Thế giới đã trải qua một năm 2024 đầy biến động. Xu thế hợp tác cùng phát triển trong quan hệ quốc tế đang gặp nhiều thách thức do bối cảnh xung đột, đối đầu gia tăng. Nhiều điểm nóng xung đột cũ tiếp tục diễn biến phức tạp, đồng thời, một số cuộc xung đột mới đã bùng nổ. Tiêu biểu có thể kể tới cuộc xung đột tại dải Gaza tiếp tục kéo dài và mở rộng; cuộc chiến tại Ukraine bước sang năm thứ ba; căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên hay mới đây nhất là những diễn biến phức tạp tại Syria. Nó đã tác động lớn tới quan hệ giữa các nước, xu thế tập hợp lực lượng, tình hình kinh tế thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư ở các khu vực xung đột.
TÌNH HÌNH THẾ GIỚI BẤT ỔN BỞI NHỮNG ĐIỂM NÓNG XUNG ĐỘT Ở NHIỀU KHU VỰC KHÁC NHAU
Chảo lửa Trung Đông
Isarel tấn công tổng lực vào toàn bộ dải Gaza. Ngay từ đầu năm 2024, Israel đã tiến hành những cuộc không kích quy mô lớn vào Gaza, gây thương vong lớn cho thường dân và nhận phải sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Ở các khu vực như Khan Yunis và Bureij con số thiệt mạng do các cuộc không kích lên tới 162 người một ngày. Trong vài tháng đầu của cuộc chiến, Rafah – một khu vực gần biên giới với Ai Cập ở phía nam Gaza, được quân đội Israel chỉ định là “khu vực an toàn” có nghĩa là nơi dân thường có thể trú ẩn và tiếp cận viện trợ nhân đạo quốc tế. Nhưng chiến dịch quân sự lớn “Rafah Offensive” được Israel tiến hành nhằm vào khu vực Rafah ở Gaza. Cuộc tấn công này kéo dài đến tháng 7 đã gây ra nhiều tổn thất cho Hamas và thường dân ở dải đất này. Nó đã khiến cho khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này càng thêm trầm trọng khi đây là nơi tạm trú của hơn 1 triệu người Palestine di tản . Đến tháng 8, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận họ đã phát động một chiến dịch với Cơ quan An ninh Israel (ISA) tại các khu vực Jenin và Tulkarem ở phía bắc Bờ Tây. Theo CNN, đây là một trong những cuộc tấn công có quy mô lớn nhất của Isarel. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz cho biết chiến dịch này được dàn dựng nhằm “ngăn chặn cơ sở hạ tầng khủng bố Hồi giáo-Iran”, đồng thời tuyên bố rằng Iran đang nỗ lực thiết lập một “mặt trận phía đông” chống lại Israel. Có thể thấy, những chiến dịch của Isarel trong năm 2024 đã lan rộng tới mọi nơi có người Palestine sinh sống. Hamas và cả những lực lượng trong trục kháng chiến của Iran cũng đã có những cuộc tấn công đáp trả lại. Điều đó đã dẫn tới hệ quả là những nấc thang mới của cuộc chiến được leo thang.
Isarel ám sát thủ lĩnh Hamas và Ám sát thủ lĩnh Hezbollah. Hai vụ ám sát của Israel vào thủ lĩnh Hamas và hezbollah là nấc thang nguy hiểm cho cuộc xung đột ở Trung Đông. Nó đã khiến cho dư luận khu vực và thế giới lo ngại về một phản ứng mạnh của Iran sẽ gây ra cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông. Nhưng cả hai lần, cả thế giới đã “thở phào” vì những đáp trả của Iran ở mức độ vừa phải, chủ yếu bằng những cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Điều đó xuất phát từ cả nỗ lực trung gian từ các nước và từ cả nội bộ của Iran. Nội bộ của Iran hoàn toàn muốn tránh một cuộc chiến tổng lực với Isarel. Bởi họ đang phải đương đầu với quá nhiều vấn đề ở trong nước, từ lấy lại niềm tin của dân chúng đến đối phó với các khó khăn của nền kinh tế. Thêm vào đó, hậu cần cũng sẽ là một vấn đề nan giải khi khoảng cách giữa Iran và Isarel được ngăn cách bởi nhiều quốc gia khác. Nhưng Iran buộc phải phản ứng, vì uy tín của nước này với các lực lượng vũ trang trong trong trục kháng chiến và hình ảnh đối với thế giới. Và dù Iran đã tránh một cuộc chiến tổng lực trực tiếp với Isarel, nhưng những lực lượng vũ trang như Houthi hay đặc biệt là Hezbollah ở Lebanon vẫn thường xuyên có những cuộc tấn công nhắm thẳng vào lãnh thổ của Tel Aviv. Những cuộc tấn công của Hezbollah có vai trò thu hút sự chú ý và yểm trợ cho lực lượng Hamas. Nó đã xuất hiện ngay từ khi cuộc xung đột vừa mới bắt đầu, và sau gần 1 năm nó đã mang đến hậu quả cuộc xung đột đã leo lên một nấc thang mới.
Xung đột lan rộng tới Lebanon. Cuộc tấn công của Isarel lan rộng tới Lebanon bắt đầu nổ ra từ ngày 23/9 với chiến dịch “Mũi tên phương Bắc”, Israel nhằm vào các mục tiêu của lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã làm ít nhất 558 người thiệt mạng, hơn 1.800 người bị thương. Đây là cuộc không kích gây thương vong nhiều nhất trong gần 2 thập kỷ tại quốc gia này . Đáp trả lại, vào tối ngày 1 tháng 10, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vào Israel. Phần lớn hỏa lực của Israel đã được hướng vào các thành trì của Hezbollah ở vùng ngoại ô phía nam Beirut và phía nam Lebanon . Các cuộc tấn công được thực hiện cả bằng đường không và đường bộ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock trong chuyến thăm tới Beirut (thủ đô Lebanon) với nỗ lực cứu vãn tình hình đã phát biểu rằng: “Lebanon đang bên bờ vực sụp đổ” . Những nỗ lực chính trị đang được các bên gấp rút thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào khả quan.
Mặc cho những nỗ lực trung gian hòa giải từ nhiều bên nhưng có thể thấy cuộc xung đột giữa Isarel và Hamas trong năm 2024 ngày một leo thang và lan rộng hơn, luôn trực chờ bùng nổ trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực Trung Đông. Theo Bộ Y tế Gaza, kể từ khi xung đột nổ ra đã gây ra cái chết của ít nhất 41.000 người Palestine ở Gaza, trong đó có 16.500 trẻ em. các cuộc tấn công đã làm hư hại hoặc phá hủy hơn một nửa số nhà ở tại Gaza, 80% cơ sở thương mại và 85% trường học trên toàn lãnh thổ này. Khủng hoảng nhân đạo ở dải Gaza trong năm 2024 còn cho thế giới thấy sự mong manh của luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề. Israel có hành động ngăn chặn những chuyến hàng cứu trợ của các tổ chức quốc tế tới người dân Palestine với nguyên nhân được họ tuyên bố là để ngăn chặn sự viện trợ quân sự dành cho Hamas. Israel nã đạn pháo vào miền nam Lebanon trong ngày 11/10 khiến hai người thuộc Lực lượng lâm thời của Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) bị thương. Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 254 nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc xung đột hiện tại nổ ra. Những cuộc tấn công này đã khiến ngay cả đồng minh Mỹ cũng gây sức ép buộc Israel ngừng tấn công các nhân viên cứu trợ sau khi nước này tấn công một đoàn xe của tổ chức từ thiện World Central Kitchen có trụ sở tại Hoa Kỳ ở Deir el-Balah, miền trung Gaza, vào ngày 1/4, khiến bảy người thiệt mạng. Isarel còn ra lệnh chặn các chuyến hàng viện trợ vào dải Gaza.
