Với địa lý đặc biệt, số lần nước Mỹ bị các quốc gia khác tấn công vào lãnh thổ rất ít. Tuy nhiên, không vì thế mà nước Mỹ không có những mối đe doạ nghiêm trọng. Và sự lan truyền của thuyết âm mưu là một nguy cơ như vậy.
Thuyết âm mưu được định nghĩa là những lý giải mà ở đó, những nhân vật hay tổ chức tham gia vào sự kiện được lý giải trong thuyết âm mưu đã làm những hành động từ mờ ám đến xấu xa nhằm đạt được mục đích cho riêng mình trong những sự kiện có nhiều điều bí ẩn[1]. Các thuyết âm mưu thường xoay quanh những người nổi tiếng, chính trị gia, các cơ quan nhà nước, đôi khi là các tập đoàn lớn. Chủ đề của thuyết âm mưu rất đa dạng: chính trị, quân sự, kinh doanh, giải trí hay thậm chí là cả lịch sử. Tuy nhiên, các thuyết âm mưu về chính trị, quân sự và lịch sử là những thuyết âm mưu nguy hiểm hơn cả.
Nghịch lý giữa dân chủ và thuyết âm mưu
Dân chủ là một hệ thống chính trị mà ở đó công dân được đảm bảo quyền tự do biểu đạt ý kiến về một vấn đề nào đó[2]. Để đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru và hiệu quả, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà nước đối với người dân rất quan trọng[3]. Tuy nhiên, không phải điều gì cũng có thể được công khai. Vì thế, những câu chuyện về bí mật nhà nước đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thuyết âm mưu. Và nghịch lý giữa dân chủ và thuyết âm mưu bắt đầu khi yêu cầu về tính minh bạch và giải trình của dân chủ đối đầu với tính chất mờ ám, khó kiểm chứng và tính truyền miệng của thuyết âm mưu. Một đất nước càng dân chủ, sự lan truyền của thuyết âm mưu càng có chiều hướng công khai, nhưng hạn chế dân chủ cũng không giảm đi tính chất truyền miệng của các thuyết này. Việc đó chỉ chuyển hình thức truyền miệng từ công khai sang bí mật. Và nghịch lý giữa dân chủ và thuyết âm mưu đã trở thành nguồn cơn cho sự lan truyền thuyết âm mưu gây ra bởi các tác nhân tâm lý và xã hội.
Theo giáo sư Jan-Willem van Prooijen[4], nếu xét từ góc độ tâm lý, sự lan truyền và phổ biến của thuyết âm mưu đến từ ba nguồn sau: Thứ nhất, đó là cảm giác bất lực. Những người trải qua cảm giác bất lực lâu ngày sẽ có chiều hướng tư duy cho rằng những vấn đề họ gặp phải không đến từ chính họ, mà là một phần của một âm mưu do người khác bày ra để hại họ. Sự bất lực này thể hiện rõ sự yếu đuối và thiếu đi sự chắc chắn, từ đó kích động cho niềm tin vào thuyết âm mưu. Thứ hai chính là định kiến về giới tinh hoa. Trong mắt người dân bình thường, giới tinh hoa không chỉ giàu có bất thường, mà họ còn có khả năng tác động rất lớn đến những diễn biến chính trị và xã hội[5]. Vì thế, như một lẽ dĩ nhiên, nhiều người sẽ cảm thấy giới tinh hoa như là một mối đe doạ đến cuộc sống của họ. Chính vì thế, họ sẽ dễ dàng tin vào các thuyết âm mưu hơn. Nguồn gốc thứ ba của sự lan truyền thuyết âm mưu từ góc độ tâm lý chính là sự tò mò. Con người hay có xu hướng tò mò về những điều mờ ám, không rõ ràng[6]. Vì thế, thuyết âm mưu hoàn toàn đáp ứng ham muốn này.
