Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, những cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc ngày càng trở nên gay gắt đã khiến trật tự thế giới trở nên khó đoán và tác động sâu sắc đến các mối quan hệ hợp tác giữa quốc gia nói chung cũng như đối với quan hệ Nga – Philippines nói riêng – vốn là mối quan hệ có phần “lạnh nhạt” và không có nhiều “điểm nhấn”, nhưng các yếu tố chủ quan và khách quan khác đang dần thúc đẩy hai nước này xích lại gần nhau hơn, tạo đà cho hợp tác trong tương lai.
Hiện trạng quan hệ song phương Philippines – Nga
Khi nói đến mối quan hệ ngoại giao của Philippines với các quốc gia khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, người ta thường nhắc nhiều đến mối quan hệ đồng minh hiệp ước giữa Philippines với Mỹ, sự hợp tác đa chiều về kinh tế, thương mại, dịch vụ hàng đầu của Philippines và Trung Quốc, hay sợi dây cố kết giữa Philippines với các nước láng giềng Đông Nam Á. Còn đối với Nga – quốc gia mà Philippines đã từng xem là những người Sao Hỏa – hiếm đến mức rất ít người Nga xuất hiện ở “đất nước bảy nghìn hòn đảo” này, tuy nhiên, những năm gần đây lại xuất hiện những bước chuyển biến mới trong mối quan hệ song phương Nga – Philippines.
Kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines, mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ trở nên rạn nứt. Việc Philippines thực hiện chính sách “độc lập với Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa 2 quốc gia rơi xuống mức thấp nhất, đặc biệt với việc Manila đơn phương huỷ bỏ Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1998 và Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký năm 2014. Vốn dĩ Philippines là đồng minh kết ước của Mỹ, gắn bó với nước này bằng Hiệp ước Phòng thủ hỗ trợ lẫn nhau, trang thiết bị và vũ khí của nước này đều do Mỹ cung cấp, nên khi Philippines đơn phương hủy bỏ hiệp ước này, cũng là thời điểm Philippines buộc phải tìm kiếm và mở rộng cánh cửa hợp tác với cường quốc khác nhằm khôi phục và phát triển nền an ninh quốc phòng của mình.
Tuy nhiên, vì sao mối quan hệ Philippines và Nga mở ra tại thời điểm này? Yếu tố cá nhân là một trong những yếu tố thúc đẩy mối quan hệ giữa Philippines và Nga. Đối với ông Duterte, ông nhiều lần chỉ trích Phương Tây đặc biệt là Mỹ khi các quốc gia đang cố can thiệp sâu vào nội bộ của quốc gia này. Bên cạnh đó trong những năm qua, phong cách lãnh đạo của ông Putin được cho là cứng rắn và quyết đoán và là người theo hệ tư tưởng về “dân chủ có chủ quyền” – một quốc gia là dân chủ nếu nó được cách ly khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là từ các cường quốc phương Tây. “Tốt hơn hết tôi nên nói rằng người anh hùng yêu thích của tôi là Vladimir Putin”[1] là quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nói khi được hỏi về quan điểm của ông về các nhà lãnh đạo toàn cầu vào năm 2016. Trong một tuyên bố tại Manila vào 4/10/2016, ông Duterte từng bắn tiếng sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc để thay thế Mỹ sau khi chính quyền Washington chỉ trích chiến dịch bài trừ ma tuý của chính quyền Manila và có ý không muốn bán vũ khí cho Philippines.“Nếu các anh không muốn bán vũ khí, tôi sẽ sang Nga. Tôi đã cử các đoàn tướng sang Nga và Moskva nói rằng chúng tôi không phải lo lắng gì cả, họ sẽ đồng ý bán cho Manila. Còn đối với Trung Quốc, họ nói rằng chỉ cần tới, ký kết và mọi thứ sẽ hoàn thành”[2] ông Duterte cho biết.
Chính sự đồng nhất về quan điểm chính trị của các nhà lãnh đạo tối cao đã giúp mối quan hệ giữa hai nước có những bước phát triển mới. Hơn nữa, việc tiếp cận với Nga là một yếu tố quan trọng trong cái gọi là “chính sách đối ngoại độc lập” của ông Duterte, nhằm tìm cách đa dạng hóa truyền thống chiến lược lấy phương Tây làm trung tâm của Philippines.
