia Nam Mỹ này. Một điểm chung rất hiếm hoi giữa Bolsonaro và Lula – 2 địch thủ gay gắt và có quan điểm đối nghịch trên chính trường Brazil – là họ đều chưa bao giờ công khai lên án Moskva hay cá nhân tổng thống Putin. Còn Ngoại trưởng Brazil đương nhiệm Mauro Vieira thường nhắc lại truyền thống của Brasilia thường ủng hộ giải pháp cho xung đột nếu chúng được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – nơi Nga quyền phủ quyết – hậu thuẫn; tuy nhiên – để so sánh – quan điểm của Brazil với Israel trong cuộc xung đột tại Gaza lại gay gắt hơn nhiều.
Chính qua những thực tiễn này, Aleksandr Duguin, một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất ủng hộ Putin, từng nhận định trong bài luận “Bản đồ cánh chung học của các nền văn minh” rằng: “tại Mỹ Latinh, ý chí củng cố tính tự chủ địa chính trị nằm cả trong cánh chung luận của phái tả khuynh cũng như trong luận thuyết bảo vệ bản sắc Cơ đốc giáo (của cánh hữu), đặc điểm đặc biệt rõ ràng tại Brazil, nơi cả cánh tả lẫn cánh hữu ngày càng xa rời chủ thuyết toàn cầu hóa đơn cực và chính sách của Mỹ”.
Cũng theo định hướng này, Nga còn thúc đẩy một “mặt trận” đối ngoại khác với các nước Mỹ Latinh, đó là tiếp cận các tổ chức khu vực có xu hướng đề cao liên kết nội khối (đối lập với các tổ chức khu vực chịu ảnh hưởng của Mỹ) như Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Cộng đồng các nước Caribe (Caricom) hay Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR)…, cả với tư cách một quốc gia hay thông qua các tổ chức, diễn đàn mà Moskva có vai trò quan trọng – điển hình như Hội đồng Kinh tế Á – Âu (EAEC) hay Nhà nước liên minh Nga – Belarus. Tuy các mối liên kết này cho tới nay vẫn chưa mang lại những dự án kinh tế – xã hội có giá trị lớn như kỳ vọng, nhưng qua đó các tổ chức khu vực Mỹ Latinh trên đưa ra những tuyên bố phần nào thuận lợi cho Moskva trong những vấn đề quốc tế có liên quan tới Nga.
Truyền thông – yếu tố mới
Nếu có một yếu tố thực sự mới trong mối quan hệ giữa Moskva và các nước Mỹ Latinh so với thời kỳ Liên Xô trước đây thì chính là vai trò và ảnh hưởng của một số phương tiện truyền thông Nga bằng tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ của đa phần các nước Mỹ Latinh), điển hình là RT (trước đây là Russia Today) và Spunik Mundo (Sputnik Thế giới – tiếng Tây Ban Nha), hiện được theo dõi khá đông đảo tại phần lớn khu vực và hiện diện khá nổi bật trên các mạng xã hội Mỹ Latinh. Kênh truyền hình RT bằng tiếng Tây Ban Nha ra đời vào năm 2009, trước các kênh truyền hình tương tự của các nước Tây Âu, như kênh DW (Deutsche Welle – Đức) hay France24 của Pháp.
Tại khu vực mà các phương tiện truyền thông đại chúng địa phương phổ biến nhất bị chi phối bởi quan điểm của Mỹ và phương Tây – nhiều khi là qua con đường sở hữu, trong khi các cơ quan truyền thông tiến bộ và cánh tả gặp nhiều khó khăn về vật chất, với mức đầu tư khá quy mô và tính chuyên nghiệp khá cao, các phương tiện truyền thông tiếng Tây Ban Nha của Nga đã đạt hiệu quả khá cao – nhất là so với các phương tiện ngoài khu vực hoạt động tại Mỹ Latinh – khi thỏa mãn nhu cầu đa dạng hóa và tìm kiếm những nguồn thông tin thay thế của tại một khu vực có sự tương đồng cao về ngôn ngữ và văn hóa nhưng lại phân cực cao về tư tưởng và chính trị, với mức độ bất bình đẳng kinh tế – xã hội cao nhất thế giới. Hiệu quả này được thể hiện qua việc các phương tiện truyền thông này của Nga là một trong những nạn nhân trực tiếp và nặng nề nhất của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây – với lý do đầy tính chính trị là các phương tiện này tuyên truyền “thông tin giả”.