Từ góc độ xã hội, sự lan truyền và phổ biến của thuyết âm mưu đến từ ba nguồn sau: Thứ nhất, đó là cạnh tranh định hướng truyền thông[7]. Trong một môi trường mà truyền thông có tính cạnh tranh lẫn nhau cao, yêu cầu về sự thu hút sự chú ý của độc giả chính là yếu tố sống còn. Vì thế, để có sự chú ý nhiều nhất, việc định hướng người dùng sẽ rất quan trọng. Việc này lâu ngày sẽ có chiều hướng khiến cho nhiều người phát ngán và cho rằng truyền thông đang không nói ra sự thật, mà là một phần của một âm mưu do một thế lực nào đó bày ra để thao túng. Sự định hướng này thể hiện rõ cái tôi cá nhân cao và thiếu đi sự chắc chắn, từ đó kích động cho niềm tin vào thuyết âm mưu[8]. Thứ hai chính là bất bình đẳng kinh tế[9]. Trong mắt người dân bình thường, bất bình đẳng kinh tế không chỉ bất thường khi việc kiếm sống với nhiều người vốn không dễ dàng, mà còn có khả năng liên quan đến những thế lực ngầm có ảnh hưởng đến chính trị và xã hội. Vì thế, như một lẽ dĩ nhiên, nhiều người sẽ cảm thấy giới tinh hoa hưởng lợi từ bất bình đẳng kinh tế như là một mối đe doạ đến cuộc sống của họ[10]. Chính vì thế, họ sẽ dễ dàng tin vào các thuyết âm mưu hơn. Nguồn gốc thứ ba của sự lan truyền thuyết âm mưu từ góc độ tâm lý chính là những sự kiện bất thường. Như đã đề cập ở trên, con người hay có xu hướng tò mò về những điều mờ ám, không rõ ràng. Mà các sự kiện này lại có đủ sự mờ ám và không rõ ràng. Vì thế, thuyết âm mưu hoàn toàn đáp ứng ham muốn này.
Thuyết âm mưu chính trị và phân cực hoá chính trị
Trong phạm vi của bài, các thuyết âm mưu được phân tích sẽ là các thuyết âm mưu chính trị. Có hai lý do cho sự lựa chọn này: Thứ nhất, các thuyết âm mưu có ảnh hưởng lớn nhất đối với cư dân và an ninh quốc gia Mỹ. Thứ hai, các thuyết âm mưu nổi tiếng và hay được nói đến nhất cũng là các thuyết âm mưu chính trị.
Sự phân cực hoá chính trị và thuyết âm mưu chính trị tuy không phải là điều mới mẻ, nhưng việc phân hoá chính trị trên cơ sở niềm tin vào thuyết âm mưu chính trị lại là một điểm mới trong câu chuyện về thuyết âm mưu chính trị. Sự phân cực hoá này diễn ra trong ba bối cảnh sau: Thứ nhất, sự phát triển của ngành truyền thông. Với sự xuất hiện của báo giấy, radio, TV và sau này là Internet[11], các thông tin và quan điểm đã trở nên cực kì dễ dàng được truyền tải, bao gồm cả thuyết âm mưu chính trị. Bối cảnh thứ hai là sự gia tăng trong việc sở hữu súng. Một mặt, sở hữu súng nhiều hơn cho thấy điều kiện tài chính phát triển hơn, nhưng cũng cho thấy nguy cơ tranh cấp sử dụng bạo lực gia tăng khi người sở hữu súng sẽ có chiều hướng muốn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề hơn, đặc biệt là khi chúng liên quan đến niềm tin[12]. Bối cảnh thứ 3 là toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá khiến nước Mỹ giàu hơn, nhưng nếu thế giới có biến loạn, nước Mỹ cũng dễ bị tác động ngược.
Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989, nước Mỹ đã tồn tại rất nhiều thuyết âm mưu chính trị khác nhau. Tuy nhiên, do báo giấy, radio và TV vẫn là các phương tiện truyền thông dễ dàng bị kiểm duyệt[13], các thuyết âm mưu không có độ phổ biến cao trong công chúng Mỹ. Thời kì này nổi tiếng nhất với ba thuyết âm mưu: vụ ám sát John Kennedy, vật thể bay không xác định – UFO và quan chức Đức Quốc xã đào tẩu. Thuyết âm mưu về vụ ám sát John Kennedy cho thấy sự yêu thích cuồng nhiệt đối với một nhân vật có thể gây ra hiệu ứng nghi ngờ cao, từ đó dẫn đến thuyết âm mưu. Các thuyết âm mưu về UFO cho thấy sự thiếu niềm tin vào cơ quan công quyền dễ dàng dẫn đến thuyết âm mưu, và sự nghi ngờ này càng rõ ràng khi những thuyết âm mưu về việc Mỹ giúp đỡ các quan chức Đức Quốc xã đào tẩu khỏi sự truy đuổi của Israel và Liên Xô là chủ đề phổ biến ngay trong thập niên 1950-1960. Trong thời kì này, tỉ lệ sở hữu súng của người dân Mỹ tuy đã tăng dần theo thời gian[14], nhưng nguy cơ lạm dụng bạo lực súng đạn vẫn khá thấp. Ngoài ra, các thuyết âm mưu này chưa gây ra phân cực hoá chính trị về tư tưởng của người dân mà chỉ nằm ở phương thức xử lý một vấn đề cụ thể. Do đó, ở một mức độ nào đó thì sự thống nhất chính trị trong nước của Mỹ thời kì này vẫn được đảm bảo. Như một hệ quả, thuyết âm mưu chưa gây ra nguy hiểm lớn cho an ninh quốc gia Mỹ.
