Trong bối cảnh quyết tâm thống nhất của Đại lục ngày càng gia tăng, Đài Loan đang ngày càng lâm vào tình thế khó khăn. Điều này đã thúc đẩy Đài Loan vạch ra chiến lược “ứng phó phi đối xứng” trước sức mạnh vượt trội từ Đại lục, nhưng không dễ để hòn đảo này có thể đảm bảo chiến lược ấy đạt được hiệu quả trong những tình huống đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số đánh giá cụ thể về tiềm lực quốc phòng của Đài Loan – một trong những thành tố quan trọng hàng đầu, quyết định tới tính hiệu quả của chiến lược “ứng phó phi đối xứng” của hòn đảo này.
Động lực tăng cường quốc phòng của Đài Loan
Gia tăng căng thẳng chính trị, bấp bênh về kinh tế trên bình diện toàn cầu
Nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kì khủng hoảng, giá trị của một số đồng tiền bị tụt giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là đồng Yên của Nhật. Thêm vào đó, sự đứt gãy chuỗi năng lượng toàn cầu gây ra tình trạng thiếu hụt về năng lượng, giá cả đắt đỏ, đe dọa an ninh phát triển kinh tế của tất cả các quốc gia. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là một biểu hiện rõ nét của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường. Điều đó khiến các quốc gia quan tâm nhiều hơn đối với tình hình kinh tế quốc tế, nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc cạnh tranh cũng như tranh thủ cơ hội để đạt được lợi ích từ bối cảnh mới của thế giới.
An ninh chính trị thế giới với nhiều bất đồng đan xen khắp các khu vực. Do đó, các quốc gia ngày càng có nhận thức cao hơn về việc cần xây dựng một nền kinh tế và quốc phòng vững mạnh để đảm bảo an ninh. Mỹ luôn là quốc gia có sự đầu tư lớn cho quốc phòng nhằm duy trì vị thế của một cường quốc đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đã vươn lên nhanh chóng với một sức mạnh tổng hợp xứng tầm với Mỹ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của vũ khí công nghệ cao. Nhật Bản đã dần có sự điều chỉnh trong nhận thức phát triển đất nước, quan tâm đến quốc phòng nhiều hơn.
Liên quan tới cuộc xung đột Nga- Ukraine: Ngay từ khi cuộc chiến Nga- Ukraine nổ ra, dư luận quốc tế đều theo dõi và đưa ra những ý kiến, bình luận về cuộc chiến này và cũng nhiều người đặt câu hỏi rằng: Liệu trung Quốc có làm điều tương tự với Đài Loan như Nga đã làm thế với Ukraine? Thế nhưng một điều cần khẳng định rằng, Nga khác Trung Quốc và Ukraine cũng không phải Đài Loan. Vì vậy, điều tương tự rất khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Với cuộc xung đột này, cả Trung Quốc và Đài Loan đều có thể thấy được những bài học kinh nghiệm để duy trì trạng thái ổn định hiện tại. Đài Loan thấy được những khó khăn mà hòn đảo này có thể phải gánh chịu nếu rơi vào hoàn cảnh như Ukraine hiện nay. Đồng thời càng thấy sâu sắc hơn rằng, đứng trước bài toán lợi ích, sự an toàn của họ có thể trở thành quân bài đàm phán của các nước lớn.
Có thể thấy, Đài Loan có sự chuẩn bị tốt hơn Ukraine cả trong kinh tế và quân sự. Nhưng điều đó không đảm bảo cho một cuộc chiến mà Đài Loan nắm chắc phần thắng với Trung Quốc. Trung Quốc có một tham vọng rất lớn và có một nền kinh tế phát triển vượt trội, một nền quân sự vững mạnh là những khó khăn mà Đài Loan và các nước đối đầu với Trung Quốc phải dè chừng.
