Trong hai thập kỷ gần đây, Israel đã tránh đưa ra các lựa chọn mang tính chiến lược trong việc đối phó với các lực lượng thù địch xung quanh mình. Thay vào đó, họ dựa vào khả năng răn đe để giảm thiểu mối đe dọa trong khi vẫn chấp nhận sự hiện diện của các địch thủ. Hiện tại, dường như mục tiêu ưu tiên của Israel là quét sạch Hamas ra khỏi dải Gaza. Tuy nhiên, nước này không thể tránh khỏi tình trạng phải vật lộn với câu hỏi “nếu sự răn đe đó thất bại thì sẽ ảnh hưởng gì đối với vấn đề an ninh trong tương lai.”
Tuy nhiên, đòi hỏi chiến lược cấp bách nhất đối với Israel không phải là thu hút sự chú ý của các nước phương Tây. Thay vào đó, việc xác định các giải pháp củng cố lại khả năng răn đe chống lại các lực lượng đối nghịch vốn được Iran hậu thuẫn, chủ yếu là Hezbollah ở phía bắc là những thách thức cấp bách hơn. Trì hoãn những hoạt động hoặc theo đuổi các mục tiêu nhỏ hơn ở phía nam, đồng thời giải quyết mối đe dọa ở phía bắc bằng cách đánh phủ đầu nếu cần thiết có thể giúp khôi phục an ninh của Israel hiệu quả hơn là triển khai một cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ chống lại Hamas. Việc này cũng sẽ câu giờ để phát triển các phương án khả thi hơn cho việc kiểm soát dải Gaza trong tương lai.
Dù chính phủ Israel quyết định như thế nào thì việc thực hiện một chiến dịch nam-bắc song song (twin north-south strategies) sẽ cần đến sự trợ giúp của Mỹ, thậm chí vượt xa những gì đang được bàn tới hiện nay, không chỉ trợ giúp về mặt tiếp tế trang thiết bị mà đặc biệt là các vỏ bọc chính trị và thông điệp răn đe chống lại Iran cũng như Hezbollah.
Chiến lược bất hợp lý
Cách tiếp cận trong việc chống lại các kẻ thù của Israel cho thấy sự thiếu tính toán trong chiến lược tổng thể. Một nhóm chỉ huy quân sự đã nghỉ hưu của Mỹ đã viết trong một nghiên cứu của Viện An ninh Quốc gia Mỹ về cuộc xung đột Israel-Hamas năm 2021 rằng: “điểm đáng chú ý nhất của cuộc xung đột ở Gaza là sự không phù hợp về mặt chiến lược giữa các mục tiêu chiến thuật và những hoạt động quân sự thuần túy của Israel nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas, vốn chủ yếu được hỗ trợ bởi những tiến bộ đáng kể trong việc xác định và tấn công mục tiêu một cách chính xác cũng những thông tin về mục tiêu chiến lược của họ.”
Mặc dù vậy, Israel cũng không thiếu một chiến lược nhằm đối phó với các thế lực thù địch như Hamas, vì nước này đã chọn một cách tiếp cận bất hợp lý: dung túng cho sự hiện diện của các nhóm trên và dựa vào khả năng răn đe để kiểm soát sự leo thang. Hiện tại, Israel dự tính rằng sẽ không có chiến lược khả thi nào để đạt được chiến thắng trước những kẻ thù đang cố thủ ở phía nam (Hamas và Hồi giáo Thánh chiến Palestine) và phía bắc (Hezbollah) do tác động của nhiều yếu tố.
