Trong một bài viết có tựa đề: “Xe bọc thép: Người bảo đảm hỗ trợ trung thành” của tác giả Gerard Cowan đã trình bày chi tiết cách các công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng vào các lĩnh vực thường bị bỏ qua nhưng vô cùng quan trọng, bao gồm hoạt động công binh chiến trường/chiến đấu, vận chuyển y tế, cũng như các ứng dụng phi chiến đấu khác trên mặt đất. Báo cáo được chia thành hai phần. Trong phần đầu tiên, Gerard đưa ra những đánh giá tiên tiến về việc sử dụng robot và các nền tảng tự hành để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ. Ông cũng đánh giá việc trang bị cho các lực lượng tuyến đầu các phương tiện không người lái hoặc có người lái tùy chọn (có thể tái cấu hình để bảo vệ binh sĩ khỏi các nhiệm vụ phi chiến đấu nguy hiểm) thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự hành. Phần thứ hai, Gerard hướng tới tương lai của các phương tiện kỹ thuật bọc thép truyền thống, nghiên cứu cách tận dụng tối đa các công nghệ đang phát triển để làm cho chúng trở nên đa năng hơn, cũng như cách áp dụng khả năng chuyên biệt này một cách sáng tạo trong toàn quân đội.
Hệ thống không người lái – công cụ kích hoạt chiến thuật
Việc ứng dụng các phương tiện mặt đất không người lái (UGV), xe chiến đấu robot (RCV) và hệ thống điều khiển từ xa (RCS) đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các lực lượng mặt đất thuộc quân đội trên toàn thế giới. Các ứng dụng này không chỉ áp dụng trong các nhiệm vụ chiến đấu mà còn mở rộng sang các lĩnh vực tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự và công nghiệp, những nền tảng này cũng đóng vai trò quan trọng trong một loạt các nhiệm vụ hỗ trợ, từ công tác kỹ thuật, đảm bảo hậu cần đến vận chuyển y tế.
Quân đội Mỹ hiện đang tập trung vào sự phát triển trong tương lai của các nền tảng này thông qua một loạt các dự án. Một dự án đáng chú ý là dự án xe chiến đấu robot hạng nhẹ. Theo dự án này, các công ty như McQ, Textron Systems, General Dynamics Land Systems (GDLS) và Oshkosh Defense đang phát triển các nguyên mẫu nền tảng cho xe chiến đấu robot hạng nhẹ.
Tuy nhiên, dự án này chỉ là một phần trong nỗ lực phát triển xe chiến đấu robot của Quân đội Mỹ. Theo Ray Higgins, sĩ quan phụ trách công tác truyền thông thuộc Văn phòng Điều hành Dự án Hỗ trợ Chiến đấu và Hậu cần Chiến đấu (PEO CS&CSS) của Quân đội Hoa Kỳ, các dự án “được ghi nhận” về robot và các nền tảng tự hành không chỉ mang lại lợi thế khi thực hiện nhiệm vụ ngoài vùng nguy hiểm mà còn đóng vai trò như những “con la máy móc” hỗ trợ hậu cần.
Higgins đã đề cập đến Hệ thống Vận chuyển Thiết bị Đa dụng Nhỏ gọn (S-MET) Increment I, được General Dynamics Land Systems phát triển dựa trên xe vận tải chiến thuật đa năng (MUTT) của họ. Đây là một nền tảng điều khiển từ xa qua sóng vô tuyến, được thiết kế để giải quyết các vấn đề liên quan đến gánh nặng thể chất quá mức. S-MET có khả năng sạc pin trong suốt các chiến dịch liên tục và giảm bớt gánh nặng, hỗ trợ duy trì trong các hoạt động tác chiến “bán độc lập”.
Theo Higgins, các tính năng robot của hệ thống này giúp giảm bớt gánh nặng duy trì hậu cần cho các đơn vị được trang bị xe không người lái S-MET. Quân đội Mỹ yêu cầu các nhà phát triển tập trung vào việc tích hợp khả năng tải trọng nhiệm vụ mô-đun (MMP), bao gồm tính tự hành, khả năng sát thương, mở rộng năng lực thông tin liên lạc và vận chuyển người bị thương.