Với “chiến thắng” trước Liên Xô, nước Mỹ từ năm 1989 bắt đầu tiến vào thời kì mà bá quyền Mỹ trở nên mạnh mẽ nhất trên phạm vi toàn cầu. Chiến thắng này giúp cho đoàn kết nội bộ chính trị Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn trước. Do đó, trong thời kì từ sau 1989 đến trước 11/9/2001, sự lan truyền thuyết âm mưu đã suy giảm nhiều và mất đi một phần khá lớn ảnh hưởng của nó. Vì thế, sự thống nhất chính trị trong nước được đảm bảo và phân cực hoá chính trị của Mỹ thời kì này rất nhỏ.
Tuy nhiên, vụ khủng bố ngày 11//2001 cùng một loạt cuộc chiến kéo theo sau đó đã mở một trang mới cho sự lan truyền của thuyết âm mưu. Các thuyết âm mưu trải dài từ nghi vấn về hung thủ thực sự của sự kiện 11/9, danh tính của Osama bin Laden, mối quan hệ giữa Mỹ và một số quốc gia như Israel[15], Saudi Arabia, Anh, Trung Quốc đến cả nghi vấn về mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ với Cục Dự trữ Liên bang (FED)[16] và giới trùm công nghiệp quốc phòng[17]. Những thuyết âm mưu kể trên, trừ thuyết âm mưu về vụ 11/9, đã tồn tại từ trước đó. Tuy nhiên, với sự phát triển của Internet, các thuyết âm mưu này đã có cơ hội được lan truyền và phát tán với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Chính vì thế, sự phân cực chính trị bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn, từ đó dẫn đến các nguy cơ an ninh cao hơn, bao gồm xả súng và khủng bố liên quan đến quan điểm chính trị. Phân cực chính trị và lan truyền thuyết âm mưu được củng cố và xúc tiến mạnh mẽ bởi 3 sự kiện sau: Đầu tiên là sự xuất hiện của deep web và dark web. Deep web và dark web là những trang mạng không chịu sự kiểm duyệt của chính phủ hay cơ quan nhà nước, vì thế tất cả các loại thông tin mờ ám, khó kiểm chứng được tung ra ở đây rất dễ dàng và rất nhiều[18]. Đây chính là nơi mà thuyết âm mưu sinh sôi, nảy nở và hoàn thiện khi không bị kiểm soát. Sự kiện thứ hai chính là sự xuất hiện của Wikileaks. Tuy cũng là nơi công bố những tài liệu mật và thuyết âm mưu, nhưng là ở một cấp độ công khai hơn deep web rất nhiều[19]. Và cuộc đào tẩu của Edward Snowden sang Nga và các tiết lộ về mạng lưới nghe lén của Mỹ chính là thời điểm bùng nổ cho sự lan truyền của các thuyết âm mưu chính trị nhắm vào Mỹ[20]. Ba sự kiện trên chính là những bước leo thang trong sự tiến hoá của sự lan truyền thuyết âm mưu, sự phân cực hoá chính trị, và những nguy cơ từ chúng. Có thể thấy rằng, từ sau sự kiện 11/9, thuyết âm mưu đã lan truyền mạnh vào đời sống người Mỹ và sự phân cực hoá chính trị, cùng bạo lực liên quan đến thuyết âm mưu đã gia tăng đáng kể. Từ đó, nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ càng ngày càng tăng.
