Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 09/9/2023 tại Ấn Độ với kỳ vọng sẽ đạt được sự thống nhất thiện chí giữa các thành viên về các vấn đề nóng của toàn cầu hiện nay. Hội nghị lần này có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia G20 và 9 quốc gia khách mời (Bangladesh, Ai Cập, Tây Ban Nha, Mauritius, Nigeria, Hà Lan, UAE, Oman và Singapore). Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng như vậy, điều ngạc nhiên là hai nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng toàn cầu gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trước đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định không tham dự hội nghị. Điều này có gì bất thường?
Bối cảnh diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi (Ấn Độ), một số sự kiện đã và đang diễn ra có thể góp phần lý giải vấn đề.
Thứ nhất, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi đã diễn ra với kết quả tương đối tích cực. Ngày 24/8/2023, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg (Nam Phi) đã kết thúc thành công với nhiều định hướng lớn đã được thống nhất. Đáng chú ý là quyết định mở rộng thành viên của cơ chế hợp tác này, theo đó BRICS đã đi đến quyết định mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành thành viên chính thức của nhóm kể từ ngày 01/01/2024. Ngoài ra, theo một số báo cáo đã có hơn 40 quốc gia hy vọng được tham gia cơ chế hợp tác BRICS, trong đó có 23 nước đã chính thức nộp đơn gia nhập[1]. Với những kết quả này, về cơ bản, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, Nga cũng như các nước thành viên trong nhóm đều đã đạt được.
Thứ hai, việc Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn 2023” của nước này là một động thái mâu thuẫn với những nỗ lực của Bắc Kinh tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS. Liên quan tới tấm bản đồ tiêu chuẩn mới, Trung Quốc không chỉ tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước Đông Nam Á và Ấn Độ mà còn biến Nga trở thành “nạn nhân mới” trong tham vọng của Bắc Kinh. Sự việc ngay lập tức dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của các nước liên quan, trong đó bao gồm một số quốc gia thành viên G20. Mặc dù động thái gây căng thẳng của Trung Quốc không gây bất ngờ, nhưng nó đã đặt ra sự hoài nghi đáng kể của thế giới đối với chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh.
Thứ ba, cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ không tìm được lối thoát. Quan hệ Mỹ – Trung trong năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, mức độ căng thẳng tiếp tục được đẩy thêm một nấc thang mới. Sự gia tăng mâu thuẫn liên quan mật thiết tới cuộc cạnh tranh chiến lược có quy mô toàn cầu của hai siêu cường. Xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc có thể được nhận ra tại hầu hết các vấn đề của khu vực cũng như toàn cầu, từ eo biển Đài Loan mở rộng ra toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho tới cuộc đua tranh mở rộng ở Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Một loạt quan chức Mỹ đã tới thăm Trung Quốc kể từ đầu năm 2023, tuy nhiên, không có kết quả tích cực nào đã được ghi nhận. Trong bối cảnh như vậy, cả Bắc Kinh và Washington đều không có nhiều cơ sở để có thể gặp gỡ, đàm phán trên tinh thần thiện chí nhằm tìm kiếm một giải pháp tích cực.
Thứ tư, xung đột toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã trải qua 18 tháng giằng co. Biểu hiện trên chiến trường cũng như các động thái chính trị cho thấy cuộc chiến sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Các giải pháp hòa bình đều đi đến bế tắc do khó có thể đạt được sự thống nhất về lợi ích của tất cả các bên liên quan. Trong khi đó, ngọn lửa xung đột đang có nguy cơ bùng phát ở châu Phi. Cuộc khủng hoảng tại Niger đang tạo ra “hiệu ứng domino” lan rộng ở Tây và Trung Phi, mới nhất là trường hợp của Gabon. Các sự kiện nối tiếp nhau đang đặt châu Phi vào trạng thái có thể nổ ra cuộc “cách mạng” quy mô lớn chưa từng có kể từ sau “năm châu Phi” (1960). Một cuộc khủng hoảng quy mô lớn như vậy có thể khiến chiến lược toàn cầu của các nước lớn phải thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là các nước châu Âu vốn đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc xung đột tại Ukraine. Việc chịu tác động kép của hai cuộc khủng hoảng lớn sẽ đặt ra những thách thức vô cùng lớn với lục địa già. Dĩ nhiên, quan điểm lợi ích của các bên sẽ khó có thể được dung hòa trong các cơ chế hợp tác đa phương mà G20 là một trong số đó.
