Theo CCTV News đưa tin ngày 5/10, Pháp tuyên bố quân đội nước này sẽ bắt đầu rút quân khỏi Niger. Sau cuộc đảo chính ở Niger vào tháng 7 năm nay, Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) mới được bầu, lần đầu tiên yêu cầu đại sứ Pháp tại Niger rời đi. Vào tháng 8, những người ủng hộ cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã tập trung gần căn cứ quân sự Pháp hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo nước Pháp” cùng các khẩu hiệu khác để phản đối sự can thiệp của Pháp. Chính phủ của ông Macron từng có thái độ cứng rắn với vấn đề này và không khoan nhượng. Tuy nhiên đến 24/9, sau khoảng hai tháng kiên trì, Ông Macron tuyên bố Đại sứ Pháp tại Niger sẽ rời khỏi quốc gia châu Phi này, đồng thời khoảng 1.500 lính Pháp đóng tại Niger cũng sẽ rút vào cuối năm nay.
Trong hai năm qua, Pháp liên tiếp rút quân khỏi các nước châu Phi như Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, Mali. Việc rút quân khỏi Niger có thể đánh dấu sự thất bại cuối cùng trong chính sách can thiệp quân sự của nước này tại khu vực Sahel. Nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, việc Pháp rút lui quân sự tại khu vực Sahel cũng có thể được coi là một thất bại nhất định trong hoạt động can thiệp quân sự của châu Âu vào các nước phía Nam. Đồng thời đánh dấu sự điều chỉnh lớn bắt buộc trong chính sách đối với Nam bán cầu của châu Âu hiện nay. Trên thực tế, trong bối cảnh tình hình thế giới có những thay đổi mạnh mẽ như hiện nay, những điều chỉnh này đang dần trở nên quyết liệt và nhanh chóng hơn.
Những điều chỉnh trong chính sách đối với Nam bán cầu của châu Âu
Chính sách đối với Nam bán cầu của Châu Âu không phải là tổng hợp các chính sách dành cho tất cả các quốc gia phía Nam (thường được thế giới phương Tây coi là các nước lạc hậu, đang phát triển hoặc xếp vào nhóm các quốc gia thuộc “thế giới thứ ba”) mà bắt nguồn từ các chính sách nhằm vào các khu vực cụ thể. Đặc biệt là các chính sách nhằm vào khu vực thuộc địa cũ châu Phi, vùng Caribe và các Quốc gia đảo Thái Bình Dương (gọi tắt là “ACP”). Khi quá trình hội nhập châu Âu bắt đầu, Cộng đồng châu Âu đã thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại và chính trị đặc biệt giữa các nước Tây Âu và các nước thuộc địa cũ “ACP” thông qua “Thỏa thuận liên kết”. Khi đó, một thỏa thuận đơn phương giữa các nước Tây Âu ưu đãi thương mại cho khu vực “ACP” và tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại chính trị với các nước trong khu vực này thông qua hỗ trợ phát triển và các biện pháp khác để tiếp tục các mối quan hệ đặc biệt được thiết lập từ thời thuộc địa. Chính sách của châu Âu đối với các quốc gia “ACP” có thể được coi là Chính sách đối với Nam bán cầu (phiên bản thu nhỏ) của châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, cùng với sự lắng xuống của Chiến tranh Lạnh vào những năm 1980 và đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng mạnh mẽ của toàn cầu hóa sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990. Các nước Tây Âu đã chuyển một số chính sách áp đặt lên khu vực “ACP” sang các khu vực phía Nam rộng lớn hơn hoặc các nước đang phát triển. Các chính sách này chủ yếu bao gồm: hỗ trợ phát triển có điều kiện chính trị và truyền bá mạnh mẽ các giá trị quan châu Âu. Mặt khác, EU cũng điều chỉnh chính sách “ACP” của mình phù hợp với các nước đang phát triển khác, tức là thúc đẩy xây dựng cái gọi là quan hệ đối tác bình đẳng với “ACP” nhằm thay đổi mối quan hệ bất bình đẳng trước đây giữa “bên viện trợ và bên nhận viện trợ”. Có thể coi đây là quá trình “bình thường hóa” quan hệ giữa EU và “ACP”. Vì vậy, một mặt EU đã chuyển giao một phần chính sách hướng tới “ACP” sang các nước đang phát triển khác, mặt khác đã “bình thường hóa” chính sách “ACP”. Kết quả dẫn đến chính sách đặc thù dành riêng cho khu vực này của châu Âu đã chuyển sang chính sách Nam bán cầu. Chuyển đổi để thích ứng tốt hơn với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự trỗi dậy của toàn cầu hóa kinh tế. Từ đó tiếp tục tạo động lực cho việc mở rộng ảnh hưởng của châu Âu.