Quyết tâm của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan
Vào đầu năm nay, ngày 02/01/2023, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về quan điểm cũng như thái độ của họ đối với vấn đề Đài Loan. Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đại lục Song Tao đã viết một thông điệp năm mới có tựa đề “Cùng nhau chiến đấu để đạt được thành tựu vĩ đại” được đăng trên số đầu tiên của tạp chí Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan ấn bản năm 2023. Và cũng tuyên bố rằng vào năm 2022, Trung Quốc đại lục đã nắm chắc quyền kiểm soát và chủ động trong quan hệ xuyên eo biển, tiếp tục làm rõ diễn biến của vấn đề Đài Loan và giải thích định hướng chính sách về Đài Loan của Trung Quốc đại lục cho đồng bào Đài Loan và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc đại lục đã hướng dẫn đồng bào ở cả hai bên eo biển Đài Loan thảo luận và đàm phán về quan hệ xuyên eo biển và thống nhất đất nước. Bắc Kinh kiên quyết phản đối chủ nghĩa ly khai, thề sẽ đập tan các lực lượng ly khai “Đài Loan độc lập” và các hành động khiêu khích tìm kiếm “độc lập” của chúng, đồng thời quyết tâm ngăn chặn các thế lực bên ngoài “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”. Vào năm 2023, Trung Quốc đại lục cam kết thực hiện đầy đủ “Chính sách tổng thể nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan trong kỷ nguyên mới” của nước này và duy trì nguyên tắc chính sách “thống nhất hòa bình”, “một quốc gia, hai chế độ'”. Trên cơ sở nguyên tắc “một Trung Quốc” và “Đồng thuận năm 1992”, Bắc Kinh dự định tiến hành các cuộc thảo luận sâu rộng và chuyên sâu về quan hệ xuyên eo biển và thống nhất đất nước với những người có tầm nhìn xa từ nhiều thành phần khác nhau của xã hội Đài Loan.
(1)Chính sách “một Trung Quốc”[1]: chỉ có chính phủ tại Bắc Kinh đại diện cho Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
(2)“Đồng thuận 1992”[2]:
Trung Quốc đại lục muốn bà Thái Anh Văn công nhận diễn giải nguyên tắc “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh nói đã nhất trí với Quốc Dân Đảng (KMT) trong sự đồng thuận 1992. Theo Trung Quốc đại lục và KMT, sự đồng thuận 1992 giữa hai bên là sự ngầm hiểu rằng lãnh thổ địa lý của Đài Loan thuộc về Trung Quốc đại lục, nhưng hai bên được tự do theo đuổi diễn giải của riêng mình về “một Trung Quốc”. Tuy nhiên, Đảng Tiến bộ Dân chủ DPP của bà Thái Anh Văn không chấp nhận sự tồn tại của Đồng thuận 1992. DPP đã giành chiến thắng trước KMT trong cuộc bầu cử để tìm ra nhà lãnh đạo mới của Đài Loan vào tháng 01/2016.
(3)“Một quốc gia, hai chế độ”[3]:
Đặng Tiểu Bình hứa hẹn với Đài Loan một “mức tự trị cao”, gọi đề xuất của ông bằng cái tên “một quốc gia, hai chế độ”. Đài Loan sẽ được phép duy trì chính quyền độc lập, lối sống tư bản và thậm chí cả lực lượng vũ trang của riêng mình, miễn là họ công nhận chính quyền Cộng sản ở Bắc Kinh là hợp pháp trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan. Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” sẽ cho phép các vùng lãnh thổ giữ nguyên tình trạng ban đầu, với các hệ thống pháp luật và lực lượng cảnh sát độc lập. Cấu trúc chính trị của họ sẽ thay đổi rất ít, ngoại trừ việc các “đặc khu trưởng” người địa phương sẽ thay thế các thống đốc được bổ nhiệm bởi các cường quốc thực dân.