Ngoài ra, Higgins cũng đề cập đến dự án Hệ thống Xe Chiến thuật Tự hành (ATV-S). Dự án này nhằm phát triển và cung cấp các phương tiện bánh lốp hạng nhẹ không người lái cho Quân đội Mỹ, với mục đích hỗ trợ các nhiệm vụ hậu cần, bao gồm bảo vệ đoàn xe và điều hướng điểm dừng hành trình.
Vào tháng 12 năm ngoái, Quân đội Mỹ đã thông báo trao “ủy quyền giao dịch khác” (OTA) cho dự án Hệ thống Xe Chiến thuật Tự hành (ATV-S). OTA là một công cụ pháp lý mạnh mẽ được sử dụng trong việc mua sắm của Mỹ, nhằm tạo điều kiện hợp tác với các nhà thầu quốc phòng đổi mới và phi truyền thống. Công cụ này cho phép hỗ trợ hợp tác với ngành công nghiệp trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại nhanh chóng và linh hoạt. Các thỏa thuận này cho phép bỏ qua hầu hết các quy trình pháp lý và quy định tài chính của chính phủ hiện hành. Chúng chỉ áp đặt những ràng buộc tối thiểu đối với các hợp đồng và bên tham gia, mang lại cho chính phủ quyền tự do đáng kể trong việc sử dụng ngân sách. Theo đó, ba công ty là Robotic Research Autonomous Industries, Neya Systems, và Carnegie Robotics đã được lựa chọn để sản xuất và bàn giao 4 nguyên mẫu xe cho dự án.
Khi đó, Kent Shea, Quản lý sản phẩm của các Hệ thống Robot và Tự hành, thuộc Văn phòng Quản lý Dự án Lực lượng vận chuyển trong Hỗ trợ Chiến đấu và Hậu cần của Quân đội Mỹ, đã phát triển dự án trong bối cảnh công nghiệp đang phát triển và môi trường tác chiến mới. Shea nhận định: “Các công nghệ thương mại hiện có sẽ giúp Quân đội Mỹ thu hẹp khoảng cách công nghệ và tiếp tục nâng cao khả năng tự hành trong tương lai. Đây là thời điểm lý tưởng để hiện đại hóa hệ thống Xe chiến thuật tự hành nhằm hỗ trợ các hoạt động tác chiến đa miền trong môi trường đối kháng.”
Higgins bổ sung rằng, hệ thống Xe chiến thuật tự hành sẽ giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các mối đe dọa từ kẻ thù cho binh sĩ, đồng thời tăng cường năng lực vận chuyển hậu cần trong các nhiệm vụ hộ tống. Các xe chiến thuật bánh lốp (TWV) được trang bị Hệ thống Xe Chiến thuật Tự hành với hệ thống tải hàng trên pallet (PLS) sẽ cho phép một binh sĩ “dẫn đầu” một đoàn xe hộ tống gồm bốn chiếc được kết nối không dây. Điều này không chỉ gia tăng hiệu quả vận chuyển mà còn giảm thiểu rủi ro bị tấn công từ các mối đe dọa thù địch.
Hỗ trợ các nhiệm vụ “hạng nặng”
Theo ông Ray Moldova, Giám đốc phát triển kinh doanh của General Dynamics Land Systems, mặc dù các phương tiện nhẹ như xe không người lái S-MET rất phù hợp để hỗ trợ các binh sĩ bộ binh, nhưng xe robot bánh xích (TRX) nặng 10 tấn của công ty này lại phù hợp hơn cho các nhiệm vụ “hạng nặng”. Các nhiệm vụ này có thể bao gồm phá dỡ chướng ngại vật, dọn dẹp địa hình và cung cấp hỏa lực tiêu diệt mục tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp. Mục tiêu trọng điểm là hỗ trợ các Lữ đoàn Chiến đấu Stryker (SBCT), Lữ đoàn Chiến đấu Thiết giáp (ABCT) và các đơn vị có quy mô lớn hơn.

