Tác giả: Bruce W. Bennett là nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái RAND Corporation. Bài viết thể hiện một quan điểm truyền thống của một học giả phương Tây, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
BBT – Những động thái tăng cường quan hệ gần đây giữa ba nước Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, đặc biệt trên lĩnh vực quốc phòng đã làm dấy lên mối lo ngại đối với các nước phương Tây. Đây không phải là một liên kết bình thường, bởi cả ba nước đều có thực lực quân sự hùng mạnh, có năng lực răn đe hạt nhân và đều có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với thế giới phương Tây đứng đầu là Mỹ. Trước tham vọng mở rộng hai mặt trận chiến lược gồm “châu Âu – Đại Tây Dương” và “châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ, việc hình thành liên kết Nga – Trung – Triều được xem là một giải pháp ứng phó tất yếu của ba nước này. Vậy phương Tây đánh giá như thế nào về mối quan hệ ba bên này? Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới quý độc giả một góc nhìn phổ biến của giới học giả phương Tây qua bài viết dưới đây của tác giả Bruce W. Bennett.
*****
Chúng ta ngày càng nghe nhiều những câu chuyện về mối quan hệ đối tác đang phát triển giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Phần lớn các nước phương Tây và thân phương Tây đang cô lập Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Việc Moscow liên tục có những vi phạm luật quốc tế chỉ làm trầm trọng thêm sự cô lập này. Hết đạn dược và các vật tư quân sự khác, Nga đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quốc gia có sự ghi nhận vi phạm nhân quyền tương tự như Triều Tiên và Trung Quốc.
Các phái đoàn cấp cao của Nga và Trung Quốc gần đây đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm đình chiến trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1953. Ông Kim cũng vừa có chuyến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok.
Chúng ta cũng đã nghe về việc Triều Tiên vận chuyển đạn pháo và các vật tư quân sự khác cho Nga, Trung Quốc cung cấp công nghệ và linh kiện lưỡng dụng cho Nga, và việc Moscow đề xuất các cuộc tập trận chung với Triều Tiên và Trung Quốc.
Mối quan hệ đối tác giữa các cường quốc đang lên
Đối với các liên minh và đối tác mà Mỹ tham gia đều tập trung vào các mục tiêu phòng thủ. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của mối quan hệ đối tác ba bên mới nổi này. Với nước Nga, Putin đang tìm cách khuất phục Ukraine và biến nước này thành “một phần của việc phục hồi vị thế nước Nga như thời Liên Xô”. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, nếu không muốn nói là toàn cầu vào năm 2049. Về phía Triều Tiên, ông Kim Jong un tìm kiếm sự thống nhất toàn bộ bán đảo dưới sự kiểm soát của Bắc Triều Tiên. Tóm lại, ba nước này đều có tham vọng phục hưng vị thế mà họ đã từng có trong lịch sử.
Trung Quốc và Triều Tiên đều chưa phát động các cuộc chiến tranh lớn để đạt được mục tiêu của mình. Nhưng cả hai đều có những chiến dịch chủ động truyền bá thông tin và Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp kinh tế mạnh mẽ để mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới. Sáng kiến Vành đai và Con đường thể hiện những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo đòn bẩy kinh tế. Một ví dụ khác về nỗ lực đó là mức độ thương mại mà Trung Quốc đã thiết lập với Hàn Quốc, Úc và nhiều quốc gia khác.
Bản chất ảnh hưởng của Trung Quốc trở nên rõ ràng khi Bắc Kinh thực hiện cưỡng chế kinh tế 123 lần từ năm 2010 đến năm 2022, bao gồm cả nỗ lực buộc Australia phải ngừng việc truy tìm nguồn gốc virus Covid-19 và khiến Hàn Quốc ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối.
Nga ngày càng cứng rắn hơn, một phần vì sự sụp đổ của Liên Xô là một đòn tâm lý lớn đối với người Nga. Sự sụp đổ đó đã khiến nước Nga từ một siêu cường trở thành một quốc gia yếu kém hơn nhiều. Sau khi tìm cách tái thiết quyền lực của Nga, Putin đã cho sáp nhập nhiều vùng của Ukraine vào năm 2014 và giám sát chặt chẽ tình hình ở Ukraine trong nhiều năm. Trước sức ép của phương Tây và những thay đổi nhanh chóng từ phía Kiev, Tổng thống Putin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các lực lượng của Nga lúc đầu đã đạt được những bước tiến lớn, một phần vì năng lực quân sự của họ và một phần vì các phản ứng của phương Tây đã bị dập tắt trước những lời đe dọa leo thang hạt nhân của Nga. Nhưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người, lực lượng Ukraine cuối cùng đã có thể ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của Nga và đẩy lùi chúng một cách đáng kể. Những kết quả này có được bắt nguồn từ những hạn chế quân sự của Nga và những thiếu sót khác khiến nhiều người bất ngờ, dường như bao gồm cả Putin.