Trước tiên, có rất nhiều mối đe dọa mà Israel đang và sẽ phải đối mặt. Chẳng hạn, thực hiện bất cứ nước đi nào khác ở Gaza sẽ đòi hỏi phải chuyển hướng các khả năng và nguồn lực, điều có thể khiến Israel phải hứng chịu một cuộc tấn công tàn khốc hơn từ phía bắc. Thứ hai, họ thiếu các lựa chọn chiến lược tốt. Nếu cơ sở của cuộc chống nổi dậy là “dẹp loạn, giữ vững, củng cố” thì chính phủ Israel coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm “giữ vững” và “củng cố” ở các vùng lãnh thổ là đang bị đối thủ chiếm đóng là một kết quả chiến lược còn tồi tệ, hơn là chỉ tập trung vào các chu kỳ lặp đi lặp lại của các cuộc nổi dậy “dẹp loạn”. Israel đã thất bại trong việc thay đổi chế độ ở Lebanon vào năm 1982, họ muốn đơn phương rút khỏi Gaza vào năm 2005 hơn là tiếp tục chiếm đóng nơi này, cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006 của họ cũng đã gặp phải những thiếu sót trong hoạt động và sự thiếu quyết đoán về mặt chiến lược. Israel dường như không muốn lặp lại bất kỳ kịch bản nào trong số này. Cũng không có chủ thể nào khác có thể thay thế Hamas ở Gaza mà Mỹ có thể dựa vào như Lực lượng Dân chủ Syria sau khi Nhà nước Hồi giáo bị quét khỏi Raqqa.
Vì vậy, chính phủ Israel đã đưa ra một lựa chọn, thay vì một chiến lược đối phó với những mối đe dọa dai dẳng này là những biện pháp nhằm ngăn chặn chúng càng lâu càng tốt.
Sự răn đe biến mất
Trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023, khả năng răn đe của Israel đã được xây dựng trên ba trụ cột.
Điều đầu tiên và rõ ràng nhất là “sự phủ nhận” (denial). Lực lượng Phòng vệ Israel dựa vào sự ưu thế về hoạt động tình báo của mình để làm suy giảm và phá hủy tiềm lực, cơ sở hạ tầng và khả năng lãnh đạo của Hamas dựa trên niềm tin rằng việc sử dụng vũ lực đều đặn là đủ để buộc Hamas phải đánh giá lại tác động của cuộc tấn công, ít nhất là cho đến khi họ hồi phục trước các tác động của Israel.
Yếu tố thứ hai trong khả năng răn đe của Israel là niềm tin vào đặc tính chuyển tiếp của sự phủ nhận. Nghĩa là bằng cách tiêu diệt các lực lượng thù địch, các nhà lãnh đạo quốc phòng của Israel tin rằng họ đang gửi thông điệp răn đe đến các địch thủ khác. Các quan chức cấp cao của Israel đã mô tả logic của các hoạt động gần đây chống lại Hồi giáo Thánh chiến Palestine (vào tháng 8/2022 và tháng 5/2023) không chỉ làm suy giảm khả năng của họ mà còn thông qua hiệu quả vượt trội và các cú sốc của các hoạt động quân sự để củng cố khả năng răn đe chống lại Hamas và Hezbollah.
Trụ cột thứ ba trong cách tiếp cận về sự răn đe của Israel là giả định được đưa ra bởi các lãnh đạo cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Israel rằng các đối thủ của họ cũng là những thực thể chính trị quan tâm đến việc duy trì sự ủng hộ của người dân và do đó dễ sử dụng cây gậy và củ cà rốt kinh tế nhằm tạo ra sự ổn định. Ví dụ, sau cuộc xung đột năm 2021, Israel bắt đầu cho phép người Gaza vào Israel để nỗ lực mang lại cho Hamas một phần trong việc duy trì hòa bình. Các quan chức tình báo Israel cũng đưa ra lập luận rằng thủ lĩnh của Hezbollah, Hassan Nasrallah có thể cân nhắc mạo hiểm vị thế của mình với tư cách là chủ thể chính trị mạnh nhất ở Lebanon bằng cách tham gia vào các cuộc chiến quân sự quy mô lớn với Israel.
