Xung đột ở dải Gaza đã diễn ra gần hai tháng kể từ thời điểm Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 07/10/2023. Cuộc chiến này đã bộc lộ ra nhiều vấn đề đối với quốc gia của người Do Thái, từ việc làm thay đổi nhận thức về sự “bất khả xâm phạm” của Israel với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn “vòm sắt” tiên tiến cho tới năng lực tổ chức chiến tranh đáp trả của lực lượng phòng vệ Israel (IDF). Và một khía cạnh khác cũng đang dần được cảm nhận rõ, đó là tiềm lực kinh tế của quốc gia này liệu có đáp ứng được cho một cuộc chiến lâu dài hay không? Rõ ràng, cuộc tấn công của Hamas đã tạo ra một cuộc chiến vô cùng tốn kém đối với nền kinh tế Israel. Khiến quốc gia Do Thái này không thể không phát động chiến tranh, nhưng đồng thời lại lâm vào tình thế khó khăn trong việc làm thế nào để duy trì chiến tranh khi cuộc chiến này đang tạo ra một gánh nặng khổng lồ đối với nền kinh tế.
Cuộc chiến tốn kém và dai dẳng
Chỉ huy quân sự người Ý Gian Giacomo Trivulzio (1440-1518) từng tuyên bố: “Chiến tranh đòi hỏi ba thứ: tiền, tiền và nhiều tiền hơn nữa”. Nhân vật này tuy không được đánh giá tích cực, thường thiếu nghiêm túc, nhưng ông ta đã đi thẳng vào vấn đề. Hiện tại, người Israel đã bị lôi kéo vào cuộc chiến kéo dài với Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas. Đó là một thực tế. Việc chiếm đóng Dải Gaza đang tiêu tốn 250 triệu USD mỗi ngày (thậm chí có nguồn tin ước tính tới 270 triệu USD/ngày). Cần phải hiểu rằng nhà nước Israel cực kỳ mong manh để tiến hành chiến tranh. Nguyên nhân nằm ở những điểm sau:
Thứ nhất, việc thiếu chiều sâu phòng thủ chiến lược khiến nước này hầu như không có cơ hội ứng phó trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn. Thay vào đó, họ phải thích nghi và thường sử dụng chiến thuật tấn công phủ đầu ngay cả khi kẻ thù chưa hiện diện một cách rõ ràng. Vì điều này, Israel thường xuyên tấn công Syria, Palestine, Lebanon, Iraq và các đối thủ khác.
Thứ hai, Israel không muốn một cuộc chiến lâu dài vì đặc thù của nền kinh tế. Chính xác hơn là tổ hợp công nghiệp quân sự không thể hoạt động nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Khi nói về những loại vũ khí tiên tiến được sản xuất tại Israel, thì người ta nên nhớ đến việc ai sẽ trả tiền cho những điều đó.
Người Mỹ chi từ 3 đến 5 tỷ USD để hỗ trợ khả năng phòng thủ của Israel. Ngay khi cuộc tấn công của Hamas diễn ra, Thủ tướng Israel – Netanyahu đã ngay lập tức yêu cầu Tổng thống Mỹ Biden 10 tỷ USD. Nếu áp dụng số tiền này vào mức chi tiêu hiện tại của Lực lượng Phòng vệ Israel, số tiền sẽ chỉ đủ cho một cuộc chiến kéo dài một tháng rưỡi đến hai tháng. Nhưng đến nay, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Israel buộc phải vay mượn từ người dân – trái phiếu cho vay của chính phủ được phát hành cho chiến tranh ở mức kỷ lục 6%. Đó là một con số không nhỏ, xuất phát từ rủi ro quân sự và nhu cầu cấp bách về tài chính.
Tổng cộng, nó được lên kế hoạch huy động tới 6 tỷ USD. Khoảng một tháng chiến tranh nữa. Hiện vẫn chưa rõ sau đó sẽ như thế nào. Nhưng người ta biết rằng việc trả đũa Hamas và các tội ác chiến tranh liên quan chống lại người Palestine đã và đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Israel.
