Tóm tắt: Giai đoạn then chốt của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang là cuộc đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump - cựu Tổng thống, đại diện của Đảng Cộng hòa. Hiện nay, cơ hội dành cho các ứng viên được nhìn nhận là tương đương. Tuy nhiên, chiếc ghế Tổng thống chỉ có một và cá nhân đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép chưa từng có do bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều bất lợi đối với nước Mỹ.
Nước Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden
Ở trong nước, tình hình kinh tế Mỹ đang chứng kiến sự đảo lộn và đứt gãy. Năm 2022, GDP nước Mỹ chỉ đạt 1,94%, giảm 4,01% so với mức 5,95% vào năm 2021 (Biên tập của trang macrotrends, n.d.). Sự suy thoái kinh tế Mỹ xảy ra do xung đột Nga – Ukraine bất ngờ diễn ra vào năm 2022 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, nước Mỹ vẫn trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Vì vậy, chính quyền Joe Biden đã có những động thái quan trọng nhằm khôi phục kinh tế trong nước và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Sau khi đắc cử, Joe Biden thông qua Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng vào ngày 15/11/2021 với 1,2 nghìn tỷ USD nhằm xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường bộ, đường sắt, đường ống nước, băng thông Internet tốc độ cao (Sprunt, Kim, & Shivaram, 2021). Ngày 16/8/2022, Đạo luật Giảm phát được thông qua nhằm giảm lạm phát và thúc đẩy đầu tư vào sản xuất năng lượng ở trong nước với 11.7 tỷ USD (Biên tập của trang Loan Program Office, 2023). Tháng 9/2022, Đạo luật CHIPS được chính quyền J. Biden thông qua với 280 tỷ USD nhằm đẩy mạnh phát triển công nghệ cao mang tính chiến lược như máy tính lượng tử, công nghệ sinh học, khoa học nguyên liệu, vật lý thực nghiệm, nghiên cứu về an ninh và đặc biệt là công nghệ bán dẫn (Biên tập của The White House, 2022). Những đạo luật kể trên đã tạo ra cú hích cho nền kinh tế Mỹ. Trong thông tin công khai trên trang chủ chính thức Nhà Trắng, GDP nước Mỹ đạt mức tăng trưởng dương 2,6% trong năm 2023 do sự phục hồi chi tiêu trong nước, cũng như sự phục hồi của đầu tư vào cơ cấu sản xuất và tăng mua sắm của chính quyền tiểu bang và địa phương. Trong quý 3/2023, đầu tư xây dựng sản xuất tư nhân thực tế tại Mỹ tăng trưởng đạt mức cao nhất kể từ năm 1958. Mức lạm phát cũng đã giảm từ 9% vào năm 2022 xuống 3,2% vào tháng 11/2023 và đạt mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2% trong năm 2024 (Baker, 2024). Sự phục hồi của kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy việc làm trong nước. Dưới thời Joe Biden, tính đến tháng 11/2023, chính quyền của vị Tổng thống thứ 46 đã tạo ra 14,1 triệu việc làm cho người dân Mỹ, trong đó các ngành phi nông nghiệp và công việc chất lượng cao tạo ra hơn 55.000 việc làm mỗi tháng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đến nay duy trì ở dưới mức dưới 4% trong giai đoạn từ 2022 đến 2023, mức tỷ lệ được nhận định là thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Năm 2023 cũng chứng kiến người phụ nữ da đen là thành phần lao động đông nhất được ghi nhận kể từ năm 1948, cao hơn mức 77,3% vào tháng 4/2000. Tiền lương thực tế của người lao động cũng được chính quyền ông Joe Biden duy trì khi tăng nhưng không dẫn đến bất bình đẳng về lương (Biên tập của trang The White House, 2023).
Về đối ngoại, chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì và mở rộng các hoạt động đối ngoại được triển khai dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông Joe Biden và chính quyền đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp Nhà nước nhằm thực hiện đúng những diễn ngôn chính trị trong chiến lược tạm thời và chính thức, trong đó có thể kể đến Nhật Bản (5/2022; 5/2023), Hàn Quốc (5/2022), Philippines, Việt Nam (9/2023), Campuchia (11/2022), Indonesia (11/2022), Ấn Độ (9/2023) và ông J. Biden cũng đóng tiếp nhiều lãnh đạo các quốc gia đến Mỹ làm nổi bật vai trò của Washington trong bối cảnh Trung Quốc gây sức ép lớn trong khu vực. Một tín hiệu nổi bật trong khu vực của chính quyền J. Biden chính là thông qua Tinh thần Bộ Tứ vào ngày 12/3/2021 sau khi vị Tổng thống thứ 46 tuyên thệ nhậm chức 2 tháng.
Ở Châu Âu, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, chính quyền J. Biden đã nhanh chóng phong tỏa tài sản của các cá nhân ở Nga liên quan đến xung đột, đồng thời vận động các nước đồng minh ở Châu Âu và trên thế giới cấn vận kinh tế đối với nước Nga và viện trợ cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã viện trợ chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hơn 55,4 tỷ USD trải dài trên các lĩnh vực vũ khí; viện trợ nhân đạo, chưa bao gồm Quyền Tổng thống về Hỗ trợ Quân sự (Presidential Drawdown Authority/PDA) trị giá 25 tỷ USD cũng như các khoản từ gói Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) do Lưỡng viện Mỹ phê duyệt trị giá hơn 4 tỷ USD và các khoản hỗ trợ; vay dưới danh nghĩa Bộ Quốc phòng Mỹ (Bureau of Political-Military Affairs, 2024).
Ở Trung Đông, xung đột Hamas – Israel đã xảy ra quy mô lớn vào ngày 7/10/2023, nhanh chóng leo thang căng thẳng với những đòn trả đũa lẫn nhau giữa Israel – Hamas – Iran cùng các quốc gia Hồi giáo trong khu vực. Chính quyền ông J. Biden đã tiếp tục cam kết sát cánh cùng Israel, ngăn chặn những hành động leo thang căng thẳng của Iran và các nhóm vũ trang trong khu vực. Tháng 4/2024, chính quyền J. Biden sau nhiều tháng trì hoãn đã quyết định thông qua một gói tài chính kỷ lục 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan, trong đó 60,84 tỷ USD được viện trợ cho Ukraine; 26,38 tỷ USD cho Israel và 8,12 tỷ USD cho Đài Loan và Châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc (Biên tập của trang Al Jazeera, 2024). Bên cạnh những vấn đề ở các khu vực, chính quyền J. Biden đã hình thành nhiều tổ chức quan trọng mang tính liên khu vực như AUKUS với Australia, Vương quốc Anh với mục tiêu lôi kéo Anh tham gia tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; I2U2 với Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel với tầm ảnh hưởng trải dài từ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đến vùng Địa Trung Hải; Đối tác ở Thái Bình Dương Xanh (Pacific Blue) cùng Australia; Nhật Bản; New Zealand; Anh; Đức; Canada và Đức vào tháng 6/2022. Mục tiêu của các nhóm này là tập hợp lực lượng sâu sắc, mang tính chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở các châu lục trên toàn cầu.