Trong một thập kỷ rưỡi, cách tiếp cận răn đe này của Israel đã có hiệu quả. Với cuộc tấn công quy mô lớn trên không, trên bộ và hải quân mà Hamas phát động vào ngày 7/10/2023 vừa rồi, nó đã sụp đổ. Hóa ra tiềm lực của Hamas đã được nâng cao đáng kể chứ không hề suy giảm. Các hoạt động gần đây của Israel chống lại lực lượng Hồi giáo Thánh chiến Palestine đã không làm được gì để ngăn chặn kế hoạch xung đột của Hamas. Nhưng nếu học thuyết răn đe của Israel không chống lại được Hamas thì họ cũng không thể lạc quan rằng nó sẽ chống được Hezbollah. Do đó, Israel bây giờ nên đưa ra một cách tiếp cận chiến lược mới để định hướng phản ứng của mình, không chỉ với mối đe dọa từ Gaza mà còn với mối đe dọa tiềm tàng nguy hiểm hơn từ Hezbollah, thậm chí là Iran.
Ai nắm giữ dải Gaza?
Tại Gaza, sự sụp đổ của chiến lược răn đe chống lại Hamas có nghĩa là Israel không còn có thể chịu đựng được sự hiện diện của Hamas và chỉ hy vọng đạt được hòa bình thông qua các đợt không kích và các biện pháp khuyến khích kinh tế. Nội các an ninh của Israel đã tuyên bố một ngày sau cuộc tấn công của Hamas rằng mục tiêu của Israel hiện nay là “tiêu diệt quân đội và khả năng kiểm soát của Hamas cũng như lực lượng Thánh chiến Hồi giáo, theo đó ngăn cản khả năng và sự sẵn sàng đe dọa tấn công người Israel của họ trong nhiều năm.
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Mục tiêu loại bỏ “khả năng kiểm soát” của nhóm ngụ ý rằng phải đuổi Hamas ra khỏi dải Gaza và từ chối tiếp tục chấp nhận sự hiện diện của nhóm ở biên giới Israel. Sau ngày 7/10/2023, an ninh của Israel không đòi hỏi gì hơn thế.
Với khả năng tình báo đáng kể và khả năng tấn công chính xác của Israel cho phép nước này tiêu diệt khả năng lãnh đạo của Hamas và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của họ, ngay cả dưới lòng đất, sức mạnh không quân cũng đủ để tiêu diệt phần lớn khả năng quân sự của Hamas. Nhưng sự hiện diện và kiểm soát của Hamas ở Gaza có thể sẽ tồn tại sau một cuộc chiến trên không. Quyết tâm loại bỏ Hamas của Israel đã khiến nước này phải huy động 360.000 quân dự bị và các lực lượng đang tập trung xung quanh Gaza để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ. Đây gần như chắc chắn sẽ là một quá trình lâu dài, khốc liệt và đẫm máu. Chính phủ Israel đã học được vào năm 2014 và Mỹ đã học được ở Fallujah vào năm 2004 và sau đó một lần nữa ở Mosul và Raqqa vào năm 2016–2017. Việc quét sạch một lực lượng đặc biệt cố thủ khỏi môi trường đô thị dày đặc là một nhiệm vụ nguy hiểm. Trừ khi các con tin có thể được giải cứu trước, nếu không bắt đầu một chiến dịch như vậy gần như chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội đàm phán để trao trả hơn 200 con tin mà Hamas đã bắt giữ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động như thể họ không ở đó”, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Israel, Thiếu tướng (nghỉ hưu) Yakov Amidror nói.
Tuy nhiên, việc theo đuổi mục tiêu này đặt ra một câu hỏi quan trọng khác: Sau khi Hamas bị loại khỏi Gaza và bị loại bỏ vai trò chính trị, ai sẽ nắm giữ dải Gaza sau đó? Việc thiếu câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này đã cản trở một chiến dịch mở rộng trên bộ trong hơn một thập kỷ. Chỉ dọn sạch Gaza và rút lui không thể đảm bảo rằng Hamas sẽ không tự phục hồi hoặc một nhóm khác sẽ xuất hiện và chiếm lại lãnh thổ như Taliban đã làm ở Afghanistan. Việc chiếm đóng Gaza có thể có nguy cơ tạo ra các điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan phát triển và lan rộng như ở trại tị nạn al Hol của Syria. Việc nhờ tới sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm của Gaza trong quá khứ như Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc sẽ là không khả thi nếu người dân ủng hộ hoặc tiếp tay cho Hamas.