Sự đắc cử của Donald Trump vào vị trí Tổng thống Mỹ không những không kết thúc được sự lan truyền của thuyết âm mưu và phân cực chính trị, ngược lại, còn gia tăng thêm. Sự phân cực chính trị này được mở rộng và củng cố với ba lý do sau: Thứ nhất, ông Trump vốn dĩ không được truyền thông yêu thích do phong cách cá nhân rất khác lạ. Do đó, truyền thông sẽ cố gắng đưa những thông tin bất lợi cho ông Trump[21]. Điều nảy sẽ khiến cho những người ủng hộ ông Trump cảm thấy khó chịu và dần nghi ngờ, từ đó tạo cơ hội cho thuyết âm mưu được lan truyền. Thứ hai, ứng cử viên Hilary Clinton là một ứng viên có nhiều nhân vật lớn ủng hộ[22]. Là vợ của cựu Tổng thống Bill Clinton và từng là Ngoại trưởng trong chính quyền Obama, hiển nhiên bà Clinton được truyền thông và các nhân vật lớn ủng hộ. Nhưng việc ngầm đe doạ sử dụng hạt nhân chống lại Nga đã khiến Clinton thất cử lại khiến cho cử tri Mỹ bất ngờ[23]. Vì thế, sự nghi ngờ cũng tăng theo thời gian, tạo cơ hội cho thuyết âm mưu. Thứ ba, bản thân ông Trump là một người rất bảo vệ quyền sở hữu súng và rất hay tuyên truyền về các thuyết âm mưu[24]. Chính vì thế, niềm tin của người dân Mỹ vào các thế lực chính trị ngoài ông Trump giảm đi, từ đó thuyết âm mưu chính trị càng lan truyền mạnh trong dân chúng Mỹ, và tạo điều kiện cho nhiều vụ xả súng và khủng bố hơn. Nhưng những vấn đề nguy hiểm nhất chưa đến. Chúng chỉ đến khi ông Trump thất cử trong chiến dịch bầu cử năm 2020 và Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong khoảng thời gian này, một loạt thuyết âm mưu chống lại đảng Dân chủ với các bằng chứng chưa rõ ràng[25] cùng với thái độ chống Trump, chống Nga của đảng Dân chủ càng làm cho người dân Mỹ trở nên thiếu đi tin tưởng lẫn nhau, dẫn đến số ca nhiễm Covid, xả súng tăng. Và sự nghi ngờ chính trị tăng mạnh hơn. Đỉnh điểm của sự nghi ngờ và xu hướng bạo lực chính là vụ Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Cho đến lúc này, lưỡng đảng chính trị tại Mỹ đã bắt đầu tích cực đấu tố nhau và cho đến hiện tại, đoàn kết chính trị đã trở nên xa vời hơn, gây ra nguy cơ an ninh lớn cho Mỹ.
Tổng kết lại, chúng ta có thể thấy được ba lý do sự phân cực hoá chính trị do thuyết âm mưu tại Mỹ đặc biệt nguy hiểm: Lý do thứ nhất chính là tỉ lệ sở hữu súng cao. Việc người dân có nhiều súng hơn mà lại không giải quyết được các xung đột bằng hoà bình dễ dẫn đến việc sử dụng súng để giải quyết hơn. Những xung đột này có thể trở nên rất nguy hiểm khi dính dáng đến thuyết âm mưu, vì một khi đã tin vào thì rất khó để nghi ngờ. Lý do thứ hai chính là mâu thuẫn giữa kiểm duyệt và tự do thông tin. Nước Mỹ luôn tự hào là quốc gia cởi mở cao về tự do thông tin, vì thế gần như tất cả các loại thông tin đều được đăng thoải mái, kể cả thuyết âm mưu. Nhưng kiểm duyệt sẽ hạn chế một phần những thông tin được xem là tin giả, tin không có lợi cho an toàn công cộng. Điều này đã làm cho người Mỹ trở nên khó chịu và bất bình, dẫn đến dễ có chiều hướng bạo lực và tin vào thuyết âm mưu nhiều hơn. Lý do thứ ba chính là cách truyền thông đưa tin về các cuộc khủng hoảng kinh tế và sự kiện bất thường tại Mỹ. Đối với người Mỹ, truyền thông theo kiểu tuyên truyền, định hướng không phải là một phần của dân chủ, tự do. Và họ đang thấy truyền thông Mỹ ngày càng phe phái, tuyên truyền. Vì thế, họ mất đi niềm tin và điều này tạo cơ hội cho thuyết âm mưu phát triển, dẫn đến các hệ quả nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ.