Chiến lược tranh cử của các ứng viên
Tháng 11/2024 sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ. Từ trước đến nay, các tổng thống đã đắc cử nhiệm kỳ đầu sẽ tiếp tục tái tranh cử lần hai, có khả năng cao dành chiến thắng để tiếp tục những chính sách chưa được hoàn thành ở nhiệm kỳ trước. Đối với Tổng thống Joe Biden, sự kiện chiến thắng trước Donald Trump trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 cho thấy nỗ lực bền bỉ của ông cũng như những đóng góp và khát khao cống hiến cho nước Mỹ. Ông đã ứng cử lần hai trong nội bộ Đảng Dân chủ và được chấp thuận vào ngày 12/3/2024. Tuy nhiên, việc ông ra tranh cử cũng đã có những biểu hiện không khả quan khi Hạ viện thuộc về Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, dẫn đến việc kêu gọi luận tội ông Joe Biden vì những hoạt động không minh bạch của công ty con trai ông với Trung Quốc nhằm hạ uy tín và ngăn chặn Tổng thống J. Biden ra tranh cử lần hai (Mascaro, 2023). Theo khảo sát từ NBC News, sau khi Joe Biden được chấp thuận ứng cử tranh vị trí Tổng thống của Đảng Dân chủ, cho biết 51% đại biểu Đảng Dân chủ và nhiều người dân tham gia khảo sát cho rằng ông J. Biden không nên tìm kiếm nhiệm kỳ hai vì lý do tuổi tác và vấn đề lạm phát (Kinery, 2024).
Khảo sát của NBC News đã trở thành sự thật. Ngày 27/6/2024, Donald Trump và Joe Biden đã có cuộc tranh luận đầu tiên trên kênh truyền hình CNN. Hai bên đã tranh luận các vấn đề quan trọng như về vấn đề phá thai, nhập cư, chính sách đối ngoại, lạm phát và nhiều vấn đề khác. Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump được đánh giá là thể hiện quan điểm sâu sắc, ngược lại, Tổng thống Joe Biden được nhìn nhận là yếu thế hơn đại diện từ Đảng Cộng hòa khi trả lời các câu hỏi từ CNN một cách vấp váp và giọng nói bị khàn, khiến cho trọng tài không thể nghe được và có những khoảnh khắc đại diện từ Đảng Dân chủ mất bình tĩnh. Về vấn đề Israel – Palestine, ông D. Trump đã chỉ trích đương kim Tổng thống Mỹ khiến tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, dẫn đến xung đột ngày 7/10/2023. Ông D. Trump cũng tuyên bố xung đột ngày 7/10/2023 sẽ không xảy ra nếu như ông đang là người đứng đầu Nhà Trắng thay vì Joe Biden. Về vấn đề phá thai, ông J. Biden được nhìn nhận không có lập trường rõ ràng, mơ hồ về vấn đề thông qua sử dụng thuốc phá thai trong khi ông Trump có lập trường rõ ràng. Ông nhận định rằng việc phá thai nên do các tiểu bang tự quyết định. Ông D. Trump cũng tuyên bố ủng hộ sử dụng thuốc với các trường hợp bị xâm hại, loạn luân và bảo vệ mạng sống của người mẹ. Điều này được nhận định là tạo điều kiện cho ông D. Trump công kích chính sách nhập cư của Tổng thống Joe Biden vì số lượng người bị xâm hại do người nhập cư dưới thời Joe Biden đã tăng cao xuất phát từ chính sách nhập cư mềm mỏng của người đứng đầu Nhà Trắng (Bradner, Strauss, Contorno, John, & Krieg, 2024). Sau cuộc tranh luận, các công ty truyền thông; báo chí lớn, trong đó có các kênh ủng hộ Đảng Dân chủ đồng loạt đưa tin rằng D. Trump đã dành chiến thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Ngoài ra, có những kênh báo chí lớn đã cho rằng cựu Tổng thống D. Trump không dành chiến thắng nhưng ông J. Biden đã thua. Phong độ yếu kém của Joe Biden đã dẫn đến sự bất bình của nhiều thành viên trong Đảng Dân chủ. Cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã có những cuộc gặp riêng và gây sức ép lên Joe Biden rút lui khỏi vị trí ứng viên Đảng Dân chủ cho cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới khi cơ hội của vị Tổng thống thứ 46 đối đầu với Donald Trump là rất mong manh (Dovere & Zeleny, 2024). B. Obama và N. Pelosi là hai cá nhân ủng hộ J. Biden rất tích cực vì B. Obama là cá nhân đã vận động tranh cử cho J. Biden trong chiến dịch tranh cử 2020. Trong khi đó, bà Nancy Pelosi là người cùng làm việc với vị Tổng thống thứ 46 từ lâu. Bên cạnh hai cá nhân kể trên, có đến 30 thành viên trong Đảng Dân chủ đã yêu cầu ông rút lui khỏi cuộc tranh cử (Tait, 2024). Sự kiện cho thấy Đảng Dân chủ đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau màn trình diễn được nhiều chuyên gia đánh giá thấp của Joe Biden. Ngày 21/7/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút lui khỏi vị trí đề cử của Đảng Dân chủ. Người được Đảng Dân chủ đề cử thay thế là bà Kamala Harris, Phó Tổng thống Mỹ và đồng thời là “phó tướng” của ông J. Biden trong cuộc đua 2024.
Chiến lược tranh cử của Donald Trump
Donald Trump trở thành ứng viên của Đảng Cộng hòa vào ngày 16/7/2024 sau khi cựu Tổng thống thứ 45 bị thương ở tai sau vụ ám sát hụt khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania. Sau khi Donald Trump bị ám sát, ông không trốn tránh mà còn đứng lại sân khấu và biểu thị cho sự dũng cảm, chứng minh cho người dân thấy ông không dễ bị khuất phục. Kẻ phạm tội sau khi điều tra thông tin được cho có liên quan đến việc ủng hộ Đảng Dân chủ. Việc thành viên, người ủng hộ của đảng Dân chủ ám sát lãnh đạo đảng đối lập trong giai đoạn nhạy cảm như giai đoạn bầu cử sắp đến gần sẽ khiến tương quan thay đổi nhanh chóng. Trước đây, trước khi Donald Trump tranh cử Tổng thống năm 2020, ông đã bị Đảng Dân chủ mở phiên điều trần luận tội, dẫn đến người dân mất niềm tin và đại dịch Covid-19 xảy ra khiến tình hình nước Mỹ lao dốc, dẫn đến việc vị Tổng thống thứ 45 đã thất bại trong cuộc đua năm đó. Sự kiện tháng 8/2024 cũng trở nên tương tự, Donald Trump đã nắm lấy thời cơ, vận động: “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải đoàn kết” (Stepansky & Al Jazeera Staff, 2024). Sự kiện đã góp phần thúc đẩy lượt ủng hộ cho cựu Tổng thống thứ 45 lên cao. Ngoài ra, Donald Trump kêu gọi việc đoàn kết, thay vì chỉ trích, đổ lỗi cho Đảng Dân chủ cho thấy cựu Tổng thống thứ 45 đang tập trung lôi kéo người dân và các thành viên của Đảng Dân chủ.
