Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á đang diễn ra ở Tây An là trường hợp đầu tiên Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với tất cả năm quốc gia Trung Á. Động thái này của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả quan trọng, làm lu mờ tham vọng của các bên tham gia lớn khác trong khu vực.
Từ ngày 18-19/05/2023, Trung Quốc đã mời các nhà lãnh đạo của năm quốc gia Trung Á đến Tây An, tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Trung Quốc, điểm cuối phía Đông của “Con đường Tơ lụa” từng kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á, để tham dự một hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực có vị trí chiến lược quan trọng này. Ngày 17/05/2023, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã đến Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev và Tổng thống Turkmen Serdar Berdimuhamedov đã đến Trung Quốc ngày 18/05/2023. Đây là cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Á kể từ khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia này hơn ba thập kỷ trước. Trước đây, thông thường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia Trung Á theo mô hình song phương hoặc trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) như các cuộc gặp đã diễn ra cuối năm 2022 tại Samarkand (Uzbekistan). Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Tây An chắc chắn sẽ được giới lãnh đạo Nga đặc biệt theo dõi.
Tương lai gắn kết chính trị được bảo đảm bằng hợp tác kinh tế ngày càng chặt chẽ
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất hoặc đối tác thương mại chính của các nước Trung Á trong nhiều năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước Trung Á đạt kỷ lục hơn 70 tỷ USD. Trong đó, Kazakhstan dẫn đầu với 31 tỷ USD. Kyrgyzstan theo sau với 15,5 tỷ USD, Turkmenistan với 11,2 tỷ USD, Uzbekistan với 9,8 tỷ USD và Tajikistan với 2 tỷ USD. Trung Quốc cũng đang tìm cách khôi phục quan hệ kinh tế với Trung Á sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn tăng trưởng trong ba năm qua. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào tất cả các nước Trung Á đã vượt quá 15 tỷ USD (13,8 tỷ USD) vào cuối tháng 03/2023.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng trước khi trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo khu vực về hợp tác giữa Trung Quốc và Trung Á cũng như các vấn đề quốc tế lớn cùng quan tâm. Các nhà lãnh đạo dự kiến cũng sẽ ký “các văn bản chính trị quan trọng” tại thượng đỉnh. Trước thềm hội nghị, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Dai Bing nhận định, sự kiện này là một động thái quan trọng nhằm xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Trung Á gần gũi hơn với một tương lai chung, mở ra một chương mới trong quan hệ khu vực và mang lại cơ hội mới cho từng quốc gia Trung Á.
Kỳ vọng của Trung Á và Trung Quốc
Hiện, thông tin về các chủ đề được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây cho thấy, Trung Quốc đang đặt kỳ vọng rất cao đối với cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo Trung Á lần này. Trong một thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập rằng, một “kế hoạch vĩ đại” sẽ được Bắc Kinh công bố tại Tây An trong sự kiện lần này.
Đối với các quốc gia Trung Á, kỳ vọng về cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang tăng cao. Năm 2023 cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm công bố Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), trong đó, cần lưu ý rằng, BRI được lãnh đạo Trung Quốc công bố đầu tiên vào năm 2013 tại Kazakhstan. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh được cho rằng sẽ cố gắng chứng minh sức mạnh bền bỉ của dự án này bằng các kế hoạch tăng cường đầu tư vào Trung Á, khu vực đóng vai trò là cửa ngõ để tiếp cận Tây Á và châu Âu. Cụ thể hơn, Uzbekistan đặc biệt kỳ vọng vào việc triển khai Tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan (CKU) và Tuyến D của Đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc.
Tuy nhiên, để Trung Quốc thực hiện một chiến lược Trung Á thành công hơn, họ cần nhìn nhận khu vực này không phải là một không gian cô lập mà thay vào đó, phải có tính liên kết, song song với không gian Biển Đen và Biển Caspi rộng lớn hơn. Ngay cả khi Trung Á trở thành một giải pháp thay thế quá cảnh khả thi cho hành lang “ốm yếu” của Nga, thì đó vẫn chỉ là bước địa lý đầu tiên để Trung Quốc tiếp cận thị trường EU.
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine làm thay đổi các tuyến đường thương mại và khiến việc vận chuyển qua Nga trở nên khó khăn hơn, tuyến đường xuyên Caspian và Nam Caucasus đã trở nên hấp dẫn hơn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả Trung Á và EU. Điều này được thể hiện trong tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Gruzia Chou Qian khi tranh luận về cơ hội đầy triển vọng của Hành lang giữa nhưng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có sự tham gia của EU và Trung Quốc.
Các nước Trung Á cũng có thể hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò chính trị và an ninh tích cực hơn trong khu vực (đặc biệt là sau khi Trung Quốc thành công trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Iran và Saudi Arabia hòa giải quan hệ). Vai trò hòa giải mới này của Trung Quốc sẽ đặc biệt cần thiết trong trường hợp của Kyrgyzstan và Tajikistan, khi hai quốc gia này đang xảy ra tranh chấp những vùng lãnh thổ dọc biên giới chung. Kyrgyzstan có thể quan tâm đến việc để Trung Quốc đóng vai trò an ninh tích cực hơn trong khu vực, đặc biệt là sau khi Bishkek về cơ bản bị đồng minh trong CSTO của họ là Nga bỏ rơi vào tháng 09/2022 khi các lực lượng Tajikistan gây ra tổn thất đáng kể cho Kyrgyzstan dọc theo biên giới chung.