Syria sụp đổ: Hệ quả từ những cuộc xung đột ở Ukraine và dải Gaza
Vào cuối tháng 11/2024, lực lượng đối lập Syria bất ngờ phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn, làm phá vỡ sự cân bằng của chiến trường ở miền bắc Syria. Damascus nhanh chóng sụp đổ, Tổng thống Assad đã rời khỏi đất nước. Cuộc chiến chớp nhoáng vừa qua có thể khái quát qua một số thời điểm quan trọng như sau: Ngày 27/11/2024, cuộc tấn công chớp nhoáng của các lực lượng đối lập bắt đầu nổ ra. 29/11/2024, Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria đã thất thủ. Ngày 5/12/2024 đến ngày 6/12/2024, lần lượt các cứ điểm phòng thủ ở Hama, Erzour và Palmyra bị đánh bại. Lực lượng đối lập ngay lập tức áp sát Damascus và đến ngày 8/12/2024, Homs và Damascus sụp đổ. Assad từ chức và rời đất nước. Chiến dịch lật đổ chính quyền Syria chỉ diễn ra trong vòng 11 ngày. Sự suy giảm quan tâm của hai đồng minh chính là Nga và Iran là nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của Syria. Một chính phủ chỉ dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài đối đầu với lực lượng đối lập đã được chuẩn bị kỹ càng đã tạo ra những diễn biến vừa rồi. Ngoài ra, lực lượng đối lập cũng nhận được sự trợ giúp tích cực từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cấu trúc quyền lực giữa các lực lượng vũ trang đang tồn tại ở Syria rất phức tạp, có sự can dự của nhiều thế lực bên ngoài, khó có thể xuất hiện một hoặc liên minh giữa một số lực lượng nhất định có thể bình định được tình hình Syria ngay lúc này . Mối quan hệ giữa các thế lực bên ngoài ảnh hưởng tới vấn đề Syria gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng bước vào một giai đoạn phức tạp mới.
Những lệnh ngừng bắn mong manh
Theo Reuters, một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 14 tháng ở Dải Gaza và giải thoát các con tin bị giam giữ tại Palestine có thể được sớm được ký kết với các cuộc đàm phán đang có nhiều tiến triển tại Cairo. Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas trong một tuyên bố trước đó cũng đánh giá các cuộc đàm phán tại Qatar nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin, tù nhân ở Gaza là “nghiêm túc và tích cực”. Phía Hamas khẳng định, với các cuộc thảo luận nghiêm túc và tích cực diễn ra tại Doha, các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân nếu Israel ngừng áp đặt các điều kiện mới. Hôm 16/12, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cũng mô tả hai bên đang tiến gần đến một thỏa thuận ngừng bắn hơn bao giờ hết.
Với những nhận định mới từ các bên, Trung Đông tưởng như sẽ bước vào năm mới 2025 với nhiều triển vọng tươi sáng hơn, nhưng một mồi lửa mới lại đang manh nha xuất hiện. Ngày 17/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thực hiện chuyến thăm tới đỉnh núi Hermon ở miền Nam Syria. Giữa lúc Syria đang trong quá trình chuyển tiếp, Thủ tướng Israel đã xuất hiện bên trong phần lãnh thổ này với phát biểu gây tranh cãi: “Chúng tôi đang tiến hành đánh giá việc triển khai quân đội tại địa điểm quan trọng này cho đến khi tìm được một thỏa thuận khác đảm bảo an ninh cho Israel. Tầm quan trọng của nơi này đối với an ninh của Israel càng được nâng cao trong những năm gần đây và đặc biệt là trong những tuần gần đây với những gì đang xảy ra bên trong Syria” .
Bất chấp những lý do về an ninh mà Israel đưa ra, hàng loạt các quốc gia khu vực và trên thế giới đã chỉ trích việc Israel chiếm núi Hermon cao nhất ở Syria. Trước đó, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các cơ sở quân sự của Syria kể từ khi Tổng thống Assad bị lật đổ với lý do là nhằm ngăn chặn chúng rơi vào tay kẻ thù. Ngoài ra, quân đội Israel cũng chiếm đóng các vị trí chiến lược trong vùng đệm do lực lượng của Liên hợp quốc (LHQ) quản lý – một động thái mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả là vi phạm hiệp định đình chiến năm 1974. Có thể nói, xung đột chưa có hồi kết tại Dải Gaza, hay những biến động ở Syria thời hậu Assad sẽ là những nhân tố sẽ tác động mạnh tới tình hình an ninh và hòa bình khu vực. Bởi đây đang là nơi hội tụ lợi ích của nhiều bên liên quan như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Isarel v…v
Châu âu: Xung đột Nga – Ukraine
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài sang năm thứ ba và vẫn chưa có tia hi vọng nào về việc các bên sẽ ngồi vào cuộc đàm phán. Từ mùa hè năm 2024 thế giới đã chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội trên khắp chiến tuyến kéo dài 1000 km tại Ukraine . Các lực lượng Nga tiếp tục gây sức ép ở mặt trận phía Đông trong khi Ukraine đã có bước đi liều lĩnh khi tấn công sâu vào biên giới của Nga. Đáp lại, Nga đã mở những cuộc tấn công lớn vào các vị trí trọng yếu của chiến trường. Đơn cử như hồi tháng 10, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công phối hợp ở khu vực phía Đông Donestk hướng tới thành phố Pokrovsk. Pokrovsk nằm ở ngã tư của các tuyến đường bộ và đường sắt chính, khiến nơi đây trở thành trung tâm hậu cần quan trọng của quân đội Ukraine. Sau nhiều tuần giao tranh ác liệt, các quan chức địa phương đã báo cáo rằng lực lượng Nga đã phá hủy khoảng 80% cơ sở hạ tầng quan trọng trong thành phố . Mặc dù đã tạm thời chặn được đà tiến công của lực lượng Nga nhưng một số viên chức Ukraine tỏ ra hoài nghi rằng họ sẽ có thể giữ thành phố này trước cuộc tấn công của Nga trong thời gian dài. Một chỉ huy tiền tuyến đã nói chuyện ẩn danh với BBC News đã bày tỏ lo ngại rằng thành phố này có thể trở thành một Bakhmut khác . Ngoài ra, Nga cũng đã thành công chiếm được thị trấn chiến lược Vuhledar sau hơn hai năm nhận phải sự chống trả quyết liệt từ phía Ukraine. Vuhledar nằm trên vùng đất cao gần tuyến đường sắt vận chuyển hàng tiếp tế từ Crimea. Dư luận phương Tây cho rằng việc chiếm được thị trấn này có thể coi là chiến thắng quan trọng nhất trên chiến trường kể từ khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát Avdiivka vào tháng 2 năm 2024. Chiếm được Vuhledar đã giúp Nga khai thông đường tuyến đường tiếp tế cho các mặt trận. Họ cũng chỉ ra Nga hiện có thể sử dụng thị trấn này làm bàn đạp để tấn công các thành trì khác của Ukraine ở phía tây.
Ukaine tấn công vào Kursk. Tuy còn nhiều tranh cãi về ý nghĩa của cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk nhưng rõ ràng sự kiện này đã tác động lớn tới cuộc chiến. Việc chọn địa điểm Kursk cũng cho thấy những tính toán của Ukraine, khi đây là địa điểm mang ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn với người Nga. Nó cũng từng là nơi diễn ra trận chiến tăng lớn nhất lịch sử thế giới – Vòng cung Kursk với chiến thắng vẻ vang giành cho Hồng quân Liên Xô. Đánh vào Kursk là đánh vào niềm kiêu hãnh của nước Nga, đem lại nhiều ý nghĩa về mặt ngoại giao cho Kiev. Về mặt chính trị, cuộc tấn công vào Kursk là dịp để chính quyền Tổng thống Zelensky chứng minh cho Mỹ và phương Tây thấy mình vẫn còn đủ khả năng chống lại nước Nga, trước những lo ngại về việc Ukraine đang bị lép vế và việc sẽ bị cắt viện trợ. Đặc biệt trong bối cảnh lúc đó bầu cử của nước Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút. Việc thuyết phục phương Tây tiếp tục dòng viện trợ vũ khí cho Ukraine là vô cùng quan trọng bởi cho đến thời điểm hiện tại bộ máy quân sự của nước này còn tồn tại được đều dựa vào dòng vũ khí từ các nước phương Tây. Thêm vào nữa, cũng có ý kiến cho rằng việc Ukraine tấn công vào Kursk là để có một quân bài để đem ra “mặc cả” trên bàn đàm phán, giải pháp cũng đã được nhắc tới khi Nga đang ngày càng chiếm ưu thế rõ ràng trên chiến trường. Về mặt quân sự, với ý đồ dồn sự chú ý của quân Nga khỏi các chiến trường chính ở Donbass dường như đã thất bại. Về phần Nga, cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ của Ukraine rõ ràng cho thấy những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của nước này. Nhưng đó cũng là thời cơ để Nga phản công trên các chiến trường khác khi Ukraine đã dồn một lượng lớn quân tinh nhuệ vào Kursk sẽ để lộ ra những lỗ hổng ở các mặt trận khác. Trong thời gian gần đây, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden chỉ còn hơn 2 tháng nắm quyền trước khi chuyển giao quyền lực, ông đã có những quyết định khiến chiến sự tại Ukraine bước lên một nấc thang căng thẳng mới. Cụ thể, Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga, trong bối cảnh quân đội Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của tổng thống Putin. Theo CNN, những vũ khí này đang được chủ yếu sử dụng ở Kursk để đối chọi lại với lực lượng quân Triều Tiên cũng đã được triển khai ở đây nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ này . Với những động thái trên đã biến Kursk trở thành một chiến trường quyết liệt mới. Phản ứng lại, Nga đã sử dụng tới vũ khí tầm xa Oreshnik vào Ukraine.