Ngoài ra, chiến lược của Donald Trump sẽ tiếp tục tập trung vào việc ủng hộ người theo Cơ Đốc giáo. Cơ Đốc giáo là tập hợp các tôn giáo lớn nhất thế giới với lượng tín đồ đông đảo. Tại Mỹ, số lượng người theo Cơ Đốc giáo chiếm 60 – 80% dân số, trong đó có đến 140 triệu người theo các nhánh thuộc đạo Tin Lành, tương đương 48.5% dân số nước Mỹ và Công giáo chiếm đến 22% dân số nước này (Biên tập của trang Pew Research Center, 2021) (Newport, 2017). Trong khi đó, ông D. Trump luôn thừa nhận mình là người theo phái Trưởng lão, một nhánh Tin Lành có ảnh hưởng ở nội bộ nước Mỹ. Ông cũng thường sử dụng các câu trích dẫn trong Thánh Kinh để khuyến khích những người theo Tin Lành, Công giáo đoàn kết nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn hơn ở nước Mỹ. Ngoài ra, khi còn đương nhiệm, ông D. Trump hay sử dụng những sự kiện được cho là đe dọa đến việc thực hành tôn giáo, ngăn chặn sự phát triển của Thiên Chúa giáo như hủy bỏ trường chủ nhật, việc nhóm họp cầu nguyện ở các trường và những buổi lễ truyền giảng để lôi kéo nhóm này bỏ phiếu cho ông. Donald Trump cũng khơi gợi về nỗi sợ đối với những người theo Cơ Đốc giáo khi ở Đại học Liberty vào ngày 18/1/2016: “Nếu bạn nhìn vào những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, hãy nhìn vào Syria, ở đó nếu bạn là người theo Cơ đốc giáo, họ sẽ hành quyết bạn. Bạn cũng nên nhìn ở những nơi khác, và Cơ đốc giáo đang bị bao vây. Tôi là một người theo đạo Tin lành, chính xác là phái Trưởng lão và tôi rất tự hào khi được theo đạo. Và chúng ta phải bảo vệ, bởi vì những điều tồi tệ đang xảy ra, những điều rất tồi tệ đang xảy ra, nếu chúng ta không – tôi không biết đó là gì – chúng ta không đoàn kết lại với nhau”. Ông nói tiếp: “Các tôn giáo khác, thành thật mà nói, họ đang đoàn kết lại với nhau. Và ở đây chúng ta có, nếu bạn nhìn vào đất nước này, nó phải là 70%, 75%, một số người nói thậm chí còn nhiều hơn, sức mạnh mà chúng ta có, bằng cách nào đó chúng ta phải đoàn kết lại. Chúng ta phải đoàn kết lại với nhau”. Tại Đại học Oral Roberts, ông đã đẩy cao nỗi sợ hãi lên: “Bạn biết rằng Cơ đốc giáo và mọi thứ chúng ta đang nói đến ngày nay đã có một thời gian vô cùng khó khăn. Chúng ta sẽ đưa [Cơ đốc giáo] trở lại vì đó là một điều tốt [cho tất cả mọi người]”. Ngày 3/9/2016, ông D. Trump đã kêu gọi những người theo Cơ Đốc giáo “cùng quay trở lại di sản Cơ đốc giáo của chúng ta để nâng cao tâm hồn của quốc gia chúng ta”. Ngoài ra, ông cũng chỉ trích rằng những cá nhân như cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Mỹ, ứng viên Đảng Dân chủ 2016 Hilary Clinton và đương kim Tổng thống Joe Biden cũng như các ứng viên Đảng Dân chủ và các ứng viên Đảng Cộng hòa khác đã khiến nước Mỹ mất đi sự vĩ đại cũng như sẽ không khôi phục ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo và chỉ có ông Trump tuyên bố sẽ làm được, cam kết đưa nước Mỹ trở lại vị thế vốn có trong quá khứ (Whitehead, Perry, & Baker, 2018). Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông D. Trump đã chỉ trích J. Biden là người “chống lại Thiên Chúa”. Sau phát ngôn trên, Giám mục Mariann Edgar Budde của Giáo phận Episcopal Washington, người giám sát Nhà thờ St. John gần Nhà Trắng, nơi Trump đã có bức ảnh chụp chung nổi tiếng khi đang cầm Kinh thánh, gọi các cuộc tấn công vào Biden, một người Công giáo La Mã thực hành, là “có chút quá đáng” – và cho biết những bình luận của Trump minh họa cho một “khế ước xã hội” lớn hơn mà ông đã cam kết với nhiều cử tri theo đạo Thiên Chúa (Cathey, 2020). Tháng 3/2024, Donald Trump đã chỉ trích Joe Biden “tấn công” Cơ Đốc giáo vì hợp pháp hóa vấn đề chuyển giới, vấn đề luôn luôn bị cộng đồng Cơ Đốc chỉ trích gay gắt vì họ cho rằng việc chuyển giới là làm sai điều Thiên Chúa phán dạy (Coen, 2024). D. Trump cũng đã khôi phục các hoạt động của Tin Lành và Công giáo ở trong các trường trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, cũng như cho phép các Mục sư cầu nguyện mỗi ngày trước khi bắt đầu công việc nghị sự khi còn đương chức. Trước khi ứng cử vào năm 2016, Donald Trump cùng 700 mục sư tham gia buổi cầu nguyện cho thấy sự ủng hộ lớn của cộng đồng Cơ đốc với ông (Tooley, 2016). Mục tiêu xuyên suốt của ông D. Trump là lôi kéo cộng đồng này vì cộng đồng này lan truyền rằng ông D. Trump là “người do Thiên Chúa cử đến” để bảo vệ tín đồ. Vì vậy, trong cuộc tranh cử sắp tới, cộng đồng cử tri Cơ đốc sẽ tiếp tục là thành phần chiến lược và ủng hộ đặc biệt quan trọng đối với Donald Trump.
Vấn đề người nhập cư sẽ tiếp tục là chiến lược được sử dụng trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Người nhập cư từ các quốc gia Nam Mỹ và Mexico ở biên giới phía Nam cũng như những người xin tị nạn luôn là chủ đề tranh luận của các cuộc tranh cử. Đối với Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 sẽ tiếp tục sử dụng việc ngăn chặn người nhập cư từ các nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội Mỹ. Dưới thời Joe Biden, vị Tổng thống thứ 46 đã nâng mức trần số người tị nạn lên 62.500 người vào năm 2021 và 125.000 người đối với các năm 2022, 2023 và 2024. Số liệu trên được nhìn nhận cao hơn 15.000 người/năm trong giai đoạn nắm quyền của Donald Trump (USAFacts Team, 2024). Việc mở cửa cho người nhập cư, người tị nạn vào lãnh thổ Mỹ đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực. Tính đến tháng 6/2024, người nhập cư hiện tại lên đến 32 triệu người trên 169 triệu người đang tham gia thị trường lao động ở Mỹ và đang có tỷ lệ được nhận làm việc cao hơn và lương của người nhập cư tương đương 86.6% lương của người bản xứ (USAFacts Team, 2024). Việc nhiều người lao động nhập cư được tuyển dụng cao và chi phí trả thấp hơn đã tạo sự bất bình trong nội bộ nước Mỹ. Do đó, những người lao động da trắng ở Mỹ sẽ là tầng lớp được cựu Tổng thống Mỹ khai thác trong cuộc tranh cử sắp tới.