Nhìn chung, loạt sự kiện đã nêu đều có tác động không nhỏ tới quan hệ của Trung Quốc đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các bên sẽ có mặt trong Hội nghị Thượng đỉnh G20. Và chúng có thể góp phần hé mở phần nào lý do vì sao ông Tập Cận Bình quyết định không tới Ấn Độ.
Nguyên nhân khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham gia Hội nghị G20
Từ những phân tích về bối cảnh, bước đầu có thể đưa ra một số nhận định về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 như sau:
Một là, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ không đem lại những kết quả tích cực mới và thực chất. Nếu nhìn vào danh sách các thành viên của nhóm G20, dễ dàng có thể thấy ba lực lượng chính của nhóm gồm: các thành viên G7 đại diện cho thế giới phương Tây; các nước BRICS đại diện của các nền kinh tế lớn mới nổi; và các nền kinh tế đáng kể còn lại có mối liên hệ mật thiết với G7 và BRICS. Nói cách khác, G20 thực chất là sự kết hợp của G7+ và BRICS+. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, G7 và BRICS đang lựa chọn hai con đường phát triển hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, quan hệ căng thẳng giữa các nước có vai trò chủ chốt của hai nhóm đang ngày càng gia tăng, việc có thể đạt được đồng thuận về những giải pháp tháo gỡ các vấn đề quan trọng của toàn cầu vào thời điểm này là không cao, nếu không muốn nói là không thể. Thực tế kết quả Hội nghị cũng đã cho thấy điều đó.
Ví dụ, cả Nga và Trung Quốc đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ trong thời gian gần đây. Đối với Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” đang đẩy quan hệ của họ với phương Tây vào thế đối đầu trực diện. Trên thực tế, cuộc chiến tại Ukraine không đơn thuần là cuộc xung đột quân sự giữa Moskva và Kiev, mà ở nhiều góc độ, đây còn là cuộc chiến mở rộng giữa Nga và cả thế giới phương Tây. Cho đến khi hai bên tìm được tiếng nói chung và đưa ra một giải pháp cụ thể nhằm dung hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan, những cuộc gặp gỡ “vô nghĩa” với các đối thủ trên các diễn đàn đa phương không phải là lựa chọn ưu tiên của Moskva. Điều này cũng tương tự đối với Bắc Kinh, khi Trung Quốc đang có những “vướng mắc” với nhiều nước thành viên G20. Điều này khiến ông Tập Cận Bình không có “hứng thú” với Hội nghị tại Ấn Độ.
Hai là, khả năng cao hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga có thể có một kế hoạch làm việc riêng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là nhà lãnh đạo duy nhất không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 lần này. Và người đầu tiên thông báo không tham dự chính là Tổng thống Nga Putin. Việc hai nhà lãnh đạo cùng tuyên bố vắng mặt khó có thể coi là một sự việc ngẫu nhiên, mang tính tình cờ. Và chắc chắn điều này sẽ gây ra sự chú ý cho cộng đồng nghiên cứu toàn cầu. Điều đáng quan tâm ở đây là vào ngày 01/9/2023, hãng Thông tấn TASS (Nga) đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, ông Putin nói rằng: Chúng ta sẽ sớm có các sự kiện và sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Tập Cận Bình)[2]. Cơ sở này cho thấy khả năng hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc có kế hoạch trao đổi riêng với nhau là hoàn toàn có thể. Trong hoàn cảnh hiện tại, rõ ràng một chương trình làm việc song phương như vậy sẽ có giá trị hơn nhiều so với một cuộc họp đã được dự báo trước là không có kết quả thực chất nào đáng kể.
