Mỹ và Nhật thông qua chuyến thăm cấp cao của các lãnh đạo tuyên bố định hướng “quan hệ đối tác toàn cầu” của hai nước, cho thấy Mỹ và Nhật Bản tiếp tục tăng cường hơn nữa sự phụ thuộc lẫn nhau, vị trí của Nhật Bản trong bàn cờ chiến lược toàn cầu của Mỹ tăng lên, trở thành đồng minh cốt lõi nhất của Mỹ. Liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục thể hiện đặc điểm toàn diện, hướng ngoại và có tính tấn công. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản cũng có các chương trình nghị sự khác nhau cho chuyến thăm của Kishida, sự nhất quán về lợi ích cũng như mục tiêu của mỗi bên không thể che giấu được tình thế tiến thoái lưỡng nan sâu xa của liên minh. Có thể dự đoán, sự bất đồng của hai bên về những vấn đề như lợi ích kinh tế-thương mại và chia sẻ kinh tế quốc phòng đôi khi sẽ xuất hiện trong tương lai. Việc “nâng cấp” quan hệ liên minh Mỹ- Nhật lần này chỉ nhằm vào Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về vấn đề này, các nước trong khu vực không thể coi nhẹ.
Trung tuần tháng 4/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm nhà nước đến Mỹ. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản tới Washington sau 9 năm và cũng là nguyên thủ quốc gia nước ngoài thứ năm được Tổng thống Mỹ Biden tiếp đón với tư cách khách mời cấp nhà nước trong nhiệm kỳ của ông. Nhân chuyến thăm này, Mỹ – Nhật Bản đã ra tuyên bố xác định “quan hệ đối tác toàn cầu” giữa hai nước. Làm phong phú thêm nội dung liên minh, mở rộng phạm vi hợp tác, khiến liên minh Mỹ-Nhật tiếp tục thể hiện đặc điểm mang tính toàn diện, hướng ngoại và có tính tấn công.
Nâng cấp quan trọng nhất kể từ khi thành lập liên minh
Ngày 10/4/2024, sau cuộc hội đàm giữa ông Kishida và ông Biden, hai bên đã phát đi “Tuyên bố Chung”, Nhà Trắng đã công bố một “Danh sách Sự kiện” với hơn 70 mục, liệt kê các thành tựu hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Nhật Bản. Cả hai phía tuyên bố rằng liên minh Mỹ-Nhật đã đạt đến mức cao chưa từng có trong ba năm qua, hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia đã bước vào một giai đoạn mới, và liên minh sẽ tiếp tục đóng vai trò là “nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng” tại khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Chuyến thăm này của Thủ tướng Kishida đã góp phần thúc đẩy tiến bộ trong quan hệ Mỹ-Nhật trên năm lĩnh vực chính.
Đầu tiên là thúc đẩy hội nhập quân sự theo chiều sâu. Cả hai bên đều khẳng định quan hệ quốc phòng, an ninh giữa hai nước mạnh chưa từng có. Mỹ hoan nghênh việc Nhật Bản nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP, phát triển khả năng phản công và và thành lập “Bộ tư lệnh tác chiến thống nhất” mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong năm tài chính 2024. Hai nước tuyên bố sẽ thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống chỉ huy và kiểm soát của quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để đạt được sự kết nối liền mạch, hiệu quả cũng như cải thiện khả năng tương tác. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ có kế hoạch trao một số quyền chỉ huy và kiểm soát cho Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản tại Căn cứ Yokota ở Tokyo. Trong cuộc họp báo, Biden gọi đây là “nâng cấp quan trọng nhất kể từ khi liên minh được thành lập”. Hai bên cũng nhất trí tăng cường các hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát cảnh giác và trinh sát thông qua các kênh như “Nhóm phân tích thông tin song phương” (BIAC) và các kênh khác. Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản triển khai tên lửa hành trình Tomahawk và hai bên có kế hoạch tăng cường các hoạt động răn đe nhằm đáp trả các hoạt động khiêu khích leo thang xung quanh Nhật Bản.
Thứ hai, tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng. Mỹ và Nhật Bản tuyên bố sử dụng cơ sở công nghiệp của mình để xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng của liên minh. Xây dựng “Cơ chế tham vấn định kỳ, mua sắm và bảo trì hợp tác công nghiệp quốc phòng” (DICAS) do Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản chủ trì nhằm xác định các lĩnh vực ưu tiên để hai bên phối hợp nghiên cứu và phát triển. Bao gồm sản xuất tên lửa phòng không tiên tiến, máy bay huấn luyện phản lực đa năng và các loại vũ khí, thiết bị quân sự khác. Nhật Bản sẽ hỗ trợ quân đội Mỹ trong việc bảo trì các tàu hải quân và máy bay chiến đấu của lực lượng không quân được Mỹ triển khai ở khu vực tiền phương.