Moldova cũng cho biết: “Các phương tiện mặt đất không người lái (UGV) rất phù hợp để thực hiện những nhiệm vụ nhàm chán, không sạch sẽ hoặc nguy hiểm đối với các binh sĩ lục quân hoặc lính thủy đánh bộ. Ví dụ, chúng có thể đảm nhận các nhiệm vụ tiếp tế lặp đi lặp lại giữa các địa điểm cụ thể. Ngoài ra, việc sử dụng các nền tảng di động đa tác dụng có thể giảm bớt gánh nặng đào tạo cho người vận hành và nhân viên bảo trì, tối thiểu hóa nhu cầu dự trữ phụ tùng.”
UGV cũng phù hợp để tích hợp các hệ thống tự hành vì chúng không được thiết kế để con người điều khiển. Với cấu trúc điều khiển qua cáp, hệ thống tính toán trên xe có khả năng mở rộng, các cảm biến mô-đun tích hợp và mạng lưới sẵn có, UGV có thể thực hiện điều khiển cả trong và ngoài tầm nhìn.
Theo Moldova, nhiệm vụ phá chướng ngại vật là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất và vì vậy nên được thực hiện bằng UGV. Ông lưu ý General Dynamics Land Systems đã hợp tác với Pearson Engineering (Anh ) để phát triển một tải trọng chuyên dụng cho nhiệm vụ phá chướng ngại vật dành riêng cho phương tiện robot bánh xích.
Moldova cũng cho rằng: “Không thể nhấn mạnh quá mức về tính thực dụng của các phương tiện mặt đất không người lái như xe vận tải chiến thuật đa năng và xe robot bánh xích. Mỗi chiếc xe được thiết kế để tối đa hóa khả năng chịu tải hiệu quả và công suất không tải, nhằm tích hợp các bộ thiết bị nhiệm vụ (MEP) khác nhau. Chúng còn được thiết kế với mạng dữ liệu trên xe, cho phép tích hợp hoàn toàn các bộ thiết bị nhiệm vụ vào phương tiện, hoặc tích hợp chúng vào mạng lưới chiến trường lớn hơn.” Ông bổ sung, các giải pháp tự hành là một phần quan trọng trong quá trình phát triển và cần được đánh giá liên tục. Khi các giải pháp tự hành ngày càng được cải thiện và trở nên phức tạp hơn, chúng sẽ cung cấp cho người vận hành thêm thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ có giá trị cao mà chỉ con người mới có thể thực hiện.
Xe không người lái thích ứng với môi trường chiến trường động
Một phát ngôn viên của Pearson Engineering nhấn mạnh tiềm năng của các phương tiện mặt đất không người lái và xe robot chiến đấu trong việc thực hiện các nhiệm vụ công binh chiến trường/chiến đấu. Ông ta chỉ ra rằng những nhiệm vụ này “được biết đến là vô cùng phức tạp, và binh sĩ thường xuyên phải đối mặt với hỏa lực của kẻ thù khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ khả năng cơ động, chống cơ động và khả năng sinh tồn.”
Ngoài ra, phát ngôn viên này còn cho biết, các công binh chiến đấu cần có khả năng thích ứng cao, có thể nhanh chóng tái cấu trúc các nguồn lực để phù hợp với đặc điểm của môi trường chiến trường đang thay đổi. “Phương tiện không người lái có tiềm năng giải quyết cả hai thách thức này, giúp giảm thiểu rủi ro đối với tính mạng con người bằng cách đưa họ ra khỏi các tình huống nguy hiểm nhất, đồng thời cho phép triển khai nhanh chóng với nhiều cấu hình khác nhau, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ.”
Theo thông tin, phương tiện mặt đất không người lái (UGV) hoặc xe robot chiến đấu có thể sử dụng tải trọng nhiệm vụ để phá mìn trước khi ‘biến hình’, dựa trên các cấu hình khác nhau để tạo ra một khoảng trống tấn công cho lực lượng của mình hoặc đồng minh. Điều này sẽ mang tính cách mạng đối với chiến trường hiện đại và các nhiệm vụ công binh chiến đấu trong tương lai.
“Dòng thiết bị xe robot chiến đấu (RCV-Pioneer) “Tiên phong” do Pearson Engineering phát triển được thiết kế để cung cấp khả năng thực hiện các công việc công binh từ xa. Mỗi thiết bị trong dòng sản phẩm này được tùy chỉnh theo nhiệm vụ công binh chiến đấu cụ thể và có thể thay đổi nhanh chóng trong điều kiện ngoài trời.