Có thể thấy, trong suốt năm 2024 vừa qua, chính quyền Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục có những khoản viện trợ cả về tài chính lẫn vũ khí cho Ukraine. Trong khi Nga mặc dù đã hứng chịu hơn 20 ngàn lệnh trừng phạt từ phương Tây nhưng nền kinh tế Nga vẫn tăng trưởng và gần đây đã chiếm lấy vị trí nền kinh tế lớn thứ tư của Nhật Bản. Trong khi đó những nỗ lực quân sự trong năm 2024 của Ukraine đang níu giữ hi vọng trong bối cảnh lo ngại việc cắt đứt viện trợ. Nhưng thực tế diễn ra sau khi cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba khiến các bên dần nhận ra rằng là Ukraine không thể thắng Nga và gần đây nhất đã có những tuyên bố về đàm phán và chấm dứt chiến tranh trong năm 2025.
Căng thẳng âm ỉ tại bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan
Sự căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên là sự đáp trả của các bên lẫn nhau .
Những sự kiện trong suốt một năm vừa qua cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là sự đáp trả qua lại lẫn nhau giữa cả hai bên. Đỉnh điểm của căng thẳng là Triều Tiên đã phá hủy các công trình biểu tượng cho sự hàn gắn giữa hai miền Nam – Bắc Triều và các tuyến đường nối giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng gọi việc cho nổ tung các tuyến đường biên giới này là hành động hợp pháp chống lại một quốc gia thù địch như được xác định trong Hiến pháp . Triều Tiên đã chỉ định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” sau khi quốc hội sửa đổi Hiến pháp. Những bước đi cho thấy cả hai bên đã không còn thiện chí và ý định hàn gắn lại mối quan hệ như thời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên đã chỉ thị yêu cầu các đơn vị pháo binh ở khu vực gần biên giới, cũng như những đơn vị thực hiện nhiệm vụ hỏa lực quan trọng, phải chuẩn bị sẵn sàng tác chiến. Những động thái nhằm đáp trả lại những cuộc tập trận sát biên giới giữa Mỹ và Hàn Quốc. Căng thẳng liên Triều thúc đẩy cả Hàn Quốc và Triều Tiên tăng cường năng lực quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong khu vực Điều này đã tác động tới các cuộc chiến khác gây phức tạp thêm tình hình, như việc Triều Tiên đưa quân sang Nga. Trong bài phát biểu tại một triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un cáo buộc Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi phát triển và nâng cấp vũ khí thành “vũ khí siêu hiện đại” và cam kết tiếp tục thúc đẩy năng lực phòng thủ để củng cố vị thế chiến lược của đất nước .
Tổng kết lại, những cuộc xung đột đã được các bên đẩy lên tới đỉnh điểm trong năm 2024 và trong nhiều thời điểm thế giới đã thực sự lo sợ về viễn cảnh của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng sau cùng các bên vẫn kiềm chế và tìm ra những giải pháp để xung đột không đạt tới mức của một cuộc thế chiến. Nó đã đặt thế giới vào tình trạng thường trực lo sợ, tác động trực tiếp tới các vấn đề khác như mối quan hệ của các nước và sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
NHỮNG CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ
Nền kinh tế thế giới trong năm 2024 bị chi phối sâu sắc bởi các cuộc xung đột, và sự cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới. Với những nền kinh tế hàng đầu trong năm nay đang chứng kiến sự phục hồi như Mỹ, Trung Quốc còn riêng với châu Âu vẫn đang gặp nhiều thách thức. Trong tình hình đó những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chứng kiến những sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với những nền kinh tế hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề năng lượng và cuộc cạnh tranh công nghệ cao như bán dẫn, AI cũng là những vấn đề kinh tế đáng chú ý trong năm 2024.
Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024
Nền kinh tế của cường quốc số 2 thế giới trong năm 2024 chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại so với các năm trước đó. Trong quý 3/2024, GDP của Trung Quốc tăng 4,6% là mức tăng thấp nhất trong kể từ đầu năm 2023 và thấp hơn so với mục tiêu cả năm 5% của Chính phủ Trung Quốc. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do cả ở nội tại và tác động từ bên ngoài. Ở trong nước đó là sự ảm đạm của ngành bất động sản, một trong những lĩnh vực đóng góp hàng đầu vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ trước, kết hợp với các vấn đề xã hội như thất nghiệp tăng cao. Các tác nhân từ bên ngoài có thể kể tới là những đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây ví dụ như việc phương Tây áp thuế cao lên xe điện nhập khẩu của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều gói kích thích lớn trong năm nay với nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Hội nghị Trung ương ba của Trung Quốc cũng đã diễn ra trong năm nay. Trong lịch sử đã nhiều lần chứng kiến những quyết sách quan trọng góp phần định hình nền kinh tế Trung Quốc diễn ra vào hội nghị trung ương 3. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã đưa ra chiến lược về cải cách mô hình thị trường cũng như các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những quyết sách không chỉ có tác động trong năm 2024 mà còn nhiều năm về sau.
Đối với Mỹ, mỗi một bước đi của nền kinh tế nền kinh tế số 1 thế giới cũng đều ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thế giới. Tâm điểm chú ý trong năm 2024 nằm ở những lần Cục dữ trự Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng hay giảm lãi suất với mục tiêu của cơ quan này là đưa lạm phát của Mỹ về mức 2%. Tổng quan trong năm 2024 nền kinh tế Mỹ đã có những tăng trưởng tích cực, do đó FED đã có 2 lần hạ lãi suất vào nửa cuối năm nay. Từ quyết định đó đã tác động lớn tới thị trường tài chính ở phố Wall nói riêng và thế giới nói chung. Vì mặc cho những nỗi lo ngại về một hình thức thanh toán mới phi đô la do BRICS dẫn dắt được lan rộng trong suốt năm qua thì đồng đô la vẫn là đồng tiền thanh toán chiếm tỉ trọng lớn nhất thế giới.
Đối với nền kinh tế của châu Âu, đầu năm 2024, dư luận đã kỳ vọng vào một bức tranh khả quan cho nền kinh tế của châu Âu. Tập đoàn EY đưa ra kỳ vọng nền kinh tế châu Âu sẽ phục hồi dần trong suốt năm 2024 . Tuy nhiên, thực tế lại không khả quan như vậy. Các số liệu chỉ ra tình hình kinh tế của EU và lòng tin của người dân vào sức khỏe của nền kinh tế là thấp. Theo số liệu mới, các hộ gia đình châu Âu đang tiết kiệm ở mức cao nhất trong nhiều năm, với tỷ lệ tiết kiệm ở khu vực đồng euro vượt qua mức trước đại dịch. Tỷ lệ tiết kiệm cao ở một quận hoặc khối kinh tế thường chỉ ra mức độ lo lắng và bất ổn về kinh tế vì lòng tin của người tiêu dùng thấp khiến mọi người tiết kiệm thay vì chi tiêu hoặc đầu tư. Ví dụ, trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ tiết kiệm ở châu Âu tăng vọt lên mức 25,3%. Tốc độ tăng trưởng ở những nền kinh tế hàng đầu EU cũng đang ở mức báo động. Hai nền kinh tế hàng đầu của EU là Đức và Pháp đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật. Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2024 dự kiến sẽ đạt 1% tại Liên minh châu Âu. Tăng trưởng dự kiến sẽ cải thiện lên 1,6% vào năm 2025. “Nền kinh tế EU đã giữ vững trước những thách thức đặc biệt trong những năm qua và giờ đây chúng ta có thể mong đợi sự trở lại của tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, tăng tốc hơn nữa vào năm 2025”, Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban phụ trách nền kinh tế vì con người, cho biết trong một tuyên bố . Trong một buổi đánh giá tình hình kinh tế của EU trong năm 2024 của IMF cũng không đưa ra những đánh giá khả quan hơn. Trong cuộc họp các chuyên gia cho rằng mặc dù đã có những tiến triển về kiểm soát lạm phát nhưng nó không diễn ra đồng đều giữa các nước thành viên và sự phục hồi của châu Âu đang không đạt được tiềm năng đầy đủ. Và quan trọng hơn, triển vọng trung hạn không hề tốt hơn . Bi quan không kém đó là nền kinh tế của Nhật Bản, theo dự báo của OECD, nền kinh tế của Nhật Bản dự kiến sẽ là một trong hai nước tăng trưởng âm trong năm 2024 .