Chính phủ Israel đã không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi nếu không phải Hamas, ai sẽ điều hành Gaza trước ngày 7/10/2023. Việc đạt được một giải pháp khả thi ngay bây giờ, ngay lập tức, trong sương mù chiến tranh dường như là rất khó xảy ra. Bản thân điều đó có thể là lý do chính đáng để Israel tiến hành có chủ ý bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào. Chắc chắn đó là điều càng được quan tâm ở Washington, nơi bài phát biểu ngày 19/10 của Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Israel không nên tái diễn những sai lầm sau ngày 11/9 của Mỹ. Nhưng đó không phải là mối lo ngại được các nhà lãnh đạo Israel đồng tình.
Tuy nhiên, có một lý do thuyết phục khác mà Israel có thể cân nhắc trì hoãn hoặc làm chậm lại các hoạt động của mình để tiêu diệt Hamas: những hạn chế hoạt động mà một cuộc tấn công ở Gaza có thể áp đặt lên các lựa chọn chiến lược sẵn có của Israel ở phía bắc.
Cơn gió bấc đang đến
Những thiệt hại mà Hamas gây ra không là gì so với khả năng tàn phá của hơn 150.000 tên lửa của Hezbollah. Israel ước tính Hezbollah có thể duy trì tốc độ bắn ít nhất 6.000–8.000 quả tên lửa mỗi ngày. Con số này sẽ vượt đáng kể so với 3.000 quả tên lửa mà Hamas có thể phóng vào ngày 7/10/2023, đó là khối lượng hỏa lực lớn nhất mà Israel từng phải đối mặt. Hơn nữa, sau khi rèn luyện khả năng phối hợp vũ trang của mình ở Syria, các chiến binh Hezbollah có thể thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới hiệu quả hơn cả cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023. Theo một nghiên cứu thuộc Viện An ninh Quốc gia Bắc Mỹ của người Do Thái về một cuộc chiến tranh tiềm tàng ở phương Bắc đã cho thấy rằng khó khăn về việc ngăn chặn lượng tên lửa này (ngay cả đối với hệ thống phòng không nhiều lớp hiệu quả cao của Israel), việc Hezbollah sở hữu hàng trăm loại đạn dược dẫn đường chính xác và việc Israel thiếu chiều sâu chiến lược khiến Hezbollah có khả năng gây ra thiệt hại thảm khốc tiềm tàng.
Điều này khiến việc tránh một cuộc chiến tranh ở phía bắc hoặc ít nhất là một cuộc tấn công đầu tiên của Hezbollah có tầm quan trọng chiến lược tối cao đối với Israel, ngay cả khi nước này đối phó với mối đe dọa từ Hamas. Thật không may, Hezbollah leo thang trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023, những tuyên bố gần đây của thủ lĩnh Hezbollah và báo cáo về sự tham gia của Hezbollah và Iran trong việc hỗ trợ tài chính và đào tạo cho cuộc tấn công của Hamas đã cho thấy, nếu Israel không lập kế hoạch và hỗ trợ hoạt động tác chiến, có thể khả năng răn đe của Israel đã không còn giữ được sự hiệu quả vốn có ở biên giới phía bắc của họ.
Hiện tại, những khúc dạo đầu cho một cuộc xung đột rộng hơn ở phía bắc đã bắt đầu. Kể từ ngày 7/10/2023, đã có liên lạc hàng ngày qua biên giới Israel-Lebanon. Đáp lại, Israel đã tiến hành các cuộc không kích liên tục nhằm vào các mục tiêu ở Lebanon và sơ tán 28 cộng đồng dân cư nằm trong phạm vi 2 km tính từ biên giới. Liệu vô số cuộc giao tranh hàng ngày này là một nỗ lực của Hezbollah nhằm đánh lạc hướng Israel khỏi chiến trường phía Nam, thăm dò hệ thống phòng thủ của Israel hay chỉ là một nỗ lực nhằm thể hiện tính chính danh trong khi Hamas tuyên bố giai đoạn giữa vẫn chưa rõ ràng. Nhưng tất cả những điều trên đều cho thấy rằng khả năng răn đe đã giữ cho miền bắc yên bình trong vòng 17 năm hiện nay không còn có thể tin cậy được nữa.