Hiện nay, chính sách đối với Nam bán cầu của EU đang có những điều chỉnh nhanh chóng và sâu sắc, cùng với xu thế thay đổi nhanh chóng và sâu sắc của tình hình toàn thế giới. Trong đó, một trong những xu hướng điều chỉnh chính sách thể hiện rõ ràng nhất là đẩy nhanh đàm phán khu vực thương mại tự do với các nước phương Nam.
Kể từ khi EU và ACP ký Thỏa thuận Cotonou vào năm 2000, EU đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với các khu vực và quốc gia này. Tuy nhiên, tại châu Phi, nhiều quốc gia lo ngại rằng sau khi các hiệp định thương mại tự do có đi có lại với châu Âu thay thế các thỏa thuận ưu đãi đơn phương, khu vực Sahara châu Phi có thể phải đối mặt với nhiều hậu quả bất lợi. Trong đó có tác động của dòng hàng hóa châu Âu tràn vào nền công nghiệp hóa yếu kém của châu Phi và doanh thu hải quan giảm mạnh, gây thiệt hại cho việc xây dựng Khu vực Thương mại Tự do Liên Phi và sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc của Châu Phi vào thị trường Châu Âu, v.v. Những lo ngại này của các nước châu Phi đã khiến tiến trình đàm phán thương mại tự do châu Âu – châu Phi không suôn sẻ như kế hoạch.
Ngoài việc thiết lập các ưu đãi thương mại đơn phương cho “ACP” trên cơ sở có đi có lại nhằm thiết lập cái gọi là “quan hệ đối tác bình đẳng”, EU cũng đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều nước đang phát triển khác. Trong đó quan trọng nhất là các cuộc đàm phán với ASEAN và một số quốc gia thành viên. Các cuộc đàm phán với Mercosur của Mỹ Latinh và nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Ấn Độ.
Ngoài những thay đổi chính sách trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, EU cũng đang mở rộng xây dựng năng lực can thiệp quân sự toàn cầu. Trong đó một trong những biện pháp mang tính biểu tượng là tích hợp ngân sách cụ thể của khu vực vào khung ngân sách rộng hơn dành riêng cho các chương trình can thiệp quân sự toàn cầu. Đặc biệt là việc tích hợp Quỹ Hòa bình châu Phi vào Quỹ Hòa bình châu Âu và đặt ngân sách này trong khuôn khổ ngân sách chung của EU. Từ đó mở rộng trọng tâm can thiệp quân sự nước ngoài của EU, từ Châu Phi và các khu vực khác lên cấp độ toàn cầu (ví dụ như sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, chi tiêu ngân sách chính của Quỹ Hòa bình EU được sử dụng để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, thay vì hỗ trợ an ninh cho các khu vực khác như Châu Phi). Từ góc độ các quốc gia thành viên, Pháp với tư cách là cường quốc quân sự lớn ở EU, đã xây dựng chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của riêng mình và mở rộng quyền lực can thiệp quân sự sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một trong những cách quan trọng để tăng cường sự can thiệp quân sự ở bên ngoài.