Những thế lực được hưởng lợi từ thuyết âm mưu
Một nước Mỹ chìm ngập trong phân cực hoá chính trị, thuyết âm mưu, nghi ngờ và bạo lực nội bộ rõ ràng là một nước Mỹ mà hàng thế hệ người Liên Xô và Nga mong chờ. Một nước Mỹ như thế chắc chắn rất có lợi cho Nga không chỉ về đối nội mà còn cả về đối ngoại. Về phần đối nội, do tình hình bất ổn, nước Mỹ trong hoàn cảnh này phải giảm mức độ quan tâm đến cạnh tranh nước lớn, từ đó giảm dần sự can thiệp, viện trợ cho các lực lượng chống chính quyền có đường lối thân phương Tây tại quốc gia này. Và nước Nga chỉ chờ cơ hội này để triệt hạ các lực lượng này và ổn định tình hình trong nước. Thêm vào đó, sự can thiệp yếu dần của Mỹ cũng cho phép Nga dễ dàng lách cấm vận, từ đó phát triển mạnh hơn và nếu thuận lợi thì có thể khiến Mỹ phải dỡ cấm vận. Và một nước Mỹ như thế cũng cho phép chính quyền Nga một diễn ngôn để thuyết phục người dân Nga từ bỏ dân chủ, tự do theo chuẩn phương Tây khi liên tục cho người dân thấy những hình ảnh nước Mỹ tràn ngập trong nghi ngờ và bạo lực. Về mặt đối ngoại, một nước Mỹ suy yếu sẽ cho phép Nga đảm bảo ảnh hưởng tại các khu vực mà nước Nga hậu Soviet đã cố gắng xây dựng ảnh hưởng và nếu thuận lợi, thì có thể gây ra ảnh hưởng. Thêm vào đó, một nước Mỹ tràn ngập bạo lực thể hiện rõ uy tín quốc gia suy giảm, từ đó uy tín của Nga trên trường quốc tế sẽ gia tăng đáng kể. Và một nước Mỹ suy yếu trong bạo lực cũng ngẫu nhiên giúp chính quyền Nga hai việc: việc thứ nhất chính là tác dụng phụ của phong trào bài Nga. Với sự bài Nga gia tăng ở Mỹ, sự sợ Nga cũng tăng theo, từ đó Nga vô tình được tăng hiệu quả răn đe khi không cần làm gì vẫn khiến người Mỹ chùn chân. Việc thứ hai chính là nước Mỹ tràn ngập trong thuyết âm mưu sẽ khoét sâu mâu thuẫn tư tưởng và sắc tộc. Hệ quả là các băng đảng mafia gốc Nga sẽ phải cảnh giác các băng đối thủ nhiều hơn là FSB. Sự sợ hãi này giúp chính quyền Nga giảm sự quan tâm và lo sợ với các mafia gốc Nga.
Và một nước Mỹ bất ổn trong thuyết âm mưu không chỉ có lợi cho Nga. Trung Quốc cũng là một quốc gia được hưởng lợi lớn khi Mỹ cũng đã có nhiều chính sách chống lại quốc gia này. Lợi ích đầu tiên mà Trung Quốc gặt hái được từ nước Mỹ bất ổn chính là Đài Loan. Như đã đề cập ở trên, một nước Mỹ suy yếu vì bất ổn sẽ phải giảm sự quan tâm đối với các quốc gia khác. Và Đài Loan cũng không là ngoại lệ. Vì thế, một nước Mỹ suy yếu sẽ chùn chân hơn trong việc bảo vệ Đài Loan. Từ đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng tiến hành chiến dịch thống nhất bán đảo hơn và cuộc thống nhất sẽ diễn ra nhanh hơn. Lợi ích thứ hai chính là sự suy giảm sự ủng hộ và đầu tư cho các lực lượng ly khai tại Tây Tạng và Tân Cương. Sự suy giảm về đầu tư và ủng hộ sẽ làm các lực lượng này suy yếu, từ đó giúp Trung Quốc xử lý và ổn định tình hình nhanh hơn. Lợi ích thứ ba chính là giờ đây, Mỹ không còn có đủ sức mạnh để chèn ép Trung Quốc về kinh tế và kĩ thuật, từ đó Trung Quốc sẽ lại nhanh chóng bắt kịp Mỹ về hai mảng này. Một phần của sự bắt kịp này chính là việc mua chuộc, mời gọi những doanh nghiệp, nhà khoa học Mỹ mong muốn sự an toàn và mức sống ổn định. Và lợi ích cuối cùng chính là nước Mỹ bất ổn sẽ ít tích cực hơn trong việc tuyên truyền thuyết âm mưu về Trung Quốc.