Vào năm 2019, kênh RT tiếng Tây Ban Nha có 21 triệu khán giả đăng ký và các tài khoản của họ trên các mạng xã hội phổ biết như Facebook, Twitter (hiện là X), Instagram, Tiktok, Telegram và Whatapps có tới 25 triệu người theo dõi thường xuyên. Nhưng không chỉ gói gọn tại Mỹ Latinh, kênh truyền hình này hướng tới toàn bộ cộng đồng 500 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha trên thế giới, trong đó có 60 triệu người Mỹ và 50 triệu người tại châu Âu (Tây Ban Nha). Trong số các mạng xã hội này, trang Twitter đóng vài trò quan trọng nhất với các kênh truyền thông Nga bằng tiếng Tây Ban Nha (đây cũng là mạng xã hội phổ biến nhất tại Mỹ Latinh): RT là tài khoản Twitter có lượt xem nhiều thứ 3 bằng tiếng Tây Ban Nha, trong khi tài khoản Sputnik News cũng luôn đứng trong top15. Trên Facebook, RT Tây Ban Nha có 18 triệu người theo dõi, và trước khi bị khóa kênh RT Tây Ban Nha trên Youtube có 6 triệu người đăng ký theo dõi, thậm chí còn nhiều hơn cả kênh RT tiếng Anh (5 triệu).
Khi “chào sân” bằng tiếng Tây Ban Nha 2009, RT cung cấp dịch vụ đa nền tảng cáp, vệ tinh tới OTT, và lan tỏa nhanh chóng nhờ quan hệ chiến lược với kênh truyền hình đa quốc gia Telesur được thành lập theo sáng kiến của cố tổng thống Venezuela Hugo Chávez (cả RT và Telesur đều mới được thành lập từ năm 2005), qua đó truyền tín hiệu qua hệ thống truyền hình số mã mở tại Argentina, Cuba và Venezuela. Mối quan hệ hợp tác này càng trở nên chặt chẽ hơn kể từ tháng 2/2022, bất chấp những khó khăn ngày càng lớn của Telesur. Một số báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu độc lập, điển hình như Transparencia Venezuela, nhận định các lệnh cấm của phương Tây không ảnh hưởng nhiều tới hiệu ứng của RT và Sputnik tại Mỹ Latinh, nhờ vào hoạt động trực tiếp tích cực và các nhân tố gây ảnh hưởng của các phương tiện này trên các mạng xã hội tại khu vực. RT tiếng Tây Ban Nha được thừa nhận là mô hình thành công nhất trong các dịch vụ tiếng nước ngoài của kênh truyền hình này (RT còn có các kênh bằng tiếng Anh, Arab, Đức và Pháp), chủ yếu nhờ vào tính phổ biến tại Mỹ Latinh.
Một trong những điểm hấp dẫn lớn nhất của các phương tiện truyền thông Nga đối với khán thính giả Mỹ Latinh, trong bối cảnh khá khan hiếm các phương tiện không có nguồn gốc phương Tây, là định hướng và trọng tâm bài Mỹ và chống chủ nghĩa đế quốc. Cần nhớ rằng, trong suốt chiều dài lịch sử Mỹ Latinh, các cường quốc từng áp đặt chế độ thực dân hoặc các hiệp ước bất bình đẳng lên các nước trong khu vực luôn đến từ Tây Âu và Mỹ, trong khi Nga – và trước đây là Liên Xô – thường là tác nhân giúp đối trọng lại phần nào những mối quan hệ bất bình đẳng đó mà chưa từng (hoặc ít) có những va chạm gây ác cảm cũng như khó có khả năng áp đặt ảnh hưởng trong tương lai. Có một nghịch lý là chính Mỹ và các đồng minh cũng góp phần tạo ra tâm lý đó khi thường xuyên tuyên truyền qua bộ máy truyền thông hùng mạnh của mình về Liên Xô – trong thời Chiến tranh lạnh – và nước Nga thời tổng thống Putin như một đối thủ nguy hiểm “xứng tầm”. Còn so sánh với các phương tiện truyền thông không phương Tây ngoài khu vực khác (như của Trung Quốc hay một số quốc gia Arab), các phương tiện truyền thông Nga lại có sự am hiểu thị hiếu địa bàn sâu sắc hơn, nhờ những gắn bó văn hóa – lịch sử từ quá khứ, và thường dễ thu hút được các chuyên gia, nhà báo địa phương uy tín hơn.