Ở cấp độ quản trị, châu Âu ngày càng chú trọng việc kiềm chế các nước phía Nam trong các lĩnh vực như nhân quyền, bảo vệ môi trường và nhập cư. Sự can thiệp mạnh mẽ vào lĩnh vực nhân quyền bao gồm việc Hội đồng Liên minh Châu Âu thông qua “Quyết định về các biện pháp hạn chế ứng phó với những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” vào tháng 12/2020, tạo cơ sở để Châu Âu can thiệp vào công việc nội bộ của các nước phía Nam “phù hợp quy định của pháp luật”. Trong lĩnh vực môi trường, thông qua việc ký kết “Hiệp định xanh” hoặc các hiệp định song phương liên quan với các nước phía Nam nhằm tăng cường ảnh hưởng. Trong lĩnh vực phát triển và kinh tế, thông qua các quy định đơn phương như “Cơ chế biên giới carbon” và “Nghị định chống lao động cưỡng bức”, v.v.. nhằm hạn chế các tiềm năng các nước liên quan phía Nam. Trong lĩnh vực nhập cư, EU cũng đàm phán với Bắc Phi và các quốc gia xung quanh phía Nam như sử dụng khả năng tiếp nhận của địa phương đối với người di cư để loại bỏ dòng người nhập cư mà Châu Âu có thể phải đối mặt trong tương lai v.v..
Những cân nhắc chính sách quan trọng của EU
Việc điều chỉnh chính sách đối với Nam bán cầu của EU và một số nước thành viên chủ yếu nhằm thích ứng với thực tế mà họ coi là thách thức của cạnh tranh địa chính trị quốc tế. Dưới góc nhìn của EU và một số quốc gia thành viên, cạnh tranh, đối đầu địa chính trị và đối đầu đã trở thành hiện thực trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh này, EU phải “sử dụng ngôn ngữ của quyền lực” và được thúc đẩy bởi nhận thức về địa chính trị, đang tăng tốc “tự chủ” trong lĩnh vực quốc phòng và “độc lập” trong quan hệ đối ngoại.
Quyền tự chủ quốc phòng được thể hiện trong nỗ lực xây dựng một lực lượng châu Âu độc lập. Dưới sự kêu gọi của Pháp, nước này cố gắng thiết lập một hệ thống nghiên cứu và phát triển quốc phòng độc lập của châu Âu về hệ thống vũ khí và hệ thống chỉ huy quân sự. Những phát triển chủ yếu cho đến nay bao gồm việc thành lập “Hợp tác cơ cấu thường trực” (PESCO) dựa trên tinh thần tự nguyện quốc gia và khởi động chương trình “La bàn”, cũng như đưa ngân sách quốc phòng riêng vào ngân sách EU.
Tiến bộ chính trong quan hệ đối ngoại độc lập là việc áp dụng các biện pháp “độc lập” đối với Nga và Trung Quốc cùng một số “quốc gia phía nam”. Chủ yếu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, EU và một số quốc gia thành viên đang cố gắng làm suy yếu đáng kể sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, thương mại với Trung Quốc, Nga cùng các cường quốc ngoài phương Tây khác. Bao gồm cả việc thông qua các lệnh trừng phạt cố gắng cắt đứt quan hệ kinh tế và thương mại với Nga, đặc biệt là sự phụ thuộc vào năng lượng. Về phía Trung Quốc, các nước này đang cố gắng giảm cái gọi là “sự phụ thuộc” vào Trung Quốc thông qua chiến lược “giảm thiểu rủi ro”.
Do đó, những điều chỉnh chính sách ở miền Nam bán cầu dựa trên nhận thức về cạnh tranh và đối đầu địa chính trị. Một mặt đang tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các nước phía Nam (bao gồm cả Ấn Độ). Mặt khác đang cố gắng làm suy yếu đáng kể quan hệ với Trung Quốc và Nga và các nước quan trọng khác ở phía Nam bán cầu. Vì thế chính sách đối với Nam bán cầu của EU và một số quốc gia thành viên dựa trên cơ sở ý thức cạnh tranh và đối đầu địa chính trị, trên thực tế không phải là “toàn cầu hóa” thực sự. Trong khuôn khổ chính sách của mình, nó loại trừ Trung Quốc, Nga và một số “quốc gia phía Nam” khác mà nó tìm cách làm suy yếu hơn là tăng cường mối quan hệ tổng thể của mình.
Thách thức lớn đối với chính sách Nam bán cầu của EU hiện nay
Do các sáng kiến lớn của cái gọi là chính sách Nam bán cầu của EU và một số quốc gia thành viên chủ yếu dựa trên những cân nhắc về địa chính trị. Vậy nên trong thực tế sẽ gặp phải những thách thức liên quan đến địa chính trị trong quá trình thực hiện. Từ đó khiến chính sách Nam bán cầu của EU có một khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế.