Về đối ngoại, những hoạt động trong khi còn tại vị sẽ được cựu Tổng thống Donald Trump duy trì. Dưới thời Donald Trump, vị Tổng thống này có xu hướng hòa hoãn với Nga và tăng cường sức ép với Trung Quốc. Trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 6/4/2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu bắn tên lửa vào Syria (Yến, 2017). Sự kiện cho thấy tại thời điểm đó, Donald Trump đã gây sức ép với người đồng cấp Trung Quốc về ảnh hưởng của Mỹ trong trật tự thế giới. Trong năm 2018, cựu Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc chiến thương mại nhằm đánh thuế các mặt hàng đến từ Trung Quốc, mở ra “Chiến tranh lạnh” mới giữa hai nước vẫn kéo dài đến thời điểm hiện nay. Donald Trump cũng sẽ được dự kiến tìm cách nâng cấp các tập hợp lực lượng hiện có như Tứ giác An ninh (QUAD) nhằm tăng cường vai trò của Ấn Độ, Nhật Bản; AUKUS nhằm tạo cơ hội cho các nước Australia và Vương quốc Anh can dự sâu sắc vào khu vực cũng như hỗ trợ Israel trong bối cảnh xung đột đang leo thang căng thẳng. Thêm vào đó, các quan hệ với Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan dự kiến sẽ được sự quan tâm hàng đầu của ứng viên từ Đảng Cộng hòa do bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar với nhiều hoạt động; chiến lược mang tính đặc thù. Ở Trung Đông, các nước Ả rập Saudi; Israel; Qatar; UAE sẽ tiếp tục là đối tác và đồng minh của Mỹ ở khu vực nhằm ngăn chặn các hành động của Iran và các lực lượng Hồi giáo trong khu vực. Ngoài ra, việc làm trung gian cho Ả rập Saudi ký Hiệp ước Abraham sẽ có thể là chiến lược để Donald Trump lôi kéo cử tri trong nước, đặc biệt là người dân có nguồn gốc từ Hồi giáo. Ở Châu Âu, ông D. Trump sẽ có những lời hứa xoa dịu dư luận nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine và đây cũng sẽ là chương trình nghị sự đối ngoại xuyên suốt trong trường hợp ông D. Trump đắc cử năm 2024. Về phương diện hợp tác đa phương, ông D. Trump sẽ tiếp tục xem xét lại các thỏa thuận đa phương nhằm có lợi cho người dân và nước Mỹ theo học thuyết “America First”.
Chiến lược tranh cử của Kamala Harris
Kamala Harris đã trở thành ứng viên cho Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2024. Sau khi bà K. Harris được bầu chọn, các nhà tài trợ đã quyên góp số tiền kỷ lục lên đến 81 triệu USD trong một ngày trong 24 tiếng khi Joe Biden tuyên bố dừng tranh cử (Trân, 2024). Trước đó các nhà tài trợ đã tuyên bố rút tiền khi Joe Biden thể hiện phong độ mờ nhạt vào tháng 6 vừa qua. Ngày 11/8/2024, trong cuộc vận động ở California, bà Kamala Harris đã nhận khoản tiền tài trợ lên đến 12 triệu USD (Lagos & Krans, 2024). Những khoản tài trợ cho thấy tầm quan trọng của bà K. Harris đối với nội bộ Đảng Dân chủ.
Đối với chiến lược tranh cử của bà Kamala Harris, nhiều chuyên gia cho rằng bà sẽ tiếp tục chính sách dành cho tầng lớp trung lưu. Chính sách dành cho tầng lớp trung lưu được công bố lần đầu tiên trên tạp chí Foreign Policy tháng 2/2020 với tiêu đề “Nước Mỹ cần Học thuyết Kinh tế mới” bởi Jake Sullivan, cố vấn chính sách đối ngoại cho Joe Biden trong chiến dịch tranh cử năm 2020 và sau được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Joe Biden. Trong bài viết, ông cho rằng trong 30 năm qua, các nhà hoạch định chiến lược ở Mỹ đã không quan tâm đến vấn đề kinh tế và lĩnh vực phi quân sự, chỉ tập trung sức mạnh cứng (Trần Huyền Trang, 2021). Ngoài ra, việc công bố chiến lược dành cho tầng lớp trung lưu xuất phát từ thực tiễn của nước Mỹ. Từ khi lập quốc đến nay, các tầng lớp lãnh đạo Mỹ đã tập trung vào 2 tầng lớp: tinh hoa/doanh nghiệp và người lao động phổ thông. Đối với tầng lớp tinh hoa, việc tập trung lợi ích cho nhóm này chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh tế cũng như các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, tầng lớp lao động phổ thông với lợi ích duy nhất là có việc làm; giảm thuế và tăng lương nhằm trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, đến trước thời điểm Joe Biden đắc cử, vẫn chưa có vị Tổng thống Mỹ sử dụng chính sách dành cho tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu có thể được định nghĩa là những cá nhân với mức thu nhập một năm lên đến 100.000 USD và hiện nay dao động từ 144.000 USD đến 256.900 USD và trung bình thu nhập của tầng lớp này cao hơn 7 lần so với tầng lớp lao động thu nhập thấp (Kochhar, 2024). Những cá nhân ở tầng lớp trung lưu bao gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực, nhà quản lý và công chức cấp cao và những cá nhân này có khả năng kiểm soát nguồn vốn con người đáng kể (Rose, 1995). Hai lãnh tụ của Phong trào Cộng sản Quốc tế, Karl Marx và Friedrich Engels, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản nhận định rằng tầng lớp trung lưu có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt phong trào lật đổ chế độ phong kiến để chuyển thành giai cấp tư sản ở xã hội tư bản chủ nghĩa (Marx & Engels, 1848). Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở giữa tầng lớp tinh hoa và tầng lớp lao động sẽ có khả năng dung hòa, làm cầu nối để đoàn kết nội bộ đất nước. Do đó, việc theo đuổi tầng lớp trung lưu tiếp tục là chiến lược mà Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục theo đuổi trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2024 nhằm gắn kết nội bộ nước Mỹ trong trường hợp đắc cử.
Bà Kamala Harris cũng được nhận định tập trung thu hút sự ủng hộ từ người da màu, người nhập cư. Trong xã hội Mỹ, người da đen được xem có địa vị thấp trong quá khứ. Người da đen thời điểm ban đầu bị các nước Châu Âu bắt làm nô lệ. Mặc dù được người da đen được giải phóng khỏi vị thế nô lệ sau khi Tổng thống Abraham Lincoln ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ vào ngày 1/1/1863, những động thái phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra ở Mỹ theo nhiều hình thức (Nguyễn Văn Toàn, 2020) (Cao, 2020). Tại Mỹ, trung bình lương theo giờ của nam và nữ người da trắng lao động không yêu cầu bằng cấp và trình độ lần lượt là 24 USD và 17 USD. Trong khi đó, mức lương trung bình theo giờ của nhóm người Latinh – có nguồn gốc từ Tây Ban Nha với lần lượt nam là 14 USD và nữ là 12 USD. Người da đen có thu nhập lần lượt là 13 USD đối với nữ và 15 USD đối với nam. Mặc dù các cá nhân có học thức và kinh nghiệm tương đương nhưng người lao động ở trong những nhóm người da đen và nhóm người Latinh – Tây Ban Nha sẽ được trả mức lương thấp hơn 20% so với người da trắng (Patten, 2016). Trong giai đoạn bà làm Phó Tổng thống, bà đã cố gắng hỗ trợ các gia đình người da màu, đặc biệt là người da đen với các khoản ưu đãi, tạo ra nhiều việc làm để giảm số lượng người thất nghiệp cũng như việc vận động thành công cho người da màu nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ liên bang (Biên tập của trang The White House, n.d.). Từ năm 2004 – 2010, khi còn ở San Francisco, bà Kamala Harris với vai trò Biện lý, đã truy tố những chủ doanh nghiệp lạm dụng trả lương thấp cho người nhập cư (Hendricks, 2024). Thêm vào đó, bà Kamala Harris có xuất thân từ gia đình nhập cư da màu, có bố là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ. Việc có nguồn gốc nhập cư sẽ giúp bà K. Harris có sự ủng hộ lớn từ các nhóm người da đen và những người thuộc nhóm Latinh – Tây Ban Nha vì nhóm này quan tâm lớn nhất là vị thế công dân ở trong nội bộ nước Mỹ hơn vấn đề tiền lương vì khi vị thế công dân họ đạt được, tiền lương và các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho các nhóm nhập cư sẽ được bảo vệ. Do đó, chiến lược thu hút các nhóm người da màu, nhóm người Latinh – Tây Ban Nha sẽ là chiến lược quan trọng để Phó Tổng thống Kamala Harris có cơ hội dành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Đây cũng sẽ là chương trình nghị sự đối ngoại hàng đầu trong trường hợp bà Kamala Harris đắc cử.