Cuộc xung đột ở Ukraine là một thách thức đáng kể đối với Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của nước này. Nếu lực lượng của Putin không bị chặn lại, ông có thể nỗ lực mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng của Nga. Nhưng một thất bại của Nga ở Ukraine có thể dẫn tới sự sụp đổ của Vladimir Putin. Điều đó có thể khiến ông sẵn sàng làm mọi cách để ngăn chặn kết cục này.
Hiện Nga đang cố gắng khắc phục những hạn chế của họ, hoặc ít nhất là ngăn chặn những kết quả bất lợi trên chiến trường, bằng cách tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc và Triều Tiên.
Những rủi ro từ mối quan hệ Nga – Trung Quốc – Triều Tiên
Có ít nhất bốn rủi ro lớn mà mối quan hệ đối tác giữa ba cường quốc đang phát triển này có thể tạo ra:
Đầu tiên là sự hỗ trợ đáng kể của Triều Tiên và Trung Quốc dành cho Nga có thể kéo dài cuộc chiến ở Ukraine và làm tăng đáng kể thiệt hại cũng như chi phí chiến tranh. Các cuộc tấn công có chủ ý của Nga vào các cơ sở của Ukraine cần phải dừng lại. Hơn nữa, sự hỗ trợ của các nước phương Tây để giúp Ukraine giành lại độc lập càng lâu thì họ sẽ càng bị cạn kiệt các thiết bị và vật tư quân sự của mình để gửi cho Ukraine.
Thứ hai, Trung Quốc và Triều Tiên có thể làm nhiều điều hơn ngoài việc gửi thiết bị và vật tư tới Ukraine. Họ cũng có thể gửi một số nhân viên quân sự và thậm chí cả các chuyên gia kỹ thuật. Làm như vậy sẽ biến Ukraine thành phòng thí nghiệm Nga-Trung-Triều để kiểm tra và cải tiến các loại vũ khí và chiến thuật khác nhau trong chiến tranh thực tế. Điều này không khác gì những gì đã xảy ra với Nội chiến Tây Ban Nha trước Thế chiến thứ hai. Kết quả có thể sẽ là khả năng quân sự của cả ba nước được cải thiện, khiến họ trở nên nguy hiểm hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Thứ ba, bởi vì cả ba thành viên của mối quan hệ đối tác giữa ba cường quốc này đều tìm cách kiểm soát lãnh thổ bên ngoài biên giới hiện tại của họ, nên đến một lúc nào đó, họ có thể quyết định phát động chiến tranh cùng một lúc. Bằng cách tấn công đồng loạt, họ sẽ gây áp lực tối đa lên lực lượng quân sự của đối thủ, giống như các cường quốc của phe Trục đã làm vào đầu Thế chiến thứ hai. Trong nhiều thập kỷ, lo ngại về khả năng xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, Hoa Kỳ đã điều chỉnh lực lượng quân sự của mình để có thể đáp ứng đồng thời hai cuộc chiến tranh lớn. Dưới thời Chính quyền George W. Bush, yêu cầu này đã được điều chỉnh thành chiến thắng ở chiến trường này và cầm hòa ở chiến trường khác. Nhưng Mỹ đã không duy trì được những khả năng như vậy trong nhiều năm. Viễn cảnh tiến hành đồng thời ba cuộc chiến lớn dường như vượt xa khả năng quân sự hiện tại của Mỹ, đặc biệt là khi kho thiết bị và vật tư quân sự đang cạn kiệt.
Cuối cùng, vì cả ba đối tác này đều sở hữu vũ khí hạt nhân nên bất kỳ cuộc chiến tranh lớn nào mà họ phát động đều có khả năng rất lớn liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù việc tích hợp hạt nhân thông thường là một phần quan trọng trong kế hoạch quân sự của Hoa Kỳ vào những năm 1980 nhưng nó đã không được theo đuổi một cách nghiêm túc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu Hoa Kỳ không chuẩn bị cho loại chiến tranh này thì khả năng rất cao là một cuộc trao đổi hạt nhân có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân toàn cầu.
Hoa Kỳ và các đồng minh cần làm gì?