Mối quan hệ bất hòa Mỹ – Trung
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động rất lớn đến hành động và quan điểm của các quốc gia khác trước vấn đề Đài Loan và quan trọng nhất là tác động tới nhận thức của Đài Loan trong việc tự vệ trước Đại lục. Sự phát triển nhanh chóng và ổn định về kinh tế tạo thuận lợi cho Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng và quân sự. Trong khi đó, dù vẫn là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng, Mỹ tiếp tục bị rút ngắn khoảng cách về tiềm lực quân sự với Trung Quốc. Sự thay đổi trong tương quan sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc về kinh tế, quốc phòng và quân sự, ảnh hưởng đối với hệ thống đồng minh và đối tác, các nước cần có sự điều chỉnh và cẩn trọng đối với các chính sách được đưa ra trong bối cảnh hiện nay.
Mong muốn duy trì hòa bình, ổn định của Đài Loan
Khi đánh giá hệ thống an ninh kỹ thuật của mỗi quốc gia, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), có trụ sở ở Washington đã đánh giá dựa trên năm yếu tố: nhận thức về mối đe dọa từ bên ngoài và môi trường đe dọa; phối hợp lãnh đạo và quản lý; chế độ quản lý; quan hệ đối tác công tư và hội nhập dân sự- quân sự; và các cách tiếp cận tham gia mang tính kỹ thuật quốc gia và toàn cầu[[4]]. Tuy vậy, vấn đề con người, dân tộc luôn là tiền đề, là công cụ để thực hiện và phát huy các yếu tố đã nêu. Mỗi người dân Đài Loan họ đều biết về lịch sử, hiểu về lịch sử và do đó mỗi người dân sẽ có những lựa chọn khác nhau khi Đài Loan có kết quả bầu cử Tổng thống mới vào tháng 01/2024 tới đây. Đảng Tiến bộ Dân chủ đương nhiệm (DPP) và Quốc dân Đảng (KMT) đều phản đối việc thống nhất với Trung Quốc. Quốc dân Đảng nói rằng cách tốt nhất là có quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc và cáo buộc DPP – tổ chức mà Bắc Kinh đã từ chối đàm phán kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 – đã làm gia tăng căng thẳng. Họ đều là những có ý thức về việc gìn giữ hòa bình, muốn Đài Loan được hòa bình, ổn định, và tinh thần phấn đấu, hành động vì một Đài Loan phát triển luôn là mục tiêu của người dân nơi đây.
Đài Loan có gì để bảo vệ mình?
Đầu tiên, Đài Loan ý thức được sự nguy hiểm của mình
Khi Đài Loan ngày càng lo ngại các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với họ, người đứng đầu Đài Loan – Thái Anh Văn đã tiết lộ kế hoạch mở rộng chương trình nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới sinh sau năm 2005 từ bốn tháng nghĩa vụ bắt buộc hiện tại lên một năm. Những động thái gần đây nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo tự trị. Việc gia hạn, dự kiến có hiệu lực vào năm 2024, là một phần trong “kế hoạch tái tổ chức lực lượng” mới của Đài Loan, trong đó cũng bao gồm việc tăng cường nhân sự dự bị. Dữ liệu từ báo cáo Cân bằng quân sự năm 2022 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho thấy 169.000 quân nhân tại ngũ của hòn đảo hiện được hỗ trợ bởi khoảng 1,66 triệu quân dự bị[5].
Chính quyền Đài Loan cũng đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2023 lên hơn 500 tỷ đô la Đài Loan (19 tỷ USD), tăng gần 15% so với phân bổ năm 2022, để cải tiến hệ thống chiến đấu trên không và hải quân[6].