Vào ngày 02/01/2017, tàu khu trục chống ngầm Admiral Tributs và tàu chở dầu cỡ lớn Boris Butoma của Nga đã cập cảng ở Manila, Philippines, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị đến quốc gia Đông Nam Á này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của hạm đội Nga đến Philippines dưới thời chính quyền ông Duterte. Chuyến thăm của hai tàu trên diễn ra khoảng 1 tháng sau khi Ngoại trưởng Philippines Lorenzana thăm Nga nhằm tìm kiếm những triển vọng hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa hai nước. Trả lời phóng viên sau lễ đón tiếp, Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga, Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov cho biết: “Các bạn có thể chọn… hợp tác với Mỹ hoặc hợp tác với Nga, nhưng từ phía mình, chúng tôi có thể giúp các bạn theo mọi cách các bạn cần”[3]. Việc nhắc tới Mỹ trong phát ngôn của mình cho thấy rằng, Nga sẵn sàng hỗ trợ Philippines nếu nước này chọn Nga trong hợp tác quốc phòng an ninh, như việc thế chỗ Mỹ hiện diện quân sự ở quốc gia này. Như vậy Nga đang muốn lôi kéo đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ về phía mình.
Những năm qua, sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về vị trí địa chiến lược, đặc biệt là sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines, làm cho Philippines trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Từ một góc nhìn, Nga đang muốn lôi kéo một quốc gia trong hệ thống “dân chủ hoàn toàn”, từng lấy Mỹ là trung tâm cùng hợp tác với hệ thống “xã hội chủ nghĩa” đứng đầu là Trung Quốc và Nga. Ở khía cạnh khác, những năm qua, Trung Quốc và Nga là những đối tác có phần “thân thiết” với nhau, nhưng nhìn xa hơn, việc Nga gia tăng quan hệ với Philippines có thể tạo nên “thế” khi đứng trước Trung Quốc – quốc gia cũng muốn lôi kéo sự hợp tác ở khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy, các quốc gia đã bỏ qua rào cản về chế độ chính trị đề cao lợi ích của quốc gia để tiến đến vòng hợp tác toàn cầu trong sự gia tăng căng thẳng và sự tranh giành sự ảnh hưởng ở các khu vực địa chiến lược. Chỉ một ngày sau khi tàu chiến của Hải quân Nga tới Philippines, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev cho biết: “Nga sẵn sàng cung cấp những loại vũ khí hạng nhẹ, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu ngầm và nhiều loại vũ khí khác cho Philippines. Đây là những vũ khí hiện đại và hoàn toàn mới”[4]. Đây có thể xem là đòn tấn công ngầm nhằm vào Mỹ – khi quốc gia này được cho đã bán những loại vũ khí dưới mức tối ưu cho những đồng minh ở Châu Á của mình. Như vậy, nhìn chung mục đích của Nga muốn hướng tới sự “thay chân” Mỹ, trở thành một nhà cung cấp quân sự cho Philippines để giúp tăng cường sức mạnh của chính quyền Philippines “độc lập” hơn trước Mỹ.
Trong giai đoạn này, mối quan hệ giữa Nga – Philippines đã có những bước sự hồi phục mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh. Chỉ trong 5 năm, 30 thỏa thuận đã được ký kết giữa các nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hợp tác kỹ thuật quân sự, năng lượng hạt nhân, giao thông, nông nghiệp, thương mại, du lịch, v.v. Các mối quan hệ được đổi mới đã được chuyển thành mối quan hệ chặt chẽ hơn và tăng cường trao đổi song phương ở mọi cấp độ. Hai bên đã có những cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo và trao đổi tin nhắn chúc mừng. Những mối liên hệ cấp cao này đã mở đường cho việc Philippines mua 10 triệu liều Sputnik V cũng như hợp tác quân sự. Năm 2021, thương mại giữa hai nước tăng 12% so với năm 2020 và đạt 1,04 tỷ USD. Hơn hết, trong các cuộc tiếp xúc với các đối tác Philippines, phía Nga luôn nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác về hiện đại hóa và tăng cường tiềm lực phòng thủ của Lực lượng vũ trang Philippines.