Ba là, sự thành công của BRICS đã làm lu mờ vai trò của G20 trong chiến lược của Trung Quốc. Về cơ bản, các tham vọng của Trung Quốc đã được gửi gắm trong các quyết sách chung tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ở Nam Phi trong tháng 8 vừa qua. Sức hút của BRICS đối với các quốc gia “phi phương Tây” đã được thể hiện rất rõ qua số lượng quốc gia có khả năng tham gia trong tương lai. Hơn nữa, ngay sau Hội nghị BRICS, động thái công bố “bản đồ tiêu chuẩn 2023” của Trung Quốc đã gây phẫn nộ đối với nhiều quốc gia có mặt tại Hội nghị G20 lần này. Việc xuất hiện tại Hội nghị và chịu sự chỉ trích của những người đồng cấp rõ ràng là không cần thiết đối với ông Tập Cận Bình.
Liên quan đến hai nguyên nhân vừa nêu, Wen-Ti Sung, nhà chính trị học tại Đại học Quốc gia Australia, chỉ ra rằng việc ông Tập Cận Bình không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngay sau khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, có thể là một minh họa trực quan cho câu chuyện của ông về một “Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang sụp đổ”, đồng thời thể hiện tình đoàn kết của ông với Tổng thống Nga Putin, người cũng không tham dự sự kiện này[3].
Ngoài các nguyên nhân đã nêu, những vấn đề bên trong nội bộ của Trung Quốc cũng có thể trở thành động lực giữ chân ông Tập Cận Bình không đi tới Ấn Độ trong hai ngày 9-10/9.
Tác động tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ
Đối với cơ chế hợp tác G20, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ngoài ra còn có Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm giảm giá trị của các chương trình nghị sự tại Hội nghị, đồng thời cho thấy vai trò của G20 trong các vấn đề quốc tế đương đại bị suy giảm đáng kể. Sự thiếu vắng của hai nhân vật lớn nhất của Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ góp phần vào sự bế tắc chung của G20 trong các vấn đề nổi cộm trên bình diện toàn cầu đương đại. Động thái này cũng báo trước những kết quả đạt được của Hội nghị diễn ra tại New Delhi sẽ không như kỳ vọng ban đầu của Ấn Độ. Xu hướng hợp tác, hòa bình và ổn định toàn cầu sẽ tiếp tục gặp phải những thách thức lớn khi nhóm các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu không tìm được tiếng nói chung. Đồng thời, những gì sẽ diễn ra cũng đang cho thấy, G20 là một cơ chế hợp tác đa phương có vai trò thấp trong hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu đương đại.
Đối với các quốc gia thành viên, nhiều nhà lãnh đạo các nước có kế hoạch gặp gỡ bên lề với ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ tỏ ra thất vọng. Kế hoạch chỉ trích Trung Quốc của các nước có mâu thuẫn chủ quyền với nước này sẽ không diễn ra như ý muốn. Thay vào đó, việc hướng chỉ trích vào Thủ tướng Lý Cường, người có vai trò quyền lực thấp hơn là điều không mấy giá trị. Điều này phần nào cũng sẽ làm giảm tinh thần cũng như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ ra thất vọng đối với sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Biden nói rằng ông thấy thất vọng nhưng sẽ tìm cách gặp ông Tập Cận Bình[4]. Trong khi đó, Chính phủ Đức cũng lấy làm tiếc vì quyết định không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình[5].
Tương lai G20 nhìn từ Hội nghị tại New Delhi
Đã từ khá lâu trước đây, những hoài nghi về vai trò của G20 đã xuất hiện. Tác giả Nouriel Roubini trong một bài viết trên trang Project Syndicate đã nhận định rằng: G-20 đã trở thành một diễn đàn quan liêu, nơi có nhiều thảo luận nhưng lại có rất ít sự đồng thuận[6]. Cho đến nay, thực tế vẫn vậy, so với các cơ chế đa phương có ít thành viên hơn, ví dụ như G7 hay BRICS – nơi tập hợp các thành viên có nhiều điểm tương đồng, việc tìm kiếm sự đồng thuận cũng như biến các đồng thuận thành hành động cụ thể của G20 vẫn tỏ ra mỏng manh. Rõ ràng, với đặc điểm như vậy, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới có thể sẽ không xem trọng G20, biến nó trở thành một cơ chế hợp tác mang tính hình thức, có hay không có cũng không quá khác biệt.