Các quốc gia đang phát triển là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Những nền kinh tế mới nổi được dự báo vẫn là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế thế giới trong năm 2024 khi những nền kinh tế phát triển vẫn đang khá ảm đạm.
Nhìn vào bảng trên của IMF có thể thấy tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nằm ở khu vực của Ấn Độ, các quốc gia ở Đông Nam Á và Bắc Phi. Nơi tập hợp của những nền kinh tế đang phát triển với tốc độ trung bình trên 6%. Trong đó Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng cao nhất. Động lực chính cho sự tăng trưởng của các quốc gia mới nổi là đầu tư nước ngoài gia tăng, tình hình chính trị ổn định và thị trường lớn với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên, vì phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài là một trụ cột trong tăng trưởng nên đây cũng là các quốc gia dễ chịu tổn thương bởi những cạnh tranh địa chính trị, những sự thay đổi chiến lược, quyết sách lớn của các cường quốc, hay những hệ quả của các cuộc xung đột trên thế giới.
Có thể thấy đối với các nước phát triển nền kinh tế tăng trưởng chậm do các vấn đề khủng hoảng cả từ bên trong nội tại các nước lẫn các tác nhân từ bên ngoài. Đối với nguyên nhân trong nước, mỗi nước sẽ có những vấn đề khác nhau phải đối mặt nhưng các nước đều có mẫu số chung về các tác nhân bên ngoài. Đó là ảnh hưởng từ những cuộc xung đột trên toàn thế giới. Và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia châu Âu, khi đây đang là nơi diễn ra 1 trong 3 điểm nóng nhất của thế giới. Mất đi nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga vẫn gây ra những tác động to lớn cho châu Âu khi nó kéo theo giá nguyên liệu, các mặt hàng thiết yếu cũng như chi phí vận hành nền kinh tế cao trong khi lạm phát vẫn chưa được đẩy lùi hoàn toàn. Trong khi đó các quốc gia vẫn dành một phần lớn viện trợ cho Ukraine, gây ra những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Còn đối với các nước đang phát triển bằng việc tận dụng tốt được các thời cơ từ bên ngoài và các thế mạnh từ bản thân các quốc gia như dân số đông, nguồn lao động rẻ, chính trị ổn định v..v từ đó các nước đã hạn chế được tối đa những tác động từ các cuộc xung đột và tập trung cho phát triển kinh tế.
Khoa học công nghệ (Cạnh tranh bán dẫn, AI)
Hai cường quốc hàng đầu thế giới hiện tại là Mỹ và Trung Quốc đều đang cạnh tranh nhau quyết liệt trong lĩnh vực công nghệ. Cả hai đang nỗ lực giảm phụ thuộc lẫn nhau trong lĩnh vực này và nó đang định hình một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Trong năm 2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất lệnh cấm nhập khẩu và bán các phương tiện có phần mềm hoặc phần cứng hệ thống lái xe tự động hoặc thông tin liên lạc của Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ có kế hoạch thực hiện lệnh cấm phần mềm vào 2027 và lệnh cấm phần cứng sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2029 hoặc năm 2030 . Ngày 29/3/2024, chính quyền Biden đã sửa đổi quy định để siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo và các công cụ liên quan đối với Trung Quốc .
Không chỉ Mỹ, các quốc gia khác cũng đã áp dụng những biện pháp tương tự. Canada vào tháng 8/2024 đã tăng thuế lên 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bỏ phiếu tăng thuế lên 35,3% vào tháng 9/2024, tiếp nối xu hướng chung của các quốc gia phương Tây trong việc hạn chế nhập khẩu xe điện và linh kiện từ Trung Quốc. Những biện pháp này được coi là bước đi nhằm bảo vệ nền công nghiệp nội địa và tránh sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, dù các nỗ lực tách rời về công nghệ đang diễn ra, nhưng trên thực tế, hệ sinh thái công nghệ toàn cầu vẫn còn phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ lớn. Chuỗi cung ứng công nghệ hiện nay gắn liền với các quốc gia trên toàn thế giới, và việc giảm bớt sự phụ thuộc này sẽ không hề dễ dàng. Việc tách rời công nghệ có thể gây ra những tổn thất lớn cho các chính phủ, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Theo IMF, xu hướng này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, hạn chế dòng chảy thương mại, và gây khó khăn cho việc phổ biến kiến thức và công nghệ giữa các quốc gia . Đơn cử như ngành ô tô của các quốc gia châu Âu đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng do ô tô nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Chính phủ các quốc gia cũng như EU hiện tại mới đang bàn bạc những biện pháp tiếp theo nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước và ngăn chặn làn sóng xe hơi giá rẻ từ Trung Quốc.
Trong lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổ ra một cuộc chạy đua hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ cả Trung Quốc với Mỹ và phương Tây. Một loạt các sáng kiến mới của Mỹ, từ Đạo luật Khoa học và CHIPS cho đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho thấy tham vọng tiếp tục dẫn đầu trong các trong lĩnh vực chất bán dẫn, AI, và năng lượng sạch của Mỹ. Không chỉ vậy, những sáng kiến này của Mỹ còn nhằm mục đích tăng cường an ninh quốc gia. Đặc biệt, Đạo luật CHIPS của Mỹ tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Tháng 5/2024, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất xây dựng một khung áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mô hình trí tuệ nhân tạo để ngăn công nghệ Mỹ rơi vào tay “các tác nhân xấu nước ngoài”. Đồng thời, Mỹ cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn, gây áp lực lên các công ty của Nhật Bản và Hà Lan để hạn chế hơn nữa hoạt động mua bán chip với Trung Quốc. Các học giả Trung Quốc nhận định rằng trong tương lai, một số quốc gia sẽ thận trọng hơn khi tiếp xúc với Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo do tâm lý vừa dè chừng vừa bị thu hút bởi công nghệ tân tiến của Mỹ, khiến Trung Quốc gặp nhiều trở ngại hơn trong việc tìm kiếm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này .
Ngoài ra, Mỹ cũng áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh sinh học và bảo mật dữ liệu, với nhiều luật lệ mới được ban hành nhằm kiểm soát thông tin cá nhân và hạn chế sự can thiệp của nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm. Trong năm 2024, Mỹ cũng có những nỗ lực lớn trong việc tích hợp AI vào ngành công nghiệp quốc phòng. Theo Bộ Tài chính Mỹ, trí tuệ nhân tạo (A.I), bán dẫn và công nghệ lượng tử là ba nền tảng lõi để phát triển thế hệ tiếp theo của các ứng dụng quân sự, tình báo và an ninh mạng, như hệ thống máy tính phá mã tiên tiến hoặc máy bay chiến đấu thế hệ mới. Tháng 7/2024, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Mark Milley dự đoán rằng đến năm 2039, một phần ba quân đội Mỹ sẽ là robot .
Đáp lại, Trung Quốc cũng nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình để đối phó với những thách thức từ Mỹ. Các biện pháp của Mỹ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ cao mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác như năng lượng sạch, nơi Trung Quốc đang dẫn đầu với các công nghệ về pin điện và năng lượng tái tạo. Mặc cho các lệnh hạn chế từ Mỹ, theo Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì vị thế là nền kinh tế chi hàng đầu, với mức đầu tư hơn 100 tỷ USD trong ba năm tới cho ngành chip nhờ chính sách tự cung tự cấp quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng với phương Tây. Hội nghị Trung ương III diễn ra hồi tháng 7 vừa qua của Trung Quốc cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển kinh tế công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đề cao việc đảm bảo an ninh quốc gia .