Trung Á mở rộng cửa cho Trung Quốc
Trong không gian địa chính trị ngày càng tắc nghẽn ở Trung Á, Ấn Độ, Nhật Bản, Iran và các nước khác tranh giành ảnh hưởng thông qua việc thúc đẩy các hành lang thương mại và đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng để vượt qua các đối thủ khác. Trung Quốc vẫn có vị thế tốt để tạo ra sự khác biệt khi nước này có rất nhiều tiền mặt và là một nước láng giềng gần gũi về địa lý, có nhiều kinh nghiệm trong việc can dự vào khu vực.
Thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh rất thú vị vì sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Nga đang bị phân tâm bởi cuộc chiến tranh kéo dài với Ukraine. Điều này đã tạo ra một khoảng trống quyền lực nhất định ở Trung Á và năm quốc gia trong khu vực thấy rõ cơ hội để kiểm tra vị thế thực sự của Moscow tại Trung Á. Khi Tajikistan lấn át trước nước láng giềng Kyrgyzstan vào năm 2022, với việc Nga gần như vắng mặt trong việc điều phối mâu thuẫn giữa hai quốc gia, bản chất yếu kém trong vị thế của Nga trong khu vực này đã bị phơi bày.
Kazakhstan cũng vậy, theo truyền thống đã mệt mỏi với các động thái quân sự tiềm tàng của Nga, đã thực hiện một loạt các chuyển hướng trong chính sách đối ngoại, hướng tới củng cố mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Trung Quốc, thực chất là nhằm mục đích bảo vệ chống lại hành vi khó lường của Moscow. Những động cơ tương tự cũng ghi nhận trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Uzbekistan gần đây.
Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh, Moscow không thể công khai phản đối các động thái của Trung Quốc ở Trung Á. Điện Kremlin vẫn tiếp tục quan tâm đến những gì đang diễn ra trong bối cảnh của chủ nghĩa khu vực, thường ghi nhận sự đồng thuận cơ bản giữa Nga và Trung Quốc rằng, các cường quốc ngoài khu vực nên bị loại khỏi quá trình định hình xu hướng chính trị khu vực. Mặc dù đây có thể vẫn là cơ sở cho lợi ích của Trung Quốc và Nga, nhưng cán cân quyền lực giữa hai chủ thể Á-Âu đang nghiêng nhiều về phía có lợi cho Trung Quốc. Với việc Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong việc mở rộng dấu ấn kinh tế và an ninh trong khu vực, và với hội nghị thượng đỉnh lần này, Trung Quốc đã có những nỗ lực to lớn để làm điều tương tự trong lĩnh vực chính trị.
Quyết định của Trung Quốc về việc nâng cấp cấp độ của hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia Trung Á cũng trùng khớp với mối quan tâm ngày càng tăng của các bên tham gia khác trong khu vực. Nga vẫn là một bên có quyền lực lớn nhưng cũng có một loạt các bên khác đang vội vã trục lợi từ những điểm yếu của Moscow. Đức là một trong những ví dụ mới nhất. Trong chuyến thăm Đức của Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev vào đầu tháng 05/2023, một thỏa thuận đã đạt được để khởi động định dạng Đức + C5, tương tự như các sáng kiến của Nga, Mỹ, Trung Quốc và EU.
Triển vọng tươi sáng đối với Trung Quốc trong tương lai
Nếu trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào khía cạnh kinh tế trong hợp tác với Trung Á, thì trong những năm qua và đặc biệt là kể từ năm 2022, trọng tâm đã thay đổi đáng kể. Lợi ích của Bắc Kinh đã mở rộng bao gồm cả lĩnh vực chính trị và hội nghị thượng đỉnh ở Tây An rất có thể chính thức mở ra một giai đoạn hợp tác song phương mới. Về lâu dài, tình hình địa chính trị sẽ có lợi cho Trung Quốc. Khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ nhận thấy không gian ngày càng lớn hơn cho sự can dự chính trị và kinh tế của mình trên khắp trung tâm Á-Âu. Đây là trường hợp đặc biệt khi các chủ thể khác thiếu khả năng tiếp cận địa lý và tiềm năng kinh tế để cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực. Do đó, một bài kiểm tra thực sự đối với Bắc Kinh sẽ là làm thế nào để điều hướng cẩn thận sự can dự của họ trong khu vực để không gây bất bình cho năm quốc gia Trung Á và không thúc đẩy họ tìm kiếm các giải pháp thay thế bằng cách xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, EU và các nước khác.
Biên dịch và tổng hợp: Phương Thảo
Về tác giả: Emil Avdaliani là chuyên gia nghiên cứu về không gian hậu Xô viết và khu vực Á-Âu, đặc biệt tập trung vào chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, quan hệ với Iran, Trung Quốc, EU và Mỹ. Ông dạy lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Tbilisi và Đại học Liên bang Ilia, Gruzia.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]