Trao đổi thực tế “khiêm tốn”
Như đã nói, quan hệ giữa Nga với các nước Mỹ Latinh mang nhiều tính chất chính trị hơn kinh tế – thương mại. Trao đổi mậu dịch với quốc gia rộng lớn nhất thế giới chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 1% tổng giá trị trao đổi ngoại thương của khu vực. Tuy vậy, trong 2 năm qua trao đổi song phương có nhịp độ tăng trưởng lên tới 25%/năm và giá trị xuất khẩu từ Nga sang khu vực trong thời gian này tăng 2,3 lần, với các mặt hàng chủ yếu là lúa mì, phân bón và khí đốt. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã từng tuyên bố tham vọng cải thiện quan hệ trao đổi thực tế này trong Hội nghị nghị viện quốc tế Nga – Mỹ Latinh hồi tháng 9/2023: “Mỹ Latinh là thị trường truyền thống của Nga. Không còn nghi ngờ rằng việc chuyển biến mạnh mẽ sang những giao dịch bằng các đồng nội tệ (của Nga và các nước Mỹ Latinh) trong hoạt động thanh toán, việc tạo ra những kênh hợp tác về tín dụng và ngân hàng, cũng như việc thiết lập những chuỗi vận tải và hậu cần mới sẽ đóng góp vào việc gia tăng trao đổi thương mại song phương”. Tuy vậy, để biến tham vọng này thành thực tế còn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, những ảnh hưởng qua trao đổi thực tế của Nga tại Mỹ Latinh về cơ bản thông qua những thương vụ về năng lượng và vũ khí, bên cạnh một số thỏa thuận về trợ giúp an ninh, chống tội phạm ma túy và và một số nỗ lực nhằm lưu giữ hình ảnh của Nga như một cường quốc trên trường quốc tế. Bước vào thế kỷ mới, với tiềm lực kinh tế được cải thiện, Nga trở thành một trong những thị trường mới của các nước Mỹ Latinh xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và đón nhận một nguồn đầu tư mới, hay một nguồn tài chính mới, đặc biệt tại các nước gặp khó khăn về nợ công (Argentina, Cuba và Venezuela). Nhiều nước Mỹ Latinh cũng có nhu cầu về chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng hạt nhân vào hoạt động dân sự (Argentina và Brazil) và phát triển công nghệ sinh học (Cuba). Nhu cầu trao đổi thương mại với Nga tại khu vực dao động từ mong muốn đa dạng hóa thị trường, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ cho tới phá vỡ thế cô lập, xoa dịu hậu quả của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Trong những năm đầu thế kỷ, Venezuela – dưới thời cố tổng thống Hugo Chávez với nguồn tài chính khá dồi dào khi giá dầu thô trên thị trường quốc tế lên cao – là khách hàng mua vũ khí lớn của Nga với những thương vụ đình đám trị giá hàng tỷ USD để trang bị từ súng trường Kalashnikov (AK) cho hệ thống tên lửa phòng không S-300 hay trực thăng đa dụng Mi-17V-5, cùng với đó là những trao đổi “gây tranh cãi” và “tiềm ẩn rủi ro bất ổn khu vực” – theo con mắt của Mỹ và phương Tây – của các chuyên gia quân sự Nga, của tầu chiến và máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 Backfire (trong khi Mỹ còn có những căn cứ quân sự tại một số nước trong khu vực mà trong nhiều trường hợp là bất khả xâm phạm ngay với cả các quan chức sở tại). Thế nhưng với những khó khăn kinh tế vĩ mô ngày càng lớn của Venezuela, những thương vụ này nhanh chóng sụt giảm giá trị và hoạt động trao đổi song phương trong lĩnh vực nhậy cảm này không duy trì được tính bền vững, cho dù quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương đã được mở rộng và duy trì sang nhiều lĩnh vực then chốt khác.
