Kể từ khi quan hệ Australia-Trung Quốc xấu đi dưới thời chính quyền Morrison vào năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt đối với Australia, không còn nhập khẩu than, tôm hùm và các mặt hàng xuất khẩu chính khác của Australia sang Trung Quốc. Chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Australia, Trung Quốc là điểm đến lớn nhất của hàng hoá Australia, do đó các biện pháp trừng phạt này đã có tác động đáng kể đến nền kinh tế Australia.
Với việc Thủ tướng đương nhiệm Anthony Albanese nhậm chức, Australia đã nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Chính phủ Đảng Lao động Australia, cầm quyền từ tháng 05/2022, đã gửi đi những tín hiệu tích cực về quan hệ song phương với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi đặt ra câu hỏi liệu sự hồi sinh của quan hệ kinh tế và thương mại có khả năng thúc đẩy quan hệ Australia-Trung trở lại giai đoạn thân thiện trước đây hay không, câu trả lời có thể là tiêu cực. Bất kể quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước phục hồi như thế nào, thì khía cạnh đối đầu vẫn chiếm ưu thế và khó thay đổi điều đó trong dài hạn.
Thứ nhất, khi phân tích xu hướng phát triển trong tương lai của các mối quan hệ, điều quan trọng là phải hiểu được vị trí chiến lược của Australia. Australia là thành viên chủ chốt của liên minh tình báo Five Eyes và là thành viên quan trọng của AUKUS – quan hệ Đối tác Hợp tác An ninh Ba bên, cũng như Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) với Mỹ, Anh, Nhật Bản. Xét về chiến lược văn hóa, ngôn ngữ, quân sự và địa chính trị, Australia có mối quan hệ đồng minh và hợp tác vô cùng chặt chẽ với Mỹ cũng như Vương quốc Anh. Điều đáng chú ý là để có được tàu ngầm hạt nhân do Mỹ sản xuất, Australia đã không ngần ngại hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm diesel thông thường từ Pháp. Điều này cho thấy, ngay cả trong số các đồng minh phương Tây, vị thế của Mỹ và Anh theo quan điểm của Australia vẫn “nặng” hơn so với của Pháp. Như hiện nay, Australia là một trụ cột quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ ở khu vực Nam Thái Bình Dương và có ý nghĩa chiến lược to lớn. Tuy nhiên, do mục tiêu chính của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chắc chắn là Trung Quốc, Australia không thể tự loại mình khỏi khuôn khổ đối đầu cơ bản như vậy với Trung Quốc, và điều này sẽ ngày càng trở nên rõ ràng.
Thứ hai, về định hướng chiến lược của chính Australia, chính phủ hiện tại đang nỗ lực khôi phục quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc trong khi vẫn giữ lập trường đối đầu với nước này. Ngay trước khi Australia nối lại các chuyến hàng than sang Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong đã tuyên bố trong chuyến thăm Vương quốc Anh rằng, bà sẽ hợp tác với Vương quốc Anh để cùng nhau đối phó với sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Vào ngày 09/02/2023, Australia, Anh và Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận không quân chung, trong đó, Trung Quốc đóng vai trò là kẻ thù giả định. Đầu tháng 02/2023, Australia chính thức tuyên bố sẽ loại bỏ tất cả các thiết bị giám sát an ninh do công ty Trung Quốc sản xuất được lắp đặt trong các cơ quan chính phủ. Cuối tháng 02/2023, nước này cũng bày tỏ mong muốn tham gia tuần tra chung Mỹ-Philippines ở Biển Đông cùng với Nhật Bản. Australia cũng xoa dịu mối quan hệ với Pháp bằng cách cùng sản xuất đạn pháo cho Ukraine, điều này đặt nền tảng để đưa Pháp vào khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, thỏa thuận ba bên AUKUS về chế tạo tàu ngầm hạt nhân đã chính thức hoàn tất vào ngày 13/03/2023 và Australia dự kiến sẽ mua 5 tàu ngầm hạt nhân. Trước khi các tàu ngầm này được chuyển giao, các yêu cầu quốc phòng của Australia có thể sẽ được đáp ứng thông qua hợp tác sâu rộng với Quân đội Mỹ, điều đó có nghĩa là, lập trường đối đầu của Australia với Trung Quốc cũng sẽ được củng cố.