Thứ ba, cùng nhau thúc đẩy mạng lưới liên minh. Mỹ và Nhật tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đối tác “cùng chí hướng” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đề xuất một loạt các biện pháp hành động nhằm tăng cường hợp tác “đa phương nhỏ” gia tăng giữa Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác “Mỹ – Nhật+N”. Bao gồm việc xây dựng một cấu trúc mạng lưới phòng không giữa Mỹ, Nhật Bản và Úc, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hệ thống hàng không không người lái. Mỹ, Anh và Australia đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong dự án năng lực tiên tiến của trụ cột thứ hai trong quan hệ an ninh ba bên Mỹ-Anh- Úc (AUKUS); Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác trong các cuộc tập trận đa lĩnh vực hàng năm. Mỹ, Nhật Bản và Anh sẽ tổ chức cuộc tập trận ba bên định kỳ từ năm 2025. Trong thời gian chuyến thăm này, lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên tại Washington, đạt được sự đồng thuận về việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, thúc đẩy an ninh kinh tế và tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thứ tư, làm sâu sắc hợp tác trong các công nghệ chủ chốt và mới nổi. Mỹ và Nhật đã công bố một loạt các kế hoạch hợp tác không gian vũ trụ, bao gồm việc chung tay thúc đẩy các kế hoạch khám phá Mặt Trăng. Các phi hành gia Nhật Bản sẽ tham gia sứ mệnh đổ bộ lên mặt trăng “Artemis” của Mỹ, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đặt chân lên Mặt Trăng. Hai bên cũng tuyên bố sẽ hợp tác trong việc nghiên cứu, phát hiện và theo dõi các chòm sao, tàu bay siêu thanh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Xây dựng ba trạm mặt đất hoạt động ở Alaska, California và Guam cho hệ thống vệ tinh quan sát của Nhật Bản. Cả hai bên cũng công bố nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, an ninh mạng và các lĩnh vực khác.
Thứ năm, mở rộng hợp tác đầu tư song phương. Công ty Microsoft của Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư 2.9 tỷ USD tại Nhật Bản cho trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, mở rộng chương trình đào tạo kỹ năng số. Công ty Amazon tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 15 tỷ USD tại Nhật Bản vào năm 2027 để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây. Google có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD hợp tác với Tập đoàn Nippon Electric (NEC) của Nhật Bản để cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thông kỹ thuật số giữa Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia đảo Thái Bình Dương. Công ty Toyota của Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng thêm 8 tỷ USD vào việc nâng cao năng lực sản xuất pin điện tại Mỹ. Các công ty như Yaskawa Electric, Ube Industries, Mitsui & Co., Honda Aircraft và Fuji Film của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư sản xuất tại Mỹ với tổng số vốn lên tới hàng trăm triệu USD.
Kế hoạch riêng theo “Rủi ro Donald Trump”
Trong chuyến thăm này, Kishida đã được Mỹ tiếp đón một cách trang trọng. Do đó ông đã đáp lại bằng việc nỗ lực rất nhiều để thể hiện lòng tôn trọng và sự thiện ý đối với Mỹ. Đặc biệt trong các bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, ông nhấn mạnh “sự lãnh đạo của Mỹ là không thể thiếu đối với thế giới”. Biden cũng không ngần ngại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Nhật Bản, tái khẳng định cam kết an ninh với Nhật Bản và ủng hộ việc Nhật Bản tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chuyến thăm này cho thấy sự tăng cường hợp tác lẫn nhau giữa Washington và Tokyo. Vị trí của Nhật Bản trên bàn cờ chiến lược toàn cầu của Mỹ được nâng cao, đưa Nhật Bản vào hàng ngũ các đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ. Tuy nhiên, chuyến thăm của Kishida cũng là một phần của một chiến lược riêng của Mỹ và Nhật Bản. Sự đồng thuận trong mục tiêu lợi ích giữa hai bên không thể che giấu được những khó khăn sâu xa trong mối quan hệ đồng minh.