Khái niệm này được phát triển dựa trên nguyên lý tính linh hoạt và khả năng thay đổi nhanh chóng. Theo đó, giúp các phương tiện có thể mở rộng và tối ưu hóa dựa trên nhiệm vụ đang thực hiện, dù là để đảm bảo khả năng cơ động của chính phương tiện hay hỗ trợ công việc công binh cho các bên khác.
Phát ngôn viên của Pearson Engineering chỉ ra rằng: “Các phương tiện không người lái được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, giám sát, trinh sát và chiến đấu cũng cần phải có khả năng đến đúng thời gian và địa điểm mà chỉ huy lựa chọn, giống như các phương tiện có người lái. Nếu không có sự hỗ trợ từ các lực lượng công binh, những phương tiện này sẽ cần can thiệp của con người để đảm bảo khả năng cơ động. Nếu không, giá trị của chúng sẽ bị suy giảm.”
Thực hiện các nhiệm vụ phi chiến đấu
Chuyên gia phát triển năng lực của công ty Milrem Robotics (Estonia), nhà sản xuất các phương tiện mặt đất không người lái THeMIS và xe robot chiến đấu Type-X, ông Toni Niro cho biết những phương tiện như này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phi chiến đấu trong tương lai.
Ông Niro nhận xét: “Trong những trường hợp mà xe tải hoặc các phương tiện bánh xích cỡ lớn không phù hợp, các phương tiện mặt đất không người lái chắc chắn sẽ được sử dụng để vận chuyển trang thiết bị vật tư. Khả năng mang theo nhiều trang bị và vật tư hơn sẽ cải thiện hiệu quả chiến đấu từ cá nhân đến toàn bộ đơn vị. Các phương tiện mặt đất không người lái không chỉ có thể mang theo những thiết bị và vật tư nặng, bao gồm cả thiết bị quan sát, mà còn giúp binh sĩ tránh tiêu hao thể lực.”
Theo ông Niro, công ty Milrem Robotics đang xem xét phát triển các phương tiện mặt đất không người lái cho nhiều lĩnh vực ngoài chiến đấu và các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát. Điều này bao gồm các chức năng công binh khác nhau, như việc chống lại các thiết bị nổ tự chế và đảm bảo tự do di chuyển cho lực lượng của mình hoặc đồng minh thông qua việc sử dụng máy rà phá chướng ngại vật và rà phá bom mìn.”
Ngoài ra, ông cũng đề cập đến các ứng dụng trong việc vận chuyển y tế và cho biết, mặc dù công ty đang xem xét mở rộng khả năng này (bao gồm việc tích hợp thiết bị giám sát y tế), nhưng phương tiện mặt đất không người lái THeMIS ít nhất có thể lắp đặt được hai cáng cứu thương.
Theo ông Niro, công việc liên quan phát triển các phương tiện đảm bảo hậu cần, bao gồm tự động hóa, với mục tiêu “cung cấp các giải pháp khả thi cho quãng đường một phần tư dặm cuối cùng, ngay cả những phương tiện nhỏ đang được phát triển cũng có thể hữu ích.”
Ông Niro cũng nhấn mạnh về ứng dụng trong lĩnh vực thông tin liên lạc và một loạt các lĩnh vực khác. “Đối với bất kỳ quân đội nào, điểm yếu hiện tại là sự phụ thuộc nghiêm trọng vào hệ thống thông tin liên lạc. Mặc dù công nghệ thông tin liên lạc đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chống nhiễu và cải thiện kết nối, nhưng giải pháp cuối cùng là nâng cao trí thông minh cho robot. Vì vậy, các phương tiện mặt đất không người lái cần phải có khả năng thu thập thông tin qua các cảm biến khác nhau, có thể di chuyển trên chiến trường với sự hỗ trợ tối thiểu và giúp chỉ huy đưa ra quyết định.”