Điều chỉnh chiến lược và rủi ro
Trong khi tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào Gaza, Israel cũng sẽ phải phát triển và thực hiện một chiến lược mới để ngăn chặn Hezbollah mở rộng xung đột. Nhưng cách Israel chiến đấu ở phía nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực sẵn có của nước này và do đó ảnh hưởng đến chiến lược mà nước này có thể thực hiện ở phía bắc. Theo đuổi một chiến dịch trên bộ một cách tối đa ở Gaza hay ít nhất là trong khi mối đe dọa phía bắc vẫn đang rình rập, nếu tình hình ở Bờ Tây nóng lên có thể mang lại rủi ro cho Israel.
Cho dù đó là một phần trong chiến lược có chủ đích và phối hợp của mạng lưới ủy nhiệm của Iran hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, các cuộc tấn công ngày càng tăng của họ nhằm vào Israel trên nhiều mặt trận trong năm qua là một phần nguyên nhân tạo nên hậu quả tàn khốc của các cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Việc Israel không có phản ứng trước sự leo thang của Hezbollah đã góp phần làm giảm khả năng răn đe của họ, nhưng chính tình trạng bất ổn và bạo lực ngày càng gia tăng ở Bờ Tây đã khiến các lực lượng Israel thường được giao cho bộ chỉ huy phía nam tránh xa khỏi Gaza.
Hiện tại, động lực tương tự đang diễn ra một lần nữa. Khi các cuộc đụng độ riêng lẻ chuyển sang các cuộc biểu tình lớn hơn ở Bờ Tây, lực lượng an ninh Israel đang tăng cường hiện diện. Các thay đổi đang diễn ra dọc biên giới phía bắc cũng đòi hỏi phải triển khai lực lượng mạnh mẽ hơn. Với việc huy động 360.000 quân dự bị, quân đội Israel có thể có đủ nhân lực để chiến đấu trên cả ba mặt trận cùng một lúc, nhưng họ có thể không có các phương tiện phòng không – không quân hiệu quả cần thiết để loại bỏ Hamas và chống lại một cuộc tấn công dữ dội của Hezbollah cùng một lúc. Kế hoạch tác chiến của Israel cho một cuộc chiến tranh ở phía Bắc phụ thuộc vào từng đợt xuất kích nhằm loại bỏ càng nhanh càng tốt các kho vũ khí và bệ phóng của Hezbollah. Việc triển khai những phương tiện đó tới phía bắc vào thời điểm lực lượng mặt đất đang tham gia vào Gaza có thể tước đi sự hỗ trợ trên không rất cần thiết của các đơn vị đó hoặc ngược lại. Tương tự như vậy, một cuộc chiến tranh ở phía bắc sẽ đòi hỏi phải bố trí và điều hướng lại ít nhất một số đội phòng không của Israel ra khỏi phía nam để đối phó với lượng hỏa lực lớn từ Hezbollah. Điều này có thể khiến các cộng đồng dân cư ở phía nam phải đối mặt với tên lửa đến từ Gaza.
Đây không phải là những rủi ro mà Israel sẵn sàng chấp nhận sau vụ tấn công 7/10/2023 vừa rồi. Ngay cả với sự hậu thuẫn cực kỳ mạnh mẽ từ Mỹ, bao gồm cả thông điệp răn đe rõ ràng tới Hezbollah bằng cách đưa hai tàu sân bay đến Đông Địa Trung Hải, Israel sẽ không và không thể tin tưởng phụ thuộc an ninh ở biên giới phía bắc vào Mỹ. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran đang cố gắng đánh giá và làm xói mòn sức mạnh răn đe của Mỹ bằng cách tấn công các căn cứ của Mỹ trong khu vực. Việc Mỹ thiếu phản ứng có thể được hiểu là Mỹ sẽ miễn cưỡng hành động tương tự chống lại Hezbollah.