Theo dữ liệu do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố vào năm 2021, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, chương trình tên lửa của Đài Loan chủ yếu bao gồm sáu loại tên lửa có tầm bắn khác nhau – Tien Chi, Hsiung Feng II, Hsiung Feng III, Vạn Chiến, Hùng Phong IIE và Vân Phong. Ngoài ra, hòn đảo này còn có tên lửa Tien Kung, là loại tên lửa chống đạn đạo đất đối không do Đài Loan phát triển. Trong khi Đài Loan trước đây luôn giới hạn lực lượng tên lửa của mình ở phạm vi tài sản phòng thủ, CSIS cho biết hòn đảo này đã bắt đầu phát triển tên lửa được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công.
Tiếp đến, Đài Loan có sự ủng hộ từ Mỹ
Sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc sản xuất số lượng lớn máy bay chiến đấu có thể không đủ để “xoay chuyển làn sóng bảo vệ Đài Loan”, vì hòn đảo này còn có máy bay và các hệ thống khác do Mỹ cung cấp có thể giúp hỗ trợ khả năng chiến đấu của Đài Loan. Một trong những nhà thầu quốc phòng của Đài Loan, Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ (AIDC), hồi đầu tháng này cho biết hòn đảo này đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ để sản xuất máy bay chiến đấu tiếp theo được phát triển trong nước. “Khi nói đến việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ hỗ trợ Đài Loan tự phát triển nó, bao gồm động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển, kiểm soát môi trường, v.v., tất cả đều là cơ hội cho Đài Loan – Sự hợp tác của Hoa Kỳ”, Kai-Hung Hu, Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan (AIDC) cho biết.
Bộ Ngoại giao đã thông báo cho Quốc hội về gói trị giá 80 triệu USD, khiêm tốn so với doanh số bán quân sự gần đây cho Đài Loan nhưng đánh dấu lần đầu tiên Washington cung cấp hỗ trợ cho Đài Bắc theo chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài (FMF), thường bao gồm các khoản tài trợ, hoặc các khoản vay cho các quốc gia có chủ quyền[7].
Tiềm lực quốc phòng của Đài Loan
Tương quan so sánh với Trung Quốc Đại lục
Trong khi các chuyên gia cho rằng khả năng phòng không của Đài Loan có thể chống lại cuộc tấn công trên không của Trung Quốc ở một mức độ nhất định, họ cũng bày tỏ lo ngại về các hoạt động vùng xám đang diễn ra của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, bao gồm cả việc Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Máy bay quân sự cũng như tần suất ngày càng tăng các cuộc tập trận quân sự kiểu phong tỏa của Trung Quốc quanh Đài Loan.
Theo Global Firepower – cơ quan xếp hạng năng lực quân sự của các quốc gia – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có hơn 3.000 máy bay quân sự và gần 400.000 nhân viên trong lực lượng không quân của mình trong khi Đài Loan chỉ có hơn 700 máy bay quân sự và hơn 30.000 binh sĩ trên không[8].
Trung Quốc có lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới tính theo quân nhân tại ngũ, với hơn 2 triệu binh sĩ tại ngũ và 510.000 quân dự bị. Để so sánh, Đài Loan có 169.000 quân nhân tại ngũ và hiện được hỗ trợ bởi khoảng 1,66 triệu “chiến binh dân sự”, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)[9].
Cả đại lục và hòn đảo tự trị này đều đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng trong năm nay trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các nước châu Á. Hồi tháng 3, Trung Quốc công bố chi tiêu quốc phòng ở mức 225 tỷ USD, tăng 7,2% và là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2019. Thủ tướng lúc đó là Lý Khắc Cường cảnh báo rằng “những nỗ lực bên ngoài nhằm đàn áp và kiềm chế Trung Quốc đang leo thang”. “Các lực lượng vũ trang nên tăng cường huấn luyện quân sự và chuẩn bị sẵn sàng trên mọi phương diện”, ông nói khi trình bày báo cáo công việc hàng năm của chính phủ.