Thứ ba, trong hoàn cảnh quan hệ chính trị xấu đi, việc phát triển quan hệ kinh tế và thương mại đôi khi có thể phản tác dụng. Trong thế kỷ trước, động lực quan trọng khiến quan hệ Mỹ-Trung nới lỏng là sự bành trướng toàn cầu của Liên Xô và quan hệ Xô-Trung liên tục xấu đi. Nhu cầu chính trị-quân sự về việc cùng nhau đối đầu với Liên Xô đã thúc đẩy Trung Quốc, Mỹ tiếp cận và bình thường hóa quan hệ với nhau, việc làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế và thương mại là bước tiếp theo. Xét trên yếu tố ý thức hệ và địa chính trị, ngay cả trong giai đoạn quan hệ Mỹ – Trung đang phát triển êm đẹp hơn, giới chính trị Mỹ vẫn đặt ra nghi vấn và kêu gọi cần thực thi chính sách đối phó, ngăn chặn Trung Quốc. Điều này cũng đúng với quan hệ Australia-Trung Quốc. Từ cuối năm 2022, đã có sự phục hồi nhẹ trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước, nhưng cộng đồng chiến lược Australia đã đặt câu hỏi về điều đó. Phân tích mới nhất từ Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) chỉ ra rằng, trong ba năm qua, Australia là mục tiêu lớn nhất trong các hành động cưỡng ép kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trên toàn thế giới. Cuối năm 2022, Viện Lowy đã công bố một báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh việc xây dựng khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Australia phải dựa trên lợi ích của chính Australia, nhưng nước này cũng coi các giá trị tự do và dân chủ là tiền đề quan trọng. Điều này thực chất vẫn đang khẳng định ý thức hệ thống trị, và vị thế nổi bật của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế, thương mại sẽ chỉ được coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Australia và là điểm yếu cần khắc phục hơn là động lực để cải thiện quan hệ.
Thứ tư, Australia cũng đang tích cực theo đuổi sự đa dạng hóa trong các mối quan hệ kinh tế và thương mại của nước này. Thủ tướng Albanese bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 08/03/2023, trong đó các vấn đề như hợp tác kinh tế và văn hóa giữ vai trò nổi bật. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Australia là 27,5 tỷ USD và Ấn Độ bày tỏ kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong vòng 5 năm lên hơn 50 tỷ USD dựa trên Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại đạt được giữa hai nước. Do đó, trong khi thúc đẩy khôi phục quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc, Australia cũng đang nỗ lực đa dạng hóa mô hình kinh tế và thương mại của mình, với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng nhiều càng tốt. Từ những ví dụ trên, có cơ sở để cho rằng, động thái khôi phục quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc là tập trung vào lợi ích trước mắt, trong khi mục tiêu dài hạn vẫn là giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và từng bước tăng cường đối đầu với Trung Quốc.
Về quan hệ Australia-Trung Quốc trong tương lai, vẫn sẽ có không gian hợp tác giữa hai nước, trong các lĩnh vực như vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng cao ở các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Hợp tác song phương cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì và làm sâu sắc hơn nữa trong nỗ lực chung giải quyết xung đột sắc tộc và chống khủng bố ở khu vực Nam Á. Tuy nhiên, chính sách đối đầu tổng thể đối với Trung Quốc sẽ ngày càng nổi bật và được củng cố. Australia sẽ hội nhập hơn nữa vào hệ thống chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và đối lập với Trung Quốc, với việc ngày càng can dự nhiều hơn vào các vấn đề Đài Loan. Vào ngày 07/03/2023, hai tờ báo Sydney Morning Herald và The Age nhấn mạnh trong các bài báo riêng biệt rằng, một khi Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự để tiếp quản Đài Loan, rất có thể Australia sẽ tham gia vào liên minh chống lại Trung Quốc. Mặc dù những quan điểm như vậy đã gây ra tranh cãi và tranh luận đáng kể ở Australia, nhưng không thể đánh giá thấp xu hướng phát triển mà những quan điểm này đã thể hiện. Với việc củng cố toàn diện luật can thiệp nước ngoài ở Australia, các tổ chức xã hội của người Hoa ở Australia sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế và áp lực hơn, đồng thời phe thực dụng trong giới chính trị Australia cũng sẽ bị hạn chế. Mặc dù quan hệ kinh tế và thương mại vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển trong một thời kỳ nhất định, vì giới chính trị Australia không hoàn toàn bác bỏ xu hướng này, nhưng điều này sẽ khó mang lại lợi ích chính trị. Thay vào đó, những mối quan hệ như vậy sẽ phải đối mặt với sự can thiệp từ các yếu tố chính trị và đầy những khúc ngoặt.
Một số kết luận rút ra
Trong khi phân tích về quan hệ Mỹ-Trung, giới phân tích chính trị đã chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa hai nước liên quan đến cả chính trị và kinh tế, nhưng sự phát triển của quan hệ kinh tế và thương mại đã không dẫn đến sự cải thiện trong quan hệ chính trị. Logic phát triển cơ bản của mối quan hệ Trung Quốc-Australia được xác định bởi mối quan hệ Mỹ-Trung. Do đó, sự ấm lên trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Australia và Trung Quốc khó có thể mang lại sự cải thiện cơ bản trong mối quan hệ chính trị của giữa hai nước trong tương lai.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Zhou Chao là nhà nghiên cứu tại ANBOUND. Tổ chức Anbound Consulting (ANBOUND) là một Think Tank độc lập có trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh/Trung Quốc. Được thành lập vào năm 1993, ANBOUND chuyên nghiên cứu về chính sách công và có uy tín cao trong các lĩnh vực dự báo chiến lược, giải pháp chính sách và phân tích rủi ro. Kết quả nghiên cứu của ANBOUND được công nhận rộng rãi và tạo ra mối quan tâm sâu sắc trong giới truyền thông đại chúng, các học giả và chuyên gia, những người cũng đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.