Niro cho rằng, việc thảo luận về vai trò của phương tiện mặt đất không người lái trong các nhiệm vụ chiến đấu và phi chiến đấu có thể phản tác dụng. Thay vào đó, nên đánh giá chúng một cách toàn diện. “Hiện tại, công ty Milrem Robotics đang phát triển các phương tiện mặt đất không người lái trong một khuôn khổ năng lực, trong đó các loại robot khác nhau kết hợp với nhau để giúp các chỉ huy đạt được hiệu quả quân sự mà họ mong muốn. Vì vậy, việc nói rằng một số thứ chỉ có vai trò phi chiến đấu có thể gây hiểu lầm. Giống như trong hầu hết các trường hợp thương mại, có những ‘người thực hiện’ và những ‘người tạo điều kiện’ (tham gia vào chiến đấu thông qua bảo vệ, hỗ trợ hậu cần liên tục, v.v.). Do đó, có thể nói rằng khả năng của phương tiện mặt đất không người lái là nhờ vào các hệ thống gắn trên xe của chúng.”
Người phát ngôn của Công ty Pearson Engineering cho biết, dù là nâng cao khả năng tự động hóa thông qua hình thức hỗ trợ của người điều khiển hay thông qua các giải pháp hoàn toàn tự chủ với chế độ “không can thiệp”, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các phương tiện mặt đất không người lái thực hiện nhanh hơn và hiệu quả hơn các nhiệm vụ công binh chiến trường/chiến đấu cùng các hoạt động khác. Các giải pháp như vậy cuối cùng sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ, tạo ra tốc độ tiến công chưa từng có cho lực lượng của ta hoặc đồng minh khi đối đầu với đối thủ, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho con người xuống mức thấp nhất.
Trí tuệ nhân tạo làm thế nào để thích ứng với các phương tiện công binh chiến đấu?
Theo truyền thống, các xe công binh chiến đấu chuyên dụng (CEV) thường có trọng lượng lớn, chi phí đắt đỏ và số lượng mua sắm tương đối ít. Những người biên soạn báo cáo đã nghiên cứu các phương pháp mới nhằm nâng cao khả năng này với chi phí thấp hơn, bao gồm sử dụng các nền tảng nhỏ gọn hơn và phát triển các bộ chuyển đổi/nâng cấp nhanh, cho phép các xe bọc thép tiêu chuẩn thực hiện nhiều nhiệm vụ như phá chướng ngại vật hoặc rà phá bom mìn.
Dù được thực hiện bởi các phương tiện chuyên dụng hay nền tảng cải tiến, công tác công binh, chiến đấu trên chiến trường luôn là nhiệm vụ quan trọng của quân đội hiện đại. Với sự phát triển không ngừng của môi trường tác chiến, lĩnh vực này sẽ tiến triển ra sao? Hiện tại, các xe công binh chiến đấu hoặc xe công binh bọc thép (AEV) đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như phá chướng ngại vật, rà phá bom mìn và hỗ trợ thi công. Chúng còn hoạt động như máy xúc và máy ủi, thực hiện hàng loạt nhiệm vụ hỗ trợ và xây dựng.
Christopher F. Foss, chuyên gia quốc tế hàng đầu về xe bọc thép và hệ thống vũ khí, đồng thời là tác giả của chuyên mục “Lợi thế quyết định: Chiến tranh trên bộ” trên trang web Shephard, cho biết: Mặc dù các xe công binh chiến đấu và xe công binh bọc thép đóng vai trò quan trọng nhưng phần lớn các quốc gia không vận hành các phương tiện chuyên dụng trong lĩnh vực này. Một số ngoại lệ đáng chú ý là “Terrier”, do Quân đội Hoàng gia Anh sử dụng. Đây là ‘một phương tiện rất đắt đỏ và phức tạp, nhưng do tính đa năng, đôi khi nó được ví như ‘dao đa năng Thụy Sĩ’.” Tuy nhiên, thay vì đầu tư vào các xe chuyên dụng, phần lớn các quốc gia chọn cải tiến xe tăng chủ lực hoặc các phương tiện khác, trang bị thêm lưỡi ủi đất, thiết bị rà phá bom mìn hoặc các thiết bị tương tự để đáp ứng yêu cầu công binh.
Foss giải thích: “Về tiềm năng đổi mới trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa trong các khu vực có nguy cơ cao như rà phá bom mìn, thì trong tương lai công nghệ AI sẽ rất đáng quan tâm để xem có thể ‘phù hợp’ áp dụng vào các phương tiện công binh chiến đấu và hoạt động trên chiến trường như thế nào”.