Trung Quốc có một hạm đội khổng lồ gồm 86 tàu hải quân và 59 tàu ngầm, trong khi Đài Loan có 26 tàu hải quân và chỉ có 4 tàu ngầm. Về mặt sức mạnh không quân, Trung Quốc đông hơn Đài Loan với hơn 2.921 máy bay chiến đấu, bao gồm cả J-20. Đài Bắc được cho là có 744 máy bay trong kho vũ khí của mình. Đài Loan có 650 xe tăng để chống lại 4.800 xe tăng của Trung Quốc. Về pháo tự hành, hạm đội của Trung Quốc có 9.550 chiếc so với 2.093 của Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan cho biết họ đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn hàng năm vào thứ Năm cùng với Bộ quốc phòng và dịch vụ thảm họa. Năm ngoái, chính phủ đã cải tiến các cuộc diễn tập chuẩn bị ứng phó thảm họa để đưa vào nhiều kịch bản thời chiến hơn. Chính quyền Mỹ cho biết năm nay xu hướng đó sẽ tiếp tục với nội dung chuẩn bị cho chiến tranh, chiếm 70% nội dung của cuộc tập trận.
Như vậy so với Trung Quốc, Đài Loan yếu thế hơn cả về kinh tế và quân sự nhưng hòn đảo này vẫn luôn nỗ lực và quyết tâm xây dựng, đầu tư phát triển quốc phòng để đảm bảo một nền an ninh bền vững. Và đặc biệt Đài Loan luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với các hoạt động đến từ Trung Quốc.
Năng lực và khả năng hỗ trợ của các quốc gia đồng minh với Mỹ: Trường hợp của Nhật Bản
Trong khu vực, mặc dù cùng là hai nước nhận được sự quan tâm của Mỹ, nhưng hai nước cũng đều rất quan tâm đến xây dựng quốc phòng để bảo vệ hòa bình, độc lập, tự lực. Nhật Bản dựa trên sự lớn mạnh về kinh tế và do có mối bận tâm về an ninh khi có vị trí kế bên nước Triều Tiên – nổi tiếng với vũ khí quân sự hủy diệt. Chi tiêu quốc phòng gấp nhiều lần Đài Loan, năm 2022[10] của Nhật là 46 tỉ USD trong khi Đài Loan là 12,5 tỉ USD. Nhật bản cũng đang ở trong một tình hình thế giới đầy biến động và cũng có những vấn đề chủ quyền an ninh cần giải quyết. Trong vài năm qua, các nhà hoạch định quốc phòng Nhật Bản đã tập trung vào triển khai các lực lượng và tiềm năng. Sách trắng hàng năm đều nhấn mạnh đến vấn đề này, với mục tiêu nhằm bảo vệ các hòn đảo nằm phía xa, cụ thể là quần đảo Senkaku đang tranh chấp nằm giữa đảo Okinawa và Đài Loan (Trung Quốc).
Điều 9 trong Hiến pháp của Nhật Bản nêu rõ, “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”. Tuy nhiên, một phần của Hiến pháp đã được bổ sung rằng, nước này có thể xây dựng và duy trì quyền tự vệ vốn có. Vì vậy, với hiệp ước an ninh mà Nhật Bản ký với Hoa Kỳ vào năm 1951 cho phép nước này duy trì một lực lượng đóng quân nhằm đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài, cũng như các mối đe dọa bên trong và thiên tai[11]. Chính vì vậy Nhật Bản không thể đầu tư quá nhiều vào tổ chức quân đội, thế nhưng vũ khí và trang thiết bị lại được đầu tư mạnh mẽ với công nghệ cao và tân tiến. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) vẫn là một trong những lực lượng được trang bị tốt nhất trong khu vực.
Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan trong so sánh với các nước Đông Á
Đài Loan được đánh giá cao trong khu vực với sự phát triển cả về kinh tế lẫn quân sự, luôn có mối bận tâm và chi tiêu rất nhiều cho an ninh quốc phòng. Theo Báo cáo Xu hướng chi tiêu quân sự thế giới 2022, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI)[12]. Đài Loan xếp vị trí thứ 21 với 12,5 tỉ USD. Cao hơn Singapore xếp thứ 22 với 11,7 tỉ USD, Indonesia thứ 27 với 9 tỉ USD, Thái Lan xếp thứ 37 với 5,7 tỉ USD. Nhưng thấp hơn Hàn Quốc xếp thứ 9 với 46,4 tỉ USD và Nhật bản xếp thứ 10. Như vậy nhìn chung Đài Loan trong khu vực về tiềm lực quốc phòng an ninh vẫn giữ vị trí quan trọng và có sự chi tiêu cho quốc phòng lớn.
Nhìn chung, mặc dù không thể xem thường tiềm lực quốc phòng của Đài Loan, nhưng vẫn khó có thể so sánh với tiềm lực của Trung Quốc Đại lục. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược “ứng phó phi đối xứng”, việc chỉ sử dụng tiềm lực bên trong của hòn đảo này là không đủ. Đài Loan buộc phải có sự hỗ trợ bằng các nguồn lực từ bên ngoài để có thể duy trì hiện trạng quan hệ xuyên eo biển. Quá trình tăng cường tiềm lực bên trong và duy trì quan hệ với các đối tác đồng minh bên ngoài sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, và nếu một trong hai yếu tố này suy yếu, Đài Loan khó có thể đứng vững trước quyết tâm của Đại lục./.
Tác giả: Hoàng Bích Phượng
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Chủ thích tham khảo:
[1] HongLoan (2017), Chính sách Một Trung Quốc là gì?, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2017/09/04/chinh-sach-mot-trung-quoc-la-gi/
[2] Huy, A. (2016), Trung Quốc cảnh báo nhà lãnh đạo mới của Đài Loan, Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới. https://vneconomy.vn/trung-quoc-canh-bao-nha-lanh-dao-moi-cua-dai-loan.htm
[3] Hong Loan (2019), Chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ là gì?, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2019/07/05/mot-quoc-gia-hai-che-do/
[4] Josh Luckenbaugh (2023), JUST IN: U.S. Better Positioned for Tech Competition than China, Report Finds. National Defense. https://www.nationaldefensemagazine.org/articles/2023/6/22/us-better-positioned-for-technological-competition-than-china-report-finds
[5] Guzman, C. de (2023), How Taiwan’s Military Compares to Other Countries, Time. Time. https://time.com/6245036/taiwan-conscription-military-comparison/
[6] Guzman, C. de (2023), How Taiwan’s Military Compares to Other Countries, Time. Time. https://time.com/6245036/taiwan-conscription-military-comparison/
[7] Al Jazeera (2023), US approves military aid for Taiwan under programme for sovereign states, Al Jazeera. Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2023/8/31/us-approves-military-aid-for-taiwan-under-programme-for-sovereign-states
[8] Yang, W. (2023), How prepared is Taiwan for a potential Chinese attack? – DW – 05/12/2023, dw.com. Deutsche Welle. https://www.dw.com/en/how-prepared-is-taiwan-for-a-potential-chinese-attack/a-65602919
[9] China vs Taiwan: How do the two rivals’ military forces compare? (2023) The Independent. Independent Digital News and Media. https://www.independent.co.uk/asia/east-asia/china-taiwan-military-strength-comparison-b2318894.html
[10]Theo Báo cáo Xu hướng chi tiêu quân sự thế giới 2022, Viện nghiên cứu chiến lược hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), https://www.sipri.org/sites/default/files/2023-04/2304_fs_milex_2022.pdf
[11] Lam Anh, Văn Hiếu(2021), Nhật Bản đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhat-ban-day-manh-hien-dai-hoa-quan-doi-654374
[12] Theo Báo cáo Xu hướng chi tiêu quân sự thế giới 2022, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), https://www.sipri.org/sites/default/files/2023-04/2304_fs_milex_2022.pdf