Có một số lý do cho tình trạng này. Hiện tại, không ai có thể nói ông Netanyahu dự định làm gì nếu như giành được chiến thắng ở Dải Gaza, mặc dù khả năng đó không mấy chắc chắn.
Nếu tính đến việc chiếm đóng hoàn toàn lãnh thổ, điều này có nguy cơ gây thiệt hại hàng tỷ USD trong tương lai. Nền kinh tế của Israel không giống như Mỹ và một cuộc chiến kéo dài không có khả năng kích thích tăng trưởng GDP cũng như thu nhập của người dân. IDF nhận được một phần đáng kể vũ khí từ nước ngoài, ngay cả khi họ trả tiền bằng trợ cấp của Mỹ. Các thiết bị sản xuất trong nước thường không thể thiếu linh kiện nhập khẩu, chẳng hạn như Merkava có động cơ General Dynamics. Nếu thu nhập toàn dân tiếp tục giảm dần trong tương lai, sẽ có rất ít nhà đầu tư quan tâm đến Israel.
Ngay cả trước khi bắt đầu hoạt động quân sự trên bộ, Ngân hàng Trung ương Israel đã dự đoán GDP của nước này sẽ giảm từ 3% xuống 2,3% trong năm nay. Tăng trưởng năm tới có thể sẽ là 2,8%.
Kinh tế Israel khó có thể trụ vững nếu chiến tranh kéo dài
Cho đến gần đây, nền kinh tế Israel được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Kể từ năm 1997, quốc gia này đã có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn các nước phát triển. Vào năm 2021–2022, GDP đã có bước tăng trưởng nhảy vọt ấn tượng từ 6-8,5%. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới tăng trưởng ở mức trung bình 2,4%.
Ngay cả trước cuộc xung đột với người Palestine ở Dải Gaza, các nhà phân tích đã dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của Israel sẽ suy giảm xuống còn 3-3,5%. Chiến tranh có thể làm xấu đi đáng kể tình hình kinh tế.
Tính dễ bị tổn thương nằm ở phần lớn lĩnh vực công nghệ cao. Israel đứng thứ 16 về chỉ số đổi mới toàn cầu. Người Israel thậm chí còn xây dựng Thung lũng Silicon của riêng mình dưới cái tên Silicon Wadi. Ví dụ, vào năm 2021, đất nước đã trở nên giàu có nhờ 20 công ty khởi nghiệp hùng mạnh với tổng giá trị một tỷ đô la.
Khí hậu thoải mái, nền kinh tế cởi mở và điều kiện kinh doanh thuận lợi luôn thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Xét về mật độ doanh nghiệp đổi mới bình quân đầu người, Israel đứng thứ hai trên thế giới, xếp sau Mỹ.
Đến năm 2022, một phần đáng kể ngân sách được cung cấp bởi các “Startup Kỳ lân”, tức là có giá trị thị trường hơn một tỷ đô la. Ví dụ, StarkWare Industries, chuyên về mật mã và blockchain, trị giá hơn 8 tỷ USD. Hay như Forter, chuyên giải quyết vấn đề an ninh mạng.
Có vẻ như người Israel đã làm tốt và nền kinh tế của họ đã đạt được những chỉ số ấn tượng. Nhưng lập trình viên là những người rất nhạy cảm và dễ dàng thay đổi công việc. Bất kỳ công ty khởi nghiệp nào ở Israel đều có thể di dời đến một nơi nào đó (ví dụ như ở Síp) một cách dễ dàng và tự nhiên. Đặc biệt là những tỷ phú “kỳ lân”, họ có rất nhiều thứ để mất và khó có thể giữ chân những người này trong điều kiện chiến tranh leo thang và kéo dài.
Do đó, nếu nền kinh tế nào đó dựa trên các công ty khởi nghiệp công nghệ thông tin (cụ thể như trường hợp của Israel), hãy chuẩn bị cho cuộc di cư hàng loạt của họ trong trường hợp chiến tranh.