Một mặt, EU và các nước thành viên đang cố gắng giành lấy một số nước phía Nam để đạt được lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ, thực hiện mục tiêu tự chủ chiến lược của mình. Nhưng năng lực và ý chí của họ không tương xứng. Quyền tự chủ về quốc phòng của EU về cơ bản đã bị đình trệ ở một mức độ nhất định sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các cuộc thảo luận nội bộ về hội nhập quốc phòng trên thực tế đã không thể đạt được sự đồng thuận. Tầm nhìn của Pháp về hội nhập quốc phòng dựa trên việc mở rộng lợi ích của Pháp chưa được tán đồng hoàn toàn bởi một số nước EU trong đó bao gồm cả Đức. Ví dụ, vào năm 2023, Đức và Cộng hòa Séc đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà không thương lượng ý kiến với Pháp. Điều này rất khác với việc Pháp dự kiến xây dựng một hệ thống phòng thủ độc lập ở châu Âu .
Những mâu thuẫn này cho thấy EU hiện không thể nâng cao khả năng phòng thủ độc lập của mình thông qua hội nhập quốc phòng và từ đó tăng cường khả năng can thiệp quân sự chống lại các nước phía Nam. Hiện tại, EU chỉ có thể tiếp tục theo chân NATO và thực hiện một số chức năng dân sự trong các hoạt động gìn giữ hòa bình (chẳng hạn như cử các cơ quan tư pháp ở Kosovo và Bosnia và Herzegovina). Từ quan điểm của các quốc gia thành viên, khả năng triển khai quân sự bên ngoài của họ đang bị cản trở bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài – bao gồm sự suy thoái kinh tế ở Châu Âu, áp lực ngân sách quân sự gia tăng cùng những trở ngại ngày càng nhiều ở các nước phía Nam. Những điều nói trên cùng các lực lượng đối lập mới mà Pháp gặp phải ở khu vực Sahel đã khiến sức mạnh quân sự của nước này ở châu Phi liên tục bị suy yếu, đây là minh chứng thể hiện rõ ràng nhất.
Mặc dù Pháp và Đức đang tuyên bố tăng cường ảnh hưởng quốc phòng ở khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, nhưng sức ảnh hưởng của họ không thể bị cường điệu hóa do những hạn chế về năng lực quân sự của mình. Ít nhất, ngay cả khi các lực lượng quân sự châu Âu thực hiện những điều chỉnh mới về trọng tâm can thiệp thông qua toàn cầu hóa các chính sách của họ và chuyển thêm lực lượng phòng thủ bên ngoài từ châu Phi và Trung Đông tới các khu vực cục bộ như “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” v.v.. Điều đó cũng cho thấy khả năng can thiệp quân sự thực tế của chính sách Nam bán cầu của châu Âu ở cấp độ toàn cầu đang suy yếu hơn là tăng cường củng cố.
Mặt khác, mặc dù việc ban hành các chính sách ưu đãi thương mại song phương hậu hĩnh giúp bảo vệ một phần quá trình toàn cầu hóa kinh tế vốn đã đầy khó khăn nhưng nó cũng phù hợp với “nguyên tắc không phân biệt đối xử” và “thương mại hai chiều” mà Tổ chức Thương mại Thế giới đã đề ra từ lâu. Ủng hộ, nhưng những thách thức phải đối mặt cũng không thể bỏ qua. Thứ nhất, các cuộc đàm phán đối tác kinh tế mà EU thúc đẩy ở châu Phi đã bị kéo dài, cuối cùng chỉ có thể thay thế hiệp định thương mại tự do hoàn chỉnh giữa hai khu vực thông qua các hiệp định khu vực một phần, áp đặt lên châu Phi theo ý muốn của họ. Tình trạng tương tự sẽ nảy sinh khi đàm phán với khu vực và quốc gia như ASEAN, Ấn Độ. Điều này có nghĩa là nó sử dụng các cuộc đàm phán thương mại tự do để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và kinh tế thương mại. Nó chiếm vị trí thống trị về giá trị và tiêu chuẩn, tăng cường sự phụ thuộc của các thị trường phía Nam vào nó và phục vụ các mục đích chiến lược đối đầu và cạnh tranh địa chính trị. Nó chưa hẳn sẽ giành được sự ủng hộ của tất cả các nước phía Nam.