Có thể khẳng định tập trung phát triển vào công nghệ bán dẫn, AI là xu thế không thể đảo ngược của các quốc gia. AI đã len lỏi vào từng hoạt động của cá nhân cũng như tập thể. Các quốc gia nhận ra rằng sự phát triển này sẽ đem tới vị thế của các quốc gia trong một trật tự thế giới mới đang được hình thành. Xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp tục và kéo dài và có thể lan rộng và can thiệp sâu vào các lĩnh vực khác như quân sự, quốc phòng v…v
CHÍNH TRỊ – NGOẠI GIAO
Cạnh tranh Mỹ – Trung và các cuộc xung đột ảnh hưởng đến mối quan hệ của các nước
Quan hệ giữa các nước ngày càng thiếu đi lòng tin từ đó dẫn đến xu thế tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét trong nền chính trị thế giới năm 2024. Về phía Trung Quốc và Nga, chuyến thăm của tổng thống Nga Putin càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” của hai bên. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra chỉ 10 ngày sau khi Tổng thống Nga nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 của mình, thể hiện Matxcơva rất coi trọng việc tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Và cả hai nước không chỉ thể hiện sự coi trọng nhau trên phương diện song phương mà còn ở phương diện đa phương để cùng nhau đối phó lại sự bao vây, tấn công trên nhiều mặt từ Mỹ và đồng minh. Với bản thân Nga là củng cố mối quan hệ với các quốc gia thuộc khối CIS, thúc đẩy khối này hội nhập sâu hơn vào BRICS. Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ với các nước tại nhiều khu vực khác nhau đặc biệt là Đông Nam Á. Đặc biệt, cả hai đều đang quyết tâm thúc đẩy BRICS trở thành một đối trọng thực sự đối với trật tự thế giới do phương Tây đang dẫn dắt. Cuộc họp lần thứ 16 gần nhất của các nhà lãnh đạo BRICS tổ chức tại Kazan, Nga, được đánh giá là đánh dấu cơ chế BRICS bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hợp tác mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Với sự mở rộng thành viên, hiện tại các nước BRICS đóng góp 32% tổng GDP toàn cầu, vượt qua thị phần của G7 (Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán các nước BRICS sẽ chiếm 37,6% nền kinh tế thế giới vào năm 2027). Các quốc gia BRICS trải dài trên nhiều châu lục, chiếm 32% diện tích đất toàn cầu và chiếm 47% dân số thế giới. Sản lượng và trữ lượng dầu của họ chiếm khoảng 40% toàn cầu . Hiện tại, khoảng 30 nước đang phát triển đã nộp đơn xin tham gia cơ chế hợp tác BRICS. Các nước trải dài ở nhiều châu lục trên thế giới và đều là các quốc gia đang phát triển, mới nổi với nền kinh tế phát triển năng động, thị trường rộng lớn. Có thể đánh giá năm 2024 là một năm thành công đối với khối BRICS nói chung và Trung Quốc, Nga nói riêng. Tuy nhiên, để BRICS cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Sự tăng cường của các cơ chế tiểu đa phương do Mỹ lãnh đạo.
Hợp tác Mỹ Nhật Hàn cũng như các đối tác khác trong khu vực như Úc, Phillipines trong năm 2024 đã được tăng cường hơn bao giờ hết, với các cuộc tập trận chung diễn ra thường xuyên. Mỹ cũng các đồng minh tăng cường hoạt động của các cơ chế tiểu đa phương trong khu vực như QUAD, AUKUS hay mới nhất là JAPHUS. Cùng với sự hàn gắn của quan hệ Nhật – Hàn, tăng cường quan hệ Nhật Bản – Đài Loan là một trong những tác nhân chính khiến bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng và mối quan hệ Nga – Triều ngày càng xích lại gần nhau hơn. Quan hệ giữa 2 nước trên bán đảo Triều Tiên vốn dĩ đã trở nên căng thẳng từ khi Tổng thống Yoon Suk Yeol chủ trương hợp tác chặt chẽ với Mỹ và hàn gắn mối quan hệ với Nhật Bản. Điều này dẫn đến Triều Tiên ngày càng xích lại gần với Nga – đối thủ trực tiếp của Mỹ. Đó là hệ quả từ việc Triều Tiên cảm thấy bất an, và có cảm giác đang bị các đối thủ “bao vây”, họ cần tìm một chỗ dựa để đối trọng lại. Và không ai phù hợp hơn Nga – quốc gia cũng đang phải chịu hơn 20 ngàn trực phạt từ Mỹ và đồng minh. Trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên kể từ năm 2000 vào hồi tháng 6 tới Triều Tiên, cả hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Và cả hai đang tiến tới những bước cuối cùng để hoàn tất hiệp ước phòng thủ chung. Hiệp ước phác thảo sự hợp tác chiến lược toàn diện mà 2 nước dự định duy trì, bao gồm cả các vấn đề an ninh quốc gia. Hiệp ước nêu rõ rằng không bên nào sẽ ký kết các hiệp ước với bên thứ ba xâm phạm chủ quyền của bên kia. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong 2 quốc gia, quốc gia còn lại cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả các phương tiện quân sự, như được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép. “Đây thực sự là một văn kiện mang tính đột phá”, Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bình Nhưỡng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, hiệp ước sẽ đưa quan hệ giữa Nga và Triều Tiên lên một tầm cao mới và góp phần “tạo ra một hệ thống quốc tế đa cực công bằng”. Ông cho biết thêm, Moscow đang tìm cách “kiềm chế các mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực từ phương Tây đang theo đuổi tạo ra các liên minh quân sự – chính trị khép kín ở châu Á – Thái Bình Dương” . Động thái đầu tiên sau khi nâng cấp quan hệ là việc quân đội Triều Tiên đã được điều động tới Nga sẵn sàng trợ chiến.
Còn ở khu vực Đông Nam Á, kể từ khi cạnh tranh Mỹ – Trung trở nên căng thẳng, xu hướng tập hợp lực lượng giữa hai cường quốc ở Đông Nam Á ngày càng được tăng tốc. Trong năm 2024, tuy vẫn còn những điểm nóng cục bộ như ở Myanmar hay biển Đông nhưng Đông Nam Á khu vực hiếm hoi trên thế giới cơ bản giữ được hòa bình, ổn định để các nước tập trung hợp tác, phát triển kinh tế. Bằng vai trò trung tâm của ASEAN với các cơ chế, diễn đàn như EAS, ARF, ADMM+, ASEAN+ v..v hội tụ được đầy đủ các bên liên quan, các nước lớn trong khu vực tới tham gia, chia sẻ quan điểm. Từ đó, các quốc gia có thể hạn chế được những bất đồng không được đẩy lên trở thành mâu thuẫn lớn và xung đột.
Trong quan hệ giữa hai nước, căng thẳng cũng được gia tăng khi vào ngày 6/12/2024, một tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ đã ra phán quyết ủng hộ việc duy trì luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn nổi tiếng này tại Mỹ trước đầu năm sau hoặc đối mặt với lệnh cấm. Giám đốc FBI Chris Wray tuyên bố TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia, nói rằng các công ty Trung Quốc phải thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc, bao gồm chia sẻ thông tin hoặc phục vụ như một công cụ của chính phủ. Quốc hội Mỹ bày tỏ lo ngại về “cổ phần vàng” của chính phủ Trung Quốc trong ByteDance, cho phép họ kiểm soát TikTok . Đây là một trong những lần hiếm hoi chứng kiến sự đồng ý của cả hai đảng của Mỹ trong một vấn đề. Phán quyết có thể dẫn đến lệnh cấm TikTok vào ngày 19/1/2025. Sau đó, TikTok sẽ phải đối mặt với tương lai dưới sự quản lý của Tổng thống Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Năm bầu cử và cuộc khủng hoảng chính trị ở nhiều quốc gia
Có thể nói trọng tâm hàng đầu của năm bầu cử năm nay chính là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Cuộc bầu cử chứng kiến nhiều lần đầu tiên nhất của nước Mỹ. Lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống bị ám sát hụt tới 3 lần, lần đầu tiên một ứng viên cho cuộc bầu cử rút lui khi chỉ cách cuộc bầu cử vài tháng. Điều đó cho thấy một bầu không khí chính trị hỗn loạn, đầy chia rẽ và có phần nguy hiểm ở Mỹ trong năm 2024. Còn ở bình diện quốc tế, từ năm 2023 và xuyên suốt năm 2024 đến trước khi có kết quả bầu cử chính thức, những chính trị gia ở các khu vực trên thế giới đã luôn đặt kết quả bầu cử Mỹ vào chương trình nghị sự cũng như hoạch định chính sách của mình. Đặc biệt là những đồng minh của Mỹ với nỗi lo Tổng thống Trump sẽ trở lại cùng chính sách “Nước Mỹ trên hết” sẽ đặt ra những quy định khắt khe hơn về hợp tác an ninh – quốc phòng nói chung và chi cho ngân sách quốc phòng nói riêng. Để phòng trừ trường hợp đó, các nước đã đề cử tân tổng thư ký NATO là ông Mark Rutte, cựu thủ tướng Hà Lan là người được cho là có thể đối thoại với Tổng thống Mỹ bất kể người đó là ai. Nhưng việc ông Mark Rutte được bầu cũng xuất phát từ hệ quả của một xu hướng đang nổi lên mạnh mẽ ở châu Âu – xu hướng nổi lên của phe cực hữu.