Đối với Washington, hiện nay chính phủ của Tổng thống Biden đang phải đối mặt với áp lực từ cuộc bầu cử nội bộ và bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tình hình hỗn loạn ở Trung Đông. Do đó họ rất vui khi thấy Nhật Bản thay họ chia sẻ đầu tư chiến lược về hướng Châu Á-Thái Bình Dương, coi Nhật Bản là trung tâm then chốt để mở ra liên minh hai nước, xây dựng hệ thống liên minh đa phương nhỏ ở châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ tích cực thúc đẩy chính sách quốc phòng của Nhật Bản thực hiện chuyển biến quan trọng từ phòng thủ sang tấn công. Giải phóng năng lực công nghiệp quân sự của Nhật Bản, chủ yếu nhằm điều động tính tích cực chiến lược của Nhật Bản, phục vụ nhu cầu chiến lược toàn cầu của Mỹ. Dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, hệ thống liên minh toàn cầu của Mỹ đang được hình thành và hội tụ ở Tây Thái Bình Dương. Hợp tác đa phương nhỏ như Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Úc, Mỹ-Nhật-Philippines, Mỹ-Anh-Úc ngày càng sâu rộng, từng bước hình thành một hệ thống “răn đe liên minh” đa cấp, phức tạp ở châu Á Thái Bình Dương.
Về phía Nhật Bản mà nói, hiện tại vị thế cầm quyền của ông Kishida đang bấp bênh, và họ xem chuyến thăm này như là “cọng rơm cứu mạng” để nâng cao tỷ lệ ủng hộ nội bộ. Chính trị trong nước Nhật Bản đang gia tăng nghiêng về cực hữu, tư duy chiến lược đối ngoại cứng nhắc cố chấp. Nhật Bản tìm cách bảo vệ các lợi ích được đảm bảo của mình thông qua mối quan hệ chiến lược với Washington và đóng vai trò là“phó cảnh sát trưởng” trong hệ thống liên minh của Mỹ nhằm nâng cao vị thế quốc gia và ảnh hưởng toàn cầu của mình. Ngoài ra, lộ trình mở rộng vũ khí quân sự mạnh mẽ của Chính phủ Kishida đang đối mặt với áp lực không nhỏ từ nội bộ và bên ngoài. Họ muốn sử dụng Mỹ để giảm bớt áp lực nội bộ, vượt qua các hạn chế quân sự sau chiến tranh, thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa khả năng quân sự ra biển, và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng.
Chuyến thăm của Kishida cũng phản ánh mối lo ngại của cả Mỹ và Nhật Bản về “rủi ro Donald Trump”. Chính quyền Biden hy vọng sẽ chứng minh được thành tựu ngoại giao và sức mạnh liên minh với nước này, trong khi Nhật Bản muốn tận dụng chuyến thăm này để củng cố những thành quả đạt được trong quan hệ Mỹ – Nhật và ngăn chặn nguy cơ “đảo chiều” sau bầu cử tổng thống Mỹ. Trong suốt chuyến thăm, Kishida đã nhiều lần tuyên bố rằng tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ đã đạt 800 tỷ USD, tạo ra gần một triệu việc làm cho Mỹ, nỗ lực giành thiện cảm của cả hai Đảng Mỹ đối với Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với những mâu thuẫn căn bản giữa Mỹ và Nhật, chuyến thăm của Kishida không giải quyết được bất kỳ vấn đề cốt lõi nào. Hai bên vẫn mâu thuẫn về việc Nippon Steel mua lại US Steel và không có tiến triển nào trong các vấn đề tồn đọng như giảm gánh nặng cho căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa và sửa đổi Thỏa thuận về tình trạng Nhật-Mỹ. Mặc dù Mỹ củng cố cam kết an ninh đối với Nhật, nhưng trong tương lai, họ cũng sẽ không từ bỏ việc đòi hỏi sự đền đáp tương đương từ Nhật. Có thể dự đoán rằng những mâu thuẫn căn bản giữa hai bên về các vấn đề kinh tế và quân sự như lợi ích thương mại và phân phối chi phí quốc phòng đôi khi sẽ vẫn xuất hiện trong tương lai.
Mũi tên nhắm vào Trung Quốc, sự thăm dò nguy hiểm kích động đối đầu phe phái
Không có gì ngạc nhiên, lần này Mỹ và Nhật Bản “nâng cấp” mối quan hệ đồng minh, mở rộng hợp tác trong mọi lĩnh vực, đưa mũi tên nhắm vào Trung Quốc, thể hiện sự đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Trong “Tuyên bố chung”, Mỹ và Nhật một mặt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc, bày tỏ sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà cả hai bên quan tâm. Mặt khác lại một lần nữa can thiệp vào vấn đề Đài Loan, tận dụng các vấn đề như Biển Đông, chính sách hạt nhân v.v. để làm nổi bật “ Lý thuyết đe dọa Trung Quốc”. Trong bài phát biểu tại Quốc Hội Mỹ, ông Kishida còn cho rằng “phong thái ngoại giao và hành động quân sự của Trung Quốc đều là thách thức chiến lược lớn nhất đối với hòa bình và ổn định toàn cầu”, và nêu ra “ngày hôm nay của Ukraine có thể trở thành ngày mai của Đông Á”. Nó thể hiện định hướng chiến lược không thiện ý đối với Trung Quốc và chiến lược đầy bảo thủ “dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc”.