Các yếu tố tác động quan hệ Philippines – Nga trong những năm tiếp theo
Thứ nhất, tiếp nối triển vọng về những thỏa thuận được “hứa hẹn” từ chính quyền tiền nhiệm giữa Nga và Philippines.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp chúc mừng nhân chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Philippines lưu ý rằng quan hệ giữa hai nước có truyền thống hữu nghị và bày tỏ hy vọng rằng những nỗ lực của chính quyền tiếp theo sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Philippines trong nhiều lĩnh vực. Những phát biểu trên cho thấy Nga đang ngầm chủ ý rằng: dưới thời Tổng thống Duterte, giữa Nga và Philippines đã có mối quan hệ hòa hảo tích cực, sự hợp tác đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, và còn đó những hứa hẹn còn dang dở giữa hai quốc gia. Mặc dù, những nỗ lực gắn kết còn gặp phải những hạn chế và rào cản để phát huy tối đa lợi ích và sự hiệu quả cho cả hai bên, nhưng hy vọng với sự kế nhiệm của ông Marcos, những luồng gió mới sẽ được đẩy vào theo hướng tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, Nga cũng thể hiện sự thiện chí của mình và cho thấy mối quan hệ này sẽ có những bước chuyển ở tầm cao mới trong gian đoạn tiếp theo giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Philippines Marcos. Theo nhà lãnh đạo Nga, điều này đáp ứng đầy đủ lợi ích của cả hai quốc gia và phù hợp với nỗ lực chung về tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phản hồi từ Philippines, vào ngày 24/9/2023, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Manila quyết tâm phát triển hợp tác tích cực hơn với Moskva trong những lĩnh vực hiện có, cũng như tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương chuyên sâu hơn ở các cấp cơ quan ngang bộ. Trả lời phỏng vấn đài Sputnik bên lề phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ, ông Manalo bày tỏ: “Chúng tôi có nhiều thỏa thuận với Nga. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là hiểu được làm thế nào để có thể thực hiện chúng một cách hiệu quả hơn“[5]. Đây có thể là lời phản hồi của ông Marcos cho những lời hứa hẹn của ông Putin về mối quan hệ giữa hai nước. Ông Marcos đồng ý rằng, giữa Nga và Philippines vẫn đó những sợi dây liên kết hợp tác những bản thỏa thuận đã được ký kết, nhưng ông cũng lo ngại đến tính hiệu quả của các thỏa thuận. Mặc dù hai bên đã có những thỏa thuận về hợp tác, nhưng khả năng tăng cường quan hệ quân sự Nga – Philippines phần nhiều vẫn nằm dưới dạng lý thuyết và còn gặp nhiều sự hạn chế, đặc biệt là giới hạn về mặt kỹ thuật. Việc quen sử dụng vũ khí phương Tây thời gian qua đã khiến cho quân đội Philippines gặp nhiều khó khăn với việc tương tác với những loại vũ khí mới từ Nga. Bên cạnh đó, Nga rất muốn bán tàu ngầm hay máy bay cho Philippines, nhưng liệu Manila có ngân sách để nâng cấp quân đội của mình hay không, khi biết rằng cho đến nay, hải quân Philippines chẳng hạn, chủ yếu dùng loại tàu cũ của Mỹ được tân trang. Chính vì vậy “Các quan chức của chúng tôi có lẽ cần có nhiều cuộc thảo luận hơn, nhiều cuộc gặp gỡ hơn để tìm kiếm cách thức phát triển hợp tác”[6], mặc dù lịch trình công du New York của Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo không bao gồm bất kỳ cuộc tiếp xúc nào với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Đại sứ quán Philippines ở Moskva hàng ngày vẫn liên lạc với giới chức Nga và ngược lại. Đây là có thể xem là những nỗ lực tích cực để tìm ra những cách thức hợp tác hiệu quả hơn giữa các bên.
Thứ hai, sự kế nhiệm chính sách ngoại giao trung lập của người cha “Ferdinand Edlin Marcos” – Tổng thống thứ 10 của Philippines
Ngày 09/5/2022 ông Ferdinand Romualdez Marcos trở thành Tổng thống thứ 17 của Philippines, ông đồng thời cũng là con trai của cựu Tổng thống Ferdinand Edlin Marcos – người mở đường cho mối quan hệ ngoại giao giữa Philippines và Liên Xô vào năm 1976. Ông Marcos (con) dường như đang thực hiện những chiến lược tiếp tục hàn gắn mối quan hệ đầy tiềm năng giữa 2 quốc gia Philippines và Nga theo con đường mà cha mình đã từng làm.