Theo Ray Higgins, sĩ quan phụ trách quản lý công tác công vụ tại Văn phòng Điều hành Dự án Hỗ trợ Chiến đấu và Hậu cần quân đội Mỹ cho biết: tổ chức này đang nghiên cứu khả năng điều khiển từ xa cho xe phá bom M1150 (ABV). Dự án hệ thống điều khiển từ xa cho loại xe này sẽ cung cấp một phương tiện công binh chiến đấu theo dõi đầy đủ, có khả năng phá các bãi mìn và vượt qua các chướng ngại vật phức tạp. Qua đó tăng cường khả năng tiến công nhanh chóng cho các lữ đoàn chiến đấu thiết giáp của quân đội Mỹ. Higgins giải thích rằng, M1150 không chỉ cung cấp khả năng “bù đắp” để giảm thương vong cho binh sĩ, mà còn có thể tích hợp các thiết bị bổ trợ khác như cần cẩu đào, máy ghi đặc điểm dị thường từ tính của phương tiện, hoặc con lăn rà phá bom mìn. Hiện tại, M1150 đang ở giai đoạn phát triển nguyên mẫu và dự kiến sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm, hoàn thiện và thiết kế kỹ thuật trong giai đoạn 2024-2027.
Theo lời của Higgins, phá bom là một trong những hành động nguy hiểm nhất trên mặt đất, đòi hỏi tốc độ cơ động và các phương pháp sáng tạo. Xe đột kích phá chướng ngại M1150 là một hệ thống có tính cơ động cao, đầy đủ bọc thép, được thiết kế để vượt qua các bãi mìn và chướng ngại vật phức tạp. Nó cung cấp khả năng bảo vệ kíp lái và độ bền tương đương với khung gầm của xe tăng chủ lực M1A1 “Abrams”, đồng thời có thể duy trì tốc độ và khả năng cơ động đồng bộ với các lực lượng cơ động.
Chủ đề điều khiển từ xa trong các nhiệm vụ công binh luôn là mối quan tâm quan trọng của quân đội Mỹ. Higgins cũng đề cập đến hệ thống rà phá mìn điều khiển từ xa M160, một loại robot rà phá mìn tấn công nhẹ có thể được điều khiển từ xa bởi binh sĩ, ( chủ yếu dựa vào lớp bọc thép bảo vệ cứng cáp phía trước và các con lăn được trang bị dây xích để loại bỏ mìn. Khi M160 hoạt động, con lăn sẽ quay với tốc độ cao, sử dụng các dây xích để loại bỏ mìn hoặc bom chưa nổ trên đường đi, mở ra một con đường an toàn). Nó được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ rà phá mìn trong tầm nhìn mà không cần sự can thiệp của con người.
Khả năng linh hoạt
Tính thích ứng rõ ràng là một chủ đề then chốt trong các nhiệm vụ công binh chiến trường và chiến đấu ngày nay, và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai. Higgins cũng đã đề cập đến một loạt hệ thống sở hữu khả năng thực hiện nhiệm vụ công binh bọc thép nhưng không được xem là các xe công binh bọc thép hoàn chỉnh. Ví dụ như dòng xe cẩu địa hình đa năng, trong đó mẫu Type II được trang bị bọc thép bảo vệ.
Higgins cho biết, điều này không chỉ cho phép thực hiện các nhiệm vụ theo hướng ngang, dọc và xây dựng công trình công binh, mà còn mang lại năng lực cần thiết cho các đơn vị hỗ trợ chuyên dụng trong việc thực hiện các nhiệm vụ như nâng cao, di chuyển container, đóng cọc, hỗ trợ hậu cần và xây dựng nói chung. Ngoài ra, Công ty Pearson Engineering đã giới thiệu khái niệm bộ điều hợp SLICE, một phương pháp linh hoạt và thích ứng cao nhằm mở rộng khả năng đảm nhận các nhiệm vụ công binh cho nhiều loại phương tiện khác nhau. Những phương tiện này có thể được sử dụng để nâng cấp và sửa chữa cơ sở hạ tầng như công trình, sân bay, đường bộ…
Higgins cũng nhấn mạnh dòng xe máy ủi của quân đội Mỹ, được coi là trang bị quan trọng có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Trong chiến đấu, những phương tiện này có thể cung cấp khả năng xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng, thực hiện các hoạt động phá chướng ngại và xây dựng cầu cho các đơn vị công binh, quân nhu và vận tải.