Về chính sách đối ngoại, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể theo xu hướng mềm mỏng hơn Joe Biden. Trong giai đoạn làm Phó Tổng thống, bà K. Harris chủ yếu tập trung vào vấn đề đối nội với các chính sách, đề xuất liên quan đến an sinh xã hội. Do đó, các vấn đề đối ngoại được dự kiến sẽ mềm mỏng trong các vấn đề quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong nước như giảm thiểu chiến tranh thương mại với Trung Quốc để cân bằng chi phí trong nước, hoà hoãn với Nga nhằm hạ nhiệt giá năng lượng, cũng như ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong vấn đề xung đột ở Trung Đông để cắt giảm chi phí viện trợ.
Ngày 6/8/2024, bà Kamala Harris chọn ông Tim Walz, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và y sinh làm ứng viên Phó Tổng thống chạy đua vào Nhà Trắng 2024 (Nazzaro, 2024). Ông Tim Walz có kinh nghiệm quân sự khi còn nhập ngũ, trong đó có ở Vùng Bắc Cực, gợi mở định hướng tương lai đối ngoại của bà K. Harris (Bakst, 2018). Ông T. Walz cũng có thời gian công tác tại Trung Quốc với vai trò nghiên cứu sinh thỉnh giảng về Quan hệ quốc tế tại Đại học Bách khoa Macau trong giai đoạn 1980 – 1990 theo chương trình hợp tác toàn cầu của Đại học Havard và là thành viên trong những nhóm giảng viên đầu tiên đến dạy ở Trung Quốc. Ông Tim Walz cũng được cho có doanh nghiệp du lịch có tên là Educational Travel Adventures, Inc. chuyên xúc tiến những chuyến du lịch đến Trung Quốc cho học sinh (Biên tập của trang Tim Walz for U.S. Congress, 2006). Ông Tim Walz cũng được cho là đã bỏ phiếu ủng hộ Mỹ tài trợ cho các hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang ở Iraq và Afghanistan trong giai đoạn Tổng thống Barack Obama triển khai chiến dịch vào năm 2010. Việc chọn ông T. Walz gợi mở xu hướng sắp tới của bà K. Harris khi tranh cử là giảm căng thẳng với Trung Quốc và tập trung vào chính sách ở Bắc Cực, giảm thiểu triển khai quân đội đến Trung Đông để tập trung chủ yếu vào vấn đề đối nội.
Giai đoạn then chốt của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: Cơ hội cho ai?
Kể từ khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 bắt đầu, nhiều sự kiện bất ngờ diễn ra liên tiếp. Nhìn chung, hai bên đang có sự tương đương về cách tiếp cận đại chúng và những chính sách, chiến lược phục vụ; hướng đến các tầng lớp xác định. Mỗi bên có những ưu thế và điểm mạnh khác nhau.
Đối với Donald Trump, kinh nghiệm làm Tổng thống giai đoạn 2016 – 2020 sẽ là điểm mạnh cho cuộc đua Tổng thống sắp tới. Donald Trump xuất thân từ doanh nghiệp, do đó sẽ có kinh nghiệm về quản lý, điều hành kinh tế. Trong bối cảnh nước Mỹ đang trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, đặc biệt là lạm phát đang là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước, việc Donald Trump đắc cử sẽ hoàn toàn khả thi. Do đó, trong suốt quá trình đảm nhận vị trí Tổng thống, Donald Trump đã đưa ra các chính sách kinh tế thực dụng nhằm bảo vệ nước Mỹ trước những thâm hụt thương mại với các nước xung quanh. Ông cũng yêu cầu các nước đồng minh, đối tác tài trợ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu. Ông D. Trump cũng có thể tiếp tục việc chọn lựa những tổ chức hợp tác đa phương, cơ chế quốc tế được cho là công bằng với Mỹ để tài trợ nhằm duy trì trọng tâm của Mỹ thay vì xuất hiện ở nhiều diễn đàn, tổ chức như giai đoạn Barack Obama làm chủ Nhà Trắng.
Ngoài ra, việc chọn ứng viên James David Vance (J.D. Vance) cho vị trí Phó Tổng thống của ông Donald Trump cho thấy cựu Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đang chuyển dịch vai trò từ hình ảnh một doanh nghiệp sang chính khách chuyên nghiệp. J.D. Vance có nền tảng là nhà khoa học chính trị và triết học, đồng thời ông cũng là nhà đầu tư mạo hiểm. J.D. Vance bắt đầu sự nghiệp khi làm hạ sĩ quan ở Iraq vào năm 2005 và nhận thấy những tuyên bố của những nhà hoạch định chính sách đối ngoại đi ngược với tình hình thực tế tại đây. Ông J.D. Vance đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Hillbilly Elegy” vào năm 2016, được đánh giá là phản ánh trung thực và khai thác những khía cạnh xã hội Mỹ chưa từng có. Ngoài ra, ông J.D. Vance cũng thành lập một tổ chức phi chính phủ để giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn liên quan đến vấn đề thuốc phiện (Smyth, 2012) (Ward, 2024). Mặc dù kinh nghiệm chính trị còn tương đối ít, nhưng những đóng góp của J.D. Vance đã có những tác động nhất định đối với bộ phận người dân Mỹ. Do đó, với sự hỗ trợ từ James David Vance, một người có kinh nghiệm và góc nhìn sâu sắc về kinh tế, chính trị và xã hội cũng như nhiệt huyết của người trẻ sẽ giúp Donald Trump có thể triển khai các chính sách, chiến lược về kinh tế, đối ngoại sáng tạo và hiệu quả khi hai đại diện đảng Cộng hòa dành chiến thắng cuối cùng.