Trong những năm gần đây, sức hút của các cơ chế đa phương nhỏ hơn với số lượng thành viên ít hơn đang ngày một lớn. G7 và BRICS vẫn là hai nhóm có tiếng nói lớn nhất đại diện cho hai thế giới “phương Tây” và “phi phương Tây”. Ngoài ra, nhiều cơ chế hợp tác khu vực cũng đang hoạt động có hiệu quả. Điều này khiến G20 ngày càng bị lu mờ, ít nhận được sự coi trọng của quốc tế.
Mặt khác, tình hình căng thẳng, xung đột toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Mâu thuẫn giữa các chủ thể trong hệ thống quan hệ quốc tế là một rào cản lớn cho hoạt động của G20. Bởi một thực tế rằng, các xung đột trên bình diện toàn cầu hiện nay đều liên quan tới mối quan hệ lợi ích phức tạp giữa các nước thành viên nhóm này. Trong khi đó, G20 lại hoàn toàn không có cơ chế ràng buộc các thành viên nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết mâu thuẫn. Việc một cơ chế hợp tác đa phương tồn tại nhưng không có khả năng đạt được thống nhất về các giải pháp mang tính toàn cầu là điều hoàn toàn vô nghĩa. Thậm chí, việc tham dự vào các cơ chế này có thể đem lại rủi ro lớn đối với một số quốc gia thành viên. Đơn cử như vấn đề an toàn cho các nhà lãnh đạo cấp cao.
Có vẻ như, G20 đang ở giai đoạn khủng hoảng định hướng phát triển. Định hướng cũ khiến cơ chế này hoạt động không hiệu quả, khó có thể có tiếng nói chung giữa các thành viên. Trong khi đó, việc xây dựng một định hướng mới có thể giúp G20 cạnh tranh được với các cơ chế đa phương khác lại chưa được xây dựng. G20 đang đứng trước nguy cơ trở về G0, tức là bị khai tử trong tương lai. Hoặc nếu tồn tại, nó vẫn sẽ là một cơ chế mang tình hình thức, không mang lại nhiều giá trị cho toàn cầu. Thay vào đó, G20 chỉ là nơi các bên liên quan tranh thủ có những tương tác bên lề./.
Tác giả: Hoàng Hải
Mọi ý kiến trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] 俞邃 (2023), 金砖国家扩员的特殊重大意义, 国际网, 01/9/2023, truy cập ngày 5/9/2023, http://comment.cfisnet.com/2023/0901/1328542.html
[2] ТАСС (2023), Путин сообщил, что скоро встретится с Си Цзиньпином, 01/9/2023, truy cập 05/9/2023, https://tass.ru/politika/18638929
[3] Martin Quin Pollard, Laurie Chen and Liz Lee (2023), “Xi to skip G20 summit in India, China to send Li instead”, Reuters, 04/9/2023, truy cập ngày 06/9/2023 https://www.reuters.com/world/china-says-premier-li-will-attend-g20-summit-2023-09-04/
[4] Jeff Mason (2023), “Biden says he’s disappointed that Xi will not attend G20 summit”, Reuters, 04/9/2023, truy cập ngày 06/9/2023, https://www.reuters.com/world/biden-says-disappointed-chinas-xi-will-not-attend-g20-summit-2023-09-03/
[5] Reuters World News (2023), German government “regrets” decision of China’s Xi not to attend G20, 04/9/2023, truy cập ngày 06/9/2023, https://www.anews.com.tr/world/2023/09/04/german-government-regrets-decision-of-chinas-xi-not-to-attend-g20
[6] Nouriel Roubini (2011), “Our G-Zero World”, Project Syndicate, 11/02/2011, truy cập ngày 05/9/2023, https://www.project-syndicate.org/commentary/our-g-zero-world-2011-02