Bất chấp sức mạnh răn đe của Mỹ hiện nay ra sao, Israel không thể trông cậy vào điều đó về lâu dài. Nếu chỉ có các tàu sân bay Mỹ ngăn chặn Hezbollah, thì sự rời đi của chúng sẽ thúc đẩy các cuộc tấn công mới vào Israel là không thể tránh khỏi và việc triển khai thêm một nhóm tàu sân bay khác cũng khó có thể giải quyết được tình hình. Thay vào đó, Mỹ nên mong muốn Israel có đủ sức mạnh để tự mình ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo.
Khả năng tự vệ của Israel và bảo vệ lợi ích khu vực của Mỹ trong quá trình này là một trong những nghĩa vụ chiến lược chính của nước này với tư cách là đối tác của Mỹ. Từ trước và sau sự kiện ngày 7/10/2023, xây dựng lại và củng cố khả năng đó sẽ là mục tiêu cốt lõi của cả Israel và Mỹ. Điều đó có nghĩa là Israel sẽ đi đầu trong việc đối đầu với mối đe dọa Hezbollah chứ không phải Mỹ. Điều đó có thể có nghĩa là một chiến lược của Israel sẽ chủ động hơn so với phản ứng ăn miếng trả miếng hiện nay đối với các cuộc tấn công của Hezbollah.
Điều cốt lõi là dù vị thế quân đội có năng lực nhất ở Trung Đông đang bị lung lay, Israel vẫn không chỉ đáp trả các cuộc tấn công mà còn nắm quyền chủ động giống như họ đã làm ở các cuộc tấn công liên tục tại Syria hoặc hành động bí mật ở Iran. Họ sẽ gây bất ngờ cho đối thủ chứ không chỉ đánh bại đối thủ. Các lực lượng đối địch của họ sẽ rất chú trọng việc tái lập vai trò an ninh của Israel, xóa bỏ nhận thức về sự yếu kém về chính trị hoặc sự tự mãn đã hình thành gần đây và xây dựng lại khả năng răn đe của mình. Ngoài ra, Iran sẽ sẵn sàng gửi thêm các quân đoàn người Palestine, người Lebanon hoặc các lực lượng ủy nhiệm khác để chiến đấu và chết vì chính nghĩa của mình. Chế độ Iran sẽ hạn chế những hoạt động hạt nhân mà họ vẫn đang triển khai nếu các nhà lãnh đạo của nước này ngừng lo ngại về những gì người Israel sẽ làm nếu họ phát triển bom hạt nhân.
Mặc dù việc đảm bảo Hamas sẽ không bao giờ có thể tấn công Israel nữa là mối quan tâm chính đáng của các nhà lãnh đạo chính trị Israel, nhưng tất cả những yếu tố này cộng với những thách thức về hoạt động và chiến lược của một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza thiếu khả năng răn đe chống lại Hezbollah. Nguy cơ dàn trải các nguồn lực của họ quá mỏng trên nhiều lãnh thổ, chiến trường và nhu cầu xây dựng lại uy tín của mình cho thấy rằng Israel nên xem xét việc trì hoãn cuộc tấn công trên bộ ở phía nam hoặc thực hiện theo từng giai đoạn cho phép nước này áp dụng chiến lược đánh phủ đầu ở phía bắc. Một cuộc tấn công phủ đầu được ủng hộ bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant, sẽ cho phép Israel vô hiệu hóa hoặc ít nhất giảm thiểu nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công phủ đầu của Hezbollah, đồng thời tái lập độ tin cậy về mối đe dọa răn đe của nước này đối với Iran và các lực lượng ủy nhiệm khác của nước này – những lực lượng đã ra tín hiệu sẵn sàng cho một cuộc xung đột.
Sự hỗ trợ của Mỹ
Bất kể Israel theo đuổi chiến lược nào, sự thành công của nước này ở các chiến trường phía Nam và phía Bắc sẽ cần đến sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và chiến lược của Mỹ.