EU cũng sẽ bị thách thức một phần trong lĩnh vực quản trị bởi nhiều yêu cầu không công bằng mà các nước này áp đặt lên các nước phía Nam. Ví dụ, những yêu cầu khắt khe trong lĩnh vực xanh sẽ gây tổn hại cho sự phát triển công nghiệp của các nước lạc hậu. Trong lĩnh vực nhập cư, cách làm “nói một đằng làm một nẻo” và hành vi ngày càng tàn bạo của lực lượng Biên phòng và bờ biển (Frontex) đối với người nhập cư đã gây ra làn sóng phẫn nộ từ các khu vực lân cận nơi người nhập cư đang tràn ra ngoài v.v..
Các nước Nam bán cầu nên thận trọng với chính sách của EU
Kể từ năm 2010 khi tình hình quốc tế bước vào giai đoạn thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, châu Âu bắt đầu “lấy lòng” nhiều nước phía Nam hơn để đối đầu với một số nước phía Nam đặc thù và giành quyền tự chủ chiến lược. Do đó dù ở Bỉ, Đức hay Anh, hậu duệ của những kẻ thực dân này đã bắt đầu bày tỏ “lời xin lỗi” tới các nước thuộc địa cũ ở châu Phi. Và “khiêm tốn” đưa ra lời xin lỗi nhẹ nhàng cho những tội ác khủng khiếp mà thế hệ trước của họ đã gây ra ở châu Phi hàng trăm năm trước. Bằng cách này, họ đã cố gắng chấm dứt mối quan hệ phức tạp giữa châu Âu và các quốc gia phía Nam này cũng như xiềng xích của di sản thuộc địa do chủ nghĩa thực dân gây ra. Đồng thời thông qua cái gọi là “thỏa thuận thương mại bình đẳng và có đi có lại” thiết lập mối “quan hệ đối tác bình đẳng” trong một nỗ lực giành lại quyền kiểm soát vững chắc đối với các quốc gia thuộc địa cũ này và lặp lại dưới những hình thức mới mối quan hệ tương tự giữa các đế quốc và thuộc địa cũ.
Chính sách Nam bán cầu của EU tất nhiên không bị các nước phía Nam bác bỏ hoàn toàn. Ở một số khía cạnh và trong một số lĩnh vực, nó sẽ mang lại cho một số nước phía Nam một số lợi ích an ủi nhất định. Các chính sách Nam bán cầu của châu Âu dựa trên sự cạnh tranh và đối đầu địa chính trị có thể đẩy các quốc gia phía Nam có liên quan vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị và sẽ bị các quốc gia phía Nam tẩy chay. Do đó chính sách Nam bán cầu của châu Âu cuối cùng sẽ được điều chỉnh và thỏa hiệp trong bối cảnh các nước phía Nam từ chối tham gia vào vòng xoáy đấu tranh địa chính trị. Giống như việc Pháp phải rút sức mạnh quân sự khỏi khu vực Sahel để bảo vệ di sản chính trị còn lại và sức ảnh hưởng của mình trong khu vực khỏi sự tấn công dữ dội của các mối quan hệ quân sự đang xấu đi.
Nhìn về tương lai, cho dù chính sách Nam bán cầu của Châu Âu có điều chỉnh và thay đổi như thế nào, một Nam bán cầu đã thức tỉnh từ các cuộc đấu tranh chống thực dân, chống đế quốc, chống bá quyền chắc chắn sẽ cố gắng không rơi vào vòng xoáy khổng lồ của địa chính trị toàn cầu do phương Tây bày ra như thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng làm thế nào để chính sách Nam bán cầu của Châu Âu không làm tổn hại đến lợi ích cơ bản của các nước phía Nam, thậm chí khiến chính sách của họ phục vụ lợi ích chung của các nước phía Nam? Điều này đáng được các nước phía Nam, bao gồm cả Ấn Độ vốn lợi ích ngày càng gắn liền sâu rộng hơn với của các nước phương Tây cần phải cân nhắc kỹ.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Giản Quân Ba (简军波), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-EU, Đại học Phúc Đán, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội châu Âu Thượng Hải.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của một học giả Trung Quốc, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Bản quyền dịch thuật thuộc về tác giả và NCCL, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]