Tuy xét tổng quan quan hệ kinh tế, Nga chưa phải là đối tác hàng đầu của Mỹ Latinh, nhưng là đối tác chiến lược với một vài quốc gia (điển hình như Venezuela) hoặc trong một số mặt hàng nhất định với một số quốc gia khác tới mức có thể gây sức ép cục bộ cho một số mục tiêu chính trị nhất định. Cho dù chỉ là các bạn hàng lần lượt xếp thứ 26 và 30 của Nga, nhưng hợp tác kinh tế với Moskva – bên cạnh sự gắn kết về chính trị – là đặc biệt quan trọng với Cuba và Nicaragua khi chúng thỏa mãn, hoặc hướng tới thỏa mãn, những nhu cầu cấp bách nhất của 2 quốc gia này. Ngoài hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng nhằm “vượt rào” các chính sách trừng phạt của Mỹ như đã nêu ở trên, Moskva từng xóa tới 90% nợ từ thời Liên Xô cho La Habana và đang triển khai một số dự án hợp tác hiện đại hóa hệ thống điện năng và đường sắt – 2 trong số những lĩnh vực kinh tế cần cải thiện cấp bách nhất hiện nay của Cuba; trong khi Managua và Moskva đang muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, nghiên cứu không gian phục vụ chống biến đổi khí hậu và nông nghiệp.
Với những nước Mỹ Latinh khác có quan hệ kinh tế ít chặt chẽ và mang tính phân ngành hơn, va chạm mới đây với Ecuador cho thấy Nga có thể linh hoạt trong việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế để đáp trả những đe dọa tới lợi ích của họ với những phản đòn được đo đếm phù hợp ra sao. Sau khi giới chức Quito tuyên bố sẽ chuyển khí tài quân sự thời Liên Xô mà nước này sở hữu cho Mỹ, Moskva đã gửi tín hiệu sẽ không nhập khẩu chuối – mặt hàng chiếm tới 25% giá trị xuất khẩu quốc gia và cùng với hoa là 2 loại nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của “đất nước Xích đạo” – với việc “phát hiện ký sinh trùng lạ” trong một lô hàng chuối nhập từ Ecuador và tạm ngừng giao thương. Bản thân tổng thống Daniel Noboa cũng là một doanh nhân về chuối hàng đầu tại Ecuador, và biện pháp của Nga nếu kéo dài sẽ gây tổn thất cho cá nhân vị nguyên thủ này. Sau động thái này, quyết định chuyển giao khí tài Liên Xô mà Ecuador sở hữu cho Mỹ đã bị hủy bỏ một cách êm thấm.
Mới đây, ngay cả tân tổng thống theo tư tưởng cực hữu của Argentina Javier Milei – người công khai hướng chính sách đối ngoại của Buenos Aires về phía Mỹ và luôn ủng hộ chính phủ Zelensky tại Ukraine – cũng tuyên bố không muốn có tranh cãi với Nga và muốn duy trì mọi mối quan hệ thương mại và kinh tế song phương. Vấn đề là Argentina và Brazil – nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ – đều phụ thuộc nhiều vào nguồn cung phân bón và một số khoáng sản từ Nga; hai nhà xuất khẩu nông sản khổng lồ này đơn giản là không có lựa chọn nào khả thi hơn, đặc biệt xét về mặt chi phí và chất lượng, và logic kinh tế này đã vượt qua những vận động hành lang từ phía Mỹ và đồng minh về việc bóp nghẹt quan hệ với Nga.
Tổng kết
Nhà bình luận người Tây Ban Nha Carlos Malamud từng nhận định: “trong khi Trung Quốc có mối quan tâm tới Mỹ Latinh mang tính kinh tế và thương mại hơn, Nga tìm kiếm thế đua tranh với Mỹ, đặc biệt tại ngay khu vực được coi là “sân sau” của siêu cường này. Nhưng nếu Trung Quốc cố gắng duy trì, dù không hề dễ dàng, một chiến lược chung cho cả Mỹ Latinh, thì Nga thiếu vắng yếu tố đó… Trong vòng 5 năm qua, thiếu vắng một chính sách Mỹ Latinh đồng nhất, (tổng thống Nga) Putin đã ưu tiên các mối quan hệ song phương hơn quan hệ khu vực hay tiểu khu vực, đặc biệt với các chính phủ đối đầu với Mỹ (Cuba, Nicaragua, Venezuela và Bolivia), hoặc các nước có sức nặng về chính trị và kinh tế (Brazil, Mexico và Argentina)”.