Ngoài ra, khi giới thiệu về các xe máy xúc hạng nặng của quân đội Mỹ, được trang bị bọc thép bảo vệ, Higgins cho biết: “Những phương tiện này có thể cung cấp khả năng thi công, bảo trì và sửa chữa các cơ sở như sân bay, đường băng, bãi đậu máy bay, các tuyến tiếp tế chính, cơ sở hậu cần, đường xá, bãi đỗ trực thăng, trung tâm điều phối phương tiện, đường sắt và cảng, phục vụ cho các lực lượng cơ động đa lĩnh vực hiện tại và tương lai.”
Các phương tiện khác cũng có khả năng ứng dụng quan trọng trong công binh như máy lu rung, có thể được trang bị bọc thép bảo vệ, và cả máy xúc thủy lực. Higgins cho biết, phần bọc thép bảo vệ cho máy xúc thủy lực được thiết kế với khả năng thích ứng cao cho các nhiệm vụ công binh trên chiến trường. Với khả năng sửa chữa nhanh các sân bay bị hư hỏng, vượt qua các vùng đất ngập nước, thi công đường dây thông tin dưới lòng đất, xây dựng và tháo dỡ các căn cứ, xây dựng rào cản và chướng ngại vật, bảo vệ khả năng sinh tồn, cũng như khả năng sửa chữa cơ sở hạ tầng cần thiết.
Cuối cùng, Higgins đề cập đến máy xúc công binh cơ động cao (HMEE), một thiết bị cũng được trang bị bọc thép bảo vệ. Theo nhận định, các đơn vị công binh chiến đấu, xây dựng và nhảy dù được trang bị máy xúc HMEE-IV có khả năng thực hiện các nhiệm vụ đào đất, tải, vận chuyển đất trên khắp khu vực tác chiến. Những nhiệm vụ này hỗ trợ việc bảo trì hoặc xây dựng sân bay, đường sá, chuẩn bị địa điểm cầu cống, và nhiều hoạt động khác. Qua đó nâng cao năng lực cơ động đa lĩnh vực của quân đội Mỹ hiện tại và tương lai.
Máy đào HMEE-IV có thể di chuyển độc lập với các đơn vị mà không cần rơ-moóc, phù hợp cho việc dọn dẹp đường sá, loại bỏ chướng ngại vật, chặn đường đối phương, và sửa chữa đường dây thông tin. Qua đó góp phần cải thiện tính cơ động, linh hoạt, khả năng triển khai và tính bền vững của các lực lượng quân đội.
Máy đào HMEE-IV có thể di chuyển với tốc độ lên tới 97 km/h trên đường cấp I và 40 km/h trên các tuyến đường cấp II, giúp nó duy trì sự đồng bộ với các hệ thống tác chiến của quân đội Mỹ.
Mở rộng hiệu suất trên chiến trường với phương tiện không người lái
Mặc dù không trực tiếp sản xuất các xe công binh bọc thép, nhưng Công ty General Dynamics Land Systems đang phát triển các phương tiện mặt đất không người lái có thể thực hiện một số nhiệm vụ của loại xe này. Theo Ray Moldova, Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty, họ đang nghiên cứu phát triển một phương tiện robot bánh xích nặng 10 tấn, nhằm hỗ trợ một loạt nhiệm vụ “hạng nặng”. “Phương tiện mặt đất không người lái mang lại nhiều lợi thế trong hỗ trợ phi tác chiến (bao gồm các nhiệm vụ công binh). Bằng cách giảm thiểu số lượng nhân sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, những phương tiện này có thể tạo ra hiệu ứng nhân đôi. Ngoài ra, các nền tảng di động cơ bản, như phương tiện robot bánh xích, có thể trở thành yếu tố đa năng để chỉ huy chiến trường triển khai nhiều năng lực khác nhau, từ đó giảm bớt gánh nặng hậu cần.”
Moldova cho biết, việc cải tiến các xe công binh bọc thép với bộ điều khiển bằng dây và khả năng tự hành sẽ mở rộng đáng kể hiệu suất trên chiến trường. Điều này tương tự như cách mà các phương tiện mặt đất không người lái có thể gia tăng sức mạnh chiến đấu cho các lực lượng trang bị truyền thống.