Kể từ khi Philippines giành được độc lập 1946, Philippines dường như “phớt lờ” sự tồn tại của “một phần sáu địa cầu” là Liên Xô. Tại thời điểm này, dưới thời kỳ thuộc địa, do chịu nhiều ảnh hưởng từ Phương Tây, nên nền văn hóa có nhiều sự giao thoa giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ cũng như sự ảnh hưởng của chế độ chính trị và ý thức hệ theo con đường Dân chủ của Phương Tây, chính vì vậy việc thiết lập quan hệ ngoại giao với hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu là khá xa vời.
Trong khoảng thời gian đầu nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos đã có những dấu hiệu cho thấy những chính sách giữa các cường quốc và không chọn bên mặc cho những áp lực ngày càng gia tăng của Mỹ và Trung Quốc.
Thứ ba, vai trò của Nga trong chính sách ưu tiên điều hòa sức cạnh tranh ảnh hưởng hai cường quốc Mỹ -Trung của Philippines
Vào ngày 24/9/2023, để phản hồi Tổng thống Putin về những thỏa thuận hợp tác của 2 bên, Philippines đã nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác giữa hai nước mở rộng sang các lĩnh vực như kinh tế và đầu tư, nhưng cũng có cơ sở để phát triển hợp tác an ninh. Quan chức Philippines nhấn mạnh: “Vì vậy, tôi nghĩ cần phải thúc đẩy tất cả các lĩnh vực này tích cực hơn”[7]. Như vậy, phát ngôn này cho thấy, ông Marcos đang công khai ưu tiên hơn hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại và sẽ chỉ là cơ sở tốt cho những dự đinh hợp tác về mặt quân sự vì lợi ích phục hồi và phát triển của Philippines. Tuy nhiên nhìn ở khía cạnh khác, so sánh với cựu Tổng thống Duterte – người có xu hướng “tách rời” Mỹ một cách công khai khi đó ông mới có những chính sách để bù đắp bằng việc hợp tác sâu sắc hơn với Trung Quốc, cũng như mở ra những triển vọng mới với Nga. Chỉ mới từ tháng 6/2016, từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống Philippines, vấn đề liên minh với Nga, cả về quân sự lẫn quốc phòng, mới được đặt ra ngay sau khi Ông có kế hoạch xa rời đồng minh Mỹ, thậm chí có những phát ngôn ý định thay thế Mỹ bởi cường quốc này. Nhưng ngay khi chính thức lên cầm quyền, ông Marcos lại có xu hướng cân bằng hơn các mối quan hệ giữa các cường quốc và một lần nữa khẳng đinh phát ngôn của ông Marcos vào thời điểm nhận chức: “Bất kể các siêu cường có đang cố gắng làm gì, chúng ta vẫn phải làm việc vì lợi ích của Philippines. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của nước khác. Chúng ta phải có chính sách đối ngoại của riêng mình”[8]. Như vậy có thể suy đoán rằng: mặc dù rất coi trọng cũng như có những mong muốn sự hợp tác lâu dài hơn đối với Nga, tuy nhiên ông cũng cho thấy rằng việc chọn bên hay thay thế sự hiện diện quân sự của Nga cho Mỹ như chính quyền của ông Duterte, dùng Nga làm “con bài” đe doạ Mỹ là điều khó xảy ra.
Mặc dù đang “vướng bận” với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và có phần suy yếu về sức mạnh, nhưng Nga, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 3 nước đang ở giữa cuộc cạnh tranh giành quyền lực toàn cầu và là “tam giác chiến lược” hay “ bộ 3 quyền lực” của thế giới. Trong giai đoạn này, Mỹ và Trung Quốc đang nổi lên và cạnh tranh nhau trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, kinh tế, đầu tư đến tranh giành ảnh hưởng ở các khu vực địa chính trị, trong đó có cả Đông Nam Á. Chính vì vậy việc ông Marcos cân nhắc sự hợp tác sâu rộng hơn với Nga như “con bài” chiến lược của Philippines trong việc thúc đẩy cân bằng “3 cạnh của tam giác” cũng như điều hòa hơn mối quan hệ gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi đó, Philippines có thể trở thành “ngư ông đắc lợi” trong cuộc tranh giành chiến lược của 3 cường quốc ở khu vực này và phần nào cho thấy mong muốn hợp tác với các bên vì sự phát triển hơn việc trở thành chiến trường cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ.