Đối với bà Kamala Harris, yếu tố chủng tộc và vai trò của phụ nữ sẽ giúp bà tăng cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Sau sự kiện Black Lives Matter, ảnh hưởng của người da màu, trong đó có người da đen đã được củng cố đáng kể. Bà K. Harris sẽ nhận được sự ủng hộ quan trọng từ nhóm này vì những cá nhân cùng bản sắc sẽ dễ dàng ủng hộ lẫn nhau. Ngoài ra, việc bà trở thành phụ nữ sẽ giúp bà tăng cơ hội chiến thắng. Từ khi lập quốc đến nay, nước Mỹ chưa từng có vị tổng thống là nữ giới. Điều này thúc đẩy ảnh hưởng của bà K. Harris ngày càng tăng trong chính trường Mỹ cũng như đối với người dân. Như đề cập, sau khi bà K. Harris được giới thiệu ứng cử thay J. Biden, số tiền quyên góp từ các nhà tài trợ tăng nhanh cho thấy bên cạnh sự kỳ vọng về lợi ích và chính trị, còn có kỳ vọng về vai trò của người phụ nữ trong chính trường Mỹ. Mặc dù bà K. Harris có thể thua ứng viên đảng Cộng hòa về trình độ kinh tế, nhưng yếu tố phụ nữ hoàn toàn có thể giúp bà trở thành tổng thống.
Cơ hội và kiến nghị dành cho Việt Nam
Kể từ khi nước Mỹ trở thành một cực trong trật tự Yalta năm 1945, những giai đoạn bầu cử tổng thống Mỹ đều có ảnh hưởng nhất định đối với trật tự toàn cầu và các vấn đề trong quan hệ quốc tế. Mỗi tổng thống đắc cử sẽ có những hoạch định chiến lược riêng nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia của Mỹ. Đối với Việt Nam, đất nước đã chứng kiến rõ nét thời kỳ các tổng thống Mỹ với những chính sách, chiến lược cụ thể từ khi hai nước còn đang xung đột ở thế kỷ 20 cho đến nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 9/2023. Vì vậy, việc bầu cử Tổng thống nước Mỹ năm 2024 sẽ hoàn toàn tác động rõ nét đến Việt Nam.
Về mặt tích cực, bất kỳ ứng viên từ hai đảng lên cầm quyền đều đặt trọng tâm nhằm củng cố quan hệ với Việt Nam. Kể từ sau Đại hội Đảng VI với tên gọi “Đổi Mới” năm 1986, Việt Nam đã có nhiều thay đổi rõ nét. Về kinh tế, đến nay tổng quy mô nền kinh tế hơn 400 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 6%. Tỷ lệ người có thu nhập thấp và tỷ lệ người suy dinh dưỡng đã được cải thiện đáng kể. Nhiều chính sách an sinh xã hội được chính phủ triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả mọi thành phần xã hội. Về đối ngoại, chủ trương “làm bạn với tất cả các nước” được triển khai xuyên suốt nhằm chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ quốc gia kém phát triển sang quốc gia có thu nhập trung bình thấp, hướng đến quốc gia thu nhập trung bình cao. Dưới thời Donald Trump, Việt Nam là quốc gia được chọn tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 năm 2019 cho thấy sự tín nhiệm cao từ cựu Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vì ông D. Trump có quan điểm thực dụng trên nhiều vấn đề quốc tế. Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ông D. Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả. Dưới thời ông D. Trump, Mỹ cũng viện trợ cho Việt Nam tài chính và khí tài quân sự cần thiết để nâng cấp năng lực phòng thủ và bảo vệ đất nước. Trong khi đó, dưới thời Joe Biden, bà Kamala Harris đã có chuyến viếng thăm Việt Nam sau 7 tháng nhậm chức cho thấy vai trò của Việt Nam trong chiến lược của chính quyền Biden – Harris. Việt Nam cũng là quốc gia được đề cập cụ thể trong Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời và sau này Chiến lược An ninh Quốc gia cho thấy sự quan tâm của giới tinh hoa Mỹ về vai trò của Việt Nam trong tương lai khi chính quyền Joe Biden (cũng như chính quyền D. Trump) tuyên bố Mỹ là quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự kiện nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023 và trước đó là khởi công xây dựng Đại sứ quán Mỹ lớn nhất thế giới vào tháng 4/2023 đã chứng minh tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của giới tinh hoa Nhà Trắng. Vì vậy, trong thời gian tới, ứng viên đắc cử sẽ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam.
Bên cạnh vấn đề tích cực, các ứng viên đắc cử sẽ mang lại những thách thức lớn đối với Việt Nam. Trong trường hợp Donald Trump đắc cử Tổng thống năm 2024, Việt Nam sẽ bị gây sức ép về vấn đề tôn giáo và kinh tế – tài chính. Như đề cập, Tổng thống D. Trump là người tín hữu phái Trưởng lão thuộc Tin lành và ông đã có những động thái quyết liệt ở trong nước nhằm đẩy mạnh Cơ đốc giáo ở trong nước. Trên bình diện quốc tế, ông D. Trump sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các giáo sĩ, mục sư và chức sắc tôn giáo ở Mỹ đi truyền đạo nhằm phủ sóng tôn giáo. Trong trường hợp việc truyền đạo ở Việt Nam bị làm khó dễ, đây sẽ là lý do để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt. Tại Việt Nam, nhiều tôn giáo được truyền bá vào Việt Nam là tà giáo được nhìn nhận có sự tương đồng với Tin lành hoặc Công giáo trong thời gian gần đây, nhằm thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan và các hoạt động làm mất trật tự an ninh xã hội, chống phá nhà nước và xâm phạm an ninh quốc gia với nhiều hình thức khác nhau (Hanh, 2023) (Dương, 2022). Trường hợp khủng bố tại Đắk Lắk vào năm 2023 cho thấy thành phần phản động đã kích động chống phá dưới hình thức tôn giáo (Biên tập trang Xây dựng Chính sách, Pháp luật, 2023) (Biên tập trang Xây dựng Chính sách, Pháp luật, 2023). Vì vậy, các nhà hoạch định sách, đặc biệt là các cơ quan chức năng liên quan đến an ninh, ngoại giao, văn hóa và tôn giáo cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo có uy tín trong nước nhằm hiểu biết thêm về các loại hình tôn giáo, giáo phái hoạt động được nhìn nhận hợp pháp ở các nước để đưa ra các chính sách tuyên truyền kịp thời đến người dân và có những kế hoạch chuẩn bị trong tương lai. Về kinh tế – tài chính, việc chính quyền ông D. Trump đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ trong giai đoạn nắm quyền cho thấy áp lực cao của giới tinh hoa Nhà Trắng.
Trong trường hợp bà Kamala Harris đắc cử, Việt Nam sẽ chịu sức ép về tôn giáo và các vấn đề an sinh xã hội khác. Đảng Dân chủ từ trước đến nay luôn sử dụng các vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền để làm công cụ chính trị để can thiệp vào tình hình các nước. Trong giai đoạn Barack Obama làm Tổng thống, vấn đề dân chủ – nhân quyền đã được sử dụng tối đa ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trong khu vực. Ở Bangladesh, sự kiện Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina bị quân đội lật đổ được cho có sự can dự của Mỹ vì cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 bị cáo buộc không minh bạch và công bằng cũng như bà phản đối sự can sự sâu sắc của Mỹ ở Bangladesh (Biên tập của trang The Economic Times, 2024). Ngoài ra, bà K. Harris sẽ có sức ép đối với các hoạt động về môi trường, các hoạt động dành cho phụ nữ, trẻ em cũng như hoạt động dành cho những người được cho là nhà hoạt động nhân quyền. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chính phủ tại Việt Nam cần nâng cấp các đạo luật trong nước để ngăn chặn, giảm thiểu sức ép từ phía bà K. Harris trong trường hợp bà đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ tới.