Hiện tại, Mỹ và Nhật Bản có nhiều điểm đồng nhất trong mục tiêu chiến lược đối với Trung Quốc. Trong lĩnh vực quân sự, hai nước xác định việc kiểm soát phát triển quân sự của Trung Quốc và sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan là mục tiêu chính của liên minh. Vì vậy, trong tương lai, Bộ tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ cấp một phần quyền chỉ huy tác chiến cho lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ đạt được sự hòa nhập toàn diện trong hệ thống chỉ huy chiến đấu, nâng cao khả năng phản ứng di động và khả năng hợp tác chiến đấu. Bên cạnh đó, cả hai bên Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp hệ thống phòng không tên lửa, thúc đẩy triển khai tên lửa tầm trung, tạo ra một lực lượng chiến đấu tiên tiến tích hợp. Trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ, đối mặt với ưu thế chuỗi cung ứng và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản có các yêu cầu tương tự như việc giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và cạnh tranh với Trung Quốc về mặt công nghệ. Dưới danh nghĩa “an ninh kinh tế”, cả hai bên sẽ tìm cách thúc đẩy quá trình “phi Trung Quốc hóa” trong chuỗi cung ứng, và cùng nhau chiếm lĩnh các ngành công nghiệp then chốt, công nghệ mới nổi, để tạo ra rào cản kỹ thuật và ưu thế cạnh tranh đối với Trung Quốc.
Dưới sự chỉ đạo chiến lược của trò chơi nước lớn và đối đầu phe phái của Mỹ, việc “nâng cấp” liên minh Mỹ-Nhật một cách toàn diện sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chiến lược của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm tiềm tàng. Một mặt, Washington dung túng và hỗ trợ việc tái vũ trang của Nhật Bản cũng như giải phóng năng lực quân sự của nước này, thúc đẩy tham vọng trở thành một cường quốc quân sự của Nhật Bản. Trong bối cảnh khuynh hướng chính trị cực hữu ngày càng gia tăng, Nhật Bản rời bỏ chính sách “chuyên phòng vệ”, chính sách an ninh quân sự nhanh chóng chuyển sang mang tính tấn công và nhấn mạnh định hướng coi các nước láng giềng như kẻ thù địch. Điều này có thể làm tăng thêm rủi ro, xung đột địa chính trị ở Đông Á. Mặt khác, liên minh Mỹ-Nhật “nâng cấp” đã vượt xa mục đích ban đầu là “bảo vệ Nhật Bản” và đã chuyển từ một liên minh phòng thủ sang một liên minh có khả năng vừa tấn công vừa phòng thủ, đánh dấu một sự “thay đổi về chất” trong quan hệ liên minh. Trong khi đó, kết nối và hội nhập hệ thống chỉ huy tác chiến chung Mỹ – Nhật rõ ràng chỉ ra bên thứ ba và đưa ra tín hiệu “chuẩn bị chiến tranh” về ý định cùng nhau can thiệp vào các điểm nóng địa lý như Bán đảo Triều Tiên và thậm chí cả eo biển Đài Loan, v.v.. Đây đang trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn đối với hòa bình và ổn định khu vực.
Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản đã hợp tác để thắt chặt mạng lưới các đồng minh đa phương nhỏ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự khác nhau, lan truyền câu chuyện về cuộc đối đầu chính trị và phe phái giữa các nhóm. Liên tục kích động leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và bất ổn hơn. Điều đó sẽ chia cắt khu vực, phá hoại bầu không khí đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, thậm chí làm tăng nguy cơ xung đột quân sự. Ngoài ra, Mỹ – Nhật Bản còn thúc đẩy cách bố trí “sân nhỏ tường cao” trong các lĩnh vực sản xuất, chuỗi cung ứng và công nghệ trong khu vực. Điều này cũng sẽ phủ bóng đen về sự đối đầu từ an ninh quân sự đến kinh tế, thương mại và lĩnh vực công nghệ, tác động tiến trình hợp tác và nhất thể hóa khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các nước trong khu vực không thể xem nhẹ nguy cơ bất ổn và chia rẽ mà liên minh Mỹ-Nhật Bản “nâng cấp” có thể gây ra cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Hạng Hạo Vũ là nghiên cứu viên đặc biệt của Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ: [email protected]