Xét về triển vọng địa chính trị, việc cải thiện quan hệ mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Với Điện Kremlin, Mỹ Latinh là một sân khấu rõ ràng để chứng tỏ vai trò cường quốc toàn cầu và gây áp lực trực tiếp lên Washington. Trong khi đó, quan hệ với Nga mang lại cho các nước Mỹ Latinh quyền tự chủ lớn hơn trước Mỹ và hiện tại là cả Trung Quốc, tuy nhiên mối quan hệ này thay đổi cả về “lượng” và “chất” với mỗi quốc gia trong khu vực. Cũng cần nhớ rằng những trải nghiệm về chủ nghĩa thực dân và quan hệ nhà nước bất bình đẳng trong lịch sử Mỹ Latinh liên quan tới các cựu cường quốc thực dân châu Âu và Mỹ, trong khi Nga chưa hề có các mối quan hệ mang tính áp đặt tại khu vực; vì vậy Moskva có điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ với các chính phủ thiên tả và các lực lượng đề cao tính độc lập tự chủ hơn – vì đây cũng là các lực lượng có định hướng chống lại ảnh hưởng chi phối của Washington rõ ràng hơn, cho dù vẫn cố gắng duy trì quan hệ với các chính phủ cầm quyền theo định hướng khác với những chính sách phù hợp.
Về mặt chính trị, Nga duy trì gắn kết chặt chẽ nhất với một số đồng minh truyền thống, đồng thời thúc đẩy quan hệ, mang nhiều tính kinh tế – thương mại và đa phương hơn, với các nước có sức nặng kinh tế – chính trị tại khu vực. Những chính sách xây dựng quan hệ đa dạng tùy theo thực trạng của mỗi nước và mỗi thời điểm tình thế cho thấy sự linh hoạt và tính thực tế cao của Moskva tại Mỹ Latinh so với thời kỳ Liên Xô trước đây. Nhưng cho dù có mối quan hệ tới mức gần như đồng minh với một số quốc gia trong khu vực và trao đổi thương mại ở mức quan trọng tương đối với một số nước khác, nhìn chung hiện tại Nga vẫn chỉ được coi là nhân tố “thứ cấp” tại Mỹ Latinh, là một trong nhiều cực phát triển quan hệ để cân bằng, một đối tác dễ chịu ít áp đặt điều kiện và can thiệp và việc nội bộ và một quốc gia cam kết chặt chẽ với trật tự thế giới mới “hậu phương Tây”, nhưng dẫu sao cũng không đóng vai trò quyết định trong những vấn đề cốt lõi và quá trình phát triển nói chung của khu vực, cùng với đó là giá trị trao đổi thương mại và đầu tư vẫn tương đối thấp so với nhiều đối tác bên ngoài khác của các nước trong khu vực.
Tóm lại, cho dù vẫn đưa ra những biệt đãi đối ngoại cụ thể với khu vực Mỹ Latinh – như việc miễn thị thực khi vào Nga cho công dân của 27 trong số 33 quốc gia tại khu vực hay không có quốc gia nào trong khu vực này bị Moskva đưa vào danh sách “các nước không thân thiện” – nhưng nhìn chung Nga chưa cho thấy tham vọng và cũng không đủ tiềm lực để trở thành một đối tác có ảnh hưởng chiến lược tới toàn bộ khu vực này, mà chủ yếu hướng tới việc duy trì một “mặt trận” gây sức ép lên Mỹ qua một số điểm nhấn cụ thể là các quốc gia có quan hệ chính trị chặt chẽ với Moskva và một số nước khác tùy theo tình thế, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế trong một số không nhiều những lĩnh vực mà Nga có thế mạnh, nói cách khác đây là những mối quan hệ nhiều “tiếng” hơn “miếng”./.
Uyển My
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]