Sự nổi lên của phe cực hữu ở châu Âu
Trước kết quả bầu cử của Nghị viện Liên minh châu âu 2024, dư luận châu Âu thể hiện sự lo lắng và hoang mang trước sự trỗi dậy của các đảng phái cực hữu. Nhiều người dân lo ngại về tương lai của chính sách di trú và quyền con người trong bối cảnh này. Các cuộc thăm dò ý kiến sau bầu cử cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng đối với các chính sách hiện tại của EU, đặc biệt là liên quan đến vấn đề di trú, an ninh và kinh tế. Ở từng quốc gia, trước chiến thắng áp đảo của đảng cực hữu National Rally do Marine Le Pen lãnh đạo. Tổng thống Pháp Macron đã giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử lập pháp sớm để tái cấu trúc quyền lực và đối phó với sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Quyết định này được xem như một động thái khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tư tưởng cực hữu và bảo vệ nền dân chủ Pháp. Quyết định được đánh giá có phần mạo hiểm của Tổng thống Macron đã thành công ngăn chặn sự nắm quyền của phe cựu hữu tại Quốc hội Pháp nhưng cũng tạo ra một tình thế chính trị phức tạp tại quốc gia này . Ở Đức, Đảng Cánh hữu thay thế cho Đức (AfD) đã tăng cường vị thế, gây ra những lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mới đây nhất chính phủ liên minh Đức đã sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội càng làm rối ren hơn tình hình chính trị ở nước này. Trong trường hợp nhanh nhất cũng phải tới tháng 2 năm sau Đức mới có được một chính phủ mới để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại nước này. Các quốc gia khác trong EU như Italia, Hà Lan, Ba Lan, Hungary v..v cũng đã nằm dưới quyền kiểm soát của các đảng bảo thủ đề cao chủ nghĩa dân tộc. Nguyên nhân chủ yếu nhất đến từ việc người dân đã mất lòng tin vào chính quyền đương nhiệm cộng với phe cực hữu đã xoáy sâu vào vấn đề khi đã chi quá nhiều cho cuộc xung đột ở Ukraine trong khi những vấn đề trong nước như lạm phát, giá cả tăng cao v..v vẫn chưa được giải quyết.
Tình hình chính trị ở khu vực Đông Bắc Á
Trong năm vừa qua ngoại trừ quan hệ với Triều Tiên vẫn luôn trong trạng thái căng thẳng thì quan hệ Nhật – Hàn đã có những bước tiến triển khả quan nhất trong nhiều năm vừa qua. Thế nhưng chỉ không lâu sau đó, hai nhà lãnh đạo chủ trương hàn gắn mối quan hệ Nhật – Hàn đều đã gặp rắc rối theo nhiều cách khác nhau, cùng với đó kéo theo tình trạng rối ren của tình hình chính trị của mỗi nước. Kết quả tổng tuyển cử ngày 28/10/2024 đã đặt nền chính trị Nhật Bản vào tình huống bấp bênh khi không có đảng nào có đủ đa số phiếu để nắm quyền. Lần đầu tiên sau 15 năm, liên minh cầm quyền ở Nhật Bản mất thế đa số ở Hạ viện, mở đường cho phe đối lập chuyển hướng chương trình nghị sự của nước này . Còn ở Hàn Quốc, Quốc hội nước này đã chính thức thông qua quyết định luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ban bố lệnh thiết quân luật vào hồi đầu tháng 12 vừa qua. Cuộc khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc sẽ không được kết thúc trong thời gian ngắn khi nước này đang rơi vào tình trạng thiếu thẩm phán tối cao để thực hiện việc luận tội Tổng thống Yoon. Tòa án gồm 9 thành viên hiện chỉ có 6 thẩm phán, do sự chậm trễ trong việc lấp đầy các vị trí trống của các thẩm phán nghỉ hưu để lại. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, cần có ít nhất 6 thẩm phán đồng ý thì quá trình luận tội được tiến hành. Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp nhất trí với kết quả bỏ phiếu của Quốc hội trước đó, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống tại vị ngắn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Seoul sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong thời hạn 60 ngày để chọn ra một nhà lãnh đạo mới .
Tình hình chính trị ở khu vực Trung Đông
Sự ra đi bất ngờ của Tổng thống Iran Raissi đã tạo ra một cú sốc với không chỉ Iran mà còn cả khu vực Trung Đông. Đối với Iran, cái chết của ông Raissi gây ra cuộc khủng hoảng về “người thừa kế” cho lãnh tụ Ayatollah Khamenei cũng như những lo ngại về điều chỉnh chính sách của Teheran. Kết quả bỏ phiếu đã gây ra nhiều bất ngờ khi ứng cử viên theo đường lối cải cách Pezeshkian đã chiến thắng trước người theo đường lối bảo thủ Jalili. Kết quả đó phản ánh nguyện vọng của người dân Iran về một nhà lãnh đạo đủ sức để vực dậy nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội cho họ. Về tác động tới khu vực, ông Pezeshkian là người theo đường lối ôn hòa khi chủ trương gia tăng quan hệ, phá bỏ cô lập. Trong phiên họp 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Pezeshkian đã có bài phát biểu: “Mục tiêu của tôi là tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, giúp Iran phát huy vai trò hiệu quả và xây dựng trong trật tự toàn cầu đang thay đổi.” Về cuộc xung đột Gaza, ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, yêu cầu Israel kết thúc sự chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine và nhấn mạnh rằng đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và hòa bình của cộng đồng quốc tế” .
Những biến động đáng chú ý của nền chính trị thế giới trong năm 2024 vừa qua có liên quan mật thiết đến những cuộc xung đột và tình hình tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Xuất phát từ những căng thẳng xung đột mà làm cho thế giới ngày càng thấy rõ hơn quá trình tập hợp lực lượng của các cường quốc. Từ những cuộc xung đột dẫn tới những chính sách gây tranh cãi của các quốc gia châu Âu, người dân mất lòng tin về nền kinh tế cũng như chính phủ từ đó dẫn tới những biến động lớn trong chính trường của lục địa già. Ngoài ra, những khu vực có thể coi là tương đối ổn định trong năm nay như Đông Nam Á cũng có những biến động trong vị trí lãnh đạo khi Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã bị bãi nhiệm. Phản ánh một bối cảnh chính trị ảm đạm và rối ren trên toàn thế giới.
TÁC ĐỘNG VÀ DỰ BÁO TÌNH HÌNH THẾ GIỚI TRONG NĂM 2025
Bầu cử Mỹ với chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump sẽ có tác động sâu sắc tới các vấn đề toàn cầu trong năm tới.
Các nền kinh tế hàng đầu tăng trưởng chậm, các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế thế giới
Nhận định chung từ dư luận về kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2025 sẽ là một sự tăng trưởng chậm. Theo Godman Sachs, Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc vào năm 2025 bất chấp sự bất ổn về thương mại. Ngân hàng này dự báo GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm tới, cao hơn một chút so với dự báo của Bloomberg.