Không có cách nào dễ dàng để chống lại mối quan hệ đối tác Nga-Trung-Triều đang phát triển. Suy cho cùng, các cuộc tấn công quân sự nhằm vào nguồn cung cấp quân sự của Triều Tiên và Trung Quốc trên đường tới Nga có thể làm leo thang cuộc chiến vốn đã rất nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, vẫn có những lựa chọn cần xem xét và các bước cần thực hiện.
Bước đầu tiên là Hoa Kỳ và các đồng minh phải nỗ lực để hiểu rõ hơn về tương lai của chiến tranh, bao gồm cả những bất ổn to lớn trong đó. Những quốc gia này sẽ không chuẩn bị đúng cách hoặc ngăn chặn một cuộc chiến trong tương lai trừ khi họ có thể xác định được nó trước tiên.
Thách thức là rõ ràng. Có bao nhiêu chuyên gia dự đoán chính xác cuộc chiến ở Ukraine, khi Nga dừng bước tiến và Ukraine mở cuộc phản công lớn? Có bao nhiêu người đoán trước được các loại vũ khí được sử dụng, bao gồm cả các loại vũ khí mới hơn như máy bay không người lái tự sát? Có bao nhiêu lỗ hổng chính được phát hiện? Ai đã nhìn thấy rõ vai trò của cái bóng hạt nhân Nga trong việc hạn chế sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ rất sớm? Nhiều người có nghĩ rằng cuộc xung đột sẽ kéo dài lâu như vậy không? Tất cả những yếu tố này đều cần thiết để xác định các yêu cầu quân sự và chúng cần được hiểu rõ. Trong khi các nghiên cứu đang được tiến hành và các bài học đang được rút ra, mức độ nỗ lực lớn hơn là chính đáng, đặc biệt là liên quan đến sự tích hợp hạt nhân thông thường.
Thứ hai, Mỹ cần tiếp tục phát triển các năng lực quân sự mới để có thể đối phó với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên với mức giá mà Mỹ có thể chi trả. Sáng kiến Replicator mới được công bố là một ví dụ về khả năng khai thác các thế mạnh văn hóa quân sự của Mỹ như công nghệ cao, cũng như việc sử dụng sáng kiến mạnh mẽ của quân nhân Mỹ. Lưu ý rằng những khả năng như vậy không chỉ là công nghệ mới. Chúng cũng bao gồm chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật điều hành cần thiết để đối phó với các mối đe dọa tiềm ẩn.
Thứ ba, Hoa Kỳ nên xem xét việc phát triển các yêu cầu về lực lượng quân sự mới nhằm ứng phó với các mối đe dọa đang gia tăng. Washington phải xác định các lực lượng Hoa Kỳ cần có để đối phó với bất kỳ cuộc chiến nào do quan hệ đối tác Nga-Trung-Triều bắt đầu. Tất nhiên, Hoa Kỳ đã miễn cưỡng đưa ra những yêu cầu như vậy vì thừa nhận rằng chúng sẽ tốn kém đến mức nào. Nhưng từ bài học của Ukraine, trong khi khó có đủ ngân sách quốc phòng đầy đủ trước chiến tranh, thì chi phí của ngân sách quốc phòng không đủ có thể cao hơn nhiều nếu nó không ngăn cản được đối thủ bắt đầu chiến tranh. Và cái giá mà Ukraine phải trả không là gì so với những gì thế giới có thể phải trả nếu một cuộc chiến trong tương lai liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ sẽ không cho phép cho sự thiếu thốn năng lực về mặt quân sự để kéo nước này vào một cuộc chiến như vậy.
Thứ tư, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể phát triển các hoạt động kinh tế và thông tin để chống lại nguồn cung cấp của Triều Tiên và Trung Quốc gửi tới Ukraine. Bất kỳ công ty Triều Tiên nào có liên quan và các tổ chức tài chính hỗ trợ họ đều phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế. Cần phải gây áp lực quốc tế đáng kể lên Trung Quốc và Triều Tiên để làm gián đoạn việc vận chuyển đạn pháo và các vật dụng khác. Có một số bằng chứng cho thấy việc vạch trần và cảnh báo Triều Tiên về việc vận chuyển đạn pháo tới Nga đã giảm thiểu số lượng mà Bình Nhưỡng đã gửi cho đến nay. Bình Nhưỡng có thể đáp trả dư luận quốc tế nếu có bằng chứng cho thấy đạn pháo của Triều Tiên đã được sử dụng tại Ukraine, do đó khiến Triều Tiên trở thành một bên tham gia trực tiếp chiến tranh với tư cách là đồng minh của Nga.