Đối với Trung Quốc, ngay từ đầu ông Marcos đã có những động thái mãnh liệt với chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và có những tuyên bố đanh thép về chủ quyền biển đảo của Philippines. Việc Manila đang tìm kiếm sự trợ giúp của Nga để nâng cấp khả năng phòng thủ và thậm chí phát triển các nguồn năng lượng ở Biển Đông đã đem lại cho Philippines “hàng rào” tiềm năng để chống lại sự xâm lấn chủ quyền, khả năng đe doạ của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc gia tăng mối quan hệ giữa Nga và Philippines, có thể sẽ giúp quốc gia này có thêm sức mạnh để ngăn chặn sự “hung hăng” của Trung Quốc” trên Biển Đông. Mặc dù Moscow đang được cho là liên minh với Trung Quốc, nhưng Nga vẫn còn đó những tham vọng với việc “xoay trục” về châu Á – địa bàn đang được “săn đón” bởi các cường quốc. Chính vì vậy, Philippines cũng có thể tận dụng các khoản đầu tư vào vũ khí và năng lượng của Nga để bảo vệ lợi ích của mình ở vùng biển tranh chấp trong bối cảnh chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Bằng cách tiếp cận với Nga, ông Marcos có thể củng cố vị thế của mình trước cả Mỹ và Trung Quốc.
Thứ tư, cuộc xung đột “Nga – Ukraine” chưa đến hồi kết và sự gia tăng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong giai đoạn tiếp theo
Ngày 24/02/2022, cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra và kéo dài cho tới thời điểm hiện tại. Cuộc xung đột đã và đang để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh và chính trị của thế giới. Phản ứng với chiến dịch quân sự của Matxcơva ở Ukraine và các nước phương Tây đã áp đặt lên Nga những biện pháp trừng phạt kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng được xem là nặng nề nhất trong lịch sử và chưa từng có tiền lệ. Tính đến cuối tháng 10/2022, Chính phủ Mỹ đã đưa ra khoảng 1.500 danh sách trừng phạt mới và 750 danh sách trừng phạt sửa đổi kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và có ít nhất 37 quốc gia đã tham gia liên minh trừng phạt Nga theo 5 cách gồm tài chính, thương mại, công nghệ, năng lượng và giới tinh hoa Nga[9]. Phương Tây và Mỹ dường như đang muốn cô lập Nga. Là một đồng minh của Mỹ liệu rằng ông Marcos có thận trọng trước Nga?
Vào ngày 05/10/2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Hoa Kỳ tại Joe Biden tại New York, cho biết đất nước của ông có thể cần phải chuyển sang Nga để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng cao, gây áp lực từ các đồng minh phương Tây buộc các nước phải xa lánh Moscow. Marcos nói thêm: “Chúng tôi có quan điểm rất cân bằng vì sự thật của vấn đề là chúng tôi có thể phải thỏa thuận với Nga về nhiên liệu, phân bón”. Philippines giống như nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn với lạm phát tăng vọt do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Và thời điểm hiện tại Philippine mặc dù là một đồng minh của Mỹ nhưng chưa áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga. Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ, ông Marcos đã một lần nữa cho thấy sự kiên quyết và nhất quán về chính sách cân bằng của mình, không vì quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ mà ông Marcos phải “chạy theo” Mỹ và các nước phương Tây, ngược lại tận dụng mối quan hệ có nhiều bước triển vọng giữa Nga và Philippines vì lợi ích và sự phát triển của quốc gia mình.