Thách thức quan trọng khác đối với Việt Nam chính là sự nồng ấm quan hệ với Mỹ sẽ tạo áp lực đối với Trung Quốc. Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong quá khứ, các nước đã tìm cách can dự vào tình hình ở Việt Nam nhằm đạt được lợi ích và mục tiêu địa chính trị. Đối với Trung Quốc, trong thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Bắc Á cố gắng duy trì quan hệ tốt với Việt Nam nhằm giảm thiểu sức ép từ phía Nam do Trung Quốc đang rơi vào lời nguyền địa chính trị với các quốc gia đối tác, đồng minh của Mỹ ở xung quanh. Kể từ khi Barack Obama tuyên bố “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam – Mỹ ngày càng nồng ấm. Mục tiêu của giới tinh hoa Mỹ là lôi kéo Việt Nam cô lập Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành mục tiêu, hoặc kế hoạch không thành công, các nước đối tác và đồng minh của Mỹ hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Điều này sẽ đe dọa đến an ninh của Trung Quốc và có tác động to lớn đối với lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam. Sau khi Mỹ – Việt nâng cấp quan hệ vào 10/9/2023, Trung Quốc đã ra lệnh cấm thông quan vào ngày 11/9/2023 (Olander, 2023). Do đó, trong thời gian tới, chính phủ Việt Nam cần phát huy học thuyết “ngoại giao cây tre” và “bốn không” trong quốc phòng cùng phương châm “làm bạn với tất cả các nước” nhằm đảm bảo an ninh, lợi ích đất nước trước những xung đột địa chính trị, địa chiến lược đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp và khó lường.
Kết luận
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới dự kiến sẽ trải qua nhiều sự kiện bất ngờ. Donald Trump với tư duy kinh tế thực dụng đang mong muốn nâng cấp hình ảnh bản thân để trở thành một chính khách chuyên nghiệp thông qua J.D. Vance. Ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn trong các vấn đề quan trọng và tiếp tục theo đuổi những mục tiêu mà ông cho là mang lại lợi ích cho nước Mỹ trong trường hợp ông đắc cử. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đang có sự bí ẩn trong chiến lược tranh cử nhưng không nằm ngoài các vấn đề đối nội và dự kiến bà sẽ nới lỏng các vấn đề đối ngoại, giao đối ngoại – an ninh cho ông Tim Walz trong trường hợp bà trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Hiện tại, các bên đang ở trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm vì khi có những biến cố xảy đến, kết quả sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho đối phương. Trong giai đoạn ông D. Trump tranh cử Tổng thống năm 2020, đại dịch Covid-19 và những cáo buộc về đời tư đã dẫn đến thất bại của ông trong cuộc đua năm đó. Đối với Việt Nam, bất kỳ bên nào đắc cử cũng sẽ mang lại những lợi ích và thách thức trong 4 năm tiếp theo. Vì vậy, chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có những chuẩn bị kịch bản phù hợp nhằm giảm thiểu tác động do chính sách, chiến lược của người đứng đầu Nhà Trắng trong bốn năm tiếp theo đề ra./.
Tác giả: Bùi Gia Kỳ
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
- Baker, D. (2024). The Biggest Success Story the Country Doesn’t Know About. https://newrepublic.com/article/184223/biden-administration-success-story-country-doesnt-know, truy cập ngày 9/8/2024.
- Bakst, B. (2018). ‘Citizen soldier’ Walz honed leadership in uniform. https://www.mprnews.org/story/2018/10/03/tim-walz-national-guard-career-minnesota-governor-race, truy cập ngày 16/8/2024.
- Biên tập của The White House. (2022). FACT SHEET: CHIPS and Science Act Will Lower Costs, Create Jobs, Strengthen Supply Chains, and Counter China. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/08/09/fact-sheet-chips-and-science-act-will-lower-costs-create-jobs-strengthen-supply-chains-and-counter-china/, truy cập ngày 9/8/2024.
- Biên tập của trang Al Jazeera. (2024). US House passes $95bn in aid for Ukraine, Israel, and Taiwan. What next? https://www.aljazeera.com/news/2024/4/21/us-house-passes-almost-100-billion-in-aid-for-ukraine-israel-what, truy cập ngày 10/8/2024.
- Biên tập của trang Loan Program Office. (2023). INFLATION REDUCTION ACT OF 2022. https://www.energy.gov/lpo/inflation-reduction-act-2022, truy cập ngày 9/8/2024.
- Biên tập của trang macrotrends. (n.d.). S. GDP Growth Rate 1960-2024. https://www.macrotrends.net/global-metrics/countries/USA/united-states/gdp-growth-rate, truy cập ngày 9/8/2024.
- Biên tập của trang Pew Research Center. (2021). About Three-in-Ten U.S. Adults Are Now Religiously Unaffiliated. https://www.pewresearch.org/religion/2021/12/14/about-three-in-ten-u-s-adults-are-now-religiously-unaffiliated/, truy cập ngày 13/8/2024.
- Biên tập của trang The Economic Times. (2024). Western plot against Sheikh Hasina? What she revealed in May. https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/western-plot-against-sheikh-hasina-what-she-revealed-in-may/articleshow/112294105.cms?from=mdr, truy cập ngày 17/8/2024.
- Biên tập của trang The White House. (2023). Ten Charts That Explain the U.S. Economy in 2023. https://www.whitehouse.gov/cea/written-materials/2023/12/19/ten-charts-that-explain-the-u-s-economy-in-2023/, truy cập ngày 9/8/2024.
- Biên tập của trang The White House. (n.d.). Kamala Harris. https://www.whitehouse.gov/administration/vice-president-harris/, truy cập ngày 16/8/2024.
- Biên tập của trang Tim Walz for U.S. Congress. (2006). Tim Walz. https://web.archive.org/web/20061213194436/http://www.timwalz.org/index.asp?Type=B_BASIC&SEC=%7B9BFE9881-E930-49EA-A44A-7D2E8DF34BDE%7D, truy cập ngày 16/8/2024.
- Biên tập trang Xây dựng Chính sách, Pháp luật. (2023). Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Công an kêu gọi những đối tượng đang lẩn trốn sớm ra tự thú để được hưởng khoan hồng. from https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-no-sung-o-dak-lak-ke-cam-dau-la-ai-co-bao-nhieu-doi-tuong-119230614080554212.htm, truy cập ngày 17/8/2024.
- Biên tập trang Xây dựng Chính sách, Pháp luật. (2023). Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Lời khai ban đầu của các đối tượng. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-no-sung-o-dak-lak-cac-doi-tuong-khai-gi-tai-co-quan-cong-an-11923061323130274.htm, truy cập ngày 17/8/2024.
- Bradner, E., Strauss, D., Contorno, S., John, A., & Krieg, G. (2024). Takeaways from CNN’s presidential debate with Biden and Trump. https://edition.cnn.com/2024/06/27/politics/takeaways-biden-trump-debate/index.html, truy cập ngày 10/8/2024.
- Bureau of Political-Military Affairs. (2024). S. Security Cooperation with Ukraine. https://www.state.gov/u-s-security-cooperation-with-ukraine/, truy cập ngày 10/8/2024.
- Cao, V. (2020). Nước Mỹ và thăng trầm của người da đen. https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Nuoc-My-va-thang-tram-cua-nguoi-da-den-i572607/, truy cập ngày 16/8/2024.
- Cathey, L. (2020). Weaponizing religion: Trump’s attacks on Biden’s faith, calling him ‘against God’. https://abcnews.go.com/Politics/weaponizing-religion-trumps-attacks-bidens-faith-calling-god/story?id=72240325, truy cập ngày 14/8/2024.