Ngoài ra, nếu pháo binh của Triều Tiên cuối cùng bắn vào Ukraine, nó có thể có chất lượng cực kỳ kém, điều này sẽ làm xấu đi hình ảnh trong nước của chế độ Kim khi thông tin như vậy rò rỉ ra miền Bắc. Không có nhiều thông tin về chất lượng pháo binh của Triều Tiên ngoài màn trình diễn của nó ở đảo Yeonpyeong năm 2010. Trong trường hợp đó, có khả năng Triều Tiên đã cố gắng bắn 300 đến 400 quả đạn pháo và tên lửa vào đảo, nhưng chỉ có 80 quả bắn trúng đích. Chất lượng có thể đã được cải thiện kể từ đó, nếu không, hiệu suất cực kỳ kém đó sẽ trở thành trọng tâm của các hoạt động thông tin gây bất lợi cho Triều Tiên và có lợi cho chiến lược của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là phải đưa tin rộng rãi cho công chúng về các thất bại của pháo binh Triều Tiên, làm tăng khả năng thông tin lan truyền vào Triều Tiên. Những câu chuyện như vậy cũng có thể khiến binh lính Nga khẳng định họ không muốn sử dụng đạn pháo và tên lửa của Triều Tiên trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Thứ năm, Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thể khai thác sự hiện diện của bất kỳ nhân viên Triều Tiên nào ở Ukraine để gửi thông điệp trở lại giới tinh hoa ở Bình Nhưỡng. Những nhân sự như vậy gần như chắc chắn sẽ đến từ những gia đình ưu tú, vì Triều Tiên chỉ muốn cử những nhân sự đáng tin cậy, khó có khả năng đào tẩu. Những nhân viên đó cũng có xu hướng xem bất kỳ bộ phim K-pop và K-drama nào mà họ có thể mua được, điều này cho thấy lợi ích của việc phân tán ổ USB ở những khu vực mà nhân viên Triều Tiên hoạt động. Trong khi một số nhân viên an ninh Triều Tiên có thể cố gắng thu thập và tiêu hủy các tài liệu này thì một số người khác có thể thích nó. Nếu ông Kim tiếp tục gửi pháo tới Nga, Mỹ cũng có thể đe dọa cung cấp những ổ USB tuyên truyền như vậy cho Bình Nhưỡng. Bản thân ông Kim Jong-un coi những thứ đó là một căn bệnh ung thư ác tính có thể khiến chế độ của ông sụp đổ, vì vậy cách tiếp cận không chính thống này có thể khiến Chủ tịch Triều Tiên phải thận trọng.
Cuối cùng, trong khi về nhiều mặt, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên dường như là những đồng minh thông thường, nhưng vẫn có những rạn nứt trong mối quan hệ của họ cần khai thác. Ví dụ, Trung Quốc gần đây đã phát hành một bản đồ bao gồm một số lãnh thổ của Nga như một phần của Trung Quốc. Các cường quốc phương Tây nên tập trung sự chú ý toàn cầu vào vấn đề này và thường xuyên yêu cầu Trung Quốc giải thích. Ngoài ra, Nga có thể thấy rằng Triều Tiên muốn đổi đạn pháo của mình lấy nhiều hơn những gì Nga có thể sẵn sàng cung cấp. Sau các cuộc đàm phán khó khăn, nếu pháo binh của Triều Tiên tỏ ra kém chất lượng hoặc nếu bất kỳ công nghệ nào do Nga cung cấp cho Triều Tiên không hoạt động, thì điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà báo. Cuối cùng, âm mưu mở rộng ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu của Trung Quốc sẽ bao gồm cả sự gia tăng ảnh hưởng ở Nga. Nếu Trung Quốc cung cấp cho Nga thiết bị và vật tư, nước này có thể sẽ yêu cầu sự ghi nhận và thanh toán cho sự đóng góp đó. Quả thực, nhiều quân nhân Trung Quốc có thể sẽ nhận thấy rằng họ là đối tác cấp cao trong mối quan hệ này, và họ sẽ yêu cầu được đối xử như vậy. Những nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm mô tả chính xác các mục tiêu và yêu cầu của Trung Quốc có thể làm suy yếu mối quan hệ Trung-Nga. Điểm mấu chốt là mối quan hệ hợp tác này có thể mong manh hơn những gì xuất hiện lần đầu.
Không có hành động nào trong số này là “viên đạn bạc” có thể đủ để chống lại quan hệ đối tác giữa ba cường quốc đang lên (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên). Nhưng Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của mình cần phải xem xét mối đe dọa đang phát triển một cách nghiêm trọng và có những nỗ lực chống lại nó từng bước một./.
Lược dịch: Bạch Tuyết
Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi tới Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Bình Luận 1