Triển vọng hợp tác song phương giữa Nga và Philippines
Ngày 05/4/2023, Đại sứ Nga tại Philippines Marat Pavlov cho biết Moskva và Manila tiếp tục có được sự hợp tác ở mức độ cao, vì Tổng thống Ferdinand Marcos vẫn thúc đẩy một “chính sách đối ngoại cân bằng”. Mặc dù, vào tháng 11/2022, nhà lãnh đạo Philippines cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine là “không thể chấp nhận được”[10] và kêu gọi cả hai bên theo đuổi các giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên Marcos nhấn mạnh Philippines là “bạn của tất cả và không có kẻ thù nào”. Clarita Carlos, Cố vấn An ninh Quốc gia do Marcos chỉ định, cho biết nước này sẽ giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến. Nếu như, Philippines dưới thời chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã không giữ thái độ trung lập và trong cuộc chiến, đã lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine, thời điểm đó ông cũng ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc chỉ trích mạnh mẽ Nga vì hành vi vi phạm nhân đạo ở Ukraine thì đối với ông Marcos, chính vì lối ngoại giao không chọn bên đã tạo ra những bước triển vọng mới cho chính mối quan hệ giữa Nga và Philippines. Đặc phái viên Nga cũng cho biết Moskva sàng tiếp tục hợp tác kỹ thuật quân sự với Manila. Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng”[11], đồng thời cho biết thêm rằng đã có một số yêu cầu liên quan đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng và hợp tác hòa bình hạt nhân. Như vậy có thể thấy rằng, cả Nga và Philippines đang có mối quan hệ hòa hảo với nhau. Đối với ông Marcos, do duy trì lập trường trung lập, vì vậy ông không hề có ý định “xa lánh” Nga như mong muốn của các nước Phương Tây hay đồng minh Mỹ mà tiếp tục có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực năng lượng. Đồng thời từ phía Nga, những quốc gia Đông Nam Á có thể là những đối tác tiềm năng khi nước này ngày càng bị áp đặt nhiều hơn những lệnh trừng phạt từ các nước Phương Tây cũng như chính sách xoay trục về châu Á nhiều hơn của ông Putin cho những tính toán tương lai./.
Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] The National Interest (2019), The new realignment between Russia and the Philippines, https://nationalinterest.org/feature/new-realignment-between-russia-and-philippines-90901, truy cập 28/9/2023
[2] Danh Tuyên (2016), ông Duterte tính mua vũ khí Nga, Trung Quốc thay của Mỹ, http://www.nguoiduatin.vn/ong-duterte-tinh-mua-vu-khi-nga-trung-quoc-thay-cua-my-a301476.html, Tạp chí điện tử Người đưa tin, truy cập 8/10/2023
[3] M.T – M.Q (2017), “Nga sẽ thay Mỹ tại Philippines”, An ninh thế giới, https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Nga-se-thay-My-tai-Philippines-i418713/, truy cập 28/9/2023
[4] Karen Lema (2017), “Russia offers Philippines arms and close friendship”, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-philippines-russia-military-idUSKBN14O19W, truy cập 28/9/2023
[5] Sputnik News (2023), Philippines tuyên bố mong muốn phát triển quan hệ nhiều cấp với Nga, https://sputniknews.vn/20230924/philippines-tuyen-bo-mong-muon-phat-trien-quan-he-nhieu-cap-voi-nga-25436240.html, Sputnik., truy cập 28/9/2023
[6] Sputnik News (2023), Philippines tuyên bố mong muốn phát triển quan hệ nhiều cấp với Nga, https://sputniknews.vn/20230924/philippines-tuyen-bo-mong-muon-phat-trien-quan-he-nhieu-cap-voi-nga-25436240.html., truy cập 28/9/2023
[7] Sputnik News (2023), Philippines tuyên bố mong muốn phát triển quan hệ nhiều cấp với Nga, https://sputniknews.vn/20230924/philippines-tuyen-bo-mong-muon-phat-trien-quan-he-nhieu-cap-voi-nga-25436240.html., truy cập 28/9/2023
[8] Derek Grossman (2022), “New Philippine President Marcos Is No Duterte on Foreign Policy”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-philippines-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/, truy cập 28/9/2023
[9] Bình An(2022), “Lệnh trừng phạt không tàn phá nước Nga như phương Tây hy vọng”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/lenh-trung-phat-khong-tan-pha-nuoc-nga-nhu-phuong-tay-hy-vong-2022120612352166.htm, truy cập cập 29/9/2023
[10] Syrah Vivien Inocencio, Marcos: Russia-Ukraine Ukraine war “unacceptable”, CNN Philippines, https://www.cnnphilippines.com/news/2022/11/19/Marcos-Russia-Ukraine-war–unacceptable-.html, truy cập 30/9/2023
[11] CNN Philippines (2022), Envoy: Russia “ready to cooperate” with PH PHon energy sources, https://www.cnnphilippines.com/news/2022/6/13/Marcos-Pavlov-Russia-PH-energy-sources.html, truy cập 01/10/2023