Ứng với dự báo trên, nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc vẫn tăng trưởng trên hoặc kém không quá xa so với mức trung bình của thế giới, mặc cho những dự báo về một cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung 2.0 sẽ diễn ra dưới chính quyền Trump. Tổng thống Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” đã tuyên bố kế hoạch áp thuế 10-20% lên các sản phẩm nhập khẩu từ hầu hết các nước và đặc biệt áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giữa tuyên bố và hành động trên thực tế vẫn còn một khoảng cách và lần trở lại này ông Trump sẽ phải suy tính kĩ hơn những bước đi của mình. Bởi khi hàng hóa của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đánh thuế thì hàng hóa của Mỹ cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự. “Hình hài” của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung 2.0 sẽ được dần lộ diện trong năm 2025 và định hình cho quan hệ kinh tế Mỹ – Trung nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung trong những năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực năng lượng, sự trở lại của Tổng thống Trump với chính sách thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ tác động lớn tới bức tranh năng lượng thế giới trong năm 2025 và các năm tiếp sau đó. Trump đã tuyên bố mục tiêu “khoan dầu tới cùng” để giành lại vị thế độc lập năng lượng của Mỹ. Ông đề xuất mở rộng khai thác dầu mỏ và khí đốt tại các khu vực liên bang và tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước để đảm bảo Mỹ không phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài . Ngoài ra, sản lượng dầu của Nga gần như chắc chắn sẽ không suy giảm trong năm 2025, vì đó đang là nguồn thu quan trọng của nước này trong bối cảnh bị bao vây cấm vận. Kết hợp hai yếu tố trên sẽ gây áp lực lớn lên các nước OPEC+ về việc nên tăng hay giảm nguồn cung dầu trong năm tới. Mỗi quyết định của những ông lớn dầu mỏ chắc chắn sẽ gây ra những tác động cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Âu khi các nước vẫn đang gặp khó khăn với việc phải cân bằng giá cả sinh hoạt của người dân. Cũng vì tính dễ tổn thương bởi các biến động nên nền kinh tế của châu Âu được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn trong cả năm tới 2025 và 2026.
Cuộc chạy đua phát triển công nghệ bán dẫn và AI sẽ còn được tăng tốc trong năm 2025
Quan hệ với Mỹ và Trung Quốc chắc chắn vẫn căng thẳng và thậm chí còn ở mức độ cao hơn. Đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và công nghệ cao. Chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) – hai yếu tố được xem là cốt lõi cho sức mạnh kinh tế, quân sự và an ninh quốc gia trong tương lai. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ không chỉ tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ tiên tiến như GPU và dịch vụ điện toán đám mây, mà còn thúc đẩy sự độc lập của chuỗi cung ứng chip bán dẫn trong phạm vi “các quốc gia thân thiện với Mỹ”. Phía Trung Quốc cũng nỗ lực xây dựng năng lực tự chủ, đầu tư hàng chục tỷ USD để giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài . Và không chỉ Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia phát triển, các quốc gia đang phát triển cũng đang đẩy nhanh tiến độ cải tiến năng lực bán dẫn và AI của mình. Các quốc gia đang chạy đua để giành quyền tiếp cận những con chip tiên tiến mà việc đào tạo AI đòi hỏi. Trọng tâm của các quốc gia hiện nay là xây dựng các trung tâm dữ liệu, những kho lưu trữ khổng lồ chứa hàng nghìn con chip tân tiến và máy chủ. Các trung tâm dữ liệu như vậy đang viết lại cách vận hành của nền kinh tế toàn cầu bằng cách định hình lại dòng vốn đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau, thu hút hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đô la từ các nhà đầu tư lớn nhất thế giới .
Trong bối cảnh những thành phần quan trọng nhất để phát triển ngành bán dẫn, hệ thống AI hay các trung tâm dữ liệu lớn phần lớn đang được sản xuất độc quyền bởi một hoặc vài tập đoàn lớn đã gây ra tình trạng khan hiếm nghiêm trọng trong suốt năm qua. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị được dự báo sẽ diễn ra ngày một phức tạp hơn trong năm 2025 khiến sự khan hiếm ngày càng một nghiêm trọng hơn, từ đó thúc đẩy xu hướng phát triển công nghệ bán dẫn, AI diễn ra nhanh chóng và quyết liệt hơn. Đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn với Mỹ, và chắc chắn trong năm 2025 ông Trump sẽ có những biện pháp thắt chặt hơn nữa để ngăn cản sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Biến động lớn trong quan hệ giữa các nước: Mỹ với đồng minh, Mỹ với Trung Quốc
Lo ngại từ các nước đồng minh của Mỹ đã trở thành sự thật khi ông Trump quay lại nắm quyền. Vì vậy, trong năm tới được dự báo quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh sẽ có những biến đổi quan trọng. Trump đã nhiều lần chỉ trích NATO và các đồng minh châu Âu vì cho rằng họ dựa vào Mỹ về an ninh quốc phòng mà không chia sẻ gánh nặng chi phí. Nếu tiếp tục đường lối này, Trump có thể tăng sức ép buộc các đồng minh NATO phải tăng ngân sách quốc phòng hoặc đối mặt với viễn cảnh Mỹ giảm dần sự hiện diện quân sự ở châu Âu. Trump cũng có thể tạo ra rào cản đối với sự hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh khác, đặc biệt là tại Đông Á, nơi ông có thể giảm bớt cam kết với Hàn Quốc và Nhật Bản nếu họ không đồng ý với các điều kiện thương mại và quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội cho Trung Quốc, khi ông Trump luôn đề cao “Nước Mỹ trên hết” và không thực sự chú trọng tới việc tập hợp các đồng minh như người tiền nhiệm Joe Biden. Bốn năm tới hoặc ít nhất là trong năm tới có thể là cơ hội cho Trung Quốc cũng cố những cơ chế của riêng mình như BRICS hay chủ động làm nhòa đi các mối liên kết giữa Mỹ với các đồng minh và các đối tác trong khu vực. Thay vì tập trung vào các liên minh với đồng minh như nhiệm kỳ của ông Biden, Trump có thể tập trung gây áp lực với Trung Quốc ở các điểm nóng như eo biển Đài Loan, biển Đông và biển Hoa Đông.
Những cuộc xung đột mở ra những cơ hội chấm dứt nhưng vẫn ẩn chứa nhiều diễn biến khó lường
Với sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump, người ủng hộ Isarel mạnh mẽ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình gây ra nguy cơ những chiến dịch tấn công của Tel Aviv tại khu vực sẽ ngày càng khốc liệt hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở dải Gaza. Tuy nhiên, ở những điểm nóng khác như Ukraine hay bán đảo Triều Tiên sẽ mở ra cơ hội mới cho giảm căng thẳng giữa các bên. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, mặc dù không đem lại kết quả đột phá nhưng nó cũng góp phần vào đảm bảo an ninh cho bán đảo Triều Tiên. Với lần quay trở lại này, ông Trump được kỳ vọng cũng sẽ tiếp tục nỗ lực giảm leo thang căng thẳng giữa các bên Ông Trump. Mặc dù bối cảnh của lần quay trở lại này đã khác nhiều so với 4 năm trước khi Triều Tiên đã đề cập vào hẳn Hiến pháp quốc gia Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Còn đối với cuộc chiến tại Ukraine, trong quá trình tranh cử đã nhiều lần tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ thông qua đàm phán với Nga và Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng đã thể hiện ở trong nhiệm kỳ đầu là một con người khó đoán với những quyết định bất ngờ. Vì vậy, không thể loại trừ khả năng khi không đạt được mục tiêu đã đề ra như ban đầu, ông Trump sẽ có những quyết sách gây khó khăn và làm phức tạp hơn các vấn đề.