Tình hình cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi danh tiếng gây tranh cãi của Israel, nổi lên sau vụ thảm sát thường dân Palestine ở Dải Gaza. Đối với nhiều nhà đầu tư, tiền có thể tách rời vấn đề nhân đạo, nhưng một số nhà đầu tư khác chắc chắn sẽ bỏ đi.
Israel sẽ buộc phải thu hút một nguồn tiền mới với lãi suất tăng cao. Ví dụ, khoản vay 6 tỷ nói trên với mức lãi suất 6% mỗi năm. “Lãi suất cao” đối với nhà nước cũng sẽ tạo ra áp lực đối với người nộp thuế thông thường.
Thời gian và những kết quả của chiến sự ở Dải Gaza sẽ cho thấy thực lực của Israel. Tình huống đang giống như rơi vào ngõ cụt. IDF sẽ không thể thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn đối với khu vực này, mà sẽ chỉ gây ra sự suy giảm chưa từng có về mức sống của người Palestine. Điều đó vốn không xuất hiện dưới sự kiểm soát của Hamas hay bất kỳ nhóm nào thay thế họ. Kết quả là, dòng tân binh gia nhập các phong trào kháng chiến chống người Do Thái sẽ chỉ có một xu hướng – là gia tăng. Và cùng với họ, tội ác chiến tranh của Israel sẽ tiếp diễn. Tuy nhiên, đó là viễn cảnh trong tương lai, trước khi lo đến điều đó, Israel sẽ phải đương đầu với những thách thức hiện tại.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh du lịch ở Israel đã ngưng trệ. Trong khi đó, dịch vụ đang lên cơn sốt và nhiều công trình xây dựng đang được thi công rầm rộ. Có rất nhiều yếu tố đang tác động tới nền kinh tế có quy mô GDP gần 500 tỷ USD. 300.000 người Israel (thuộc lực lượng dự bị) đã được huy động cho cuộc chiến – con số này là rất nhiều đối với dân số 9,5 triệu người của cả nước. Nguồn lao động đang thiếu hụt trầm trọng, ngay cả nền kinh tế công nghệ cao nhất cũng không thể đưa ra giải pháp thay thế.
Nếu Dải Gaza bị chiếm đóng trong thời gian dài thì sẽ cần một đợt huy động khác. Nhưng vấn đề chính nằm ở trạng thái không chắc chắn của cuộc chiến. Hiện nay hầu hết người Israel tin vào chiến thắng nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong khi đó, nền kinh tế nước này đã thiệt hại hơn 8 tỷ USD chỉ trong một tháng rưỡi. Đối với nền kinh tế lớn thứ 29 trên thế giới, điều này là nghiêm trọng.
Có vẻ như Dải Gaza sẽ bị xe tăng và máy bay Israel phá hủy hoàn toàn một cách có chủ đích. IDF có thể sẽ đánh bại người Palestine thậm chí muốn đưa họ trở về thời kỳ đồ đá. Bất cứ ai cũng không mong muốn đối thủ của mình ở bên cạnh dù nhà nước của đối thủ có thể bị phá hủy, nhưng ở Israel, đây chính xác là điều họ đang cố gắng đạt được. Không thể tính được cần bao nhiêu tỷ USD để trấn áp người hàng xóm cũng như dành cho việc bồi thường thiệt hại tài sản thế chấp.
Tất nhiên, người Mỹ sẽ giúp đỡ, nhưng chỉ đủ để giữ cho Israel tồn tại. Mức tăng kỷ lục về GDP trong năm 2021–2022 có thể sẽ chỉ còn là quá khứ. Thời hoàng kim của nền kinh tế Israel đã qua, khó có thể trở lại trạng thái đó trong bối cảnh xung đột kéo dài. Trong nhiều thập kỷ, Israel đặt chính sách đối ngoại dựa trên việc bành trướng và xua đuổi người Palestine ra khỏi vùng đất của họ mà hầu như không bị trừng phạt. Đã đến lúc phải trả tiền, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Tác giả: Evgeny Fedorov/topwar.ru
Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản quyền dịch thuật thuộc về dịch giả, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mai: [email protected]