Một trong những trọng tâm đổi mới trong lĩnh vực công binh chiến đấu là cải tiến phương tiện để đảm nhiệm các nhiệm vụ kỹ thuật, ngay cả khi chúng không được thiết kế cho mục đích này ban đầu. Đại diện của Pearson Engineering nhấn mạnh: “Lực lượng công binh không thể có mặt ở mọi nơi và thường thiếu nguồn tài chính, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và phương tiện trong môi trường xung đột.”
Trong bối cảnh các hoạt động chiến đấu ngày càng chuyển hướng sang đa lĩnh vực, Pearson Engineering đã thúc đẩy một phương pháp linh hoạt, ví dụ như việc sử dụng khái niệm bộ điều hợp SLICE. Phương pháp này cho phép các phương tiện khác nhau đảm nhiệm các nhiệm vụ kỹ thuật, trong khi các xe công binh bọc thép chuyên dụng tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và độ phức tạp lớn.
Theo Pearson Engineering, bộ điều hợp SLICE cung cấp khả năng “plug-and-play”, giúp các xe tăng chủ lực và các xe bọc thép khác có thể lắp đặt, vận hành và tháo dỡ nhanh chóng các thiết bị phía trước, như lưỡi ủi đất hoặc cày phá mìn. Thiết bị này sử dụng một bộ chuyển đổi nhẹ, không yêu cầu chỉnh sửa cố định trên xe, qua đó giữ nguyên khả năng bảo vệ của phương tiện. Có nghĩa là các thiết bị như cày phá mìn, vốn được sử dụng bởi các xe công binh chuyên dụng, giờ đây có thể được trang bị trên xe tăng chủ lực khi cần thiết.
Theo một đại diện khác của Pearson Engineering, việc lắp đặt hoặc tháo dỡ bộ điều hợp SLICE trên xe tăng chủ lực chỉ mất khoảng 15 phút khi sử dụng cần cẩu và các công cụ cơ bản. Các thiết bị phía trước có thể được lắp đặt nhanh chóng trong điều kiện thực địa mà không cần dụng cụ bổ sung. Mặc dù được coi là một giao diện phương tiện đơn giản, nhưng bộ điều hợp SLICE lại là một nhân tố quan trọng, tạo ra lợi thế chiến lược đáng kể trên chiến trường.
Kết luận
Xe công binh bọc thép sẽ tiếp tục tham gia vào những nhiệm vụ như thế nào trong tương lai? Phát ngôn viên của Pearson Engineering nhấn mạnh tiềm năng của trí tuệ nhân tạo và khả năng tự động hóa trong vài năm tới. Các công nghệ này không chỉ mang lại lợi thế về an toàn cho người điều khiển mà còn cung cấp cơ hội đào tạo hiệu quả hơn và mở rộng các năng lực tác chiến.
Phát ngôn viên này cho biết, việc ứng dụng AI và tự động hóa có thể giảm bớt gánh nặng đào tạo cho nhân sự khi các phương tiện kỹ thuật có khả năng tự thực hiện một số nhiệm vụ nhất định. “Vì các nhiệm vụ công binh chiến đấu trên chiến trường luôn tiềm ẩn mối đe dọa và rủi ro, việc sử dụng AI và tự động hóa sẽ tăng cường khả năng bảo vệ cho lực lượng công binh, vì chúng giúp tạo ra khoảng cách an toàn hơn giữa công binh và khu vực giao tranh.”
Mặc dù xe công binh bọc thép chuyên dụng có thể vẫn là ngoại lệ thay vì trở thành tiêu chuẩn phổ biến, nhưng sự xuất hiện của các lựa chọn điều khiển từ xa và không người lái sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhiều nhà sản xuất hơn. Bên cạnh đó, việc trang bị bọc thép cho các phương tiện thi công và tích hợp các bộ chuyển đổi nhiệm vụ kỹ thuật vào các xe chiến đấu bọc thép tiêu chuẩn sẽ mở rộng đáng kể khả năng sử dụng các xe công binh bọc thép trên toàn cầu./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Gerard Cowan là phóng viên quốc phòng kỳ cựu của trang mạng Shephard Defence (Anh).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]