Phần lớn sự hỗ trợ trong số đó đã được lên kế hoạch và có thể thấy trước. Tổng thống Biden vừa yêu cầu Quốc hội phân bổ 14,3 tỷ USD hỗ trợ cho Israel và trong các bài phát biểu cũng như chuyến thăm của mình, ông đã thể hiện sự ủng hộ trung thành đối với chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas. Tuy nhiên, thách thức đối với Mỹ có thể là duy trì mức hỗ trợ này khi xung đột tiếp diễn. Cả hệ thống chính trị rối loạn của Mỹ lẫn ngành công nghiệp quốc phòng đang căng thẳng của họ đều có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ viện trợ cho cả Israel và Ukraine.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn việc tiếp tế vật chất sẽ là sự hỗ trợ chính trị từ Mỹ. Những cáo buộc hiện nay về tội ác chiến tranh của Israel sẽ chỉ ngày càng lớn hơn khi nhịp độ hoạt động của Israel ngày càng tăng. Thật vậy, cuộc xung đột này có thể có sức tàn phá lớn hơn nhiều so với bất kỳ cuộc xung đột nào mà Israel từng tham gia trong lịch sử, những lời kêu gọi đó có thể tạo được nhiều tiếng nói đáng kể. Vụ nổ ngày 17/10/2023 tại bệnh viện al Ahli ở Thành phố Gaza đã bị Hamas đổ lỗi cho một cuộc không kích của Israel nhưng tình báo Israel và Mỹ không cho là như vậy. Việc Israel nhanh chóng công bố thông tin tình báo chỉ ra lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine và việc Tổng thống Biden công khai xác nhận rằng đó là do “phía bên kia” là ví dụ về cho cách xử lý các vấn đề tương tự mà họ sẽ gặp phải.
Ngoài việc đổ lỗi cho Israel về các sự cố riêng lẻ, áp lực chính trị nhằm đạt được lệnh ngừng bắn có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn trước các hoạt động của Israel khi đạt được mục tiêu đã định, đặc biệt khi họ mở rộng chiến dịch sang Lebanon hoặc các chiến trường khác. Bảo vệ quyền tự vệ của Israel như Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã làm gần đây, sẽ rất quan trọng để duy trì không gian chính trị mà Israel cần để tiến hành và kiềm chế các hoạt động của mình. Nhưng nó sẽ yêu cầu Mỹ tham gia và giúp thực hiện chiến lược của Israel ở cả phía bắc nếu Israel mở mặt trận ở đây, thậm chí cả ở phía nam. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ nên tham gia vào các trận chiến của Israel. Thay vào đó, nước này nên thực hiện các biện pháp tích cực và tránh thực hiện các biện pháp khác để tạo điều kiện khả thi nhất có thể cho Israel trong việc đặt ra và đạt được các mục tiêu chiến lược khả thi.
Ở phía bắc, điều đó có nghĩa là giảm bớt sự hấp tấp của Mỹ trong việc ngăn chặn sự leo thang của Israel. Mục tiêu của Mỹ nên là tăng cường khả năng tự vệ của Israel chứ không phải kiềm chế hay làm suy yếu họ. Nếu việc triển khai hai tàu sân bay của Mỹ trở thành một “cái ôm chặt chẽ” nhằm hạn chế hành động của Israel và ngăn chặn Hezbollah thì điều đó có thể làm suy yếu khả năng răn đe của Israel và đặt ra kỳ vọng về sự hiện diện ngày càng rõ ràng của Mỹ, gây bất lợi cho cả lợi ích của Mỹ và Israel trong khu vực về lâu dài. Thay vào đó, khả năng của Mỹ ở Đông Địa Trung Hải nên được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược của Israel nhằm tái lập an ninh ở phía bắc, ngăn chặn Hezbollah cho đến khi chiến lược đó đạt được tín hiệu tích cực và hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào của Israel sau đó. Tuy nhiên, một nơi khác cần sự hiện diện và sức mạnh của Mỹ là ở Vịnh Ba Tư để ngăn chặn các cuộc tấn công đang diễn ra do Iran hậu thuẫn trong khu vực cũng như ngăn chặn Iran cố gắng mở rộng xung đột nếu Israel tấn công Lebanon. Ngoài các máy bay A-10, F-35, F-15 và F-16 chính phủ Mỹ đã thông báo sẽ triển khai tới Trung Đông, họ nên xem xét việc di chuyển một nhóm tàu sân bay tấn công vào vùng Vịnh và các máy bay ném bom chiến lược và chuyên dụng. đạn dược, chẳng hạn như Massive Ordnance Penetrator, tới khu vực hoặc tới Diego Garcia.