Kết luận
Trong một thế giới đầy biến động ở năm 2024, Việt Nam đã kiên trì với đường lối đa dạng hóa đa phương hóa là bạn là đối tác tin cậy là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã đứng vững được qua những sóng gió, giữ được ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Với sự đắc cử của Tổng thống Trump, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gần như chắc chắn sẽ quay trở lại căng thẳng và sẽ ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Bởi sau khi nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với cả hai quốc gia này trong năm 2023 với Mỹ là đối tác chiến lược toàn diện và Trung Quốc là ký kết cộng đồng chia sẻ tương lai, kim ngạch thương mại đã có những bước tiến đáng kể. Vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ đẩy Việt Nam vào thế khó. Có cả thuận lợi và khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam. Trump sẽ áp thuế nhiều hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, do vậy hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ có nguy cơ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, gây khó khăn cho sản xuất nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, các tập đoàn cũng sẽ có xu hướng chuyển nhà máy sang Việt Nam để né thuế Mỹ áp vào hàng hóa của Trung Quốc. Qua đó, có thể tạo ra một làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút nhiều vốn FDI hơn. Nhìn lại nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, căng thẳng ở biển Đông được đẩy lên với sự hiện diện thường xuyên của lực lượng hải quân của Mỹ. Nhiều khả năng tình hình này cũng sẽ quay lại trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới. Xu hướng này vừa có lợi lẫn hại cho Việt Nam. Khi tình hình ở biển đông trở nên căng thẳng sẽ gây bất lợi cho hoạt động phát triển kinh tế trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, quan hệ giữa các nước khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng giữa các nước. Ngoài ra, những cuộc xung đột trên thế giới nhiều khả năng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn trong 2025. Từ đó, nó vẫn sẽ tác động tới quan hệ giữa các nước, nền kinh tế thế giới kết hợp với chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump tuyên bố sẽ tạo ra những thách thức to lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đàm Linh (2024), “Isarel tuyên bố thực hiện chiến dịch tại Rafah”, VTV, https://vtv.vn/the-gioi/israel-tuyen-bo-thuc-hien-thanh-cong-chien-dich-tai-rafah-20240822164259412.htm#
2. An Ngọc (2024), “Cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông”, VTV, https://vtv.vn/the-gioi/cong-dong-quoc-te-lo-ngai-nguy-co-xung-dot-lan-rong-o-trung-dong-20240925132253593.htm
3. Debora Patta, Agnes Reau (2024), “Israel’s war with Hezbollah in Lebanon is shattering young lives as conflict spreads in the Middle East”, CBS News, https://www.cbsnews.com/news/israel-war-hezbollah-lebanon-young-victims-middle-east-hamas-gaza-iran/
4. Jame Dettmer (2024), “While war continues, Lebanon is trapped”, Politico, https://www.politico.eu/article/opinion-lebanon-war-middle-east-israel-palestine-foreign-affairs-beirut/
5. Scott Neuman (2024), “1 year after Hamas attacked Israel, the conflict grows more dangerous than ever”, NPR, https://www.npr.org/2024/10/07/g-s1-26381/hamas-israel-hezbollah-gaza-lebanon
6. Hoàng Hải (2024), “Syria sụp đổ: nguyên nhân, diễn biến chính và một số dự báo”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/syria-sup-do-nguyen-nhan-dien-bien-chinh-va-mot-so-du-bao/
7. Bảo Hân (2024), “Bất ổn Trung Đông: Bên thắp hy vọng, bên lửa trực chờ”, Công an nhân dân, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/bat-on-trung-dong-ben-thap-hy-vong-ben-lua-truc-cho-i753784/
8. Andrian Prokip (2024), “Ukraine Quarterly Digest: April–June 2024”, Wilson Center, https://www.wilsoncenter.org/blog-post/ukraine-quarterly-digest-april-june-2024
9. James Tobin (2024), “War in Ukraine: Update October 2024”, Lords Library, https://lordslibrary.parliament.uk/war-in-ukraine-update-october-2024/#heading-2
10. “Russia knocked out most infrastructure in Ukraine’s Pokrovsk, local official says” (2024), Reuters, https://www.reuters.com/world/europe/russia-knocked-out-most-infrastructure-ukraines-pokrovsk-local-official-says-2024-10-04/
11. Kevin Liptak, Natasha Bertand, Oren Lieberman (2024), “Biden authorizes Ukraine to use long-range US weapons in Russia”, CNN, https://edition.cnn.com/2024/11/17/politics/biden-authorizes-ukraine-missiles-russian-targets/index.html
12. Ban thời sự (2024), “Bán đảo Triều Tiên “nóng” nhất trong 70 năm qua”, VTV, https://vtv.vn/the-gioi/ban-dao-trieu-tien-nong-nhat-trong-70-nam-qua-20241020153032096.htm
13. Tuấn Vũ (2024), “Triều Tiên sửa Hiến pháp, chỉ định Hàn Quốc là nước thù địch”, Báo Lao Động, https://laodong.vn/the-gioi/trieu-tien-sua-hien-phap-chi-dinh-han-quoc-la-nuoc-thu-dich-1408821.ldo
14. Ban thời sự (2024), “Cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”, VTV, https://vtv.vn/the-gioi/canh-bao-nguy-co-chien-tranh-tren-ban-dao-trieu-tien-20241123144109461.htm
15. Hoài Thu (2024), “GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm”, Vneconomy, https://vneconomy.vn/gdp-trung-quoc-tang-truong-cham-nhat-trong-hon-mot-nam.htm
16. Marek Rozkrut, Maciej Stefanski (2024), “EY European Economic Outlook – July 2023”, EY, https://www.ey.com/en_pl/insights/economic-analysis-team/ey-european-economic-outlook-january-2024#
17. Spencer Feingold (2024), “Europeans are clinging to their savings. What does it mean for growth in the EU?”, World Economic Forum, https://www.weforum.org/stories/2024/10/europe-saving-rate-euro-eurozone-growth-eu/
18. “Transcript of European Economic Outlook October 2024 Press Briefing” (2024), IMF, https://www.imf.org/en/News/Articles/2024/10/24/tr102424-transcript-of-eur-reo
19. “OECD: Global economy is turning the corner as inflation declines and trade growth strengthens” (2024), OECD, https://www.oecd.org/en/about/news/press-releases/2024/09/oecd-global-economy-is-turning-the-corner-as-inflation-declines-and-trade-growth-strengthens.html#
20. Wang Cong, Tao Mingyang (2024), “US’ proposed ban on Chinese EV software, hardware protectionist: analyst”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202409/1320177.shtml#
21. “Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung trong lĩnh vực công nghệ: điểm nóng mới” (2024), https://www.vista.gov.vn/vi/news/cac-linh-vuc-khoa-hoc-va-cong-nghe/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-trong-linh-vuc-cong-nghe-diem-nong-moi-9959.html
22. Lương Hoàng Dương (2024), “Điều chỉnh chiến lược phát triển AI quân sự của Mỹ”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/dieu-chinh-chien-luoc-phat-trien-ai-quan-su-cua-my/
23. “Cạnh tranh công nghệ Trung Quốc – Phương Tây” (2024), VTV, https://vtv.vn/the-gioi/canh-tranh-cong-nghe-trung-quoc-phuong-tay-20241102120139559.htm
24. Hoàng Hải (2024), “BRICS trỗi dậy trước những thay đổi lớn của thế giới”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/brics-troi-day-truoc-nhung-thay-doi-lon-cua-the-gioi/
25. Thành Đạt (2024), “Nga chuẩn bị hoàn tất phê chuẩn hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên”, Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-chuan-bi-hoan-tat-phe-chuan-hiep-uoc-phong-thu-chung-voi-trieu-tien-20241106101206437.htm
26. Nguyễn Phương Ngân (2024), “TikTok trước nguy cơ bị cấm ở Mỹ: Cuộc chiến công nghệ và thương mại mới chuẩn bị nổ ra?”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/tiktok-truoc-nguy-co-bi-cam-o-my-cuoc-chien-cong-nghe-va-thuong-mai-moi-chuan-bi-no-ra/
27. “Bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh cánh tả gây bất ngờ lớn” (2024), Quân đội nhân dân Việt Nam, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/bau-cu-quoc-hoi-phap-lien-minh-canh-ta-gay-bat-ngo-lon-784468
28. Như Quỳnh (2024), “Cục diện an ninh Đông Bắc Á năm 2024 và một số dự báo cho năm 2025”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/cuc-dien-an-ninh-dong-bac-a-nam-2024-va-mot-so-du-bao-cho-nam-2025/
29. Diệp Thảo (2024), “Điều gì chờ đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sau cuộc luận tội?, VOV, https://vov.vn/the-gioi/dieu-gi-cho-don-tong-thong-han-quoc-yoon-suk-yeol-sau-cuoc-luan-toi-post1142629.vov
30. Thu Oanh (2024), “Một số điểm đáng chú ý về tình hình Trung Đông năm 2024”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/mot-so-diem-dang-chu-y-ve-tinh-hinh-trung-dong-nam-2024/
31. Đặng Phương Nam (2024), “Donald Trump và Đảng Cộng hoà chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng: Thời kỳ hoàng kim mới của nước Mỹ?”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/donald-trump-va-dang-cong-hoa-chien-thang-trong-cuoc-dua-vao-nha-trang-thoi-ky-hoang-kim-moi-cua-nuoc-my/
32. Nguyễn Phương Ngân (2024), “Cuộc chiến bán dẫn 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc khi Donald Trump trở lại”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/cuoc-chien-ban-dan-2-0-giua-my-va-trung-quoc-khi-donald-trump-tro-lai/