Nhưng Nga và Trung Quốc không là hai thế lực duy nhất được hưởng lợi từ một nước Mỹ bất ổn trong thuyết âm mưu. Liên minh châu Âu cũng được hưởng lợi dù là đồng minh của Mỹ. Lợi ích đầu tiên mà EU nhận được chính là sự suy giảm chảy máu chất xám cũng như kinh tế. Nước Mỹ từ sau Thế chiến II đã luôn tích cực sử dụng truyền thông và chính sách để thu hút trí thức và doanh nhân EU sang Mỹ, nhất là khi EU có rối loạn. Vì vậy, một nước Mỹ bất ổn sẽ không còn đủ khả năng làm việc này, từ đó giảm đi sự chảy máu chất xám và kinh tế. Lợi ích thứ hai EU có được chính là sự tự chủ lớn hơn vào an ninh. Một nước Mỹ bất ổn sẽ phải cắt giảm chi phí quốc phòng, từ đó rút quân bớt về nước. Và sự rút quân của Mỹ đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có ít sức ép lên vấn đề an ninh của châu Âu. Từ đó, EU sẽ có nhiều quyền lực hơn trong vấn đề an ninh khu vực. Và như một hệ quả tất yếu, sự rút quân của Mỹ cũng sẽ giúp EU có thêm sự độc lập trên trường quốc tế khi Mỹ giờ đây cũng ít can thiệp vào chính sách đối ngoại của EU hơn.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh
Tài liệu tham khảo
- Marina Abalakina-Paap, Walter G. Stephan, Traci Craig, W. Larry Gregory; Beliefs in Conspiracies; Political Psychology
- Alfred Stepan; Religion, Democracy and the “Twin Tolerations”; Journal of Democracy.
- Alfred Stepan; Religion, Democracy and the “Twin Tolerations”; Journal of Democracy.
- Jan-Willem van Prooijen; Psychological benefits of believing conspiracy theories; Elsevier Review.
- Heins, V. (2007). Critical theory and the traps of conspiracy thinking. Philosophy & Social Criticism, 33(7), 787–801. doi:10.1177/0191453707081675.
- Jan-Willem van Prooijen; Psychological benefits of believing conspiracy theories; Elsevier Review.
- 33 Problems With Media in One Chart (visualcapitalist.com).
- Marina Abalakina-Paap, Walter G. Stephan, Traci Craig, W. Larry Gregory; Beliefs in Conspiracies; Political Psychology.
- Can We Discern the Effect of Globalization on Income Distribution? Evidence from Household Surveys | The World Bank Economic Review | Oxford Academic (oup.com).
- Madalina, C. (2015). Globalization and the Conspiracy Theory. Procedia Economics and Finance, 23, 677–681. doi:10.1016/s2212-5671(15)00474-8.
- Recent Developments in Mass Media: Digitization and Multitasking – ScienceDirect. .
- Why so many Americans think the government wants their guns – The Washington Post.
- American Communism and Cold War Censorship: The Creation of a New American Citizen (upenn.edu).
- Gun ownership in the U.S. 1972-2021. Statista.
- Heins, V. (2007). Critical theory and the traps of conspiracy thinking. Philosophy & Social Criticism, 33(7), 787–801. doi:10.1177/0191453707081675
- Conspiracy Theories and the Federal Reserve – Bloomberg.
- The Concept of the Military-Industrial Complex: Radical Critique or Liberal Bogey? on JSTOR. What is the Deep Web and What Will You Find There? (techtarget.com).
- WikiLeaks. https://wikileaks.org/
- The NSA files. The Guardian.
- ‘Enemy of the people’: Trump’s war on the media is a page from Nixon’s playbook | Trump administration. The Guardian.
- 25 Celebrities Who Are Supporting Hillary Clinton. EW.com.
- Hillary Clinton goes nuclear on Donald Trump – POLITICO.
- Uscinski, Joseph E.; Enders, Adam M.; Klofstad, Casey A.; Seelig, Michelle I.; Funchion, John, R.; Everett, Caleb;Wuchty, Stephan; Premaratne, Kamal; Murthi, Manohar, N. (2020). Why do people believe COVID-19 conspiracy theories?, The Harvard Kennedy School (HKS) Misinformation Review, Volume 1, Special Issue on COVID-19 and Misinformation. Received: March 23, 2020 Accepted: April 24, 2020 Published: April 28, 2020.
- US military biological activities on the territory of Ukraine (pressenza.com).