Nơi mà Mỹ nên giao chiến chung với Israel là ở khu vực các mục tiêu chiến lược nằm ở phía nam của nước này. Israel sẽ cần sự trợ giúp của Mỹ trong việc giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược ở Gaza, cả Washington và Israel đều không nên đợi đến ngày hôm sau mới giải quyết thách thức đó. Trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh phía bắc tiềm năng và sẽ sẵn sàng thực hiện chiến lược phủ nhận một khi quyết định chính trị được đưa ra, họ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đưa ra một mục tiêu chiến lược rõ ràng khi bị tấn công ở Gaza. Mỹ có thể và nên giúp Israel tìm ra một giải pháp chính trị khả thi cho phép Lực lượng Phòng vệ Israel rút lui sau cuộc tấn công trên bộ, bắt đầu tái thiết và tiếp tục quản lý, đồng thời ngăn cản Hamas tái thiết một cách đáng kể. Điều này có thể sẽ đòi hỏi phải kêu gọi các đối tác Ả Rập có trách nhiệm của Mỹ không chỉ cung cấp tài chính mà thậm chí có thể là một số hình thức liên minh quản lý và sự hiện diện an ninh. Thành công của những nỗ lực như vậy sẽ tỷ lệ thuận với hai yếu tố: sức mạnh quân sự của Israel và sự can dự chính trị của Mỹ.
Bất chấp những thất bại có chủ ý của cuộc tấn công ngày 7/10/2023 đối với quá trình bình thường hóa Israel-Arab Saudi, logic chiến lược của quá trình đó vẫn giữ nguyên và có thể mở rộng để giải quyết tương lai của Gaza. Các lực hướng tâm đang đẩy Arab Saudi về phía Israel và Mỹ là niềm tin rằng họ có thể đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho người Arab Saudi tốt hơn so với Iran, Nga hayTrung Quốc. Nếu Israel lấy lại danh tiếng về sức mạnh quân sự vô song trong khu vực bằng cách thể hiện khả năng và ý chí đánh bại kẻ thù của mình, nếu Mỹ củng cố tư thế răn đe hiện tại để bảo vệ các đối tác Ả Rập vùng Vịnh trước những hoạt động leo thang có thể xảy ra đến từ Iran, thì những đối tác đó có thể sẵn sàng đầu tư vốn về chính trị và tài chính để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho Gaza. Họ thậm chí có thể nhận ra rằng việc ủng hộ một Gaza không có Hamas sẽ giúp họ cạnh tranh với Iran trong thế giới Hồi giáo. Chắc chắn họ cũng sẽ cần có sự hỗ trợ từ các đối tác và tổ chức quốc tế khác, nhưng với sự ủng hộ từ các quốc gia Ả Rập vốn quan trọng sẽ khiến cho việc thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế khác ủng hộ tầm nhìn mới với Gaza sẽ dễ dàng hơn.
Cung cấp sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và chiến lược cho Israel có thể giúp đảm bảo rằng khi các nhà lãnh đạo Israel xây dựng chiến lược nhằm giải quyết mối đe dọa ở phía nam từ Hamas và rủi ro ở phía bắc từ Hezbollah, họ sẽ áp dụng những chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro cho các đối tác thân thiết của Mỹ và xây dựng lại một khu vực ổn định và đáng sống./.
Biên dịch: Nguyễn Duy Hưng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Blaise Misztal – Phó Chủ tịch Chính sách tại Viện Do Thái vì An ninh Quốc gia Mỹ (JINSA) - cũng là một đại diện tiêu biểu của giới học giả phương Tây khi đánh giá về tình hình xung đột ở dải Gaza hiện nay. Quan điểm này không nhất thiết trùng với quan điểm của dịch giả cũng như Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]