- Coen, S. (2024). Trump campaign accuses Biden of ‘assault on Christianity’ in trans visibility clash. https://www.telegraph.co.uk/us/politics/2024/03/30/trump-campaign-joe-biden-assault-christianity-trans-day/, truy cập ngày 14/8/2024.
- Dovere, E.-I., & Zeleny, J. (2024). Obama, Pelosi privately expressed concerns over Biden. https://edition.cnn.com/2024/07/11/politics/obama-pelosi-biden-democrats-2024/index.html, truy cập ngày 11/8/2024.
- Dương, P. (2022). Nhận diện hoạt động của một số tà đạo hiện nay. https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-hoat-dong-cua-mot-so-ta-dao-hien-nay-i652264/, truy cập ngày 17/8/2024.
- Hanh, Đ. N. (2023). Nhận diện và đấu tranh với các tà đạo đội lốt tôn giáo hiện nay. https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-cac-ta-dao-doi-lot-ton-giao-hien-nay-745177, truy cập ngày 17/8/2024.
- Hendricks, T. (2024). As Republicans attack Harris on immigration, here’s what her California record reveals. https://www.npr.org/2024/08/10/nx-s1-5061760/kamala-harris-immigration-record-california, truy cập ngày 16/8/2024.
- Kinery, E. (2024). Biden launches 2024 reelection campaign, promising to fulfill economic policy vision. https://www.cnbc.com/2023/04/25/joe-biden-announces-2024-reelection-campaign.html, truy cập ngày 10/8/2024.
- Kochhar, R. (2024). The State of the American Middle Class. https://www.pewresearch.org/race-and-ethnicity/2024/05/31/the-state-of-the-american-middle-class/, truy cập ngày 15/8/2024.
- Lagos, M., & Krans, B. (2024). Vice President Kamala Harris Makes Fundraising Stop in San Francisco Amid Protest. https://www.kqed.org/news/11999777/vice-president-kamala-harris-makes-fundraising-stop-in-san-francisco-amid-protests, truy cập ngày 14/8/2024.
- Marx, K., & Engels, F. (1848). Manifesto of the Communist Party. https://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/index.htm, truy cập ngày 15/8/2024.
- Mascaro, L. (2023). Republicans make last-ditch request for Biden to testify as impeachment inquiry winds down. https://apnews.com/article/biden-impeachment-hunter-biden-comer-f09ba1ae3b7bda703a5a84530f56d70f, truy cập ngày 10/8/2024.
- Nazzaro, M. (2024). Harris, Walz officially certified as Democratic nominees for president, vice president. https://thehill.com/homenews/campaign/4814861-harris-walz-democratic-nomination/, truy cập ngày 16/8/2024.
- Newport, F. (2017). 2017 Update on Americans and Religion. https://news.gallup.com/poll/224642/2017-update-americans-religion.aspx, truy cập ngày 13/8/2024.
- Nguyễn Văn Toàn. (2020). Thân phận người da đen ở Mỹ và nỗi đau từ quá khứ. https://vietnamnet.vn/than-phan-nguoi-da-den-o-my-va-noi-dau-tu-qua-khu-653226.html, truy cập ngày 16/8/2024.
- Olander, E. (2023). China Blocks Vietnamese Fruit Trucks From Entering One Day After Hanoi Upgrades Diplomatic Ties With Washington. https://chinaglobalsouth.com/2023/09/11/china-blocks-vietnamese-fruit-trucks-from-entering-one-day-after-hanoi-upgrades-diplomatic-ties-with-washington/, truy cập ngày 19/8/2024.
- Patten, E. (2016). Racial, gender wage gaps persist in U.S. despite some progress. https://www.pewresearch.org/short-reads/2016/07/01/racial-gender-wage-gaps-persist-in-u-s-despite-some-progress/, truy cập ngày 16/8/2024.
- Rose, D. (1995). Official Social Classifications in the UK. https://sru.soc.surrey.ac.uk/SRU9.html, truy cập ngày 15/8/2024.
- Smyth, J. C. (2012). Vance’s anti-drug charity enlisted doctor echoing Big Pharma. https://apnews.com/article/2022-midterm-elections-entertainment-health-175153d8a80d93b2c9c6654a6a730de9, truy cập ngày 16/8/2024.
- Sprunt, B., Kim, C., & Shivaram, D. (2021). Biden says final passage of $1 trillion infrastructure plan is a big step forward. https://www.npr.org/2021/11/05/1050012853/the-house-has-passed-the-1-trillion-infrastructure-plan-sending-it-to-bidens-des
- Stepansky, J., & Al Jazeera Staff. (2024). What does the Trump rally attack mean for the US election? https://www.aljazeera.com/news/2024/7/14/what-does-the-trump-rally-attack-mean-for-the-us-election, truy cập ngày 12/8/2024.
- Tait, R. (2024). Pressure mounts on Biden as tally of Democrats urging withdrawal passes 30. https://www.theguardian.com/us-news/article/2024/jul/19/biden-betrayed-democrats-election-2024, truy cập ngày 11/8/2024.
- Tooley, H. (2016). 700 evangelical leaders pray for Donald Trump. https://premierchristian.news/en/news/article/700-evangelical-leaders-pray-for-donald-trump?recommid=8564259c27c48f80840e96ab89c068f8, truy cập ngày 14/8/2024.
- Trần Huyền Trang. (2021). “Chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu”: Chiến lược tái cân bằng các trụ cột đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/-chinh-sach-doi-ngoai-vi-tang-lop-trung-luu-chien-luoc-tai-can-bang-cac-tru-cot-doi-ngoai-cua-chinh-quyen-tong-thong-my-gio-bai-don, truy cập ngày 15/8/2024.
- Trân, V. (2024). Bà Harris nhận 81 triệu USD đóng góp trong 24 giờ sau khi ông Biden dừng tranh cử. https://thanhnien.vn/ba-harris-nhan-81-trieu-usd-dong-gop-trong-24-gio-sau-khi-ong-biden-dung-tranh-cu-185240723063825423.htm, truy cập ngày 14/8/2024.
- USAFacts Team. (2024). How many immigrants are in the American workforce? https://usafacts.org/articles/how-many-immigrants-are-in-the-american-workforce/, truy cập ngày 14/8/2024.
- USAFacts Team. (2024). How many refugees are entering the US? https://usafacts.org/articles/how-many-refugees-are-entering-the-us/, truy cập ngày 14/8/2024.
- Ward, I. (2024). 55 Things to Know About JD Vance, Trump’s VP Pick. https://www.politico.com/news/magazine/2024/07/15/jd-vance-55-things-trump-vp-00167882, truy cập ngày 16/8/2024.
- Whitehead, A., Perry, S., & Baker, J. (2018). Make America Christian Again: Christian Nationalism and Voting for Donald Trump in the 2016 Presidential Election. Sociology of Religion, 79(2), pp. 147–171. https://academic.oup.com/socrel/article/79/2/147/4825283, truy cập ngày 14/8/2024.
- Yến, P. (2017). Ông Trump quyết định đánh Syria khi tiếp ông Tập Cận Bình. https://thanhnien.vn/ong-trump-quyet-dinh-danh-syria-khi-tiep-ong-tap-can-binh-185655328.htm., truy cập ngày 14/8/2024.